Chương 1

Cả nhà bỗng giựt mình thức dậy giữa loạt súng đầu. Ông Nam Thành nói: "Rồi, rồi!" rồi nhào đại xuống đất và hét thêm: "Xuống bà, mau mau! Bây ơi,  xuống đất mau mau!"
Bà Nam Thành mập tù lu, ột ệt ngồi dậy, bới đầu, bộ chậm rãi như không việc gì, khiến ông sốt ruột nạt:
- Biểu xuống, còn ngồi đó, chết bây giờ!
- Làm gì mà chết!
Ầm...!
Cả dãy phố như rùng mình lên một cái, đất cát đâu trên ngói rớt xuống trần kêu lộp độp, trần xi măng lại đổ xuống gạch kêu lạch cạch như ma ném đá.
Bà Nam Thành ngã lăn trên nệm rồi la bải hãi:
- Chết rồi ông ơi!
- Ừ, nói không chết mà! Thây kệ cứ ở trển mà la, rồi đạn nó ăn, đừng than.
Bà Nam Thành cứ vừa la, vừa kéo mền trùm lại kín mít, làm như trùm mền là chắc ăn lắm.
Nơi buồng trong nghe chào rào chộn rộn nghe lụi đụi dữ lắm, rồi có tiếng cười, lại có tiếng khóc, cười và khóc đều do con gái cả.
Ông Nam Thành lại kêu:
- Con ơi, xuống đất nghen con!
- Dạ!
- Dạ!
- Dạ!
Có đến bốn tiếng dạ, mà toàn là giọng con gái.
Nhà có ba buồng. Buồng ngoài là một cái thảo bạt, cất thêm mái hiên và cửa, vách, dùng tiếp khách. Ông bà Nam Thành ngủ ở buồng chánh, bầy giờ biến thành buồng giữa, bốn cô con gái ngủ ở phòng trong cùng.
Bóng chong ba nến ở thảo bạt đục và nhỏ như y cái trứng gà, đang soi mờ cái cảnh dị kỳ đó, một ông cụ nằm co dưới đất, một bà cụ nằm trùm mền trên giường và bên trong bốn cô con gái ôm nhau cười và khóc.
Liên thinh vẫn nổ không dứt, từng chập điểm những tiếng nổ ầm của tạc đạn, của bách kích đạn, giống như pháo tràn ngày Tết điểm pháo đại giữa dòng.
Quả đạn bách kích nổ to hồi nảy, gần nhà, là một quả đạn lẻ loi, còn thì nổ tương đối hơi xa cả.
Ông Nam Thành bò lẹ vào buồng trong, nhìn một đống người lù bù tay chân và đầu rồi hỏi:
- Có đứa nào làm sao không?
- Dạ không!
- Dạ có, ba à, con Quá nó khóc ba à!
Có tiếng cười rúc rích của hai ba cô gì đó, rồi nghe một cái đụi.
- Ui cha! Con dịch! Ba ơi, nó đạp con té cái bịch đây nè.
- Đừng có giỡn mà các con! Tao rầu chín ruột mà tụi bây còn giỡn được!
Cái cô gái nói tiếng NÈ với chử r ngoài sau, hỏi to:
- Má sao mà la dữ vậy, ba?
- Thì cái tật của má mầy, không biết hay sao mà còn hỏi.  Nó nằm đó mà la, chứ không làm gì hết, có thèm hạ thổ như mình đâu! Thôi, rán chịu, đừng có lên giường nghe các con!
Rồi ông bò trở ra. Bây giờ tiếng súng hơi lơi, bà Nam Thành hé mền, thấy không có gì ghê sợ cả, nên đánh bạo tung hết mền rồi lết xuống gạch.
Ông Nam Thành bò tới nơi, hỏi đùa:
- Sao không nằm luôn ở trển?
- Mấy đứa nhỏ có sao không ông? Bà không đáp mà hỏi lại như vậy.
- Chúng nó đánh lộn trong đó, chứ không sao cả!
- Chồng ngồng cái đầu mà sao như là con nít é! Ông à, gì đó vậy ông?
- Họ đánh giặc chớ gì!
- Ai đánh với ai? À, mà hồi nãy, ông nói gì mà "Rồi, rồi!"?
- Bà quên rằng hổm nay nó căn thẳng như dây đờn hay sao. Người ta nín hơi lo cho dây đứt. Nay nó đứt là "rồi" chớ gì.
Bỗng liên thinh lại nổ hồi dữ dội, đạn bách kích pháo lại nổ ầm ầm, hai ba quả nổ rất gần và trần lại đổ.
- Đâu như là bên bót Hoàng Hùng! Bà Nam Thành nói.
- Không, độ ra thì là đằng trường Đức Trí.
- Ai đánh với ai vậy ông? Liệu ta đánh Tây hay không?
- Ai biết! Mà bà hỏi điều đó làm chi?
- Vì đó là việc chết sống của mình. Ông giỏi quá mà sao không thấy?
- Tôi thật không thấy, bà nói nghe thử.
- Nầy nhé!  Nếu ta đánh Tây thì cái thành Ô-Ma trước nhà mình sẽ hóa ra bãi chiến trường, và xóm này sẽ nát cả.
- Ờ, Trời ơi!
Ông nam Thành kêu lên thế, rồi tái mặt đi. Vùa lúc ấy có tiếng đông người chạy rần rần ngoài đường cái, tiếng la khóc om trời.
- Trời ơi! Ta xung kích thàng Ô-Ma! Ông Nam Thành kêu lên và điếng cả người.
- Xí, vậy mà làm bộ giỏi, làm bộ gan! Lính gì mà xung kích người ta, lại khóc. Cho bằng đó là họ đi coi hát về khuya, bị trận đánh bắt chợt giữa đường. Không nghe giọng đàn bà la đó à?
Ầm...!
- Khổ quá! Bà Nam Thành than. Thật là chạy ô mồ mắc ô mả. Ngỡ lên đây bình yên được, nào dè...
- Chớ mười năm nay lại không bình yên à? Phải ta còn ở dưới thì liệu còn đầy đủ cả nhà như vầy hay không?
- Lâu ngày không nghe tiếng súng, quên nó mất, nay nghe lại thì sợ y hồi 45, má hớ, cô Hương nói.
- Em nhớ lại cái đêm họ đánh nhau ngoài vàm, em ghê quá, cô Quá nói và bị một cái tấm tức muộn ngắt đôi câu nói của cô.
- Nói dóc, cô Hoa mắng em. Hồi đó mày có mười một tuổi, biết gì?
- Chớ chị lại lớn hơn ai. Chị mười ba tuổi, chớ bao nhiêu.
- Mà tao có dóc, có nói nhớ cái gì đâu.
- Tôi đố ông ai ăn ai chua?
- Chưa có ăn, thua gì đâu. Lực lượng của đôi bên, lẽ nào chỉ đánh vài giờ mà tiêu hết một bên được. Họ ngưng đó chớ.
- Vậy còn đánh nữa? Ghê quá!
- Ghê cũng phải chịu, chớ biết sao. mà mình dại quá, sợ hãi vô ích. Vách tường mấy mươi lớp chung quanh, đạn làm sao tới mình cho được.
- Sợ mọt-chê ấy chớ.
- Có trần thì đỡ lo.
- Trái phá thứ lớn, nổ bể nhà hay không ba?
- Sao lại không. Nhưng nhà mình là nhà dân, chớ có phải là pháo đài đâu mà họ dùng trái phá thứ lớn để bắn sập nhà mình.
Cả nhà mòn mỏi rồi ngủ quên luôn cho đến trưa trờ trưa trật mới dậy.
Nhà ông Nam Thành ở trong ngõ hẻm ba mươi căn đường Vỏ Tánh, ngang hông thành Ô-Ma. Ông ở căn bìa hết và chuyên bán rương và va li da cho quân nhân Pháp.
Trước kia ông là thầy giáo Hải, giáo làng, ở một xó hẻo lánh trong tỉnh Bặc Liêu. Hai vợ chồng trôi giạt lên Sàigòn với bốn đứa con gái, một gói áo quần cũ và hai bàn tay không.
Gia đình ở đậu nhà người bà con, tại căn nhà bây giờ. Nhờ cần cù và may mắn, nhất là may mắn, hai vợ chồng dành dụm được chút ít, trong khi người bà con nướng sạch cả của cải trong Kim Chung.
Thành ra không bao lâu,  người bà con ấy nhường đứt luôn căn nhà lại cho ông giáo Hải.
Người trong xóm phần đông là me Tây, thứ me hơi sang sang, nên mới được các đức phu quân mướn phố gạch cho mà ở.
Ông giáo Hải quan sát nhận ra điều này, là những cô me Tây ấy thường đổi chủ tùy theo sự thuyên chuyển của các đức phu quân.
Họ được giao tận tay cho người thừa kế, bên đi và bên lại, rua nhau rất thân mật, gởi gắm cô nàng rất ân cần.
Vì vậy ông giáo nẩy ra sáng kiến bán rương da. Ông đến rương của xưởng thợ người miền Bác, rồi bán lẻ tại đây mà ăn lời.
Môi giới là những cô me Tây ấy ; họ ăn chia với nhau và đồng lòng cùng nhau mà đập các quân nhân dễ tính trong công việc mua sắm kia.
Những ngày khói lửa sau cái hôm hãi hùng ấy trải qua như một cơn ác mộng. Rồi câu tục ngữ Pháp "Sau mưa thì nắng" sao mà nghe đúng như bon.
Quả thế, sau mấy tháng sau đó, vợ chồng ông Nam Thành phát tài lạ. Tây nó mua rương nhiều gấp ba mọi khi, mà không cần trả giá cho lắm.
Ông Nam Thành nhận thấy điều này nữa là bà me Tây nào tiển chồng là trở về với chăn đơn gối chiếc chớ không có người hứng hoa rơi như trước nữa.
Ông không quen nghĩ xa, nên cứ làm ăn được ngày nào là mừng ngày nấy thôi.
Vào tháng thứ ba, ông bán thôi không hở tay. Ông không ngạc nhiên, vì có tin chánh thức là quân đội Pháp sẽ rút toàn diện.
Tuy chỉ tham gia khán chiến có một năm thôi, ông Nam Thành vẫn ao ước độc lập và mong đợi sự triệt thối ấy từ hơn mười năm nay.
Bây giờ mộng ông đã thành sự thật thì còn gì thích bằng. Thích hơn nữa là Tây ra mà tiền lại vô. Vô rất nhiều. Vui lắm! Những trò sảy ra chung quanh ông cũng rất khôu hài để tăng thơ thới nơi lòng ông. Các cô me Tây làm mối ăn tiền đầu, mà mỗi lần đưa tay lấy tiền là khóc bù lu bù loa. Nào là "Thằng chả đi luôn thì tụi em đây khổ bỏ mẹ". Nào là "Tiền này là tiền vớt, tiền vát, nuốt thì nó nghẹn thì thương ai, mà không nuốt thì sẽ không có mà nuốt nữa".
Một cô nói: "Mình đi chung một xuồng, ông Nam Thành hớ. Hễ tụi em mà chìm, thì ông cũng chìm tuốt theo".
Nghe câu này ông Nam Thành giựt mình. Nhưng cái nguy xa lắn sao được cái đắc thắng gần. Và qua cái tháng làm ăn rận rộ đó, ông mới thấy lời ấy là đúng.
Hai vợ chồng ông Nam Thành ở lại ăn lần tiền lời kiếm được một cách vội vàng kia.
Một năm qua...
- Vỡ nợ rồi!
- Ai vỡ nợ?
- Ông Đỗ Mạnh Tánh chớ ai.
- Tánh nào?
- Bán thực phẩm cho nhà binh Pháp, đường Yersin đó mà.
- À, nhớ rồi, có bà vợ còn trẻ ấy à?
- Ừ.
- Trời, sao mà mới có một năm...
- Thì ăn xài to, lại đổi nghề trong khi chưa sành trong ngành hoạt động mới.
- Chỉ có mình là khôn. Ở không, nghĩ lẵm rẵm mà hay.
- Hay gì. Thì cũng chết như nhau. Người ta loi nhoi thì phải lăng đùng ra mà chết. Còn mình nằm yên không cục cựa thì sẽ chết lần, chết mòn, đằng nào cũng chết cả.
- Lạ quá, ngày xưa, không có quân đội Pháp, sao không ai chết. Bây giờ có, mà hễ nó đi là áp nhau mà la làng.
- Có gì lạ đâu. Là tại mình ăn bám nó. Đứa nào không ăn bám nó, vẫn sống nhăn. Hội Đồng Thời bên Rạch Giá, bây giờ chạy xe đò Sàigòn Bình Đương đó, có chết đâu, tuy cũng mệt chút ít thôi.
- Không chết mà cũng mệt. Tại sao lạ vậy?
- Là tại đời bây giờ cái gì cũng dính liền với nhau không thể tách riêng được. Nầy nhé: Tây nó đi, thì các quán rượu đóng cửa. Nhân viên các quán rượu ấy không có tiền ăn phở nữa. Anh hàng phở, vì thế hết xu để đi xe. Các me Tây không may áo, không bỏ giặt ủi nữa thì hiệu may, hiệu giặt ngưng hoạt đông, thợ may, thợ giặt không đi coi cải lương, cải lương sụt rờ sết, bào kép bớt mua báo, báo ế vân... vân...
Thảm lắm! Mấy năm trước hễ mình đón tắc xi là y như bên cạnh mình cũng có người đang đón. Xe ngừng khi mình đứng dang nắng muốn rụt giò là mình và họ tranh nhau mà lên xe, cãi lộn om trời. Ngày nay thì khác xa: bà đưa tay ngoắt một cái là ba bốn chiếc tắc xi về lại, bác tài nào cũng quả quyết là mình kêu họ trước. Thật là:
Thân này nếu sẻ làm tư được
- Sao hồi đó ông cứ vái cho nó đi. Phải nó không đi có phải là...
- Bà đừng nói bậy. Nó phải đi thì dân ta mới ngóc đầu lên nổi. Còn tụi ăn bám như mình, muốn khỏi chết thì đổi nghề, chớ có gì đâu. Khi một số đông không ăn bám vào chổ nao được nữa, thì cố nhiên có rối loạn. Trật tự cũ bị xáo trộn cả. Những phần tử bị hất ra đó, vì bản năng tự tồn sẽ cố tìm nẻo mà chui rồi lần lần trở về lối sống cũ trước ngày ăn bám, và tình trạng sẽ ổn định lại như xưa. Có điều là phải bỡ ngỡ khổ sở, khó khăn lúc mới bị xô ra, nhưng phải cắn răng, mà chịu chớ kêu ca với ai, ai biểu mình ỷ lại làm chi.
- Ông nói nghe dễ ợt. Sao không giỏi đổi nghề thử coi!
- Thì đổi. Bà tưởng trong một năm nay, tôi yên phận nằm ỳ ở đây sao. Tôi tính nát trí mà chưa ra đó chớ.
- Một măm mà vẫn không ra, thì ba năm nữa, chắc cũng chẳng ra!
- Bà đừng có vội. Người ta no;i bôn ba không ra thời vận. Bà thấy không, tụi tư Minh, sáu Chẩn, chạy theo Tây ra Cấp bây giờ cũng thiệt thối về Sàigòn, mà còn méo mặt nữa chớ.
À, nói Cấp, tôi mới nhớ ra. Anh phán Tân ảnh rủ mình đi Cấp, đi hết nội nhà, đi xe của ảnh.
- Ở ngoải mấy bửa?
- Thì đi chiều thứ bảy, chiều chúa nhật trở về. Anh phải đi làm sáng thứ hai.
- Thôi đi ông. Cái đó là đi dang nắng chớ phải đi nghỉ mát đâu. Tối thứ bảy đi ra tới ngoải rồi chịu cái nhức đầu đi nắng xuốt đêm đó. Sáng ra vừa hết phải chịu cơn nhức đầu bận về nữa. Mẹ con tôi ở nhà còn xướng hơn.
- Nhưng tôi đã hứa lỡ rồi.
- Thì ông đi một mình.
Ba ngày sau, ông Nam Thành cọp xe đi Vũng Tàu, đến mười giờ đêm sau mới về tới nhà. Sáng ông ngủ dậy rất trưa rồi loay hoay một hơi là tới bữa ăn.
Chiếc bàn tròn xếp, kiểu cắc chú, được mở ra và đặt ngay giữa nhà bếp, cạnh cái lò. Khói nấu cơm, vì thiếu lối thoát, còn un nghẹt nơi đó.
Cả nhà đều ngồi quanh bàn, trừ cô Hương, con gái lớn của ông bà, còn bận chiên cá bông lăn bột, món ấy cô làm sau hết cho được nóng hổi lúc ăn.
Mặt đỏ ựng nước mắt sống chảy ròng ròng vì cay khói, cô Hương vừa vén tóc trán bằng cái tay, vừa cười nói với mấy cô em:
- Bữa nay tao mới hiểu tại sao bánh xèo mà người Huế gọi là bánh khói.
- Vậy hà, cô Quá ngạc nhiên hỏi, họ kêu là bánh khói à?
- Chớ sao.
- Tại sao vậy chị? Cô Hoa hỏi.
- Tại bánh xèo phải ăn ngay lúc mới lấy ra khỏi chảo mới ngon. Mà muốn ăn ngay, phải ngồi gần chảo, tức là phải ngồi gần khói. Ăn bánh khói, tức là ăn bánh trong đám khói.
Ông Nam Thành cười ha hả:
- Con Hương nó bói ra ma. Tao thì nghĩ khác. Tao tưởng khói là tiếng khoái, nói ngọng theo lối miền Trung. Bánh khói là bánh khoái, ăn khoái miệng lắm.
- Thôi, con rồi thì đem lại ăn luôn con!
Bà Nam Thành sốt ruột con gái lớn của bà bao giờ cũng thiệt thòi, nên thúc giục như vậy.
Cô Hương xúc cá bằng vá dẩy rồi vội vàng đe, lại đặt trên nệm xà lách xon trong dĩa.
- Chế nước sốt vô, Hồng! Cô bảo em gái kế như vậy rồi đi rửa tay dính mỡ để ngồi vào bàn ăn.
Người miền Nam ta có nhiều lối đặt tên con rất ngộ nhgĩnh. Có lối đặt liền với tên cha, hễ cha tên Sang thì con phải tên Trọng, cha tên Phú thì con phải tên Quí, cha tên Sâm thì con phải tên Nhung.
Có lối đặt liền với nhau. Thí dụ bốn đứa thì đặt: Nết, Na, Đằm, Thắm, năm đức thì đặt: Cửu, Hạn, Phùng, Cam, Võ.
Ông Nam Thành đặt tên con một cách đặt biệt hơn ai cả, ông dựa theo năm chữ nhạc đầu trong điệu Bình bán vắn mà quyết định giọng của chữ tên của con ông.
Hương, Hồng, Hoa, Quá, Thơm.
Ý ông muốn nói: cái hương của hoa Hồng thơm quá! Mà nói bằng điệu câu Bình bán vắn câu đầu.
Cứ theo ý chí đó thì ông mà có đặt như vầy cũng vẫn ổn.
Con, Cò, Ma, Ốm, Thay!
Hoặc:
Tao, Mày, Đi, Tắm, Chơi!
Vì bất kể như vậy, hay nói cho đúng ra, vì chỉ kể có giọng bằng, trắc thôi, nên đứa nào xui nấy chịu. Đứa đó là cô con gái thứ năm, cô Quá.
Con gái mà tên Quá, trong khi con nhà khác tên là Lê Chi, Bích Vân thì có tức hay không? Cái cô Quá nầy khóc mãi vì cái tên kỳ cục của cô.
Được cái là em cô, con Thơm, chết ngay hồi ba tuổi, cô Quá thành con gái út, được cưng dữ lắm nên cô tự an ủi phần nào.
Là con gái lớn, quán xuyến cả việc nhà, nên Hương ngồi gần bếp để bới cơm và rội thức ăn.
Con cả trong gia đình nào cũng thế, không đẹp lắm, lại hơi thật thà, nếu không đần, tương đối với mấy đứa sau.
Cô Hương năm nay hăm tám, trông hiền hậu quá sức, lù đù như gái quê, và an phận như bất kỳ cô gái luống tuổi nào.
Gương mặt cô chỉ dể thương thôi. Còn thân hình cô thì hơi đẫy đà. Người ta nói con gái lỡ thời hay phát phì thình lình hoặc đột ngột gầy khô đét khi qua khỏi mức tuổi nào đó. Họ cắt nghĩa sự dư, thiếu th.t ấy như vầy: trong cơ thể, sự mất thăng bằng do nội hạch (nhứt là hạch sanh dục) bạo động hoạc quá lười. Có lẽ đúng chăng?
Kế Hương là cô Hồng, hăm sáu tuổi. Hồng đẹp nhứt nhà, nhứt xóm, và có lẽ cô hạng giữa gái Sàigòn.
Người con gái hăm bốn là cô Hoa đã bước gần tới lằn mứt cuối cùng của sự trổ mã. Cô này cũng đẹp, nhưng không quyến rũ bằng cô Hồng kia. Cô Hồng đã nở toàn diện trong sự bừng dậy của nhan sắc một thiếu phụ. Phải, đàn bà còn trẻ khi nào cũng đẹp hơn con gái đương thì. Có ai mê con gái mà tan nhà nát cửa kkhông? Không, chỉ có đàn bà mới làm hại đàn ông được.
Hồng, Hoa rồi đến Quá. Nơi cô Quá, sắc đẹp còn ngập ngừng, những đường cong còn dò dẫm chưa quyết dừng lại nơi đâu cả.
Có thể là cô sẽ đẹp, mà cũng có thể không đẹp bao nhiêu. Sự trổ mã của cô chưa nói lên cái tiếng cuối cùng của nó. Tuy đã hăm hai, cô còn trẻ con cả tính tình lẫn thể chất.
Ba chị em kia đều là gái tân, còn cô Hồng đã viễn du một chuyến trong cuộc phiêu lưu mạo hiễm trên đường tình.
Một sự so le nỗi bật lên giữa vợ chồng ông Nam Thành. Bà thì cao trộm, và phục phịch như bao gạo chỉ xanh. Ông lại len lén thấp, và ốm như người nghiền á phiện. Phải chăng sự lấn lướt của bà vợ là nguyên nhơn của việc đẻ toàn con gái?
- Sớm mai, con đi trên đường Tự Do, thấy buồn quá, cô Quá bắn phát súng đầu tiên như thường lệ. Nội nhà chỉ có cô là nói nhiều hơn cả.
- Đường đó là đường Tây buôn bán. Tây nó cuốn gói hết thì tự nhiên là đường phải buồn. Tiếng vang đầu tiên phát ra từ miệng cô Hoa, một cái miệng ba hoa thứ nhì trong gia đình.
Mà ba ná à, con thấy anh Viết đứng chụp hình dạo trên đó, trước nhà hát Tây (1).
- Thiệt vậy hả? Bà Nam Thành ngạc nhiên hỏi. Trời ơi, sao xuống lẹ dữ vậy? Mà ai lại đường đường một anh thầu khoán mà...
- Bà lầm, cuốc đời giống hệt như đi xe ô tô buýt. Đi ô tô buýt mà đeo được bàn đạp để đến nơi là chúa lắm rồi. Còn biết bao nhiêu người đeo không được phải ở lại vỉa hè, dưới trận mưa! Kiếm được một nghề, dầu nhỏ mọn, để mà sống, là giỏi lắm đó, đừng có chê.
Cô Hoa cười dòn mà rằng:
- Nhà mình mấy năm trước đi xe ô tô buýt đời, ngồi ghế có nệm. Bây giờ đứng bàn đạp, mà chỉ đứng một chơn thôi.
- Ba so sánh hay lắm, cô Quá khen. Cuộc sống giống hệt đi ô tô buýt về mọi mặt. Lên tại bến thì lấn nhau không còn biết xấu hổ gì cả, miễn tìm được ghế! Phần đông đi tới đích, mà có ngường cũng xuống dọc đường, đó là những kẻ suy sụp hay bị tử thần rước sớm.
Trên xe cũng có những may mắn, hên xui. Có lần con đứng gần một bà cụ. Chỉ đứng bậy vậy thôi, không mong mỏi gì. Thế mà qua hai trạm thì bà cụ xuống xe, con được ghế, thích quá, thích như ông ba Công nhờ có người trước chết mà được bầu thũ quĩ hội ái hữu Bặc Liêu, mặc sức lấy tiền quĩ mà chơi hụi.
Cô Hồng nảy giờ làm thinh, xen vào một nhận xét:
- Nhưng có khác là xe ô tô buýt, có đờn ông nịnh đầm, còn trên cuộc tranh sống thì không.
- Nịnh gì? Bây giờ có ai thèm nịnh đầm nữa đâu. Họ nói mình đòi nữ quyền tức là tự xét bằng họ rồi, nên họ không thèm nịnh mình nữa.
Cả bốn cô gái đều cười xòa.
Trận cười chấm dứt chuyện đời, nên ông Nam Thành khởi đầu câu chuyện khác.
- Hôm nay tôi đi trên đường Biênh Hòa tôi thấy chuyện này đáng chú ý lắm là ở làng Xuân Trường, dựa hai bên đường, nhà mới, cất lên rất nhiều, trông vui hết sức.
- Yên giặc rồi dân trở về sứ cũ à?
- Không, chổ đó ngày xưa, hồi tiền chiến, không có nhà. Hỏi ra thì mới hay dân mới là những kẻ suy sụp như mình, lùi về vườn để thủ.
- Sao họ không về làng họ, lại chọn chỗ đó?
- Chắc làng họ đang bị nạn cướp bóc như làng mình. Còn tại sao họ chọn làng đó mà không chọn làng khác thì tôi thật bí.Có lẽ ở các làng khác cũng có, mà mình ít đi đâu nên không thấy. Nhưng luôn luôn, họ chọn gần đường cho được an ninh. Trông ngộ quá. Một nếp nhà con con, xinh xắn, vén khéo, giữa một miếng vườn mới lập, cây còn non như cuộc đời chớm nở. Nó trẻ và mạnh làm sao!
- Nhưng chủ nhà lại vào buổi xế chiều. Cô Hoa nói.
- Ừ đúng! Luôn luôn như vậy. Chỉ có mấy ông già bà cả mới trồng cây ; thanh niên, thiếu nữ nóng tánh lắm, hưởng thì thích mà trồng thì không đủ chí bền.
- Chưa chắc thích hưởng đâu ba. Quá cãi. Con tưởng tượng về vườn chắc buồn lắm.
- Nên thơ lắm chớ buồn gì, cô Hồng đa cảm và hay mơ mộng cãi như vậy.
- Nên chơ đối với bọn về chơi vài bữa. Còn về ở luôn để cuốc đất thì nên... thở là đúng hơn. Cô Hoa thông minh một cách thực tế, thấy rất đúng, và ranh mãnh nói câu đó.
- Chết chưa, ông Nam Thành than, tao định lui về vườn mà tụi bây nghĩ như vậy cả thì làm sao.
Bây giờ cô gái lớn mới xen vô:
- Đâu có nghĩ như vậy cả, ba! Con với con Hồng thì tán thành. Cọng thêm vào ba, má là mình được đa số rồi. Cho con Hoa và con Quá hỏng giò!
- Ờ, tán thành! nữa rồi chị đào mương nghen! Tụi em chỉ làm thơ thôi.
- Thôi không cà rỡn nữa. Bác Phán Tâm, lúc đi xe qua vùng đó, có mách ba một cuộc đất hai mẫu, cách Thủ Đức bốn cây số ngàn...
Bà Nam Thành chận hỏi:
- Tính đi từ Sàigòn lên thì khỏi Thủ Đức hay chưa tới Thủ Đức?
- Khỏi.
- Cũng được. Nếu chưa tới thì khổ, vì đất phía dưới ngập nước, mà lại nước mặn nữa chớ, y như dưới xứ của mình.
- Nghe đâu họ bán có bảy chục ngàn.
- Đất không mà mắc dữ vậy sao?
có giá. Vả lại đó là đất tốt.
- Tôi không hiểu sao ông chẳng tính chuyện về xứ.
- Dưới mình còn cướp bóc nhiều lắm.
- Còn ở đó cũng là chổ khỉ ho cò gáy chớ hơn gì.
- Không, miền đông khác dưới ta nhiều. Ở miền Đông, không có xó kẹt nào mà xe đò không vô tới. Việc tiếp tế dễ dàng hơn, dân ít quê hơn, và nhứt là tương đối an ninh hơn.
ở dựa con đường thiên lý, con đường quan trọng nhứt Việt Nam thì bà biết ta sẽ được yên ổn đến bực nào.
Cô Quá gõ đũa vào chén, đánh nhịp mà hát:
Ai đi lên trên con đường thiên lý sương sa mờ (2)
- Im cái mồm! Bà Nam Thành mắng con bằng giọng và lối nói miền Bắc. Gần đi lấy chồng rồi mà còn trẻ con!
- Gần đâu mà gần, má. Chị Hai hăm tám rồi mà còn chưa lấy chồng, con mới có hăm hai hè!
việc chồng con của con cái. Bà mẹ ưa nói đùa về vụ đó nên mấy cô con gái quen tai không mắc cỡ nữa và lấy đó làm đầu đề câu chuyện nhiều khi.
Hương bị cô em gái nói mỉa mà không mích lòng, vì cô thấy nó không ác ý. Cô cũng rập nhau mà cười với mấy em cô.
Cô điểm mặt Quá mà nói:
- Về trển, bắt mày nhịn xi nê cho mày ngáp chơi.
Cô Quá chụp cô Hoa mà trả thù:
- Chị Hoa mới là ngáp chớ, em có ghiền ngồi tiệm kem như chị đâu.
Ông Nam Thành làm thinh mà ăn, để cho con pha trò giây lâu mới hỏi vợ:
- Bà nghĩ làm sao?
- Thì quyền ở ông.
- Nhưng bà thích theo tôi hay không chớ?
- Ở đâu quen đó. Thích thì tôi không thích mà theo thì tôi theo. Xóm đó đông hay không?
- Nhà lân cận ở cách đất ấy cỡ hú một tiếng dài mới nghe.
- Uý trời! Vậy thì sợ chết!
- Có tôi mà còn sợ cái gì. Tôi chỉ lo bà nhớ tay xệp ở đây mà buồn mà thôi.
- Ông nói như tôi là tay cờ bạc. Buồn, đánh chơi chút ít, chớ hồi ở dưới Bặc Liêu tôi lại không chăn vịt, không làm lụng sao?
- Tôi tính như vầy. Mình sang căn nhà nầy, ít lắm cũng được bốn mươi ngàn. Lại hốt mấy đầu hụi chót. Mua đất xong, còn tiền đủ ăn trong năm đầu.
Năm đó ta trồng cây. Nhưng lại trồng xen hàng bông và nuôi gà để kiếm tiền xấp thời đặng ăn năm sau.
- Không cất nhà sao?
- Cất chớ! Tôi quên nói rõ: Mua đất và cất nhà, cất nhà chỉ tốn độ hai mươi ngàn là nhà rộng chán.
- Sao rẻ dữ vậy?
- Ở nhà quê vật liệu và nhơn công nới hơn ở đây. Vả lại mình biết thu xếp.
- Té ra ba nói thật à? cô Hoa nói.
- Chớ nãy giờ con ngỡ ba, má nói cà rỡn hay sao? Sách có chữ: Tọa thực sơn băng...
Cô Quá cười khúc khích, liếc các chị cô mà phê nho nhỏ:
- Ổng xổ nho rồi đó!
Cô Hương nối lờ cha bằng một vế chữ nôm:
-... ngồi ăn núi cũng lở.
Rồi cả nhà cùng cười. Được trớn, cô tiếp:
- Vì vậy ba mới đem mình về gần núi Châu Thới cho nó mau lở thêm chơi.
- Gần núi thật hả ba?
- Cũng còn xa. Mà đi bộ tới đó chưa mõi chơn lắm.
- Sướng a, tụi mình sẽ đi suối Lồ Ồ mỗi ngày.
- Cô nào cũng có phậv sự cả. Ông Nam Thành chận phấn khởi của con lại. Chúa nhựt mới đi chơi.
- Về nhà quê rồi mà còn theo thời dụng biểu phiền phức như ở đây sao ba?
- Tại sao lại bỏ, nếu thời dụng biểu là cần?
Chú thích.
(1) Lúc xảy ra câu chuyện, chưa có Quốc hội.
(2) Điệu hát thạnh hành hồi tiền chiến.