e Ford đã xong, và chúng tôi không có việc mới. Chúng tôi cần phải bận rộn với công việc. Koster và tôi đi dự một cuộc đấu giá, hy vọng mua được một chiếc tắc xi. Tắc xi là thứ rất dễ bán lại sau này. Chỗ đấu giá là một trại chăn ngựa nằm ở phía bắc thành phố. Ngoài xe tắc xi, còn có nhiều thứ khác, một số dựng ngoài sân: vài cái giường, mấy cái bàn ọp ẹp, một lồng chim mạ vàng có chú vẹt biết nói hai tiếng "Chào em yêu!", một cái đồng hồ đế đứng, dăm ba quyển sách, vài ba cái tủ chén, một bộ lễ phục, mấy cái ghế nhà bếp, một số dụng cụ nấu nướng -- những trang bị đáng thương của một cuộc đời tan nát. Chúng tôi đến sớm quá; người phát mãi vẫn chưa có mặt. Trong khi lục soạn, tôi gặp vài quyển sách -- loại sách văn học cổ điển Hy Lạp và La Tinh, thứ rẻ tiền, đã cũ, chằng chịt những ghi chú bên lề. Trên các trang giấy úa vàng, tơi tả, không còn thi ca của Horace, bài hát của Anacreon -- chỉ có tiếng kêu đau thương, tuyệt vọng của một cuộc đời đã mất. Với chủ nhân những quyển sách này, dù ai đi nữa, chúng là thiên đường trú ẩn của người ấy; người ấy giữ chúng lại cho đến giờ phút cuối -- và một khi phải gởi chúng đến đây, đời của người ấy đã tận tuyệt. Koster nhìn qua vai tôi. "Thật xúc động, nhỉ?' Tôi gật đầu. "Còn những cái này, Otto," tôi nói, chỉ vào những đồ vật khác. "Đem cả ghế nhà bếp và quần áo ra đấu giá, đâu phải là chuyện đùa?" Chúng tôi tiến đến chiếc tắc xi, đậu ở một góc sân. Sơn tróc và bạc màu ở nhiều chỗ, nhưng xe sạch sẽ, kể cả những phần nằm khuất bên dưới tấm chắn bùn. Một người đàn ông tầm thước, chắc nịch với cánh tay to, lỏng thỏng hai bên hông, đang đứng gần; ông ta thẩn thờ nhìn chúng tôi. "Cậu có xem qua máy xe chưa?" tôi hỏi Koster. "Đã xem, hôm qua," anh nói. "Xe tuy cũ một chút nhưng được chăm sóc kỹ." Tôi gật đầu. "Có vẻ như thế," tôi nói. "Xe mới rửa sáng nay, Otto. Chắc chắn người đấu giá chẳng rỗi hơi làm chuyện ấy đâu." Koster lắc đầu, nhìn người đàn ông thấp béo. "Ông chủ xe đấy. Hôm qua, ông ấy có đến đây. Tớ thấy ông ấy lau chùi cái xe." "Tội thật," tôi nói, "ông ấy trông thảm như một con chó bị chẹt xe." Một thanh niên băng qua sân, đi đến chiếc xe. Hắn mặc một cái áo khoác có dây lưng, và trông lọc lỏi. "Chắc là chiếc xe bus đây rồi," hắn nhịp nhịp cây gậy trên nắp máy xe, vừa nói với chúng tôi, vừa nói với người đàn ông. Tôi thấy ông ta chớp mắt. "Chẳng đáng gì hết, chẳng đáng gì hết," gã mặc áo có thắt lưng ngạo nghễ nói. "Nước sơn chẳng đáng xu teng. Xe cũ xì cũ xịt, nên cho vào viện bảo tàng?" Gã cười hơ hớ, tự tán thưởng câu nói khôi hài của mình và nhìn chúng tôi, chờ đợi sự đồng tình. Chúng tôi không cười. Gã quay về phía người chủ xe. "Ông định giá cái xe già cốc đế này bao nhiêu?" Người đàn ông nuốt nước bọt, không nói. "Bán theo giá đồng nát chứ?" hào hứng, gã be be nói tiếp. Gã quay lại chúng tôi: "Quý vị có ý định mua xe này ư?" Hắn nói nhỏ: "Chúng ta hãy công ký với nhau. Mua giá rẻ mạt, rồi bán ra, và chia lời. Tại sao ta phải quăng tiền ra cho họ hưởng. Nhân tiện, tên tôi là Thiess -- Guido Thiess, hảng Augeka." Hắn xoay tít cái gậy tre và nháy mắt đồng lỏa. Không có chi bí mật với loài sâu bọ này, tôi nổi giận nghĩ bụng; bóng người đàn ông im lìm đàng kia làm tôi bức rức. "Anh biết không," tôi nói lớn, "tên anh đáng lẽ không phải là Thiess." "Đáng lẽ không?" gã nói, khoái chí ra mặt. Rõ ràng gã đã quen với những câu tán tụng sự lanh lợi của hắn. "Vâng," tôi nói tiếp. "Thộn, lẽ ra anh phải được gọi bằng cái tên ấy. Guido Thộn." Hắn giật mình. "Đương nhiên," cuối cùng hắn nói, "Hai chọi một, đương nhiên..." "Nếu anh sợ, " tôi nói, "một mình tôi thôi, khi nào cũng được." "Cám ơn," Guido lãnh đạm trả lời, "cám ơn nhiều lắm" -- rồi lẽn đi. Người đàn ông thấp béo với gương mặt lo lắng vẫn đứng yên ở đấy, chăm chú nhìn cái xe như không có điều gì khác quan trọng với ông. "Thôi, ta đừng mua xe này, Otto," tôi nói. "Nếu ta không mua, thì con chó xù của cậu, Guido, sẽ mua," Koster trả lời. "Chúng ta không thể giúp gì cho ông ấy cả." "Đúng thể," tôi nói. "Nhưng có nhiều điều làm ta băn khoăn --" Phát mãi viên đến. Vội vội vàng vàng, rõ ràng ông rất bận. Mỗi ngày ông có hàng chục cuộc đấu giá. Vung tay, ông bắt đầu bán các món lặt vặt đáng thương. Ông có một khiếu khôi hài sắt đá và tính thực tiển của một người phải đối phó hằng ngày với những nỗi thương tâm nhưng vẫn không để chúng ảnh hưởng. Những món vụn vặt không giá trị được rao bán vài mươi xu. Phần lớn chúng được các lái buôn mua. Họ sẽ lười lĩnh dơ một ngón tay khi người phát mãi nhìn về phía họ, hay lẳng lặng lắc đầu. Tuy nhiên, thỉnh thoảng lại có một đôi mắt theo dõi cái liếc mắt của người phát mãi, đôi mắt mệt mỏi của một người đàn bà, đầy hy vọng và sợ hãi, chăm chăm nhìn ngón tay của một tên lái buôn như thể đấy là ngón tay của Chúa. Có ba người đấu giá chiếc tắc xi -- đầu tiên, Guido, ra giá ba trăm marks, một cái giá rẻ mạt đáng xấu hổ. Người đàn ông thấp béo bước tới một bước. Môi ông mấp máy, nhưng không phát ra lời. Trong khoảng khắc, tưởng như ông sắp sửa tham gia cuộc đấu. Nhưng cánh tay buông xuống. Ông lui lại. Lần kêu giá thứ nhì là bốn trăm marks. Guido nâng lên bốn trăm năm mươi. Im lặng. Phát mãi viên gọi mời. "Không ai trả thêm? Hỏi lần thứ nhất... hỏi lần thứ hai..." Người đàn ông đứng cạnh xe tắc xi, mắt mở to và đầu cúi gầm, chờ tiếng búa. "Một ngàn," Koster nói. Tôi nhìn anh. "Nó đáng giá gấp ba lần," anh thì thào. "Tớ không thể nào nhìn thấy ông ta bị làm thịt." Guido cuống quít ra dấu. Khi làm ăn, hắn ta quên bẳng đi những lời sĩ nhục. "Một ngàn mốt," hắn be be rống lên, hai mắt cùng nháy chúng tôi. Nếu hắn có một con mắt khác đàng sau, có lẽ hắn cũng đã dùng nó để nháy nhó. "Một ngàn năm trăm," Koster nói. "Một ngàn năm trăm mười," Guido tuyên bố, vã mồ hôi. "Một ngàn tám trăm," Koster nói. Guido sờ lên trán và bỏ cuộc. Phát mãi viên nhãy cởn lên, kích động. Thình lình tôi nghĩ đến Pat. "Một ngàn tám trăm năm mươi," tôi buột miệng nói, không ngờ mình làm thế. Koster quay đầu lại, ngạc nhiên, "Tớ sẽ bù năm mươi đồng," tôi vội vàng nói. "Ít nhiều gì, nó sẽ giúp chúng ta -- nó là một sự đầu tư." Anh gật đầu. Người phát mãi nện búa, bán chiếc xe cho chúng tôi. Koster trả tiền ngay lập tức. "Tôi đã nói gì với các anh?" Guido đến gần chúng tôi, như chưa có chuyện gì đã xảy ra. "Chúng ta có thể mua nó với giá một ngàn marks. Chẳng mấy chốc, chúng ta sẽ gạt và loại được người thứ ba kia." "Chào em yêu!" một giọng nói the thé, táo bạo vang lên từ sau lưng hắn -- chú vẹt trong cái lồng mạ vàng. "Chào Thộn," tôi góp vào. Guido nhún vai và biến mất. "Rất tiếc ..." tôi nói. "Không sao đâu," ông trả lời. "Chúng tôi đáng lẽ không làm như thế," tôi nói. "Nhưng ông lại càng có ít tiền hơn." Ông ta gật đầu, hai tay xoắn vào nhau. "Xe tốt lắm, " thình lình ông bật ra, vấp váp. "Đấy là một cái xe tốt, có giá trị, thật thế; cậu không trả giá hớ đâu. Không phải vì cái xe... --không phải đâu... mà vì..." "Tôi biết," tôi nói. "Và chúng tôi chẳng được gì," người đàn bà nói; "người ta lấy tất cả." "Chúng ta sẽ lại có tiền, mẹ nó ơi," người đàn ông nói; "chúng ta sẽ lại có tiền." Người đàn bà không trả lời. "Khi sang số một qua số hai, xe sẽ gầm một chút," người đàn ông nói; "nhưng đấy không phải hư hỏng. Nó đã kêu như thế ngay từ lúc đầu." Ông như đang nói về một đứa bé. "Chúng tôi có chiếc xe này từ ba năm nay, nhưng chưa một lần bị trục trặc. Các cậu biết không, tôi ngã bệnh và một đứa đã hại tôi -- một người bạn," "Một tên gian ác," người đàn bà nói, mặt ra vẻ hằn học.. "Mẹ nó ơi, " người đàn ông kêu lên và nhìn người đàn bà. "Anh sẽ lại sớm có tiền, mẹ nó ơi, phải thế không?" Người đàn bà chẳng trả lời. Người đàn ông nhễ nhại mồ hôi. "Cho tôi xin địa chỉ của ông," Koster nói; "Đôi khi chúng tôi có thể cần một người tài xế, biết đâu đấy." Bằng bàn tay thô to, chất phác, người đàn ông sốt sắng viết xuống. Tôi nhìn Koster, chúng tôi đều biết, cần phải có một phép lạ trước khi chúng tôi có thể giúp đỡ được ai. Và không có phép lạ ở thời đại này. Ông ta sẽ chìm lỉm như hầu hết mọi người. Ông ta nói không ngừng như một người đang lên cơn sốt. Buổi đấu giá đã chấm dứt, chỉ còn chúng tôi ở lại trong sân. Ông chỉ cho chúng tôi cách khởi động xe vào mùa đông. Ông cứ trở đi, trở lại bên chiếc xe. Cuối cùng ông nín thinh. "Đi thôi, Albert," người đàn bà nói. Chúng tôi bắt tay ông, và họ bỏ đi. Chúng tôi đợi đến khi không còn thấy họ nữa mới mở máy xe. Trong khi lái khỏi nơi ấy, chúng tôi thấy một bà lão thấp bé với cái lồng chim trong tay, cố gắng xua đám trẻ con đang bám theo. Koster dừng xe lại. "Bà ơi, muốn cháu đưa đi không?" anh hỏi bà. "Thời buổi này? Bà không có tiền đi lang thang bằng tắc xi đâu!" "Bà không cần có xu nào," Otto nói. "Hôm nay là sinh nhật của cháu và cháu lái xe cho vui mà thôi." Bà giữ chặt lồng chim, nghi ngờ. "Nhưng sau đó sẽ mất một thứ gì?" Anh bảo đảm với bà là không, và cuối cùng bà lên xe. "Bu ơi, bu mua con vẹt làm gì thế?" Tôi hỏi, khi bà sắp xuống xe. "Cho ban đêm," bà nói. "Thức ăn của nó có đắc tiền lắm không, hở cháu?" "Không," tôi nói; "nhưng tại sao cho ban đêm?" "Nó biết nói, cháu thấy mà," bà trả lời, nhìn tôi với đôi mắt già nua, trong sáng. "Giờ thì, lúc nào trong nhà cũng sẽ có tiếng nói huyên thiên." "Ach, thì ra thế," tôi đáp. Buổi chiều, ông chủ tiệm bánh ghé qua xưởng để nhận xe. Trông ông buồn rầu, chua chát. Tôi đang ở một mình trong sân. "Ông thích màu sơn này chứ?" tôi hỏi. "Cũng tàm tạm," ông nhìn chiếc xe và nói, không lấy gì quả quyết. "Ghế bọc trông được lắm." "Chắc vậy..." Ông lẩn quẩn mãi, rõ ràng chưa muốn về. Tôi nghĩ ông sẽ đòi thêm một món gì đó -- chẳng hạn một cái kích xe, gạt tàn thuốc lá hay một thứ tương tự. Nhưng thực tế lại khác hẳn. Ông lê la, xem hết thứ này đến thứ kia; rồi nhìn tôi với đôi mắt vằn đỏ vì thiếu ngủ và nói: "Cứ thử nghĩ -- chỉ mấy tuần trước thôi, bà ấy hãy còn sống, còn ngồi ở đây, hạnh phúc..." Tôi ngạc nhiên vì bỗng dưng ông lại đa cảm như thế và tôi đoán, có lẽ cô gái bé bỏng, quê mùa đi với ông lần trước đã bắt đầu làm ông khó chịu. "Bà ấy là một người vợ đảm," ông nói tiếp; "một viên ngọc quý, tôi có thể nói thế. Bà ấy không bao giờ đòi hỏi một thứ gì. Bà ấy mặc hoài một cái áo choàng cũ suốt mười năm. Bà ấy tự may vá các thứ quần áo linh tinh. Và tự làm việc nhà -- không mướn ai cả." À há, tôi nghĩ, người mới thì không, rõ ràng như thế. Ông tả cho tôi nghe, bà đã tiết kiệm ra sao. Thật phi thường, hồi ức về sự cần kiệm đã ảnh hưởng sâu đậm đến con người nghiện trò chơi ky ấy. Bà không chịu chụp ảnh -- tốn nhiều tiền. Ông chỉ có một tấm, chụp chung cả nhóm trong ngày cưới, và vài ba bức ảnh chụp vội. Một ý tưởng chợt nảy sinh. "Ông cần nhờ người vẽ một bức chân dung cho bà," tôi nói. "Như thế ông sẽ luôn có một thứ gì đó để tưởng nhớ. Ảnh sẽ phai màu. Tôi biết một họa sĩ chuyên môn về việc này." Tôi giải thích cho ông ta công việc của Ferdinand Grau. Ông ta lập tức nghi ngại, và nghĩ rằng sẽ rất đắt tiền. Tôi bảo đảm -- nếu có tôi đi cùng, ông sẽ được giá đặc biệt. Ông ta cố thoái thác, nhưng tôi không để cho ông ta bỏ đi, giải thích rằng nếu ông thực sự thương vợ, số tiền ấy sẽ chẳng là bao. Cuối cùng ông ta đồng ý. Tôi gọi Ferdinand, báo trước cuộc gặp, và cùng lái xe về nhà ông để lấy hình của bà vợ. Từ cửa hàng, cô tóc đen chạy ùa ra, chào đón. Cô nàng lượn quanh chiếc Ford. "Màu đỏ sẽ đẹp hơn, Puppi ạ. Nhưng anh cứ vẫn làm theo ý ngông của mình." "Như thế được rồi," Puppi bực bội nói. Chúng tôi lên phòng khách trên lầu, cô tóc đen lẽo đẽo theo sau. Đôi mắt tinh nhanh của cô nàng đão khắp nơi. Ông chủ tiệm bánh khó chịu lắm. Ông không muốn tìm các tấm ảnh dưới sự dòm ngó của cô nàng. "Để chúng tôi yên thân," cuối cùng, ông nói thẳng. Cô nàng phụng phịu. "Gớm, người gì mà lịch sự thế!" Bộ ngực khiêu khích, rung rinh dưới lớp áo liền quần bó sát, cô ta ngúng nguẩy bỏ đi. Từ một quyển album bọc vải nhung xanh lục, ông chủ tiệm bánh lấy ra mấy tấm ảnh và đưa tôi xem. Trong một tấm, vợ ông là cô dâu mới, ông bên cạnh, ria mép vuốt sáp cong cong -- bà đứng đấy, cười tươi; ở một bức khác, trong đó, gầy gò héo hắt vì làm lụng, với đôi mắt thất thần, bà khép nép ngồi ở mép ghế. Hai bức ảnh nhỏ -- một cuộc đời. Ferdinand Grau vận áo choàng trắng, tiếp đón. Trông anh nghiêm nghị và trịnh trọng. Đấy là một thủ thuật nhà nghề. Anh hiểu, với nhiều người đang tang chế, tôn kính lòng thương tiếc của họ còn quan trọng hơn cả sự thương tiếc. Tường của xưởng họa treo nhiều tranh sơn dầu đóng khung, bên dưới là những tấm ảnh nhỏ, dựa theo đó tranh được vẽ nên, như thế một khách hàng nhìn thoáng qua cũng biết khả năng có thể đạt được, dù với bức ảnh mờ nhạt nhất. Ferdinand đưa ông chủ tiệm bánh một vòng quanh xưởng để chọn kiểu mà ông ta ưa thích nhất. Ông ta hỏi, phải chăng giá tranh không tùy thuộc vào kích thước. Ferdinand giải thích, kích cở không đáng kể bằng cách thức thể hiện. Ngay lúc ấy, ông chủ tiệm bánh chọn kiểu vẽ của bức họa to nhất. "Ông có khiếu thẩm mỹ, " Ferdinand khen. "Đấy là chân dung của công chúa Borghese. Tám trăm marks. Cả khung." Ông chủ tiệm bánh há hốc mồm. "Không khung thì sao?" "Bẩy trăm hai mươi," Ông chủ tiệm bánh trả giá bốn trăm. Ferdinand lắc cái bờm sư tử của mình. "Với bốn trăm marks, giỏi lắm chỉ có tranh bán diện. Không thể có tranh chính diện, bán thân. Ông biết mà, vẽ tranh chính diện phải tốn công gấp đôi." Ông chủ tiệm bánh nói, nghĩ cho cùng, một bức tranh vẽ gương mặt nhìn nghiêng cũng đủ. Ferdinand lưu ý ông ta là hai bức ảnh của ông đều là ảnh chụp chính diện. "Ngay cả Titian cũng không tài nào vẽ tranh bán diện dựa vào chúng," anh nói. Ông chủ tiệm bánh toát mồ hôi; ông ta tức tối vì đã không nhìn thấy trước chuyện này khi chụp những tấm ảnh ấy. Nhưng ông ta phải nhận là Ferdinand nói đúng -- tranh chính diện có một nửa mặt nhiều hơn tranh bán diện; rõ ràng nó cần được tính giá cao hơn. Ông chủ tiệm bánh lưỡng lự mãi. Từ đầu đến giờ, Ferdinand vẫn kiềm chế; nay đến lúc anh bắt đầu thuyết phục. Giọng nói trầm ấm của anh rền trong xưởng vẽ to rộng. Là một chuyên viên, tôi cũng phải công nhận đấy là một công trình tuyệt vời: chẳng mấy chốc ông chủ tiệm bánh đã mềm lòng -- nhất là khi Ferdinand khơi gợi lên tác dụng choáng ngộp mà một bức tranh hoành tráng có thể gây ra trên những người hàng xóm xấu tính. "Tốt lắm," cuối cùng ông ta nói, "thế nhưng ông có thể bớt cho tôi mười phần trăm, vì tôi trả tiền mặt, được chứ?" "Được," Ferdinand trả lời; "giảm mười phần trăm -- nhưng tôi cần ba trăm marks -- ứng trước để mua màu và vải." Họ cò kè với nhau một lúc, cuối cùng đồng ý và bắt đầu thảo luận các chi tiết. Ông chủ tiệm bánh muốn vẽ thêm một chuỗi hạt trai và một kim cài áo đính kim cương. Trong ảnh không có. "Tất nhiên," Ferdinand giải thích, "cần phải vẽ nữ trang của bà. Tốt nhất ông nên đem chúng đến, lưu ở đây khoảng một giờ, để tôi có thể dựa vào đó mà vẽ cho chính xác." Ông chủ tiệm bánh đỏ mặt. "Hiện giờ tôi không có. Chúng đang...đang ở... Ơ, phải rồi, thân nhân của bà ấy đang giữ." "A, thế ư! Thật ra cũng chẳng hề chi. Kim cài áo của bà có giống như kim cài áo, thí dụ, trong bức tranh đàng kia không?" Ferdinand gợi ý. Ông chủ tiệm bánh gật đầu. "Nhưng không to bằng." "Tốt lắm. Vậy chúng ta sẽ vẽ giống như thế. Và chúng ta không cần chuỗi hạt trai. Hạt trai nào cũng giống hệt nhau." Ông chủ tiệm bánh cảm thấy nhẹ thở. "Vậy khi nào tranh sẽ vẽ xong?" "Trong sáu tuần." Chỉ còn lại Ferdinand và tôi trong xưởng họa. "Anh thực sự cần sáu tuần để hoàn tất?" tôi hỏi. "Ach, cậu nghĩ sao? Có lẽ bốn, năm ngày thì xong. Nhưng tớ không thể nói thế với ông ấy, vì ông ấy sẽ quy ra bao nhiêu tiền tớ kiếm được trong một giờ, và sẽ nghĩ rằng mình bị lừa. Nói sáu tuần, ông ta sẽ hài lòng. Cũng thế, tranh của công chúa Borghese -- đấy là bản chất của con người, Bob thân mến; nếu tớ nói đấy là tranh vẽ một cô thợ may, ông ấy sẽ nghĩ rằng tranh chỉ đáng giá một nửa mà thôi. Đây là lần thứ sáu, các bà quá vãng được tô điểm với nữ trang như trong bức tranh ấy. Những trùng hợp hết sức lạ kỳ, phải không? Tranh của Luise Woff, một họa phẩm tuyệt vời." Tôi nhìn quanh; các bức tranh bị bỏ rơi hay không đủ tiền trả -- những gương mặt bất động, những đôi mắt đã từ lâu mủn nát dưới đáy mồ, trên tường chòng chọc nhìn xuống -- tất cả những người đã từng hít thở và hy vọng... "Thế này mà anh không buồn sao, Ferdinand?" Anh nhún vai. "Khinh đời thì có. Người ta buồn khi nghĩ về cuộc đời -- khinh đời, khi chứng kiến cảnh con người xoay sở." "Vâng, nhưng với một số người, dù sao, còn tồi tệ hơn nữa." "Đúng vậy. Nhưng họ không mượn ta vẽ tranh." Anh đứng lên. "Nghĩ cho cùng, cũng thế mà thôi, phải không Bob, họ có quyền hưởng thụ chút ít, chuyện ấy quan trọng với họ. Nhờ thế họ mới có thể tiếp tục sống và chiến đấu trong những ngày đen tối khi họ bơ vơ. Và khi cô đơn, thực sự cô đơn, không ảo vọng, đấy là con đường dẫn đến điên rồ -- và tự sát." Căn phòng rộng, trơ trọi như hầm mộ dưới ánh sáng lờ mờ hư ảo. Từ phòng bên cạnh, ta có thể nghe tiếng chân người đến rồi đi -- bà quản gia. Bà ấy không hề lộ mặt khi một trong những đứa tôi đến đây. Bà ấy ghét chúng tôi vì nghĩ rằng chúng tôi muốn chia rẻ Grau với bà. Tôi ra về. Âm thanh huyên náo của đường phố tấp nập bên dưới chợt ấm như nước tắm trong bồn.