Giới thiệu và chú dịch: Nguyễn Hiến Lê
Lời thưa trước

PHẦN NHẤT: TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM
CHƯƠNG I: Thời đại và đời sống
Thời đại
Đời sống
CHƯƠNG II: Tác phẩm
Xuất hiện từ thời nào?
Nội thiên
Ngoại và thiên và Tạp thiên
CHƯƠNG III: Văn bộ Trang tử
Ưu điểm
Nhược điểm
Một số nhà chú giải
Cách đọc Trang tử
CHƯƠNG IV: Học thuyết của Trang
Uyên nguyên từ đâu?
Vũ trụ luận và căn bản luận
Tri thức luận
Chính trị luận
Nhân sinh quan
KẾT
PHẦN NHÌ: NỘI THIÊN
Chúng tôi dịch ra sao
CHƯƠNG I: Tiêu dao du
Nhận định
CHƯƠNG II: Tề vật luận
Nhận định
CHƯƠNG III: Dưỡng sinh chủ
Nhận định
CHƯƠNG IV: Nhân gian thế
Nhận định
CHƯƠNG V: Đức sung phù
Nhận định
CHƯƠNG VI: Đại tôn sư
Nhận định
CHƯƠNG VII: Ứng đế vương
Nhận định
PHẦN BA: NGOẠI THIÊN
CHƯƠNG VIII: Biền mẫu
CHƯƠNG IX: Mã đề
CHƯƠNG X: Khư khiếp
CHƯƠNG XI: Tại hựu
Nhận định về bốn chương
CHƯƠNG XII: Thiên địa
CHƯƠNG XIII: Thiên đạo
CHƯƠNG XIV: Thiện vận
Nhận định về ba chương
CHƯƠNG XV: Khắc ý
CHƯƠNG XVI: Thiện tính
Nhận định về hai chương
CHƯƠNG XVII: Thu thuỷ
Nhận định
CHƯƠNG XVIII: Chí lạc
Nhận định
CHƯƠNG XIX: Đạt sinh
CHƯƠNG XX: Sơn mộc
Nhận định về hai chương
CHƯƠNG XXI: Điền Tử Phương
Nhận định
CHƯƠNG XXII: Trí Bắc du
PHẦN TƯ: TẠP THIÊN
CHƯƠNG XXIII: Canh Tang Sở
Nhận định về hai chương
CHƯƠNG XXIV: Từ Vô Quỉ
CHƯƠNG XXV: Tắc Dương
Nhận định
CHƯƠNG XXVI: Ngoại vật
Nhận định
 
CHƯƠNG XXVII: Ngụ ngôn
CHƯƠNG XXVIII: Nhượng vương
Nhận định
CHƯƠNG XXIX: Đạo Chích
Nhận định
CHƯƠNG XXX: Thuyết kiếm
Nhận định
CHƯƠNG XXXI: Ngư phủ
Nhận định
CHƯƠNG XXXII: Liệt Ngự Khấu
Nhận định về hai chương
CHƯƠNG XXXIII
Nhận định
 
Phụ lục: Những biến cố lớn xảy ra trong đời Trang tử
 Vài lời thưa trước
Trước ngày 30-04-1975, cụ Nguyễn Hiến Lê đã có một trăm tác phẩm được xuất bản và mười tác phẩm khác chưa in: Tôi tập viết tiếng Việt, Đời nghệ sĩ, Con đường thiên lí, Một mùa hè vắng bóng chim, Những quần đảo thần tiên, Gogol, Tourguéniev, Tchékhov, Lịch sử văn minh Trung Quốc, Trang tử. Mười tác phẩm đó được cụ đã giới thiệu sơ lược trong Hồi kí (Phần VI: Từ ngày giải phóng (1975-81), chương XXXIII: Lại tiếp tục viết, mục Sửa lại bản thảo chưa in); riêng cuốn Trang tử cụ viết như sau:
“Trang tử có địa vị rất lớn trong lịch sử tư tưởng Trung Quốc, ngang với Mạnh tử, hơn Tuân tử, hơn cả Mặc tử nữa. Nhờ ông một phần lớn mà tư tưởng của Lão tử mới được phổ biến mạnh: chỉ giới trí thức mới quí những cách ngôn trong Đạo Đức kinh, còn giới bình dân thì ai cũng biết ít nhiều những ngụ ngôn của Trang tử. Tên ông gắn liền với tên của Lão tử và cả hai có công làm cho dân tộc Trung Hoa bớt thực tiễn, yêu thiên nhiên, tự do hơn, khoan dung hơn, khoáng đạt hơn… thơ văn cũng như hội hoạ từ Lục triều trở đi, nhất là dưới đời Tống đều mang dấu vết của Trang[1].
Ở nước ta ông Nguyễn Duy Cần đã giới thiệu học thuyết của Trang, nhưng chỉ dịch ít chương trong Nội thiên, Nội thiên và Tạp thiên[2]; lại không đặt chân nguỵ của những thiên đó, cho nên cho nên gán cho ông vài tư tưởng không thực của ông. Ông nhằm mục đích phổ thông hơn khảo cứu.
Người đầu tiên nêu ra vấn đề chân nguỵ trong bộ Trang tử (cũng có tên là Nam Hoa Kinh[3]) là Tô Đông Pha đời Tống. Sau ông, số học giả nghi ngờ sự nguỵ tác trong Trang tử càng ngày càng nhiều. Đại khái ngày nay ai cũng nhận rằng Nội thiên là của Trang tử (trừ một số bài), còn Nội thiên và Tạp thiên là của người đời sau.
Tôi kiếm được năm bản Trang tử, quan trọng nhất là Trang tử toản tiên của Tiền Mục, Tân dịch Trang tử độc bản của Hoàng Cẩm Hoành (1974) và L’œuvre complète de Tchouang-tseu của Liou Kia - hway (1969); dịch tất cả các chương trong Nội thiên, Nội thiên, Tạp thiên, không bỏ một bài nào; cuối mỗi chương đưa ra nhận định của các học giả gần đây, và một số nhận định của tôi về chân, nguỵ; nếu là nguỵ tác thì người viết thuộc về phái nào: chẳng hạn phái quá khích của Lão giáo, phái ôn hoà của Lão giáo, phái theo Trang, phái theo Khổng, phái theo Đạo gia (tu tiên) hay Pháp gia…
Tôi chỉ dùng những chương chắc chắn của Trang để phân tích tư tưởng của Trang, rán không gán cho Trang những tư tưởng của người sau. Cuối cùng tôi chỉ cách nên đọc Trang ra sao.
Tác phẩm khá dày: trên 500 trang (riêng phần giới thiệu trên 300 trang)[4]. Và có thể coi là công trình đầy đủ nhất về Trang tử từ trước tới nay, tiếc là chưa in được” (Hồi kí Nguyễn Hiến Lê, Nxb Văn học, 1993, trang 537-538).
Tuy bảo là “dịch tất cả các chương trong Nội thiên, Nội thiên, Tạp thiên, không bỏ một bài nào”, điều này cũng được nói đến trong lời giới thiệu ngắn ở đầu bộ Trang tử; nhưng vì trong Ngoại thiên và Tạp thiên có nhiều bài chép từ bộ Liệt tử và Dương tử (cụ gọi tắt là Liệt tử) mà cụ đã chú dịch và cho xuất bản trước 1975, nên các bài tương ứng trong bộ Trang tử này, cụ đã lược bỏ, không chép lại, như: Đạt sinh 3, Đạt sinh 9, Sơn mộc 9, Trí Bắc du 4, Từ Vô Quỉ 7, Ngụ ngôn 7, Nhượng vương 6. Ngược lại, có bài cụ không dịch trong Liệt tử lại được cụ dịch trong bộ Trang tử như truyện người say rượu té xe trong bài Đạt sinh 2, truyện luyện gà đá trong bài Đạt sinh 8... Như vậy, người đọc muốn đọc được các bài hoặc các đoạn bị lược bỏ trong bộ này thì phải tìm trong bộ kia và ngược lại. Cũng có bài, như bài Liệt Ngự Khấu 1, cụ đã dịch trong Liệt tử nhưng ở đây cụ “dịch lại để sửa vài chữ”.
Về việc dịch lại, tuy cụ Nguyễn Hiến Lê không nói ra, nhưng tôi thấy có nhiều câu trong bộ Trang tử này không giống với những câu tương ứng đã được cụ và cụ Giản Chi dịch trong bộ Đại cương triết học Trung Quốc (ĐCTHTQ) từ năm 1962-63[5]. Ví dụ hai câu: “Sát sinh dã bất tử. Sinh sinh giả bất sinh”, trong ĐCTHTQ dịch là: “Cái giết được cái sống thì cái đó không chết. Cái sinh ra được cái sinh ra thì cái đó chính nó không từ đâu sinh ra” (bản của Nxb Thanh Niên, 1994, Tập 1, trang 181), trong Trang tử (bài Đại Tôn sư 2) dịch là: Bậc chủ tể giết sinh mệnh thì không chết, bậc đó sinh ra sinh mệnh mà cũng lại không sinh (nghĩa là không có cái gì sinh ra cả)”. Một ví dụ khác, câu “Chiêu ư minh minh, hữu luân sinh ư vô hình”, sách trước dịch là: “Cái sáng láng sinh ra từ cái mịt mờ, cái có loại (tức vật hữu hình) sinh ra từ cái vô hình” (Sđd, Tập 1, trang 183); sách sau dịch là: “Cái sáng sủa phát sinh từ cái tối tăm; cái hữu hình phát sinh từ cái vô hình” (Trí Bắc du 5).
Nhờ soạn bộ ĐCTHTQ mà cụ Nguyễn Hiến Lê đã “nhân cái đà đó tiến sâu thêm về Trung triết… mà viết được trên mười cuốn nữa”, trong đó có bộ Trang tử này.  
Trong Trang tử, phần Nội thiên, Ngoại thiên và Tạp thiên, cụ Nguyễn Hiến Lê không chép nguyên tác chữ Hán lẫn phiên âm; và trong phần chú thích, cụ cho biết: “nếu thấy cần, sẽ chép thêm nguyên văn phiên âm (chứ không có chữ Hán vì công việc ấn loát lúc này khó khăn và tốn kém)”[6]. Do không có chữ Hán, nên trong quá trình gõ, khi gặp những chỗ ngờ in sai, hoặc có sự khác biệt với bản Nguyễn Duy Cần, tôi phải tra cứu các trang web chữ Hán để, nếu sai thì ghi thêm vào chú thích, và nếu thấy cần tôi chép thêm chữ Hán vào để chúng ta cùng tham khảo.
Ngoài ra, tôi còn chép thêm:
Phụ lục I: Những biến cố lớn xảy ra trong đời Trang tử.
Phụ lục II: Các bài trong bộ Liệt tử tương ứng với các cụ Nguyễn Hiến Lê lược bỏ, không dịch lại trong bộ Trang tử.
Trong thời gian chỉnh sửa và bổ sung chữ Hán cho bản đánh máy tác phẩm Trang Tử - Nam Hoa Kinh (Phần Thượng) của Nguyễn Duy Cần (bản đánh máy do bạn Fatman1702 cung cấp); và thực hiện ebook Trang tử và Nam Hoa kinh của Nguyễn Hiến Lê này, bác Vvn đã nhiệt tình giải đáp giúp tôi rất nhiều nghi vấn; một phần nhỏ những giải đáp đó, tôi có ghi lại trong chú thích. Ngoài ra, bác Vvn còn giúp tôi sửa lỗi ebook này nữa. Xin chân thành cảm ơn bác Vvn.
Nhờ sửa lỗi, rồi sau đó bổ sung phần chữ Hán cho bản đánh máy do bạn Fatman1702 cung cấp như đã nói ở trên, tôi mới có dịp đọc lại cuốn Trang tử của Nguyễn Hiến Lê mà tôi đã đọc từ năm 1996; và nhân đó tôi gõ phần I: Nội thiên để chúng ta có thể so sánh hai bản dịch của hai cụ Nguyễn, mà theo lời cụ Nguyễn Hiến Lê thì: “Trước chúng tôi đã có hai bản Tuyển dịch Trang tử (tức một của Nhượng Tống và một của Nguyễn Duy Cần). Sau chúng tôi chắc sẽ còn nhiều người dịch nữa, mà bản dịch nào cũng sẽ có nhiều chỗ không giống các bản khác… Tôi mong độc giả hiểu cho lẽ đó mà coi bản của chúng tôi may mắn lắm là có giá trị ngang các bản khác thôi”. Ban đầu tôi chỉ mong gõ xong phần I thôi, nhưng rồi lần hồi tôi cũng gõ được trọn bộ Trang tử của cụ Nguyễn Hiến Lê. Xin cảm ơn bạn Fatman1702; và xin hân hạnh được chia sẻ cùng các bạn ebook này.
Goldfish – Mùa hè 2009
Chú thích:
[1] Cũng trong Hồi kí, cụ cho biết thêm: “Có thể như Lâm Ngữ Đường nói, nhờ Lão Trang dân tộc Trung Hoa tuy nghèo khổ mà vẫn yêu đời, tinh thần được quân bình không thác loạn như người Âu giàu gắp 10, gắp 100 họ”. [Goldfish].
[2] Trong bộ Trang tử - Nam Hoa kinh gồm hai tập (về sau gọi tắt là bản Nguyễn Duy Cần), cụ Nguyễn Duy Cần chỉ dịch 6 thiên trong Nội thiên (bỏ thiên Nhân gian thế), còn Ngoại thiên và Tạp thiên cụ chỉ “trích yếu” mà thôi. Ngoài bộ đó, cụ còn có cuốn Trang tử tinh hoa. [Goldfish].
[3] Có người cho rằng: theo Từ điển Thành ngữ Trung Quốc thì Nam Hoa là tên một hòn núi ở Tào Châu thuộc nước Tống thời xưa. Tương truyền rằng, khi Trang Tử đến ở ẩn nơi chân núi Nam Hoa, ông đem hết tinh hoa của Đạo giáo của Lão Tử viết thành bộ sách, lấy tên núi Nam Hoa mà đặt, gọi là Nam Hoa kinh, đời sau người ta gọi là "sách Trang Tử". [Goldfish].
[4] Bản của Nxb Văn hoá - Thông tin năm, 1994: khoảng 560 trang, phần Giới thiệu tác giả và tác phẩm khoảng 130 trang. [Goldfish]
[5] Bộ này gồm 2 quyển, do nhà Cảo Thơm xuất bản: quyển Thượng in năm 1965, quyển Hạ in năm 1966. Bản của nhà Thanh Niên xuất bản in Quí 3 năm 1994, cũng gồm 2 quyển, gọi lại Tập 1 và Tập 2. [Goldfish]
[6] Trong sách chỉ có 3 chữ Hán: Hưu 休, Mộc 木, Mạc 莫 in trong Phần I, tiểu mục Đời sống (của Trang tử) [Goldfish].