Vòng quay

     ennngggg!
“Alô!”
“Mẹ à! Cuối tháng này nghỉ lễ nhiều nên con về, có lẽ sẽ ở nhà khoảng một tuần...”
“Con về bằng gì? Xa như thế đi tàu xe có kịp không?”
“Con đi máy bay mà mẹ...”
Người mẹ úp điện thoại xuống, lòng khấp khởi, đứa con gái lớn của bà lại sắp về thăm nhà, nó mới đi cách đây hai tháng chứ đâu, vậy mà chuẩn bị đã lại về nữa rồi. Nhà chỉ có ba mẹ con đàn bà con gái, đứa lớn đi làm ăn xa tận thành phố Hồ Chí Minh, đứa bé cũng học nội trú cách nhà vài chục cây số, thỉnh thoảng mới về. Một mình bà ngày ngày ra vào trong ngôi nhà rộng rãi dường như nhất làng, lui cui chăm sóc bầy gà mái, ổ chó đẻ và con mèo mướp. Nhiều lúc cảm giác không gian bao bọc quanh bà thật cô quạnh, già nua như tuổi của bà vậy.
Một hai năm nữa là bà đủ lục tuần, mắt đã mờ, chân đã mỏi. Mỗi lần đứng trước bàn thờ gia tiên, bà chỉ cầu mong có được sức khỏe và đứa con gái lớn mau chóng lập gia đình rồi sinh cho bà những đứa cháu thật kháu khỉnh, bà sẽ nuôi hết. Nhìn những người họ hàng bằng tuổi thậm chí kém bà đến cả giáp đều đã có cháu bồng bế, ríu rít vui đùa cả ngày, bà thèm lắm.

 

Thời trẻ bà cũng lông bông, ham bay nhảy, ngược xuôi khắp các miền đất. Lần sinh nở đầu tiên khi đã 33 tuổi, bé trai kháu khỉnh khiến bà hãnh diện vô cùng. Gần hai năm sau gia đình bà có thêm một bé gái dễ thương đẹp như tranh vẽ, cả khu xí nghiệp ai cũng mơ ước có được cái hạnh phúc của bà. Nhưng người chồng bội bạc nhẫn tâm hất đổ mọi thứ chạy theo kẻ khác khi đứa con út chưa dứt sữa. Bà bươn chải nuôi nấng hai con của mình trong cái thời buổi chuyển đổi kinh tế khắc nghiệt, đất khách quê người cuộc sống không dễ dàng chút nào. Bà cũng giỏi xoay sở, dù đã có những lúc tưởng mình không vượt qua nổi khó khăn, nhưng rồi hai đứa con cũng lớn lên, đến tuổi đi học, khỏe mạnh xinh đẹp như thiên thần. Người nào gặp cũng khen bà đẻ khéo, vốn dĩ nhan sắc bà không mặn mà cho lắm.
Gần bảy năm chạy theo người đàn bà khác, đức lang quân của bà thất cơ lỡ vận quay về xin tha thứ. Bà muốn cứng rắn kiên quyết từ chối ông ta, nhưng cuối cùng lại mềm lòng, bà là phụ nữ mà, không thể khác đi được. Sự yếu đuối đó khiến bà hối hận cả quãng đời còn lại.
Nghe lời chồng, bà cho đứa con lớn xuống thành phố đi học, tin tưởng rằng ông ta sẽ chăm sóc tốt cho con, điều kiện học tập ở thành phố cao cấp hơn và quan trọng: con bà không phải vượt năm, sáu km đường đèo dốc đến lớp. Bà không thể bỏ công việc kinh doanh hiện tại của mình nên một tháng đôi ba lần xuống thăm con. Xa cách và đi lại nhiều khiến bà mệt mỏi, chồng rủ rỉ tâm sự muốn bà dốc vốn cho ông làm ăn, chỉ một thời gian sẽ khấm khá, gia đình sẽ đoàn viên ở thành phố. Bà băn khoăn, rồi cũng đồng ý.
Hai tháng sau con trai bà nhập viện vì căn bệnh sốt rét. Hàng xóm kể thỉnh thoảng con bà bị cảm sốt nhưng ba nó cứ biền biệt ở đâu, có lần nhìn thấy nó ốm, run lẩy bẩy mà phải bò lê từ giường ra bàn lấy nước uống. Bà thấy chồng mình tệ thật, nhưng lu bu chăm sóc con bà không còn thời giờ trách móc, chỉ cầu mong con trai bà khỏe mạnh lại, bà sẽ đưa nó về ở bên cạnh bà, không để mẹ con ly cách nữa.
Nhưng rồi con bà ra đi, dự tính - mong mỏi - hy vọng của bà vỡ tan, đọng lại sau những dòng nước mắt là bất hạnh và đau khổ. Bà day dứt khôn nguôi vì không thể hoán đổi sinh mệnh cho con trai bà. Lá úa trên cành khóc thương lộc non vừa chớm nhú đã đứt nhựa sống rơi về cội nguồn. Đêm ngày tưởng nhớ về con, bà héo hắt giống thứ xác phàm không còn linh hồn tồn tại giữa đời.
Trong khi đó một mầm sống nhỏ nhoi đang hình thành trong bà. Mầm sống đó được gieo trước khi con trai bà qua đời hơn một tháng. Bà lại gắng gượng sống thật tốt vì thai nhi trong bụng, bà không dám nghĩ đó là sự bù đắp của ông trời nhưng có người mẹ nào mà không vì con? Đứa con thứ hai đến lúc phải đi học xa nhà, bà đóng cửa căn nhà của mình, chuyển xuống ở hẳn dưới thành phố.
Những biến cố tồi tệ liên tiếp xảy ra. Vợ và con riêng của chồng bà đột nhiên kéo đến ở chung nhà. Ban đầu bà thản nhiên đón nhận hết, như thể mình là người quá bao dung. Sống ở đời dứt tình còn nghĩa. Bà nghĩ đơn giản vậy, dẫu sao trước đây bà cũng là Nhi nhân khiến người vợ đó, những đứa con đó lìa xa chồng, cha của mình (mặc cho bà cũng là con mồi mắc vào cái bẫy trăng hoa của chồng bà).
Người vợ cũ biết mình không đứng ở đỉnh thượng phong nên có vẻ nhẫn nhịn biết điều, luôn tìm cách nhỏ to ngọt nhạt với chồng. Còn bà ôm nỗi đau mất con nên cáu bẳn mỗi lúc nhìn thấy ông, những lúc nóng cực điểm bà không ngại trách móc ông chính là kẻ đã giết chết con bà. Càng ngày, ngôi nhà nóng như có chiến sự.
Một hôm, con gái bà bị sốt. Bà dẫn nó đi lấy thuốc, về đến nhà cửa bị khóa, hành lý của hai mẹ con bà bị ném ở góc sân. Bà bị đuổi ra khỏi nhà chồng mình trong lúc con ốm, bản thân chuẩn bị đến ngày sinh nở. Đau và hận thấu tận xương tủy.
Bà vượt cạn một mình trong bệnh viện, là một bé gái giống con trai trước đây của bà như đúc. Trở lại cuộc sống trước đây, tài sản của bà bị thất tán gần hết vì chồng, một mẹ và hai con mưu sinh trong sự quý mến thương cảm của hàng xóm láng giềng. Mẹ già con cọc, cuối cùng bà quyết định trở về với nhịp sống yên bình nơi quê hương.
Thời gian như nước chảy mây trôi, thoáng chốc mười mấy năm qua đi, con gái lớn của bà tốt nghiệp đại học cũng đã ha năm, đứa bé cũng đã vào lớp 10. Cách đây một năm, đứa con gái lớn nằng nặc đòi nam tiến, bà biết nó gặp ưu phiền trong chuyện tình cảm nên muốn ra đi để những điều mới lạ xoa dịu nỗi đau lòng nên cũng ngậm ngùi gật đầu. Lòng bà lúc nào cũng chập chờn những âu lo về nó: đứa con gái ngang bướng, sốc nổi, nó thừa hưởng ở bà cá tính mạnh mẽ nóng vội. Bà sợ, xa nhà nó cũng sẽ gặp những đau khổ ngang trái như những sóng gió cuộc đời bà từng vấp.
Thường xuyên gọi điện về cho bà với giọng rất vui tươi và gửi tiền đều đặn hàng tháng khiến bà cũng bớt những đau đáu trong lòng về đứa con xa. Lần nào bà cũng ướm lời xem bao giờ nó tính lấy chồng mà chỉ toàn nghe tiếng cười xa vắng: “Ôi con không lấy chồng đâu mẹ!”. Họ hàng thân thuộc thì luôn mồm nhắc khéo bao giờ cho họ ăn cỗ. Đã qua lúc khó khăn phải lo cơm áo gạo tiền từng bữa, giờ đây đến lúc bà rầu rĩ vì con gái đã lớn mà chẳng nghĩ đến chuyện chồng con. Nó còn ham chơi quá mạng, chẳng khác gì bà ngày xưa.
Lần này nó về nhất định phải nằn nì nó thương lấy thân già của bà mà sớm trói chân lấy một thằng rể, rồi sớm sinh cháu cho bà bế, không để những người làng ác miệng thỉnh thoảng bóng gió bảo nhà bà vô phúc.

 

Nhi đang trên đường ra sân bay, chiếc điện thoại rung ầm ĩ trong túi, mẹ gọi hỏi chuẩn bị về đến đâu rồi? Nhi dặn mẹ ngủ sớm không phải chờ cửa, cô dự tính hơn 10 giờ tối ra đến Nội Bài, nhưng không về nhà ngay được, cô sẽ ở lại Hà Nội một đêm, sáng hôm sau về sớm. Quê Nhi cách thủ đô gần cả trăm cây, cô ra muộn như thế sẽ không còn xe để về nữa, mà vé máy bay ngày mai thì cháy rụi, cô không lấy được.
Máy bay cất cánh, Nhi ngồi chong mắt nhìn ra ô cửa sổ. Lần đầu tiên bay đêm, nhìn xuống thành phố những ánh đèn màu lấp lánh, lấp lánh xa dần, mây lấn lướt tầm mắt của Nhi. Cô tưởng tượng bây giờ mẹ đang hồ hởi kể với mọi người rằng ngày mai Nhi có mặt ở nhà, mẹ sẽ dự tính di chợ mua những gì để nấu cho con gái mình ăn, hoặc đang dọn dẹp lại nhà cửa chuẩn bị đón con về. Nhi thấy thương mẹ thật nhiều, ký ức về mỗi lần Nhi ngỗ ngược trái lời làm mẹ khóc ùa về dâng ngập lên sống mũi, cay cay. Trẻ dại - Nhi là một đứa bé hư. Lòng cô chùng xuống, băn khoăn, suy tính, không biết cô sẽ nói với mẹ như thế nào về những dự định của mình. Nhi không muốn mẹ phải buồn, phải lo lắng về cô nữa, nhưng những gì cô sắp muốn nói ra chắc chắn gây phiền lòng cho mẹ.
Một người bạn ra đón Nhi, anh bảo ngày mai phải đi công tác, không chở Nhi về được, nên sẽ đưa Nhi về nhà luôn. Nhi không điện về nữa, cho mẹ cô một bất ngờ.
Lối vào nhà Nhi còn một đoạn đường chưa làm, ôtô không vào được nên anh bạn Nhi quay xe về luôn. Nhi lững thững kéo chiếc vali qua đoạn đường đất hướng đến nhà mình. Đèn vẫn sáng qua ô cửa kính, mẹ vẫn chưa ngủ, đang nằm xem đĩa kinh phật, cả cô em gái cũng thức cùng mẹ, đã 1 giờ sáng rồi.
Mẹ và em gái ngỡ ngàng đón Nhi, bởi lòng đinh ninh sáng mai mới được gặp cô. Gần nghe tiếng gà gáy sáng cả nhà Nhi mới đi ngủ.

 

Ngày đầu tiên ở nhà, Nhi tỉnh giấc đã hơn 9 giờ. Mẹ đi chợ về được một lúc, cơm nước cũng nấu xong cả, giờ đang bày biện hoa quả lên bàn thờ. Lần nào Nhi đi xa về mẹ cũng làm thế, mẹ thắp hương cáo bạch trước tổ tiên, ông bà rằng Nhi trở về, khấn vái xin những người đã khuất phù hộ bao bọc cho Nhi khi đơn độc nơi xứ người. Nhi biết đến hôm cô đi, mẹ sẽ lại đứng trước bàn thờ cắm ba nén hương vào mỗi bát thay Nhi từ biệt cái thế giới mà những linh hồn người thân của gia đình cô trú ngụ.
Ăn cơm xong, Nhi chở mẹ ra bách hóa mua bánh trái để đi chào người thân. Một vòng họ hàng gần, hai mẹ con về đến nhà vừa lúc sắp phải ăn cơm chiều. Mẹ lui cui nấu nướng, Nhi lang thang hết mọi góc sân, nhớ những kỷ niệm thủa thiếu thời cực nhọc, tháng ngày ấy chỉ còn trong những lời kể chuyện.
Ở quê, giờ đi ngủ rất sớm, vừa hết chương trình thời sự mẹ mắc màn cho Nhi ngủ. Nhi bê cái máy tính vào trong màn, mở những đoạn phim cô quay lúc chiều cho mẹ xem. Mẹ chỉ cái đoạn mẹ đang thổi cơm bằng bếp rơm: “Cái bếp xấu thế mà cũng quay, nhìn mẹ thì nhếch nhác quá!”, “Như vậy mới có hồn quê hương chứ mẹ”.
Mẹ bắt đầu kể chuyện, từ chuyện to đến chuyện nhỏ: như chuyện mẹ là trưởng ban vận động làm đường của làng đi quyên tiền đến phát mệt hoặc chuyện mẹ mới bị trộm bắt mất mấy con gà tức ơi là tức; rồi từ chuyện xa đến chuyện gần: cụ thể như làng mình năm nay có khoảng bao nhiêu đám cưới, mẹ phải đi những đám nào rồi con nhà cậu nọ mới lấy chồng hồi tết giờ đã mang thai, con nhà dì kia thì lấy chồng một năm đã mới đẻ một đứa con trai... cuối cùng mẹ chốt lại một câu: “ Chúng nó toàn kém tuổi mày thôi đấy”. Sau khi kể chuyện mẹ chuyển sang phần ca: “Mẹ chả hiểu mày thế nào nữa, đẻ ra mày nhìn cao ráo, xinh xắn, học hành đàng hoàng tử tế, mà sao yêu đứa nào cũng bị nó bỏ, chẳng giữ chân được thằng nào cả? Mẹ thì già rồi, bây giờ còn khỏe mày mà lấy chồng sinh con mẹ còn có sức trông nom giúp, chứ vài năm nữa muốn bế đứa cháu cũng không nổi...”
Nhi cười nửa tinh quái, nửa ngây thơ con trẻ: “Mẹ thích có cháu bế thì mấy nữa con đẻ cho vài đứa, nhưng mà không lấy chồng mẹ nhé!”
Mẹ xầm mặt lại, tỏ vẻ hờn giận: “Vớ vẩn, phải lấy chồng tử tế chứ!”
Nhi định nói vài câu hài hước trêu mẹ, nhưng lại thôi, lúi húi chỉnh sửa những bức ảnh chụp lúc chiều. Nhi còn phải cho mẹ biết về chuyện của mình, nhưng bây giờ chưa phải lúc...
Ngày mai, Nhi sẽ lại xa quê. Một tuần trôi nhanh, mặc dù Nhi chỉ loanh quanh góc nọ góc kia trong nhà, không đi chơi bời ở đâu cả. Buổi tối cuối cùng, Nhi và mẹ nằm ôn chuyện linh tinh, chuyện xưa - chuyện nay, chuyện hàng xóm - chuyện họ hàng... ngày mai Nhi đi rồi, phải ít nhất nửa năm mới lại có cơ hội về thăm mẹ.
Đêm đã muộn, mẹ tắt điện bảo Nhi ngủ sớm mai còn chuẩn bị cho một hành trình dài. Mẹ vừa nằm xuống bên cạnh, Nhi bất giác cất tiếng:
“Mẹ, nếu con giống mẹ thì làm thế nào?” Nhi không biết mẹ có ngạc nhiên vì câu hỏi của mình hay không? Nhưng Nhi thấy mình cần phải nói, vì những dự tính ấp ủ trong lòng mà Nhi mới quyết định tranh thủ dịp lễ về thăm mẹ
“Lần này con về con muốn hỏi ý của mẹ về một chuyện... cũng hơi khó nói vì con sợ làm mẹ giận...” Giọng Nhi ngập ngừng dò ý mẹ, nghe tiếng mẹ cười gượng vì chưa bao giờ thấy con gái mình có vẻ nghiêm túc như thế: “Thì cứ nói đi...”
“Con yêu một người, nhưng người ấy không thể lấy con được... người ấy không thể cho con một gia đình, nhưng con vẫn yêu, vì con thấy người ấy xứng đáng được con yêu... con không biết sau này chuyện sẽ kết thúc như thế nào, nhưng nếu có chuyện gì sảy ra, xin mẹ đừng giận con....”
Nhi nói, rất chậm, để chờ phản ứng của mẹ, nhưng chỉ thấy sự im lặng, bóng tối đồng lõa với lời thú nhận của Nhi. Không biết mẹ nghĩ gì, vì Nhi không thể nhìn thấy vẻ mặt của mẹ. Cũng như mẹ không biết nét mặt lo lắng và ân hận của Nhi lúc này. Nhi sợ mẹ đau lòng, nhưng lời nói ra như tên bắn đi, không lấy lại được nữa. Rất lâu là bóng tối và im lặng. Nhi vòng tay qua bụng mẹ, khẽ gọi: “Mẹ...”, tiếng thở dài của mẹ đáp lại: “Thôi ngủ đi con”.
Sáng hôm sau, mẹ gọi Nhi dậy ăn sáng trước khi đi. Vẫn những thói quen lười biếng của một con mèo nhõng nhẽo níu Nhi nán thêm chút nữa trên giường. Mẹ đứng chông chênh trên cái ghế, chắp hai tay trước bàn thờ lầm rầm khấn vái. Nhi nghe không rõ mẹ cầu những điều gì, nhưng chắc chắn lý do chính để mẹ làm việc đó là Nhi.
Ăn uống xong xuôi, hành trang gọn gàng, chuyến bay ở Nội Bài sẵn sàng chờ Nhi trở lại với nhịp sống thường nhật. Lúc chia tay mẹ đứng ở cổng nói với Nhi: “Mẹ chỉ mong con sẽ không hối tiếc vì những lựa chọn của mình”. Nhi quay bước, cố níu những giọt nước mắt khỏi tràn lên mi. Nhi hạnh phúc vì được làm con của mẹ. Một niềm hạnh phúc lớn lao - một món quà tuyệt vời mà tạo hóa đã ban tặng cho Nhi.

 

Người mẹ đứng ở cổng nhìn hình ảnh đứa con gái mờ dần trong bóng nước. Cuộc đời của bà đang lặp lại với số phận của nó chăng? Đứa con gái tội nghiệp! Bà đã luôn nghĩ rằng cuộc sống của nó sẽ gặp nhiều tốt lành, sẽ đón nhận những may mắn, rồi sẽ tìm được một gia đình hạnh phúc, nhưng nó đã lại đang dẫm theo bước chân khi xưa của bà. Bây giờ ngăn cản nó cũng chỉ là vô ích, giống như bà ngày xưa... Thế hệ trẻ bây giờ khôn ngoan hơn rất nhiều, có lẽ nó đủ tinh nhạy để đánh giá và lựa chọn tương lai cho mình, có lẽ nó sẽ không phải ân hận nhiều như bà đã từng. Niềm hi vọng nhỏ nhoi đột nhiên bùng cháy lên, bà nghĩ mình cần phải lạc quan hơn, để sống vui vẻ khỏe mạnh cho con cái bà an lòng. Bà phải sống khỏe để còn có sức làm việc thiện và cầu nguyện cho con cái bà những điều tốt đẹp chứ. Bà đã từng vượt qua bao nhiêu khó khăn, thử thách, bão gió của đời người, giờ đây bà vẫn đủ dũng khí đối mặt bất cứ sự trêu ngươi nào của tạo hóa. Con gái bà nhất định cũng sẽ được bình an. Dẫu rằng cuộc sống đã kéo nó vào một vòng xoáy giống bà xưa kia. Lặp lại. Nhưng là sự tiếp nối, lăn tròn vẹn về phía tương lai...