ôi đặt bó huệ lên mộ Phương và yên lặng nhìn anh. Tôi im lặng rất lâu như thế, như muốn hòa mình vào sự yên lặng rờn rợn của vùng mộ địa. Nụ cười của người đã khuất vĩnh viễn còn trên bức ảnh nhỏ gắn vào bia thập giá. Đôi mắt Phương hiền và mang một vẻ gì lãng mạng. Tôi yêu đôi mắt đó. Và bây giờ, vĩnh viễn mất Phương rồi, hình bóng anh vẫn không nhạt nhòa trong tâm tư tôi dù đã ba năm anh giã từ cuộc sống.
Một nỗi bơ vơ đột nhiên xâm chiếm tâm hồn tôi. Gió nghĩa trang về chiều lành lạnh, tôi quấn vội tấm khăn voan lên cổ và khép hai vạt áo dài đang vướng chân vì gió. Hoàng hôn đến chầm chậm, buồn vương lên những tấm bia sừng sững đánh dấu những cuộc đời đã đi vào thiên thu.
Tôi có cảm tưởng như có người đang nhìn mình chăm chú. Tôi quay lại và bắt gặp sự ngượng ngùng của người lính đang đứng cách vài ngôi mộ. Có lẽ anh ta đi thăm bạn đồng ngũ.
Những cành huệ trắng nuột theo tay tôi sắp thành hai chữ “Nhất Phương” trên thành mộ. Tôi hơi bối rối vì thiếu những bông hoa để hoàn thành mẫu tự cuối cùng. Nhìn quanh cũng chả mộ ai có hoa huệ để có thể xin năm cánh, tôi nhìn lại phía sau. Người lính vẫn còn ở đó... Và tôi sửng sốt nhận ra hắn cũng đang cắm cúi sắp những hoa huệ lên mộ bạn. Thoáng một giây ngần ngại, tôi bước về phía hắn. Người lính ngước nhìn tôi và trước khi tôi kịp nói, hắn đã hỏi:
- Cô cần những hoa huệ để sắp tiếp phải không?
Tôi bối rối gật đầu.
- Vâng, tôi... còn thiếu mẫu tự chót.
Hắn khẽ cười:
- Ý kiến của cô hay đấy. Dùng hoa viết tên người đã khuất lên thành mộ
... Tôi đang bắt chước cô đó.
Tôi nhìn lên thành mộ, những hoa huệ được sắp thành ba chữ “Nhớ Vũ Linh” rất khéo. Trên tấm bia thập giá có một bức ảnh nhỏ, gương mặt người trong ảnh khắc khổ, tuy nhiên những nét thư sinh chưa thể xóa hết trên đôi mắt đầy mơ mộng của anh ta. Dưới bức ảnh là hàng chữ nhỏ:
“Thiếu úy Vũ Linh.
Đền nợ nước ngày 18-6-67
hưởng dương 24 tuổi”.
Tôi khẽ thở dài. Vũ Linh mất còn trẻ hơn Phương của tôi ba tuổi. 24 tuổi... trẻ quá... Thế hệ này những người con trai ra đi quá sớm, không phải chỉ một Vũ Linh, một Nhất Phương của tôi mà thôi.
Mãi suy tư tôi không hay người lính đã đi từ lúc nào. Tôi từ giã Vũ Linh để trở lại với người yêu, nhưng người lính trẻ đã đứng đó. Hắn nhìn Phương chăm chú... Tên Nhất Phương đã được sắp lại đầy đủ và rất đẹp, tôi nói:
- Cảm ơn ông đã cho tôi hoa huệ, và sắp lại tên anh tôi. Ông sắp khéo quá.
Hắn lắc đầu:
- Cô lầm rồi, tôi có cho cô thêm bông nào đâu... Tôi sắp lại với chính những hoa huệ của cô đấy chứ.
Đột nhiên hắn hỏi:
- Trung úy Phương là anh cô?
Tôi gật đầu, im lặng. Hắn gật gù:
- Anh cô thích hoa huệ lắm nhỉ?
- Vâng cũng như Vũ Linh của ông.
Mắt hắn thoáng ngạc nhiên rồi sầm xuống như cũ. Giọng hắn thật nhỏ:
- Vũ Linh nó không thích hoa huệ đâu. Nó không thích loại hoa gì cả. Đó là sở thích của tôi. Về thăm không có gì cho nó, tôi đến với nó bằng những bông hoa tinh khiết mà tôi yêu nhất.
Bỗng nhiên tôi có cảm tưởng gần gũi hắn lạ lùng. Nghĩa trang chỉ còn có hai chúng tôi, hai con người đều ngậm ngùi trước những người thân yêu hy sinh vì chiến tranh, vì quê hương. Tôi nói như một lời tâm sự:
- Nhất Phương là vị hôn phu của tôi. Chúng tôi hẹn nhau khi tôi đúng 18 tuổi thì cưới... không ngờ anh tôi đi sớm thế. Ba năm rồi, mỗi ngày đầu tháng tôi vẫn đến với anh ấy... Tôi sẽ còn đến mãi ông ạ.
Tôi nghe hắn thở dài. Giọng hắn trầm hẳn đi:
- Chiến tranh không từ chối làm khổ một ai, kể cả những thiếu nữ yếu đuối như cô.
Tôi cúi đầu nhận sự phân ưu gián tiếp của hắn. Trời sẩm tối, tôi làm dấu đọc kinh Tin Kính và từ giã Phương để trở về với thế giới người sống. Tôi đi vội qua những con đường đầy cỏ úa của vùng mộ địa, người lính ban nãy cũng nối gót theo tôi. Ra khỏi nghĩa trang hắn nói:
- Cô cho phép tôi đưa cô về nhé, giờ này khó đón xe lắm.
Không đợi tôi đồng ý, hắn băng sang đường lấy xe và trở lại nơi tôi đứng. Một vài chiếc taxi có khách lướt qua, tôi hiểu giờ này khó kiếm xe thật.
Xe chạy về chợ Sài Gòn. Những làn gió phần phật thổi tóc tôi vướng vào cổ hắn. Thành phố lên đèn, hắn quay nhìn tôi:
- Cô ở đường nào để tôi đưa về?
- Trương minh Giảng, ông ạ.
Hắn nói như reo:
- Thế thì chúng ta ở gần nhau rồi. Nhà bạn tôi ở Phú Nhuận, tôi đưa cô về rồi trở lại nhà nó.
Tôi hỏi:
- Ông không có nhà ở Sài Gòn sao mà phải ở nhà bạn?
Giọng hắn thoáng buồn:
- Gia đình tôi ở Mỹ Tho kia. Tôi đi lính, rày đây mai đó hầu như là không có nhà nữa, ghé đâu thì tấp nhà bạn bè vài bữa lại đi... Đời lính mà cô. Đôi khi về Sài Gòn cũng chả biết làm gì cho hết thời giờ.
Tôi nghe một nỗi nghẹn ngào chận ngang cổ họng. Nhũng nếp sống chinh chiến là vậy sao. Tôi chợt muốn tìm hiểu về người bạn quá cố của hắn.
- Vũ Linh là bạn đồng ngũ của ông?
- Vâng, chúng tôi ở cùng một binh chủng, đúng hơn thì hồi còn học ở Chu Văn An, hai đứa tôi đã thân nhau. Sau khi vào Luật khoa một thời gian, tôi chán học bỏ đi lính, rồi tôi gặp lại Vũ Linh. Hắn được gửi về đơn vị tác chiến của tôi và làm đại đội phó.
Hắn ngừng một lát rồi ngậm ngùi:
- Vũ Linh ra đi sớm quá. Cuộc đời nó chưa làm gì được cả. May mà nó chưa lấy vợ, nếu không lại có thêm một “góa phụ 20” trong cuộc đời.
Tôi chợt mến hắn lạ lùng. Có lẽ vì hắn cũng là người miền hậu giang như Nhất Phương... Có lẽ vì bộ quân phục rằn ri màu đất của hắn gần giống như màu áo Thủy Quân Lục Chiến của người tôi yêu... có lẽ... tôi không thể phủ nhận được rằng từ ngày Phương mất, hắn là người con trai đầu tiên làm tôi xúc động.
Hắn ngừng xe trước con đường nhỏ dẫn vào cư xá. Tôi cám ơn và hắn cười:
- Trung úy Toản xin hỏi quý danh người đẹp.
Chợt nhớ rằng chúng tôi vẫn chưa biết tên nhau, tôi đáp:
- Lệ Uyên hân hạnh quen Trung Úy.
Cả hai đứa cười xòa, tôi nhìn thấy ánh mắt Toản trìu mếm vô cùng... Và tôi có cảm tưởng sự quen biết của chúng tôi sẽ không dừng lại ở đây.
Tôi ngước nhìn Toản:
- Anh cho phép Uyên đọc.
- Dĩ nhiên, cô bé. Em là độc giả đầu tiên đọc những bài thơ của anh đấy.
- Và cũng là độc giả duy nhất nữa chứ... Uyên chả thích ai đọc thơ của anh hết.
Toản vuốt tóc tôi, dịu dàng:
- Ích kỉ dữ à. Làm như...
Tôi chu môi:
- Làm như... sao cơ?
- Đọc đi rồi anh nói.
Tôi hất nhẹ mái tóc. Mắt tôi lướt trên những giòng chữ viết tháu của Toản.
“Vũ LinhLinh ơi,Được ba ngày phépTôi tìm đến thăm anhThành đô không còn những chiều nắng đẹpKhi tôi đứng nhìn ngôi mộ cỏ xây quanh.Tôi đến bên anhBa lô và súng đạnHành trang vẫn còn coi tôi là bạnChưa giã từ để vĩnh viễn tôi điMình gặp nhauKhông biết nói nhũng gìNgôn ngữ của anh cách xa tôi quáTrông tấm ảnh nhỏ lồng nơi bia đáMôi anh nhết cườiLòng sáng rực niềm tinTôi muốn nói lên tất cả kỷ niệm của chúng mìnhHai thằng con trai vào đời bằng nghiệp línhMái trường Chu văn AnVị giáo sư Pháp Văn già khả kínhÔng thương chúng mình nhất phải không Linh?Có lần hai đứa cùng một người tìnhNàng yêu tôi hay anh? - Làm sao biết được?Hai đứa cùng say mái tóc dài đen mượtĐôi môi nhạt hồng, và sống mắt nai tơ.Rồi chúng mình không hẹn mà làm thơ.Những bài thơ vụng vềCa tụng chung một người con gáiGác trọ nhiều đêm nhìn nhau ái ngạiKhông biết rồi... người đẹp trả lời saoHết làm học trò đến làm lính mũ nâuVì hai đứa cùng mê máu chiến y ‘Biệt Động’ Bắt đầu cho những chuỗi hành quân làm nghĩa sốngNúi rừng này tiếp nối xóm làng kiaĐôi lúc đứa này được phép trở vềMua tặng bạn một món quà thành phốLinh ơi,Ngày còn anh tôi chưa bao giờ thấy khổDù cuộc sống chúng mình... Lính tráng có hơn ai...Một đêm truy kíchLiên thanh nổ rền taiTừng loạt hỏa châu soi vào vùng chiến trậnNhững bàn tay siết cò - say máu hậnXác quân thù tràn ngập cánh đồng hoangĐến lúc điểm binhTôi kinh hãi...... Bàng hoàng...Khi gọi Vũ Linh không nghe anh lên tiếngTôi bỏ hàng ngũ một mình tìm kiếmTôi lao vào đêm tối gọi ‘Linh ơi’Nhưng không có anhMà chỉ có sương rơiChỉ có gióVà những tiếng côn trùng não ruộtBuổi thu dọn chiến trườngNhìn xác anh tôi nghẹn ngào thảng thốtTôi quấn anh vào trong chiếc ponchoAnh vô tư say giấc ngủ mơ hồGiữa hai hàng nến chập chờn ma quáiĐơn vị trưởng đến thăm anhNói với tôi những lời an ủiTôi dồn căm hờn lên khẩu súng trên tayAnh đã điXa cuộc chiến tranh nàyXa bè bạnXa những ngày thân áiTừ ngày anh mất tôi chưa về Quảng NgãiChưa gặp lại mẹ anhNhưng chưa chắc bác đã già nhiềuTừ khi chiến trường cướp mất đứa con yêuBác chỉ sống với tuổi già và kỷ niệmNúi Thiên Ấn phủ mây buồn tim tímGiòng sông Trà Lệ đổ mãi không thôiVà đơn vị chúng mìnhVẫn hành quân đấy Linh ơiVẫn tiếp nối con đường anh bỏ dởVẫn thăm anhTôi không hề nức nởNổi buồn con trai đâu phải khóc hở LinhMây nghĩa trang ôm kỷ niệm chúng mìnhNhư lòng đất ôm hình hài anh đóĐơn vị đóng xaMỗi lần về thăm thật khó...” [1] Giòng lệ trào mi từ bao giờ. Toản nhìn tôi:
- Em khóc?
Tôi lạc giọng:
- Bài thơ hay quá. Cả tâm hồn anh gói ghém trong đó hở Toản?
Giọng Toản nhẹ:
- Anh thương Vũ Linh. Anh viết cho nó và cả cho anh.
Toản lau nước mắt cho tôi. Anh cười:
- Lệ Uyên không hỏi anh câu hỏi lúc nãy sao?
Tôi biết anh khỏa lấp nổi buồn vương đọng trong không gian nhỏ hẹp bao quanh hai đứa. Tôi nói:
- Mãi đọc thơ em quên. Lúc nãy anh nói em “làm như”... là sao em chả hiểu.
Mắt người con trai thăm thẳm. Giòng mắt như xoáy động tâm tư kẻ đối diện. Tôi chếch tia nhìn không dám nhìn thẳng Toản.
- Anh nói cô bé làm như... thương anh vậy đó.
Tôi lặng đi trước câu nói đột ngột của Toản. Tôi chợt thấy mình sắp sa vào một cái bẫy bằng lưới tơ êm ái và nếu mang thương tích thì vết thương sẽ trọn đời không thể lành được. Tôi nói như để thở:
- Sao anh nói vậy?
Toản ngồi cạnh tôi. Khoảng cách chỉ do mình định đoạt và tôi cố giữ thăng bằng.
- Lệ Uyên.
- Em nghe anh.
- Sao em không nhìn anh?
Tôi muốn nói: “Em sợ. Em sợ xiêu ngã trước ánh mắt lôi cuốn đam mê của anh nên em không dám nhìn. Như thế là hơn. Em là con chim vừa rời tổ đã vướng đạn nên em sợ...”
Nhưng tôi lại nói một câu khác:
- Em sợ anh nhìn thấy em khóc. Khóc xấu lắm phải không anh Toản?
- Anh thấy đẹp. Hãy nhìn anh đi Uyên.
Tôi ngước lên, ngợp hơi trong sóng mắt anh đầy trìu mến:
- Lệ Uyên. Anh muốn nói với em tất cả nhưng có lẽ anh sẽ không nói gì hết... Chúng mình không phải chỉ có hôm nay. Còn ngày mai, ngày kia... Còn một tương lai trước mắt. Một tương lai anh muốn được gọi mãi tên em.
Tôi nhìn Toản châm thuốc hút. Gương mặt anh nồng nàn sau làn khói mỏng. Tôi thích những nếp nhăn ở đuôi mắt anh. Tôi thích vẻ khinh mạn ở nụ cười anh. Trong một thôi thúc chân thành, tôi muốn đưa tay ôm khuôn mặt Toản nhưng tôi vẫn ngồi bất động... Màn khói mờ vẫn cách chia hai đứa và dù dễ dàng xóa bỏ sự chia cách đó tôi vẫn không làm... Tôi vẫn thích những chuyện tình được phủ một lớp sương huyền thoại.
*Mẹ bảo tôi:
- Con ra mời anh Toản dùng cơm.
Tôi nhìn vội vào tấm kiếng nhỏ, đưa tay lau má. Mẹ cười:
- Mặt không dính lọ nồi đâu cô. Đẹp chán.
Tôi phụng phịu:
- Mẹ kỳ...
Châu cười trêu:
- Kệ chị Uyên để mặt hồng vì lửa mới đẹp. Lẽ ra phải có vài vệt lọ nồi mới chứng tỏ được mình làm bếp chứ.
Tôi ngượng ngùng nguýt em một cái thật dài. Tôi ra phòng khách đến bên Toản:
- Anh dùng cơm.
Mấy đứa em tôi đang ngồi quanh Toản nghe anh kể chuyện “đánh giặc” vội lên tiếng:
- Chị Uyên để anh ấy kể em nghe hết chuyện “uýnh nhau” đã, đang tới màn hấp dẫn mờ.
Tôi nhăn mặt:
- Mẹ rầy kìa. Để anh Toản ăn cơm đã. Trưa quá rồi.
Toản chìu tôi, anh cười mơn với lũ nhóc:
- Thôi để anh vào không chị Uyên giận... Với lại anh đói rồi, đói làm sao kể chuyện hay được.
Thằng Bình lên tiếng cảnh cáo:
- Bữa nay chị Uyên làm bếp, anh đừng ăn cơm.
Tôi lừ mắt nhưng nó lờ đi. Toản cười:
- Sao vậy?
- Mỗi lần chị Uyên nấu ăn là tụi em... trốn hết, chả đứa nào dám ăn.
Nó nhỏ giọng với Toản nhưng cũng đủ tôi nghe:
- Ăn món ăn chỉ nấu... câm luôn à.
Toản cười xòa. Tôi cốc đầu thằng bé một cái nên thân. Mẹ, Toản và các em tôi ngồi vào bàn. Thằng Thanh lên tiếng:
- Em biết một món đặt biệt của chị Uyên. Còn lại là má nấu hết. Đố anh Toản biết món gì?
Toản lắc đầu.
- Anh thua. Thanh nói xem.
- Món “nước mắm” nè... Lúc nãy em thấy chị rót nước mắm.
Bữa cơm thật vui. Toản nói với mẹ.
- Lâu lắm con mới được ăn một bữa cơm gia đình, ngon hết sức.
Tôi nhìn Toản bắt gặp ánh mắt đầy cảm kích. Tôi thấy thương Toản vô hạn. Tôi biết anh xa gia đình đã lâu và không ai là không thèm khát sự êm ấm bên những người thân. Đó là tình người, thứ tình cảm thuần túy Thượng Đế ban cho con người từ nguyên thủy. Toản đã thiếu cũng như phần đông tuổi trẻ bây giờ dứt bỏ gia đình quá sớm. Mẹ hỏi về thân thế Toản bằng uy quyền của một bà... mẹ vợ tương lai. Toản nói về quê hương anh. Những ruộng đồng thơm mùi mạ non, những giải đất mênh mông rợp vàng lúa chín. Miền hậu giang với những người dân mộc mạc hiền lành. Các em tôi nghe một cách say mê. Mẹ nói:
- Cháu đã quen em Uyên thì cứ coi gia đình này là của cháu. Có dịp về ghé lại cho vui, đừng ngại gì cả. Gia đình bác cũng đơn chiếc, bác trai mất rồi mẹ góa con côi hôm sớm nương nhau mà sống. Có một mình Lệ Uyên là lớn nên nó gánh trách nhiệm cũng nặng lắm. Em nó cũng ít bạn bè...
Tôi láy mắt cho mẹ. Sợ mẹ nói nhiều thành ra “quảng cáo” con gái hơi kỹ. Tánh mẹ vẫn thế, gặp ai vừa ý là nói tất cả về gia cảnh của mình. Khi Nhất Phương đính hôn với tôi, còn ba. Lúc đó câu chuyện của mẹ xoay quanh những cái vụng về của tôi, làm như mẹ rào đón để mai kia chấp nhận tôi, Phương không thể buồn trách tôi được. Bây giờ cuộc sống xoay chiều, vấn đề của mẹ lại khác, nhưng chung quy cũng chỉ vì tình thương bao la của một người mẹ.
Đây là lần về phép thứ hai từ ngày tôi quen Toản.
Tình cảm giữa hai đứa đã sâu đậm bởi thời gian. Lần về phép của Toản không còn là những khoảng thời gian “không biết làm gì cho hết thời giờ nữa”, trái lại hai đứa đều thấy quá ngắn và thời gian trôi nhanh không xót xa trước nổi buồn chia biệt của con người.
Toản đối với tôi cần thiết như hơi thở, như sự sống. Anh có sự trìu mến của một người anh, anh có một nổi đam mê của một người tình. Anh yêu tha thiết và có chiều sâu. Tình yêu là sức nung nóng của một núi lửa ngầm chứ không là thứ lửa rơm cháy bùng rồi tàn lụi. Toản thương và lo. Toản yêu và chiều. Tôi thấy mình bé bỏng vô cùng trong tình thương mênh mông đó.
Tôi ngần ngại nhìn biển người trước cửa rạp Rex. Toản hiểu ý, bảo nhỏ:
- Không sao, để anh mua vé, mình vô rạp là thoải mái Uyên ạ.
- Khổ anh quá. Thiên hạ nối đuôi nhau trước Guichet, bao giờ mới đến mình
- Ráng đi cưng. Anh muốn bé xem La Valse dans l’ombre.
Phải khó khăn lắm hai đứa mới tìm được ghế. Tôi buông người xuống, tựa đầu vào ngực Toản.
Trên màn ảnh, cô đào Vivien Leigh và tài tử Robert Taylor đang diễn tả một thảm trạng tình yêu trong thời chiến: gặp nhau trong một vụ bạo động, họ yêu nhau và quyết định làm lễ cưới trước khi chàng ra trận. Một trục trặc nhỏ làm lễ cưới chưa thành và họ phải xa nhau... Tôi nhìn nhân vật Maria thẩn thờ đi trong nổi thất vọng và cảm thấy tâm trạng mình được miêu tả trọn vẹn... Những bước chân vô hồn. Đôi mắt vời vợi như vạn vật đã nhòa đi trước mắt. Bất giác tôi buộc miệng:
- Mai anh đi?
Toản cúi xuống:
- Anh sẽ về với em.
Anh nắm chặt bàn tay tôi:
- Đừng buồn, em yêu. Chúng mình sẽ không xa nhau lâu.
- Toản, sao em sợ...
- Sợ gì cô bé.
- Anh thấy người ta xa nhau không? Nhân vật tiểu thuyết mà sao em thấy gần gũi với thực tế lạ lùng... Sao Toản đưa em đi La Valse dans l’ombre?
Ngón tay anh viền quanh vành môi tôi. Anh âu yếm dỗ dành..
- Bé của anh lãng mạn và giàu tưởng tượng nữa. Em coi kìa, họ đã gặp lại nhau...
Tôi thấy đại úy Roy trong phim lao về phía người tình như tên bắn. Anh gọi lớn “Maria! Maria!” và trước khi cô gái kịp nhận thức sự việc, chàng đã ôm gọn nàng trong vòng tay.
Nhưng Roy đã trở về trong nổi đau đớn dằn vặt của người tình khốn khổ. Thời gian xa cách, được tin chàng đã chết và cũng vì phải sống, nàng đã buông thả không còn xứng đáng với tình yêu cao quý của Roy.
Nàng muốn lẩn tránh, nàng muốn giải thích. Nhưng vì tình yêu mãnh liệt của họ, vì nổi hạnh phúc quá to lớn của Roy, Maria đã cắn răng cố hòa mình vào hạnh phúc.
Cuối cùng nàng cũng không chịu đựng nổi sự dằn xéo của chính lương tâm mình. Cuối cùng con tim rướm máu của người con gái đáng thương đã vỡ... Nàng lao người trong cơn lốc khủng hoảng và khi Roy đến nơi chỉ còn kịp nhìn thân xác băng lạnh của người yêu lần cuối.
- Phim buồn quá anh.
Toản thì thầm:
- Đừng khóc nữa, em của anh đa cảm quá. Mai sau làm vợ anh làm sao em chịu được những lúc anh đi?
- Em cố gắng.
Tôi lập lại:
- Mai anh đi... Sao anh cho em xem phim này.
- Anh nghĩ rằng phim hay.
Tôi lắc đầu:
- Em linh cảm khác. Em sợ.
Toản đưa tay lên môi tôi:
- Cấm em nói gở. Tin anh.
Giọng Toản tha thiết:
- Em tin anh không Uyên?
Tôi gật đầu yếu ớt:
- Em tin.
- Vậy thì không được nghĩ gì nữa. Mai anh đi rồi anh sẽ trở về... như lần trước... hiểu không?
- Em hiểu.
Tôi thì thầm:
- Toản, xa em anh nhớ em không?
- Anh nhớ.
- Toản lập lại đi...
- Anh nhớ... Yêu em, anh biết thế nào là hạnh phúc, là ý sống... Trọn đời anh nhớ không quên.
Tôi im lặng, Toản im lặng. Thời gian là của nhau. Maria với những bước chân hốt hoảng trốn chạy, còn tôi, tôi sẽ dừng lại để chờ. Maria với ánh mắt tuyệt vọng lạc thần, còn tôi, tôi sẽ khép mắt để đón nhận ở người tình nụ hôn tái ngộ. Không, hoàn cảnh tôi không thể nào là hoàn cảnh của Maria được. Đó là tiểu thuyết. Tiểu thuyết là tưởng tượng, không phải thực tế. Ngày mai người yêu tôi ra vùng hành quân nhưng rồi anh sẽ trở về.....
Thư Toản viết cho tôi:
“Chiến khu Ba Lòng - Thu 67Lệ Uyên của anh.Từ khu chiến trường Tiền giang anh chuyển ra vùng một hỏa tuyến. Ở đâu cũng đầy dẫy những hình ảnh khói lửa, ở đâu cũng cần những người lính như anh.Qua những ngày phép êm đềm bên em, khi trở lại với chiến cuộc anh thấy lạc lõng quá Uyên ơi. Bây giờ gần cuối thu rồi Uyên nhỉ. Anh muốn trở lại Sài Gòn để dìu em đi trên con đường Trần Quí Cáp nhiều bóng mát, để chúng mình cùng nhặt những chiếc lá úa xây thành mộ cho giấc ngàn thu của chúng khỏi bơ vơ. Anh muốn về để đưa em đi lễ chiều ở Resgina Pacis, mình đọc chung kinh kính mừng và chung lời nguyện xin Chúa giữ hai đứa mãi bên nhau. Anh muốn phục sinh này nghe em đọc lại những vần thơ của mùa phục sinh năm trước:Bây giờ lại sắp phục sinhCho em nhớ nguyện chúng mình... anh ơiChúa sống lại - Chúa lên trờiXin cho hai đứa suốt đời thương nhau.Lệ Uyên,Anh ước muốn nhiều nhưng còn xa em nhiều quá. Đời lính là vậy đó. Yêu anh rồi Uyên chấp nhận phải không em?Thư này anh viết đêm đầu ở ‘Khu Chiến Ba Lòng’, một quận cận sơn miền giới tuyến. Mưa triền miên dội xuống núi đồi. Dãy Trường Sơn âm u trong màn mưa rờn rợn. Những tràng đại bác, liên thanh làm nhức buốt hai tai. Sự đe dọa của chết chóc vẫn lởn vởn quanh vùng. Cái lạnh miền Trung ghê gớm lắm Uyên ạ... Anh không ủy mị nhưng anh ước mong có em bên anh trong giờ phút này. Gặp em, quen rồi, yêu em trong đầu óc anh không còn ý nghĩ ‘đánh giặc đến chết nữa, mà là đánh giặc để đem thanh bình cho một người yêu dấu, cho một mái nhà ấm cúng mai sau’.Có lẽ khá lâu anh mới về với em được. Nhưng đã trót gởi tình yêu cho lính chiến, xin đừng nản lòng chờ đợi nghe Uyên.Hôn em và hẹn ngày về.AnhToản”Tôi hôn lên cánh thư của người yêu gửi về từ miền hỏa tuyến. Tâm hồn tôi tìm về với những kỷ niệm đẹp như tình yêu hai đứa. Những con đường quen thuộc bước chân. Tôi cũng không tìm hiểu tôi yêu Toản từ bao giờ, chỉ biết rằng sau buổi gặp gỡ ở nghĩa trang, Toản về đơn vị chúng tôi đã liên lạc bằng những cánh thư đầy trìu mến, rồi những lần gặp lại Toản, tôi hiểu rằng người con trai quen nếp sống gió sương này đã làm thức tỉnh con tim băng giá của tôi. Nếu tôi là một giòng nước mát làm tươi lại nhựa sống cho tâm hồn chai đá vì chiến chinh của Toản, thì chính anh đã là một tia sáng mặt trời đánh tan lớp băng tuyết phủ hồn tôi.
Thời gian yêu nhau không nhiều nhưng đủ để hai đứa hiểu nhau. Chúng tôi còn cả một cuộc đời để cho nhau thật trọn vẹn. Toản không thề, tôi không hẹn nhưng hai đứa cùng biết chắc không thể mất nhau trong đời.
Chú thích:[1] Thơ Lý Thụy Ý.