TỰA

Nguyên truyện Thất-Chơn nầy, xưa có bổn cũ, mà câu văn chẳng đặng rành rẽ, nghĩa lý chẳng đặng minh bạch, sợ người coi chẳng hiểu thấu, nghe chẳng đặng thông mà bỏ qua, và trong truyện chẳng đặng mở mang, nhiều câu vắn tắt, khó rõ diệu mầu, thấy tưởng như việc thường, chẳng hiểu chỗ báu trọng. Tôi rất muốn mở mang trong truyện báu mà chưa đặng y như lời nguyện.
May đâu năm nọ tôi ở tỉnh Vân-Nam rồi qua tỉnh Tứ Xuyên, đến nhà thờ của ông Thừa-Tướng ở nghỉ chơn. Nhớ tưởng lời lẽ trong bộ Thất-Chơn, thầm xét thấu nghĩa lý diệu mầu, trọn mấy ngày biên sắp thành thơ tên là “Thất-Chơn Nhơn-Quả truyện”. Hiệp theo lời tục mà bày tỏ chuyện xưa; do trong thế sự nhân tình đặng chỉ dẫn người lầm lỗi; đem việc tội phước mà tỉnh ngộ lòng người, lấy Đạo diệu mầu mà mở mang cho hậu thế. Thiệt lời khuyên lành răn dữ, có ích xiết bao!
Khi đó có ông Vương-Đạo-Hội coi thấy đặng vui mừng, biểu tôi gắng sức ra công mà sửa cho trọn bộ. Tôi thấy ông có ý khắc bản ấn tống nên tôi hết lòng xét duyệt, xong đưa ông xem luôn chẳng nghỉ. Ông thường nói với tôi rằng:
- Sách nầy thật đáng đứng bậc nhất trong sách dạy tu hành chơn lý.
Tôi hỏi: “Xưa nay cũng có nhiều kinh sách nói việc tu chơn, sao chọn sách nầy làm bực nhứt?”
Ông đáp: “Kinh sách tu chơn tuy nhiều, mà lời nói vọng cũng rất nhiều. Hoặc lấy phép lực mà nói Đạo, hoặc mượn Tiên Phật mà làm cớ đặng dụ người không biết, lầm hiểu mà ham thành Tiên Phật. Không xét trong thâm tâm tánh mạng của mình thì tu làm sao cho thành đặng? Lấy xảo dối đời, nói việc cao xa, làm cho người khó mà minh biện. Sách nói tu hành như vậy thì dùng sao đặng? Vì vậy mà cho sách nầy là bậc nhứt. Vả lại, sách nầy từ đầu đến cuối đã không một lời dối, lại thêm khuyên nhủ lòng người bước nơi đường đất chắc cầu theo lẽ thiệt chơn, trong việc đời nhiều chỗ thế tục thường nghe, nên lẽ giả chơn chắc thiệt hiện bày, đáng để số một.
Tôi xét lại trong thiên hạ, ai mà gặp Thất-Chơn nầy là người hữu hạnh, rán xem tìm cho thấu nghĩa lý cùng chỗ cứu cánh diệu mầu. Sách nầy là sách của các vị Tiên Phật, trước kia cũng có lâm trần, mà biết hồi đầu tỉnh ngộ, thật là nẻo lương phương. Cũng như lấy kim vàng thử bịnh người, thấu trong gan phổi, há chẳng cho sách nầy là đứng bực nhứt sao?”
Ông lại biểu để thêm hai chữ Nhơn-Quả thật rất hay! Than ôi! Ông Vương-Đạo-Hội đặng biết sách nầy là chỗ tri âm ngàn đời. Người đời sau có ai đọc sách này mà hiểu biết như ông vậy chăng? Ông hiểu sách này của Thất-Chơn thì ông là tri âm ngàn đời của Thất-Chơn, lại muốn khắc bản in truyền cho đời sau, thì ông cũng là tri âm của tu chơn đời sau. Ông một mình mà đặng làm tri âm hai đời, đáng bậc đạo cả, thiệt là người chí chơn chẳng sai!

Huỳnh-Vinh-Lượng

Lời Giới Thiệu của Ông Lâm-Xương-Quang
XIN CHƯ HIỀN LƯU Ý
Lời tựa bên đây của ông Huỳnh-Vinh-Lượng làm ra. Ông khảo duyệt sách này làm nên truyện Thất-Chơn. Nay tôi hậu học Lâm-Xương-Quang kỉnh diễn. Nhơn tôi học ít đức hèn mà nhờ ơn trên cảm hóa giúp sức, ngày nọ tôi lấy bộ Thất Chơn ra coi từ thỉ chí chung, thấy nhiều chỗ nhiệm mầu và thấy bảy vị Thất-Chơn xét thấu việc đời đều giả mới kiếm nẻo thoát thân cho đến đặng thành Tiên, chịu lắm điều thiên tân vạn khổ cũng vì muốn ra khỏi lưới mê. Tôi nghĩ thấu đặng rồi, lụy sa tình cảm, thầm rằng: nay là đời văn minh, chư hiền hay xem truyện cùng tiểu thuyết là muốn cho mở mang trí hóa, biết chỗ quấy mà tránh, chỗ phải mà theo. Vì vậy, tôi rán lập chí giải bộ Thất-Chơn này, hiến cho chư hiền xem. Anh em chị em mình là gốc ở Kim-Bàn xuống đây (Xin xem Kinh “Ngọc-Lộ Kim-Bàn” cuốn nhì thì rõ tích nầy) hãy gắng chí xem cho kỹ, đặng tìm căn mà nhớ tích một khối chơn tánh hóa ra 96 ức nguyên nhơn, đồng lãnh mạng xuống trần, đã qua hết hai ngươn mà trở về có 4 ức, còn lại 92 ức chưa về, may gặp Thất-Chơn này có lẽ sẽ về đặng, chớ bấy lâu vì niệm sai một chút mà luân chuyển đến nay, là tại mê trong tù tửu sắc tài khí mà bỏ liều quên Mẹ. Nghĩ vậy tôi chua xót, không đành coi truyện này một mình, và e chữ Hán ít người hiểu đặng, lại trong đó có vua quan, dân dã, nghèo khó, điếm đàng, côn đồ, lãng tử đều đặng ăn năn tu thành chánh quả, nên tôi rán diễn quốc âm cho chư hiền dễ xem, mau hiểu. Bởi tôi siển bạc thiếu sức không dám điều biện, nên xin bảy vị Thất-Chơn ở trong không trung, xui lòng trên dưới, sớm thức tỉnh hồi đầu, tôi nguyện lấy lời thô tiếng kịch diễn ra, xin chư hiền coi học làm theo mấy lời vàng ngọc của bảy vị này, kịp giác ngộ ăn năn mà giải thoát vòng biển ái: suy nghĩ cuộc đời, nhiều việc ấm lạnh mới phấn chí ăn chay tu niệm, thì ắt có ngày sẽ đặng tiêu diêu phần tánh mạng. Sau đây, chư hiền coi có câu nào chưa êm, xin vui lòng miễn chấp.
Còn trong tựa trước có dùng chữ “TRI-ÂM” là chỉ người tu hành. Ai biết thấu chỗ diệu mầu, theo hạnh của Thất Chơn, bền lòng sắt đá mà làm, tuy người hậu học mặc dầu mà chẳng khác “TRI-ÂM” của đời trước.
Tựa này diễn năm Trung-Hoa dân quốc thứ 23, năm Giáp Tuất 1934 tháng 3 ngày mồng 1, tại chùa Quan-Âm đường.

LÂM-XƯƠNG-QUANG kính diễn.