Chương IV ( B)

4. Nhi quy
Là điểm chót sau vịnh. Quy ở đây có hai nghĩa. Trước hết là trở về nội tâm: thiên kỳ phản nhi. Đây là điểm căn cơ hơn hết trên con đường ngược chiều: tự ngoài vào trong, nghĩa la từ những cái tư riêng được coi như mục đích, thì nay mục đích được hướng vào chỗ "Kỳ Trung" ở đợt sâu thẳm nhất, nên chỉ còn là tiết điệu uyên nguyên mà mỗi người học đạo phải cố đạt tới. Thành công nhiều ít là tùy độ nắm được Trung nông sâu hơn kém.
Nghĩa thứ hai là trở lại với đời sống thế tục để xử thế, cho đời sống xã hội thấm nhuần đạo lý, cho cõi nhân sinh trở thành nhân đạo. Đổng Trọng Thư nói "Tiên quy nhi hậu vi chi, 先 歸 而 後 為 之" (ĐC 335) là theo lối đó. Muốn cải tạo xã hội mà thiếu Quy, tức thiếu Minh triết để phân biệt được điều lợi hại thì dẫu thiện chí là yêu thương người mà kết quả lại là làm hại người, bên ngoài ý muốn của mình.
Điểm là một vòng trong dây chuyền của truyền thống
Đại để đó là ẩn ý của Điểm mà người cháu nội sau này là Tử Tư sẽ quảng diễn bằng câu: "Vật hữu bổn mạt, sự hữu chung thủy. Tri sở tiên hậu, tắc cận đạo hĩ, 物 有 本 末 , 事 有 終 始 , 知 所 先 後 , 則 近 道 矣." (1), nghĩa là vật có gốc có ngọn, gốc loạn mà cành trị chưa bao giờ xảy đến được. Cái gốc là chính con người, phải lấy thành nhân làm nền móng trong việc an bang tế thế lâu dài.
Vì thế mà "quân tử lập kỳ đại". Người quân tử trước hết đặt vững nền móng cho cái đại cái gốc. Mà lập kỳ đại chính là tu thân. Tu thân mới là bổn gốc, ngòai ra kinh tế, chính trị, ngoại giao… tuy không ai dám chối là cần, nhưng cần hơn cả là gốc. Chính gốc mới là phần "thành nhân". Nếu chỉ luyện nên những thứ chuyên môn mà không có luyện cho thấy cái toàn thể nơi con người, thì đừng nói thiếu tâm hồn, mà thiếu ngay cả đến lương tâm nghề nghiệp. Jung có lần nào đó viết rằng chính những chương trình lớn lao về kinh tế, chính trị… đã làm các dân tộc sa lầy (Les grands programmes politiques, économiques… précisément ce qui a toujours enlisé les peuples), là vì những chương trình đó chỉ là những sự xếp đặt do đầu óc trục lợi tính toán, và chỉ biết tìm thế quân bình giữa các nhóm thế lực lấy ích lợi làm trọng tâm, mà không được đặt vào tương quan với Toàn thể là Nhân tính con người.
Đành rằng phải có chuyên môn nhưng đồng thời phải dạy cho biết cái Toàn thể tức là Đạo làm người. Có thế mới là "tiên quy nhi hậu vi chi". Nếu không trước hết hồi hướng về thâm tâm để mình tìm lại mình rồi mới thực hiện (vi chi) thì dầu chuyên môn có giỏi rồi cũng chỉ đến "vinh thân phì gia", chứ không mong gì giúp ích xã hội.
Điều nhận xét trên áp dụng cho toàn thế giới. Con người hiện nay đã "thành công" rất lớn, nhưng "thành nhân" rất nhỏ. Con người chưa được sửa soạn đủ để hưởng cái thành công của mình. Thay vì lấy thành công tô thắm cuộc đời thì lại dùng để tiêu diệt lẫn nhau. Vì chưa tìm ra cái toàn thể làm gốc để quy tụ các động tác tư riêng nên mọi chương trình trở thành vá víu.
Vì lý do sâu xa đó, nên tuy Khổng theo dự án của Điểm thoạt coi tưởng như một trò chơi mà thực ra lại là lo cho đời từ căn để vậy. Hơn nữa đó mới chính là Nho triết của truyền thống trong câu: "duy tinh duy nhất, doãn chấp quyết trung, 唯 精 唯 一 允 执 决 中": có tinh luyện tâm hồn mới đạt được sự thống nhất chân thực. Lúc đó mới thống nhất được mọi việc lẻ tẻ, những cái dị biệt. Ở chương trình Điểm, hai chữ:
Duy tinh nằm trong Dục Hồ Nghi, dùng nước để tẩy lọc tinh luyện tâm hồn.
Duy nhất là Phong Hồ Vũ Vu để nhận lấy nguồn sinh lực sinh động của toàn thể.
Doãn chấp là Vịnh: Vịnh là chúa các nghệ thuật, cũng đồng nghĩa với hòa hợp điều lý.
Quyết trung là Nhi Quy: tức là tuy hướng hồi tâm để tìm ra nguồn sống và cũng có nghĩa là trở lại tô thắm cho đời sống xã hội.
Đúng là đường lối suy tư chân thực mà Heidegger gọi là Andenken: pensée mémoriale có thể dịch là Truy tư hay Quy tư, nghĩa là suy tư tìm trở lại nguồn gốc căn cơ con người, cũng chính là cái thực tại toàn triệt mà chúng ta khát mong tìm trở lại, gọi là cái khát vọng siêu hình, mà không có thành công nào bóp chết được. Nhưng dùng lý trí thì chỉ thấy từng khúc vụn vặt. Do đó Việt lý đi theo đường "Duy tinh duy nhất". Lối đó đòi một môi trường.
Môi trường
Vì suy tư chân thực không là suy tư kiểu lý luận bằng ý niệm, nhưng là Quy tư, nghĩa là tìm trở lại nền thống nhất căn cơ của Nhân tính để hòa mình vào nhịp sống của nhân sinh, của vũ trụ.
Muốn được thế triết lý nhân sinh khác hơn triết học lý niệm ở chỗ nó cần một môi trường ám hợp cho Đạo thể nảy nở được. Triết duy niệm đi tìm chân lý đối tượng (vérité-objet) là cái gì chết khô nên để cho lý trí một mình xoay xở suy tư, luận đoán đã đủ. Việt lý ngược lại không chú trọng ý niệm, nhưng thể nghiệm, tức là toàn thân tâm đều cảm nghiệm. Muốn thế cần giải thoát mọi cơ năng khỏi chấp vào cái bé nhỏ để tất cả có thể cảm thông với toàn thể vũ trụ.
Toàn thân con người chỉ có thể sống khi được hô hấp trong bầu không khí thuận lợi. Nho triết đặc biệt chú trọng vào chính trị, vì chính trị nắm nhiều thế lực nhất trong việc gây bầu khí hướng dấn đời sống của công thể, của xã hội để xã hội nhịp theo cái Toàn thể Vũ trụ, hay ít ra không để những quy ước lấn át cái nhịp tự nhiên con người.
Do đó trong chương trình Điểm không ghi giờ học luận lý mà chỉ ghi việc đi tắm sông, hóng gió, múa và ca, là chú ý tới cái bầu khí, tới cái môi trường thuận lợi cho sự nảy nở hồn nhiên và toàn diện mọi khả năng.
Mỗi chân lý nhân sinh đòi hỏi một môi trường cho nó. Môi trường không là cái chứa đựng bên ngoài, nhưng là thành phần cấu tạo ra nó trong tâm trạng người học. Triết học lý niệm không nhằm điều đó nên không chú ý đến môi trường. Triết Đông ngược lại tất cả đều chú ý đến sự hiện thực nên môi trường trở thành yếu tố quan trọng. Tìm hiểu môi trường của một nền Triết giúp ta hiểu thêm cái sắc thái đặc trưng của nó, và do đó tùy theo với thới thế mà sáng tạo những điều kiện mới thích hợp với những tiến triển khác nhau ở mỗi giai đoạn giúp cho sự nảy nở chân lý nền tảng đã nói trên kia.
Môi trường thường được biểu lộ qua ba yếu tố là khung cảnh, nhân vật và họat trường mà chúng ta sẽ lần lượt bàn tới.
Khung cảnh.
Một hôm Khổng đi đường không biết bến đò nên sai Tử Lộ đến hỏi hai nhà ẩn sĩ là Tràng Thư và Kiệt Nịch, nhưng cả hai từ chối. Tràng Thư đáp: nếu người ngồi xe là Khổng Tử thì ông ta đã biết lối xuống đò rồi. Riêng Kiệt Nịch đã không chỉ lối lại còn gửi lời khuyến cáo Khổng Tử nên theo chân ẩn sĩ để lánh trần rằng "thao thao giả thiên hạ giai thị dã nhi thùy dĩ dịch chỉ". Tất cả mọi nơi đều loạn lạc như thác như lũ thì mong tìm đâu ra đồng chí đặng cùng mình cải tổ xã hội chứ?
Tử Lộ đem lời trên thuật lại cho thầy. Nghe xong, Khổng ngậm ngùi nói "Điểu thú bất khả dữ đồng quần, ngô phi nhân đồ dữ, nhi thùy dữ? Thiên hạ hữu đạo, Khâu bất dữ dịch dã, 鳥 獸 不 可 與 同 群, 吾 非 斯 人 之 徒 與 而 誰 與? 天 下 有 道, 丘 不 與 易 也 ." L. XVIII 6. Người ta không thể làm bạn với cầm thú. Nếu ta chẳng sống với người trong xã hội này thì sống với ai? Nếu thiên hạ có Đạo rồi thì cần chi phải sửa đổi cải tạo nữa.
Câu chuyên trên biểu lộ hai thái độ ở đời với hai khung cảnh. Tràng Thư, Kiệt Nịch thiên về xuất thế, lấy tiên làm mẫu người lý tưởng: chữ Tiên kép bởi chữ nhơn và sơn chỉ người ở núi. Khổng lấy xóm nhân làm chỗ ở: chữ Nhân là "hai người" nói lên xã nhân tính thiết yếu của con người, chứ không thể đồng quần với điểu thú sống lang bạt trên núi rừng được.
Do đó khung cảnh Nho giáo chính là các lọai xã hội nhỏ từ gia đình thôn ấp mở rộng qua lên quốc gia nơi mình đang sinh sống đang hoạt động và cuối cùng là quốc tế (tứ hải giai huynh đệ). Như thế môi trường đó không thể tìm xa xôi trên núi rừng, những u tịch cách biệt xã hội loài người.
Ý nghĩa tiếng gọi u linh
Yếu tố thứ hai của môi trường là nhân vật: Bạn, một yếu tô có tính chất xã hội được Điểm chú trọng, và đấy là nét được tô đâm trong xã hội theo Việt Nho. Đó cũng là điều dĩ nhiên khi Việt Nho chú trọng đến Nhân. Chữ Nhân nói lên mối liên hệ mật thiết với lân nhân. Con người sống trong xã hội không thể không có lân nhân. Ngược lại đó là những đợt thiết yếu trên đường Tâm tư. Con người cần phải vượt qua sự bám víu vào mẹ cha, vào gia đình thôn xóm để đi đến những tổ hợp rộng lớn hơn cốt để đạt đến những môi trường có nhiều khả năng mở rộng tầm mắt giúp cho tâm thức vượt những chân trời bé nhỏ để dễ nhìn ra Tòan thể. Tuy vậy, muốn cho những tổ hợp đó giúp làm nảy nở nhân chủ tính của mình thì cần chúng được thấm nhuần bản chất hữu tình. Bởi vì trong xã hội cũng như giữa các cá nhân, người ta có thể thiết lập nhiều loại tổ hợp.
Nếu ta quan niệm lân nhân như cừu nhân "homo homini lupus" kiểu Hoobes hay như tha nhân xa lạ chỉ liên hệ với mình như đối vật, như cái đo (cela) kiễu tĩnh vật tính chất người thì lúc đó tổ hợp sẽ bóp nghẹt nhân chủ tính của mình và biến mình thành một cái máy vô hồn để phụng sự cho tổ hợp, cho đảng. Vậy muốn cho tổ hợp có khả năng giúp mình nảy nở, xứng với mối giao thiệp giữa người với người thì chỉ có lối coi người như người, như bạn, như thân nhân.
Do đó trong câu mở đầu sách Luận ngữ nói: có bạn từ phương xa tới thì còn gì vui hơn "hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ? 有 朋 自 遠 方 來 , 不 亦 樂 乎 ?". Vui vì bạn đến không như sói dữ hay như tha nhân để chinh phục mình, bắt mình làm nô lệ, nhưng như bạn thân để cùng mình trao đổi, để đối thoại, để đưa mình ra khỏi mối nguy cơ của trạng huống cô đơn (vae soli), kéo mình ra khỏi cái tệ trầm không u tịch, là trạng thái không chỉ nên hiểu hạn cục vào cảnh cô đơn vật chất, nhưng còn một ý nghĩa sâu xa bí ẩn mà có thể hé thấy trong truyện Narcisse vì mải nhìn bóng mình đến nỗi phải chết chìm dưới đáy giếng, nghĩa là bị tê liệt giữa những vọng kiến những ý niệm tư riêng biến mình thành ếch ngồi đáy giếng không thấy được bầu trời bao la là Toàn thể.
Do đó ta có thể hiểu tại sao trong lịch sử Huyền niệm thấy nhấn mạnh đến yếu tố bạn trên đường Đạo. Khi một người có tâm hồn trống vắng sống bên cạnh người đã có đời sống tâm linh mạnh mẽ, thì có rất nhiều may mắn được tiếp nhận những luồng thần khí trợ lực mạnh mẽ cho việc tiến bước nhất là ở đợt khởi thủy. Có lẽ lời Đấng Christ sau ám chỉ phần nào điều đó "khi có hai người trong chúng con hội nhau cầu nguyện thì Thày ngự giữa". Thầy đây nên hiểu là Đạo Thể bao la.
Vì những lý do trên nên Việt Nho chú trọng đến yếu tố Bạn. Điểm không mời thầy mà chỉ kéo bạn là đặt nổi ý tưởng: tự mình giác ngộ không cần thầy (vô sư độc ngộ). Sau này con của Điểm là Tăng tử có nói: "Người quân tử lấy văn để tụ tập bạn hữu, để bạn hữu giúp nhau tiến vào đạo nhân" (Quân tử dĩ văn hội hữu, dĩ hữu phụ nhân, 君 子 以 文 會 友 , 以 友 輔 仁, L.XII.23) là nối tiếp con đường truyền thống vậy. Chính theo hướng đó, Điểm đã nhấn mạnh đến bạn, trong đó có hai hạng:
Trước hết là những người đã đến tuổi "nhận mũ lên đường" gọi là Quán. Loại hai gọi là "đồng tử" liền sát cái tuổi "xấp xỉ" tới tuần cập kê. Đây là tuổi nhị bát (16 tuổi) là lúc những ý niệm, những định đề, cũng như những thói quen và tập tục xã hội sắp kết tinh thành những tảng cứng đóng thành những bức tường bao vây tâm trí, nhất là lúc sắp sử phải vào đời, phải tự gánh trách nhiệm mà sách nói bóng là áo xuân đã may xong "xuân phục ký thành" một khi đã dấn thân vào đời thì nguy cơ để mình theo lưu tục, theo lối phán đoán thế gian sẽ rất lớn. Vì thế muốn giữa vững cuộc đời lưỡng thể thì cần phải khởi công một cuộc tự giáo dục lấy mình. Điểm hiểu lẽ "tự đạo" đó nên không đưa thầy đi cùng, mà chỉ dắt bạn hữu vào lứa tuổi đang sửa soạn bước lên "đợt sống mới", quen gọi là tuổi dậy thì, nghĩa là tự thâm tâm bắt đầu dấy lên những tiếng gọi xa xăm. Đây là tuổi khám phá ra tha giống, tức là con trai khởi đầu nhận ra con gái không phải là con trai và ngược lại. Nghĩa là nhận ra sự khác biệt không chỉ hạn cục vào những đường cong dị biệt thuộc xác thân, nhưng còn có một cái chi sâu xa hơn, tế vi hơn, cái gì chèo kéo lạ lùng như hai sợi dây điện chỉ chực chập thành một, nên luôn luôn có chuyện "tình trong như đã, mặt ngoài còn e". Nhưng tại sao e!
Thưa e không những vì miệng tiếng thế gian, vì những húy kỵ do xã hội bịa đặt, nhiều khi tới độ gẩy thành mặc cảm tội lỗi gắn liền với những việc lứa đôi đã bị buộc vào những ý nghĩ rất phức tạp. Nhưng còn e vì những tình tứ tràn ngập nhưng mông lung chưa kịp tìm lời để lên khuôn đặng nói ra. Đó là chuyện khó, khó không hẳn vì không nói được, nhưng khó vì muốn nói mà lại như không nói, không nói mà là nói: "muốn có lại bảo rằng không, rõ muốn lấy chồng lại nói đi tu". Chính vì bởi tình tứ nó tế vi hơn từ ngữ rất nhiều, nên cảm thương tuy đã đầy hông, mà lựa lời gạ hỏi thì hổng có ra. Đó là lý do tại sao e, ấy là chưa kể việc phải thử lòng thử sức của cu câu. Tuy nhiên đó mới là lý do phiến diện dễ nhìn nhận. Nhưng còn một lý do bí ấn hơn rất nhiều nên không mấy khi được nhìn thấy: đó là tiếng gọi u linh phát xuất từ cõi "vô thức", từ cõi của Nguyên ngôn, như một mệnh lệnh có tính cách nội khởi gây thao thức, gây khát vọng những gì cao xa lý tưởng.
Phải, chính chung quanh tuổi "nhị bát" là mùa của muôn lý tưởng đâm bông, mà trổi vượt hơn hết, thúc bách hơn hết là tìm lại Nhà, và do đó có những tiếng kêu "thất thị viễn nhi". Chữ Thất đây phải hiểu là Nhân tính, tức là con người Viên Dung Toàn Thể. Do đó chung quanh tuổi 16, cũng là mùa cất bước lên đường đi tìm "ý trung nhân". Chữ "ý trung nhân" theo hai nghĩa vừa là "nhân chi sơ" khi tính hãy còn bản thiện (linh tượng), vừa theo nghĩa "anima" của Jung, tức là "Nàng lý tưởng" mà chàng trai mang trong thẩm cung lòng mình, hoặc "animus" là "Chàng lý tưởng" mà nàng mong đợi (sinh tượng). Sự khám phá của Jung có đựơc cái công minh nhiên hóa cái ý niệm đã được Việt lý trực thị và đã gọi tên một cách kỳ tuyệt là "ý trung nhân" kiểu "xuân như ý". Đó là người chống hay vợ được lý tưởng hóa sẵn trong lòng cách tiên thiên và sau này chụp lên cô hay cậu nào thì xấu cũng thấy đẹp, cũng đầy duyên dáng dưới mắt cô hay cậu đó đến độ si mê điên dại, coi như cái "nhá", nghĩa là cái gì đem lại cho sự ấm cúng, thân mật, an vui… mà Nho giáo hay gọi là "nhập ư thất", thì chính nghĩa là nhập nhân tính trở thành chủ nhân để nhịp cùng một nhịp với vũ trụ. Nhưng vì "ý trung nhân" có hai nghĩa nên chữ "thất" cũng có nghĩa thứ hai thấp hơn đó là "nhà tôi". Và do tiếng gọi ở tuổi nhị bát, chữ "nhà tôi" theo nghĩa bằng xương bằng thịt thường thằng nghĩa thứ nhất là nhân tính. Sự thắng thế này cũng là đúng luật trên đường trở lại Thái Thất theo câu "đạo quân tử khởi tự lứa đôi để rồi đạt tới Thiên Địa". Do lẽ đó, tiếng "nhà tôi" với ý nghĩa là bạn chung trình lấn át tiếng gọi của "nhân chi sơ nguyên thủy". Nhưng trong lúc hai người mới giao tiếp với nhau thì hai tiếng gọi có thể mạnh ngang nhau, và mối tình trai gái ở tuổi đầu thường vẫn mang đầy tính chất cao thượng lý tưởng, thuần nhiên, và những câu thề thốt "trăm năm kết chặt chữ đồng" chứa đầy sự thành thật trung trinh (ít ra thời trước). Nhưng càng ngày tiếng gọi tâm tình cụ thể càng lấn át tiếng gọi u linh kia, cho tới lúc hầu át hẳn. Nhất là vì những tục lệ, công ước, thành kiến xã hội đã được coi như thiêng liêng bóp chết sự thuần nhiên nội khởi của việc giao hợp giữa nam nữ, thì việc này không còn là một khởi đoan để đưa đôi lứa đến việc nghe tiếng gọi của Nguyên ngôn, đặng nhận thức ra mối tương quan với Thực tại Viên Dung là tính bản nhiên con người nữa. Đó cũng là do sự thất bại của nền luân lý hình thức mà ra. Tuy nhiên tiếng gọi đó sẽ còn nhiều lần vang lên ở vào quãng chung quanh bốn mươi gọi là tuổi triết lý, và ở một số người họa hiếm, tiếng đó đã nghe ra trong bình minh triêu triệt như trường hợp "Triệu Văn Đạo" sẽ nói đến sau này.
Đạo được nghe đó là tiếng Vô ngôn gọi con người đã bị chia cắt xé nhỏ ra là chúng ta với lý trí chỉ thấy phẩn mớ nên rất khác với trạng thái của nhân chi sơ khi tính hay còn tròn đầy viên mãn.
Đó là ý nghĩa của những câu truyện ẩn dụ như trong quyển Prédon của Platon chẳng hạn vì con người hiện nay với những con người nửa tròn nửa phẳng như quả dưa hấu đã bị bổ dọc làm đôi chỉ còn giữ được cái lưng tròn, nhưng nửa trước phẳng với một đôi chỗ gồ ghề khác nhau như chống đối với nhau, nhưng thực ra là hai mảnh của một Toàn thể ban sơ nên luôn luôn thèm muốn ráp vào đặng lập lại trạng thái tròn đầy viên mãn sơ nguyên (Etat androgynique originel est l'état humain complet dans lequel les complémentaires au lieu de s'apposer s'équilibrent parfaitement) tức là trạng thái viên dung khi hai yếu tố nam nữ rất quân bình.
Đừng tưởng đó là một hình ảnh văn chương suống sẻo nhưng là một thực trạng tâm linh lâu lâu được nhắc nhở tới cách xa xôi như trong truyện Evà được năn ra từ một xương sườn cụt của Adam. Những câu truyện ẩn ẩn hiện hiện đó đều là để nói đến một trạng thức viên mãn nhưng đã mất hút trong xa xưa nên chỉ có thể dùng lời bóng bẩy hay kiểu biểu tượng như Kinh Dịch gọi là Tiên Thiên Hậu Thiên hay đôi âm dương xoắn xuýt ăn ngoàm vào nhau mà trong truyền thống nhân loại bất kỳ ở đâu chúng ta cũng có thể nhận thấy.
Tất cả những truyện đó đều ám chỉ thời thái sơ huyền diệu mà con người cơ mang nhớ tưởng, bởi vì cái thái sơ cũng là cái rất bây giờ nên lâu lâu lại nghe tiếng gọi tuy vô ngôn nhớ có khi thiết tha nài nẵng, có khi thao thức xa xăm nhưng đủ cho người nhận thức ra tình trạng ly tính: nhận ra mình như một lữ khách tha hương đang đi trên đường để đáp lại tiếng gọi của Ai kia đang mong nhớ, đón chờ đặng tái thiết trạng thái sơ nguyên và tỏ nỗi bất nhẫn bằng những câu kiểu "thất thị viễn nhi". Nhà xa quá ta!
Và chính sự tìm về thống nhất đó mà ta gọi là Tâm tư, tức là lòng canh cánh rạo rực tìm trở lại với cái tôi căn để cái Đại Thể tâm linh cũng gọi là "khắc kỷ" tìm lại cái "mình" chân thực, cái "kỳ trung" uyên nguyên của "nhơn chi sơ" khi tính hãy còn tròn đầy trong thiên quân tinh tuyền vậy.
Tiếng gọi đó khởi xuất hiện chung quanh tuổi "nhị bát". Chính vì một lý do ẩn nhiệm ấy mà Điểm lấy tuổi "đồng tử" làm lúc khởi đầu công việc tự giáo dục lại mình cũng chính vì đó nên không có thầy nhưng có bạn. Vì thầy có thể làm nhụt tính tự chủ tự động hoặc bằng quyền uy, hoặc bằng mặc cảm tự ti mà vô tình sự hiện diện của thầy gợi ra, là điều không còn hợp cho lứa tuối đôi mươi. Ở tuổi này cần phải vun tười óc tự lập. Vì thế ngay đến nước cũng dùng lối tự động nghĩa là mình tự tắm, chứ không ai rửa cho mình, bất cứ cái gì không giúp vào việc vun tưới óc tự chủ cũng bị gạt bỏ lại.
Ở vào tuổi này tự mình phải phát triển tư cách, phát triển tự chủ tự lập, nên một nền giáo dục căn cứ trên Minh triết phải trù liệu những tục lệ xuất phát, những lễ tuyên dương óc tự lập như kiểu lễ Gia Quan. Và có lẽ vì thiếu những lễ đó trong nền giáo dục hiện đại nên mới nảy ra nhiều hiện tượng phản loạn chống lại gia đình, hoặc nhiều khi muốn xa gia đình để vun tười và củng cố bản lĩnh tự lập như chim tự lập bay ra ràng.
Ở tuổi dậy thì mà gặp được bạn tốt, những tư tưởng chân chính hướng dẫn thì con người sẽ tiến những bước rất hệ trọng trên nẻo đường tìm trở lại với Đạo Thể Viên Dung là cứu cánh cuộc đời vậy.
Hoạt trường của triết gia
Trước hết nên minh định rằng triết gia vẫn có thể làm luân lý, tôn giáo, làm chính trị, nhưng làm như chuyện cấp thời, như một việc có thể đi đôi (compatible) với triết nhưng không là triết cũng như bác sĩ làm chính trị: chính trị không do cái học chuyên môn của Ông nhưng chỉ là nhiệm vụ công dân, như lý tưởng của Ông xét là người, không cần phải học y khoa Ông cũng vẫn làm việc chính trị. Với triết gia cũng thế, tuy luân lý chính trị có liên hệ với triết nhiều hơn, nhưng không là căn bổn, đấy mới là chiến lược hoặc chiến thuật là những được tùy thời, thế, cơ còn triết lý nằm ở chỗ cùng lý, tận tính ở trung tâm chứ không ở ngoài ngành ngọn chu vi biến đổi.
Điều cần chú trọng thứ hai là hiệu nghiệm với triết, có người chê Hégel vì biện chứng đẹp đẽ của Ông nằm chình ình bên những cảnh xã hội không đẹp chút nào, do đó hoài nghi luôn triết học của Hégel.
Phê phán như thế là quá ngặt. Thuyết Hégel có đúng hay không, trước hết chúng ta hãy xét nội tại chủ trương đó, nếu được thì ta cần cho là được. Không nên bằng vào tình trạng bi đát của xã hội thời Ông mà kết án, vì như thế là đòi hỏi ở triết quá nhiều. Ngay những lần ông trời xuất thân (avatars) cũng chẳng làm nổi. Sau cùng vẫn cái nạn bất công, áp bức hung tàn như trước, có biến đổi gì đâu? Huống chi các triết gia làm sao hơn được? Vì thế, nếu có những chế độ bất công thì ta nên xét chủ trương triết gia ra sao, chẳng hạn chế độ nô lệ ở xã hội Hy La được Aristote, Platon… biện minh thì ta gạt bỏ chủ trương của hai Ông đi vì lý do nó đàn áp tự do con người. Ngược lại giả thiết rằng hai ông đưa ra một nền nhân bản trung thực nên bác bác bỏ chế độ nô lệ, nhưng xã hội chưa chịu chấp thuận nên vẫn cố duy trì, thì bấy giờ ta chưa nên vì đó mà chê chủ trương hai ông mặc dù không hiệu nghiệm. Một xã hội không đẹp có được những lời đẹo dẫu sao cũng vẫn còn đẹp hơn những xã hội không đẹp với những lời không đẹp.
Điều cần xét là những lời đẹp kia có bắt nguồn từ những nguyên lý sâu xa của triết lý hay chỉ là những lời đẹp cầu âu: may mà trúng. Ở bình diện thế gian chỉ thể có những lời cầu âu nghĩa là trúng hay trật là điều may rủi do lương tri chứ không phải do nguyên lý căn để của triết. Tuy nhiên lời đẹp cầu âu vẫn có giá trị hơn lời cầu âu không đẹp. Nhưng trong phạm vi triết lý nếu đã là cầu âu thì cái đẹp lại càng là cớ che mắt học giả, khiến họ vì những lời đẹp kia mà không thấy chỗ thiếu sót tự căn cơ. Sở dĩ triết học lý niệm đã sống lây lất được hai mươi thế kỷ cũng vì những lời đep cầu âu kiểu đó.
Triết học gây ảnh hưởng rất sâu nên cũng rất khó lòng kiểm thảo ngay được hậu quả. Cái lợi hại mà cũng là cái phiền toái của triết nằm ở chỗ đó. Nhân thấy đứng trước câu hỏi: nói dễ hay làm dễ? Chúng ta nên thưa:
- nói dễ
- làm khó
- nói trúng khó hơn
- nói lời uyên nguyên khó nữa.
Nói kiểu luân lý hình thức, nói kiểu giảng giải lên mặt thầy đời, nói kiểu chỉ tay năm ngón… tất cả đều dễ ợt, dễ hơn làm gấp bội lần, ai nói cũng được vì toàn là những chuyện ăn làm, thị phi theo lưu tục, hiện rõ ra trước tai mắt mọi người ai mà không thấy. Vì ý kiến (opinion) thì ai không có, cũng như ai cũng có thể biết rằng nghe ngóng tin tưởng vào người khác, nhưng đó mới là cái biết từ ngoài chưa phải là cái biết triết lý nó hệ tại cái trực giác tự nội tâm phát ra, và người ta cần phải tẩy trừ "ý kiến" cũng như những cái biết bằng "tai nghe mắt thấy" thì mới mong đạt cái biết trực giác. Nhiều người học triết không hiểu chỗ đó thấy người ta kêu triết không đưa tới hậu quả nhãn tiền, liền muốn sửa lại triết lý cho nó "nhập cuộc" bằng xuống đường, bằng hô một vài khẩu hiệu v.v… Làm thế đã tỏ ra nhầm sự phẫn khí của triết lý với phẫn khí của chính trị (furor philosophicus khác với furor politicus). Thứ sau này có tính cách thời sự nhiều khi cấp tính, nó thuộc về ngày hôm nay mà "ngày hôm nay là ngày của đám tiếu dân" (Nietzsche). Vì những cái hiện tại bao giờ cũng bị quy định do khu vực, nên chỉ có giá trị nhất thời và hời hợt mà triết lý là việc siêu thời sâu thẳm. Câu "nói dễ" thuộc về đương thời, bày ra trước tai mắt nên ai cũng nói được, vì thế mà gọi là "nói dễ". Trên đợt nói dễ này còn có đợt nhì "nói khó" nghĩa là đưa ra những phương pháp những phương thức cụ thể, những kế hoạch tỉ mỉ… để giải quyết những vấn đề thuộc xã hội hay chính trị, kinh tế v.v… Khó hơn nhiều vì nó đòi hiểu biết nhiều mới hy vọng tìmra những giải pháp hữu hiệu. Tuy vậy đó cũng mới là việc của lương tri thông thường và hậu quả chỉ hạn chế trong một năm, một thời kỳ, người thông minh quen thuộc có thể tìm ra, tuy không chuyên về triết lý.
Sau cùng mới đến triết lý nhằm bàn giải các vấn đề nhân sinh căn bản của con người xét là người với nhân tính của nó vì thế gọi là siêu thời gian, nên Nietzsche gọi là phi hiện thực (inactuel), chẳng hạn vấn đề "làm thế nào để suy tư thành tựu" hoặc vấn đề về mối liên hệ giữa trời đất hay cứu cánh uyên nguyên con người v.v… là những vấn đề muôn thưở.
Thiết lập được một nền triết lý như thế dẫu chỉ bằng lối "tổ thuật" mà thôi thì ơn ích có thể kéo dài từng trăm từng ngàn năm. Tuy nhiên đó là chuyện hy hữu, vì nó ở mãi đợt căn cơ, chỉ cần một lời, nhưng là lời quán thông bao gồm được mọi khía cạnh. Làm sao nhìn nhận ra được lời đó giữa cảnh ồn ào muôn lời tào lao huyên náo. Đó là chuyện vốn tự thân đã khó lại còn khó thêm ở chỗ sâu xa. Tuy nó thiết thực, nhưng sâu thẳm nên người ta dễ lẫn với triết học lý niệm bâng quơ. Do đó triết lý chân chính cũng trở thành khó được truy nhận y như khó có một triết gia biết "tổ thuật" vậy.
Tổ thuật là tìm ra chỗ then chốt làm cho các vấn đề ăn chịu với nhau cách linh động do nguồn sinh lực tuôn trào ra tự lời uyên nguyên để soi sáng vào mọi ngõ ngách tâm hồn. Đó mới là cái khó vô biên, cái "tri nan hành dị" của Vương Dương Minh. Đó mới là cái tri mà người ta chờ mong ở nên Minh triết chân thực. Vì chỉ nó mới có cái.
"Tri viễn chi cận.
Tri phong chi tự
Tri vi chi hiển"
遠 之 近 ,
知 風 之 自 ,
知 微 之 顯 , (T.D 33)
"Biết cái gần của cái căn cơ xa thẳm.
Biết chỗ ngọn nguồn do lai của luồng gió.
Biết được chỗ tế vi của những cái đã hiển hiện ra trước mắt".
Biết thế mới nói lên lời sáng soi sống động gây nên một nếp sống mới. Đó là cái biết tế vi ngọn nguồn, cái biết của triết gia, chứ không là cái biết gần gũi của cái gió đã tạt vào mặt, thổi ù hai tai. Cái biết đó là cái biết cầu âu của "nói dễ làm khó". Còn cái biết của triết chân thực khó hơn cả trăm lần nên nhân lọai mới quý hóa triết gia chân chính, và trải từng ngàn năm, lời nói các Ngài vẫn được coi như di sản thiêng liêng, vẫn là một trong tam bất hủ (đức, công, ngôn).
Đừng thầy xa xôi mà nóng ruột. Văn minh hiện nay là cái văn minh "lắm mồm" của civilisation bavarde de bla, bla, bla… con người bị ngập lụt trong lời nói sách vở, báo chương, nhưng con người vẫn thấy đói lời. Vì chưa có một lời rọi tia sáng và sức nóng vào các lời lẻ tẻ, nên con người vẫn xài tạm một số lời có ít nhiều chất nuôi phần lớn là khuyến khích thiện chí nhưng không soi sáng được tâm hồn như những mớ luận lý hình thức, triết học cầu âu, tôn giáo vu nghiễn v.v… và vẫn chờ mong trong khắc khoải "Lời" sáng soi đầy sinh lực của hiền triết.
Loài người đâu chỉ có sống vì cơm bánh, nhưng còn sống vì lời Thiên khải. Nơi triết lý phải hiểu Thiên khải là Tâm khải, khác hẳn với những lời phát xuất từ lý trí, cảm xúc, dục tình, cái đó tràn lan ngập lụt. còn lời Thiên khải từng trăm năm đã vị tất được nghe. Và đâu có nó thì người ta quý hóa duy trì, và nó sẽ sống mãi mãi với nhân loại để làm lương thực tinh thần, để làm đèn soi cho con thuyền bập bềnh trên những sóng cuồng ngôn hầm hè nuốt chửng "Lời tự khải minh" ra vậy.
Triết học là cốt học phương pháp đi tìm "Lời" đó. "Lời không nói ra được" hay đúng hơn "Lời" không chút chi lệ thuộc vào những lời tầm phào phiến diện nên rất linh động. Vì thế mới dạy phải ngược chiều trở lui, lui mãi qua các đợt chèo xuống đến chỗ cùng cực đằng lái. Đấy mới là hoạt trường của triết gia, đấy mới là nơi có thể tìm ra căn cơ giường cột "venenum in cauda". Nọc quý dấu ở đàng đuôi. Đom đóm sáng đàng đít tức là chỗ chí cực như Trang Tử bảo: "Đạo vật chí cực". Đạo nằm ở chỗ cùng cực của mỗi việc làm đến trọn hảo, ở lời phát xuất tự sâu thẳm của tâm hồn.
Nho giáo bảo người quân tử phải "thối tàng ư mật", trở lui đến chỗ ẩn tàng mắt không thấy, tai không nghe, để tìm ra chốn "hội thông" của vạn vật trong muôn ánh sáng là vì đó. Để rồi từ đó trở lại soi sáng vào mọi công việc thường nhật từ nhỏ tới to. Thành ra môi trường của triết lý Nho Việt là khắp hết tự tu thân đến tề gia rồi lan ra tới trị quốc bình thiên hạ, nhưng điểm phát huy ánh sáng phải là cái nội ngã tâm linh vậy.
(1) Câu nầy trích trong sách Đại Học, phần kinh, chương 1 (Kinh nhất chương Đại Học Chi Đạo); sách Đại Học do Tăng Tử, con của Tăng Tích, truyền; không hiểu sao KĐ cho là của Tử Tư. (Trương Củng chú thích)