Lão Mạc
Mạc quê ở làng Thự. Làng cách bốt Cổ Gia hai cây số. Trước khi Nhật vào, bốt chỉ có một tiểu đội lính Tây đen và hai tiểu đội lính dõng trú đóng. Lúc Nhật đảo chính Pháp, bốt bị bỏ hoang. Năm bốn lăm, Việt Minh cắm cờ đỏ sao vàng trên nóc bốt. Tháng mười năm ấy rét đậm. Bố Mạc bảo nhà neo người, Mạc phải lấy vợ để có thêm một người làm. Bởi thế cô Sen, người hơn Mạc tới mười tuổi, trước đó cũng chưa hề có tình ngang ý dọc gì với anh, đã được bố Mạc nhờ người mai mối rồi bưng trầu cau đến dạm hỏi, xin cưới cho con trai.Sau hôm rước dâu một ngày, cô Sen chê Mạc miệng hô mắt trố, thân hình thấp bé, bảo đâu ngồi đấy, chẳng nên cơm cháo gì, bèn bỏ về nhà mẹ đẻ. Bố mẹ cô gặng hỏi thêm, cô lại ví von cái anh chàng Mạc ấy chả khác gì một cái nồi đất đựng nước sôi. Nghe rõ là đồ con gái huyên thuyên, chả biết mình cũng chỉ là chum là vại!Mạc nghe lời bố xui, mặc độc một chiếc quần đùi, sấn sổ đến trước cổng nhà Sen, tay năm tay mười ném gạch, liệng đá vào sân, miệng liên hồi réo chửi Sen là đồ lộn chồng. Sen tức lộn ruột, xua chó ra đuổi. Thấy ba con chó dữ nhe răng, nhẩy chồm chồm lên mặt mình, Mạc bỏ chạy. Dây rút quần đứt cái phựt, chiếc quần đùi tụt hẳn khỏi bụng, khỏi chân Mạc rơi xuống đất. Ba con chó xúm lại, tranh nhau cắn xé chiếc quần nát thành từng mảnh nhỏ. Hú vía! Mạc không nhanh chân chạy thoát, chả biết cái con cúi có còn ở đúng vị trí của nó không đây? Thế là từ đấy, cứ trông thấy chó, bất kể chó nhà ai, chó lớn hay chó bé, chó vàng hay chó mực là Mạc lủi. Ngay cả thịt chó, món đưa cay khoái khẩu đối với nhiều người, anh cũng không dám động đũa. Thì ra Mạc vẫn sợ nó cắn!Năm bốn bảy, Tây đen Tây trắng lại nườm nượp kéo về bốt Cổ Gia. Chúng giăng dây thép gai vòng trong vòng ngoài. Mười khẩu súng đại bác hướng nòng về tứ phía, cứ ngứa tay là chúng hò nhau bắn, không kể ngày đêm. Thi thoảng, chúng còn bất ngờ càn quét vào những làng mà chúng nghi là có du kích hoạt động. Tới đâu chúng cũng châm lửa đốt nhà, cướp của và cưỡng hiếp phụ nữ. Có lần càn vào làng Thự, một thằng Tây đen ba vạch đã lôi ông Chấn ra đồng, chả biết nó làm gì mà từ đấy về sau ông lão bị mắc bệnh lòi rom, khi bước lưng cứ phải cúi lom khom.Thấy cảnh giặc giã khó yên, bố Mạc giục Mạc đến nhà ông bà thông gia gọi vợ về, nếu ở làng không được thì vợ chồng tính chuyện tản cư vào vùng tự do trong mạn Thanh Hóa. Mạc không làm theo lời bố. Nó là vợ mình, nó tự ý bỏ về nhà, mình phải đến bắt về, việc gì phải gọi? Vậy là anh bỏ ra mấy buổi tối liền, trèo lên một cây xoan nhà bên cạnh, ngó nghiêng cô Sen giờ nào đi ngủ, bố mẹ vợ anh ngủ ở chỗ nào, bắt được vợ rồi thì vác chạy theo ngả nào để khỏi bị chó đuổi. Tính toán mọi việc sẽ đầu xuôi đuôi lọt, tối hôm ấy Mạc leo lên mái nhà cô Sen nằm dán bụng xuống rạ nghe ngóng động tĩnh. Nhìn xuống vườn chuối, Mạc thấy ba bốn cái bóng người lúc ẩn lúc hiện. Tai Mạc thi thoảng lại nghe thấy những tiếng bước chân bước nhẹ trên lá, phát ra những âm thanh loạt xoạt khe khẽ… Đêm đã khuya. Lúc này trăng đã ló ra khỏi những đám mây đen. Mạc cười thầm, bụng bảo dạ rõ là mình thần hồn nát thần tính, những cây chuối đứng thẳng tắp lại ngỡ là người, lá chuối lay động xào xạc lại tưởng tiếng bước chân…Lấy hết can đảm, Mạc từ từ trườn theo cái tường gạch, leo sang cây xoan rồi từ đó tụt xuống đất. Men theo tường, Mạc tới được chái nhà. Ở phía ngoài, bên cạnh cái cổng gỗ cài then ngang to tướng, ba con chó dữ như sói đang hếch mũi lên trời, gừ gừ dọa con mèo đang rón rén bước qua trước mặt chúng. Mạc ngồi thụp xuống, kiễng chân đi xổm về phía buồng cô Sen. Chàng trai trẻ mừng rơn khi thấy cửa buồng không khép. Sen kia rồi, cô ta đang nằm quay mặt vào phía trong. Mạc chỉ cần xông đến, vác cô lên vai và chạy. Chó sẽ sủa vang lên. Cả nhà sẽ thức dậy, người đòn gánh, kẻ cầm dao lao theo. Và họ sẽ được một trận cười vỡ bụng nhưng hể hả khi thấy Mạc vác vợ chạy cho mà xem! Nhưng chính lúc ấy, cô Sen bỗng nhỏm dậy, la làng: “Trộm, trộm…”. Mạc sợ hết hồn, lao ra ngoài, nhảy vọt qua bức tường cắm đầy mảnh chai vỡ. Thoát nạn, anh đứng thần người ra trong bóng tối, lắc đầu chán ngán. Về tới nhà, thấy bố khóa trái cửa, Mạc lẳng lặng xuống bếp, nằm lăn trên đống rơm ngủ thẳng một mạch. Đêm ấy, con trâu nhà Mạc khua gióng lộc cộc tới sáng; nó vừa thiếp đi đã bị tiếng ngáy pho pho của Mạc đánh thức trở lại.Chuyện Mạc rình bắt vợ không ai biết. Nhưng những lời đồn đại cô Sen chê chồng nên đã lén rủ trai về nhà bố mẹ ngủ thì nghe chướng tai lắm. Mạc trong lòng lấy làm tức mà há miệng mắc quai, thành thử anh cũng không dám nói ra sự thật. Dưng mà trong rủi có may, bố mẹ Sen sợ muối mặt với làng trên xóm dưới, liền dắt cô sang tận nhà ông thông gia, đẩy cô vào buồng Mạc rồi đóng cửa lại. Tối hôm ấy, quá nửa đêm Mạc mới dám về nhà. Anh cắp manh chiếu rách vào buồng, trải xuống đất nằm. Chỉ một lát sau tiếng ngáy của Mạc đã vang lên như sấm. Cô Sen tủi thân khóc đỏ cả mắt. Nhưng cô lại cười thầm, dạo này Mạc to con ra phết! Cái lưng bè bè như lưng gấu kia khỏe phải biết! Sáng sớm, Sen dậy nấu cơm. Mạc lò dò xuống bếp, thấy rơm bén lửa cháy đùng đùng bèn nháy mắt, bảo: - Khéo cháy nhà đấy!Nói xong, ngồi xuống bên cạnh Sen, vơ một nắm rơm to cho vào bếp. Nhựa nồi cơm đang sôi sùng sục trào lên, tràn xuống bếp khiến ngọn lửa tắt rụi. - Nóng quá!Mạc kêu nghèn nghẹn trong họng, rồi bất thình lình anh quơ tay ôm ngang lấy thắt lưng vợ. Sen vờ đẩy chồng ra nhưng lại bị mất đà, cô ngã dúi xuống đống rơm. - Cơm sôi, cơm sôi… Kìa, buông tôi ra! Phải gió cái nhà anh này...- Hì hì… Khẽ cái mồm cho tôi nhờ. Bố xuống thì bẽ mặt!- Dơ! Ban ngày ban mặt, ai lại…Mạc ngớ người. Anh ngạc nhiên khi thấy Sen chạy lên nhà. Rồi Mạc hiểu ra, a, là như thế, như thế… Anh vùi vội nồi cơm vào đống than rồi ra khỏi bếp, nhón chân bước nhẹ vào buồng, khẽ hắng giọng: - E hèm…Thấy Sen nằm quay lưng vào tường, hai tay ôm lấy mặt, Mạc đưa cả hai bàn tay hộ pháp lật mạnh cô xoay ngược về phía mình... Cái giường dát tre đến là dễ ghét, cứ cót ca cót két.- Khéo nó sập thì … chui xuống đớt đới…- Mặc kệ…- Hi hi… Qủy sứ!Ngoài nhà, tiếng điếu bát của bố Mạc rít lên sòng sọc. Đôi vợ chồng trẻ tạm nằm im, rồi lại cùng hi hi cười khi nghe tiếng guốc của ông bố loẹt quẹt đi ra ngõ. Hẳn là ông ấy cũng đang tủm tỉm …Đúng vào thời điểm Sen cảm thấy rủn cả sống lưng, người lơ lửng như đang bay trong không trung, miệng tự nhiên bật ra tiếng kêu: “ Úi giời, úi giời ơi!” khe khẽ thì những tiếng nổ lớn bỗng vang lên từ tứ phía. Mặt đất chao qua chao lại như đưa võng. Từng đụn khói lớn đùn vào buồng, mùi khét lẹt của khói súng xộc vào mũi. - Mẹ thằng Tây, bắn lúc nào không bắn lại bắn vào lúc chết người này! Mạc buông vợ ra. Sen sợ quá, bò xuống đất, chui vào nấp trong gầm giường. Còn Mạc, anh vừa xốc quần vừa tất tả chạy ra sân. Trước đôi mắt trợn tròn của anh, cái sân đã biến thành một cái ao cạn. Chạy tiếp ra đầu ngõ, Mạc sững lại, miệng tu tu khóc. Bố anh bị đạn đại bác đẩy ngã sấp xuống đất, lưng ông bị mảnh đạn chém ngang, máu tươi chảy đỏ cả một vạt cỏ xanh…Chôn cất bố xong, Mạc mang con dao mã tấu bố anh vẫn dùng để phát bờ ruộng ra mài, rồi anh bảo Sen anh sẽ đi theo bộ đội đang đóng ở làng Hạ để trả thù cho bố. Sen lẳng lặng bỏ quần áo của Mạc vào một cái tay nải và đưa cho chồng. Mạc được phiên chế về tiểu đội ba, trung đội trinh sát thuộc trung đoàn 48. Tiểu đội trưởng của Mạc tên là Bố. Ai gọi tên Bố cũng ngại nên chỉ gọi tiểu đội trưởng hay Tiểu, anh Tiểu. Riêng Mạc, anh gọi tiểu đội trưởng là anh Trưởng, bởi vì Trưởng hay hơn Tiểu chớ! Vậy là Bố có một cái tên mới. Bù lại, Mạc được tiểu đội trưởng qúy ra mặt. Cho dù kém Mạc một tuổi, Bố vẫn cứ gọi Mạc là Út, em út của tiểu đội ấy mà! Mạc chỉ cười, bảo đúng quá đi chứ lị, về tuổi quân, so với mười một anh em khác Mạc là em út ai mà chẳng biết! Các đàn anh trong tiểu đội cũng muốn tỏ cho Mạc biết họ xứng đáng là đàn anh thực sự. Bởi thế, lúc hành quân, có thứ gì nặng, họ chia nhau mang vác để Mạc đi theo kịp mọi người. Mạc đào công sự chậm, cả tiểu đội xúm vào đào giúp, thành ra công sự của Mạc bao giờ cũng sâu nhất. Bữa cơm, Bố có gắp cho Mạc miếng thịt, con cá to nhất, ngon nhất cũng không ai thắc mắc. Mạc đi ngủ, có người rèm màn; sáng sớm có người lay đánh thức. Rồi ai cũng để tâm đến cái bệnh ngủ ngáy vang như sấm của Mạc. Người thì khuyên Mạc nằm nghiêng. Người lại chỉ dẫn Mạc các cách chữa ngáy bằng mẹo dân gian, lúc ngủ cứ đưa tay nắm thật chặt cái của qúy là ngủ hết ngáy ngay! Không ít người rủ nhau đi tìm các loại thân, rễ, lá, củ, quả của các loài cây nghe đồn là có công hiệu chế ngự bệnh ngủ ngáy đem về phơi khô, sao tẩm và sắc cho Mạc uống… Đúng là em út, được chiều quá hoá hư, cái bệnh ngủ ngáy của Mạc không những không thuyên giảm mà ngày càng tăng nặng thêm, chẳng mấy chốc đã phát thành bệnh ngủ ngày. Nghĩa là Mạc ngủ bất cứ lúc nào. Khi ăn cơm, Mạc hay ngáp vặt. Anh có thể ngủ cả trong lúc đi, cái dáng anh cứ ngật ngà ngật ngưỡng, nửa ngủ nửa thức. Có lần cùng sáu anh em khác trong tiểu đội đi gài mìn trên con đường rẽ vào làng Hạ, Mạc loay hoay mãi mới làm xong. Rồi anh gục ngủ. Anh em chẳng ai dám lại gần, phải chờ anh tỉnh ngủ hẳn mới dám gọi. Sợ nhất là lúc lau súng, hai mắt Mạc cứ nheo nheo, cái đầu thì gật lên gật xuống. Bố bực mình giật phắt lấy khẩu súng từ tay Mạc, nhận lau giúp. Chấp với em út làm gì, cứ để cho nó tự nhiên tựa lưng vào tường mà ngáy cho đã đời. Ngủ chán ngủ chê ắt nó sẽ khỏi bệnh!Mạc không khỏi bệnh. Tai hại nhất là đúng vào đêm Tây trên bốt Cổ Gia tập kích vào làng Hạ, nơi đơn vị trú quân, Mạc vẫn ngủ say như chết. Tổ trưởng tổ tam tam nghe lệnh báo động đã cấu rất mạnh vào đùi Mạc, dựng anh ta dậy, hét vào tai rằng Tây nó đến, phải rút nhanh ra đồng. Vậy mà, lúc kiểm lại quân số vẫn thấy không có Mạc!Thực ra thì Mạc đã nghe thấy tiếng tổ trưởng gọi. Nhưng nghĩ tổ trưởng hù, Mạc chạy tới đống rơm và ngã nhào vào đó; không đầy một giây sau tiếng ngáy pho pho của anh đã vang lên…Bọn Tây bốt Cổ Gia bắn đì đòm trong làng, rồi chúng châm lửa đốt nhà. Lửa cháy đỏ cả một góc trời, tàn than bay tứ tung, bén vào đống rơm Mạc đang tựa lưng vào ngủ. Gặp gió, ngọn lửa bùng lên. Mạc bỗng cảm thấy nóng, nóng quá. Anh dụi mắt, hốt hoảng khi thấy lửa lem lém liếm vào quần áo mình, vội ôm súng, lăn một vòng xuống ao bèo. Ngâm mình trong nước nghĩ ngợi một lát, Mạc run cầm cập bò lên bờ. Trông thấy mấy thằng Tây súng lăm lăm trong tay, anh vụt chạy. Trong ánh lửa bập bùng, bọn Tây thấy một người vác súng chạy bán sống bán chết, chúng bèn hò nhau đuổi theo để bắt sống bằng được. Mạc chạy qua chỗ quả mìn anh gài mấy hôm trước. Khi bọn Tây đã tới sát sau lưng, Mạc vướng chân vào sợi dây gài, ngã sấp mặt xuống đất. Một tiếng nổ long trời vang lên. Trong khói đen mù mịt, xác mấy tên lính Tây tung lên …Mạc định thần, chạy một mạch tới cây đa giữa đồng. Lúc ấy trời đã tang tảng sáng. Tiểu đội trưởng Bố mặt nhăn như bị, giơ thẳng cánh tay tát Mạc một cái đau điếng…Mấy hôm sau, Mạc được thưởng Huân chương chiến công hạng ba! Cuống huy chương nền đỏ, phía trên đỉnh trái hai cái vạch màu xanh dương song song nhau là một ngôi sao bạc lấp lánh. Huy chương đúc bằng kẽm, mặt trước rập nổi hình một người lính tay cầm bom ba càng trong tư thế lao về phía trước. Đương nhiên đây là phần thưởng cao qúy dành cho những người có hành động gan dạ, dũng cảm trong chiến đấu. Mặc cho cả trung đội vỗ tay rào rào hoan hô, Mạc vẫn cứ gật gật, nói một câu chả ra đâu vào đâu:- Công của anh em hết. Tôi chỉ gặp may…Anh em cho Mạc là người khiêm tốn, càng vỗ tay to hơn.Chuyện trên xảy ra vào năm 1948.Hai mươi năm sau, vào thời kỳ Mỹ ném bom oanh tạc miền Bắc, ông Mạc được xã đội cử làm tiểu đội trưởng tiểu đội lão dân quân làng Thự. Tiểu đội được trang bị ba khẩu súng trường và một khẩu mười hai ly bảy. Ông Mạc tham gia trực chiến cùng anh em hai mươi bốn tiếng một ngày.Có người thắc mắc, hỏi ông lấy sức đâu mà trực như thế, ông bảo:- Hỏi gì mà ngốc thế, trực chiến để lấy mỗi ngày mười lăm điểm công nhật thì ngày có ba mươi tiếng chúng tôi cũng trực! Thằng Mỹ nó thay nhau cỡi tàu bay đi ném bom thì mình cũng phải chờ mà bắn nó chứ!Những lúc không ngủ thì ông Mạc nghe đài. Đài mở, tức là ông thức. Song cũng như khẩu mười hai ly bảy được ngụy trang bằng những cành lá, thằng Mỹ có mắt thần cũng không phát hiện nổi, cái đài quả là phương tiện tốt nhất để ông Mạc giấu người khác tật ngủ ngáy vang trời vang đất của mình. Bởi thế, khó ai biết lúc đài nói ông Mạc thức hay ngủ. Vả lại, tuổi càng cao, tai ông càng thính. Đang ngủ, nghe một tiếng động nhỏ là ông đã mở mắt ngay tắp lự. Người ta hỏi ông ngủ hả, ông đáp ngủ đâu mà ngủ, tôi đang nghe đài. Hỏi đài vừa nói gì, ông chỉ cười xòa, bảo lắm chuyện.Nhưng cũng nhờ cái đài mà ông Mạc lập được công to. Số là đêm ấy, ông mở đài rồi ngủ quên mất, tiếng ngáy lẫn vào tiếng o, o phát ra từ cái đài. Gần sáng, cái đài đánh thức ông Mạc dậy. Vừa ngửa mặt lên trời, vươn vai làm một động tác thể dục, ông Mạc bỗng thấy những chấm đen từ phía chân trời xa đang lao vun vút về phía trận địa. Máy bay Mỹ! Không kịp gõ kẻng báo động, ông vội vồ lấy khẩu súng máy, hướng nòng súng về phía mục tiêu. Những chiếc máy bay lao vút qua đầu ông Mạc, phơi ra những cái bụng trắng lóa. Tiếc quá! Rồi vào đúng lúc cả tiểu đội lồm cồm bò dậy, còn đang ngơ ngác hỏi nhau có chuyện gì thế thì tốp máy bay thứ hai nhào tới. Lần này chúng bay thấp hơn, trông rõ cả thằng cầm lái. Lão dân quân Mạc nhắm một cái, xiết cò. Chiếc máy bay khựng lại, bụng nó lóe những chấm lửa, nó gượng vọt lên, loạng choạng như mất đà rồi đâm thẳng xuống dòng sông Ngọ. Một cột nước cao tới hai ba chục thước tung lên trắng xoá…Ông lão được thưởng Huân chương vào đúng hôm đài truyền thanh tỉnh đọc bài tường thuật về chiến công của tiểu đội lão dân quân làng Thự do ông chỉ huy.Nghe cô phát thanh viên đọc tới đoạn ông Mạc và đồng đội thức suốt đêm trực chiến, khi máy bay giặc tới, ông phất cờ ra lệnh cho cả tiểu đội đồng loạt nổ súng, ông Mạc vừa lắc đầu vừa cười ha hả, bảo:- Khéo vẽ chuyện! Chúng tôi ngáy khò khò cả đêm thì có! Sao không kể chuyện ấy nghe cho vui nhỉ?!