Chương 1

    
hằng Cù Lao theo anh Sáu ra ở ngoài Đà Nẵng để học tập. Nhưng Đà Nẵng lại không yên. Hết bọn lính của Tưởng Giới Thạch đến đóng, lại đến lính Pháp đến kiểm soát việc rút lui của quân đội Nhật. Chúng có nhiều âm mưu đen tối. Anh Sáu phải cho thằng Cù Lao về lại Hoà Phước ở với anh Bốn Linh để tiếp tục việc học tập. Chú Năm Mùi gặp nó cười hì hì:
- Về đó hả? Hay lắm! Đang cần có chú!
Chú Năm Mùi nhìn sang phía tôi:
- Cả thằng Cục nữa, cũng đang cần mày. Cách mạng đổi đời, chúng mày thăng chức mau đã dữ! Trước đây là chăn trâu, sau được thăng chức làm học trò. Sẽ được thăng làm thầy! Sướng chưa!
Trước đây bốn tháng, tôi chăn con trâu Bĩnh. Mọi người gọi tôi bằng thằng, thằng Cục. Sau đó, tôi được đi học, mọi người gọi tôi bằng trò, trò Nguyễn Văn Cục. Nay lại được làm thầy, thầy Nguyễn Văn Cục! Tôi ngờ ngợ, không tin ở lỗ tai mình. Tôi hỏi chú Năm Mùi:
- Thầy chi chú?
Chú Năm Mùi nói lơ lửng:
- Thầy, chớ còn thầy chi nữa! Thôi biết vậy cái đã. Tao đang búi xồm xồm! Còn phải đi họp, còn phải xuống lò rèn, còn phải lên xã... đi cái đã...
Nói xong, chú Năm Mùi vội vàng rút cái xắc quàng lên vai, quày quả bước ra ngõ.
Thằng Cù Lao cũng không tin mình có thể tiến bộ một cách vượt bậc như vậy. Ở ngoài hải đảo nó đi bắt cá. Mọi người gọi nó bằng thằng. Về làng nó được đi học. Mọi người gọi nó bằng trò, trò Cù Lao. Nay được làm thầy! Tôi và thằng Cù Lao không dám nghĩ được làm thầy dạy học, một vinh dự quá lớn! Muốn được làm thầy dạy học, phải hiểu nhiều biết rộng, đi đứng phải nghiêm trang. Thằng Cù Lao hỏi tôi:
- Không biết bọn mình làm thầy chi? Ở ngoài cù lao Chàm cũng có người làm thầy. Ông lang làm cao đơn
hoàn tán được gọi bằng thầy...
Tôi cố nhớ những người làm thầy:
- Ở đây cũng có nhiều thầy. Thầy bói xem quẻ biết được tiền của, vợ con, công danh, tôi tớ thế nào. Thầy tướng xem mặt mũi biết được người nói láo hay không nói láo. Thầy cúng đuổi được ma quỷ. Thầy đồng làm vong hồn người chết được nhập cốt. Nhưng tất cả đều láo toét! Uỷ ban sẽ cấm hết, cả mấy ông thầy kiện hay đâm thọc cũng phải bỏ nghề. Chúng ta không làm những thầy đó!
Tôi chợt nhớ đến mấy ông thầy chùa vẫn còn tụng kinh gõ mõ. Các ông thầy chùa phải bị cạo trọc. Nhớ đến cái đầu trọc là tôi hoảng kinh. Chính con dao cạo của ông Bảy Hoá đã gây cho tôi biết bao đau khổ! Ông Bảy Hoá có cái thú được cạo trọc đầu người khác, hoặc ông không thích người ta có tóc. Thỉnh thoảng, ông đi ngang qua nhà tôi, nói thật to, cốt để mẹ và chị Ba tôi nghe rõ:
- Ơ kìa! Cái tóc của thằng Cục tốt như rừng rậm kìa!
Mẹ và chị Ba cũng kêu lên:
- Tóc mày tốt rồi đó, để ông Bảy cạo đi!
Tôi vùng vằng:
- Không cạo đâu!
Ông Bảy Hoá cười khẹc khẹc:
- Có cạo thì tốt cho mày chớ có tốt cho tao đâu. Để vậy cũng được! Nhưng cái gương đây, soi thử coi.
Ông Bảy Hoá móc trong hầu bao ra một cái gương tí xíu chìa cho tôi. Tôi soi gương. Tóc của tôi có dài, nhưng chưa dài lắm. Tôi tản đi nơi khác, giả vờ bận đưa trâu Bĩnh ra sông uống nước.
Lần sau gặp tôi, ông kêu to hơn:
- Tóc mày búi được rồi đó! Búi lên một cục như đứa con gái! Cạo hay không cạo kệ mày. Nhưng cái gương đây cho mày soi thử, coi!
Cái gương chỉ thẳng tôi thấy tóc đã phủ xuống cổ. Tóc dài nom kì quá! Tôi đành ngồi xuống. Ông Bảy Hoá cười hì hì, lấy nước vỗ vào đầu tôi. Ông rút con dao cạo trong bao, liếc liếc vài cái vào ống quần rồi bắt đầu cạo. Mỗi nhát dao cạo làm tôi cứ tưởng mỗi miếng da đầu của tôi bị lóc. Xót quá, tôi co rúm người lại.
Ông Bảy ngừng tay:
- Thằng nhát như cáy!
Tôi nghiến răng, ngồi yên. Nhưng xót quá, tôi đẩy tay ông Bảy ra, đứng dậy. Ông Bảy cười to nắm chắc phần thắng:
- Mặc kệ mày! Để vậy cũng được! Tao cũng chẳng muốn cạo nữa đâu. – Ông vừa nói vừa xếp con dao cạo.
Tôi lấy gương dòm vào. Còn lại một mảng tóc ở ngay bên tai, nom kì quặc quá! Tôi đành ngồi lại để ông
Bảy cạo nốt. Cái đầu tôi trắng hếu.
Sau ngày cướp chính quyền, một hôm, chị Ba tôi nói với mẹ:
- Thằng Cục cạo trọc, thấy nó hoá dữ. Cách mạng lên rồi. Phải đi cúp tóc để ngó cho văn minh mới được!
Tôi được đến hiệu để cắt tóc. Thằng Cù Lao bảo nó cũng được cách mạng giải phóng, khỏi bị cạo trọc đầu. Khi cạo trọc xong, nó xuống biển tắm. Nước mặn dưới biển ngấm vào nghe xót như cắt.

°
°   °
Tôi và thằng Cù Lao đến nhà chú Năm Mùi để hỏi thăm về việc làm thầy. Nhưng anh Bốn Linh và thầy Lê Hảo đã ngồi ở đó. Chú Năm Mùi tiếp tục câu chuyện đang trao đổi:
- Anh Bốn là chỉ huy tự vệ. Đã là quân sự thì phải lo dẹp cho hết các thứ giặc. Nay Cụ Hồ chỉ cho dân thấy có ba thứ giặc: giặc dốt, giặc đói, giặc xâm lăng. Giặc xâm lăng chiếm nước ta tám mươi năm, giặc đói cũng vậy. Riêng giặc dốt chiếm nước ta đã nghìn năm. Vua chúa ngày trước đều bó tay, nay cách mạng về mới dám cử đại binh để tiêu diệt.
Thầy Lê Hảo gật gù:
- Chí lí! Chí lí!
Anh Bốn Linh hỏi:
- Vậy đánh đâu trước? Đánh thế nào đây?
Chú Năm Mùi quả quyết:
- Đánh hết và đánh mạnh! Ở đất này mọi người đều dốt đặc, nhưng lại làm biếng nổ trời.
Làm biếng kiếm chuyện nói quanh. Bà Bảy Đá hỏi tôi: Học để làm chi? Chữ nghĩa không làm no bụng. Lắm người, dạ đầy chữ, bụng lại đói meo. Chỉ có tiền! Tiền mới làm no bụng. Tiền là ông chủ, có tiền mới sai khiến được thiên hạ. Bà nói tiền là cái địa bàn, hết tiền là mất phương hướng. Ông Kiểm Lài lại nói khác. Cái gì cũng không qua cái số. Được cái số thì không học cũng giỏi. Không được cái số thì học mấy cũng u mê. Thánh nhân giỏi từ trong bụng mẹ. Cái số ông dốt, ông đành chịu dốt.
Anh Bốn Linh tiếp theo:
- Chín người mười cuống họng!
Ông Nguyên dạy thế võ cho đội tự vệ lại nói: Đã là thầy thì cái chi cũng phải hơn trò. Thầy dạy cho ông học phải giỏi võ, vì ông Nguyên giỏi võ. Văn võ kiêm toàn mới làm thầy ông được. Thầy dạy lớp bình dân ở thôn ông chỉ là thằng con nít. Như vậy chướng quá, ông không thèm học!
Mọi người cười hà hà. Thầy Lê Hảo cắt nghĩa:
- Cũng vì ta chưa nói cho bà con nghe rõ sự lí. Phải khai thông cái “trí” thì tai nghe mới thuận. Nghĩ vậy, tôi có làm bài thơ, nói sự lí đó.
Thầy Lê Hảo đã xuất khẩu là thành thơ. Thầy nói đọc ê a: “Nay Cách mạng thành công, sông núi xuất anh hùng, giang sơn liền một mối. Ống thiên lí xa soi nghìn dặm, muôn trí khôn dồn lại một bầu. Vậy nên già trẻ nghèo giàu, ai cũng phải diệt loài giặc dốt”!
Chú Năm Mùi và anh Bốn Linh đề chép miệng khen hay. Chỉ có câu “Muôn trí khôn dồn lại một bầu”, nghe chưa sướng. Vì khi cách mạng đã thành công, phải để trí khôn toả ra, không nên bắt trí khôn dồn lại.
Anh Sáu đã giảng giải: nước ta trước đây là một nhà tù lớn. Mọi người đều bị giam hãm trong dốt nát, trong áp bức, trong nghèo nàn, trong mê tín dị đoan. Nay cách mạng đã về, cách mạng phải mở rộng ra, phải giải phóng, không nên dồn lại. Anh Bốn xin bỏ câu “Muôn trí khôn dồn lại một bầu” và thế vào bằng câu “Mang trí khôn mở rộng cuộc đời”, thay chữ “dồn” bằng chữ “mở”.
Chú Năm Mùi, cả thầy Lê Hảo đều gật gù khen chữ “mở” đã làm cho bài thơ càng tuyệt diệu.
Anh Bốn Linh ra dáng suy nghĩ:
- Nhưng còn thầy dạy, lấy đâu cho đủ?
Chú Năm Mùi như đã sắp xếp từ trước:
- Thầy giỏi đã có anh Bảy Hoành. Anh có cả một thùng sách. Thầy xóm dưới đã có thằng Tân, nó là đội
viên, vừa siêng năng vừa thông thái...
Chú Năm Mùi nhìn về phía tôi và thằng Cù Lao:
- Ta đã sẵn hai chiến sĩ diệt dốt kia. Chú Cù Lao học đã thành tài, nay sung vào đội quân diệt dốt là đúng!
Chú Cục kia nữa, đã tốt nghiệp lớp ba tháng. Hai chú đều văn hay chữ tốt. Địa lí, lịch sử, cái chi cũng đều giỏi cả. Nay được thăng làm thầy là phải.
Anh Bốn Linh nhìn thẳng vào tôi và thằng Cù Lao:
- Đánh giặc ngoại xâm thì chưa đến tuổi tòng quân. Đánh giặc đói thì cầm cày chưa vững. Đưa đi đánh
giặc dốt là đúng lập trường!
Chú Năm Mùi như sực nhớ một việc quan trọng:
- Còn như bà Hiến, ban đêm cứ thấy một bóng đèn thành hai bóng đèn, đến lớp không được. Hoặc ông Bốn
Rị ban đêm phải làm thịt chó. Phải có thầy đến dạy tại nhà, làm vậy mới diệt được hết ổ giặc.
Anh Bốn Linh kêu lên:
- Phải! Rất phải! Tôi cứ quên Bà Hiến suốt đời đói khổ, ông Bốn Rị cực chẳng đã mới bán thịt chó. Chú Năm
nói phải! Cách mạng phải nhớ đến họ... Ta phải cử thày đến dạy...
Anh Bốn Linh nói xong vội vã cùng thầy Lê Hảo ra về. Chú Năm Mùi ngồi lại phân công ngay cho thằng Cù
Lao ban ngày phải đến dạy bà Hiến học, còn tôi ban ngày phải đến dạy ông Bốn Rị học. Vừa nghe chú Năm
phân công tôi phải dạy ông Bốn Rị, tôi giật nảy:
- Ối! Cái ông Bốn Rị...
- Ông Bốn Rị, thì sao?
- Người ta cười tôi đó! Tôi đi dạy một lão bán thịt chó!
Tôi khịt mạnh:
- Lão nghe hôi lắm!
Chú Năm Mùi nhìn thẳng vào mắt tôi:
- Lạ hè! Tao ngồi gần ông, tao chẳng nghe có hôi hám chi cả, nghe thơm là khác. Mày đến bên ông hít hít vài cái thử coi. Người ta tưởng bậy đó thôi. Mày đã là chiến sĩ diệt dốt. Đã là chiến sĩ thì dù giặc dữ cũng phải xông vào, sợ chi cái hôi hám!
Tôi đang phân vân, chợt thằng Cù Lao cười nói:
- Cục không quen mùi thịt chó, cứ để ông Bốn Rị tôi lo. Còn Cục lo cho bà Hiến.
Tôi thở phào.