Giới thiệu và chú dịch: Nguyễn Hiến Lê
KẾT

- Trang tử chịu ảnh hưởng của Dương tử, Lão tử, Liệt tử nhưng có điểm khác với ba nhà đó. Nhân sinh quan của Trang giống của Dương, nhưng Dương vị ngã, Trang vô ngã, coi mình và vạn vật là một. Về vũ trụ luận, tri thức luận và chính trị luận, Trang mượn tư tưởng của Lão, nhưng khi tiếp xúc với người khác, Lão trọng đức khiêm nhu, Trang chủ trương thuận thiên tính. Trang theo Liệt ở hai điểm tề vật và hoà đồng với vạn vật, nhưng Liệt quí “hư” mà Trang quí tự do.
 
Cả bốn nhà đều là ẩn sĩ, nhưng Dương là một nhà hưởng thụ, Lão là một nhà tư tưởng lớn, Liệt có vẻ một nhà tu hành[1], Trang là một nghệ sĩ. Ba chương Tiêu dao du, Tề vật luận, Dưỡng sinh chủ là phần cống hiến quan trọng của Trang cả trong triết học sử lẫn văn học sử Trung Quốc.
 
- Học thuyết của Trang có tiêu cực không? Có mà không. Khi ông chủ trương bỏ nhân nghĩa, lễ nghi, trí tuệ, nhất là ông tin số mạng tới mức phủ nhận ý chí tự do của con người thì ông quả là tiêu cực. Nhưng khi ông khuyên ta tu luyện để khỏi bị luỵ vì ngoại vật, khuyên ta tự chủ trong cách dưỡng sinh, xử thế, thì ông lại tích cực.
 
- Có phản tiến hoá không? Chúng ta cho tiến hoá là từ xã hội du mục chuyển qua xã hội nông nghiệp, rồi xã hội kĩ nghệ, hậu kĩ nghệ, và chúng ta có lí: lái một chiếc xe hơi vượt một trăm cây số một giờ nhất định là tiến bộ hơn nằm trong cái cáng bắt hai người đồng loại của ta khiêng, mồ hôi nhễ nhại dưới ánh nắng để tiến được bốn cây số một giờ. Nhưng chúng ta cũng không thể bảo là Trang tử vô lí khi ông cho tiến bộ là sống đời bình dị, tự do, hợp với thiên nhiên, coi mọi người bình đẳng với mình, hơn nữa hoà đồng với họ, không đả kích, không đâm chém nhau, không ức hiếp lẫn nhau, bóc lột nhau.
 
- Trang muốn cứu cái tệ của một xã hội loạn lạc, tàn bạo, bất quân nên có thái độ cực đoan. Thuyết thiên nhiên hoàn hảo rồi, con người cứ thuận thiên nhiên, đừng nên sửa đổi thiên nhiên, tất nhiên là không luôn luôn đúng; mà tư tưởng chính trị của ông (bỏ pháp luật, lễ nghi, bỏ trí xảo, công nghệ, thương mại) cũng không thực hiện được – chúng ta không thể ngược dòng lịch sử mà trở về xã hội nguyên thuỷ. Trang cũng như Lão, không muốn làm chính trị, một phần vì muốn được tự do, tiêu dao, một phần cũng vì ông nghĩ rằng tư tưởng của ông không thể nào áp dụng được dù có gặp một ông vua hoàn toàn tin ông nữa, như Đằng Văn Công tin Mạnh tử.
 
- Sự cống hiến của Trang về nhân sinh quan đáng kể hơn cả; nhưng ngay cả phần này, tư tưởng của ông chỉ kì đặc, có khi thâm thuý chứ thực ra không phong phú, so với Tuân tử chẳng hạn thì kém xa. Vì Trang chủ trương vô vi và vô ngôn, nên có gì đâu mà nói nhiều.
 
- Tuy nhiên địa vị của ông rất lớn trong lịch sử tư tưởng Trung Quốc, ngang với Mạnh tử, hơn Tuân tử, hơn cả Mặc tử nữa. Nhờ ông một phần lớn mà tư tưởng của Lão tử mới được phổ biến mạnh: chỉ giới trí thức mới quí những cách ngôn trong Đạo Đức kinh, còn giới bình dân thì ai cũng biết ít nhiều những  ngụ ngôn của Trang tử. Do đó tên ông gắn liền với tên của Lão tử và cả hai có công làm cho dân tộc Trung Hoa bớt thực tế, yêu thiên nhiên hơn, khoan dung, khoáng đạt hơn, yêu tự do và bình đẳng. Không một triết gia nào kể cả Lão tử đề cao tự do và bình đẳng một cách sâu sắc và nghệ thuật của Trang trong hai bài bất hủ Tiêu dao du và Tề vật luận; vì vậy mà nhiều nhà thích Trang hơn Lão và thơ văn cùng hội hoạ của Trung Hoa từ đời Lục triều trở đi, nhất là dưới đời Tống đều mang dấu vết của Trang ngang với Lão. Không có Lão, Trang, chỉ có Khổng, Mạnh thì dân tộc Trung Hoa không khác dân tộc La Mã thời thượng cổ bao nhiêu.
 
Thực vậy, chúng ta không thấy làm lạ rằng, sau một thế kĩ phát triển hỗn độn về kĩ nghệ, ngày nay các dân tộc thừa hưởng văn minh Hi La, muốn tìm hiểu Lão, Trang: chẳng những bọn híp-pi thích đọc Đạo Đức kinh mà ngay một số nhà khoa học của họ như Victor C. Ferkiss trong cuốn Technological Man (Victor C. Ferkiss 1969), Lynton K. Caldwell trong cuốn In defense of Earth (India University Press 1972) cũng đề nghị trở về đời sống thiên nhiên như Lão Trang nữa.
Chú thích:
[1] Tôi đoán như vậy vì căn cứ vào đời Liệt tử, và vào đoạn cuối bài VII.5: “Liệt tử ba năm không ra khỏi cửa... không quan tâm tới việc đời, tự rèn luyện để khôi phục tính chân phác... giữ được sự hư tĩnh cho tới hết đời”.