Dịch giả: Thiều Hoa
Phần I

    
ếu một ngày nào đó có ai đọc được những dòng chữ này, nếu số phận không cho phép tôi hủy chúng đi, thì tôi phải nói trước rằng ý định ban đầu khi tôi làm việc này đơnn giản chỉ là viết cho một mình tôi mà thôi, không phải để rồi in thành sách, đưa ra công chúng. Trước hết, tôi muốn các bạn hiểu rằng đối với tất cả những nhân vật trong câu chuyện này tôi chỉ mong họ quên đi tất cả, không phải suy nghĩ hay dằn vặt vì quá khứ. Tôi chỉ mong họ giũ bỏ tất cả những ký ức đau buồn kể từ khi màu trời u ám kia bao trùm lên thị trấn bé nhỏ thuộc Aquintaine vào mùa hè đầu tiên ấy.
Giờ đây tôi đã quá già để yêu hay được yêu. Không ai tin khi tôi, cũng giống như những người đàn ông khác ở tuổi này, đành cam chịu với tình trạng như vậy. Hãy tin tôi đi. Vài năm nữa, khi tôi nằm xuống, thân xác vùi dưới gốc cây bách trong nghĩa trang Nersac bé nhỏ, nếu có những linh hồn cầu nguyện thương tiếc cho sự ra đi của tôi, hay nếu có những người độc ác thích thú, mãn nguyện trước cái chết của tôi thì quả thực họ chẳng có có gì cả. Vì đó là tang lễ của một người đàn ông đã chết từ trước đó rất lâu, từ ba mươi năm trước kia. Trong suốt ba mươi năm qua tôi cam chịu số phận lắt lay của một kẻ sống sót sau những mùa hè nóng bỏng.
Năm 1832 tôi còn là một thanh niên ba mươi tuổi, một thanh niên trông có vẻ già trước tuổi nhưng tâm hồn trong sáng, chất phác. Là một trong những trí thức có bằng cấp cao nhất Angoulême, tôi được nhận một công việc tốt nhất trong thị trấn đối với một luật sư. Ngoại hình tôi không phải đẹp song cũng không đến nỗi tồi: dáng vóc khỏe mạnh, mái tóc hoe vàng rủ trên vầng trán rộng, đôi mắt sáng (song tôi muốn nó có vẻ kiên định hơn), khuôn miệng rộng trên chiếc cằm chẻ, vai rộng, nước da hồng hào. Hai bàn tay với những ngón nhỏ thon dài của tôi khiến ngay cả phụ nữ cũng phải mơ ước.
Phụ nữ... Tôi không hiểu nhiều lắm về họ mặc dù hồi còn là sinh viên tôi đã tới Paris vài lần. Tôi đã từng trải qua một sự đam mê lạ lùng trong một thời gian khá lâu vì một người phu nữ quyến rũ vừa hết thời xuân sắc ở thị trấn, từng đôi ba lần dan díu với những người phụ nữ đã có chồng nhưng không hài lòng trong cuộc sống gia đình, và tôi chỉ chiếu cố để mắt tới những cô gái trẻ, những đối tượng mà tôi có thể đặt vấn đề hôn nhân. Trước đây người phụ nữ duy nhất tôi từng yêu là Elisa, cô nữ tỳ của mẹ tôi nhưng sau một năm dan díu qua lại, bất chấp sự khẩn nài của tôi, cô nhất định bỏ đi để tránh một vụ tai tiếng không hay. Ở một mức độ nào đó Elisa cũng yêu tôi, và điều đó khiến tim tôi xao động chút xíu. Nhưng chỉ một chút xíu mà thôi. Và rốt cuộc tôi chẳng hề có chút kinh nghiệm, hiểu biết gì về lĩnh vực này của cuộc đời ngoại trừ nỗi thất vọng. Có lẽ đó là số phận của tôi cũng như của những người ở tầng lớp tôi, tuổi tôi sống ở tỉnh lẻ thời đó.
Năm 1832, thị trấn Angoulême thực sự định hình với bản sắc riêng dưới sự cai quản, dẫn dắt của bà Thị trưởng phu nhân. Quý bà Artermise d’Aubec cũng là người trước kia đã từng nhen lên những đam mê của tôi trong suốt mười tám tháng dài. Giờ đây người phụ nữ này trở nên quá cao, quá gầy, quá dốt nát (tóc quá vàng hoe), giọng nói thì cứ rin rít, và quá già. Thi thoảng tôi vẫn còn mất hết can đảm khi nghĩ rằng bà ta đã từng là người quyến rũ, cho dù tôi vẫn bào chữa rằng khi bắt đầu những đam mê này tôi mới hai mươi tuổi, giờ nghĩ lại tôi vẫn thấy lúng túng xấu hổ. Và tôi phải nói thêm rằng những người khác phải chịu đựng sự khắc nghiệt của bà ta ít hơn tôi. Bà ta sai khiến (cai trị) cả chồng và những người theo đuổi mình bằng cùng một sự chuyên chế giống nhau. Người ta đồn rằng cha bà đã lợi dụng địa vị, lợi dụng những người Bảo hoàng di cư trong Cách mạng Pháp, lợi dụng tất cả các cơ hội có thể để vơ vét của cải. Nhưng quả thực là trong suốt mười năm bà ta nắm quyền lực, phát huy khả năng của mình thì liên tục diễn ra những vũ hội, những đêm thơ, những cuộc picnic, những buổi dạ tiệc sang trọng và vân vân... Nếu không được mời tới một trong những buổi vũ hội của bà ta thì đó là một điều đáng hổ thẹn, là rơi vào tình trạng bị thất thế; còn nếu khước từ lời mời của bà ta thì đó là điều vô liêm sỉ nhất. Biết thế, nếu bà ta cố ý quên mời một vài người, hay có ai cố ý quên ngày diễn ra buổi tiệc thì việc đó sẽ trở thành đề tài cho cả thị trấn nhắc đến hàng năm trời.
Thật lạ lùng rằng tôi lại nói một cách cay nghiệt như thế về một người đàn bà mà tôi đã từng say mê trong mười tám tháng trời, song bà ta hoàn toàn xứng đáng như vậy. Sự lăng nhăng của một người đàn bà với những người đàn ông khác có thể làm nguội lạnh lòng nhiệt tình của một người đàn ông còn rất trẻ như tôi lúc đó. Nhưng một khi không còn yêu một người đàn bà vì nhận ra bản chất con người cô ta và những gì cô ta đã làm cho anh thì chắc hẳn người đàn ông đó đã phải rơi vào tình trạng vỡ mộng ghê gớm, tới mức có thể chết vì đau buồn và tủi nhục.
Chúng ta đang ở tại Angoulême mùa xuân năm 1832. Lúc đó Vua Louis Philippe đang trị vì nước Pháp. Người nghèo vẫn nghèo, người giàu vẫn giàu như thường. Giới quý tộc tư sản là giai cấp duy nhất nắm giữ, điều khiển đời sống chính trị trên đất nước. Tình hình ở Aquitaine vẫn ổn - điều này khá quan trọng vì đây sẽ là nơi diễn ra hầu hết toàn bộ câu chuyện của tôi. Tôi nhận ra rằng tôi không thể tự đặt địa vị mình vào vị trí một độc giả, một người đang sẵn sàng theo dõi câu chuyện của tôi và bị cuốn hút vào đó. Tôi liều lĩnh phơi bày bộc lộ bản thân mình để tự nhạo báng mình, nhưng điều đó thì có làm sao kia chứ? Tôi chẳng có việc gì quan trọng để mà làm cả. Tôi bị mê hoặc bởi chính bàn tay của mình - nó vẫn còn đẹp, nhưng giờ đã trở nên gân guốc - khi bàn tay ấy lướt trên những trang giấy trắng, để lại những dòng mưc xanh nhỏ lớp lớp nối tiếp nhau. Màu xanh của mực như chưa bao giờ xanh thế và màu trắng của lọ mực cũng như trắng hơn bình thường.
Từ trước tới giờ, trong những lúc thực hiện nhiệm vụ của một luật sư, tôi chưa bao giờ trải qua trạng thái cảm xúc mạnh mẽ như bây giờ. Chắc hẳn phải có điều gì đó thật đặc biệt, như thể các nhà văn được trời phú cho khả năng xúc cảm nhạy bén, tinh tế, chính xác như trẻ thơ mỗi khi họ viết.... Chỉ có những đứa trẻ mới có thể say mê đến thế với những ký hiệu vô nghĩa và dồn hết tâm trí vào một công việc phù phiếm nhường này. Tôi hiểu rõ sự cố gắng phù phiếm ấy, song tôi đã quyết định và nhất định thực hiện tới cùng.
Cửa sổ phòng tôi nằm trên tầng chóp ngôi nhà. (Những người nông dân thì gọi đó là “lâu đài”, giới quý tộc nhỏ thì gọi đó là “dinh cơ”, còn những người dân thị trấn Angoulême - những con người thực tế - thì gọi đó là “nhà ở”) Từ đây tôi có thể nhìn thấy một bức tranh phong cảnh điển hình của miền quê Charante: những ngọn đồi thấp trông như chìm trong những cánh đồng mầu mỡ, những cánh đồng lúa chín vàng bao quanh bởi những hàng dương bên cạnh một con sông chảy êm đềm hiền hòa. Xa xa, qua cánh đồng, hút cuối tầm mắt là đường chân trời mờ mờ. Những cuộn mây nhỏ, những đám mây đỏ hồng trắng xanh trên nền trời phía Tây lúc hoàng hôn khiến cho bức tranh phong cảnh thêm phần sinh động. Những đám mây như muốn đậu lại trên đồng cỏ, trên gác chuông nhà thờ, trên thị trấn nhỏ bé, ở lại trên mảnh đất của chúng tôi, ngày lại ngày kéo căng các chiều không gian, và không một cành cây ngọn cỏ nào thoát khỏi sự hiện diện độc đoán của chúng. Hơn bất kỳ nơi đâu, ở đây thời tiết hết sức quan trọng vì bầu trời ở thấp hơn và những tia nắng mặt trời thì chiếu trực tiếp hơn, gay gắt hơn. Đêm cũng tối hơn, gió cũng dữ dội hơn, cái nóng và tuyết cũng mãnh liệt hơn. Nơi đây, nhà cửa được xây dựng to nhưng không nặng nề, mang một vẻ đẹp theo phong cách kinh điển, màu xám hoặc trắng, với mô-típ cổng đường bệ, khác hẳn với những kiểu nhà vuông bè bè ở Beauce hay những kiểu nhà cao hơn, hẹp hơn ở Midi. Đây là một đặc điểm biểu hiện sự giản dị, chừng mực của một nơi mà con người Sống thân thiết, hòa đồng, lương thiện chứ không nhẫn tâm, sống vui vẻ ồn ào nhưng vẫn điều độ. Tóm lại đây là nơi mà người ta có thể hãnh diện, tự hào về hàng xóm xung quanh.
Nhân tiện đây tôi giải thích đôi chút về người phụ nữ đến với chúng tôi năm 1832, hay nói đúng hơn cô trở lại với cộng đồng chúng tôi. Và cộng đồng những người Angoulême và Saintonge của chúng tôi có thể tự hào rằng cô không phải là dân Paris lưu lạc hay dân ngoại quốc xa lạ, mà cô là một trong số những người của chúng tôi. Cô được đưa về lại với những phong tục, tập quán, thói quen của chúng tôi. Dĩ nhiên cô là người Pháp và quan trọng hơn, cô là người gốc ở thị trấn này. Cô là Flora de Margelasse, gia đình cô là một gia đình quý tộc lâu đời tại Jarnac. Lâu đài của họ (theo cách nói của giới quý tộc nhỏ) đã bỏ không gần bốn mươi năm nay. Trong bốn mươi năm ấy, gia đình Margelasse, trong số những người cuối cùng chạy đi tản cư, cũng biết rằng ở Pháp người ta sẽ không chặt đầu những người quý tộc nữa. Họ nói điều đó với cô con gái duy nhất của họ. Cô được sinh ra nơi đất khách quê người năm 1805, sau đó kết hôn với một người Anh rồi sớm trở thành góa phụ. Cha mẹ cô quyết định đưa cô trở lại Pháp để mong giúp cô nguôi ngoai. Họ đã thu xếp để bán hết nhà cửa, tài sản nhưng cả hai đột ngột qua đời trước khi rời nước Anh, để lại cô một mình tìm đường trở về Pháp. Khi cô về tới quê hương Jarnac thì chẳng ai còn nhớ tới gia đình cô và chẳng ai biết Flora de Margelasse là ai cả.
Cô trở về vào mùa xuân, ở lại Paris hai năm để học tiếng mẹ đẻ. Giọng Pháp của cô hơi bị ảnh hưởng bởi thứ tiếng Anh mà cô nói từ nhỏ. Cô cũng nhanh chóng bị cuốn hút bởi cuộc sống đầy cuốn hút thú vị của Paris hoa lệ. Nếu cứ ở lại nước Anh cô sẽ mãi mãi phải sống cuộc sống buồn tẻ của một góa phụ. Nhưng ở Paris cô nhanh chóng trở thành một phụ nữ cuốn hút, đầy sức sống và hoàn toàn đủ tiêu chuẩn để có thể tái giá. Trong hai năm cô đã nhiều lần bỏ qua các cơ hội để đoạn tuyệt cuộc đời góa phụ. Song Flora không bao giờ là một góa phụ cả. Có những người phụ nữ sinh ra để trở thành góa phụ, có người sinh ra để làm mẹ, có người sinh ra để mãi mãi là bà cô không chồng, có người sinh ra để làm vợ, để được yêu. Riêng Flora, cô thuộc tuýp phụ nữ sinh ra để yêu và được yêu, để được sống và chia sẻ hạnh phúc với một người đàn ông xứng đáng, có khả năng che chở và mang tới hạnh phúc cho cô. Đó cũng là điều mà người chồng quá cô của cô, Bá tước Desmond Knight, mang tới cho cô trong năm năm chung sống. Nhưng khi cô mới hai mươi tư tuổi, định mệnh đã thật nghiệt ngã khi con ngựa của chồng cô quay trở về nhà một mình, trên lưng nó không thấy bóng chủ nhân - giống như trong một cuốn tiểu thuyết lãng mạn. Khi trở về Angoulême cô vừa tròn hai mươi sáu tuổi, đến 23 tháng Chín năm 1835 cô bước sang tuổi ba mươi. Song điều đó không có ý nghĩa lắm, nhất là đối với cô. Ngay cả với tôi điều đó cũng không quan trọng mặc dù với địa vị một luật sư, tôi luôn phải quan tâm tới ngày tháng, luôn phải xác nhận trước luật pháp, tuyên bố trước tòa về quyền và nghĩa vụ của các cá nhân. Cuối mùa hè năm 1835, tôi nhận thấy những gì tôi đang ghi lại trong những cuốn sách luật cũng sẽ tồn tại mãi cùng tôi, hay con cháu của tôi cũng như của những người thư ký giúp việc tôi. Tôi cảm thấy như thế mình đang viết những điều nông cạn, vô nghĩa, chẳng có gì cuốn hút thú vị cả. Trong khi những nỗi đau của tôi không có cách nào liên hệ tới các khách hàng, nó khiến tôi chẳng còn chút tự tin nào trước họ, hủy hoại niềm tin trước bất kỳ sự bảo lãnh nào của pháp luật hay tất cả những gì mà tôi có thể làm cho họ. Điều duy nhất tôi có thể hứa hẹn với họ là dư âm kinh khủng của đống tàn tro, những kỷ niệm buồn đầy trong tôi từ sáng đến đêm. Tôi hy vọng mình không phải là người duy nhất biết được những điều ấy, song cũng không ai phải nuối tiếc vì những điều ấy. Giấc ngủ, đau khô, hạnh phúc. Khi ngủ thì anh cô đơn, anh chỉ có một mình. Tôi yêu, khát khao, mong mỏi suốt cả đêm như thể tôi chưa bao giờ yêu hay khát khao một người phụ nữ nào vậy, dĩ nhiên là trừ Flora. Vì tôi không biết có người đàn ông nào xứng đáng sẵn sàng làm mọi việc để đảm bảo mang lại hạnh phúc cho cô. Và tương tự, không có ai thất bại trong việc cố gắng bằng mọi cách, thậm chí hy sinh chính bản thân mình để giữ gìn hạnh phúc cho cô ngay cả khi cô không còn hạnh phúc nữa.
Đúng ngày 10 tháng Tư năm 1832, trước khi trông thấy cô hay nhìn thấy xe ngựa của cô trên đường phố Jarnac thì mọi người trong thị trấn cũng như tôi đã nhận được giấy mời tới dự buổi tiệc ra mắt được tổ chức tại nhà cô. Gia huy của dòng họ de Margelasse in hình một con sư tử vươn lên trên nền cánh đồng lúa mì với dòng chữ mơ hồ bí ẩn Virtus sive malus. Chắc chắn tôi đã tình cờ trông thấy hình ảnh chiếc gia huy này ở đâu đó trong các tài liệu, và đột nhiên trong đầu tôi hiện lên một cảnh tượng bi hùng: trên nền đám cháy rực sáng một chiếc xe ngựa lao nhanh ra khỏi dinh cơ Margelasse, chỉ cách văn phòng của tôi có mười hai dặm. Nhưng gì thì gì, tôi mới chỉ ba mươi tuổi, và chắc hẳn hình ảnh sống động về cuộc cách mạng Pháp kia là do tôi xem được trong cuốn sách lịch sử của cô con gái đổ đầu của tôi. Dù sao thì qua tấm thiếp, Bà Desmond Knight - góa phụ của Bá tước Desmond Knight cũng muốn thông báo với tôi rằng gia đình de Margelase sẽ lại định cư tại đây, và cô sẽ rất hân hạnh được tiếp kiến tôi tại buổi tiệc “cùng tất cả những bạn bè mà trước đây cô chưa có cơ hội được gặp gỡ làm quen”. Trên tấm thiếp cô cũng tỏ ý rằng song thân quá cố của cô ở thế giới bên kia, ông bà Odon và Blanche de Margelasse, đã qua đời tại Norfoljk hai năm trước, cùng sẽ rất vui khi thấy tôi là khách trong ngôi nhà của họ.
Cha mẹ Flora vốn là anh em họ. Hai người cùng lớn lên rồi lấy nhau, qua một thời gian dài chung sống, sau mười lần sinh nở không thành mới có cô. Khi sinh cô, bà như kiệt sức và tình trạng đó kéo dài cho tới khi bà qua đời. Cha cô, quá suy sụp vì cái chết ấy, cũng đi theo bà sau một thời gian ngắn. Sư ra di cùng lúc của cả cha và mẹ ngay sau cái tang của chồng cùng là một lý do khiến cô quyết định rời khỏi nước Anh càng sớm càng tốt. Cô quay về Pháp, quê hương bản quán nhưng hoàn toàn xa lạ với cô, về một thị trấn mà cô không biết một chút gì cho dù tài sản của cha cô vẫn được những người nông dân, những nô bộc trung thành một cách tuyệt đối chăm sóc, giữ gìn. Và thế là Angoulême bỗng nhiên có thêm một phụ nữ trẻ đẹp giàu có, một góa phụ từ Anh về định cư, thừa kế tài sản của tổ tiên để lại. Tôi không nói ra đây những điều mà mọi người tưởng là họ biết, những điều kỳ lạ không có thực - sản phẩm của trí tưởng tượng của những người ở tỉnh lẻ trong những ngày cuối mùa đông buồn tẻ, lạnh giá và đầy sương mù. Riêng về phần mình, vì ông tôi trước kia là luật sư cho gia đình Margelasse, tôi thấy mình có đầy đủ lý do để tham dự buổi tiệc tổ chức tại nhà cô tuần tới.
Đúng thứ Ba, 15 tháng Tư năm 1832, tôi bảnh bao trong bộ cánh lịch sự, thong dong đi ngựa xuất hiện trước ngôi nhà của cô. Tôi nhớ được chính xác vì trước mặt tôi là cuốn nhật ký của năm 1832, giữa trang đó là dòng chữ mà tôi đã viết với tất cả sự tự tin của một thanh niên trẻ: “Ba giờ Margelasse” không hề có bất kỳ một dấu chấm câu nào, chỉ đơn giản là “Ba giờ Margelasse”. Than ôi, trong cuộc đời, không bao giờ chúng ta tiên đoán được tương lai, cũng không thể dự tính trước được những sự thay đổi có tính bước ngoặt trong cuộc đời, những điều bất khả kháng thuộc về số phận mà con người không thể tránh được. Phải chăng tại vì con người chúng ta là những sinh vật mù quáng đáng thương, tôi cũng không biết nữa. Hôm đó thời tiết thật đẹp với khu rừng thơm ngát hương hoa lan, với những cánh đồng thơm mát hương cỏ non. Tòa lâu đài cổ trông thật quyến rũ với những cây dương bao quanh và hai con ngựa khoang đen trắng chạy tung tăng trên bãi cỏ. Tôi nấn ná trước thềm ngắm nhìn hai con ngựa xinh đẹp nô đùa không chán mắt.
Flora bước xuống tận bậc thềm đưa tay cho tôi. Tôi lúng túng đón lấy tay cô, kịp nhận ngay ra nhan sắc mặn mà cũng như những nét nhân hậu nơi cô. Cuối cùng tôi cũng có đủ can đảm ngắm cô một cách thoải mái, giống như cách cô nhìn tôi. Lúc này tôi mới có dịp ngắm kỹ hớn đôi mắt to tròn, khuôn miệng gợi cảm với nụ cười tươi tắn dịu dàng, cái cổ mảnh mai duyên dáng, những lọn tóc nâu sáng mượt mà, đôi tay thon thả, giọng nói ngọt ngào truyền cảm... Tôi bỗng nảy ra ngay lập tức ý muốn được che chở, bảo vệ cô suốt cả đời, cưới cô làm vợ, cùng cô sinh ra những đứa con xinh đẹp...
Mặc dù có vẻ già dặn về một số phương diện nhưng dù sao thì tôi cũng vẫn là một anh chàng khờ khạo, đã từng dại dột yêu một người đàn bà không có trái tim. Nhưng đã mười năm trôi qua, và mặc dù không phải là người lạnh lùng nhưng tôi cũng không phải là người sôi nổi, dễ dàng phải lòng một ai đó. Nhịp tim tôi không theo kịp cơ thể, còn lý trí thì không theo kịp trái tim. Vì thế hẳn các độc giả có thể hiểu được sự ám ảnh của tôi lớn tới mức nào khi tôi thiếu chút nữa thì buột miệng “Hãy cưới tôi” thay vì nói với cô một lời chào thông thường “Xin gửi tới tất cả sự quan tâm của tôi”. Đối với một ngươi nhút nhát như tôi thì sự lúng túng, bối rối ấy là một điều hoàn toàn không có gì lạ lùng, thậm chí ngay cả một người từng trải, vững vàng hơn tôi cũng có thể như vậy trong trường hợp này.
Đã ba tuần trôi qua kể từ lần cuối cùng tôi lật trang sổ này. Viết và hồi tưởng đối với tôi đều là những việc đáng sợ và đau đớn như nhau. Vào hôm sau khi kể lại cuộc gặp gỡ của chúng tôi, tôi cảm thấy choáng váng xây xẩm, hoa mắt, những dòng chữ mực xanh trên trang giấy như nhòe đi, biến mất khỏi cặp mắt của tôi. Như thể những trang giấy này, những bức thư tình của tôi và những chiếc lá thu đang bay đi, bay mãi trong khi tôi vẫn đứng chôn chân trước hiên nhà.
Tôi có thể cảm thấy mùi nước hoa tinh tế trên tay Flora, mùi cỏ huyền ảo trên cánh đồng, phía sau là tiếng hàm thiếc va trong miệng con ngựa của tôi khi nó lúc lắc cái đầu. Tôi như nhìn thấy đôi mắt dịu dàng xanh biếc của Flora, thấy tuổi trẻ của tôi và cô. Tôi nhớ tới sự bốc đồng rồ dại của mình khi nói với cô: “Em sẽ lấy anh chứ?” và một nỗi buồn tức cười nhưng thấm thía, một sự hối tiếc thật sự vì tôi đã không đề nghị cô khiến cho tôi cảm thấy không thể chịu nổi những ký ức xưa về ánh nắng, về bóng mát và về những mùi hương. Tôi tiếp tục ngồi đây viết, chẳng vì lý do gì cả, trong khi bản thân tôi chán chường vì những nỗi bất hạnh của mình, căm ghét thái độ tự mãn của mình cũng như sự hoài niệm về quá khứ và mất mát. Những hàng chữ nguệch ngoạc chẳng hàng lối gì của tôi vẫn cứ bền bỉ hiện lên sau những tiếng sột soạt của ngòi bút lướt trên những trang giấy trắng. Sự thân thuộc của những trang viết này đối với tôi trở nên thật đáng ghét, lạc lõng và cô độc, cũng như bản thân tôi trong ngôi nhà này (hay chỗ trú ngụ, tòa lâu đài, khối gạch vữa... gọi là gì tùy các bạn), không ai vãng lai qua lại. Giờ đây, những người duy nhất lui tới đây chỉ có bà quản gia cận thị cùng ông chồng viễn thị trầm lặng, những người giúp việc và các giáo sĩ ở Nersac - những người vốn không thể chấp nhận việc thiếu đức tin nơi tôi, điều mà tôi đã trót nói với họ trong một lúc cáu bẳn không thể tha thứ được. Với sự chấp nhận của những tâm hồn bình dị nhưng đầy thiện chí và vô hại, tôi ẩn mình sau lần cuối cùng Flora đến thăm. Giờ đây tưởng lai chẳng hứa hẹn với tôi điều gì - Tôi nhớ cô như thể cô đang đứng trước mặt tôi. Cô mặc chiếc áo lụa nhăn, mái tóc dài óng ả lóng lánh trong ánh nắng mặt trời rực rỡ bao quanh khuôn mặt trẻ trung gợi cảm.
Quả thực tôi đã là người đàn ông đầu tiên ở Angoulême phải lòng Flora. Chẳng có gì lạ lùng vì tôi là người đầu tiên được tiếp xúc với cô. Tuy nhiên tôi không phải là người duy nhất ngưỡng mộ cô, vì sau buổi vũ hội đầu tiên được tổ chức ở Margelase thì tôi đã có thêm một số kha khá đối thủ. Họ không có lỗi, vì quả thực Flora quá đáng yêu, quyến rũ và cuốn hút. Tôi vốn không thích sự bí hiểm, những điều mập mờ khó hiểu nhưng thực ra chính điều đó lại hấp dẫn, lôi cuốn, làm khơi dậy ý muốn chinh phục của cánh đàn ông. Cô đã cố tình không gặp gỡ, xuất hiện trước bất kỳ ai trước khi tổ chức buổi khiêu vũ ấy.
Cho tới trước đó cô chỉ ra khỏi nhà đi dạo trong cỗ xe hai ngựa kéo do cô tự điều khiển một cách rất manh mẽ. Đó là một thói quen ở Anh nhưng tại đây một thị trấn nhỏ của nước Pháp thì điều đó khiến các phu nhân và tiêu thư quý tộc thực sự bị choáng. Ngay cả cánh đàn ông, khi xe cô tình cờ đi ngang qua thì theo bản năng, họ đứng lại bên lề đường và tự vệ; không một ai thoáng có suy nghĩ chia sẻ cảm thông với một nữ tướng mảnh mai cả. Hai con ngựa khoang của cô thuộc nòi ngựa chân ngắn thuần chủng của Anh, rất khỏe và dữ nhưng lại ngoan ngoãn chịu khuất phục dưới đôi tay nhỏ nhắn mềm mại của cô. Khi cô lướt qua, mọi người chỉ nhìn thấy mái tóc dài bay về phía sau, ánh mắt sôi nổi nồng nhiệt và vóc dáng mảnh mai, trẻ trung như thiếu niên của cô.
Các vị phu nhân quyền quý - những người có chồng làm việc tại Tòa Thị chính, những quý bà đài các, kiểu cách trong cả từng động tác vén gấu váy mỗi khi lên xe xuống ngựa - ngay lập tức cho rằng phong cách đó của Flora thật khiếm nhã, đáng xấu hổ. Thậm chí họ còn thầm thì rằng chắc hẳn cô cũng đã hành hạ người chồng xấu số của mình như vậy - và đó là nguyên nhân khiến anh ta phải chết yểu - nghĩa là cũng với cây roi ngựa, mặc dù thực ra họ chưa bao giờ trông thấy vật đó trong tay cô. Bà Thị trưởng phu nhân thì ngay lập tức giương vây xù lông lên như thể biết trước sự đe dọa đối với vị trí, quyền lực tối cao của mình khi tôi thừa nhận một cách dại dột trước mặt bà ta rằng Madame Knight de Margelasse không phải là không có sức quyến rũ, thậm chí trong khi nói mặt tôi còn đỏ bừng, thể hiện sự xúc động một cách xuẩn ngốc không thể tưởng tượng nổi.
Họ còn đưa tới cho cô một vài người phục vụ, đầu bếp với danh nghĩa là “để giúp đỡ một thành viên mới không may mắn”. Song cả việc này cũng khiến họ chưng hửng thất vọng, không thể moi được mảy may thông tin gì vì tất cả đều kín đáo một cách tuyệt đối. Dường như Flora có một uy lực đặc biệt với người khác ngay từ khi gặp lần đầu. Điều này đã làm tan vỡ một số kế hoạch và triệt tiêu sự tò mò, tọc mạch, hiếu kỳ của mọi người.
Với tư cách một luật sư đáng tin cậy, tôi - anh hề nổi tiếng Nicholas Lomont - là người đàn ông duy nhất được tiếp xúc với cô. Tôi bị bao vây bởi vô số những câu hỏi như thế tôi là người bám theo gót Flora suốt ngày đêm vậy. Thực tế thì tôi chỉ gặp cô có ba lần, mỗi lần nửa tiếng để bàn bạc về công việc. Cô muốn tôi tư vấn trong những việc riêng, làm đại diện cho cô trong tất cả những vấn đề liên quan tới tài sản, đất đai của cô.
Tôi đón nhận sự tin tường của cô đồng thời hiểu rằng với sự tin cậy đó, cô sẽ không bao giờ yêu tôi. Tôi không khờ khạo tới mức không hiểu ra rằng nơi đâu không có nỗi e ấp ngại ngùng thì cũng sẽ khônỉỊ có sự say mê, không có tình yêu. Flora chẳng hề e ngại tôi nhưng thực ra cô phải thấy e ngại tôi mới phải vì tôi đã yêu cô mất rồi và tôi có mọi lý do để lo lắng.
Tôi sẽ không đi vào phân tích chi tiết, tỉ mỉ tại sao tôi đã ngay lập tức phải lòng cô và sẽ yêu cô cho đến chết. Chỉ đơn giản là tôi đã trót yêu cô ngay từ cái nhìn đầu tiên, hơn nữa tôi rất tự hào vì điều đó, tự hào ngay cả khi biết trước kết cục của sự việc, biết trước những gì tôi sẽ nhận được nơi cô chỉ là sự đau khổ và bất hạnh. Nhưng dù thế nào đi nữa, không gì có thể khiến tôi thay đổi được. Đó là tất cả những gì tôi biết, và tôi đã biết ngay từ phút giây đầu tiên nhìn thấy cô.