Tâm Tư hay là khoa Siêu lý của Viễn Đông
Nội dung
TỰA

Nội dung
I. KHỞI BẤT NHĨ TƯ?
II. VÔ NHỊ
III. ĐƯỜNG LỆ CHI HOA
IV. PHÂN TÍCH MỘT MẪU TRUYỆN PHẢN CHIẾU LỐI TÂM TƯ
V. NỮ OA VỚI BỐN CHÂN RÙA
VI. PHONG HỒ VŨ VU
VII. DU Ư NGHỆ
VIII. TRIẾT LÝ NHÂN SINH
IX. ĐÈO NGANG ĐỘNG DỌC
X. TỔNG QUAN 
 TỰA
Đã một dạo chúng ta quen nói rằng Viễn Đông không có khoa danh lý. Đó là câu nói chỉ thật có lớp ngoài mà sai lớp trong.
Nhìn bao trùm đường vận hành của tư tưởng nhân loại chúng ta có thể phân ra ba lối suy luận. Lối thứ nhất là có danh lý của triết học Tây Âu, xây trên những lý lẽ rút ra từ sự kiện hay những ý niệm của sự vật. Lối thứ hai của triết lý Ấn Độ gọi là vô lý hay phản lý: tuyệt đối quay lưng lại với lý lẽ suy luận.
Viễn Đông không hữu lý hay phản lý nhưng là hàm lý, nghĩa là lý luận chỉ đóng một vai trò tương đối và nằm khuất trong tình cảm, làm nên một lối lý luận riêng biệt vận chuyển qua ba đợt lý, tình, chí. Tận cùng của lý là lý luận biện chứng. Tận cùng của tình là cảm nghiệm, là nghệ thuật. Tận cùng của chí là thể nghiệm, là ngộ đạo, tức nhận thức ra chiều kích vũ trụ nơi mình. Ta gọi đó là An tư hay Tâm tư.
Khoa an tư hay tâm tư nhằn giúp vào việc nhận thức ra và đáp ứng nhu yếu có tính các vũ trụ của con người đại ngã Tâm linh, sự nhận thức đó cũng gọi được là Ý thức vũ trụ hay là "thiên địa chi tâm". Người thường mới có thiên địa chi ý, chi tưởng, nhưng chưa có thiên địa chi tâm. Để có được vũ trụ chi tâm thì cần rút bớt nghị lực ra khỏi ý, khỏi tưởng, khỏi tướng đặng đầu tư vào việc hàm súc tinh luyện những mối tình vi tế cho tới khi nào thể nghiệm qua thân tâm rằng mình với vũ trụ cùng rung theo một tiết nhịp, lúc ấy mới trúng là "thiên địa chi tâm" (dialectique cosme-psycho-somatique) được trình bày trong quyển này qua một hai lối hành xử, dăm ba câu nói, một hai bài thơ. Những câu nói cũng như những bài thơ đó khi đứng riêng lẻ thì không có gì gọi được là lý luận cả, nhưng lúc đặt vào mạch lạc của cái toàn thể trong nền Minh triết Viễn Đông bằng cách phân tích và xếp đặt cho câu nọ liên hệ với câu kia thì lại làm tỏa ra một nguồn sáng lung linh và uyển chuyển vận hành theo tiết nhịp không còn phải là mạch lạc của danh lý, sự lý, luận lý, nhưng là thuận theo "tính mệnh chi lý". Nói khác đó là cái lý luận không luận lý mà vẫn có luận lý, không suy tư mà vẫn có suy tư, một nền suy tư phồng lên bằng cả tầm vóc vũ trụ và tạm gọi là TÂM TƯ. Sau đây là mấy ý tưởng hướng dẫn vào Tâm Tư.
Tâm tư nối tiếp hai quyển Nhân Bản và Chữ Thời bằng đặt giữa hai quyển trên một mối liên hệ sống động. Nếu Nhân Bản dẫn tới con người toàn diện, thì Chữ Thời dẫn tới vũ trụ chi tâm. Quyển Tâm Tư sẽ đặt phương trình: vũ trụ chi tâm = nhân bản toàn diện. Nói khác muốn có cái tâm bao la như vũ trụ (đã làm tâm chân thực bao giờ cũng to bằng vũ trụ) thì cần con người phải sống toàn diện, phát huy mọi khả năng trong con người. Khi mọi khả năng được tài bồi vun tưới để nảy nở đều đặn, để tất cả vươn lên tới chỗ chí cực, không năng lực nào lấn át năng lực kia khác, thì lúc ấy liền nhận thức ra sự vật nào cũng nằm trong thế tương liên với Toàn thể. Nói gọn lại thì Tâm chính là Toàn thể.
Có Tâm là khi Toàn thể tham dự: khi ta xem, nghe, nghĩ mà toàn thể thân tâm xem, nghe, nghĩ, chí cực thì đấy là Tâm Tư.
Đó là một phương trình rất phong phú có khả năng bơm sinh động vào cho mọi ý niệm trừu tượng. Và làm cho cái biết hàng ngang của luận lý trở thành "chu tri" là cái biết tròn đầy, biết "vòng tròn" theo Tam tài. Vậy cái biết tri kiến hay lý trí mới là cái biết nhị nguyên hàng ngang: có Đông có Tây, có trước có sau, thiếu hai điểm nửa để làm ra tròng tức tình thâm vi tế và triêu văn đạo. Với hai yếu tố mới này làm như hàng dọc thêm vào cái biết luận lý hang ngang mỗi lần đi lên một đợt là biến đổi tâm thức, biến đổi cái nhìn và lần cuối biến đổi trọn vẹn để làm thành một cái biết rất sâu xa thấm thía gây an vui thư thái khác hẳn với cái biết lưu tục dù của suy luận hay khoa học cũng không bằng.