ại sao em chống đối quản giáo?- Yêu cầu anh tôn trọng nội quy của trại!- Thằng nhãi ranh hỗn láo, tao đáng tuổi bố mày mà mày dám gọi tao là anh, hả?- Tôi yêu cầu anh tôn trọng nội quy.- Nội quy của can phạm, không áp dụng cho cán bộ.- Anh cần tôi đọc không?- Được, tao thua mày.- Tù gọi cán bộ bằng anh xưng tôi. Cán gọi tù bằng anh xưng tôi. Tù gọi tù bằng anh xưng tôi, bất kể già trẻ, lớn bé. Nội quy dán ở cửa phòng, anh cần nghiên cứu. Cách mạng dạy sao, tôi học vậy. Tôi gọi cụ Diên 80 tuổi là anh Diên, cụ ấy không phản đối. Hay cụ ấy là tù yên phận, còn anh là cán bộ anh hách xì xằng? Muốn gọi tôi là mày, xưng tao thì bảo cách mạng sửa lại nội quy đi!- À, gớm nhỉ?- Chả gớm gì hết, đây chỉ triệt để thi hành nội quy.- Tại sao chống quản giáo?- Chống bao giờ?- Ăn nói lễ độ.- Anh trống không thì tôi cũng trống không!- Tại sao... anh chống quản giáo?- Tôi không chống, tôi không ăn cơm vì cơm đầy thóc.- Anh còn nói gì?- Tôi nói cách mạng nuôi tù tệ hơn nuôi gà.- Anh sách động cả phòng không ăn cơm. Tuyệt thực, hả? Định làm loạn hả?- Tại sao anh đánh giá tôi cao tít trời xanh vậy? Nhãi ranh mà sách động được người lớn à? Cách mạng sáng suốt, anh thì tối mò.- Mày dám...- Ê, yêu cầu áp dụng nội quy.Cai ngục muốn bợp tai thằng nhãi ranh này quá. Mặt mũi thằng nhãi câng câng, dễ ghét. Giá nó can tội móc túi thì nó đã ăn đòn rồi. Đàng này nó lại là can phạm chính trị! Bợp nó, nó tru tréo lên phiền lắm. Rồi nó tố cáo với chấp pháp là đàn áp nó, càng rắc rối. Cai ngục Bàng đành chịu lép vế. “Thằng nhãi khốn nạn, mày nghiên cứu nội quy kỹ hơn cả bố mày”!- Tôi cho anh hai tờ giấy, về phòng làm kiểm điểm.Thằng nhãi nhún vai rất đểu:- Không ăn cơm đầy thóc thì thôi, kiểm điểm cái gì?- Không ăn là tuyệt thực.- Tôi không tuyệt thực.- Anh đã không ăn cơm.- Tôi chỉ... nghỉ ăn thôi. Chiều nay, cơm còn thóc, tôi nghỉ ăn nữa.- Anh phải làm tự kiểm.- Tôi không làm.- Không làm là chống đối đảng và nhà nước.- Ngon vậy à? Anh xác nhận tôi chống đảng à?Cai ngục nghiến răng, đập bàn cái rầm:- Thôi, cút về phòng!Thằng nhãi cười:- Về thì về. Khi không gọi lên rồi đuổi về. Bộ thế là... giáo dục can phạm, hả?Cai ngục đưa nó về phòng, mở cửa đẩy nó vào. Hắn xô cửa thật mạnh để trút nỗi tức giận. Cai ngục đi khỏi, thằng nhãi bi bô:- Nó thua cháu rồi, các bác các chú ạ! Cháu sẽ chơi nó lên chấp pháp.Cả phòng khen thằng nhãi:- Mày bảnh lắm, Năm. Các bác không dám nhúc nhích...Năm. Thằng nhãi tên là Năm. Trong lý lịch của nó ở nhà tù, nó khai: Trần văn Năm, 15 tuổi, bị bắt ngày 10-6-1976, can tội phản động!Hôm nó mới vào phòng 5C1, nó đeo cái bị cói, ngơ ngác nhìn mọi người.Trưởng phòng hỏi nó:- Em can tội gì?Thằng Năm phưỡn ngực đáp:- Chính trị!Cả phòng cười vang. Năm đỏ mặt. Nó bị chạm tự ái. Nó ngẩng mặt ra dáng nhà chính trị:- Nhóc con không thể làm phản động được à? Người lớn việc lớn, người bé việc bé.Khẩu khí của nó khiến mọi người hết dám chế nhạo nó. Cả phòng giúp nó treo bị, lo chỗ nằm cho nó. Người ta biết ngay “thân thế và sự nghiệp phản động” của Trần văn Năm sau đó. Nó kể rất chân thành và giản dị. Trần văn Năm không biết bố mẹ nó là ai. Nó lớn lên ở cô nhi viện, vậy má nó là các bà Phước. Má nó dạy nó học, thương yêu nó và vẽ cho nó một tương lai khi nó rời cô nhi viện. 30-4-75, cách mạng vào Sài Gòn. Người ta giải phóng các viện cô nhi, đuổi các bà Phước, các ni cô và trẻ em ra đường phố. Năm biến thành đứa trẻ lêu bêu. Nó lang thang vỉa hè. Người ta lùa trẻ con vỉa hè đi lao động ở các trại tập trung cải tạo, Năm lẩn trốn. Thế là nó hết nơi nương tựa. Tự nhiên, đời sống đang êm đềm và đang mơ ước bị cuốn xoáy, dạt trôi. Thằng bé mồ côi ngỡ ngàng trong thác lũ cách mạng. Lý lịch của nó trở nên mờ ám. Chế độ mới khu trừ nó. Nó vừa tự mưu sinh vừa né tránh. Chẳng bao giờ nó có thể gặp lại các ma sơ. Năm thèm trở về cô nhi viện. Nơi chốn ấy vô cùng ấm áp. Nhưng nơi chốn ấy đã được cách mạng giải phóng. Năm hết đường về. Ngày kia, một thằng bé đánh giầy lẩn trốn như Năm bảo Năm rằng, mày muốn về cô nhi viện, muốn gặp lại các má nó thì phải “chơi” cách mạng. “Tao cũng muốn có một vỉa hè tự do của tao ngày xưa”, thằng đánh giày nói. “Chắc muốn vậy, tao nên nhận lời mấy ảnh”. Thằng đánh giày dẫn Năm đi tìm mấy anh Phục Quốc. Mấy anh giao công tác rải truyền đơn cho thằng đánh giày và Năm. Đi với thằng “giang hồ vỉa hè”, Năm dạn và học thêm nhiều bài học sáng giá. “Muốn về cô nhi viện phải đánh tan cộng sản”. Năm chỉ còn một lối đi. Đời sống hiện tại truy lùng nó, nó tìm kiếm đời sống khác. Rồi Năm bị bắt, trong giỏ của nó đầy truyền đơn đả đảo Cộng sản. Thoạt đầu, nó nằm ở nhà tù quận 2. Mấy anh Phục Quốc cưu mang nó, phả vào tâm hồn nó ý chí chiến đấu và lòng tin tưởng. Năm chẳng có gì để sợ hãi. Nó tiến tới vùng vằng, kiêu ngạo. Ít ra, nó đã biết yêu nước và làm lợi ích cho nhiều người.- Năm! - Một người tù gọi nó.- Dạ. - Năm thưa.- Cháu định làm to chuyện thật à?- Con bà Phước là hết sợ ai, chú ạ! Chiều nay các chú đừng ăn là cháu nổ.- Đồng ý.Buổi chiều, cơm vẫn đầy thóc như buổi sáng. Nhãi ranh phản động Năm lãnh đạo cả phòng chê ăn. Nó đặt miệng vào chấn song cửa, hét lớn:- Báo cáo cán bộ, tôi cần gặp cán bộ chấp pháp Dần!Nó báo cáo ba lần. Chấp pháp Dần ngồi ở văn phòng đầu dãy nhà khu C1, đi tới.- Ai báo cáo?Năm giơ tay:- Thưa chú, tôi.- Có việc gì?- Cơm đầy thóc tôi không nuốt nổi.- Đã báo cáo quản giáo chưa?- Thưa chú, buổi sáng đã báo cáo. Quản giáo Bàng gọi tôi ra làm việc, chửi tôi hỗn láo, bắt tôi làm kiểm điểm.- Đưa cơm xem nào!Năm đưa ca cơm của nó qua chấn song cửa. Chấp pháp Dần bốc nhúm cơm xem xét.- Đưa ca cơm khác.Chấp pháp Dần kiểm soát năm ca cơm rồi bảo can phạm đổ hết cơm vào thùng nhựa lớn. Ông cho gọi quản giáo Bàng, trưởng khu C1.- Đồng chí cho người ta ăn thế này sao?Quản giáo Bàng nói:- Trách nhiệm của quản lý cấp dưỡng không phải của tôi.- Đồng chí chưa báo cáo ban cấp dưỡng.- Tôi chưa nắm vấn đề.- Can phạm Năm đã báo cáo đồng chí buổi sáng rồi mà.Quản giáo Bàng ngậm miệng. Hắn nhìn nhãi ranh phản động bằng cặp mắt thù hận.- Tôi yêu cầu đồng chí can thiệp với cấp dưỡng đổi thực phẩm thay thế khẩn trương.Thực phẩm thay thế: Một thùng nước sôi và mỗi can phạm một gói mì ăn tạm. Hôm sau, cơm hết thóc. Cán bộ cấp dưỡng đến từng phòng hỏi xem cơm còn thóc không. Quản giáo Bàng bị thuyên chuyển. Cai ngục gian ác sang bên Chí Hòa. Chấp pháp Dần biểu diễn quyền uy và đóng kịch nhân đạo của đảng. Nhãi ranh phản động tuyên bố một câu hay ho: “Mình dùng Việt cộng đánh Việt cộng các chú, các bác ạ”! Phòng giam yêu mến Năm lắm nhưng sợ sự bạo mồm bạo miệng của Năm nhiều. Giám thị trại ghét Năm cay đắng. Chấp pháp Dần bênh nó. Năm lợi dụng chấp pháp để coi thường cai ngục. Chấp pháp Dần muốn tha Năm. Ông ta đã nghiên cứu hồ sơ của Năm. Khổ nỗi, tha Năm, chẳng biết Năm sẽ về đâu. Nó tứ cố vô thân. Đưa nó đi cải tạo với bọn trẻ vỉa hè là hợp nhưng Năm lại thuộc thành phần can phạm chính trị. Hội đồng chấp pháp họp phiên chót đưa ra một quyết định rất phù hợp đường lối của đảng: Lý lịch Trần văn Năm mù mờ, can phạm do Thiên Chúa giáo đào tạo, y theo tổ chức Phục Quốc phá hoại đảng ta, đợi khi đủ 18 tuổi, cho đi cải tạo với các can phạm chính trị khác! Chấp pháp Dần không dám có ý kiến nữa.Nhãi ranh phản động Trần văn Năm không hề biết đảng Cộng sản Việt Nam đánh giá nó là người của Vatican! Và đảng Cộng sản Việt Nam thì quên khuấy giáo điều của sư tổ Lénine: “Kéo dài thời gian cải tạo là hun đúc lòng căm thù của tù nhân”. Năm càng lớn càng thù hận Cộng sản. Một hôm, người tù chính trị lớn tuổi ngồi tâm sự với Năm chuyện Phục Quốc.- Em biết chị Nguyễn thị Lan không?- Cháu không biết.- Có nghe nói về chị ấy không?- Dạ, không ạ!- Chị ấy là học sinh trường Lê văn Duyệt, hoạt động Phục Quốc rất hăng.- Chị ấy bao nhiêu tuổi?- Mười tám.- Hơn cháu ba tuổi.- Cộng sản bắt chị ấy, bịt mắt chị ấy đem ra bãi bắn xử tử.- Nó giết chị Lan?- Ừ. Trước khi chết, chị Lan hô to khẩu hiệu “Việt Nam muôn năm”!Trần văn Năm run rẩy toàn thân. Nó nắm chặt hai bàn tay lại, rên rỉ:- Ước gì cháu được là chị Lan...Người tù vỗ vai Năm:- Em phải sống để trả thù cho chị Lan chứ?Năm gật đầu lia lịa:- Vâng ạ, vâng ạ...Người tù đã bịa chuyện người nữ phục quốc lên đoạn đầu đài. Ông ta không dè phản ứng của Năm mãnh liệt thế. Từ đó, người tù coi Năm như con, dạy dỗ Năm, chỉ dẫn Năm những điều cần thiết trên bước đường tù đày. Rồi, như mọi tù nhân khác, Năm bị chuyển phòng dài dài. Nó ở đủ bốn khu đề lao Gia Định. Nó đã gặp Đặng Hữu Trí, Lê văn Nam, Nguyễn Bảo Châu, Ngô Tỵ, Đặng Cơ Bản... Nó phục Đặng Hữu Trí sát đất. Đặng Hữu Trí kể nó nghe chuyện Đinh Vượng, Hoàng Sơn Trường... Năm thấy nó chưa đi đến đâu cả. Nó cần ghê gớm hơn thì mới trả thù cho chị phục quốc Nguyễn thị Lan được. Nó, Trần văn Năm, thằng bé mồ côi bị tống ra vỉa hè, bị truy lùng đến nỗi chạy lạc đường vào lịch sử. Nó vô tình làm lịch sử rồi nhiệt tình làm lịch sử. Không hiểu nên đặt nó là biểu tượng của cái gì. Nhưng ở khúc quanh của lịch sử dân tộc, một thằng bé vỉa hè đòi đi làm lại đất nước thì cũng đáng để cho những nhà ái quốc lưu vong, những con chuột ghẻ còn cố giành nhau gặm nhấm cái bức dư đồ đã rách bươm xấu hổ. Và nếu mắt thế giới đã sáng thêm một chút, họ sẽ tự hỏi lương tâm họ: Đến nỗi ấy cơ à, một thằng bé mồ côi vất vưởng cũng phải chống đối cộng sản đòi quyền sống cơ à? Bây giờ thì Năm là một biểu tượng tuyệt diệu: Biểu tượng của kẻ khố rách áo ôm chống chủ nghĩa vô sản, chủ nghĩa của kẻ khố rách áo ôm! Nghĩ cũng hay, thằng bé xuất viện mồ côi đi làm lịch sử ngay trên những vỉa hè oan nghiệt, đắng cay của quê hương nó. Còn những ông đại đức, những ông linh mục thì lại di tản, vượt biên lập chùa, lập nhà thờ để cầu nguyện vẩn vơ, để phô trương thanh thế, để lấy vợ đẻ con và để buôn bán.Trần văn Năm gần gũi Chúa Giêxu. Biết đâu chừng nó sẽ trở thành một Đấng Cứu Thế mới của dân tộc nó và của nhân loại. Hiện thời nó đang ước ao. Người công an chấp pháp tên Dần không hiểu nổi nó. Có lẽ, đảng Cộng sản đã hiểu nó. Mỗi năm, người ta đối xử với nó một khác. Mỗi năm, người ta nhìn nó một khác. Nhà tù là cơ hội sáng giá đối với Trần văn Năm. Dần dần, nó thấm thía đời sống. Nó biết kính trọng và biết khinh bỉ. Nó biết yêu thương và biết hận thù. Ba năm lưu lạc đề lao Gia Định, Năm đổi lốt niên thiếu. Nó cơ hồ con cua lột. Cái vỏ nhũn mềm đã rắn chắc và đôi càng của nó nguy hiểm. Một thằng nhóc mồ côi, thông minh, ngoan ngoãn, được một làn gió lạ thổi vào tâm hồn, được bao nhiêu tù nhân người lớn chỉ dẫn, gặp bao nhiêu sư tử lãng mạn, tất nhiên, nó đã là sư tử ra ràng đúng dáng dấp sư tử.Một buổi sáng tháng 11 năm 1978, chấp pháp của sở công an thành phố gọi Trần văn Năm làm việc.- Anh có biết anh can tội gì không?- Biết chứ.- Tội gì?- Phục quốc.- Anh mà cũng đòi phục quốc? Cái mặt anh cũng phục quốc à?- Cái mặt tôi không phục quốc, mặt nào xứng đáng phục quốc? Dĩ vãng tôi thơm tho, hiện tại tôi thơm tho, tôi sẽ làm được tương lai thơm tho cho mọi người.Chấp pháp sững sờ. “Nó không còn là thằng bé mồ côi rắc truyền đơn nhảm nhí nữa”. Người ta muốn gặp nó năm 18 tuổi xem thái độ của nó ra sao để tha nó về. Về rồi, nó sẽ vào thanh niên xung phong hay đi bộ đội. Bướng bỉnh nữa thì đi nông trường, công trường. Thế này là hỏng. Tư tưởng nó đã diễn biến không đúng ý muốn chính sách cải tạo.- Anh muốn ở tù mãi mãi à? Ba năm chưa thấm à?- Tôi còn muốn chết cho phục quốc nữa.- Anh sẽ được chết.- Tôi sợ gì chết.- Anh sắp chết.- Tôi mong.- Nhưng chết từ từ, chết dần chết mòn.- Sống mòn như các ông không hấp dẫn bằng chết mòn đâu!Người ta kết thúc vụ Trần văn Năm. Hồ sơ của nó khép lại và thay bìa xanh bằng bìa đỏ. Chấp pháp của sở ghi hàng chữ lớn trên bìa: “Cải tạo thêm 12 năm”. Mỗi mốc của tù nhân là ba năm. Trần văn Năm sẽ còn phải đi qua bốn mốc trên đường tù gian nan. Nếu nó thoát nỗi chết mòn sau khi qua bốn mốc thử thách, nó sẽ trở về năm 30 tuổi. Và lịch sử phải thay đổi với những người như Trần văn Năm.