Phần I

Không nghiên cứu thái độ, Toàn tự nhiên mà hành động đúng theo lẽ phải. Công việc đầu tiên từ ba ngày nay là làm quen lại với cuộc sống mà chàng đã ở ngoài lề non ba năm rồi.
Chàng đã đi xem Saigon như người nhà quê mới lên tỉnh, đã qua tất cả các khu phố từ xóm Labbé bê bối đến xóm "cao nguyên" quí phái, và đường Tự Do là nơi mà chàng thám hiểm sau cùng hết, vào sáng hôm nay.
Phố nầy đại khái không có gì thay đổi trừ gương mặt của công viên trước Quốc Hội. Quả các "ba" được mở thêm khá nhiều, nhưng những quán rượu ấy, ban ngày, không hề biến bóng dáng của con phố cho khác đi.
Có một điều mới lạ nho nhỏ, khó thấy nhưng rất quan trọng: đó là máy điện thoại công cộng đặt ngoài phố.
Toàn dừng chơn lại trước một "quán" điện thoại, nhìn qua và thấy rằng không tiện dùng lắm.
Toàn nghĩ thế vì thoạt tiên, chàng định gọi một người bạn cũ để xin tiền. Chàng đã xin tiền nhiều thằng rồi, trừ thằng nầy, vì nó dọn nhà đi đâu mất, mà chàng thì không dám đến ngay sở của nó, sợ nó xấu hổ với làng nước.
Trước kia, họ rất thân nhau, mặc dầu không làm chung sở và anh Mục ấy có tánh chung thủy lắm!
Đứng tần ngần giây lâu, Toàn cả quyết sử dụng điện thoại của phòng nầy. Chàng vào lấy "dơ tông" mở cửa kiếng rồi quay gọi con số mà chàng không thể quên vì đó là số điện thoại của buồng giấy của một người bạn thân mà trước kia chàng gọi ngày hai ba bận, vì tổng số của những con số trong ấy là 9.
Đó là số 20.133.
Mục rất tin dị đoan. Sắm xe, hắn cũng chạy chọt xin cho được một con số mà hắn gọi là hên, số gì cũng được, miễn các con số cộng lại ra chín là hắn sung sướng như trúng độc đắc.
Nhìn xe qua lại, xe nào mang số chẳng hạn như EA 343, N.B.L 622, hắn lắc đầu nói:
- Bù trớt!
Và có vẻ thương hại chủ xe lắm vì hắn tin chắc như đinh đóng rằng chủ xe sớm muộn gì cũng sạt nghiệp, hoặc sắp đụng vào gốc cây gãy giò, nát óc nay mai gì đây.
Hôm nay là ngày mùng năm, lại là thứ sáu mười ba dương lịch, bị bạn cũ xin tiền, chắc hắn sẵn lòng bố thì vì hắn sẽ nghĩ rằng ngày xấu mà bị xin tiền là cái rủi ro dễ chịu nhứt có thể cứu hắn thoát nhiều tai họa khác.
- A lô! Có phải hảng Xucamêcô đó không ạ?
- Phải, ông muốn nói chuyện với ai?
Hễ gọi điện thoại thì luôn luôn Toàn dùng giọng Bắc để được nói cái tiếng "ạ" cuối câu, nó có vẻ lễ độ, nhún nhường mà chàng thích lắm.
Riêng hôm nay, chàng rất mích lòng trước câu đối thoại không được nhã của cô điện thoại viên. Tuy nhiên, bị xúc động thình lình lúc nghe giọng nói của cô ấy ở bên kia đầu dây, chàng quên mất sự khó chịu nơi chàng...
Đó là một giọng rất quen thuộc, hơn thế, một giọng thân yêu, tuy chỉ thân yêu có một chiều hướng thôi.
- Thưa cô, tôi xin nói chuyện với ông Mục, chủ sự phòng Khai thác.
- Ông Mục đã đi Hậu giang từ ba ngày nay.
- Vậy à? Cám ơn cô. À nầy, cô ơi khoan cúp đã!
- Chi nữa đó ông?
- Xin lỗi cô, hình như là tôi đã quen với cô.
Cô điện thoại viên cười rất dòn đáp:
- Rất có thể. Nhưng nếu đó là lời bắt đầu tán tỉnh, thì tôi nói rằng lối bắt đầu ấy đã xưa lắm rồi.
- Xưa chừng mấy ngàn năm, thưa cô?
- Chừng mười năm thôi.
- Tức là họ đã dùng hồi tôi mười sáu. Năm mười sáu tôi chưa biết dùng thì... cũ người mới ta vậy.
- Ông không được vô lễ, tôi nói cho ông biết. Đừng có núp sau bức màn nặc danh của điện thoại để mà...
- Cô Thúy ơi, cô mắng tôi chi nặng nề lắm thế?
Im lặng mấy mươi giây. Toàn hình dung ra một gương mặt kinh ngạc, kinh ngạc vì bị nhận diện
- nói nhận giọng thì đúng hơn
- bị nhận diện mà chính mình không nhận ra người nhận diện mình, hắn bỗng có vẻ một kẻ vô hình rất đáng sợ.
- A lô! Cô Thúy còn đó hả?
Tiếng đáp rất khẽ và có vẻ mệt nhọc của một buồng phổi vừa phải thở mạnh và thở nhiều:
- Ông là ai?
- Toàn đây cô Thúy à!
- Toàn? Toàn nào?
- Toàn của hãng địa ốc "Sàigòn Tổ ấm" cách đây ba năm đó mà!
- À, anh Toàn.
- Lâu quá mới gặp cô. Cô vẫn mạnh?
- Cám ơn anh. Anh cũng mạnh chớ? Thế nào, đã có gia đình chưa? Hiện anh làm ở đâu mà kêu đến đây?
Thúy vẫn đon đả hỏi thăm rối rít, nhưng giọng nàng không hết mệt nhọc mà có phần còn mệt nhọc hơn nữa. Toàn đã đoán thấy nàng thở hổn hển, giờ chàng nghe được cái nghẹn ngào cố nén trong giọng nói của nàng.
- Tôi sung sướng lắm, cô Thúy ơi, mà được cô nói chuyện với, khá nhiều như thế nầy.
Chàng gián tiếp nhắc đến chuyện ngày xưa, thuở hai người cùng làm chung một sở, cả hai cùng mới vào đời, chàng hăm ba nàng mười chín, đồng nghiệp với nhau, mà Thúy khinh khỉnh xem chàng như kẻ dưới tay.
Chàng vô tình mà ám chỉ như thế, và chợt thấy mình đã ác, đã vụng về nên vội gỡ tội:
- Cô Thúy ơi, còn cô, đã có đôi bạn rồi chớ?
- Đã. Cám ơn anh.
Người ta đã nói đến hai tiếng "ăn ảnh" từ nhiều năm nay rồi và bắt đầu nói đến mấy tiếng "ăn máy vi âm". Nhưng người ta quên tánh cách "ăn điện thoại" của nhiều giọng nói.
Giọng của Thúy là giọng "ăn điện thoại" ấy.
Giọng của nàng vốn ở ngoài vừa trong vừa ấm, khi mà không thấy mặt người, giọng đẹp ấy giúp người ta thưởng thức nhiều hơn lên, người nghe giống hệt kẻ mù lòa thu nhận rất tinh tế các thứ âm thanh.
Toàn đã mê cái giọng đó, đã si con người ở bên kia đầu dây và sau mấy năm vắng mặt, chàng thình lình bắt gặp lại người ấy, không thay đổi chút nào
- ít ra cũng ở phương diện đó
- "Chắc nàng vẫn trẻ đẹp y như ngày nào". Toàn nghĩ.
Phải, Thúy phải còn trẻ đẹp. Sức khỏe của nàng dồi dào, nàng có tiền, biết trang điểm thì không thể già và xấu được.
Toàn thất vọng lắm. Không hiểu sao, chàng cứ yêu, người con gái đã coi rẻ chàng và cứ mơ hão nàng ở vậy cho đến ngày kia, phấn lợt hương phai, nàng sẽ bám níu vào một người đàn ông xoàng xoàng nào đó, có thể là chàng lắm. Chuyện tương lai xa ấy, chàng biết chắc rằng hiện giờ nó chưa xảy ra, vì nàng mới có hăm ba, nhưng vẫn cứ mong. Mong và tuyệt vọng khi hay rằng nàng đã có chồng.
- Trời!
Tiếng kêu than nầy, Toàn buộc mồm thốt ra, quên day mặt đi nơi khác, thành thử nó theo sợi dây thép nhỏ xíu, của đường điện thoại để chạy đến tai của Thúy.
- Trời, cái anh thợ ấy, đóng đinh mạnh tay quá, không nghe gì được hết!
Mặc dầu Toàn đã lanh trí, mau miệng, vội chữa lời kêu than cụt ngũn mà rất đau thương của chàng thành ra một câu phàn nàn anh thợ vô tình nào đó, Thúy vẫn hiểu được tình cảm của người bên kia đầu dây.
Nàng không thích Toàn, nhưng thương xót hắn quá, an ủi bằng một cử chỉ đẹp:
- Sáng chúa nhựt, mời anh đến nhà chơi.
- Vâng, cám ơn cô.
Thúy mời bậy một tiếng như vậy cho đỡ tội nghiệp người thanh niên không có gì đặc biệt cho nàng phải lưu tâm đến, mời xong, nàng hối hận ngay, sợ hắn nhận lời thì phiền.
Nhưng hắn chỉ nói cám ơn, rồi nín thinh luôn mà không hỏi địa chỉ, nàng đợi mấy mươi giây thì hiểu rõ nghĩa của hai tiếng cám ơn đó. Đó là lối nhận bậy rồi thôi, cũng như nàng đã mời bậy cho qua đường.
Tự ái của Thúy bị va chạm mạnh quá. Nàng tức và biết không làm gì người ở bên kia đầu dây, nên chỉ còn biết xuống nước, mời hắn cho kỳ được, cho đỡ xấu hổ với chính mình.
- Anh nhận lời chớ?
- Ơ...vâng, rất hân hạnh mà được cô tiếp!
- Đừng khách sáo. Vậy mấy giờ?
- Dạ chín giờ.
- Ô. Kê. Anh có bút chì đó không?
- Có.
- Vậy ghi địa chỉ đi: 399.178 F đường Bàn cờ.
- Bàn cờ, nhưng đường nào cô Thúy?
- TÔI NÓI ĐƯỜNG BÀN-CỜ. Đó là một con đường không tên, đi song song với đường Nguyễn Thiện Thuật mà dân chúng gọi là đường Bàn-Cờ. Anh cứ hỏi tài xế tắc xi là họ đưa tới nơi.
Toàn nghe Thúy móc máy nói lại, kêu một cái cụp mau lẹ quá, chàng không kịp hỏi thăm gì thêm.
Chàng rất khó nghĩ về cuộc thăm viếng ba hôm nữa đây. Thúy đã lấy chồng, chàng thật không có lý do để gặp lại nàng.
Tệ hơn thế, lối đối xử của nàng với chàng khi nãy, sự móc máy nói một cách vùng vằng, thật là không khác sự thờ ơ, sự khinh bạc ngày xưa chút nào cả.
Nhưng đã trót nhận lời thì...
Rời phòng điện thoại, chàng rẽ tay trái nơi góc La Pagode để lại Kho Tiết kiệm Đô thành hỏi xem chàng còn được đồng xu nào trong đó hay không.
Ba hôm rồi, chàng chỉ tiêu xài bằng tiền bố thí của bạn hữu, quên mất rằng mình có chương mục ở Kho Tiết kiệm.
Chắc cũng không còn đồng nào. Chàng đã rút tiền ra để làm bảnh với Thúy một cách trèo đèo, thật là buồn cười, rút nhiều lắm, đối với của cải của chàng mà cũng chỉ sắm nổi một chiếc Vết Ba khổ mà chàng không có can đảm mời Thúy cùng đi lần nào cả.
Thúy là con của một thương gia sắp lên. Ông ấy quyết biến vợ con thành phụ nữ "mông đen" một cách tốc hành. Ông nhà giàu mới nào lại không thế, nên ngay từ lúc nàng mới mười sáu, đã bỏ văn hóa để học dương cầm, học khiêu vũ, học xã giao, học hai ba thứ ngoại ngữ cùng một lúc, học lái xe, tập vài môn thể thao sa lông vân... vân...
Đùng một cái năm ấy ông ta xuống đột ngột hết sức, bị khánh tận và suýt vào tù vì một ngân phiếu không tiền bảo chứng. Thúy phải đi làm, chỉ làm thư ký đánh máy lương tháng ngàn rưỡi thôi cho hãng "Địa ốc Tổ ấm" mà chủ nhơn ngày xưa là cai phu của ông ta, nên mới vì tình cũ, nhận Thúy.
Nhưng Thúy vẫn sang y như hồi còn là tiểu thơ, vì đã trót trèo cao, không thể xuống được.
Lúc đi làm, nàng còn đầy đủ tham vọng của những ngày ngồi đánh dương cầm trong biệt thự nhà và nhứt là cố giữ đầy đủ phong độ của những ngày ấy.
Các bạn đồng sở khác của nàng đều biết thân, thủ phận gối rơm, chỉ có cái anh thủ quỹ tầm khùng Toàn là dám cả gan si nàng thôi.
Nhớ lại sự thờ ơ, lãnh đạm, hơn thế, thái độ kiêu hãnh của Thúy đối với chàng năm ấy, Toàn đau xót quá, và sự căm hận bị đè nén, giờ lừng 1ên, lừng lên không phải để xui chàng trả thù mà để ràng buộc chàng thêm với kẻ mà chàng căm hận.
Ấy, có một điểm tâm lý rất kỳ dị đó nơi lòng người. Họ có thể gắn bó hơn với người mà họ yêu nhưng không được, gắn bó chỉ vì bị hất hủi, càng bị hất hủi, càng gắn bó chặt chẽ.
Trong trường hợp của chàng với Thúy, sự gắn bó nầy được tăng cường gấp hai vì chàng đã là nạn nhân của Thúy, đã vào tù vì Thúy.
Không, Thúy không hề gián tiếp hay trực tiếp hại chàng, nhưng chàng vẫn mang hại vì Thúy.
Số là ông chủ hãng địa ốc ấy có một người em họ du học ở Âu-Châu mới về, đến tìm mua một biệt thự và gặp Thúy.
Người thanh niên ấy đẹp trai vô cùng, giàu có và rất nhiều tương lai. Nghề nghiệp của ông ấy lại làm cho Thúy mê chết đi: ông ta học nghề điện ảnh và định sản xuất phím.
Thúy không lên được trong xã hội nhờ của phụ ấm, toan lên bằng đường nghệ thuật. Nàng đã học ca hát, nhưng không thành công, nàng buồn lắm. Gặp cái ông sản xuất phim tương lai ấy, nàng thấy ngay rằng đó là nẻo tiến thân của nàng.
Hắn không phải nhọc một tí công nào mà cũng chinh phục được Thúy mà chàng xem là một thành trì kiên cố quá sức tấn công của chàng.
Khi nghe phong phanh Thúy sắp thôi việc để theo về với ông ấy, chàng quýnh lên ngỡ mình còn có thể cứu vãn tình thế và đã làm một chuyện hết sức điên rồ: chàng thụt kết.
Vâng, chàng ngỡ phải có tiền mới chinh phục Thúy được. Vâng, thì đúng như vậy. Nhưng số tiền chàng thụt có là bao đâu mà Thúy thì lại cần một triệu phú.
Trẻ tuổi còn khờ, chàng nóng mũi làm bậy vậy thôi. Mà có lẽ đó là một hình thức tự tử. Biết rằng phải vào tù mà cứ làm, tức là hủy mình một cách nhè nhẹ, quyên sinh mà không chết vậy.
Ngày ông chủ hãng phát giác vụ thụt kết của Toàn thì Thúy đã thôi việc hơn một tuần lễ rồi.
Toàn đã tới Kho Tiết Kiệm từ lâu rồi nhưng không vào vì bận nghĩ vơ vẩn trên vỉa hè.
Vụ thụt kết bị khám phá ngay, Toàn nhớ tiếp, và số tiền thụt kết chàng phải lòi trả ra hết.
Ăn cắp tiền để đi ăn xài với một ả bá vơ nào, tuy cũng điên, nhưng chỉ điên có bằng phân nửa cái điên của chàng, vì ít ra, kẻ ăn cắp như vậy cũng đã hưởng cái gì.
Thế nên nói rằng Toàn đã tự tử một cách kém can đảm, không phải là bịa chuyện đâu. Chàng thấy rằng đời chàng đã sụp đổ nên thay vì hủy mình, chỉ dám hủy hoại tương lai thôi.
Người thanh niên lạc hướng nầy đã tìm thấy tại lòng tin trong khám đường, yêu lại cuộc đời tốt đẹp mà chàng quyết chen vào để tái khởi hành. Nhưng vừa ra khỏi nơi đền tội có ba hôm thì sự tình cờ lại dắt chàng vào tình trường nguy hiểm.
Lâu lắm, Toàn mới bước vào trong hỏi thăm và quả chàng không còn tiền thật.
Trở ra vỉa hè, Toàn do dự chưa biết đi đâu. Hôm nay là thứ sáu. Ngủ hai đêm là đến ngày hẹn với Thúy.
Không thể mang chài, mang lưới như thế này để đến nhà nàng. Phải về bỏ giặt tốc hành hăm bốn tiếng một bộ y phục đã nằm trong va ly ở nhà trọ mà đợi chàng ngót ba năm, vàng hoe vì thời gian, y như bộ chàng đang mặc trên người hôm nay.
Nhưng mà... Có nên đến hay không? Thật là vô lý! Đến để làm gì mới được chớ?
Đừng hỏi tại sao rồi rốt cuộc chàng lại quyết định không sai hẹn. Chàng đã tự hỏi rồi mà không đáp được. Hay đáp được mà không muốn đáp vì những lý do thúc đẩy chàng, vừa lẩn lút, vừa phức tạp, phân tách ra mệt trí lắm.
Đừng hỏi gì hết, cũng như đừng hỏi tại sao mà chàng lại điên rồ đến đỗi thụt một món tiền không đủ sang một căn phố đẹp cho Thúy ở, chớ đừng nói chi tới việc trang hoàng căn phố ấy, tới việc cùng ăn xài về sau, nếu số đào hoa mà có chiếu mạng chàng đi nữa.
Đừng hỏi tại sao hết. Cuộc đời không phi lý đến như một phái triết lý đã quả quyết. Cái gì cũng có lý do của nó, không lộ lẫy thì sâu kín.
Nhưng con người không ưa nói rõ lý do của hành động của họ cho kẻ khác biết mà cho chính cả với họ, họ cũng không nói.
Toàn chỉ còn băn khoăn tự hỏi không biết Thúy đã "biết" hay không.
Thúy nó không bao giờ đọc báo mà vụ một anh thơ ký thụt kết cũng không phải là đầu đề câu chuyện trong giới của nó thì có thể là nó không hay gì cả.
Khổ ở chỗ đó. Chàng sợ từ đây đến ngày hẹn, rủi ro Thúy nghe ai kể chuyện chàng thì phiền. Chàng quên hỏi nó xem Mục chừng nào về. Nếu bạn chàng về sở sáng thứ bảy, thế nào Thúy cũng cho hắn biết cú điện thoại của chàng rồi có thể họ nói về chàng và sẽ lòi chành ra hết.
Nếu Thúy đã biết thì không sao cả. Nàng biết mà cứ dám mời chàng đến nhà, tức là không khinh chàng đã phạm tội. Xem ra Thúy không đạo đức lắm bề mặt ấy. Con một ông thương gia xem tù nợ, tù thụt kết hẳn phải thường. Huống chi chính ông bố nàng cũng đã suýt ngồi khám vì cái séc kia mà!
"Vái cho nó đã biết, hoặc không bao giờ biết cả, hay có biết cũng để gặp mặt nhau rồi nó hẳn biết. Nó biết bây giờ thật ngỡ ngàng, mà có thế nó sẽ đóng cửa không tiếp mình cũng nên.
"Nhưng tại sao nó lại tử tế với mình đến thế, mời mình đến nhà chơi, như mình là một người bạn cũ mà nó thích lắm?
"Hay nó đã già quá rồi, xấu xí quá rồi nên mới hạ mình chơi với kẻ dưới tay cho đỡ cô đơn cái phận không mong vói lên được nữa?
"Nhưng không! Nó đã lấy chồng rồi kia mà!
"Không, ta đừng hỏi tại sao mà nó thay đổi thái độ. Chưa chắc nó đã biết rõ 1ý do của một lời mời tùy hứng.
"Không biết nó còn đẹp như xưa hay chăng. Cái giọng thì y hệt giọng cô gái mười chín thuở nào.
"A, mà nó lấy ai? Chắc chắn không phải lấy anh sản xuất điện ảnh đâu, vì vợ anh đó, mà cho cả vợ bé hoặc nhơn tình của anh đó, đâu có phải chui trong Bàn-cờ"

*

Thúy móc máy nói lại rồi đâm hoảng không biết làm thế nào để hồi lời mời của nàng vì quên mất hỏi xem Toàn làm ở đâu mà gọi lại.
Nàng không tìm thấy thú vị nào trong việc tiếp một người con trai không có gì hấp dẫn như Toàn. Nhưng nếu phải chịu khổ dịch đó một lần thì cũng chẳng sao. Phiền lắm là hắn có thể trở 1ại lần thứ nhì, lần thứ ba, lần thứ tư vì nàng đã dại dột cho hắn biết nhà.
Không lẽ mới dọn lại chỗ ở bây giờ có mười ngày lại dọn đi nữa để trốn một kẻ không có quyền hành gì hết đối với nàng.
Thúy bứt tóc bứt tai, tức cho mình sao đã ngốc quá như vậy. Thương xót hắn, thì cứ thương xót, nhưng thiếu chi cách an ủi hắn, lại đi mời hắn đến nhà?
Không, không thể được! Nàng có thể nghèo xác nghèo xơ, có thể già xấu ra rồi, nhưng không thể nào để cho hắn thấy cái...
Thúy có nghĩ đến việc đợi thầy Mục về để hỏi cho biết số điện thoại của Toàn. Mai thầy ấy về vào giữa buổi làm việc sáng; còn hỏi thăm và gọi Toàn kịp trước chiều thứ bảy mà sở nào cũng nghỉ việc.
Nhưng nàng lại thôi. Không nên gợi cho họ nói chuyện về nàng. Nghe nàng quen với Toàn, thế nào thầy Mục cũng sẽ gọi Toàn để nói xấu nàng. Đàn ông họ cũng bép xép ghê lắm.
Tuy rồi về sau, họ cũng nói với nhau về vụ ấy, nhưng nàng cũng tìm thế ngăn Toàn đến nữa. Nàng sẽ xấu nặc danh, không còn gặp hắn mà phải sợ hắn cười chê gì.
Miễn là lần gặp gỡ nầy khỏi phải ngỡ ngàng thì thôi. Không, lần nầy thì hắn không thể biết gì đâu mà phải lo sợ lắm.
Nhưng những lần sau?
Sáng mốt đây, nàng có thể đóng cửa lại, hắn gọi mãi không được, ngỡ nàng quên buổi hẹn và hắn bỏ đi. Được lắm. Nhưng lần thứ nhì, thứ ba làm thế nào mà biết được ngày giờ hắn đến để đi trốn hoặc bế môn cho kịp lúc.
"Nhưng mà kệ, ngày mốt, mình sẽ tùy cơ ứng biến. Nếu không tìm được mẹo gì cho đẹp đẻ cho lịch sự một chút thì mình cứ nói thẳng cho hắn biết rằng không nên đến nữa. Á, mà cũng dễ giải thích lời yêu cầu ấy, và cần phải giải thích cho sự đuổi xô bớt tàn nhẫn một chút, mình sẽ nói là chồng mình ghen ghê lắm.
Về sau, nhờ thầy Mục cho biết sự thật hắn sẽ tự uhiên không đến nữa.
Hôm ấy ra sở, Thúy ghé hiệu ba za mua một cái gạc tàn thuốc, không phải để cho người khách tương lai dùng mà để cho hắn thấy là nhà có đàn ông. Nàng lại mua một gói thuổc thơm rồi về nhà, cố hút ba bốn điếu gạt tàn trong đó, vứt que diêm và mẩu thuốc vào đó.
Nhưng tối lại, ngồi nhìn lối ngụy trang ấy một hơi, nàng thấy là không ổn, vì gạt tàn thuốc không chứng tỏ điều nàng muốn chứng tỏ. Nàng không có bạn trai đến chơi sao chớ? Bằng cớ là hắn đến đây, đã gạt tàn thuốc vào đó, chớ không cứ gì phải là một người chồng.
Nàng mặc kệ. Hiện giờ cái anh chồng ấy không cần thiết lắm. Về sau, hắn sẽ cần thiết, nhưng chỉ đối với người khác thôi, người khách nầy đâu còn đến nữa mà lo.

*

Sáng chúa nhựt, lúc vào ngõ hẻm, Toàn càng tin chắc rằng chồng Thúy không phải là nhà sản xuất phim. Chàng nghe lại thì ông ấy không thèm sản xuất gì cả, nhưng lại làm giàu, nhờ nhập cảng phim Ấn Độ, giàu, giàu ghê lắm. Mà xóm nầy lụp xụp quá đâu để xứng đáng với vợ một nhà triệu phú.
Thúy đã sẵn sàng để tiếp khách: cửa mở toát ra, nàng ngồi không nơi ghế xa lông mà đọc báo, nàng làm như ân cần với khách lắm, để rồi có căn cớ tống cổ hắn đi, hắn cũng không giận.
Nhà Thúy ở lụp xụp như tất cả mọi nhà khác trong ngõ, nhưng bên trong trang trí sang và khéo lắm.
Thấy rõ rằng chủ nhà là một kẻ đã "chọn nhầm thế kỷ" vì thiếu tài chánh, một người sang phải tạm ở xóm lao động, nhưng không để thiếu hụt tiện nghi bên trong.
- Anh! Anh tìm nhà có khó lắm không?
- Cũng dễ thôi.
- Thế nào? Đời sống có được cải thiện hay không, ở sở bây giờ?
- Cám ơn cô, cũng vậy vậy thôi.
Toàn rảo mắt qua khắp bốn bức tường và mấy đầu tủ nhỏ, mấy bàn con ở buồng tiếp khách mà không thấy ảnh của vợ chồng chủ nhân để xem mặt mũi người tốt phước ra thế nào. Điều đó cũng không lạ gì, vì treo ảnh chơn dung ở phòng khách không phải là cái lệ phải theo, hơn thế, lối chường mặt ra như vậy còn hơi quê nữa là khác.
Thế nên chàng phải hỏi lần lần:
- Cô được mấy cháu rồi?
Câu hỏi xã giao nầy rất là tầm thường, nhưng không hiểu sao lại làm cho Thúy giựt nẩy mình. Nàng cố trấn tỉnh nhưng không giấu được sự bối rối, ấp úng đáp:
- Cám ơn anh...ơ... nhưng... tôi... chưa có cháu nào hết.
- Còn... anh ấy...? Cũng làm chung sở với cô hay nơi khác?
Thúy lại bối rối lên, ú ớ những gì mà Toàn đoán rằng: "Vâng, cũng cùng sở".
Chàng ngạc nhiên hết sức, không biết tại sao cô gái, không, người thiếu phụ rất hách nầy, lại bỗng dưng bị mặc cảm trước một anh con trai mà trước đây nàng đã xem như là không có.
Và chàng chợt thấy rằng chàng đã biến ra một con người khác rồi. Chàng đã tự tôn mặc cảm được đối với nàng, không phải vì nàng đã tự ti, mà có lẽ vì chàng đã sống thêm được mấy năm nữa, mà là sống nhiều quá mức thường, và cũng có lẽ vì chàng đã nghiền ngẫm nhiều quá về sự nhút nhát của mình nên đã thủ tiêu được mặc cảm cũ.
- Khi nãy cô hỏi tôi làm ở sở mới thế nào, sao cô biết tôi đã đổi sở?
Thúy cười dòn lên mà rằng:
- Không cần là thánh cũng biết được điều ấy vì hãng địa ốc Tổ Ấm đã đóng cửa từ lâu rồi.
Đó là một điều mà Toàn mới biết. Nhưng chàng không ngạc nhiên, và còn bình tĩnh cười nói, y như chàng đã hỏi vặn Thúy chơi vậy.
- Tôi ngỡ cô không thèm biết đến việc xưa nữa chớ.
- Không muốn biết cũng phải biết vì ông Tổ Ấm ổng qua đời, tôi có đi đưa đám ma của ổng.
- Vậy à.
Toàn giựt mình vì cái tin buồn hay trễ nầy, và hơi bùi ngùi thương cho con người cần cù là ông chủ hãng địa ốc Tổ Ấm, ông ta là người tốt rất hiếm hoi thời nay.
- Chớ anh không hay sao?
- Không. Tôi đi làm trên Ban mê thuộc mới về đây có hai tháng.
- Lạ quá! Ngày xưa anh hay đọc báo lắm mà!
- Thì bây giờ cũng vậy. Nhưng ai lại đọc tới những lời cáo phó đăng ở dưới trang tư.
- Tôi thì tôi không đọc báo bao giờ cả, nhưng tôi biết hết thời sự.
Cái thời sự mà Thúy vừa nói đến là thời sự nhỏ trong thành phố, những việc quan, hôn, tang, tế, những đám đánh ghen, những cuộc giựt hụi, những xì căn đan ái tình do một vài đào kép trẻ gây ra.
Như vậy, một vụ thụt kết cũng nằm trong mớ thời sự ấy. Lần nầy, Toàn kinh sợ hết sức chớ không còn tự tôn được như nãy giờ nữa.
Lạ quá. Khi lo lắng trước lúc đến đây, chàng suy nghiệm rồi dám liều. Chàng suy nghiệm rằng Thúy đã chịu mời chàng đến thì cho dẫu nàng biết được sự thật đi nữa, chắc nàng cũng đã bỏ qua đi cho, nên mới chịu ban ân cho chàng làm một người khách ngày chúa nhựt.
Nhưng nãy giờ, thấy rằng Thúy không biết, giờ chàng lại hoảug mà ngỡ nàng biết. Sự liều mạng của chàng bị mềm yếu đi vì hết lý do. Cái lý do đó là sự không biết của Thúy.
Toàn nhìn thẳng vào mặt Thúy để quan sát xem nàng có mỉa mai, có khinh bỉ, có chế giễu gì hay không. Nhưng Thúy chỉ hơi sốt ruột thôi.
Không, chắc là Thúy không biết. Thụt kết hai trăm ngàn bạc là một vụ nhỏ quá, đối với giá của tiền bạc đời bây giờ. Kẻ thụt kết cũng không vì mê cô vũ nữ nào thì các báo khó lòng mà khai thác rùm beng được. Chắc họ đã bố thí cho vụ chàng một cột ba phân, lẫn lộn trong mớ tin xe hơi cán chó thì những người đàn bà ăn không ngồi rồi không buồn bàn đến làm gì thì Thúy không sao hay được tin đó.
Còn nàng sốt ruột, chắc chỉ vì đang bươi trí tìm cách để tống cổ chàng đi mà thôi.
Toàn là người lịch sự, chàng biết rằng hễ người ta không ưa mình thì nên rút lui ngay.
Nhưng đã trót... Chàng dư biết rằng Thúy không ưa chàng, mà trót đến thì chàng vẫn làm lì ngồi la cà mãi nơi đây, cũng như đã làm lì mà đến. Đã trót mặt chai mày đá thì cứ tiếp tục không biết điều luôn, có lợi hơn là lịch sự nửa chừng, lịch sự ở giai đoạn sau.
Toàn lại rảo mắt quan sát sự trang trí nhà cửa của Thúy.
Nước sơn vách và trần còn mới lắm. Có thể là chủ nhà mới cho sơn lại, nhưng Toàn xem kỹ thì thấy đó là sự mới sửa sang, chớ không phải chỉ mới cho sơn mà thôi.
- Cô ở đây được bao lâu rồi?
Một lần nữa, Thúy lại bối rối nhưng tương đối ít hơn mấy lần trước.
- Hai tuần.
- Vậy à? Xin lỗi cô, ông cụ bà cụ của cô vẫn mạnh chớ?
Thúy châu mày:
- Ba má tôi đã qua đời hết rồi.
- Trời, tôi nào có hay biết gì. Vậy xin phân ưu trễ muộn cùng cô.
- Cám ơn anh.
- Tôi muốn ra mắt... anh ở nhà... cô cho phép... tôi...được...
- Nhà tôi đi vắng. Rất tiếc.
- Đáng tiếc thật. Thôi để khi khác.
Thúy sực nhớ lại kế hoạch đã sắp đặt là nếu không tìm được mẹo gì để tống cổ khách thì cần bịa rằng chồng nàng ghen ghê lắm.
Bây giờ là dịp thuận tiện nhứt để đưa chuyện bịa ấy ra, nhưng không hiểu tại sao, nàng lại không có gan thực hiện cái mẹo rất hiệu quả ấy.
Đời bây giờ bọn trẻ tuổi hãnh diện vì sư ghen tuông của chính họ, của người hôn phối của họ hoặc của nhơn tình của họ, chớ không phải xấu hổ vì thứ tình cảm ấy như ngày xưa mà phải che giấu.
Một ý nghĩ thoáng hiện qua ý thuc của người chủ nhà xấu bụng nầy. Đó chỉ là ý nghĩ còn lẩn lút thôi, nàng chưa nghe rõ trí nàng muốn cái gì đích xác, nàng vừa hoài thai một kế hoạch, nhưng lại hoài thai bằng linh cảm hơn là bằng trí thông minh và chính vì thế mà nàng chưa biết được ý muốn của nàng.
- Vâng, thật đáng tiếc, nhưng anh còn đến chơi chớ lẽ nào không.
Thúy kinh ngạc không hiểu vì sao nàng lại nói như vậy. Đó là lời mời mọc hẳn rồi, hơn thế, đó là lời mời mọc hàm ý hơi cố nài, chớ không phải là nói lấy lệ đâu.
Toàn thấy rõ là Thúy đã xuống chân sánh với mức sống của nàng mấy năm trước. Tuy nhiên, nàng vẫn sang hơn chàng nhiều bực mà con người nầy lại phân biệt giai cấp lắm thì lòng tử tế của nàng thật khó hiểu.
- Ngày thường và ngày nghỉ, cô thường rảnh rang vào lúc nào?
- Cố nhiên là ngày thường tôi rảnh ban đêm như anh, như bất kỳ người đi làm nào. Còn ngày nghỉ thì không biết chừng. Nhưng dạo nầy tôi không đi đâu cả thì có thể nói rằng tôi có mặt ở nhà trong những giờ mà các công tư sở nghỉ việc.
- Nhưng tôi đến thăm cô lúc nào tiện cho cô nhứt?
- Lúc nào cũng tiện cả. Anh khỏi bận tâm về điều ấy.
Người chủ nhà sang trọng nầy tiễn khách ra tới khúc quanh ở ngõ hẻm thứ nhứt đưa vào đây.
Toàn lững thững bước, cứ băn khoăn mãi về thái độ mới của con người kiêu hãnh và phách lối ngày xưa.
Chàng cảm nghe mang máng như là cái nhà mà chàng vừa rời khỏi, không có đàn ông.
Bỗng chàng vụt cười khan lên rồi tự chế giễu mình: "Mầy vẫn cứ còn ngốc như hồi đó. Cỡ như nàng không có chồng đi nữa, và đang cần một người chồng, hoặc một người yêu lắm đi nữa, thì nàng cũng không chọn mầy đâu. Không, nàng tử tế với mầy là vì lẽ khác, vì một lẽ bí mật nào đó mà mầy chưa khám phá ra, chớ không phải là muốn o mầy đâu, ngốc ơi, đừng có hy vọng hão, đoán bậy, mừng hụt, rồi phải xấu hổ với chính mầy"
Trái hẳn với sự lo sợ của hai người, không ai nói với ông Mục về người kia cả. Ông nầy đi công tác về, Thúy làm bộ quên luôn cú điện thoại của Toàn mà nàng có bổn phận nhận ghi vào sổ đàng hoàng để báo cáo lại. Ông Mục là nhơn viên cao cấp ở hãng Xucamêcô chớ không phải tay vừa.
Còn Toàn thì cũng thôi, không buồn gọi người bạn cũ nữa.
Cả hai đều sợ bị lộ tẩy. Nếu Thúy báo cáo, có thể ông Mục sẽ gọi Toàn và nói: "À, toa.gọi mỏa có việc gì" Và Toàn sẽ đáp: "Để rủ toa tối hôm ấy đi nghe nhạc vậy mà!"
- Tiếc quá!
- Nhưng mỏa thì không tiếc vì mỏa được dịp gặp lại cố nhân của mỏa là cô điện thoại viên.
- A, té ra cô Thúy là cố nhân của mầy?
- Ừ.
Rất có thể vì tự ái hão, vì tánh khoe khoang, Toàn sẽ nhận bừa như vậy cho le chơi, và ông Mục sẽ nói:
- Tội nghiệp, giờ cô ấy xuống dữ lắm. Mầy có biết chuyện...
Không, nguy lắm, không nên để cho ông Mục có dịp mách lẻo.
Còn Toàn thì tưởng tượng ra câu chuyện sau đây giữa ông Mục và Thúy:
- À, cô Thúy, té ra cô quen biết với Toàn à? Tội nghiệp nó bây giờ xuống lắm. Cô còn nhớ vụ thụt kết...
Không, Thúy không nên biết điều đó. Mặc dầu sự không biết của nàng cũng không giúp chàng thêm được đồng xu hy vọng nào nhưng... không thể để nàng biết.
Không ai dám nói với ông Mục về người kia mhưng ai cũng ngứa miệng, muốn nói ghê lắm. Để trả thù ấy mà!
Trả thù? Vâng.
Nầy nhé, nếu người kia nói với ông Mục về mình thì hẳn ông Mục đã kể chuyện mình cho y nghe. Như vậy dại gì mình lại không nói với ông Mục về y để ông ấy kể chuyện y cho mình nghe.
Ngứa miệng, nhưng không có gan nói, vì chưa chắc người kia đã nói, vì chưa chắc người kia đã nói, mình nói, tức khui chuyện ra tùm lùm.
Không nói mà cứ lo rằng người kia đã nói, và nhờ thế đã biết, nên lần gặp mặt thứ nhì cả hai đều sượng sùng, làm như người đối thoại với họ đã rõ từng chi tiết một đời tư không sạch sẽ của họ.
Toàn trở lại thăm Thúy sáu hôm sau, vào đêm thứ sáu.
Thường thì các gia đình ở nhà, vào đêm ấy, trong mỗi tuần, một là họ đã mệt mỏi sau một tuần làm việc, hai là họ muốn dự trữ sức lực để thứ bảy chúa nhựt có đi chơi đâu cũng không mệt lắm.
Đến chơi hôm thứ sáu, Toàn hy vọng sẽ được nhiều may mắn gặp mặt Thúy hơn hết trong tuần vì có đi xi nê, chắc nàng đợi đêm sau.
Và đến ban đêm, Toàn hy vọng may mắn gặp chồng Thúy hơn là đến ban ngày, ngày chúa nhựt chẳng hạn.
Chàng tò mò về anh chồng nầy ghê lắm, đinh ninh rằng hắn rất bảnh trai, và Thúy không lấy được chồng giàu, ắt hẳn phải lấy chồng đẹp.
Chàng muốn sự gặp mặt giữa hai người thanh niên sẽ xác nhận dự đoán của chàng và như thế chàng sẽ "được" tủi thân vì sự lép vế của mình.
Tủi thân, nhưng chàng nhờ thế mà sẽ biết thân. Mà hễ biết thân được rồi, chàng sẽ hết hi vọng hảo huyền và sẽ đỡ khổ.
Với lại, chàng cứ nghe như có điều gì bí ẩn trong gia đạo của Thúy. Không có dấu hiệu gì khiến chàng nghĩ như vậy nhưng chàng cứ linh cảm rằng Thúy đang khổ.
Khi Toàn bước gần tới ngưỡng cửa của căn nhà đặc biệt ở con đường không được đề tên trên bảng đường mà vẫn có tên là đường Bàn Cờ, con đường không phải là một con phố chính thức, thưng cũng chẳng phải ngõ hẻm tư nhơn, thì chàng nghe tiếng dương cầm và chợt nhớ ra là hôm nọ đã thấy một chiếc dương cầm nhỏ đặt ở góc trong của buồng khách.
Đã bảo là Thúy đã được giáo dục để sống một đời sống "mông đen". Nhưng cha mẹ nàng là nhà giàu mới, không sành đời cho lắm, nên cho nàng học dương cầm chỉ cốt le mà không cần luyện cho con họ thạo nhạc.
Thúy lại lười, vì học nhạc một cách nghiêm trang còn khó học hơn học chữ nữa, thành thử nàng học theo lối rừng, nghĩa là bất kể căn bản nhạc lý, nhảy vào là muốn chơi những bản lớn ngay từ lúc chưa biết xướng thanh là gì.
Toàn cũng dốt nhạc lắm, nhưng chàng vẫn nghe được là Thúy đang chơi bản "Giòng sông Danube xanh đẹp" mà chơi sai be bét cả.
Tuy nhiên, chàng lặng lẽ đứng nơi ngưỡng cửa mà sững sờ nhìn vào trong, không phải để thưởng thức bản nhạc danh tiếng bị cưỡng hiếp ấy, mà để ngắm một cảnh đẹp vô song.
Không có gì đẹp bằng một người đàn bà đẹp ngồi trước cây dương cầm, đẹp hơn cả cảnh họ đứng bên cạnh một chiếc xe hơi đờ luýt nữa.
Toàn chỉ tiếc là Thúy mặc ki mô nô nên, y như lần viếng thăm trước, chàng không thưởng thức được thân thể của con người có gương mặt chiếm lòng ấy.
Lần trước nàng mặc đầm bùng rền. Cả hai lần, nàng đều sẵn sàng tiếp khách. Nhưng lần trước hai đàng có hẹn với nhau, chớ đêm nay, chàng đến bất thình lình, sao nàng cũng không mặc bi-da-ma?
Ở đây, cái gì cũng làm cho Toàn thắc mắc cả, vì không có cái gì tự nhiên, không có cái gì ổn hết.
"Hay là nàng đang chờ một người khách nào khác?"
Toàn tự hỏi như vậy rồi toan rút êm đi. Nhưng không kịp nữa. Thúy chơi xong bản nhạc rồi thì hình như là trực giác được một sự có mặt sau lưng nàng, nàng day lại rồi đứng lên ngay mỉm cười rồi nói:
- Anh, anh vào chơi.
- Nếu tôi không lầm thì cô sắp có khách?
Toàn hỏi vậy, nhưng vẫn bước vào nhà.
- Không. Cái gì làm cho anh tưởng như vậy?
- Chiếc ki mô nô của cô.
- A...ơ hơ... không. Tôi vẫn mặc ki mô nô ở nhà.
Không rõ phụ nữ các nước có bắt chước phụ nữ Nhựt Bổn, mặc ki mô nô ở nhà hay không, chớ phụ nữ miền Nam thì nhứt định không.
Tuy ki mô nô rộng rãi, nhưng trong khí hậu nóng bức của miền Nam nầy, người mặc thứ áo ấy vẫn nghe bực bội hơn là mặc bi da ma hay bà ba, hay áo cánh.
Thúy đã giải thích không ổn lối ăn mặc của nàng, khiến Toàn càng thắc mắc hơn lên.
Sau mấy phút linh hoạt ấy, không khí trong nhà bỗng lặng trang. Không ai có gì để nói với nhau nữa, và ai cũng băn khoăn tự hỏi không biết kẻ kia đã biết chuyện mình chưa.
Nếu biết chắc rằng kẻ kia đã biết, họ sẽ cố lì được trong sự khiêu khích câm lặng: "Ừ, tôi như thế đó, rồi sao? Tôi có quyền sống đời riêng của tôi với những màu hồng và màu đen của nó, ai được phép phê bình tôi?"
Nhưng khổ lắm là họ không thể biết chắc được nên không lì được. Cả hai người đều mặc cảm phạm tội, đều sợ sệt người đối thoại và mắc cỡ với người ấy.
Họ len lén liếc nhìn nhau để quan sát nhau, nhưng may quá, bốn mắt chưa bắt gặp nhau lần nào.
Đây là hai đạo binh đang đánh mò với nhau, không đạo nào nắm được tin tức bên kia, do thám báo của mình mang về cả.
Trong khi còn hoang mang, bên nào cũng cố ngụy trang kẻo bên kia tóm được cái ưu thế mà mình không có.
Một hồi lâu, dĩ nhiên là có một khi kia, bốn mắt rình mò ấy phải bắt gặp nhau và họ phải nói với nhau cái gì.
Thúy gọi người nhà mang món giải khát ra. Lần trước Toàn không được hưởng ơn huệ nầy và đây là một cuộc cải thiện tình thế của chàng mà chàng rất biết thưởng thức.
Toàn hỏi:
- Hôm nay anh ấy có nhà phải không cô Thúy?
Buồng trong chỉ bằng phân nửa buồng ngoài, lối ba thước trên ba thước thì ông chủ gia đình nầy không thể nằm trong đó mà chịu nóng bức khi bà nội tướng xinh đẹp ngồi thoải mái ngoài nầy để đánh đàn. Toàn hỏi thế để được dịp biết tin tức của anh chồng bí mật của Thúy thôi.
- À, thật đáng tiếc. Anh ấy vừa bước ra khỏi nhà. Mời anh xơi nước.
Học làm sang, Thúy đã học được động từ "xơi" lịch sự đó.
Trời nóng quá mà cây quạt máy đứng thì rất nhỏ nên Toàn không đợi chủ nhà mời lại lần thứ nhì.
Chàng nâng ly Bireley lạnh lên và hỏi:
- Cô làm ở Xucamêcô từ bao lâu rồi?
Câu hỏi tầm thường nầy lại làm cho Thúy bối rối lên.
May cho nàng quá, vừa lúc ấy có tiếng đàn bà la bài hãi ở cách đây độ năm căn nhà.
"Nó giết tôi đây nè! Trời ơi! Bà con cô bác xóm giềng cứu tôi!".
Toàn tin chắc rằng chỉ vì tuột thang xã hội mà Thúy phải vào ở trong xóm lao động thôi, chớ nàng đã sống theo nếp sống trưởng giả nhiều năm rồi, đâu có tinh thần chạy xem chưởi lộn, đánh lộn.
Thế mà nàng bỗng đứng dậy, chạy bay ra cửa. Thúy đã tìm được cách thoát một câu đáp khó. Khó vì lý do bí mật nào chưa rõ.
Toàn cũng cầm ly nước cam bước theo cô chủ nhà. Cả hai đứng nơi ngưỡng cửa mà nhìn cảnh một anh chồng võ phu, áo thun trắng, quần lãnh đen, đang nện chị vợ ngay ngoài ngõ, trước cửa nhà anh ta.
Đáng lý gì Thúy nói bậy ra vài nhận xét là chôn luôn cái vụ Xucamêcô. Nhưng không hiểu sao, nàng lại chạy lại đàng ấy, vừa chạy vừa ngó ngoái lại, mắt như muốn hỏi: "Kìa. Sao anh không ra mà can thiệp giúp chị ấy với tôi?"
Tiếng dương cầm khi nãy và tà áo ki mô nô bây giờ, ở giữa xóm bình dân, thật giống như một nốt đàn lạc điệu.
Đối với người biết phong cách thật của Thúy, là dầu sao, Thúy cũng đã trưởng giả thật chớ không trưởng giả mới như cha mẹ nàng, thì cái vụ Thúy chạy xem đám đánh lộn nầy lại càng giống một tiếng đàn lạc điệu hơn.
Có lẽ Thúy đang can thiệp cũng nên, nhưng Toàn không trông thấy gì nữa vì con sen, cái con bé bưng nước ra khi nãy cũng vừa chạy ra đây. Nó đứng nơi cửa với chàng mà nhìn đám đánh lộn chớ không ra. Có lẽ nó được dạy dỗ theo nếp nhà trưởng giả là không nên chạy xem những cảnh như vậy. Thế mà chính cô chủ nó lại làm cái việc ấy, thế mới kỳ!
Chàng do dự rồi hỏi nó:
- Em nè!
- Dạ!
- Thầy em đi đâu mà đi vắng mãi, cậu tới chơi đã mấy lần rồi mà cô em cứ bảo thầy em đi rồi.
Con bé chưng hửng rồi đáp:
- Không, cô em đâu có chồng.
Tới phiên Toàn kinh ngạc:
- Cô không có chồng?
- Dạ.
- Em ở với cô từ bao lâu rồi?
- Từ ngày cô em dọn về đây. Cô em chỉ sống một mình.
- Trước cô em ở đâu?
- Dạ, em không biết.
- Hay thầy em đi xa lâu rồi?
- Chắc không phải, vì trong nhà không hề có món đồ nào của đàn ông hết.
- Không có lấy một chiếc sơ-mi cũ, một đôi dép đàn ông?
- Tuyệt nhiên không.
Thình lình Toàn vụt chạy đi, chạy tìm Thúy. Con sen hoảng hốt không biết mình có nói hở cái gì hay không nên sợ quá, rút lui vào trong rất lẹ.
Nghe tiếng giày của Toàn, Thúy day lại rồi lắc đầu nói:
- Anh coi, em đã nghe lời anh, năn nỉ anh đây nới tay cho vợ ảnh, nhưng ảnh không nghe.
Cả xóm đều bu quanh đám đánh vợ và đều nghe cái câu tầm thường nhưng đã làm cho đôi mắt của Toàn thiếu điều nhảy ra ngoài vì chàng trố mắt thật lớn mà nhìn Thúy, tự hỏi có phải là Thúy, trong một lúc lãng trí, lầm lẫn chàng với người khác hay không.
Thở hổn hển, chàng nói một câu mà không ai hiểu gì cả trừ Thúy:
- Toàn đây Thúy.
Thúy hiểu, và sợ Toàn đính chính nên vội nắm tay chàng mà lôi đi, vừa trở gót vừa nói:
- Thôi, đi về anh Toàn.
Không, nàng không lầm. Nàng vừa gọi đúng tên chàng. Nhưng chàng đâu có bảo nàng đi năn nỉ anh chàng võ phu ấy bao giờ? Và sao tự nhiên chàng được hưởng cái tiếng xưng hô "em" dịu dàng mà không hề chàng dám mong ấy?
Lại còn nắm tay nữa?
Toàn như vừa ra khỏi một giấc chiêm bao không có đầu, không có đuôi, câu chuyện của giấc mơ lộn xà ngầu. Thần trí chàng mơ mơ, màng màng, chàng thất thểu bước theo người thiếu phụ xinh đẹp như một gã mục đồng vốn là tiên mắc đọa xuống trần, vừa được một vị tiên nữ thứ thiệt phải lòng.
Khi họ về tới trước nhà của Thúy thì Thúy buông tay Toàn ra. Vì nàng buông khó khăn và đến phải giựt tay nàng lại thật mạnh nên Toàn mới chợt nhận ra rằng chính chàng cũng đã nắm lấy tay nàng.
Thúy bước mau vào nhà trước rồi ngồi lại trên ghế sa lông mà rằng:
- Tôi thấy y đánh vợ mà tôi đau như chính tôi bị đánh. Ghê quá! Tôi sảng hoàng như lên cơn sốt rét, không biết mình đang làm gì, đang nói gì nữa.
Toàn đặt mạnh ly Bireley xuống bàn, bật cười rồi cười dài một chuỗi cười rất mỉa mai.
Thúy nhột nhạt, nhưng không dè là Toàn quyết tấn công mình, nên nàng bị bắt chợt thình lình bởi một câu nói, không còn biết đối phó ra sao nữa:
- Cô Thúy, tôi tưởng cô khỏi giải thích một cách không thành thật những gì cô vừa nói, vừa làm khi nãy. Nếu cần phải nói thế, làm thế, tạm bợ trong giây lát rồi thôi, thay giọng đổi lời liền, cũng chẳng sao kia mà, và tôi làm con vật hi sinh cho cô, tôi cũng chẳng kêu ca gì kia mà!
Thúy sợ điếng hồn.
Và Toàn ngã lưng trên cái dựa của ghế ngồi, sung sướng vô cùng vì đây là lần đầu tiên trong đời chàng mà chàng lấn lướt được cô gái kiêu hãnh đã xem chàng không vào đâu cả.
Chàng đã bỏ lối ngồi mặc cảm của kẻ dưới đến nhà người trên, mà tréo ngoảy hai chơn lại, ra vẻ kẻ cả lắm.
Chàng thưởng thức sung sướng của mình trong sự ngắm nhìn người đẹp lấm la lấm lét không thương xót nàng một chút nào. Chàng không căm thù vì không được cảm tình của Thúy, nhưng thấy rằng nàng phải chịu trừng phạt như vậy một khi nàng đã lợi dụng chàng giữa đám đông.
Lợi dụng chàng? Ừ, rõ như ban ngày là Thúy đã lợi dụng chàng. Nhưng để làm gì? Chàng chưa đoán được một phần ngàn của vụ lợi dụng nầy.
Lâu lắm, chàng mới lên tiếng:
- Cô Thúy nè, cô có khinh tôi hay không?
Vẫn không ngước nhìn lên, Thúy đáp thật khẽ:
- Anh đã bảo rằng chẳng kêu ca gì kia mà!
- Không phải chuyện đó. Tôi nuốt trôi vai trò bất đắc dĩ của tôi khi nãy. Nhưng không thể nào tôi tiêu hóa được sự phỉnh phờ của cô về gia đạo cô.
- Tôi phỉnh phờ? Hồi nào? Và về vụ gì, anh nói rõ nghe coi?
- Tại sao, độc thân, cô bảo với tôi là có chồng?
- Ai nói với anh rằng tôi độc thân?
- Tôi nắm bằng cớ trong tay đây.
Thúy đoán rằng Toàn quả đang có bằng cớ ấy thật, nên đành phải xoay qua chiến thuật khác. Tuy nhiên bị mặc cảm phạm tội nhiều quá rồi, nàng do dự rất lâu mới cố liều mà đương đầu lại với khách.
- Ừ, nếu thế thì đã sao?
- Thì tôi không nghe cho cô. Bởi vì đó là một sự gạt gẫm. Kẻ bị gạt có quyền phản đối.
- Nhưng anh có quyền gì xen vào việc gia đạo của tôi?
- Tôi không xen vào. Tôi hỏi thăm về gia đạo của cô là đúng theo phép lịch sự xã giao. Không lẽ quen với gái có chồng, đến nhà thăm người ta, tôi lại kém lễ độ đến đỗi không thèm biết tới chồng người ta.
Mà khi tôi cư xử đẹp như vậy, cô không được phép gạt gẫm tôi.
Thúy đuối lý, ngồi làm thinh mà cắn một ngón tay trỏ co lại. Lâu lắm nàng nói:
- Tôi cứ ngỡ anh bị mích lòng về vụ khi nãy hơn.
- Vụ khi nãy là cô gạt người trong xóm cô. Cái chuyện gia đạo ấy chính tôi bị gạt.
- Tôi xin lỗi anh vậy.
Bấy giờ Toàn mới nghe thương xót người thiếu phụ mà chàng biết chắc đang mang nặng một nỗi niềm gì khác hơn là sự xuống chơn trong đời sống vật chất.
Chàng dám đổi lối xưng hô mà rằng:
- Thúy ơi, sự tình cờ dung rủi Toàn trở lại đây nghĩa là trở lại sự quen biết với Thúy chớ không phải trở lại nhà nầy đâu, và vô tình, Toàn được biết rằng có gì bí ẩn trong đời Thúy mà cái điều bí ẩn ấy xem ra không phải là điều lợi cho Thúy, nếu không phải là nguồn đau khổ.
Nếu Thúy nghe cần người giúp đỡ về tinh thần, Thúy cứ xem Toàn như là một người bạn cũ, tâm sự với Toàn chắc nhẹ phần nào nỗi khổ của Thúy.
Thúy mỉm một nụ cười héo hon rồi đáp:
- Không, không có gì hết.
- Sao Thúy lại không chịu thành thật với người thành thật? Dầu sao, Thúy cũng biết được lòng tôi đối với Thúy, thì Thúy khỏi phải ngại ngùng.
- Anh không nên hỏi gì cả.
- Thúy ơi, không có gì của một người bạn mà mình xem là xấu hết. Thúy là bạn của tôi, mặc dầu Thúy không nhận thế, tôi cũng cứ nhận là thế, thì tôi không hề...
- Đừng, anh đừng hỏi tại sao mà tôi như vầy tôi như khác cả.
- Tôi hỏi không vì tò mò mà chỉ để an ủi Thúy thôi.
- Cám ơn thiện chí của anh. Nhưng tôi không nói, là vì anh chớ không phải vì tôi đâu.
- Vì tôi?
- Ừ, bởi vì người hỏi luôn luôn bị thiệt chớ không phải người đáp.
- Sao lạ vậy? Cô có ngụy biện hay không? Tôi ngỡ người đáp sẽ thiệt thòi vì y cần phải giấu những điều không đẹp chớ. Xin lỗi cô, đó là tôi chỉ nói thí dụ thôi, chớ tôi tin chắc đời cô không có cái gì không đẹp cả.
- Dầu sao, anh cũng không nên tò mò về đời tôi. Tôi có bao giờ hỏi về mấy năm qua của anh đâu, mặc dầu tôi đã biết một phần sự thật. Thế là huề. Ta nên sòng phẳng với nhau.
Bấy giờ, chính Toàn lại sợ điếng hồn. Những lúc chàng chuẩn bị tinh thần xong để liều thì chàng bất kể bí mật đời chàng bị tiết lộ. Nhưng khi nào cuộc chuẩn bị ấy đã được dẹp đi là chàng hoảng lên nếu ngỡ người đối thoại biết sự thật.
Giờ chính nàng đã xác nhận rằng nàng biết chớ không là do chàng lo hão nữa thì chàng kinh khủng biết bao nhiêu.
Toàn toát mồ hôi ra dầm dề, chết lặng đi mấy mươi giây rồi thở hổn hển hỏi:
- Thằng Mục đã bép xép với cô hử?
Thúy ngạc nhiên hỏi lại:
- Mục nào?
- Mục, chủ sự phòng khai thác cửa hãng Xucamêcô.
Dưới lớp phấn son, mặt Thúy bỗng tái xanh trông đến đỗi thấy được.
Toàn buồn cười quá, té ra chàng sợ vô ích, vì sự không may đã xảy ra, không thế nào ngăn được cả. Chàng cười dài, thấy nàng đã thế thì còn giấu giếm làm gì:
- Tôi đã gọi điện thoại cho hắn, lúc đi công tác xa, và chính nhờ thế mới gặp lại cô, cô đã quên rồi à?
- Không quên. Nhưng tôi lại quên báo cáo về cú điện thoại khi ông ấy trở về. Chúng tôi không có nói gì với nhau về anh hết, vì không có dịp nói, vì ông Mục không dè rằng anh quen biết tôi.
Thúy cố tự trấn tỉnh, nhưng vẫn không che được lo sợ. Ừ, ông Mục không dè rằng Toàn quen biết với nàng, nên không có nói gì về chàng cả.
Nhưng Toàn hẳn có thể hỏi ông ấy về nàng mà không cho ông ấy biết hắn đã quen với nàng. Chẳng hạn như hắn nói: "Hãng anh có cô nữ điện thoại viên có giọng nói sao mà nghe như nhạc. Có đẹp không? Cô ta xưng tên là Thúy" Rồi ông Mục sẽ cười ha hả kể hết chuyện nàng ra.
Tuy nhiên giờ thì Thúy được ưu thế rõ rệt. Nàng chỉ lo thôi, chớ không chắc gì là Toàn đã biết. Còn Toàn thì thấy mình đã lộ chơn tướng nên sợ lắm. Chàng hỏi:
- Không phải thằng Mục nói, thế sao cô biết?
Thúy cười hiền lành, một nụ cười hàm khoan dung đại độ trong đó:
- Thế mới tài.
- Nhưng cô đã biết cái gì kia chứ?
Tuy thế, cái sự thật mà Thúy đã khoe rằng biết ấy, chưa hẳn là chuyện chàng đã vào tù, vì thế chàng muốn chắc bụng về cái biết của nàng.
- Lại hỏi nữa. Đã bảo kẻ hỏi luôn luôn chịu thiệt thòi kia mà, em không hỏi gì hết thì anh cũng đừng nên hỏi gì hết. Tại sao thế nầy? Tại sao thế kia? Chính người 1àm một việc gì, lắm khi cũng không rõ tại sao họ làm việc đó, hay có biết đi nữa, mà lý do phức tạp và tế nhị quá, họ khó lòng mà phân tách để tự biết hành động của họ. Hỏi chi làm phiền cho họ. Hỏi xong, nếu họ bị đẩy vào thế phải nói, người nghe luôn luôn lại phải buồn hoặc đau khổ.
- Nhưng thà là cô đừng nói biết gì hết, chớ cô đã khoe ra rồi làm thinh, tôi sợ cô ngộ nhận, hay nghe lời đồn huyển sai lầm, hại cho tôi, vì tôi không thể tự bào chữa được. Xin cô cứ nói thẳng ra cả, may mà sai lầm thì tôi có dịp tự minh oan.
- Tại anh cứ nài nỉ mãi và lý luận chặt chẽ quá, đưa tôi vào thế bí nên tôi buộc lòng phải nói. Nhưng rồi anh đừng có trách nhé.
- Không, Tôi xin hứa.
- Có phải là anh ở tù mới ra không?
Toàn giựt nẩy mình, rụng rời trong mấy mươi giây. Nhưng rồi chàng phá lên cười cười ha hả rất dại, vì chàng thấy thái độ đúng hơn hết trong những trường hợp như thế nầy là cố lì, khiêu khích, và bất kể ý nghĩ của kẻ khác.
Giây lâu nín cười được, chàng hỏi:
- Do đâu mà cô biết tôi vừa ở tù ra?
- Không cần là thầy bói cũng biết được điều đó.
- Tôi vẫn chưa hiểu.
- Cái đầu anh.
Toàn lại bật cười. Lần nầy chàng cười vui thật tình vì câu chuyện buồn cười quá. Chàng có một cái đầu tố cáo nhưng quên mất nó, mang nó đi khắp nơi, sợ người ta biết sự thật về mình một cách rất vô ích, trong khi người ta chỉ liếc sơ qua người chàng là rõ ngay chơn tướng của chàng.
- Kha... kha... kha... ờ... cái đầu...cái đầu của tôi... cái đầu đặc biệt, dị hợm, trọc lóc rất buồn cười... kha...kha... kha...
"Khổ thật! Ở các nước, ai cũng đội nón cả, tôi không hiểu sao dân miền Nam nước Việt, trời nắng chang chang như đổ lửa vậy mà ai ra đường, cũng để đầu trần. Nếu đội nón, có phải đỡ khổ được phần nào hay không?
"Nhưng cô Thúy nè, vì tôi đã trót nhận thì không thể chối được nữa, chớ thật ra, cô đoán không có căn cứ vững, không khoa học lắm.
- Sao lại không vững?
- Tôi có thể đau ốm, đau ban cua chẳng hạn. Cô biết chớ, người đau ban cua khi khỏi xong là rụng tóc hết. Tôi cũng có thể thí phát quy y.
- Không! Ngày xưa chưa có thuốc trị bịnh ban cua, con bịnh nằm liệt giường liệt chiếu hằng tháng thì như vậy, chớ giờ họ chữa chạy trong một tuần là khỏi ngay, không thể có chuyện rụng tóc.
"Anh lại rất tò mò ham nghe chuyện đời tư của dàn bà thì không thể là người tu hành.
- Hay! Khá vững. Nhưng tôi cũng có thể là một kép hát cải lương, hy sinh mớ tóc để thủ vai thầy tăng trong ít tháng.
- Tôi coi cải lương rất thường, mà không hề thấy anh làm kép hát bao giờ.
- Kha... kha... kha... buồn cười quá!
- Thoạt tiên, tôi ngỡ anh theo mốt...
- Có mốt cạo trọc đầu sao?
- Có, mấy năm trước đây, hồi anh mới vào tù.
- Sao cô lại biết tôi vào tù từ mấy năm trước?
- Thì anh đi vắng đã ba năm rồi.
- À, ra vậy. À, cái mốt gì mà kỳ cục thế?
- Chẳng, có anh kép chớp bóng tên là Yul Brynner, anh ấy rất được hoan nghinh...
- Thôi hiểu rồi. Anh ấy trọc đầu và họ cố làm cho giống anh ấy cũng như thuở đó tôi để râu Cờ Lạc Gạp vậy hả?
- Đúng như vậy.
- Cô nói "thoạt tiên" nghĩa là rồi sau đó thì...
- Giây lát sau, tôi chợt nhớ ra rằng mốt ấy đã xưa rồi mà anh thì không hề trễ tàu về phương diện theo mốt, thì anh chỉ trọc đầu vì lẽ khác thôi.
- Ừ, nhưng sao cô không hỏi tôi sao tôi ở tù?
- Không dại, vì kẻ hỏi luôn luôn chịu thiệt thòi như tôi đã nói kia mà.
- Tôi thật không hiểu.
- Thì có gì đâu. Thí dụ tôi hỏi anh, anh sẽ đáp láo rằng vì anh làm cách mạng nên bị vào tù. Tôi sẽ phục anh lắm, nhưng đồng thời cũng sẽ sợ anh lắm.
- Sợ hả?
- Ừ, sợ liên lụy chớ sao lại không sợ.
- Hèn! Tôi không dè mà cô hèn đến thế.
- Ai cũng hèn như tôi cả, chớ không riêng gì tôi đâu.
Ông Nguyễn Thái Học chết rồi thì thiên hạ áp nhau mà viết sách ca ngợi ổng. Nhưng hồi ổng còn sống chưa chắc ai đã dám chứa ổng, trừ cô Giang và cô Bắc.
- Thế nghĩa là ít ra có hai người không hèn, cô Giang và cô Bắc.
- Nhưng trên đời chỉ có một cô Giang và một cô Bắc thôi. Tôi không là cô Giang hay cô Bắc thì bất quá tôi cũng như hàng triệu cô gái khác.
Toàn nói một mình: "Hèn!"
- Dầu sao tôi cũng hèn; đúng như anh nói. Không phải vì mọi người đều hèn mà tôi hết hèn được. Nhưng anh có thấy hay không là kẻ nào hỏi là kẻ đó chịu thiệt?
- Chịu thiệt cái gì?
- Đang hảnh diện với làng nước rằng ta đây bảnh lắm rồi đột nhiên thấy mình hèn, bị mặc cảm đến suốt tháng, không thiệt à?
- Nhưng tôi không có làm chính trị, cô đừng lo.
- Nếu như thế, tôi cũng bị thiệt hơn nữa.
- Thiệt như thế nào? Toàn sửng sốt hỏi.
- Không làm chính trị mà ở tù thì tức là đã phạm thường tội rồi vậy. Anh thụt kết hả? Anh lường gạt hả? Anh cướp giựt hả? Anh hiếp dâm hả? Dầu sao tôi cũng sẽ khinh anh và có thể giấu không kỷ tình cảm, rồi chọc giận anh, bị anh mắng nhiếc, như thế không thiệt hay sao?
- Trời ơi, thì ra cô khinh tôi?
- Ấy, thấy chưa, tôi đã thiệt thòi mà chính anh, anh cũng thiệt. Anh đã kêu than tức là anh buồn trước tình cảm của tôi.
- Trời ơi!
- Nhưng tôi đã nói hết đâu. Nếu anh lại bảo rằng anh lường gạt vì tôi rồi kể ơn với tôi thì tôi sẽ phủ nhận ơn anh.
Như vậy cả hai lại phải buồn giận nữa.
- Trời ơi!
- Thấy chưa? May là tôi hỏi đa, mà anh còn đau như thế, nếu anh hỏi, không biết anh sẽ đau đến đâu.
- Trời ơi!
- Vì vậy mà châm ngôn của tôi là: "ĐỪNG HỎI TẠI SAO".
Toàn đang ôm mặt, buông tay ra, ngước lên nói:
- "Sự thật thì tôi đã thụt kết vì cô đó."
- Tôi không hề xúi dục anh.
- Biết vậy, nhưng...
- Nhưng nói ra để kể ơn hả?
- Không phải để kể ơn, nhưng phải nói ra để cô khỏi khinh tôi. Tôi làm xằng thật, nhưng chẳng qua là vì quá yêu cô.
- Quá yêu tôi hử? Chớ không phải vì quá yêu chính anh?
- Sao lại chính tôi?
- Anh nghĩ rằng có tiền mới mua chuộc tôi được. Mà mua chuộc tôi là để anh hưởng tôi. Đó là anh mua sung sướng của anh, chớ có phải là anh kiếm tiền để giúp tôi hưởng cuộc đời đâu. Tôi có hưởng cuộc đời hay chăng, chẳng qua là gián tiếp mà được hưởng vậy thôi.
- Trời ơi!
- Hồi anh cầm xấp bạc trong tay, anh đâu có nghĩ: "Hà, để ta cho con Thúy nó sắm tủ lạnh để có nước mát nó uống cho khỏe người nó"
- mà anh chỉ nghĩ: "Hà, để ta cho con Thúy cho nó mê, nó ưng thuận lấy ta". Có phải như vậy hay không nè?
- Cô đã bôi lọ tất cả mọi hành động, mọi ý nghĩa, mọi tình cảm tốt đẹp trên đời một cách rất tài tình, rất văn nghệ và rất triết lý. Cô Thúy ơi, tôi không dè...
- Ai biểu hỏi. Tôi đã báo trước với anh là người hỏi sẽ thiệt thòi lắm. Ta chỉ nên sống với những gì ta đang thấy trước mặt thôi, không nên tìm biết cái bề sâu của sự việc.
Toàn lại cùi chõ chống gối, tay ôm đầu rất lâu rồi mới ngước lên, thở dài mà rằng:
- Hình như là cô có lý, cô Thúy à! Tôi ngồi tù ngót ba năm, học đời rất nhiều với bọn lưu manh, nhưng quả thật chỉ mới biết được triết lý của cuộc đời từ nãy đến giờ.
Cám ơn cô đã khai quang điểm nhãn cho tôi. Vâng, tôi sẽ không bao giờ hỏi ai tại sao thế nầy tại sao thế kia nữa cả, nhứt là về đời tư và hành động, phản ứng của họ. Họ không thể giải thích được mà cỡ họ cắt nghĩa được đi nữa, chỉ có hại cho cả đôi bên thôi.
- Anh có thành thật hay không?
- Nói dối với cô, tôi có lợi gì?
- Vậy đừng hỏi gì về tôi nữa hết.
- Nếu tôi hấp thụ được nhơn sinh quan của cô, tôi có xứng đáng được tiếp tục quen biết, với cô hay không?
- Rất được. Miễn là anh giữ lời bứa.
- Xin thề. Tối mai tôi mời cô ăn cơm, cô có xấu hổ mà ngồi cùng bàn với một kẻ vừa ở tù ra hay không?
- Cái đó còn tùy. Nếu anh đưa tôi đến những nơi mà giới của anh thường lui tới thì không, vì tôi sợ họ nhận ra anh.
- Tôi sẽ đưa cô đến những chốn quen thuộc với giới của cô.
- Nhưng anh làm gì đã có tiền mà...
- Tôi sẽ xoay.
- Đừng làm xằng nữa đa nhé.
- Không dại đến hai lần đâu mà cô lo.

*

Đừng hỏi tại sao. Vâng, chàng sẽ không bao giờ hỏi tại sao cả, nhưng không vì thế mà chàng bỏ cuộc. Chàng sẽ khám phá âm thầm và sẽ biết hết.
Cho dẫu biết rồi để phải đau, như Thúy đã báo trước, chàng vẫn cứ muốn biết, vì sự lạ lùng nầy không thể cắt nghĩa được bằng giả thiết nào cả. Chỉ có biết sự thật chàng mới an lòng.
Nếu chàng bảnh trải, hoặc có tiền mà vì một lẽ gì đó Thúy sợ chàng đeo đuổi, chẳng hạn vì đang yêu ai, thì còn hiểu được con bù nhìn "chồng" mà nàng đã đưa ra để dọa chàng.
Đằng nầy, chàng kém cỏi về đủ mặt, nàng có thể đuổi khéo chàng, hoặc chàng mà có cố lì đi nữa, nàng cứ bất lịch sự, đuổi ra mặt cũng được chớ sao lại...
Phải tìm cho ra sự thật mới được.
Thúy rất ngạc nhiên mà thấy sao đêm nay Toàn khá trai lắm. Chàng đã biết ăn mặc, không cho sự chải chuốt lộ rõ ra, nhưng vẫn có chải chuốt, đơn giản một cách lịch sự và hợp thời trang.
Có lẽ những tháng cuối cùng mà nàng sắp đi theo nhà sản xuất kiêm đạo diễn phim, chàng đã quýnh lên, cố chạy đua để theo kịp thiên hạ về mặt vật chất và đã thành thạo, ít lắm là về phục sức.
Nhưng tác phong của chàng chưa biết ra thế nào.
Để lát nữa xem sao. Chàng vụng về hay bảnh lúc đưa bạn gái đi ăn cơm, đó là một khả năng riêng biệt nữa, cũng học tập được như ăn mặc, nhưng không rõ chàng đã học chưa và đã thành thuộc chưa.
Đêm nay Thúy lại mặc đầm bùng rền khiến Toàn rất bất mãn.
- Sao cô không mặc ta? Chàng hỏi thế khi bước vào nhà, thấy Thúy đã sẵn sàng để đi ra ngoài.
Thúy mặc ta đẹp hơn mặc đầm nhiều mà nếu nàng mặc duyp-sê-rê thì cũng còn đỡ khổ hơn là mặc bùng rền. Vả chàng không có tướng sang trọng, thì một cô gái ăn mặc đầm đi với chàng, thiên hạ cảm thấy đó là cô gái ăn chơi chớ không phải cô gái quí phái được Âu hóa. Chàng không thích họ tưởng như vậy.
- Anh sợ đầm lắm sao?
- Không, nhưng tôi thích cô mặc ta hơn.
- Đã lỡ rồi, thôi để khi khác.
Toàn rất sung sướng vì đó là một lời hứa. Chàng còn sẽ được đi với Thúy nữa, ít lắm là một lần.
Chàng có cảm giác rằng Thúy cố ý đi thật chậm trên ngõ, và cố ý nói chuyện huyên thiên, không lạnh lạt như mấy lần họ ở trong nhà. Nàng cố ý cười dòn lên, những lúc không có gì đáng tức cười cả.
Người trong ngõ ai cũng dòm ra để xem cặp trai gái sánh vai nhau đi ăn cơm tối. Đó là hai kẻ tuy cùng xóm với họ mà không đồng địa vị với họ, nên họ chú ý tới lắm.
Ra tới trước chùa Kỳ Viên Tự, họ dừng bước lại và Toàn không bắt những chiếc tắc xi trống không chạy ngang qua đó. Chàng đợi một lát để đón một chiếc mới, cho Thúy đỡ khổ vì sự cách biệt quá nhiều giữa những chiếc xe nhà sang trọng mà nàng thường đi với những chiếc tắc-xi tiền sử mà thùng xe đã han rỉ và sàn xe vá năm bảy lớp thiếc, thắng xe không ăn, cửa xe đóng không được, mà mở cũng chẳng ra.
- Cô thích ăn ở đâu?
- Tùy anh. Không phải anh chỉ huy đêm nay sao? Em sẽ nhắm mắt theo anh.
Thúy đã trở lại lối xưng hô trong đám đánh lộn, xưng "em" chớ không "tôi" nữa. Sở dĩ nàng không chọn nơi ăn cơm là để xem coi Toàn có đủ phong cách hay không.
- Ra Saigon!
Người thanh niên vừa vay được mấy trăm bạc hô lên cái lịnh đó, nhưng cũng chưa biết nên đi đâu mà vừa dễ coi, không xấu mặt cho Thúy, vừa không thiếu tiền mà phải ê mặt chàng.
- Chắc anh không có gọi ông Mục nữa?
Thúy vẫn còn lo sợ nên hỏi thế. Không phải hễ Toàn gọi ông Mục là Thúy biết được luôn luôn. Đôi khi nàng mượn bạn thay đỡ cho nàng, giữ tổng đài của hãng vài phút để ra buồng vệ sinh hay đi giải khát.
- Không. Anh nghĩ lại thì vô ích nên thôi.
- Anh nghĩ có lý. Ông ấy ích kỷ lắm.
Thúy nói đúng phần nào sự thật về lối xử thế của ông Mực, nhưng nàng cũng có hậu ý gián tiếp ngăn Toàn đừng liên lạc với ông ấy. Nàng thêm:
- Từ ngày ông ta sắm được biệt thự, ông ta hách lắm.
- Vậy à? Phát tài rồi à? Nhưng biệt thự nó ở đâu?
- Nghe đâu như là ở Phú Nhuận.
Sự thật, ông Mục chỉ mua được có một căn phố lầu ở đường Trần Quý Cáp. Thúy quyết đánh lạc hướng cho Toàn không sao tìm nhà ông ấy được.
Tới ngã sáu Quẹt Đon, Toàn bảo tài xế:
- Ra bờ sông!
- Em đi ăn cơm ở ngoài lần nầy là lần đầu từ hai tháng nay. Thúy nói.
- Vậy à? Tôi cứ ngỡ cô thích đi ăn cơm ở ngoài lắm.
- Sao lại "tôi"? Phải xưng là "anh" cho tiện, cho ăn khớp với lối xưng hô của em.
- Đồng ý.
- Mà đừng hỏi tại sao hết đa nhé.
- Xin chừa.
- Ừ, anh tưởng đúng. Em chẳng những thích đi ăn cơm tối ở ngoài, mà chỉ đi ăn cơm tối ở ngoài không mà thôi. Quen như vậy từ mười năm nay rồi, từ hồi ba má em còn sanh tiền, còn làm ăn được, nên đã thành thói, ăn cơm tối ở nhà nuốt không vô.
Toàn hiểu lầm nên nói:
- Ăn ở nhà ít tốn kém hơn.
- Không phải vậy. Em cô đơn lắm anh à! Ngồi ăn một mình ở các hiệu ăn, em còn nghe cô đơn hơn, nên thà là ăn ở nhà. Vả lại gái mà ngồi ăn một mình, sẽ khiến họ ngộ nhận mà không hay.
- Có phải thật em cô đơn lắm hay không?
- Nếu anh không tin thì anh kém thông minh lắm.
Toàn chợt hiểu. Phải. Nếu nàng không cô đơn lắm, nàng đã không nhận lời đi với chàng. Chàng vừa tủi thân vì bị người ta xem là một món đồ thay thế tạm bợ đỡ một lúc, mà cũng vừa sung sướng vô cùng.
Thế là nàng cần chàng, có lẽ không lâu lắm, cho đến khi nào nàng gặp một người bồ, mà với nhan sắc ấy thì có thể ngay đêm nay, sẽ có người chú ý đến nàng.
Nhưng mặc. Được nàng cần đến, cho dẫu chỉ trong vài tiếng đồng hồ thôi, cũng đủ cho chàng lắm rồi.
Buồn dàu dàu chàng than:
- Rất tiếc là anh không đủ điều kiện giúp em đỡ cô đơn lâu dài.
- Nếu anh muốn thì anh sẽ có điều kiện.
- Sao anh lại không muốn?
- Đêm mai, em sẽ mời anh đi ăn cơm để đáp lễ bữa ăn nay. Thế là em lại đỡ cô đơn một đêm nữa.
Rồi mốt nầy, anh sẽ có chỗ làm, được ứng lương trước, và sẽ mời em đi ăn cơm thường.
- Ai bảo với em là mốt nầy anh sẽ có chỗ làm? Có lẽ anh sẽ thất nghiệp trọn đời vì tờ trích lục tư pháp của anh có tì có vết.
- Em bảo. Vì chính em sẽ tìm chỗ làm cho anh, ngày mai nầy. Và bảo đảm là sẽ tìm được. Mốt là đi làm ngay.
- Nhưng anh lại có án thì...
- Mấy trăm án họ cũng phải nhận anh.
- Sao lạ vậy?
- Đã bảo đừng hỏi tại sao kia mà!
- Anh không tin.
- Ừ, nhưng rồi mốt, anh sẽ phải tin chớ. Tối mai anh cứ đến thăm em, em sẽ trao giấy gọi anh đi làm.
Nè, lương cao, lại ứng trước một tháng mà khỏi phải trừ lần vào những tháng sau, tức là cho không đó.
- Chỉ có làm việc bất lương mới được ân huệ như vậy thôi.
Xe đã tới bờ sông, Thúy bảo tài xế chạy dài trên bến Bạch-Đằng để hứng mát. Nàng nói tiếp câu chuyện bỏ dỡ:
- Không, anh sẽ làm thư ký cho một hãng buôn.
- Nhưng có vẻ gì mờ ám trong đó. Tôi nhứt quyết không hưởng ân huệ mà cô muốn ban cho tôi.
- Em nói, anh đừng giận, nhưng bất lương nào cũng chỉ bằng một vụ thụt kết là cùng chớ gì.
- Không, có những việc bỉ ổi hơn thụt kết nhiều lắm.
Thúy cười rồi đặt nhẹ bàn tay lên vai bạn mà rằng:
- Ba năm đủ lý không làm hỏng con người của anh, mà trái lại đã giúp anh hoàn lương. Anh còn trong trắng như một cậu học sinh trung học. Em mừng cho anh đó. Nhưng em xin lấy danh dự em mà thề rằng đây là một chỗ làm thường, y như chỗ làm của anh ngày xưa.
Xe chạy lên tới đầu đại lộ Cường Để rồi quanh chữ U trở xuống và Toàn bảo tài xế ngừng trước hiệu ăn Ngân Đình.
Thúy đưa tay ra cho bạn dìu để băng ngang con đường hai chiều là bến Bạch Đằng ở đoạn đó mà xe cộ qua lại dập dìu.
Họ vào quán ăn và Thúy kín đáo quan sát thì thấy rằng người thư ký tối tăm đã bớt vụng về nhiều lắm, tuy chưa thật bảnh hẳn, nhưng nàng khỏi phải xấu hổ bao nhiêu mà đi với chàng.
Ở đây quả không ai biết Toàn cả, nhưng Thúy thì được họ nhận ra ngay là người quen mặt thường lui tới những hiệu ăn cỡ nầy sắp lên, trước đây, nhưng với những tay hào hoa phong nhã hơn người thanh niên bây giờ nhiều lắm.
Họ đoán có lẽ thiếu phụ nầy đã lấy chồng, mà con gái lấy chồng thì không thể tự do chọn lựa cho lắm. Hơn thế, có lắm cô gái bảnh ghê hồn, nhưng vẫn chịu lấy chồng cùi dài, có lẽ chỉ để cho có một tấm bình phong mà che khuất nếp sống quá bừa bãi của họ.
Hai người còn đang giải khát thì bỗng Thúy chợt thấy một người quen biết thật nhiều. Người ấy ngạc nhiên giây lát, toan đến với nàng, khiến nàng hoảng lên.
Nhưng may quá có lẽ nhờ hắn thông minh, kịp nghĩ rằng nên để yên nàng, nhờ thế mà nàng được yên. Tuy nhiên, nàng không hết nơm nớp sợ hãi, vì khách cứ ra vào hoài và có thể bất kỳ lúc nào, nàng cũng gặp người quen.
Con người thường thì rất vô ý, rất vụng lời và rất kém lịch sự. Họ có thể hỏi bậy một câu, chỉ một câu thôi, là đã cho Toàn đoán biết một phần sự thật về đời nàng, hay tất cả sự thật cũng nên.
Thúy không uống rượu, nhưng Toàn sung sướng quá gọi món cua rang muối để nhắm chơi trước. Càng cua đã được đập bể vỏ sẵn, nhưng chàng vẫn ra công lột hết vỏ ra để trao thịt không cho bạn.
Chàng hỏi:
- Thúy ơi, anh được gọi em bằng em như thế nầy tới bao lâu?
- Cho anh sáu tháng, được không?
- Khá nhiều. Nhưng túi tham của con người không có đáy, em nên biết điều ấy và anh sẽ khổ.
- Anh còn sẽ phải khổ nhiều nữa nếu anh còn cứ hỏi "tại sao".
- Anh thắc mắc lắm Thúy à! Tại sao xinh đẹp như em, mà cô đơn được. Anh dám chắc trong bọn thực khách đêm nay, có ít lắm là năm mươi thằng sẵn sàng an ủi em, nếu chúng nó không giúp đỡ em được gì thì tệ nào, cũng dám đưa em đi ăn cơm mỗi đầu hôm như vầy.
- Ấy thế mà không có đó.
Toàn lại được dịp sung sướng. Chàng đã ghen với tất cả mọi người thanh niên và đàn ông còn trẻ mà chàng cho rằng người nào cũng là nhơn tình của Thúy cả. Nhưng Thúy quả quyết rằng không được ai săn sóc đến thì có lẽ là nàng nói thật, chớ nào có hãnh diện gì cái kém ưu thế đó đâu mà khoe ra. Như vậy là chàng tốt phúc hơn lũ nó rồi vậy.
- Anh biết lái xe hay không? Thúy đột ngột hỏi.
- Biết, và anh định mướn taxi chạy kiếm ăn cho qua ngày.
- Xuỵt đừng có nói to quá điều ấy ra chớ.
Để em thử can thiệp cho chủ hãng ứng trước tiền cho anh sắm một chiếc cũ, anh có bằng lòng hay không.
- Anh chỉ lo lương anh không đủ tiền đổ xăng.
- Xe nhỏ ấy mà, chẳng hạn một chiếc hai ngựa.
- Nếu như ngày xưa thì anh cần xe lắm, để le với em nhưng giờ thì, nghe đề nghị, anh không thấy phấn khởi nào cả.
- Nhưng em thì cần.
- Sao em không sắm lấy?
- Em cần chính cái người săn sóc em có xe, chớ không phải cần cho em.
- Em xấu mặt với thiên hạ mà đi với một thanh niên chỉ đủ tiền trả tắc xi à?
- Đừng hỏi. Vả chỉ có xe, ta mới đi ăn ở các quán ngoại ô xa được.
- Nhưng trả góp tức bị trừ lương mỗí tháng, anh còn đâu tiền để mời em đi ăn cơm?
- Khỏi trừ lương. Nếu trừ thì không còn vấn đề can thiệp của em. Em vay tiền giùm anh cũng được.
- Khả nghi ghê quá.
- Nếu anh có sợ lắm thì để em đứng tên chiếc xe ấy cũng được, anh khỏi lo nhún tay gián tiếp và bất thức vào một vụ mờ ám mà anh tưởng tượng là có.
- Em xin cho anh một chỗ làm với một tháng lương thưởng trước, anh đã phát sợ rồi. Đến như xin một chiếc xe nữa thì...
- Nè, không bao nhiêu đâu. Một chiếc hai ngựa rệu rạo, chừng băm lăm ngàn thôi, làm máy lại hết, làm mui mới, sơn phết xong, tốn thêm độ ba mươi ngàn nữa là xe tốt như ở trong hãng mới lấy ra.
- Nhưng em không sợ xấu mặt mà ngồi xe hai ngựa sao?
- Không. Ngày nay, không những nhà nghề biết giá trị của xe hai ngựa, mà cho đến cả phụ nữ cũng biết. Có những cô rất đẹp lái xe hai ngựa nữa là khác. Có chủ xe hai ngựa chắc chắn là không giàu, nhưng cũng chắc chắn là đủ tiền đổ xăng, không như chủ nhơn vài chiếc xe lộng lẫy quỵt xăng nhớt của các cây xăng đến bị đưa ra tòa.
- Điều kiện gì để đáp những ân huệ của em? Anh thích sòng phẳng, phân minh và không ưa bị đặt vào một tình thế không lối ra.
- Khá lắm. Anh sống có ba năm mà đã thành người chín chắn hết sức. Nhưng không có điều kiện gì hết. Hay có mà rất dễ nhận. Anh chỉ phải thỉnh thoảng đưa em đi ăn cơm tối thôi. Còn như mà em muốn đi ăn mỗi hôm thì chính em sẽ trả tiền ăn, anh chỉ phải tốn công đưa rước và ngồi ăn với em mà thôi.
- Thúy ơi, anh thật không hết hồ nghi.
- Em đã bảo rằng em cô đơn lắm, chỉ còn đi ra ngoài để thấy người thấy đèn cho đỡ buồn.
- Ngồi với anh, em có đỡ buồn hay không?
- Cái đó tùy anh chớ. Nếu anh biết làm cho em đỡ buồn thì tuyệt. Nhưng em không thể đòi hỏi một điều mà em không chắc anh sẽ thỏa mãn được hay không.
Toàn len lén liếc nhìn thực khách chung quanh, họ đông hằng trăm và đã bắt chợt được không biết bao nhiêu cặp mắt nhìn Thúy.
Có những kẻ liếc sơ một cách kín đáo, có những thằng mất dạy, nhìn thiếu điều rớt con mắt xuống đất.
Chàng nhìn lại Thúy thì thấy nàng đẹp kinh hồn, ở nhà, chàng không có đối tượng so sánh nên chỉ biết vậy vậy thôi rằng nàng đẹp lắm. Nhưng ra ngoài mà quanh nàng có hằng trăm người đẹp khác, chàng mới hay rằng nàng đẹp nhứt chớ không phải đẹp lắm nữa, không phải chỉ đẹp nhứt ở quán nầy thôi, mà dám đẹp nhứt Sàigòn lắm.
Hãnh diện thì chàng rất hãnh diện, sung sướng, chàng đã sung sướng vô bờ bến, nhưng chàng cũng vừa chợt nhận ra sự quá chênh lệch giữa đôi bên, nhận ra cái ưu thế vô biên của Thúy rồi tuyệt vọng vô cùng.
Buông đũa, chàng nhìn xa ra ngoài sông, nhìn bờ sông đen thui bên kia, leo lét mấy ngọn đèn dầu. Đó là hình ảnh của Thúy và chàng. Thúy là bờ bên nây, sáng choang đèn, còn chàng là bờ Thủ-Thiêm tăm tối mà không triển vọng được khai quang về sau.
Buồn một lát lâu, chàng đâm sợ. Chắc chắn là Thúy định lợi dựng chàng đi làm cái gì. Chàng si Thúy quá để dẹp lương tâm lại được, bất kể thiện hay ác, nhưng cứ lo.
Đó là nỗi lo của một con người đã quyết liều mà thiện căn vẫn còn lấp ló để cảnh cáo.
Nhưng chàng si Thúy quá, biết sao bây giờ!
Thúy không hề liếc nhìn nơi nào khác hơn là ngó xuống những món ăn, hoặc ngước lên để đàm đạo với chàng. Chàng dư biết rằng Thúy chỉ kiêu hãnh thôi vì giáo dục gia đình sai lầm của cha mẹ nàng, chớ nàng không lẳng lơ, không đĩ tánh bao giờ.
Biết thế, chàng vẫn thưởng thức tác phong đoan trang của nàng hôm nay, vì chàng cứ cố mà tưởng tượng ra rằng nàng đoan trang vì chàng, vì thấy không ai hơn được ông hoàng tử đẹp trai đang ngồi trước mặt nàng cả.
Đó là thứ ảo tưởng mà anh con trai kinh nghiệm nhứt nước cũng nuôi nấng vì tự ái giống đực của họ.
- Anh đã đủ y phục để mặc đi làm chớ? Thúy hỏi.
- Đủ, vì quần áo cũ, bà chủ nhà trọ vẫn cất giữ giùm kỹ lưỡng. Nhưng quần áo sạch sẽ để mặc đi ra ngoài với em thì chỉ có mỗi một bộ nầy thôi, của một thằng bạn may cho, ngày anh mới ra tù, mới lấy hôm kia, bỏ giặt gấp hai mươi bốn tiếng đồng hồ, nên đêm nay anh mới khỏi mang chài, mang lưới.
- Em cũng không khá bao nhiêu, nhưng vẫn tặng anh vài bộ đồ mới được. Mà em không tặng, sợ chạm tự ái anh. Anh cứ dùng tháng lương ứng trước đó mà may sắm.
- Cám ơn lòng tốt của em. Nhưng anh hồ nghi và không muốn nhận ơn huệ của em chút nào.
- Tùy anh, anh dám liều mà tin em không bất lương thì tin, bằng không thì thôi, em không ép.
- Anh dám liều, nhưng làm sao mà khỏi lo được.
- Thì cứ mà lo sợ, nhưng đừng nói ra. Em không thích bị lây nỗi lo sợ của anh.
Toàn lại trầm ngâm suy nghĩ. Hay là Thúy làm...! Trời ơi! Ghê gớm quá! Chàng không dám đi sâu vào giả thuyết đó, mặc dầu chàng dư biết có hạng gái nhảy dù, rất cần một anh chồng để làm bình phong.
Nhưng mà... ừ, Thúy có nhờ chàng làm chồng mướn bao giờ đâu! Cho đến yêu chàng nó cũng chằng thèm làm bộ yêu để mua chuộc lương tâm chàng cho chàng bị bùa mê mà làm ma cô, thì không lẽ... Vả xem ra thì nó cũng không cần mình lắm kia mà. Nó đã bảo liệu không dám liều thì thôi.
Đôi bạn đã ăn xong. Toàn nhẫm tính trong bụng thì bữa ăn nầy đã lên đến ba trăm rồi. Nếu kể sẹc vít cà phê nữa thì chàng vừa đủ tiền. Tuy thế, chàng vẫn mời bạn ăn tráng miệng, vì không có món ấy không được.
- Em ăn món ngọt nào?
- Một cúp trái vải.
Toàn điếng người đi. Hôm qua, uống nước ở đây với thằng bạn, chàng đã ăn món ấy, một cúp không đầy, mà hiệu nó tính đến bốn chục bạc. Nếu thế thì không còn tiền về xe, mà chính chàng lại phải nhịn cà phê nữa.
Chàng gọi bồi cho cúp trái vải theo đòi hỏi của bạn và một tách cà phê.
- Anh không uống gì nữa sao?
- No muốn bể bụng.
- Thì uống trà.
Ấy uống trà chúng nó cũng tính tiền!
- Anh cử món kích thích, trà và cà phê.
Nhưng khát quá! Nhơn ly nước cam vắt của Thúy còn được một phần ba, chàng vói tay qua, bưng về uống rốc hết.
- Chắc anh sẽ thọ thai.
Toàn nói đùa rồi cười trong khi Thúy ngơ ngác.
- Em không hiểu.
- Thuở bé em không có nghe chuyện cổ tích nàng Út hay sao?
- Không.
- Ngày xửa ngày xưa có vợ chồng ông kia, giàu có nhưng rất hiếm hoi về đường tử tức. Bà đi cầu tự từ chùa nầy đến miếu khác năm mươi năm mới có tin mừng.
Nhưng chín tháng sau, bà hạ sanh được một đứa con gái nhỏ bằng ngón tay út.
Thúy toan đưa muỗng trái vải vào miệng, cười dòn lên mà hỏi rằng:
- Nhỏ thế, sao biết được là con trai bay con gái?
- Ấy, chuyện đời xưa đâu có cần khoa học lắm. Anh đã kể tới đâu rồi? À, bà ấy sanh được một đưa con gái nhỏ bằng ngón tay út.
Cô con gái ấy mới vừa lọt lòng mẹ, đã biết đi đứng và đã biết nói.
Thúy sợ sặc vì nước trái vải hộp ngọt quá, rất làm dễ sặc nên ngưng ăn, bởi nàng bật cười khi nghe đến đoạn dị kỳ.
- Hai ông bà sầu muộn lắm, ngỡ mình kém đức, nên quỉ nó mới nhập vào cái thai.
Họ bàn tính nên giết đứa bé, nhưng lòng thương con vẫn mạnh, nên rốt cuộc họ không nỡ thực hiện ý định.
Giải pháp mà họ thấy là ổn thỏa hơn hết là cất một cái chòi trên rừng rồi đưa nàng Út lên trên ấy, cho nàng sống một mình, đã không mang tội sát tử, lại tống khứ yêu quái được ra khỏi nhà nếu nàng Út là yêu quái.
Ông bà để gạo, khô lại cho con, và một mớ đủ thứ hột giống. Không biết làm thế nào mà con bé bằng ngón tay ấy phát rẫy được để trồng dưa. Rẫy dưa của nàng Út là rẫy dưa tốt nhứt vùng, chỉ phiền là chỉ trổ có mỗi một trái thôi.
Là con chí hiếu, nàng Út săn sóc rất kỹ trái đưa hấu độc nhứt đó, cắc ca, cắc củm để dành tặng cha mẹ nàng khi nào ông bà lên thăm nàng.
Nàng nhớ cha mẹ ghê lắm, nhưng đợi mãi mà ông bà không lên bao giờ cả...
Thúy đã ăn hết cúp trái vải từ lâu, nàng lắng tai nghe bạn kể và mặt nàng buồn vô hạn. Toàn nói:
- Anh kể cốt chuyện giúp em vui, nhưng em đã buồn thì...
- Không, anh cứ kể. Em buồn vì em thương nàng Út. Nỗi buồn nầy... vui lắm, thú lắm và chính muốn tình cảm mình được khỏi luôn luôn phẳng lặng mà em cần anh. Vui hay buồn gì cũng đỡ cô đơn cả.
- Thế thì anh kể tiếp. Ơ... à nàng Út đợi cha mẹ lên để thết hai người trái dưa hấu duy nhứt cửa nàng, duy nhứt nhưng rất to, rất tốt mã, và nàng đoán là ngon lắm.
Một hôm thình lình, nàng nghe quan quân rầm rộ xông vào chòi nàng.
Hoảng sợ nàng Út chun vào trốn trong ống tre, cái ống tre có nút đậy lại, bằng rễ cây bần mà cha mẹ nàng sắm để con ngủ trong ấy, và để nàng an thân mỗi khi có biến. Cái nút ống tre làm bằng bần cũng là để cho nàng kéo cho nhẹ hầu tự đóng cửa thành của nàng lại cho dễ dàng.
Trú ẩn trong ấy, nàng Út lắng tai nghe động tịnh và qua những câu đối thoại ngoài nầy thì nàng biết rằng đó là vị Hoàng thế tử trong nước đi săn, và nhơn muốn nghỉ chơn, tìm chòi tranh của tiều phu vào ngồi đỡ một buổi.
Hoàng thế tử kêu khát nước, nhưng nhà không có lu nước nào cả. Một tên quân hộ vệ đề nghị hái dưa hấu cho Hoàng thế tử giải khát đỡ.
Họ lên tiếng gọi chủ nhà để nài mua dưa nhưng gọi mãi không nghe ai thưa, họ bèn tự ban cho họ cái quyền hái dưa vô chủ.
Đến xế chiều, nghe bên ngoài hoàn toàn im lặng, nàng Út mới dám ló mặt ra.
Thấy trái dưa ngon đã bị xơi hết, người con chí hiếu nầy khóc sướt mướt, thương cha mẹ không được hưởng lòng thảo của nàng, tiếc công mình săn sóc trái dưa.
Nhơn nàng cũng thèm dưa hấu lắm, và Hoàng thế tử ăn theo lối giàu sang, nghĩa là bỏ chất đỏ lại rất nhiều, nên nàng Út lượm vỏ dưa mà ăn mót cái chất đỏ còn dính vào bên trong vỏ.
Cuộc đời của nàng Út nơi chòi tranh hẻo lánh giữa rừng cứ đều đều tiếp tục, buồn tẻ, phẳng lì.
Nhưng lạ lùng thay, hai tháng sau đó, nàng Út nghe trong người khác lạ một ít lâu, rồi thì thọ thai.
- Lạ chưa? Thúy cười nói. Ăn mót vỏ dưa mà thọ thai?
- Ừ, vì trong vỏ dưa có hơi của Hoàng thế tử. Thế nên anh mới sợ thọ thai khi uống mót ly nước cam vắt của em.
Cả hai cười xòa và đây là lần đầu có sự cảm thông thật sự giữa đôi trai gái tuy đánh bạn với nhau mà mỗi bên cứ giữ thế mãi.
- Rồi câu chuyện ra sao nữa đó anh?
- Hễ có thai thì đẻ chớ còn gì nữa.
Toàn thoáng thấy là Thúy hơi khó chịu, cúi xuống quậy muỗng trong tách cà phê đen.
- Bảy tháng sau, nàng Út hạ sanh một đứa con trai.
Toàn trông đợi bạn hỏi: "Cũng nhỏ bằng ngón tay?". Nhưng Thúy cứ thờ ơ như không tham dự vào câu chuyện nữa, Toàn cảm thấy có cái gì khác thường, nên quyết tìm biết, nên cứ kể tiếp, mặc dầu không chắc lần nầy đã còn thính giả.
- Thằng bé mới sanh ra cũng nhỏ xíu cố nhiên là phải như vậy. Nhưng nó lớn như thổi.
Nàng Út rất thương con vì nó là nguồn an ủi độc nhứt của nàng.
Lật bật mà thằng bé đã lên một.
Năm ấy vua cha thăng hà và Thế Tử lên ngôi báu. Buồn quá, Thế Tử lại đi săn. Nhớ lại chòi tranh của tiều phu năm xưa, Thế Tử bây giờ là Hoàng Đế, khiến quân lính tìm cho được chủ nhà để Hoàng Đế vào thăm hầu trả món nợ cũ là trái dưa ăn quịt.
Cả Hoàng Đế và đoàn tùy tùng đều kinh ngạc mà tìm thấy trong đó một đứa bé trai mới biết ngồi, giống Hoàng Đế y như đúc một khuôn.
Số là nàng Út lại sợ hãi, chun vào ống tre mà trốn. Nhưng thằng bé to quá, nàng đành để nó ở ngoài, an dạ được là sẽ không ai nhẫn tâm hại trẻ con.
Hoàng đế cho gọi chủ nhà nhưng như năm ngoái, gọi mãi mà không nghe ai thưa. Quân lính nổi giận hăm đốt nhà.
Sợ mất mật, nàng Út bèn ra mặt, phủ phục lạy Hoàng đế, xin tha tội đã không tiếp rước long nhan, Hoàng đế và cả đoàn tùy tùng đều kinh ngạc khi nhìn thấy con người bé tí hon ấy. Hỏi nàng thằng bé là con ai, nàng tâu là con của nàng, không ai tin cả, lại cho biết trong trường hợp nào mà nàng thọ thai, và Hoàng đế bắt đầu nổi giận vì đoán thấy ẩn ý phạm thượng của người sơn nữ bé tí tẹo ấy.
Thình lình nàng Út rùng mình một cái thì bỗng nhiên nàng lớn lên như thổi, lớn bằng y bất kỳ phụ nữ nào và đẹp như một tiên nữ giáng trần.
Bấy giờ Hoàng đế mới thấy là nàng Út không nói ngoa và tin nàng là một nàng tiên phải đọa nên rước nàng về trào phong làm Hoàng hậu.
Không có gì sượng sùng cho bằng khi ta kể xong một câu chuyện mà không được lấy một tiếng vang nào đáp lại.
Để đỡ trơ, Toàn nói:
- Nhưng then chốt của câu chuyện là cái điểm ăn mót mà thọ thai.
Thúy châu mày mà không nói không rằng gì cả. Toàn thấy nàng hơi bối rối, hơi lo nghĩ.
Bỗng một đám thực khách vào và một người đàn ông quen biết với Thúy chào nàng rồi nói:
- Kìa cô Thúy! Lâu dữ không gặp.
Thúy tươi tỉnh lại ngay, cười rất xinh và đáp:
- Tôi đi xa với anh tôi đây và chỉ mới về nước thôi.
Người ấy bắt tay Toàn, coi bộ muốn hỏi gì, nhưng lại thôi. Lắm thiếu phụ nói với thiên hạ về chồng họ thì nói "anh tôi" chớ không chịu nói chồng tôi. Lối ăn nói hàm hồ ấy làm cho người ta thắc mắc và có lẽ người kia định hỏi khéo xem "anh tôi" của Thúy là anh thật, là nhơn tình, hay là chồng.
Trong số con gái ăn nói hàm hồ như vậy, phần lớn cố ý đánh lận con đen, gây rối loạn trong trí người ta, để dễ bề tráo trở về sau. Thúy ở trong bọn ấy chăng?
Một số ít, chỉ vì thiếu giáo dục, bắt chước tầm bậy mà nói mờ ám thế thôi chớ không ẩn ý gì.
Thường thì người ta thắc mắc, nhưng không hỏi. Cái ông nầy hơi dại, đã định hỏi đấy, nhưng rồi khôn ra kịp nên nín luôn.
- Thôi, đi về anh, Thúy giục.
- Anh thích ngồi thêm một lúc nữa, nếu em chưa mệt lắm.
- Em mệt.
- Thật à? Xem em hồng hào thế kia!
Thúy giựt nẩy mình và Toàn rất ngạc nhiên không hiểu sao nàng lại bất thường hơn xưa quá như vậy.
Ngày xưa nàng vững tinh thần như bàn thạch, cớ sao giờ nàng lại thường sợ hãi, bối rối mất bình tỉnh một cách không đâu.
Lúc gọi bồi trả tiền, Toàn hồi hộp ghê lắm, Nhưng may quá, số tiền của chàng vừa khít nút.
Lên xe, chàng nói với bạn:
- Anh bận ghé quán Kim Sơn để nói một câu chuyện quan trọng với một người bạn mà anh có hẹn. Em cứ về một mình và tha thứ anh đã không đưa em về tận nơi.
Thúy hiểu ngay là Toàn không còn lấy một đồng xu để trả tiền xe ở bận về nên kiếm cớ xuống dọc đường, kẻ nào dùng xe ấy tiếp tục đi nữa thì phải trả vậy.
- Không, nàng nói bằng giọng ra lịnh, anh phải đưa em về tận nhà, rồi ở lại đó với em độ nửa tiếng đồng hồ nữa.
Toàn rầu chín ruột nhưng Thúy vịn vai bạn mà nói bằng tiếng Pháp cho tài xế không nghe được:
- Đừng lo gì hết về tiền xe.
Toàn bật cười, hỏi, nhưng bằng tiếng Việt:
- Em hiểu sự thật à?
- Thấy bộ mặt anh lúc trả tiền ăn ai lại không hiểu ngay.
Thúy quả thật mệt. Vừa vào nhà là nàng nằm dài trên chiếc ca na bê, làm thinh rất lâu, tay ôm mặt, có lẽ vì choáng váng hay sao đó.
Lâu lắm, hơn mười lăm phút qua, nàng mới căn dặn:
- Nhớ rằng em mời anh ăn cơm tối mai đấy nhé. Và sẽ trao thơ gọi đi làm cho anh.
- Anh sẽ y hẹn.
- Thôi, giờ thì anh về được rồi đó.
- Nhưng em còn mệt.
- Ừ, nhưng hồi nãy không phải là em cầm anh ở lại để đỡ đần em đâu. Em không muốn anh về ngay. Chỉ có thế thôi.
- Thôi, anh về.
Khi nãy chàng vào sau Thúy và nàng đã bảo chàng khép cửa lại. Giờ chàng kéo cửa thật nhẹ vì xóm bình dân đã bắt đầu đóng cửa ngủ, chàng ngại làm ồn.

*

GIÁM ĐỐC CÔNG TY TỨ HIỆP
Đại lộ Nguyễn Huệ
Kính gởi ông Lê văn Toàn,
Thưa Ông,
Sau khi cứu xét đơn xin việc của ông, công ty chúng tôi lấy làm hân hạnh mà được tiếp nhận sự cộng tác của ông.
Vậy, kính mời ông ngày mai 28 tháng 4 năm 1963 hồi 7 giờ rưỡi sáng, đến nhận việc tại địa chỉ ghi trên.
Lương bổng và công tác của ông, chúng tôi sẽ thỏa thuận với ông hôm đó.
Trân trọng kính chào ông.
Ký tên: NGUYỄN-VĂN-THÀNH
Toàn đọc xong bức thơ mà Thúy trao cho, trong lúc chàng còn uống khai vị để đợi bữa ăn, nhìn Thúy mà cười rồi hỏi:
- Em đã mạo chữ ký của anh để ký vào đơn xin việc?
Thúy cũng cười:
- Mong anh không truy tố em về tội giả mạo chữ ký.
- Té ra là Công ty Tứ Hiệp. Họ bán cái gì? Anh thấy bảng hiệu, nhưng không rõ bên trong họ làm gì.
- Đó là công ty nặc danh, tức là gặp cái gì làm cái nấy, buông món nầy, bắt món khác.
- Có buôn lậu hay không?
- Em làm sao biết được. Nếu có thì đó là bí mật của ban giám đốc, và vợ con họ, không nhơn viên và thân hữu nào rõ cả.
- Nhưng em quen lớn thế nào với...
- Ông Thành nguyên trước kia là người đã thọ ơn ba em.
- Nếu thế sao em không xin việc cho em ở hãng ông Thành?
- Vì em đã có chỗ làm đằng Xucamêcô rồi.
- Nhưng Tứ Hiệp trả lương cao hơn nhiều, lại cho mượn tiền sắm xe nữa?
- Lương em cũng khá cao ở hãng em, vì trong lúc ngồi không, mà một ngày ngồi không không biết là bao nhiêu giờ mà nói, em làm thêm công việc của một người thư ký đánh máy, em ăn tới hai đầu lương, còn xe thì em chỉ cần một chiếc xe buýt mà ông Thành không thể cho mượn nhiều thế.
- Anh cứ lo họ làm gì mờ ám trong đó.
- Gì khiến anh lo như vậy?
- Họ nhận một nhân viên mới dễ dàng quá, với lại trả lương hậu quá, ứng tiền trước như anh là một chuyên viên rất cần thiết cho họ
- Lương hậu đâu mà hậu.
- Em đã chẳng nói sáu ngàn là gì?
- Phải, sáu ngàn, nhưng công việc anh quan trọng lắm. Anh là chủ sự phòng nghiên cứu thì sáu ngàn là ít lắm đó.
- Ấy thế mới khả nghi. Họ nghiên cứu cái gì?
- Nghiên cứu thị trường thương mãi kế hoạch khuếch trương vân... vân...
- Nhưng nào anh có biết nghiên cứu cái khỉ khô gì đâu?
- Tại em bảo đảm với họ là anh giỏi lắm.
- Thế thì nguy cho uy tín của em lắm.
- Anh lạc đề rồi. Anh chỉ lo sợ họ làm chuyện bất lương nên nhận người dễ dãi. Em đã cắt nghĩa lý do dễ dãi của họ rồi thì thôi, chớ sao anh lại bắt sang chuyện uy tín của em?
- Thú thật là anh đã tởn tới già, không thích vào tù một lần nữa.
- Nếu có gì mờ ám thì chính ban giám đốc (mà các nước gọi là ban trị sự) mới phải vào tù, chớ không phải bọn chuyên viên nhỏ như anh.
- Anh đã thấy vài anh trưởng phòng bút toán vào tù. Họ cũng là chuyên viên chớ.
- Nhưng họ đã tùng đảng với ban giám đốc để gian lận sổ sách. Anh nghiên cứu thì không hề đồng lỏa với ai được.
Mai đi nhận việc nhé, anh nhé!
Toàn cứ ngần ngừ, khiến Thúy đâm cáu:
- Tìm việc cho anh, mà anh làm như là nhờ anh hi sinh danh dự gì ấy.
- Ừ, mai anh đi nhận việc, em đừng có làm rầy. Giờ tới phiên anh làm rầy đây. Đêm hôm qua, em đã hứa với anh là "khi khác" em sẽ mặc ta để đi với anh.
Đêm nay phải chăng là "khi khác" nhưng em vẫn cứ mặc đầm.
Toàn đoán rằng Thúy sẽ cười khỏa lấp để khỏi phải cắt nghĩa lôi thôi, khỏi phải hứa mà cũng khỏi phản đối việc đòi hỏi hơi độc tài của bạn, nhưng nàng lại châu mày day mặt ra ngoài, nhìn cái đảo con giữa hồ sen dưới quán ăn.
Toàn vẫn không tha:
- Mà phải chi em mặc duýp sê-rê thì cũng đỡ phần nào. Em lại mặc bùng rền, trông già đi.
- Em già lắm sao?
- Không, em vẫn trẻ đẹp. Nhưng già hơn là một cô Thúy mặc duýp sê-rê.
Thúy vẫn không day vào trong, nói:
- Em cứ ngỡ anh chê duýp sê-rê không đứng đắn.
- Đâu có. Không hiểu sao người mình lại nói như vậy chớ loại y phục ấy là loại y phục mà bất kỳ phụ nữ Âu châu tử tế nào cũng mặc.
Hiệu ăn cất cao cẳng trên một đám ruộng mà chủ hiệu đào cho sâu thêm để biến thành hồ sen, chừa vài hòn đảo con con giữa hồ sen vây quanh nhà sàn, thắp đèn màu trên đảo, trông khá đẹp.
Toàn nói đùa:
- Cả quán đều nhìn em, mà em bỏ người ta, cứ ngắm đèn màu ngoài đảo mãi, tội nghiệp thiên hạ lắm.
Thúy cười rồi day vào trong với bạn.
Hiệu ăn thắp đèn mờ như ở phòng trà, bóng đèn thường nhưng giấu trong những chiếc lồng đèn Trung Hoa và Nhựt Bổn treo trên những cây xà, cây xiêng, cây trính bằng tre, thành thử Thúy trông càng như tiên nữ giữa một hiệu ăn mà phụ nữ nào cũng sang và đẹp cả.
Càng thấy Thúy sang và đẹp, Toàn càng nhận thức ra thêm sự đứng sai vị trí của chàng và ảo tưởng mà chàng thích nuôi nấng, ảo tưởng là nhơn tình của Thúy cứ thoạt hiện thoạt biến, không thể nuôi bền được.
Thúy nói:
- Mai ông Thành sẽ đưa tiền cho anh ngay, em đã được lời hứa chắc chắn và danh dự của ổng, một tháng lương, không trừ lần, và băm lăm ngàn đồng để sắm xe, cũng không trừ lần.
- Lại còn vụ chiếc xe rắc rối đó nữa.
- Không có gì mà rắc rối. Em có một người quen mua được rất nhiều xe hai ngựa của hãng Cao Su Đất Đỏ bỏ ra, họ mua đâu có hai mươi ngàn một chiếc, bằng lòng bán lại băm lăm ngàn.
- Xe vẫn chạy được hay phải đẩy?
- Cố nhiên là chạy được, nhưng cứ vài bữa là nó đau ốm một lần: Em cho anh vay thêm ba mươi ngàn nữa để làm lại hết, một tuần lễ là anh có một chiếc xe như mới.
- Vay của em, bao giờ phải trả?
- Em không lấy tiền lời, mỗi tháng anh góp năm trăm cũng phải, một ngàn cũng xong.
- Ô. Kê.
- Nhớ kỹ điều nầy. Em đã nói với ông Thành rằng anh là anh rể của em.
- Sao lại anh rể?
- Vì anh rể không bị thiên hạ hồ nghi như anh họ. Anh họ là một chức mà nhiều cô gái lợi dụng để che giấu nhơn tình, không ai còn tin nữa cả.
- Vậy à? Anh không hề biết điều đó.
- Em cũng đã nói thật cả về dĩ vãng của anh cho ông Thành biết.
Toàn tái mặt, rụng rời giây lâu rồi trách:
- Trời, sao em lại đưa anh vào một...
- Không nói thật cũng không xong, vì hãng tư lắm hãng vẫn đòi tư pháp lý lịch như công sở. Thà thú nhận trước, nó rõ lòng thành thật của ta hơn.
- Thế mà ổng vẫn nhận?
- Đã bảo ổng nhận vì em kia mà, thì dầu gì đi nữa, ổng cũng phải nhận. Nhớ nhé, đừng nói gì trái lại với em hết.
- Em nói ổng là bạn của ba em ngày xưa, như vậy ổng không biết là em không có chị sao? Không có chị, làm gì có anh rể.
Thúy bối rối rồi cố trấn tĩnh:
- Không, ổng không biết điều ấy. Em bảo rằng anh là chồng của người chị một cha khác mẹ với em.
Quanh quán là dừa nước, là ruộng, là đồng không mông quạnh. Đèn màu ở đây như bị lạc loài. Toàn cũng nghe như mình lạc loài trước cô gái kiều diễm và có phong thái quí phái nầy.
Sung sướng và hãnh diện của chàng chỉ lên tới nửa chừng thôi. Sự sang trọng vay mượn của chàng khiến cho chàng bị mặc cảm, nhắc nhở mãi với chàng là chàng chỉ đóng kịch chớ không phải là sống thật đâu.
Vãn hát rồi thì lột mảo gở râu vua ra, chàng sẽ hiện nguyên hình là một anh thơ ký đánh máy.
"Ra rạp ngồi trên ba đứa hiệu
"Vô buồng, đứng dưới mấy ông làng
"Mượn màu son phấn, ông kia nọ,
"Cổi lốt cân đai, chú điếm đàng.
Hiệu ăn nầy ở ngoại ô xa, mà ai cũng có xe cả, trừ chàng. Cũng may là đêm nay chính Thúy mời. Nàng có tiền nên neo tắc xi để đi về.
Không, chàng không ân hận đã không được Thúy, không tủi thân nữa.
Chàng rất thiếu điều kiện, cho đến đỗi neo tắc-xi mà cũng không đủ tiền neo. Cả thuở đó cũng thế. Neo một lần thì được đó. Nhưng muốn chinh phục Thúy, không lẽ lại chỉ mời nàng đi ăn có một lần.
"Gối rơm, theo phận gối rơm"
Chàng đang đóng kịch, chàng ý thức rõ ràng như vậy, đóng kịch mà không thuộc vở, không biết kết cuộc tuồng tích nầy ra thế nào, tròn trịa hay bi thảm, và nhứt là không biết còn mấy màn nữa mới vãn hát.
Diễn viên muốn diễn xuất thần phải "sống" hẳn vở kịch thì đóng mới hay. Nhưng chàng có cần khán giả nào vỗ tay đâu nên không thèm "sống".
Quyết không sống, chàng hết mặc cảm thình lình. Ừ, người con gái tuyệt sắc đang ngồi trước mặt chàng, chỉ là một cô đào đóng cặp với chàng thôi.
Trên sân khấu nầy, hai đứa anh anh, em em với nhau thế mà cô đào đã và sẽ yêu người khác, chớ nào có yêu anh kép đâu.
Thế thì anh kép tội gì phải lộn xộn về tình cảm cho mệt.
Nhưng Toàn liếc nhìn khách chung quanh và kinh ngạc hết sức mà thoáng nghĩ rằng bọn ấy cũng đóng kịch tuốt, cho đến cái ông chủ quán cũng đóng kịch nữa, ông ta đang ngồi đàm đạo thân mật với một bàn thì vụt đứng lên, đi thân mật với bàn khác và quên mất cái bàn mà ông ta vừa rời.
A... ha... ha... Thì ra đời là kịch, mà kịch là đời. Nói một cách khác, không có đời mà chỉ có kịch. Nếu không sống trong kịch thì hóa ra không bao giờ được sống cả.
Nhân sinh quan của Toàn, trong vòng có mấy mươi giây bị thay đổi hẳn. Chàng vừa quyết định không thèm sống cái vai của chàng thì lại quyết định phải sống.
Ừ, chỉ có thế mới vô vọng cổ cho mùi được.
"Đời chỉ là kịch, nếu không sống hẳn trong mấy màn mà mình đóng, Toàn nghĩ, thì hóa ra đến trọn kiếp mình cũng không được dịp ca mùi lần nào cả hay sao? Không, mình phải ca ít lắm là 2 câu vọng cổ với cô đào Thúy mới được, hai câu ngắn ngủi rồi hạ màn cũng còn sung sướng hơn là không hề được ca. Mai nầy, ừ mai nầy, mình sẽ ca. Chỉ có đủ điều kiện trong tay mới ca hay được. Mà mai nầy là đã bắt đầu có chút đỉnh điều kiện rồi.
Mai nầy, mình sẽ nói lối, mình sẽ ngâm thơ, sẽ hò vài câu dân ca, rồi thì tuần sau, khi chiếc xe sơn xong, làm mui lại, cắt kiếng sau đàng hoàng rồi thì... vô sáu câu liền, nếu may ra "xuống xề" được một cách tuyệt diệu thì ba năm dủ lý sẽ được bù lại trọn vẹn.
Trên đường về, khi xe qua khỏi cầu Bang Kỳ, Toàn đột ngột hỏi:
- Em thấy anh có ná lắm hay không?
Thúy nhìn vào kiếng chiếu hậu để xem phản ứng của anh tài xế tắc xi rồi cười đáp:
- Nếu là một anh chồng thì tạm được. Còn như nhơn tình thì phải bảnh hơn nhiều.

*

Ông chủ sự phòng nhơn viên đã được báo trước nên tiếp Toàn mà không ngạc nhiên. Toàn lại được tiếp rước đồng hàng vì chàng sẽ giữ một chức vụ ngang với ông ta, chức vụ chủ sự.
Ông ta nói:
- Thường thì đến chín giờ ông giám đốc mới tới nơi. Nhưng ổng cho biết rằng hôm nay ổng tới sớm hơn, có lẽ để gặp ông. Như vậy, ông chỉ phải đợi độ nửa tiếng đồng hồ. Ông ở Pháp về từ bao lâu rồi?
Toàn kinh ngạc có hai giây đồng hồ thôi, rồi chợt hiểu là ông Thành đã nói láo với ông chủ sự phòng nhơn viên về chàng, y như Thúy đã nói láo với ổng về chàng, mà ổng còn láo hơn một bực nữa, nên tỉnh lại được ngay và buồn cười quá, chàng nghĩ thầm: "Thì ra, toàn là kịch! Lũ nó đóng kịch từ sáng đến chiều và ở khắp nơi".
- Từ hơn một năm nay. Nhưng ở các nơi khác, họ đề nghị lương thấp quá nên tôi không buồn nhận làm. Ở đây lương cũng rất thấp, còn thấp hơn chỗ khác nữa, nhưng tôi nhận vì ông Thành cho tôi một phần hùn mà khỏi phải mua số cổ phần nào hết.
- Như vậy tức là lợi hơn lương cao rồi.
- Có thể, nếu công việc không lỗ lã.
- Không, hãng ta đang hồi thịnh vượng. Mà có ông là người tốt nghiệp Cao Đẳng Thương Mại Bá Lê tiếp tay vào thì có hi vọng còn lên nữa.
Toàn thấy mình đóng kịch cũng khá, vừa biết nói láo, lại vừa biết nói thật. Chàng nhận rằng lương ở đây thấp vì làm sao mà giẩu được số lương của chàng với ông chủ sự phòng nhơn viên?
Quả thật thế, ông Thành tới sở hồi tám giờ kém năm. Năm phút sau ông chủ sự nhơn viên đưa Toàn vào văn phòng của ông ta rồi rút lui êm thấm.
Ông Thành trạc bốn lăm hay cao niên hơn thế cũng nên. Thật là khó biết tuổi tác của những người no đủ, họ phì nộn, hồng hào trông cứ như trẻ hơn tuổi thật của họ. Đành rằng tóc ông ta đã bắt đầu nhuốm sương, nhưng điều đó không chứng tỏ được cái gì hết bởi có những người bạc đầu ngay từ năm họ ba mươi tuổi.
Khi Toàn an tọa rồi, ông ta nói:
- Ông cũng dư biết rằng chúng tôi không cần thêm người và sở dĩ chúng tôi nhận ông là vì cô Thúy thôi.
Đành rằng ông không cần phải làm gì cả, nhưng nếu thi thố được gì ông cứ trổ tài thử. Cô Thúy chỉ gởi ông có một năm. Sau đó, nếu ông cứ là người không cần thiết thì cố nhiên là tôi buộc lòng phải... phải... chắc ông đã hiểu?
- Vâng.
- Thôi ông về văn phòng ông, đã được dọn sẵn để rước ông. Ông chủ sự nhơn viên sẽ đưa ông đến đó.

*

Suốt tuần lễ đầu đi làm, Toàn không có đến thăm Thúy lần nào cả.
Liền ngay sau khi nhận phòng giấy, chàng gọi điện thoại Thúy để hỏi địa chỉ người có dư xe cũ muốn bán. Số tiền ba mươi ngàn để làm xe lại thì Thúy đã đưa cho chàng, bằng séc, đêm hôm qua, lúc đôi bạn ngồi ăn tại quán Bình Triệu.
Chàng quyết "sắm tuồng" xong mới ra sân khấu với đầy đủ phong độ, cái phong độ ấy phải tương đối tương xứng với đào.
Đào đã không cho chàng hưởng giải "anh kép trẻ đẹp" thì chàng phải cố gắng vậy.
"Chồng thì tạm được, còn nhơn tình thì phải bảnh hơn nhiều". Chàng không sao quên được câu nói rất chí lý cửa Thúy đêm đó.
Một anh chồng đã đem lại cho vợ nhiều cái khác rồi thì thiếu điều kiện bảnh trai cũng có thể tha thứ, chớ còn một anh nhơn tình mà bê bối thì đừng có mong gì.
Một tuần lễ sao mà dài như là ba năm tù của chàng? Toàn muốn hưởng cuộc đời trong khi nắm được tiền trong tay, nhưng cũng không dám hưởng. Phải hà tiện, dự trữ tài chánh để đủ mà cung phụng người đẹp.
Vì thế mà mặc dầu có lời trong tiền sửa xe, lời hơn mười ngàn bạc, vì chàng cho làm chiếc xe lại cả mà chỉ tốn có mười chín ngàn chớ không phải ba chục như Thúy đã dự trù và đã ứng cho chàng
- mặc dầu có lời, lại được tháng lương thưởng trước, chàng vẫn thắt chặt dây nịch lại, ăn cơm nhà trọ và uống cà phê cắc chú như thường.
Một tuần lễ sao mà dài quá? Nhưng gara họ có đúng hẹn đâu! Lời phàn nàn đồng thinh nhứt của người ngoại quốc cư ngụ tại xứ ta, có phải chăng là sự sai hẹn của thợ người mình?
Họ hẹn một tuần nhưng mười bữa họ mới xong.
Thợ may cũng thế.
Nhưng mà họ trễ ăn khớp với nhau như vậy cũng được vì nếu xe làm rồi mà y phục chưa có, cũng chẳng ra sân khấu được.
Không phải là Toàn không thấy đây là một cuộc phiêu lưu nguy hiểm, có thể đưa chàng trở lại khám Chí Hòa dễ như chơi nhưng chàng lại liều.
Cho đến đỗi những con người mang hai màu tóc trên đầu mà lắm khi còn liều thì anh con trai nầy làm thế nào nghe lời dạy bảo của lý trí được khi mà trò chơi kỳ lạ và hấp dẫn vô song.
Ngày sắm tuồng xong, chàng vẫn chưa tiếp xúc với Thúy. Để thử xem chiếc xe ra sao cái đã chớ còn nó mà lụi đụi giữa đường Tự do với người đẹp trên ấy thì người đẹp sẽ cằn nhằn chịu làm sao cho thấu.
Đây là chiếc xe ho lao vừa ở bịnh viện Hồng Bàng mới ra, cần thử sức coi phổi nó còn thở è è hay chăng.
Khá quá! Chàng chạy thử một ngày một đêm thì thấy rằng nó đã lành bịnh, duy chỉ còn cái tiếng kêu đặc biệt và kỳ dị của loại hai ngựa cũ thì đành phải chịu vậy, không làm sao xóa được.
Sáng hôm ấy, Toàn cầm máy nói hách không thua gì ông Thành. Mười ngày ngồi bàn chủ sự với gần hai vạn bạc trong túi, hăm bốn giờ làm chủ ô tô, đã bôm tự tôn mặc cảm vào người chàng.
- A lô, Thúy đó hả.
- Vâng, anh Toàn đó à?
- Ừ, nhận được giọng anh rồi à?
- Đã nhận được rồi. Ta nói chuyện với nhau ngay mặt trên mười lần rồi kia mà.
- Tối nay đi ăn cơm với anh, em nhé!
- Ô. Kê.
- Em có hiểu tại sao mà anh bặt tin từ hơn mười ngày rồi hay không?
- Hiểu.
- Em có giận anh không?
- Không.
- Nhưng vẫn buồn chớ?
- Cố nhiên.
- Nè, đây là điều kiện mà anh quyết liệt đòi hỏi. Tối nay em phải mặc ta, hay ít lắm là mặc duýp sê-rê. Cấm hẳn bùng rền.
Im lặng hoàn toàn.
Toàn hình dung ra một gương mặt căm tức của con người vừa thi ơn thì bị kẻ chịu ơn trở mặt ngay, ra điều ta đây kẻ cả, có quyền hành, mà lại độc tài nữa chớ.
Chàng chờ đợi nghe Thúy cười mỉa mai và nói: "Nếu em không bằng lòng thỏa mãn ý muốn của anh thì sao?" Hoặc tệ hơn: "Nè thằng ăn mày, mi đừng có làm tàn, tao buông mi ra thì đầu hôm sớm mai, mi ra rơm, biết chưa?".
Nhưng lạ kỳ thay, Thúy lại mệt nhọc đáp:
- Vâng!
Chàng nghe được cả hơi thở mạnh cửa nàng trong ống nghe nữa.
Không thương xót, chàng nói thêm câu cuối cùng:
- Em phải sẵn sàng hồi bảy giờ rưỡi để anh khỏi phải đợi.
Chàng không thương xót vì chàng là nạn nhân của Thúy thì trả thù được mách nào hay mách nấy, cho bỏ những ngày đau khổ sau nầy mà chàng sẽ vào tù một lần nữa vì công việc bất lương mờ ám nào của Thúy chưa rõ mà chàng bắt đầu bị lôi cuốn vào đó hiện giờ.
- Vâng. Nhưng xin anh lái xe thẳng vào trước nhà. Ngõ hẻm khá rộng.
- Đồng ý.
Chàng móc máy nói lại đúng cái điệu mà Thúy đã móc ngày hai người mới tái ngộ nhau trong điện thoại, nghĩa là móc mau lẹ mà mạnh tay, cho bên kia nghe tiếng kêu cái cụp mà hiểu rằng người đối thoại với y không thèm nói thêm nghe thêm gì nữa hết.

*

Trong ngõ hẻm không có ai có xe cả. Chiếc hai ngựa màu vàng của Toàn vào đây với tiếng động cơ ro ro của nó, giống như tiếng kéo thuốc phiện của các tiên ông, làm cho cả xóm xôn xao lên.
Người dân ngụ cư mới là Thúy đã được họ chú ý đến một cách đặc biệt rồi, thì thêm hào nhoáng nào chung quanh cô ta, sự chú ý ấy càng tăng thêm.
Thúy đã thay đổi cửa của căn nhà tồi tàn nầy ra cửa ba-nô, cố nhiên là mặt tiền của căn nhà cũng được thích nghi theo là xây bằng gạch chớ không phải bằng ván.
Cửa sổ đóng kín. Cửa lớn khép sơ. Chàng đẩy cửa bước vào, thấy Thúy đã trang điẻm và ăn mặc xong, ngồi sẵn nơi ghế sa lông mà đợi bạn.
Chàng hài lòng lắm mà thấy bạn chiều ý chàng, mặc ta, một chiếc áo màu và các bông vẽ trên đó đều lập thể.
Quả Thúy đẹp hơn, khi mặc áo dài Việt Nam. Không hiểu sao nàng lại không tế nhận được ưu điểm của nàng mà cứ mặc bùng rền mãi.
Chàng tươi cười, nhưng Thúy thì buồn dàu dàu và bối rối khi thấy mặt bạn.
Đứng nơi ngưỡng cửa, chàng nói:
- Nếu em đã xong thì ta đi ngay.
Thúy do dự rất lâu mới chịu đứng lên.
Bỗng Toàn trố mà ra nhìn người con gái yêu kiều trước mặt chàng, cố cầm giữ để khỏi kêu lên một tiếng kinh đi.
Bụng Thúy đội vạt áo trước, trông là thấy ngay. Người đàn bà đã sanh đẻ nhiều lần rồi, cái nây phải lớn nhưng không lớn kiểu đó. Rõ ràng là Thúy có thai!
Trong giây phút bỗng chàng hiểu cả, hiểu tất cả những gì không ổn đã xảy ra tại nhà nầy và ở những nơi khác! Thúy đã mặc ki-mô-nô mà tiếp chàng, đã bám níu vào chiếc bùng rền không hợp với nàng, chỉ để mà che giấu cái thai đã bắt đầu đội áo.
Hèn chi mà trông nàng hồng hào ra hơn ngày xưa bội phần. Chàng những ngỡ sắc đẹp của nàng đã được tăng lên vì nàng thành đàn bà rồi. Nhưng không! Qua mấy tháng ốm nghén đầu, người đàn bà mang thai lại hồng hào ra như vậy, nhứt là thai con so, và nhứt là khi người ấy dồi dào sức khoẻ.
"A ha...! Sao mình lại ngốc thế, quên mất một điều mà mình đã biết!"
Toàn chưởi thêm chàng vậy vì chàng chợt nhớ có lần đã đi một đám cưới nhà quê. Cô dâu là thôn nữ nhưng lại mặc đầm. Có người rõ chuyện rỉ tai cho chàng biết rằng cô dâu đã có thai được bốn tháng rồi.
Trong khi Thúy đưa tay ra sau lưng để vói lấy chiếc áo che thai trắng may bằng vải reng thì Toàn bước vào hai bước và kêu:
- Thúy!
Thúy không đáp, lặng lẽ mặc chiếc áo ngắn ấy vào, chồng lên chiếc áo dài bên trong rồi toan bước ra.
- Vô ích! Thúy! Ta không đi đâu nữa cả!
Chàng lại bước tới thêm hai bước nữa rồi thả rơi mình lên chiếc ghế kê ở ngoài hết.
Sức lực của chàng đã bỏ thân thể chàng mà biến đi đâu mất vì vở kịch mà chàng sắp đóng, nhưng chưa thuộc vở để biết nó ra sao, vở ấy lại mở màn bằng một tấn bi kịch.
Lần nầy chàng sống hẳn vở kịch chớ không phải cố mà sống một cách miễn cưỡng để hưởng cái gì nữa.
Toàn muốn hạ màn ngay chớ không chịu diễn tiếp. Không! Bị Thúy dụ dỗ vào cuộc buôn lậu nào để rồi vào tù cũng được, chàng cũng đành bụng phiêu lưu mạo hiểm luôn trong bất kỳ trò chơi phạm pháp nào, trừ tấn bi kịch nầy. Nhứt định không!
Từ mấy tuần nay, thỉnh thoảng một giả thuyết đã thoáng hiện trong trí chàng: là Thúy buôn hương và định lợi dụng chàng để làm bình phong.
Hư ảnh ấy quả thật không tốt đẹp gì đó, nhưng không làm cho chàng đau đớn ê chề bằng hình ảnh thật đang hiện ra trước mắt chàng.
Nếu Thúy buôn hương bán phấn, chàng sẽ ghê tởm nàng, xa lánh nàng, nhưng còn tha thứ nàng được trong tinh thần chàng. Nhưng chàng không thế nào tiêu hóa nổi một tình trạng bị lợi dụng mà không mong xơ múi gì, không thế nào nuốt trôi tình trạng lố bịch của một thằng ngốc bị kẻ lợi dụng chế nhạo, bị hai đứa nó rỉ tai nhau rồi cười xòa: "Nè cái thằng khờ ấy, em đã cho nó vào tròng rồi".
Phải, hai đứa! Có hai đứa trong vụ nầy mà đứa kia là tác giả của cái thai mà Thúy đang mang.
Toàn đã ghen. Ừ, chàng ghen, và tin rằng mình có quyền ghen. Chàng hy vọng nhiều quá và cứ ngỡ rằng Thúy đã yêu chàng, hay ít lắm khuyến khích chảng, đã hứa hẹn cái gì.
Vì thế mà đã rụng rời, đã đuối sức, thình lình Toàn như vừa được tiếp hơi, sức mạnh của chàng vùng lên.
Mồ hôi lạnh không toát ra nữa. Mặt chàng đổi máu trông thấy, từ xanh lợt, nó hồng lần lên rồi đỏ ké ra.
Biết cơn sóng gió sắp bùng nổ, Thúy bước ra ngoài để đóng cửa ba nô lại.
Trẻ con trong xóm, chơi giỡn trên ngõ, khi nãy đã ùa ra để tránh đường cho chiếc xe của người khách nhà "cô áo đầm", bấy giờ chúng nó bu quanh xe và vài đứa thót lên ca-bô ngồi mà nhún.
Thúy không buồn la rầy chúng nó mặc dầu chúng nó hét vang trời, mà chỉ vội vàng đóng cửa thôi.
- Khốn nạn!
Toàn vừa giậm chơi lên gạch, vừa đấm lên đùi chàng, vừa quát to câu đó.
Quát xong, chàng hết hồn, chợt thấy rằng mình bậy. Nhưng cơn giận không chịu dịu xuống, chàng lại quát:
- Cô Thúy! Tôi không dè mà cô kém lương thiện đến thế. Trời ơi! Cô đã khinh tôi ngày xưa thì còn được đi, tôi không có quyền phản đối tình cảm ngầm ngầm trong lòng của ai hết. Nhưng bây giờ thì khác. Rõ ràng là cô gạt gẫm tôi.
Nè, tôi nói cho cô biết, tất cả những ân huệ mà cô ban cho tôi, tôi xem như rơm như rác. Ngày mai nầy, tôi sẽ vứt đi mà không tiếc một chút xíu nào. Còn chiếc xe, tôi trả lại cô ngay bây giờ với điều kiện là cô phải nhận ngay sự sang tên của tôi ngày mai nầy, kẻo cô lại cán chết ai, tôi mang họa oan uổng.
Đáng lý gì tới đây là chấm dứt và tôi phải đi ngay. Nhưng không thể dứt được. Nạn nhân cần phải nói thẳng vào mặt cô cho cô biết rằng trong con người xinh đẹp của cô ẩn trú một tâm địa đê tiện, một căn bản hèn mạt, cô biết chưa!
Toàn hét lớn, gân cổ chàng nổi lên to bằng những cọng mì ống. Nhưng chàng không hả giận mà còn run bắn người lên khi nhìn thẳng vào mặt Thúy, chàng không thấy nàng xấu hổ chút xíu nào hết, mà cứ bình thản như thường, chỉ hơi thoáng buồn một tí thôi.
Thúy ngồi lại nơi ghế, mỉm cười và chẫm rãi hỏi:
- Anh bảo em gạt gẫm anh là gạt gẫm chỗ nào đó hở anh?
- Không anh em gì nữa cả! Từ đây ta sẽ xa lạ với nhau. Đó là tôi tốt bụng lắm mà không thù hằn đa.
- Sao lại thù hằn? Nhưng xin anh trả lời câu hỏi của em.
- Cô quả thật là một con người không biết xấu hổ. Như thế mà bảo là không gạt gẫm à? Lại còn hỏi vặn, bộ cô muốn tôi trắng trợn nói thẳng vào cô nữa hay sao chớ.
Chà! Em với anh! Đã mang bầu tâm sự gần năm tháng.
Thúy cười dòn lên mà rằng:
- Em có thai thì không được phép có một người bạn trai như anh hay sao?
- Nhưng con trai không hề thích kết bạn với một đàn bà có thai. Nếu tôi là bạn của cô trước thì đó là chuyện khác.
- Nhưng em làm sao mà biết được sở thích của con trai để cung khai trước cái điều mà anh cho là tội trọng.
- Chớ không phải cô dụ dỗ tôi à?
- Nào em có dụ dỗ anh điều gì đâu. Em mời anh đến nhà chơi là sự thường. Rồi anh mời em đi ăn cơm lần đầu cũng là sự thường. Rồi em giúp anh cũng là sự thường.
- Á thôi đi, đừng già hàm lẻo mép. Chớ không phải cô có chửa hoang, cô dụ cho tôi nôm cô.
Thúy phá lên cười:
- Coi kìa! Sao anh lại nói lạ vậy? Anh nhớ kỹ lại thử xem. Khi em đề nghị giúp anh, anh hồ nghi lo sợ hỏi điều kiện. Em đã lương thiện cho anh biết điều kiện rồi.
- Điều kiện gì?
- Thỉnh thoảng anh đưa em đi ăn cơm ở ngoài, bằng xe của anh, chỉ có thế thôi.
- Chi vậy.
- Em cũng đã giải thích rõ. Em quen tánh ham vui mà nằm nhà mãi em buồn; em đang cô đơn.
- Chà, nếu không có cái bụng thì nghe được lắm. Nhưng dầu sao, cô cũng không thể chối được rằng cô đã gạt gẫm tôi. Tại sao cô lại không cho tôi biết sự thật ngay từ ban đầu, lại còn cái trò mặc ki-mô-nô ở nhà, mặc bùng rền lúc đi ra ngoài, toàn là trò lấy miệng thúng mà úp... à không, cũng chưa phải là voi đâu, nhưng rõ ràng là bất lương, cái trò... à cô có biết hay không rằng nói láo bằng sự làm thinh cũng đã là có tội rồi, huống hồ gì cô còn nói láo bằng hành động?
Vậy, đích thị là cô có ẩn ý, có hậu ý không tốt.
Nếu tôi không bị gạt, tôi không nhận lãnh vai trò khốn nạn nầy bao giờ. Cô biết rõ tình cảm thật của tôi đối với cô chớ? Tôi ngốc, đành vậy, nhưng con người luôn hi vọng và sở dĩ tôi nhận tất cả là vì tôi còn chút ít hi vọng mong manh ấy nơi tôi.
Cô quỉ quyệt, cô nuôi cái hi vọng ấy mà cô dư biết chỉ là ảo vọng thôi, cô nuôi nó bằng cách che lấp sự thật với chiếc ki-mô-nô, với cái bùng rền. Hừ, thật là con người vô liêm sĩ!
Thúy ôm lấy mặt rồi khóc oà. Lâu lắm, nàng vừa tấm tức, tấm tưởi, vừa nói:
- Có chửa hoang nào tốt lành gì là khai ra với một người bạn cũ vừa tái-ngộ. Anh ở vào địa vị em, anh có khai hay không?
- Tôi không khai, nhưng tôi không gạt-gẫm người bạn ấy.
- Anh cứ nói mãi hai tiếng gạt gẫm. Em không gạt anh, còn em che giấu vì làm sao mà em khỏi xấu hổ với anh? Em biết rằng thế nào ngày kia anh cũng thấy và có gạt-gẫm hay không là ở cả cái lúc mà anh thấy.
Anh đã thấy rồi, và em đã nói sự thật vì không còn giấu được nữa, em gạt anh ở chỗ nào?
Anh tàn nhẫn lắm, anh còn mắng em về cái thai nầy nữa, anh có biết đâu rằng em là nạn nhơn.
Toàn đã nguôi giận vì uất-hận của chàng đã xì cả ra rồi theo bao nhiêu lời mắng nhiếc ấy. Hơn thế, chàng nghe thương yêu Thúy trở lại y như cũ. Thế nên chàng cứ muốn cho Thúy tự bào chữa một cách hữu-lý để chàng tha thứ.
Nhưng Thúy là một nữ luật sư biện-luận không vững. Trong vụ chửa hoang nào, cũng phải có hai đứa đồng lỏa với nhau, trừ phi các vụ chửa hoang sau khi bị hiếp dâm thì không kể. Vậy thì không có ai là nạn nhân cái khỉ khô gì hết ráo. Đôi khi đứa có chửa hoang lại là thủ phạm nữa, nó bắt xác mấy thằng ngốc như chàng để được có chửa, được níu kéo rồi hoặc là được chàng hoặc là được tiền bồi thường, cả hai lối ra đều có lợi.
Tuy nhiên đã bảo Toàn chỉ đợi Thúy tự biện hộ để mà tin kia mà.
Thế nên chàng gọi:
- Thúy!... Thúy! Trời ơi, té ra Thúy là nạn nhơn?
Thúy vẫn làm thinh, khuỷu tay chống gối và hai bàn tay ôm mặt lại.
Hết nghẹn ngào và nói suôn sẻ được, Toàn tiếp:
- Anh cứ ngỡ là em toa rập với nhơn tình em để lôi cuốn anh vào một vụ mờ ám nào. Anh tức và nhứt là anh ghen. Anh ghen ghê lắm, mặc dầu anh không có quyền ghen.
Nhưng chắc em đã biết tình cảm âm thầm của anh đối với em thì chắc em không còn cho cái ghen của anh là vô lý nữa.
Thúy vẫn làm thinh.
- Thúy ơi! Tha lỗi cho anh Thúy nhé!
Vẫn cứ im lặng hoàn toàn.
- Thúy! Thúy ơi! Sao em không nói năng gì hết vậy? Anh van em! Anh lạy em! Em cứ mắng anh, chưởi anh cũng được, miễn là em nói ra lời nào.
Thúy nấc lên một tiếng nấc ngắn rồi lấy tay ra. Toàn thấy nước mắt nàng ràn rụa.
Chàng đứng lên, toan đến gần Thúy, nhưng chợt nhớ ra là chàng còn chưa được là bạn khá thân của Thúy nữa thì nàng có thế cự chàng rồi chàng phải mang xấu thêm.
- Thúy ơi! Em có vui lòng tha lỗi cho anh hay không?
- Không, anh không có lỗi gì cả. Phản ứng của anh là như vậy, không thể khác được. Em đã tiên liệu thế nào cũng có trận sóng gió đêm nay.
- Nếu thế, ta đi ăn cơm em nhé! Đã trễ quá rồi.
Thúy đứng lên và nói:
- Anh đợi em giây lát.
Toàn biết là nàng đi rửa mặt. Nhưng rửa mặt xong lại phải ma-ki-dê trở lại. Chàng đói bụng ghê lắm. Cơn giận vừa qua đã tiêu xài nhiều ca-lô-ri quá nên cơ thể chàng đòi hỏi dữ. Chàng sốt ruột mà nhớ ra rằng phụ nữ ngày nay bỏ ra nửa tiếng đồng hồ là ít để làm lại một điểm hóa trang đã hỏng.
Cửa ba nô đã biến căn buồng nầy thành ra một lò lửa mà cây quạt máy nhỏ quá không đủ sức thổi cái bức ra phía sau nhà.
Toàn vội bước ra đi mở cửa trước. Chàng mở thình lình quá, và bắt chợt được mấy mươi chị đàn bà đang đứng trước nhà Thúy để nghe ngóng. Trẻ con phá xe và la hét khi nãy đã bị họ dẹp nín khe hết để họ lắng nghe cho rõ trận phong ba trong nhà.
Toàn kinh sợ hết sức nhưng bỗng bật cười rồi lẩm bẩm:
"Không, cửa ba nô không để lọt ra ngoài lời nào đâu. Quả họ đã nghe la hét, nhưng không thể biết mình nói cái gì".
Bấy giờ sực nhớ ra con nhỏ ở, chàng lại hoảng, chạy vào buồng Thúy mà quên dè dặt.
Chàng gọi lớn:
- Thúy ơi!
- Chi đó anh?
Buồng ngủ không thắp đèn. Đèn nhà bếp sáng trưng và Thúy đang rửa mặt ở cái bồn rửa mặt gắn nơi bìa tấm vách sau, kế cửa ra nhà bếp.
- Anh đừng ra đây.
Toàn đoán rằng Thúy đã cởi áo dài để rửa mặt cho khỏi ướt áo.
- Không, anh không ra. Nhưng con nhỏ ở đâu?
- Em đã cho nó đi coi hát. Anh khát nước, cứ mở tủ lạnh.
- À, không... không khát.
- Chớ anh cần sai khiến nó cái gì?
- Không. Chỉ để biết có nó ở nhà hay chăng.
Chàng nghe Thúy cưòi dòn lên và thấy rằng Thúy rất thông minh. Nàng đã tiên liệu có trận sóng gió nên đã tống cổ con nhỏ ở đó đi. Và nhất là nàng hiểu được ngay vì sao mà chàng lo sợ, tìm coi nó có ở nhà hay không, nên cười một chuỗi cười hóm hỉnh như vậy để ghẹo chàng chơi
Mấy chị đàn bà tò mò kéo nhau đi hết vì sóng êm gió lặng rồi, đâu còn gì nữa mà rình.
Thúy đã vào buồng trong để hóa trang lại.
Toàn ngồi thừ ra, lòng bàng hoàng không chịu được.
Khi nãy chàng muốn hạ màn ngay vì tấn kịch thật của sân khấu đòi, thiệt hại cho chàng quá. Nhưng giờ thì chàng đã đổi ý, muốn diễn cho hết vở tuồng.
Màn đầu, thật ra không bi thảm quá, như chàng đã ngỡ. Thúy rõ ra là cô gái can đảm vô cùng. Nàng đã khóc, nhưng chưa chắc vì sầu thảm mà khóc. Nàng khóc vì bị mắng nhiếc thậm tệ mà phải còn ráng chịu vì còn cần chàng, khóc vì tức mình đó thôi.
Riêng đối với chàng thì màn đầu nầy lại còn mang một màu xanh hi vọng. Chàng có mất Thúy đâu, không mất vì chưa được bao giờ. Trái lại, từ đây chàng có thể mong được Thúy. Hi vọng nầy không phải là sự tham lam vô độ và điên rồ của mấy năm trước nữa đâu.
Và màn chót rất có thể là một màn "tròn trịa" xây dựng hợp với tình cảm của quần chúng ghê lắm, vì chàng sẽ ra tay nghĩa hiệp và cái cảnh "bá niên giai lão" ở màn đó không phải là ảo tưởng suông đâu.
"A... ha... ha... phải ở tù ba năm... phải ghen tức một tiếng đồng hồ rồi mới đạt thành sở nguyện. Kể ra thì cũng đắt giá thật đó, nhưng khổ hạnh của mình không hoàn toàn vô ích".
Bấy giờ Thúy đã xong, bước ra ngoài, tươi cười như không có gì xảy ra.
Trông nàng không kém đẹp hơn trước phút chàng biết sự thật chút nào cả, mà có phần đẹp hơn nữa là khác vì chiếc áo che thai tròng bên ngoài chiếc áo dài là một món trang sức tuyệt xảo mà loài người đã sáng chế ra cho đàn bà.
Lạ quá! Khi nãy bắt chợt được bí mật của Thúy, Toàn nghe như trời đất đều sụp đổ quanh chàng và Thúy hóa ra một con vật gì đáng nhờm lắm.
Nhưng bây giờ thì chàng lại thấy trước sự hãnh diện của chàng lát nữa đây, khi chàng cùng đi với một thiếu phụ có thai.
Phải, chàng sẽ hãnh diện lắm, vì người ngoài không thể đoán chàng là ai khác hơn là chồng của Thúy.
Trong khi Thúy khóa cửa thì Toàn mở cửa xe đợi bạn. Thúy bước xuống thềm lên xe ở phía tay lái... tức là phía trong nhà, Toàn lên theo và hỏi:
- Chạy tới luôn để ra bằng lối khác được không em?
- Em không biết vì mới dọn về đấy.
Vừa de xe lại, Toàn vừa nghĩ đến chi tiết mới dọn nhà về đây của Thúy, lên hỏi:
- Sao em lại dọn về đây?
- Vì em cần tiền. Em sang nhà gạch cũ được sáu mươi ngàn.
- Còn ở đây? Vào có tiền nước chớ?
- Không, chỉ phải trả trước một năm rưỡi, tức mười tám ngàn.
Toàn cười thầm trước lời nói láo một cách tự nhiên của Thúy.
Bỏ nhà gạch vào xóm lao động mà ở, tức phải cần tiền ghê lắm. Nhưng lấy được sáu mươi ngàn rồi thì phải trả trước tiền nhà mười tám ngàn, trang trí căn nhà nầy và sửa sang lại, không mất dưới mười ngàn. Cho chàng vay ba mươi ngàn nữa là đi tuốt hết năm mươi tám ngàn rồi, còn lại chỉ có hai ngàn, làm sao mà thỏa mãn được sự cần tiền lớn lao đến phải rời một căn nhà hợp với phong cách của nàng.
Ra tới đường, Toàn hỏi:
- Em thích ăn ở đâu?
- Ở nơi nào mà kêu món ăn là có ngay vì đã tám giờ rưỡi rồi và em đói lắm.
- Nhưng anh ở tù mới ra, không còn biết nơi nào phục dịch lẹ nữa.
- Cứ vào các hiệu cơm Tây, đặc biệt cơm Tây, không xen ta, Tàu vô là họ làm lẹ.
Cho xe chạy trên đường Hồng thập Tự, Toàn suy nghĩ nhiều về sự giả dối nho nhỏ của Thúy trước vấn đề nhà cửa.
Có lẽ nàng không thích bị nguời ở xóm cũ thấy một cô gái độc thân mang thai. Dọn về đây, người mới sẽ ngỡ chồng nàng đi xa, hoặc du học, hoặc là quân nhân ngoài tiền tuyến. Họ ngỡ như vậy và có thể nàng cũng sẽ nói láo như vậy.
Chỉ phiền một điều là nàng không dám lui tới những chốn vui chơi cũ, những rạp chiếu bóng, những hiệu ăn. Có lẽ nàng quyết nằm nhà suốt mấy tháng thọ thai để đợi ngày sinh nở.
Và may mắn cho nàng và rủi ro cho chàng là chàng rơi ngay vào lối bí của Thúy.
Thúy chụp ngay lấy vị cứu tinh mà trời đã sai xuống giúp nàng. Nàng sẽ không mất liên lạc với cuộc sống mà nàng thích, mà gặp người quen, cũng khỏi ngỡ ngàng.
Đành rằng không có tin báo hỉ nào về nàng đăng trên báo cả, nghĩa là nàng vẫn chưa có chồng. Nhưng có một anh chàng nhơn tình không bỏ rơi nàng lúc nàng mang thai thì cũng đỡ xấu.
Mà anh nhơn tình ấy phải tương đối có phong độ: một chiếc hai ngựa với lại lương tháng khả dĩ đủ mời bạn đi ăn mỗi tuần đôi lần, đi xi nê mỗi bận đổi phim v. v...
"A... ha... ha. nó gạt gẫm mình thật đó, mặc dầu nó chối leo lẻo nhưng quả thật không đáng giận lắm"
- Bậy quá, khi nãy anh la hét làm em bẽ mặt với xóm giềng.
- Không hề gì. Anh không nhớ thằng cha đánh vợ hôm nọ đó sao. Xô xát với nhau là sự thường. Trái lại người ta càng tin là ta đã là bạn với nhau lâu rồi.
Thúy đã mặc nhiên xác nhận gián tiếp rằng nàng dùng chàng làm bình phong.
Toàn lại hiểu thêm được thái độ của Thúy hôm nọ. Nàng chạy đi xem đám đánh lộn chỉ cốt lôi kéo chàng theo, để rồi nàng được dịp nói lên cái gì đã gây ngộ nhận cho người trong xóm.
Thật là một cô đào diễn tuyệt diệu. Nàng đóng kịch tài, lại viết tuồng cũng giỏi vì chính nàng đã nghĩ ra những trò mà nàng diễn.
- Còn ở sở em?
Xe đã đậu trước một hiệu cơm tây bên hông nhà đèn, sau Quốc hội.
Hiệu ăn có hai buồng ăn, buồng phía trong rất đông ngoại kiều, và khi Thúy chọn buồng ngoài. Toàn ngỡ nàng không ưa chung đụng với ngoại kiều.
Sự thật thi đến lúc đẩy cửa kiến vào trong, Toàn mới biết: Thúy gặp rất nhiều người quen biết ô đày.
Nàng mỉm cười chào họ và đi qua rất mau, chắc để khỏi phải giới thiệu chàng với họ, để mặc họ đoán gì thì đoán. Thúy đã sợ chàng rồi, không dám nói càng nữa; để họ ngầm tưởng, có lợi cho nàng hơn.
- Ở sở em ấy à? Thúy đáp muộn lúc họ ngồi lại bàn và Toàn gọi món giải khát và trao thực đơn cho nàng. Ở sở em thì là họ biết em có thai thôi, chớ không ai tò mò thêm gì.
- Nhưng phòng nhân viên hẳn phải ngạc nhiên chớ?
- Đành rằng hồ sơ của em ghi là "độc thân", nhưng em không thể lấy chồng mà làm hôn thú sao?
- Em có cần anh tới sở không?
- Nếu anh đưa rước em đi làm và về nhà thì tuyệt, nhưng sợ phiền anh. Đã bảo ở đó họ không tò tò như người trong xóm.
- Còn ông Mục?
- Ông Mục cũng không biết gì.
- Nhưng anh đã quan sát và đoán biết rằng em sợ ông Mục nói gì với anh về em.
- Đúng như vậy. Em sợ ông ấy cho anh biết rằng em có thai. Chỉ có thế thôi.
- Nhưng nếu giờ anh đưa em tới sở thì ông Mục sẽ ngỡ anh nôm em, hay anh "lầm" em.
- Ông Mục có biết anh ra khỏi khám từ bao lâu rồi hay không?
- Không. Mà chắc nó cũng không hề hay biết rằng anh đã trả xong món nợ đó.
- Vậy thì dễ lắm. Hiện em được bốn tháng rưỡi. Anh cứ bảo là anh mãn tù chín tháng rồi.
Uống chén công-xôm-mê nóng, ăn xong dĩa thịt bò, họ mới nói chuyện tiếp:
- Em định sinh nở rồi sẽ làm gì?
- Làm lại cuộc đời, cố nhiên.
- Với một đứa con trên tay?
- Sao lại không. Đời nầy có phải như đời xưa đâu.
- Dầu sao cũng không bằng nếu em son rổi.
- Cố nhiên. Nhưng em có thể gởi con cho một người bà con nuôi.
Thúy khôn ngoan, thực tế và khôn khéo quá. Nàng đã chọn hiệu ăn Tây, nói là để được mau có món ăn, và có lẽ đã đoán rằng rất có thể chàng đưa nàng đến đây vì hiệu cơm tây xứng đáng với nàng thì chỉ có vài hiệu thôi.
Ở đây, có lẽ là hiệu ăn quen thuộc của nàng nên nàng đã gặp nhiều người quen.
Nàng cố ý tạo cuộc gặp gỡ ấy.
Nàng sẽ được làm lại cuộc đời với một đứa con trên tay một cách dễ dàng vì nàng sẽ là gái bị chồng bỏ chớ không phải gái chửa hoang.
Với cái đức tiêu xài đế vương của nàng mà ai cũng biết thì chủ của chiếc xe hai ngựa ọp ẹp ấy chỉ có thể là chồng thôi.
Muốn được làm nhơn tình của nàng, phải giàu sang lắm lắm.
Thì ra, một người chồng, vẫn còn giá trị đối với hạng gái như Thúy!
- Được, bắt đầu từ ngày mai, anh sẽ đưa rước em. Nếu họ, và nhứt là thằng Mục có hỏi gì về anh, em cứ nói từ bao lâu nay, anh bận làm ăn trên Ban-mê-thuột.
- Đồng ý.
Đến món tráng miệng, Toàn nhắc lại cái đêm mà chàng tái mặt khi nghe nàng gọi một cúp trái vãi. Đôi bạn cười xòa với nhau rồi Thúy nói:
- Em cũng sợ lắm, vì không lẽ em lại đưa tiền cho anh.
Giờ phút nầy, họ đã hoàn toàn cởi mở. Toàn không còn căm hận, cũng như chẳng ngỡ ngàng, còn Thúy thì dĩ nhiên là hài lòng lắm. Nàng khen bạn:
- Anh hiểu biết rộng rãi lắm và em thành thật cám ơn anh lắm.
- Nếu anh không chịu hiểu biết thì sao?
- Cái trận sóng gió hồi đầu hôm, em đã tiên liệu rằng thế nào rồi ngày kia nó cũng nổi lên, nhưng em cố làm cho nó càng nổi lên trễ càng hay.
Em cũng đã trù liệu về cái trường hợp anh không chịu hiểu biết.
- Ừ, nếu thế thì sao?
- Thì thôi vậy.
- Em chịu mất tiền, mất ơn huệ mà không được đền bù à?
- Cũng không sao.
Thúy chắc rất ít tình cảm, mà có lẽ không có tình cảm cũng nên. Nhưng Toàn ngạc nhiên mà thấy chính chàng cũng không có tình cảm tuốt.
Những ngày đầu mới vào khám, chàng đau khổ ghê lắm. Có lẽ đau khổ nhiều quá, đã thiết giáp tim của chàng rồi chăng? Nhưng không, ngày tái ngộ lại với Thúy, chàng cũng đã ngậm ngùi đến muốn rưng rưng lệ.
Cớ sao mà từ nãy giờ, chàng ăn nói y như là chàng sẵn sàng nhận trò đùa nầy và thủ vai tấm bình phong một cách dửng dưng như là một tên lính đánh giặc mướn. Ăn tiền thì đánh, cũng làm tròn phận sự một chiến sĩ vậy, nhưng hoàn toàn không tự hỏi mình chiến đấu có lý do, có chánh nghĩa hay không.
Thử phân tách lòng mình, Toàn cảm nghe mình thoáng thấy dược cái gì, còn lẩn lút lắm mà không phải thủ lại xem để cho chắc ý đó là cái gì.
Họ ra bằng cửa trổ ra đại lộ Hai Bà Trưng, không đi ngang qua mấy bàn quen nữa. Đôi bạn đã cúi đầu chào chung tất cả rồi đẩy cửa bước ra vỉa hè liền.
Toàn xuống dốc Hai Bà Trưng, chạy trên đường bờ sông, im lặng lâu lắm rồi đột ngột hỏi Thúy:
- Hắn bỏ rơi em, nhưng em còn yêu hắn lắm hay không?
- Em đã quên được.
- Nhờ em can đảm hay nhờ hắn không đáng nhớ lâu?
- Nhờ em thực tế và can đảm.
Toàn có thể tin bạn bằng lời. Vả lại, nếu nàng nói láo bây giờ thì ngày kia sự giả dối cũng sẽ hóa thật, vì rồi thế nào nàng cũng quên được.
Bấy giờ Toàn mới thấy rõ nguyên nhơn của tâm trạng chàng. Không có tấn bi kịch nào cả và Thúy cứ là Thúy. Thúy với một bào thai trong bụng nhưng không niềm riêng trong lòng thì y như là Thúy son rổi.
Chàng là bạn của một cô gái bụng xẹp y như bất kỳ cô gái nào, chớ không phải của một bà mẹ tương lai mà nỗi sầu khôn nguôi không cho phép chàng lại gần về mặt tình cảm.
- Còn số phận của anh?
Đây là một câu hỏi trắng trợn mà đáng lý gì tự ái của Toàn không cho phép chàng thốt ra.
- Thì anh cứ là bạn của em.
- Mãi cho đến khi em không cần anh?
- Em đâu có bạc bẽo như anh tưởng.
- Nhưng hẳn là khi em làm lại được cuộc đời rồi thì anh không còn được đưa em đi ăn cơm như thế nầy nữa?
- Cố nhiên.
- Nghĩa là anh sẽ chỉ là bạn vậy thôi, có phải không?
- Nhưng chuyện ấy còn lâu. Sao anh không chịu sống đầy đủ giờ phút nầy?
- Em nói có lý. Nhưng anh cũng có lý mà băn khoăn về chuyện ngày sau. Tình cảm của anh đối với em, em dư biết. Tại sao em không nghĩ đến làm lại cuộc đời với một viên tư chức tối tăm, em sẽ không sung sướng nhưng mà chắc chắn là bảo đảm hơn những ảo ảnh mà em còn tham vọng.
- Té ra anh vẫn còn gắn bó với... với tình cảm buổi đầu của anh?
- Làm thế nào mà anh hết yêu em được.
Thúy lẩm bẩm một mình: "Té ra ngày nay, trên đời nầy vẫn còn những tấm lòng chung thủy, những mối tình lớn và bền..."
Đoạn nói lớn lên, nàng hỏi:
- Anh không nhiễm tiểu thuyết lắm chớ?
- Hoàn toàn không, Vả anh chỉ đọc truyện trinh thám và võ hiệp thì anh yêu là tự anh yêu, chớ không hề bắt chước tiểu thuyết.
- Em muốn lương thiện.
- Anh không hiểu.
- Nếu vì lợi mà bắt anh phải gánh nặng vì một cô gái không yêu anh thì hóa ra cô gái ấy làm chuyện lường gạt.
- Có thể rồi ngày kia anh đến sẽ phải liều không đòi hỏi tình yêu của em mà chỉ xin được làm chồng em thôi. Ừ, có thể anh sẽ đi tới chỗ ấy lắm. Nhưng vẫn không chắc sẽ được toại nguyện. Hình như là em còn tham vọng.
- Nhưng nếu quả thế thì không chánh đáng hay sao?
- Chánh đáng chớ sao không. Còn trẻ rất đẹp như em, ai lại không tham vọng tài cao. Tuy nhiên cũng rất khó đạt thành sở nguyện lắm Thúy ơi.
Thúy không nói gì, vì ý nghĩ của nàng để đáp lại ý bạn, rất khó mà thốt ra. Đành rằng rất khó mà đạt thành sở nguyện bởi có hàng triệu người thích hưởng nàng nhưng chưa chắc đã có một người thích cưới nàng. Nàng dư biết những lẽ đó, nhưng dầu sao cũng cứ thử cho hết sức mình chớ lẽ nào lại đầu hàng ngay từ lúc xuân sắc của nàng đang độ tốt tươi.
Chừng nào phấn lợt hương phai rồi thì chừng ấy, nàng mới chịu hạ mình xuống mà lấy một thầy ký! Cái đó thì đã hẳn. Nhưng có lắm sự thật không nên nói ra.
Toàn cũng há không biết lẽ đó hay sao, nhưng chàng cứ suy luận khác, theo cái quan điểm mà các thiếu phụ còn trẻ đẹp như Thúy cho là thiển cận, hẹp hòi, là ích kỹ.
- Giờ ta đi dâu đây em?
Toàn hỏi, khi xe chạy ngang qua hội trường Diên-Hồng. Đã đến đầu con đường một chiều, không hưởng gió sông được nữa, bởi phải quẹo qua bên phải nên gã si tình mới hỏi thế. Bỗng chàng lại kêu lên; không đợi Thúy trả lời:
- A, con gái đẹp đi đâu mà đông quá như vậy vào giờ nầy?
Bên trái của họ, sát công viên bờ sông đậu năm chiếc xe ca khổng lồ và hằng trăm thiếu nữ Trung-Hoa đang lên xe. Cô nào cũng mặc bơ-lu-din và có ít lắm là ba mươi cô đẹp và mười cô tuyệt đẹp.
Thúy giải thích:
- Đó là ê kíp thợ làm đêm trên hãng dệt Bà Quẹo, sắp lên trên ấy để thay thế cho ê kíp trước về đây nghỉ ngơi.
- Thợ à? Những con người đẹp như vậy mà chỉ làm thợ thôi à? Em thấy chưa? Không phải á xẩm sắc nước hương trời nào cũng trở thành Dương-Quý-Phi được hết đâu.
Thật là khó chịu. Thúy đã tiên liệu được trận phong ba ở nhà lúc đầu hôm nhưng cái đám mưa dầm dai dẳng nầy quả thật bất ngờ.
Nó sẽ kéo dài như thế từ tháng nầy đến tháng khác, rỉ rả, mà nhức xương nhức cốt ghê hồn.
Nàng làm sao mà ngờ được rằng anh con trai nầy vẫn đeo đuổi một người đàn bà mang thai. Nàng cứ ngỡ một khi bị đặt trước sự thật đã rồi thì một là hắn tuyệt vọng rồi rút lui, hai là hắn sẽ ham lợi mà thủ cái vai hộ tống viên mà nàng cần, chỉ có thế thôi. Nào ngờ...
Nếu bây giờ mà nàng hứa bậy một tiếng hẳn nàng sẽ được yên thân cho đến ngày nàng lâm bồn. Chừng đó, bội ước, nàng sẽ bị một trận sóng gió nữa rồi thôi, chớ cũng chẳng chết chóc gì.
Nhưng mà nàng lương thiện về mặt đó. Thúy hỏng nhưng không phải là kẻ bất lương. Nàng biết kính trọng lời hứa và biết tự trọng.
Xe đã đỗ ra bồn binh và Thúy nhìn đồng hồ chợ thì thấy đã gần mười giờ rồi. Bấy giờ nàng mới đáp trễ muộn một câu hỏi của bạn khi nãy:
- Thôi thì anh đưa em về nhà chớ còn biết đi dâu nữa bây giờ, vì đêm nay cả hai ta đều mệt.
Quả đúng như vậy. Chàng mệt mỏi ghê hồn. Những tình cảm mà chàng đã trải qua từ đầu hôm đến giờ có sức tàn phá như là hằng tuần thiếu thốn thực phẩm, hằng tháng làm việc nhọc nhằn.
Giây lát sau, họ chia tay nhau trước nhà Thúy mà chàng không vào.
- Mai đưa em đi làm anh nhé! Thúy căn dặn lần cuối cùng.
- Anh sẽ không quên đâu. Chúc em ngủ ngon giấc!
- Chúc lại anh y như vậy.
Thúy không đóng cửa ngay, đứng đó mà nhìn bạn de xe. Toàn không rõ đó là lưu luyến hay xã giao. Dầu sao, hình ảnh ấy sẽ đeo đuổi chàng suốt đêm nay và sự cảm động trong giây phút nầy cũng khiến chàng bận bịu không muốn rời nơi đây.
- Good night!
- Good night!