Chương 17

DANH ĐÃ RÕ SỰ THỰC. NÓ nhìn thấy mấy cô y tá, muốn phóng mũi dao của Quyền vào tim từng cô một. Nó muốn hét lớn. Nhưng căm hờn như lớp màng sương bọc kín trái tim nó. Nó không thể nói được.
Mắt nó ngầu đỏ. Nó đã quên hết những gì nó thấm nhuần trong hồn nó những ngày tháng sống bên ông Nghị, con Thảo. Nó trở nguyên vẹn thằng Danh của vỉa hè SàiGòn lúc nào cũng nuôi hận thù Quý đen. Ba răng vàng.
Danh ngồi bất động trên ghế. Bác sĩ giám đốc hỏi nó cả chục lần mà nó vẫn câm miệng. Hai hàm răng nó nghiến chặt. Hai bàn tay nó nắm chặt. Mồ hôi trán nó toát ra. Mặt nó xanh mét. Bác sĩ đẩy cho nó ly nước cam, giải thích:
 Chiến tranh nó giết chứ đâu phải chúng tôi giết mà em ghét chúng tôi. Em uống nước đi.
Danh đưa tay chụp ly nước. Nó bóp mạnh. Chiếc ly bể tan và nước cam chảy tóe xuống quần nó. Mấy cô y tá hoảng hốt toan bước gần lại bên Danh. Nhưng nó trừng trừng đôi mắt điên dại. Khiến các cô hết hồn, Danh xòe nắm tay ra. Mảnh thủy tinh lẫn với máu bám chặt làn da tay nó. Danh đứng lên. Nó lững thững đi về giường, nằm ôm mặt khóc. Rồi nó ngủ vùi.
Cô y tá thuật chuyện nó cho bác sĩ nghe. Vị thầy thuốc già sửa gọng kính, chép miệng:
 mò vào đã nát tan. Tôi nghiệm thấy rằng những đứa như nó, nếu được người thương yêu, lớn lên nó sẽ khác những đứa bằng tuổi nó. Chiến tranh có hàng muôn vạn cảnh não lòng, mình xoa dịu được phần nào hay phần ấy.
Vị thầy thuốc già rời phòng Danh, đi thăm các bệnh nhân khác. Cô ý tá trực đã quen thân với Danh có nhiệm vụ săn sóc Danh. Ở tỉnh nhỏ không khí bớt ồn ào, lòng người còn lưu lại nhiều tỉnh cảm nên người ta dễ rung động trước một nghịch cảnh. Danh trở thành một « nhân vật » của bệnh viện tỉnh lỵ miền rừng núi.
Đến chiều, nó thức giấc. Nó quên hết sự kiện đã xảy ra buổi sáng, tại văn phòng của bác sĩ. Thoạt tiên, Danh đòi uống nước. Cô y tá cho nó uống nước suối Vĩnh Hảo. Khi Danh đưa tay ra định đỡ ly nước, nó mới hay, tay nó bị băng bó. Danh ngơ ngác vài phút.
Rồi dần dần nó nhớ lại những việc nó đã làm.
Nó nhìn cô y tá. Cô y tá có khuôn mặt buồn lo và đôi mắt trủng sâu, có quầng vì thiếu ngủ. Cô y tá, một tay đỡ Danh, một tay nâng ly nước đặt vào miệng nó, Danh uống ừng ực. Nó đòi uống nữa. Cô y tá cho nó uống ly khác. Uống đỡ cơn khát, Danh nằm dài thoải mải. Nó nghiêng đầu gọi nhỏ:
 Chị ơi!
Cô y tá bớt lo, vì Danh không lên cơn điên như buổi sáng. Cô nhếch miệng cười:
 Gì thế em?
Danh ngập ngừng:
 Em xin lỗi chị nhé!
Cô y tá xoa tay:
 Em làm gì đâu mà xin lỗi.
Danh bỗng òa lên khóc. Cô y tá vuốt tóc nó. Bàn tay thon mềm của cô đặt lên da thịt mình khiến Danh nhớ lại kỹ niệm vừa mất. Nó càng khóc nức nở. Cô y tá để mặc Danh khóc. Cô rút khăn thấm nước mắt cho Danh. Tới lúc chiếc khăn của cô sũng ướt vắt ra nước. Danh mới ngừng khóc. Nó nắm lấy tay cô y tá:
 Em khổ quá chị ơi!
Cô y tá chớp mắt:
 Chị biết.
 Tên chị là gì hở chị?
 Tên chị xấu lắm?
 Là gì?
 Là Hảo.
Danh nắm chặt tay cô y tá hơn:
 Chị Hảo ơi, chị tha lỗi cho em nhé!
 Em có lỗi gì đâu?
 Em đã nghĩ sẽ phóng mũi dao vào tim chị.
Cô y tá cười:
 Chắc em giận chị đã nói dối em chứ gì?
Danh không trả lời. Nó nói:
 Mai em về Mỷ Tho, chị ạ!
 Em có bà con ở Mỹ Tho à?
 Không, em về với thằng bạn của em. Tên nó là Quyền.
 Nó làm gì?
 Nó đánh giày, chị ạ! Em đánh giày và em sẽ giết thằng Quý đen.
Cô y tá Hảo tròn xoe mắt:
 Quý đen là ai?
 Là con rắn độc mà bác Nghị bảo em nên quên nó đi. Nhưng khi bác Nghị em đã chết, em sẽ giết rắn độc Quý đen. Nó chết thì em mới yên thân làm nghề đánh giày.
Cô y tá thật sự không hiểu gì về đời sống của dân đánh giày và những luật lệ của hè phố. Song vì muốn an ủi Danh, cô đã gật đầu nói:
 Thế à?
Danh đáp.
 Quý đen giết bạn thân nhất của em là thằng Lựa, em sẽ giết nó.
Danh không nói nữa. Nó vừa chợt bắt gặp hình ảnh con Thảo hiện trên khuôn mặt cô y tá Hảo. Danh nhìn Thảo không chớp mắt. Khiến cô y tá thoạt đầu hơi lạ lùng, sau đâm ra xấu hổ.
Hảo toan đứng dậy. Danh nắm lấy tay cô:
 Chị tính bỏ em đi đâu?
Hảo bỗng hết ngượng ngùng. Vì cô vừa thấy mình già quá so với Danh. Và nỗi buồn có duyên cớ khơi dậy trong tâm hồn cô y tá tỉnh nhỏ. Hảo nói:
 Em nhất định về Mỹ Tho à?
 Vâng, em nhất định về Mỹ Tho.
 Em có muốn ở lại đây không?
 Ở lại đây với ai?
 Với bác sĩ. Ông không có con cái gì cả. Ông già rồi, ông cũng thương em như bác Nghị thương em. Em ở lại đây làm con nuôi bác sĩ nhé!
Danh lắc đầu:
 Không ai thương em bằng bác Nghị đâu, chị ạ!
 Nhưng em phải lo đời em chứ?
Danh cười. Nụ cười của nó méo mó, thê thảm làm sao! Nó trườn người lên cho đầu đụng vào thành giường sắt:
 Đời em còn gì nữa đâu mà lo hở chị?
 Còn chứ!
 Còn gì!
 Em hãy còn trẻ lắm … Em sẽ có tương lai tốt đẹp nếu em ở lại với bác sĩ.
Danh mím môi. Đôi mắt nó đã mang sự đau xót. Và giọng nó sũng buồn.
 Chẳng cần nữa chị ạ, em Thảo của em đã chết rồi, tương lai tốt đẹp cũng vô ích. Em trở về hè phố chọn lấy tương lai của em.
Hảo vuốt bàn tay Danh. Ở bàn tay của nó, Hảo có thể tìm được cảm giác khác hẳn với những lần cô cầm những bàn tay của bệnh nhân. Cô quên rằng Danh chỉ là thằng bé đánh giày. Hai mươi mùa xuân trôi qua, Hảo chở tuổi chồng chất lên đôi vai mà không tìm đâu ra mối tình trai gái. Hơi thuốc, không khí bệnh viện, cuộc sống đìu hiu tỉnh nhỏ làm cho mộng mơ  của cô ngột ngạt.
Hảo thầm trách tại sao Danh không nhiều tuổi hơn. Cô chép miệng:
 Chị mong ước đời em sẽ khá.
 Còn đời chị?
 Đời chị đã có đoạn kết rồi.
 Đoạn kết có khá không?
 Buồn lắm.
 Em cũng có đoạn kết rồi, từ ngày bác em chết và từ ngày em không nhìn thấy chiếc răng khểnh của Thảo.
Danh hồi tưởng kỹ niệm. Những buổi chiều ngồi ở công viên Nguyễn Du tỉnh lỵ Long Xuyên, những buổi trưa tắm suối ở Tây Ninh. Nó nghẹn ngào:
 Đi hết đời em chắc chắn không tìm được con bé nào có chiếc răng khểnh thương mình, đòi lớn lên làm vợ mình.
Hảo nói một câu ngớ ngẩn:
 Em nhất định về Mỹ Tho à?
Cốt ý, muốn Danh quên chuyện đau thương của nó và chuyện riêng đau thương của riêng cô nữa.
 Vâng, em nhứt định về Mỹ Tho.
Do dự một lát, Hảo nói:
 Hay nếu em không thích làm con nuôi bác sĩ, em ở đây sống với chị. Chị sẽ chăm lo em như bác Nghị em.
 Không được đâu chị. Trước kia, khi chưa theo bác em, em là thằng “ngựa hoang” hễ mở miệng là chửi thề bậy bạ. Sống với bác em, bác dạy em học, dạy đủ thứ, em hết chửi thề. Nhưng giờ bác em chết rồi, em khó mà ngoan ngoãn nỗi. Em sống với chị, chị sẽ khó chịu lắm.
 Chị chịu được.
 Em cám ơn chị, em phải về Mỹ Tho. Nếu chị thương em, chị cấp cho em vài trăm bạc.
 Chuyện này dễ quá, bác sĩ sẽ lo cho em. Và chị sẽ tặng em thêm chút tiền để em tiêu vặt.
 Em không tiêu gì đâu?
 Bao giờ em về Mỹ Tho?
 Mai.
 Sao không đợi khỏi tay đã?
 Ở đây ngày nào là nhớ người chết ngày ấy. Em sợ nổi điên đập phá mất thôi.
 Rồi đời em sẽ ra sao?
 Em cũng chả biết nữa.
Danh đòi uống nước. Hảo cho nó uống. Hai người không tính chuyện gì khác. Hảo lặng lẽ rời khỏi phòng. Cô khép cửa lại. Còn Danh đã thiu thỉu ngủ.