- Chào lão Ứng! Lão lại say rồi! Chỗ này làm gì có chuột? Để cháu đưa lão về nhé? - Tao vừa ra đến đây, về là về thế nào! - Trăng đẹp quá lão nhỉ? - Ôi chà! Trăng đẹp hay không tao vẫn phải cần đèn. Nhưng hôm nay trời đẹp thật. Gió mát như thế này, ngủ đồng cũng sướng. Mà mày về nhà đi chứ? Khuya lắm rồi?- Lão cho cháu đi cùng một lúc, cháu chưa muốn về! - Hừm, cũng được. Nhưng con gái con đứa... - Cháu chỉ xem lão bắt chuột một lát thôi! - Thì đi! Cẩn thận không giẫm phải rắn rết hay mảnh chai lọ thì khổ! oOo Đêm thẫm lại rồi hồng lên dưới ánh trăng mười bảy tròn đầy mỡ màng. Không gian tan loãng, đất trời ẩm ướt nở phình ra theo tiếng côn trùng, ếch nhái nỉ non. Tiếng kêu lúc thì uể oải, yếu ớt, kéo dài; lúc lại rộ lên ầm ĩ, rộn ràng như hoan hỉ. Lão Ứng vừa đi vừa lẩm bẩm đằng trước, tôi thập thõm bước theo. Bờ ruộng nhỏ tí tẹo, cỏ mọc dày. Dưới ánh trăng mờ mờ, thỉnh thoảng tôi lại bước hụt, thụt chân xuống bùn làm đi tong cả một khóm lúa. Cả cánh đồng lúa đang thì con gái, xanh đen dưới trời đêm. Gió làm từng đám ngả vào nhau, xào xạc, xô đẩy dúi dụi. Có những nhánh lúa mảnh mai còn dạt mãi xuống, nửa như giận dỗi, nửa làm điệu với bạn bè quanh mình. Có khóm lại bướng bỉnh, thân vươn thẳng đứng chỉ nhẹ đung đưa mấy lá lúa non tơ. Không gian nhộn nhịp, tưng bừng trong vũ hội của họ nhà lúa. Những khúc hoan ca được cất lên trầm bổng, du dương làm tan đi sự tĩnh mịch, lặng lẽ của đêm mùa thu dù lúc này, chỉ có tôi và lão Ứng - một cách ngẫu nhiên - cùng tham gia vào cuộc chơi náo nhiệt của cỏ cây cùng trời đất. Đã từ lâu, tôi nghe dân làng kháo nhau rằng, lão Ứng là tay sát... chuột nhất vùng. Chỉ với một chiếc nghiền nhỏ, sắc như nước, một cái giỏ to tổ chảng và những tiếng “chít chít” giống y như tiếng nói của họ nhà chuột, lão đi ra đồng. Chuột ư? Bây giờ thì vô thiên lủng. Sức sống kỳ dị cùng khả năng sinh sản khủng khiếp của chuột khiến cánh nhà nông nhiều phen bải hoải nghĩ cách tiêu diệt chúng. Những bông lúa mẩy căng bị cắn ngang tơi tả rồi gom thành đống. Khoai, ngô bị gặm nham nhở nằm chỏng chơ cạnh hang hốc do chúng đào làm nhà ở. Con người nhiều khi tưởng như bất lực trước tiếng rinh rích đâu đó của chuột vào những chiều chạng vạng trên đồng hoặc những đêm yên tĩnh trong nhà mình. Các loại bẫy, các loại bả chuột, thuốc chuột được phát kiến và tung ra. Chuột nhà dính bẫy, chuột đồng chết vì bả chuột, thuốc chuột và cả vì điện giật nữa, được gom lại chôn! Cũng đỡ, nhưng ăn thua gì! Chuột chạy ngang nhiên trên đường cái, chân đưa lên vuốt râu, mắt thao láo nhìn người qua lại. Chuột lao cả vào chân người đi làm đồng... Sự hiện diện của chúng trở nên quen thuộc và nhàm chán đến mức làm cho con người nghĩ rằng, đó là hiện tượng tất yếu của cuộc sống!Rất tự nhiên, trong vùng mọc ra những tay săn chuột thiện nghệ. Thịt chuột - nếu biết cách chế biến với gia vị thích hợp - còn ngon hơn cả thịt gà vì rất mềm và thơm. Người ta làm chuột sạch sẽ rồi luộc và ép cho khô nước, rắc lá chanh thái mỏng. Đó là món đơn giản nhất. Thịt chuột đem nấu giả cầy, tẩm ướp rồi nướng trên than hồng hoặc quay trong chảo mỡ đang sôi... Rất nhiều món nhậu được làm từ chuột khiến cánh đàn ông mê tít. Tôi chỉ được nghe kể lại chứ chưa khi nào dám thử - đơn giản vì tôi nhát dù thực tế, thịt chuột rất lành... Và thế là đủ các kiểu bắt chuột được người ta nghĩ ra. Nhưng cách của lão Ứng thì độc nhất vô nhị. Xách giỏ, nghiền cùng chiếc đèn pin rất sáng, lão đi ra đồng, chúm miệng kêu “chít chít”. Tiếng chít chít của lão giống đến mức lũ chuột bị bé cái nhầm! Chúng tưởng đó là tiếng kêu bầu bạn, tiếng gọi của tình cảm hay tiếng than vãn cần an ủi, giúp đỡ nên hăm hở chạy ra. Và khi ánh đèn pin chiếu vào, chuột ta tròn mắt ngạc nhiên, đầu nghiêng nghiêng, nhìn chằm chằm vào luồng sáng, không hề nghĩ đến chuyện ngọ nguậy. Mắt chúng sáng lấp lánh, hơi đỏ và đầy nét dại khờ. Ánh mắt ngây thơ, hồn nhiên và thanh thản - ánh mắt mà chỉ trẻ con mới có, còn người lớn, tôi đảm bảo, đã đánh mất sạch từ lâu rồi - khiến thoáng chốc, ta như quên mất hàm răng chắc khỏe cùng sự phá phách ghê gớm của chúng. Tất cả những điều đó chỉ xảy ra không quá nửa phút. Và phập, chiếc nghiền nhỏ đã lao ngập lưng con chuột, tiếng chít chít tuyệt vọng vang lên. Chuột ta oằn người nằm duỗi ra, im ắng. Lão Ứng nhấc nghiền lên ngắm nghía, rồi bỏ tọt vào cái giỏ đã mở hom và bình thản cất bước. Tôi im lặng, mắt chăm chăm nhìn những thao tác thành thạo của lão rồi cũng lúp xúp chạy theo... oOo - Này, gần hai giờ sáng rồi! Mày về đi, con gái con đứa... - Tiếng lão Ứng khàn khàn giục tôi. - Được nhiều chưa hả lão? Cho cháu xem một lát nữa! Cháu không sao mà? - Mày lạ thật đấy! Con gái con đứa... “Em lạ thật đấy...” - Câu nói cửa miệng của Vĩnh! Câu nói thân thuộc vừa dễ thương vừa đáng ghét trong suốt ba năm yêu thương nhau. Vĩnh bảo tôi rất lạ, chẳng giống một cô gái bình thường chút nào. Tôi lại thấy khác, thấy mình lẫn lộn trong họ một cách nhẫn nại dù điều đó nhiều lúc làm tôi chán cả bản thân mình. Ngày Vĩnh tỏ tình, cũng là một đêm mùa thu, trời thăm thẳm xanh, trăng vàng óng tươi cười, cỏ cây chứng kiến. Tôi thấy điều ấy thật lãng mạn. Thế rồi tan vỡ, giống như sự tan vỡ của bao mối tình. Và tôi đau khổ, giống như sự khổ đau của bao người đàn bà khác dù tôi không hề khóc lóc. Tiền đề cho việc kết thúc cuộc tình này là những trận cãi vã thường xuyên, mức độ tăng dần cho đến khi cả hai đều nhận thấy, tất thảy đã mòn xác mòn xơ và thật khó cứu vãn.Tay nải đựng những kỷ niệm tình yêu của tôi và Vĩnh lèo tèo dăm ba thứ nhỏ nhặt, đến mức nhiều khi tôi hồ nghi, không biết có phải đó là tình yêu thật không hay chỉ là chút gì na ná như vậy. Thực tình, khi nhìn lại, tôi thấy kinh kinh, sao cả hai kỳ cục thế, dằng dai những ba năm rồi cuối cùng nhạt thếch và lơ lửng. Có một điều làm tôi bực tức là Vĩnh đã không nói lời chia tay mà sử dụng cái chân lý thông thường cánh đàn ông tâm đắc: Lúc định rời khỏi một con người, tốt nhất là để cho người ta làm việc gì đó tổn hại đến anh trước. Và quả thực, tôi đã làm điều ấy với Vĩnh bằng một cơn tam bành rất chi đàn bà... Ngay sau đó, Vĩnh biến mất một cách nhẹ nhõm dù anh cũng thừa hiểu, cơn tam bành của đàn bà chẳng khác gì dòng sông chảy trong sa mạc, lúc đầu thì ào ào, cuồn cuộn; sau đó thì mất tăm mất tích, chẳng thấy đâu nữa. Cơn tam bành của tôi, khác gì đâu? Cãi cọ với Vĩnh xong, tôi hả hê lắm dù nước mắt tràn mi. “Thôi, xong rồi! Kiệt sức rồi! Hết!”. Bụng bảo dạ như thế, hùng hổ như thế mà chỉ được vài tuần. Nỗi nhớ Vĩnh, nhớ đến day dứt, đến tội nghiệp lại dằn vặt tôi. Tôi cay đắng tự chửi mình: “Đồ ngu!”. Nhưng ích gì? Hình ảnh Vĩnh vẫn hiện ra vừa lung linh vừa méo mó. Tình yêu là cái quái gì nhỉ mà khi có người ta lại nghĩ rằng chưa, lúc mất mới biết là có, vẫn ngỡ hãy còn? - Làm việc ở đó lâu chưa? Sao không xin về gần nhà? - Lão Ứng quẳng giỏ chuột vào góc cái lều nhỏ dựng tạm cạnh bờ mương rồi ngồi bệt xuống cỏ. Câu hỏi của lão lôi tuột tôi về thực tại. - Dạ, gần tám năm rồi lão ạ! Cháu cũng đã thử xin nhiều lần nhưng không được. Bây giờ thì quen rồi. Có lẽ chẳng cần thay đổi nữa. - Con gái con đứa, phải biết giữ gìn chứ? Tao thấy mày thật lạ, trông xinh xắn, ưa nhìn đấy, sao lúc nào cũng ủ dột? Ăn mặc thì đơn giản. Lại thích thơ thẩn đăm chiêu một mình. Tính tình cô độc vậy, đàn ông nó không ưa đâu! - Cháu biết rồi! - Tôi gượng cười, thấy lòng đau nhói. Lão Ứng đã nói đúng. Và tôi cũng hiểu được những điều ấy, thậm chí hơn. Nhưng biết làm sao được vì tôi chẳng thể đổi thay nổi mình. - Sáng mai nếu rảnh, sang tao đãi món này! - Lão Ứng chỉ vào giỏ chuột tiếp tục - Ngon lắm, rồi mày sẽ thích cho mà xem! Giờ thì về đi, gần sáng rồi. - Thế còn lão? - Tôi day mặt lên trời hỏi nhỏ. - Tao ngủ luôn ở đây. Mai về sớm cũng được. Im lặng. Cao cao trên đầu, lấp lánh chòm sao tua rua như một đám lửa nhỏ sắp tàn. Ông Thần Nông còng lưng khắc khổ nhìn xuống hạ giới vẻ trầm tư. Không gian thinh lặng mênh mang. Chỉ nghe thấy tiếng nứt nẻ của mặt đất, tiếng xào xạc của những cành cây đang nô giỡn dưới trăng. Tôi và lão Ứng, mỗi người đuổi theo một suy nghĩ riêng. Bỗng thấy nhẹ nhõm hẳn khi nhìn dáng ngồi xù xì, chắc nịch của lão. Thực ra, lão Ứng cũng hay đáo để đấy chứ? Vậy sao mọi người trong làng lại có ý xa lánh? Nhà tôi và nhà lão chung ngõ. Một cái ngõ nhỏ xíu với hai hàng xương rồng thẳng tắp, chạy tuốt vào tận sân mới rẽ làm hai. Ngoặt sang phải là ngôi nhà ba tầng quét vôi màu xanh nhạt với vườn cây ăn quả quanh năm xanh tốt - đó là nhà tôi. Còn bên trái - nếp nhà gỗ ba gian thấp tè của lão Ứng. Hồi tôi còn bé tí, lão Ứng đã có tiếng là rượu chè be bét và trộm vặt tùm lum. Bà Hinh vợ lão - một người đàn bà nhỏ thó, mũi nhọn và có cặp mắt rất đẹp suốt ngày lụi hụi thu dọn những thứ lão quăng ra khi say bí tỉ hoặc đến từng nhà nhỏ những giọt nước mắt trong vắt, to như hạt đỗ chảy trên khuôn mặt khắc khổ xin lỗi người ta: “Chồng em trót dại, các bác xá tội cho, em sẽ đền!”. Vì nhà tôi ngay cạnh nên thấy có “sự vụ” là tôi tót đến ngay. Lúc nhỏ thì đứng ở bậu cửa bếp, hếch mắt lên nhìn. Lớn hơn, tôi xăng xái chạy vào tận trong nhà, cũng thu thu vén vén cùng vợ lão rồi tỉ tê hỏi han. Chẳng để làm gì vì tôi chưa biết an ủi. Nhưng tôi cũng không rồi mồm đến nỗi đi kể lể lung tung ra ngoài dù dân trong xóm rất thích nghe chuyện nhà khác để bàn tán, thêm dấm thêm ớt cho đỡ buồn tẻ cái sự đời vốn đầy nhọc nhằn, tù túng của họ. Lão Ứng uống rượu như uống nước lã. Cái bi-đông đã tróc sơn loang lổ, bẹp dúm một bên thân suốt ngày lão đeo ở lưng quần chưa khi nào cạn thứ dung dịch cay cay và đắng ngắt ấy. Thức nhắm của lão có khi là vài quả chuối xanh, hai ba quả khế, thậm chí một đĩa nhỏ rau luộc. Sang hơn thì lạc rang hay mấy bìa đậu phụ rán. Vậy mà lão đòi một mình một mâm trên phản, ngâm nga hàng tiếng đồng hồ. Còn bà Hinh thì ăn cơm dưới đất, canh chồng. Họ không con cái nên sự trái khoáy ấy bà Hinh cũng chiều lão được... Lúc đầu, lão Ứng uống tì tì. Khi rượu bắt đầu ngấm, lão cũng bắt đầu nói. Đông tây kim cổ, nghĩ gì lão nói ra tuốt nhưng chỉ lầm bầm một mình. Tai liền miệng đó, lão nói thì lão nghe. Bà Hinh vẫn im lặng. Chỉ đến khi say bí tỉ, lão mới bắt đầu cãi cọ, với chính mình. Câu trước thầm thì giảng giải, câu sau lão vống lên, gay gắt, gây gổ. Rồi lão dằn tay xuống phản, mắt vằn lên, miệng không ngớt lẩm bẩm. Và cuối cùng, vài thứ trên mâm bay ra ngoài. Khi thì bi-đông rượu, lúc vài cái bát, thậm chí cả mâm. Cáu quá, lão loạng choạng bước xuống, vớ lấy cái ấm nhôm quăng tiếp... Vì thế, nhà lão dùng toàn đồ sắt hoặc đồ nhựa. Bát sắt, mâm đồng. Thậm chí ghế ngồi cũng rất khó vỡ vì chúng nhẹ bỗng, lẳng một cái bay tít ra tận góc vườn. Sau này, tôi nhiều lần sang chơi nhà lão. Nghe lão độc thoại, mới kinh ngạc trước sự hiểu biết và trí nhớ tuyệt vời của lão. Hóa ra lão đọc rất nhiều và bôn ba cũng lắm. Mười tuổi, lão Ứng bỏ nhà ra đi. Vừa làm thuê lão vừa học. Hết chữ nho đến chữ quốc ngữ. Khi có một món tiền kha khá, lão nghĩ ngay đến việc học... Trôi dạt mãi bởi chiến tranh, loạn lạc và nghèo khó, lão bò lên tận Tuyên Quang, lấy một cô vợ nhỏ nhắn người Thái trắng - bà Hinh bây giờ và sống ở vùng núi xanh ngắt hiểm trở, quanh năm sương mù vây phủ ấy gần ba mươi năm mới tìm về quê nhà. Chỉ tiếc rằng tạo hóa thường sinh ra con người và thổi vào linh hồn họ sự khập khiễng nhiều lúc trớ trêu đến nực cười. Trường hợp lão Ứng cũng là một điều khập khiễng khi sự hiểu biết, trí thông minh của lão không khắc chế được những thói tật xấu không thể chấp nhận nổi trong mắt người đời. Và điều đó làm tôi day dứt, khó hiểu. Hình ảnh lão Ứng cùng bà vợ già nhẫn nhục, nhỏ như đứa trẻ mười lăm luôn quanh quẩn trong tâm thức tôi. Cái nết trộm vặt của lão Ứng xem chừng khó chữa trị và rõ ràng là gây nhiều tai tiếng hơn cả bệnh nghiện rượu dù nó đã chấm dứt cách đây chục năm. Một đứa trẻ, bé nứt mắt như tôi cũng hiểu ngay rằng, lão đi chôm chỉa của người ta không phải vì túng thiếu gì. Một chục năm tha hương, lão dành dụm được khối của. Vườn nhà lão thì rộng, ngày nào bà Hinh chẳng toòng teng hai rổ rau thơm ra chợ? Tiền bán rau cũng đủ để vợ chồng lão sống rồi... Vậy mà... Hồi còn hợp tác, người ta bắt được lão ăn trộm ngô đánh đống ngoài sân kho. Đó là ngày lão bước vào tuổi năm mươi. Về sau, lão càng tự nhiên hơn. Cái gì để hớ hênh là lão vớ tất. Lối xóm đầu tiên còn thì thầm to nhỏ, nghi nghi hoặc hoặc. Rồi người ta làm ầm lên; rầm rĩ, tức giận. Những thứ lấy được, lão đem bán đổ bán tháo để mua rượu uống. Cũng chẳng biết giải thích thế nào khi lão chỉ trộm vặt. Lúc cái nồi đã cũ, khi là chiếc áo đã hơi sờn vai. Rồi gà vịt, mà chỉ một, hai con mỗi nhà. Hết trộm gần đến trộm xa. Quanh xóm, lão khua khoắng chẳng chừa ai cả, trừ nhà tôi. Song mỗi nhà lão hỏi thăm không quá hai bận! Vì thế, cứ động mất cái gì người ta lại te tái đến gọi bà Hinh và người đàn bà còm nhom ấy bèn hối hả vào hòm lục tiền. Đền! Đôi mắt nâu tròn, trong veo như mắt trẻ thơ và không biết già đi theo năm tháng của bà Hinh đã bạc màu hơn dù tôi chưa thấy bà nặng lời với lão Ứng bao giờ...