Chương 9
Chiếc chìa khóa bí mật

    
ăn Bình vòng vào đaị lộ Lỳ thường Kiệt rồi lái từ từ ra vườn hoa Cửa Nam.
Chương trình đêm nay của chàng tạm xong, chàng định trả xe rồi về phòng kéo một giấc ngủ đến sáng. Tiếng máy êm ái của chiếc Moskwich làm chàng bằng lòng. Mặc dầu có bốn máy và 1.358 phân khối, và bốn tốc lực như chiếc Simca của Pháp, chiếc Moskwich của Z.62 lại chạy rất nhanh như xe đua.
Đến trước cửa hàng mậu dịch quốc doanh ở vườn hoa, chàng đậu lại, cất chìa khóa công tắc xuống dưới chân, sửa soạn bước xuống. Bỗng chàng nhận ra một bóng đen từ vỉa hè tiến lại.
Chàng khựng người, đặt tay vào khẩu Nagan. Nhưng người lạ đã cất tiếng :
-Chào đồng chí Liêm. Bác sĩ Minh đây.
Câu nói này là một phần ám ngữ hồi tối chàng trao đổi với nhân viên của Z.62 mang xe cho chàng ở chợ Hôm. Người đàn ông gày gò, nét mặt lì lợm, mở cửa xe, chui vào phía tay, giọng nhỏ nhẹ :
-Tôi đây. Gớm đợi anh hơn một tiếng đồng hồ.
Văn Bình ngồi xê sang bên :
-Anh dặn tôi đậu xe ở đây rồi về nhà kia mà.
-Vâng. Nhưng Z.62 lại ra lệnh cho tôi chờ anh để đưa anh tới trụ sở.
-Z.62 muốn gặp tôi.
-Vâng. Có chuyện gấp.
-Gặp ở đâu ?
-Tôi không biết. Tôi chỉ có nhiệm vụ chở anh tới hẻm Gia ngư.
Văn Bình ngồi yên, lặng lẽ hút thuốc lá.
Chàng thầm khen tổ chức của Z.62. Vũ Kính cũng không liên lạc trực tiếp với Z.62 và người này cũng vậy. Đề phòng bại lộ, Z.62 đặt ra một hệ thống trung gian, mỗi nhân viên dưới quyền chỉ được biết một phần công việc.
Xe chạy đến giữa hẻm Gia ngư thì đậu lại.
Tứ phía tối om.
Văn Bình thấy phía trước một cái xe hơi đen, đèn đỏ đằng sau nháy lên hai cái rồi tắt. Người lạ nói với chàng :
-Thôi, chào anh. Hẹn anh lần khác. Chiếc Vônga đậu phía trên sẽ đưa anh tới trụ sở bí mật.
Chàng tiến nhanh lại chiếc Vônga, cửa sau đã mở sẵn. Tài xế chờ chàng đóng cửa rồi lái đi, không hề nhích mép. Đã quen với xe hơi phía sau bức màn sắt, chàng nhận ra đây là chiếc Vônga M-21 (1), một loại xe khá lớn, 2.448 phân khối –nghĩa là bằng Mercédès 250 của Đức- sang số tự động, được ráp tại xưởng Gọtki, Nga sô.
Xe chạy gần năm phút, đã hết đường Cửa Đông mà tài xế vẫn câm như thóc. Chàng bèn gợi chuyện :
-Đi đâu hả anh ?
Tài xế cất tiếng đáp làm chàng giựt mình :
-Tôi không phải là « anh » mà là « cô ».
Thì ra tài xế là phụ nữ. Giọng nàng êm êm như tiếng ru ngủ của các cô gái phòng trà thanh lịch ở Đông kinh. Văn Bình ồ lên một tiếng để tỏ sự kinh ngạc.
Chàng gạ gẫm :
-Ồ, tôi không ngờ ở Hà nội lại có đàn bà lái xe giỏi như thế.
Nàng phì cười :
-Em nghe danh anh lâu rồi. Z.62 dặn em không được trò chuyện với anh.
-Vì sao?
-Vì anh là tay tán gái nguy hiểm nhất.
-Chắc Z.62 lại ghen rồi.
-Anh lầm.
Chàng định phản đối thì nghe tiếng còi huýt. Tài xế thắng lại. Xe hơi vừa qua bót cảnh sát Hàng Dậu.
Từ trên xe díp đậu sát lề, một nhân viên công an nhảy xuống, chạy tới, trên tay lăm lăm khẩu súng tiểu liên Tiệp khắc K-50. Văn Bình chột dạ, chuẩn bị phản công.
Người công an hỏi:
-Xe của ai đấy?
Tài xế đáp, ỏn ẻn:
-Các anh điên rồi sao? Thử nhìn bảng số xem xe của ai rồi hãy chặn lại.
Người công an nói:
-Tôi nhìn rồi. Đây là xe của đại sứ quán Trung quốc.
Thiếu nữ nhún vai:
-Vậy anh đứng xê ra cho xe tôi chạy. Anh có biết chặn xe của đại sứ quán Trung quốc sẽ xảy ra hậu quả nào không?
Người công an liếm mép:
-Xin lỗi đồng chí.
Rồi y tiu nghỉu như mèo cắt tai, trở về xe díp. Thiếu nữ tống thêm ga, lên đường Hàng Than. Văn Bình hỏi nàng:
-Có thật xe của tòa đại sứ Trung cộng không cô?
Nàng cười:
-Nó thật như tên anh là Tăng Minh và tên em là Nguyệt Thanh vậy.
-Nhỡ họ chặn liều lại thì sao?
-Họ không dám đâu. Tòa đại sứ Trung cộng là ông trời con ở đây. Công an sợ họ một phép. Vả lại, em đã mang sẵn giấy tờ. Họ đã chặn em nhiều lần rồi, lần nào họ cũng xin lỗi em.
-Cô nói giọng lơ lớ, chắc không phải người Hà nội. Cô ra đây từ bao giờ?
-Bí mật nghề nghiệp.
-À, cô ở lại sau hiệp định Giơ neo phải không?
-Em đã bảo là bí mật nghề nghiệp mà. Anh hỏi lôi thôi lắm. Để em mách với Z.62.
-Hừ, lát nữa tôi sẽ tặng cho y một quả đấm.
Nàng cười ngây thơ :
-Em chỉ sợ anh không dám dơ tay lên thôi.
-Cô có đánh cuộc với tôi không ?
-Đánh cuộc thế nào ?
-Nếu tôi đấm Z.62 một cái, cô sẽ phải cho tôi …
-Em biết anh muốn gì rồi. Được, em sẽ bằng lòng cho anh hôn.
-Vào môi.
-Dĩ nhiên. Chẳng lẽ lại hôn vào mũi.
-Hôn hai cái cô chịu không ?
-Hai, chứ năm cái, em cũng bằng lòng. Nhưng nếu anh thua ?
-Tôi sẵn sàng ăn đòn.
-Anh giỏi võ lắm, đánh anh chỉ tổ đau tay em.
-Vậy cô muốn gì ?
-Em chỉ muốn anh hôn con mèo tam thể của em. Một con mèo cái. Nó xinh lắm.
-Ồ, tưởng gì khó khăn, chứ giản dị như thế thì tôi xin ký cả hai tay.
-Anh đừng vội cho là giản dị. Nhục lắm, anh ạ. Nếu các cô Sàigòn biết chuyện anh hôn mèo cái thì cả đời anh sẽ không dám tán tỉnh nhăng nhít nữa. Thôi, em không muốn hạ nhục anh. Em bằng lòng cho anh rút lại lời cam kết.
Văn Bình bực mình hết sức. Hồi ở Sàigòn, Quỳnh Loan đã xỏ chàng một vố suýt chết, suốt đêm nằm còng queo trong bót quận ba với muỗi rệp. Bọn con gái trong ban Biệt vụ đã cười chàng có lẽ đến thế kỷ sau mới hết. Lẽ nào chỉ đấm Z.62 một cái rồi được ôm hôn mỹ nhân mà chàng chịu thua. Trừ phi Z.62 là một võ sĩ vô địch thế giới về hạng nặng, kiêm thêm chức vô địch nhu đạo. Xét ra chàng không đến nỗi tồi về võ thuật. Dầu Z.62 ba đầu sáu tay, và am tường cả chưởng phong, chàng cũng đấm được y một cái. Chà, đấm xong rồi kéo người đẹp vào lòng, cho đôi nhũ hoa áp vào vai, trước khi từ từ cúi xuống hôn thật mạnh vào cặp môi hàm tiếu.
Bất giác chàng nhìn vào gương chiếu hậu.
Nửa khuôn mặt trái soan của Nguyệt Thanh in lên trên, đôi mắt to và sáng long lanh dưới làn mi dài cong vút, cái mũi dọc dừa như nặn, và cái miệng ( chao ôi, miệng của nàng đẹp đến nỗi một cuốn trường thiên lục bát như Kim Vân Kiều, một thi bá như Nguyễn Du cũng tả không hết ) lúc nào cũng hé ra như muốn đòi hôn.
Nàng mặc áo kín cổ nên chàng không thấy gáy và vai, song chắc nàng có thân hình trắng trẻo và đều đặn. Nàng phải là nhân viên cừ khôi của ban Biệt vụ.
Nguyệt Thanh lái vào một biệt thự mênh mông. Nàng phóng qua cửa cổng mở rộng vào trong.
Chàng hỏi :
-Khiếp, ngôi nhà lớn quá.
Nàng cười :
-không phải của Z.62 đâu. Đây là nhà công của chính phủ Hà nội.
Xe chạy thẳng vào ga ra. Chàng thấy ba cái xe khác đậu sẵn. Nguyệt Thanh mở một cửa hông trong nhà xe.
-Mời anh.
Chàng giựt mình khi thấy một con đường hầm. Nguyệt Thanh nói :
-Bậc đá hơi trơn, xin anh cẩn thận. Em không thể bật đèn sợ lộ. Bên cạnh là một trại lính. Cả thảy có 17 bậc. Z.62 cho làm 17 bậc để nhắc nhân viên nhớ tới vĩ tuyến 17 chia đôi hai miền Nam Bắc.
Văn Bình bước xuống. Nguyệt Thanh bấm một cái nút bí mật, cánh cửa nhẹ nhàng đóng kín lại. Lúc ấy nàng mới vặn đèn, tuy nhiên ngọn đèn quá yếu, chỉ tỏa ra một ánh sáng lờ mờ.
Một tiếng nói vọng lên :
-Ai đó ?
Nguyệt Thanh đáp :
-Mùa thu.
Một ngọn đèn khác bật lên. Văn Bình đặt chân xuống nền gạch khô ráo.
Chàng nhận ra một nhà hầm lớn, tường đúc bê tông. Một người đàn ông để râu mép, mặc binh phục Bắc Việt, cầm tiểu liên, chạy lại. Thấy chàng, y chìa bàn tay :
-Chào anh. Z.62 đang đợi anh trong phòng.
Y đứng sang bên cho Văn Bình và Nguyệt Thanh bước qua một cánh cửa hình tròn. Bên trong là một căn phòng nhỏ, có ghế ngồi, tứ phía toàn máy móc dị kỳ. Nguyệt Thanh kéo ghế:
-Mời anh chờ một phút. Em vào báo cáo xong rồi đưa anh vào.
Văn Bình bắt chân chữ ngũ, phì phèo điếu Salem. Tuy ở dưới hầm, không khí vẫn dễ thở. Nguyệt Thanh bước ra, thấy chàng hút thuốc bỗng tái mặt:
-Chết. Ở dưới này không hút thuốc được đâu. Anh dụi đi kẻo nguy to.
-Cô sợ hỏa hoạn à?
-Vâng. Phòng này đựng toàn chất nổ và vật dễ bắt lửa. May quá, nếu anh đãng trí tung tàn thuốc vào góc phòng thì đã nổ toang cả rồi.
Văn Bình dẫm lên trên mẩu thuốc cháy dở. Ngoan ngoãn, chàng theo Nguyệt Thanh vào phòng trong. Chàng trù định khi gặp Z.62 sẽ đấm nhẹ một cái vào bụng y, nếu y ngạc nhiên thì sẽ cười trừ và nói:
-Xin lỗi anh.
Nụ cười trên môi chàng tắt ngúm khi chàng được đối diện Z.62. Nguyệt Thanh lôi áo chàng, riễu cợt:
-Z.62 đấy. Anh đấm đi.
Văn Bình chết đứng như Từ Hải. Một lần nữa, chàng bị con bé 18 tuổi cho vào xiếc. Trên đời, chàng có thể đấm mọi người, song không dám đấm Z.62.
Vì Z.62 là đàn bà.
Một thiếu phụ già, da mặt răn reo, tóc bạc phơ. Bà già đang cầm trên tay khẩu súng vội đặt xuống bàn, một cái bàn mộc xiêu vẹo, trên để một cái máy vô tuyến và ba quả lựu đạn. Thiếu phụ nheo đôi mắt sau làn kính dày cộm :
-À, Z.28. Chào anh.
Văn Bình chôn chân, miệng cứng lại như bị gắn hàm thiếc. Chàng lúng búng :
-Chào bà … Z.62 … Thú thật, tôi không ngờ.
Thiếu phụ nói, giọng hiền hậu :
-Anh không ngờ Z.62 là đàn bà chứ gì ? Anh thua cuộc rồi. Rõ con Nguyệt Thanh đáo để thật.
Văn Bình nhìn thẳng vào mắt thiếu phụ :
-Thưa, cô Thanh đã trình với bà phải không? Tôi xin chịu thua.
Nguyệt Thanh xen vào:
-Ồ, ông phải hôn con mèo cái của em rồi.
Thiếu phụ quát:
-Con nhãi, mày phá vừa vừa chứ! Mày có chịu tạ tội với ông bạn của tao không nào.
Văn Bình ngơ ngác không hiểu sao thì thiếu phụ tiếp:
-Con dại, cái mang, xin ông thể tình cho. Nó là con gái ruột của tôi và nghịch như quỷ sứ.
Rồi bà thở dài:
-Không biết trời cho tôi sống bao lâu nữa. Tôi chỉ còn mụn con cuối cùng này thôi. Sinh được bốn đứa, ba trai một gái, thì ba đứa trai bị chết vì công vụ.
Chợt nhớ lại một mẩu tâm sự mà ông Hoàng nói với chàng cách đây đã lâu, Văn Bình tần ngần:
-Thưa bà, phải chăng bà là bà Hoa, bạn thân của ông Hoàng hồi còn trẻ?
Mắt bà lão trở nên mơ màng:
-Phải, tên thật của tôi là Hoa, Huyền Hoa. Tên thật ông Hoàng bắt đầu bằng chữ Ng, chắc ông đã biết. Hoa và Ng, thêm dấu huyền là Hoàng. Ông ấy lấy bí danh là Hoàng như là một quà biếu người bạn cố tri gần nửa thế kỷ trước.
-Thưa, ông Hoàng năm nay đã trên sáu mươi rồi.
-Tuổi thật 65. Ông ấy hơn tôi 7 tuổi. Năm nay tôi 58. Tôi với ông Hoàng là người đồng hương. Quê chúng tôi ở Cái Bè, trên đường Mỹ tho, xứ sản xuất cam ngọt, anh đã biết. Hồi nhỏ, chúng tôi đi học cùng trường, cả hai đều giỏi toán. Chúng tôi lên Sàigòn tiếp tục trung học.
Trong thời gian này, ông Hoàng đưa tôi gia nhập một tổ chức chống thực dân, đòi độc lập. Ông Hoàng phụ trách ban tình báo, tôi là phụ tá, chúng tôi có khiếu tình báo từ nhỏ. Đại chiến thứ nhất xảy ra, tổ chức bị vỡ, ông Hoàng xuống tàu trốn sang châu Âu. Chúng tôi hẹn nhau gá nghĩa trăm năm, song vì hoàn cảnh gia đình tôi phải lấy chồng. Khi ông Hoàng trở về, tôi đã thành gia thất.
Từ đó, ông Hoàng phiêu bạt khắp bốn phương trời. Sau đó, tôi được tin vợ ông đã bị hạ sát trong một vụ thanh toán quốc tế tại Ba lê. Rồi ông Hoàng về nước, điều khiển ngành gián điệp. Nhà tôi cũng tạ thế, nhưng chúng tôi đã lớn tuổi, công việc quốc gia lại nặng nề nên không dám nghĩ tới chuyện vợ chồng nữa. Triệu Dung được gọi về Sàigòn, tôi bèn xin ra ngoài này lãnh đạo phong trào. Từ bao năm nay, tôi không hề thổ lộ đời tư cho cộng sự viên biết. Anh là người đầu tiên, vì ông Hoàng coi anh như con. Tôi ở Hà nội, bị địch vây tỏa tứ bề, song vẫn hoạt động được. Con Thanh làm thư ký riêng cho tôi, cũng như cô Nguyên Hương đối với ông Hoàng.
-Thưa. Cô Thanh bao nhiêu tuổi?
-25. Trông nó trẻ như con gái 18. Nó phải cái tính nghịch tinh thôi, còn công việc thì giỏi lắm. Về võ nghệ, nó vào hạng khá, nhiều phen không có nó đi theo tôi đã mất mạng.
Thiếu phụ cầm khẩu súng lên ngắm nghía:
-Thôi, chuyện hão mãi, mất thời giờ. Sở dĩ tôi cho mời anh đến đây vì có việc cần. Lẽ ra khi anh đến Hà nội, tôi cho nhân viên tới gặp anh ở Bờ Hồ, song vì một chuyện bất ngờ xảy ra ở Vọng các, chương trình tiếp xúc phải bãi bỏ. Môrít đã tử nạn rồi, anh biết không?
Văn Bình bàng hoàng:
-Thưa bà, không.
-Vào phút chót, trước khi anh lên phi cơ, Môrít khám phá ra việc Saratiên lợi dụng Tăng Minh để mang một mật thư ra Bắc Việt. Anh ấy hạ sát Saratiên và bị trúng đạn. Nếu Môrít chịu vào bệnh viện gắp đạn thì không chết, đằng này lại cố về nhà đánh điện báo cáo tự sự với ông Hoàng. Vì Môrít sợ trì chậm, địch sẽ phăng ra anh ở Hà nội.
Văn Bình ngồi im, nét mặt buồn rầu. Trong đời gián điệp, chàng đã mất nhiều người bạn thân nhưng cái chết của Môrít đến đột ngột và đau sót. Thiếu phụ nói tiếp:
-Biết địch bố trí người chờ anh ở Trạm 4 để lấy tài liệu, tôi phải ra lệnh cho Vũ Kính tiếp xúc thẳng với anh. Kết quả là Sáu Ngọt và Lệ Mai bị loại trừ. Đêm nay hay ngày mai, tôi tin là địch còn tới nữa. Tôi báo anh biết để liệu đối phó.
Hai cái chết xảy ra trong một đêm làm địch bối rối. Tôi lo Vũ Kính sẽ bị lộ, nên từ phút này Kính không liên lạc với anh nữa.
-Rầy rà quá. Việc gì phải trá làm Tăng Minh, đáp máy bay từ Vọng các ra Hà nội để gặp bao nhiêu phiền phức. Giá ông Hoàng cho tôi nhảy dù xuống có tiện hơn không?
Thiếu phụ nhấc mục kỉnh:
-Có lẽ ông Hoàng chưa cho anh biết phần cuối của kế hoạch. Hiện nay ta có một số người cần đưa về Sàigòn. Khi phi cơ từ giã Hà nội, người của ta sẽ giả làm nhân viên phái đoàn. Việc đánh tráo rất dễ vì Vũ Kính được chính quyền Bắc Việt cử ra để đám trách an ninh cho phái đoàn. Nhất cử lưỡng tiện, ta vừa đưa được người về, vừa thủ tiêu được một số nhân viên của địch. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận là khi đề ra kế hoạch kể trên, ông Hoàng không ngờ có vụ Tăng Minh. Việc phiến loạn Thái nhờ Tăng Minh chuyển mật thư ra Hà nội đã làm kế hoạch của ta bị đảo lộn. Chính vì thế ông Hoàng đã ra lệnh cho anh phải hoàn thành công tác trong vòng 72 giờ đồng hồ. Nội đêm mai, ông Hoàng sẽ chờ anh ngoài khơi trong tàu ngầm, đề phòng anh bại lộ.
-Ngoài này đã có nhiều nữ nhân viên giỏi, việc gì phải đưa thêm Quỳnh Ngọc ra nữa?
-À, cô Ngọc có hai nhiệm vụ : thứ nhất, tiếp tay với anh trên đường về, thứ hai, ru ngủ trưởng phái đoàn Phạm Bài, một kẻ khá nguy hiểm. Phạm Bài đã hạ sát một số nhân viên của ta ở Thái Lan. Một mũi tên bắn hai con chim, ta sẽ nhân cơ hội bắt y hoặc giết y.
Văn Bình vuốt mớ tóc xõa xuống trán:
-Tôi bắt đầu hiểu rõ rồi. Bây giờ bà muốn tôi làm gì?
Thiếu phụ nói:
-Tài liệu anh lấy được đâu, đưa cho tôi.
Văn Bình đặt lên bàn hai tập hồ sơ. Mắt thiếu phụ sáng lên:
-Sáng mai, phủ Thủ tướng sẽ nhận được bản sao tài liệu này. Đó là bằng chứng cần thiết để loại trừ Phan Mỹ.
-Nếu họ không bắt Phan Mỹ thì sao?
-Anh yên tâm. Hai phe thân Tàu và thân Nga chống nhau dữ dội lắm, có thể ăn tươi nuốt sống nhau được. Dưới áp lực của đại tá Kamốp, Phan văn Đồng và Võ nguyên Giáp  phải cho bắt Phan Mỹ.
-Nếu Phan Mỹ bị bắt?
-Thì Truờng Chinh, Nguyễn chí Thanh và sứ quán Trung cộng sẽ ra mặt phản đối, hoặc ít ra đá ngầm phe thân Nga. Sở dĩ ông Hoàng cử anh ra đây vì anh là tay bắn giỏi nhất Sở. Anh có nhiệm vụ hạ sát một số nhân vật thuộc hai phe để đổ thêm dầu vào lửa.
-Đêm nay, tôi vừa giết 8 nhân viên Smerch rồi.
-Tôi biết.
-Thưa, tại sao bà biết?
Thiếu phụ cười:
-Tôi đã cho nhân viên theo dõi anh. Tám người của Smerch bị giết, thế tất Kamốp sẽ nghi Phan Mỹ. Nội ngày mai, họ sẽ ra lệnh bắt y. À, ông Hoàng vừa cho tôi biết anh bắn súng tài hơn trước nhiều. Đó là điều may.
Văn Bình ngồi nghe, toát bồ hôi. Thảo nào ông Hoàng sai Quỳnh Loan lái xe cán chàng để xem phản ứng, và bắt chàng biểu diễn tác xạ.
Thiếu phụ quay lưng, kéo tấm riềm màu xám, cùng màu với tường, để lộ ra cái tủ lớn, không có cửa, bên trong để toàn súng. Súng ngắn, súng dài, súng tiểu liên đủ cỡ của Nga sô và Trung cộng.
Thiếu phụ bưng hai khẩu súng trường đặt lên bàn và hỏi Văn Bình:
-Anh biết súng gì không  ?
Chàng  quan sát kỹ 2 khẩu súng chế tạo tại Nga sô, khẩu nào cũng dài ngoằng và gắn ống viễn kính để bắn xa:
-Thưa, một khẩu MN và một Tôkarếp (2)
Thiếu phụ xoa tay có vẻ mãn nguyện:
-Tài lắm. Chỉ có anh mới biết xử dụng các loại súng do phe cộng sản chế tạo. Anh em ở đây chỉ vào mức trung bình. Súng đã lạ, mục phiêu lại cách xa một, hai trăm thước, lại chỉ được bắn một phát thôi. Phi anh, không ai có thể làm nổi. Anh định dùng khẩu nào?
Chàng lắc đầu:
-Loại súng trường này có cái lợi là dễ nhắm, và bắn xa được, bì đạn chứa 5 viên, to và dài, trúng vào người là mất mạng. Song tôi thấy cồng kềnh và chậm chạp lắm. Mặt khác, hai khẩu này đã được chế tạo từ hơn một phần tư thế kỷ, không sánh nổi các võ khí hiện thời. Súng trường của bộ binh Sô viết được coi là kém nhất thế giới. Nếu có thể, xin bà cho tôi một khẩu tiểu liên nhỏ.
Thiếu phụ bưng 5 khẩu tiểu liên để trước mặt Văn Bình:
-Anh tha hồ chọn. Tôi còn có cả trung và đại liên. 5 khẩu tiểu liên này đều bắn đạn 7,62 ly. Khẩu 34/38 chứa 25 viên, khẩu PPD 1940 (3) băng đạn tròn chứa 71 viên, khẩu PPSh 1941 (4) chứa 71 viên, khẩu Sudarếp PPS 1942 (5) cán gập, băng đạn chứa 35 viên, và sau cùng khẩu PPS 1943.
Không suy nghĩ, chàng đáp ngay:
-Tôi xin lãnh một trong hai khẩu sau cùng. Các khẩu kia có tầm bắn xa, từ 50 đến 500 thước, xa gấp đôi khẩu PPS, song lại nặng tới 4 kilô, lại hơi dài. Súng PPS không có báng gỗ, có thể giấu trong người. Giữa hai kiểu PPS 1942 và 1943, tôi chọn loại sau.
-Súng PPS 1943 tiện đấy, song theo tôi, nó hơi dài. Cách khẩu PPD và PPSh tuy dài thật, báng lại bằng gỗ, có thể cắt ngắn. Cả nòng và báng dài 0m75, cắt nửa cái báng đi, còn lại nửa thước. Anh nghĩ thế nào?
-PPS là súng của binh chủng nhảy dù Sô viết, bắn rất chính xác. Tôi có thể cưa cho ngắn đi 20 phân.
-Thế thì được. Tôi cho lau dầu lại, và đưa cho anh khi cần đến. Bao giờ anh gặp lại cô Vương Lệ?
Văn Bình sửng sốt:
-Trời, sao bà biết?
-Anh đừng quên tôi là phụ tá của ông Hoàng. Tính mạng anh rất quý, ông Hoàng đã ra lệnh cho tôi đình chỉ mọi công việc, dốc toàn lực vào việc bảo vệ và giúp đỡ anh.
Chàng thở dài nhè nhẹ:
-Thưa bà, Vương Lệ hẹn tôi đêm mai.
Thiếu phụ đứng dậy:
-Có lẽ tôi còn có dịp trò chuyện với anh nữa. Thôi anh về, Nguyệt Thanh lái xe cho anh.
Văn Bình cảm thấy phải hỏi một câu để thỏa mãn tính tò mò cố hữu:
-Thưa, ngôi nhà này là của ai?
-Của ủy ban thành phố. Người ở trong nhà là một viên chức cao cấp trong Đảng và Nhà nước. Họ đi Đồ sơn nghỉ mát cuối tuần rồi. Họ có 2 gia nhân. Gia nhân đều là nhân viên thân tín của tôi. Chiếc Vônga anh đi lúc nãy là của nhà nước. Tôi cho thay bảng số luôn luôn. Trong xe có một thùng thuốc nổ cực mạnh. Chỉ ấn nút ở táp lô là xe nổ tung.
Nguyệt Thanh đã đứng ở ngưỡng cửa.
Ngắm nàng, Văn Bình tê tái cả lòng. Bộ ngực căng cứng của nàng chứng tỏ nàng là con gái tân, chưa hề bị đàn ông tàn phá. Tuy nhiên, trước mặt bà mẹ, chàng không dám giương đôi mắt hau háu để bóc trần thân thể cân đối, nõn nà của cô con gái rượu.
Hai người đi sát nhau ra ngoài.
Mùi hương da thịt của nàng thơm thơm như có chất men. Lúc Văn Bình lên tới nhà xe, tứ phía vẫn còn đen ngòm và vắng tanh. Chàng hỏi nàng:
-Quái, nhà của viên chức cao cấp sao không có người gác thế này?
Nàng cười ngây thơ:
-Có chứ, anh không nhìn ra đấy thôi. Họ đều núp trong bụi rậm. Ngoài ra, còn có ba con bẹt giê kinh khủng nữa. Chúng chạy thật nhanh mà không gây ra tiếng động, khi nghe được thì cuống họng đã bị cắn đứt lìa.
-Bẹt giê ở đâu?
-Người gác nhốt lại rồi. Anh là thượng khách nên không muốn bọn bẹt giê làm phiền.
-Người gác là nhân viên nhà mình à?
-Dĩ nhiên. Nếu không anh đã được ăn một băng đạn tiểu liên. Ồ, họ bắn tài lắm, cách xa 20 thước có thể bắn tắt ngọn nến.
Gió đêm trên đê Yên phụ quạt nhè nhẹ vào da thịt chàng. Nàng lái từ từ, dáng điệu khoan thai như người dạo mát. Chàng phàn nàn :
-Giá tôi được ngồi cạnh cô thì vui biết mấy.
-Không được đâu. Em phải làm tài xế. Vả lại, má em dặn kỹ. Em sớ rớ đến anh, bà đánh chết.
-Mẹ nào đánh chết con được.
-Hừ, anh chưa biết đấy thôi. Má em giỏi nhu đạo lắm. May anh không đấm bà ấy, chớ lơ mơ thì gãy xương tay. Em nghe tiếng anh giỏi nhu đạo, song má em đã học được nhiều miếng kỳ lạ. Ôi chao, khi nào má em nổi xung, phát cho một cái vào mông thì cả tuần phải nằm xấp.
-Để tôi xoa mông cho đỡ đau.
-Xấu hổ chưa, ai cho phép anh đụng vào mông em.
-Thì cô cho vuốt má vậy.
-Lại nguy hơn nữa. Má em dặn nếu son trên môi bị nhạt, nghĩa là em hôn anh, sẽ phải ăn đòn. Anh biết không ? Son phấn ở đây chỉ bán chợ đen, dân thường không tài nào mua được. Mọi ngày, má em vẫn cho em dùng tự do. Từ chiều nay, bà ấy cất thỏi son đi.
Xe hơi đã chạy hết đường Cửa Đông. Nàng đậu lại :
-Chỗ này tối, anh xuống đi rồi đi bộ về Hàng Mành.
Lợi dụng trời tối, chàng nhỏm dậy vòng tay qua cổ nàng, giọng thân mật :
-Nguyệt Thanh phải đền tôi đi.
-Đền gì anh ?
-Lúc nãy cô làm nhục tôi, giờ đây cô phải cho tôi hôn đền.
Nàng giẫy nẩy :
-Chết, anh đừng hôn vào môi em.
-Tôi hôn vào cổ nhé. Cô có cái cổ đẹp quá.
Nàng ngửa cổ cười khúc khích. Chàng hôn vào, nàng co rúm người lại trong khoái cảm vô biên. Chàng kéo toạc hàng cúc bấm, vạt áo trước của nàng mở toang, bên dưới nàng không mặc gì hết. Qua bóng đêm mờ mờ, da thịt nàng hiện ra trắng như tuyết. Chàng ôm ghì lấy nàng song nàng gỡ ra :
-Từ trước đến nay, anh làm như vậy mấy trăm lần rồi ?
Chàng sững sờ, không thốt được một tiếng. Nàng tiếp, giọng âu yếm :
-Thú thật, từ thuở cập kê đến giờ em chưa gặp người con trai nào đáng yêu như anh. Em đã 25 rồi, không còn con nít nữa. Nếu má em không căn dặn, em đã ngã vào lòng anh, mặc anh làm gì tùy ý. Nhưng anh ơi, em sợ ăn phải bùa mê tình ái của anh rồi dứt không ra nữa. Em lại sợ cô nào đó tặng cho viên kẹo đồng vào ngực.
-Tôi đã làm gì có vợ.
-Nhưng anh có nhiều người yêu.
-Làm người giữa thế kỷ nguyên tử này, ai chẳng có người yêu.
-Riêng anh, anh đã hứa hôn.
-Trời.
-Đúng hơn, anh bị hứa hôn. Vị hôn thê của anh nguy hiểm lắm. Cô ấy có thể làm em mất mạng như chơi.
-Ai thế ?
-Anh cứ đùa mãi. Cô Nguyên Hương chứ còn ai nữa ! Má em cho biết  cô Hương là con nuôi của  ông Hoàng. Em coi ông Hoàng  như dượng tuy má em chưa phải là vợ chính thức. Nguyên Hương và em là hai chị em. Lẽ nào em lại cướp người yêu của chị ? Cho anh hôn một  cái là đủ lắm rồi, anh đừng đòi hỏi thêm nữa.
Văn Bình đắng họng,  buông nàng ra. Nàng nói :
-Anh đừng nghĩ lầm về em, tội nghiệp. Em yêu anh lắm, họa là phỗng đá mới dửng dưng trước một người đàn ông vẹn toàn như anh. Nhưng anh ơi …
Chàng lặng lẽ mở cửa xe.
Từ ít lâu nay, Nguyên Hương đâm ra ghen lạ lùng. Nàng đã lập kế làm chàng thất điên bát đảo ở Sàigòn. Con mắt vô hình của nàng lại theo chàng ra tận Hà nội. Câu nói của nàng ở trong bin đinh Nguyễn Huệ ở Sàigòn, trước khi chàng lên đường, còn văng vẳng bên tai pha lẫn hờn trách và đe dọa quyết liệt :
-Em sẽ cho người theo anh từ bây giờ cho đến khi anh từ giã Sàigòn. Anh không giữ lời hứa thì chết với em nghe chưa ? Em đã trình với ông Hoàng rồi. Nếu anh còn lăng nhăng, em sẽ bắt anh phải cưới em làm vợ ngay khi anh trở về. Em sẽ nhốt anh trong phòng này không cho đi đâu hết.
Tới gần Hàng Mành, Văn Bình rẽ vào đường hẻm. Hẻm này thông với cửa sau của trạm trú ngụ. Lối đi nhỏ vừa tối vừa khuất nên chàng không sợ bại lộ.
Chàng tra chìa khóa vào ổ, cánh cửa gỗ mở ra êm như ru. Chàng rảo qua một cái sân lớn, mở cánh cửa thứ hai rồi trèo lên cầu thang riêng, giành cho nhân viên cứu hỏa. Đèn hành lang đã tắt hết. Mọi người đã ngủ một giấc say sưa, và sắp trở dậy vì trời gần sáng.
Vào phòng, việc thứ nhất của chàng là cởi bỏ quần áo, vặn nước rửa mặt. Bụi và bồ hôi dính đầy người, chàng vẫn có thói quen dội thật nhiều nước trước khi lên giường. Chàng tức tối khi thấy nước chảy ri rỉ từng giọt, nước lại vàng khè, ngửi sặc mùi phèn. Chàng chỉ kịp rửa cái bàn chải đánh răng là vòi nước tắc tịt.
Thở dài, chàng đi ra ngoài, nằm vật xuống giường, vắt tay lên trán, bâng khuâng nhớ đến những buồng tắm đủ nước lạnh và nóng sực nức mùi nước hoa và sà phòng đắt tiền. Lê chân qua khắp thế giới, ngủ đêm trong hàng trăm lữ điếm, chàng rất sợ khi phải hoạt động phía sau bức màn sắt.
Tại Mạc tư khoa, nhiều khi vòi nước cũng nghẹt cứng. Nhiều đêm ở Đông Bá linh, chàng thức dậy, vặn đèn lên để đọc sách thì điện tắt vì nhà đương cuộc tiết kiệm hơi thắp. Chả bù với những khách sạn lộng lẫy ở Tây phương. Không kể những ô ten cao chọc trời ở Nữu ước, Ba lê, chỉ cần đặt chân xuống Mani, Vọng các, Đài bắc cũng đủ thưởng thức những tiện nghi sang trọng.
Chàng không quên được khung cảnh thơ mộng của lữ điếm Kowaki–an ở khu tây nam Đông kinh, gần núi Phú sĩ hùng vĩ, 170 căn phòng tối tân, tràn đầy ánh nắng ban mai và màu xanh cây cỏ. Có lần Văn Bình mặc kimônô ngồi xếp bằng trên chiếu tatami, uống rượu sakê với gà quay –món ăn đặc biệt của khách sạn- bên cạnh một cô gái có sắc đẹp mê hồn.
Muốn lên cao thì ngụ tại khách sạn Đại sứ (6) ở Hồng kông, cao đúng 19 tầng, gồm 375 phòng, nhìn thẳng ra biển, hoặc khách sạn Mỹ (7) gồm một ngàn phòng đẹp như động tiên. Văn Bình lại biết những ô ten cao hơn, như Vương điếm (8), cao 22 tầng, 275 phòng, với những ngọn đèn kỳ lạ, khiến du khách có cảm tưởng lạc chốn non bồng nước nhược, ở giữa thủ đô Đan mạch.
Những quốc gia chậm tiến như Thổ nhĩ kỳ, Ai cập, Li băng, Libêria, Nigiêria, Do thái, Mã lai cũng có những khách sạn đồ sộ như lâu đài, bên trong đầy đủ tiện nghi một ngàn một đêm lẻ.
Khách sạn Hintơn (9) ở Thổ đứng sừng sững bên bờ đại dương, Ở Libăng, khách sạn Phượng hoàng (10) 14 tầng, rực rỡ màu xanh của bờ biển Địa trung hải. Ở Ai cập, khách sạn Hintơn 12 tầng, 400 phòng bên giòng sông Nin (11) huyền bí với những cô hầu gái tuyệt đẹp và học giỏi và phần đông đã kết hôn với du khách từ phương xa lại.
Văn Bình không thể nào quên được những ngày thần tiên ở Cactơn (12) trên đảo Bétmuýt (13), phòng nào cũng mở trông ra biển, ngày nào chàng cũng mặc đồ nhái lao xuống nước để bắn cá, hoặc rủ những cô gái đẹp bơi ra xa, trèo lên mỏm đá, cởi bỏ hai mảnh bikini nhỏ xíu trên mình ra, nắm ngửa tắm nắng và hưởng lạc.
Thích cô đơn thì tìm tới Mễ tây cơ, thuê một ngôi nhà riêng trong khách sạn Hintơn (15). Có 62 nhà riêng mà những 41 hồ tắm đặc biệt. Còn nếu muốn trốn tránh cuộc đời ô trọc thì đi Ba tây, ở giữa rừng núi bao la, gần ngàn cây số, không có điện thoại trong phòng, cũng không có tiệm bán đồ.
Năm ngoái, nhân được nghỉ xả hơi giữa hai công tác hiểm nghèo, Văn Bình đã đi Ba tây, ở lì với một cô bạn gái Nam Mỹ, người căng phồng như cao su, bụng vừa chét tay, miệng và tóc thơm phức. Chàng khóa kín cửa, suốt một tuần lễ hai người ăn toàn đồ hộp, ăn xong lại nằm, cho đến khi mệt nhoài chàng mới lên phi cơ trở về.
Văn Bình lại thở dài.
Mình mẩy ngứa ngáy, chàng nằm mãi không ngủ được. Chàng ngồi dậy móc túi lấy thuốc lá. Chùm chìa khóa dẹt của Tăng Minh tuột ra khỏi túi rơi xuống đất kêu keng một tiếng. Tiếng kêu hơi khác thường của chùm chìa khóa làm chàng nghĩ ngợi. Chàng nhặt lên ngắm nghía : ba cái dẹt, bốn cái tròn hình thù quái dị. Lúc còn ở Vọng các, chàng đã tần ngần khi cất chùm chìa khóa to tướng vào túi. Ra Hà nội, chàng quên bẵng, ném xuống dưới đệm, nằm chận lên trên. Tình cờ chàng tìm ra và bỏ lại vào túi.
Chàng thả chùm chìa khóa xuống sàn lần nữa. Âm thanh do các chìa khóa gây ra không đều. Chàng sực nhớ tới đồng xu kền Mỹ mà công an liên bang FBI bắt được, nhờ một chú bé bán báo. Một hôm tung đồng xu chơi, chú bé nhận thấy tiếng kêu không ròn, chứng tỏ đồng xu rỗng ruột, và sau đó FBI khám phá ra bên trong một cuộn phim nhỏ xíu của gián điệp Sô viết.
Văn Bình không thể lầm được : trong bảy cái chìa khóa, ít ra một cái rỗng ruột. Chàng móc con dao đặc biệt ra, dùng một cái lưỡi cong, nậy đầu cái chìa lớn nhất hình tròn. Chàng hì hục gần nửa tiếng đồng hồ, bồ hôi toát ra như tắm mà cái chìa vẫn trơ trơ.
Tuy nhiên, chàng không nản trí. Chàng biết bên trong có sự lạ. Nếu có cây đèn xì, chỉ một phút là xong. Ngọn lửa cực mạnh phun vào, sắt chảy ra, đầu khóa bị bật tung dễ dàng.
Văn Bình suýt reo lên một tiếng. Quả chàng đoán đúng: cái chìa bị rỗng ruột. Chàng dốc ngược, một sợi tóc nhỏ li ti cuộn tròn tuột ra. Đó là một cuộn phim vi ti. Không có dụng cụ để coi phim, chàng đành giấu sợi tóc vào buồng tắm cùng cái chìa khóa mà chàng không bít lại được, rồi trèo lên giường.
Lần này, chàng ngủ được liền. Có lẽ chưa bao giờ chàng ngủ mê như đêm nay. Trời lại gần sáng, thời khắc thuận tiện nhất một đêm cho giấc ngủ say. Chàng ngủ say đến nỗi cửa phòng mở ra, một bóng đen khoan thai bước vào mà chàng không biết. Lệ thường, chỉ một tiếng động khác thường là chàng được linh tính đánh thức.
Bóng đen thản nhiên vặn đèn lên. Ánh sáng đột ngột làm chàng chói mắt. Song chàng vẫn còn ngái ngủ. Chàng quay mặt vào tường gắt:
-Gì thế? Có cho người ta ngủ không ?
Bóng đen -một người cao lớn, nắm tay to bằng quả phật thủ, mặc đồ kaki vàng, dáng điệu cứng nhắc như quân nhân chuyên nghiệp- nhìn Văn Bình nằm trên giường bằng cặp mắt trừng trừng. Y cần nhìn thật lâu để tìm yếu huyệt.
Văn Bình lại trở mình. Cái huyệt dưới vú lộ ra. Huyệt này ăn thông với thần kinh hệ, làm nạn nhân bất tỉnh tức khắc, nếu bị đánh trúng. Văn Bình kệu « hự » một tiếng, rồi ngoẹo đầu sang bên. Chàng thiếp đi luôn.
Bóng đen mở cửa, kêu hai người khác vào. Họ gói Văn Bình vào cái mền rồi khiêng lên vai xuống đường bằng cửa hậu, cánh cửa lúc nào cũng khóa chặt mà Văn Bình đã mở hồi tối. Một chiếc xe hơi dài ngoằng đậu sát lề.
Trời tối sầm lại. Đó là giây phút chuẩn bị cuối cùng trước rạng đông của ban đêm.
Nước lạnh vã vào mặt, Văn Bình tỉnh dậy. Một ngọn đèn sáng quắc chiếu vào giữa mắt chàng. Chàng nhắm nghiền mắt, định thần trong một phút thì một tiếng quát chói tai vẳng lên :
-Tăng Minh ?
Tiếng quát dữ dội không làm chàng lo sợ, trái lại chàng càng yên tâm hơn trước. Chàng đã đoán ra bọn bắt cóc chàng là ai. Chắc họ đưa chàng về một trụ sở bí mật để tra khảo về vụ bộ com lê và chùm chìa khóa đựng tài liệu.
Chàng yên tâm vì biết chưa bị lộ. Họ còn tin chàng là giáo sư Tăng Minh. Chàng còn có hy vọng thoát hiểm. Tiếng quát chát chúa lại cất lên :
-Tăng Minh, tại sao anh phản ?
Chàng giả vờ giựt mình sửng sốt:
-Phản? Phản ai mới được chứ? Tôi không hiểu anh nói gì hết.
Ngọn đèn hơn 500 nến làm mắt chàng chói lòa. Chàng chỉ thấy lờ mờ mấy bóng người phía trước. Họ cố tình dùng đèn thật sáng để chàng mệt mỏi, mất tinh thần, và để chàng không nhận diện được ai.
-Đừng vờ vịt nữa. Tại sao anh lại phản Saratiên ?
Chàng nhổm dậy, phản đối :
-Trước khi trả lời, tôi muốn biết đây là đâu, các anh là ai. Tôi là tân khách của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và là một nhân vật biết tiếng trong giới Việt kiều ở Thái lan. Sự coi thường luật pháp của các anh sẽ đưa tới hậu quả tai hại. Công an Hà nội sẽ không để các anh yên đâu.
Một tràng cười ròn rã chứ đầy ngạo mạn trả lời chàng, rồi người lúc nãy tiếp :
-Công an, công an, ha, ha … Anh đừng hy vọng hão huyền, công an không tài nào tìm ra, và tìm ra nữa cũng chẳng làm gì được chúng tôi. Chúng tôi là cha công an Hà nội nữa, anh biết không?
-Hừ, bọn cướp đường, bọn tay sai đế quốc.
Văn Bình giả vờ dùng miệng lưỡi thân cộng để dò xét phản ứng đối phương, thì họ đáp ngay:
-Anh mới là tay sai đế quốc.
Chàng chồm lên:
-Tôi cấm anh không được hỗn xược. Tôi là yếu nhân của chi bộ cộng sản hải ngoại.
Tiếng cười vụt tắt, một giọng nói nghiêm nghị khác nổi lên:
-Anh là yếu nhân cộng sản, sao lại phản Saratiên?
Chàng lắc đầu:
-Các anh lầm rồi. Tôi không bao giờ phản Saratiên cả. Chính Saratiên đã đánh lừa tôi.
-Đánh lừa thế nào?
-Tôi không nói. Đó là một bí mật, sống để dạ, chết đem đi.
-Chúng tôi có cách bắt anh nói.
-Muốn làm gì tùy ý, tôi không sợ.
Chàng dọa già vì biết bọn họ không dám làm mạnh. Dầu sao, chàng cũng là nhân viên trong phái đoàn tham quan Việt kiều. Nếu muốn thủ tiêu chàng, họ phải đôi tới khi chàng về Vọng các mới ra tay. Chàng nhắm mắt lại. Ánh điện 500 nến làm chàng bắt đầu đau sói óc.
Tiếng ra lệnh lúc nãy lại vang lên:
-Đưa nó sang phòng tra tấn.
Tra tấn. Trong đời, Văn Bình đã nghe tiếng này cả trăm lần. Chàng đã chịu mọi hình thức tra tấn khủng khiếp của nghề gián điệp, và chưa bao giờ hé răng.
Chàng bị lôi vào một căn phòng bẩn thỉu, tường quét vôi trắng đã cũ, đầy vết máu khô. Sát tường là một bể nước hình vuông, chứa hai phần ba một thứ nước đen đen, xông lên mùi hôi thối nồng nặc. Trên một cái bàn sắt lớn, chàng thấy đủ hình cụ. Chàng tưởng như lùi lại thời tiền sử với cảnh khoét mắt, xẻo tai, lột da nhồi trấu và lăng trì.
Bên tai chàng rú lên một giọng cười ghê rợn :
-Mày đã nếm mùi tra tấn của Déttapô (16) chưa ?  Ai đã vào Déttapô đừng hòng trở về với cuộc sống loại người. Thế mà ở đây, chúng tao còn tàn nhẫn hơn Déttapô một bậc. Tăng Minh, nếu mày chưa muốn chết, chưa muốn mất hết móng tay, móng chân, chưa muốn bị cắt đứt bộ phận sinh dục thì khai đi, thành thật khai đi. Tài liệu của Saratiên, mày để đâu ?
Văn Bình nín thinh. Chàng không lạ gì kỹ thuật thẩm vấn thần sầu quỷ khốc của mật vụ quốc xã. Chàng đã nếm mùi một lần trong thời gian phục vụ hàng ngũ OSS ở châu Âu trong đại chiến thứ hai. May thay chàng vượt ngục trốn thoát, nếu không chàng đã mất mạng, hoặc nếu còn sống thì cũng thân tàn ma dại.
Trong một phần trăm giây đồng hồ, cuốn phim tra tấn rùng rợn của thời quốc xã xa xưa được chiếu lại trong óc chàng. Những người yêu nước bị bắt còng tay, xiềng chân suốt ngày đêm và nhốt trong những căn phòng nhỏ xíu ngạt thở. Mười ngày sau khi bị bắt, họ bị dẫn tới phòng khảo cung. Nạn nhâ phải quì trên một cái ghế hình tam giác, một nhân viên mật vụ đứng trên vai nhún xuống. Hoặc tay chân trói còng queo bằng giây kẽm, và treo tòn ten vào chấn song, vào móc thịt, cho đến khi bất tỉnh. Răng, móng tay, móng chân bị nhổ ra bằng kềm sắt. Vú và chỗ kín bị châm thuốc lá cháy đỏ vào. Nhiều khi Déttapô còn dùng đèn xì để đốt nữa.
Tra điện là một hình thức thông thường : một đầu giây cột vào mắt cá chân, đầu kia dính vào vú hoặc bộ phận sinh dục. Gan bàn chân bị cắt nát bằng lưỡi dao cạo, sau đó nạn nhân phải bước vào muối. Ngoài ra còn có những miếng bông tẩm ét xăng được nhét vào kẽ tay và kẽ chân rồi châm lửa đốt cháy xèo xèo.
Hình thức « đi tàu ngầm » được coi là khiếp đảm nhất. Nạn nhân bị còng tay ra sau lưng, dìm đầu vào bể nước lạnh 4 dộ, pha lẫn nước tiểu và xú uế, cho đến khi bụng trương lên và ngộp thở. Khi ngất đi, nạn nhân được lôi tóc cho tỉnh dậy, rồi tiếp tục uống nước nữa.
Như cái máy, Văn Bình ngồi xuống cái ghế xiêu vẹo, đối diện bàn đựng hình cụ. Lỏng chỏng trong một cái thau nhôm, chàng đếm được 10 cây kềm đủ cỡ lớn nhỏ, bê bết máu. Móng tay, móng chân, răng hàm còn dính thịt lổn nhổn vứt la liệt trên bàn.
Một tiếng quát điếc tai :
-Chìa tay ra.
Văn Bình lặng lẽ tuân theo.
-Nhổ tay trái trước.
Văn Bình cố nghĩ đến một cô gái đẹp, một chai huýt ky hảo hạng và một bịch thuốc Salem thơm mùi bạc hà. Uống hết nửa chai, chàng nhìn người đẹp cởi bỏ quần áo rồi ôm nàng vào lòng. Trong căn phòng mát rợi, chỉ còn một ngọn đèn đêm màu hồng dịu dàng. Văn Bình muốn kéo dài giây phút tưởng tượng thần tiên ấy mãi. Chàng hy vọng quên được phần nào nỗi đau đớn về thể xác dưới cây kềm sắt.
Miệng kềm đã cắn vào móng ngón cái của chàng, kèm theo giọng nói vỗ về:
-Tăng Minh, anh nói thật đi, chúng tôi không muốn anh thành kẻ tàn phế. Đời đẹp lắm, anh quên rồi ư? Mất hết móng tay, mất hết răng, anh không còn bảnh trai như trước nữa. Con gái đẹp sẽ không thèm ngó ngàng đến anh. Chúng tôi biết anh rất thích đàn bà. Anh có nhiều nhân tình, cô nào cũng đẹp đẽ và nẩy nở. Một đoàn thoát y vủ nổi tiếng vừa ghé Vọng các. Mấy ngày nữa, anh sẽ được xem thôi. Chết trong lúc này, chết không đáng chết, uổng quá. Nghĩ lại đi, Tăng Minh. Chúng tôi sẽ cho anh thật nhiều tiền. Nếu anh cần gái đẹp, chúng tôi sẽ đưa anh hàng tá, tha hồ chọn lựa. Đàn bà Hà nội đẹp lắm, anh biết không? Họ trắng như trứng gà bóc chứ không ngăm ngăm như ở Thái lan đâu.
Văn Bình vẫn ngồi yên. Chàng giả vờ run rẩy:
-Tôi đã khai thật mà các anh không tin. Phút chót, Saratiên chẳng đưa gì cho tôi cả.
Văn Bình bị tát mạnh vào mặt. Chàng ngã chúi xuống đất. Tiếng chửi nổi lên:
-Láo khoét. Mất mấy móng tay rồi mày phải nói.
Văn Bình bị đạp thêm một cái vào ngực nữa. Thường lệ chàng đã vùng dậy, tặng đối phương một bài học về nhu dạo song chàng chợt nhớ ra Tăng Minh là một thanh niên chơi bời, trói gà không chặt. Chàng đành mím môi chịu đòn.
Một giọng nói lạ mà quen -lạ vì mới cất lên lần đầu từ khi Văn Bình được đưa tới nhà giam bí mật, quen vì chàng đã nghe hồi tối - ngọt ngào rót vào tai chàng:
-Tăng Minh, anh bướng bỉnh như vậy làm gì, tổ thiệt thân mà thôi. May tôi đến kịp, nếu không anh đã tàn phế. Thôi, các đồng chí đừng tra tấn nữa, để tôi thuyết phục Tăng Minh. Trời đã khuya rồi, các đồng chí nên đưa Tăng Minh về trạm.
Văn Bình không tò vẻ sửng sốt. Giọng nói ngọt ngào này là của Phan Mỹ, trùm gián điệp của bộ Ngoại giao. Nếu Phan Mỹ khám phá ra chàng là người lập mưu lẻn vào văn phòng đánh cắp tài liệu, y sẽ không ngọt ngào nữa. Việc chàng bị Phan Mỹ bắt cóc đã làm sáng tỏ thêm những vấn đề đang làm kế hoạch của ông Hoàng chậm lại.
Rủi mà may, như Tái ông mất ngựa, vụ Saratiên xô chàng vào một tình trạng khó khăn dễ bại lộ. Mặt khác, lại giúp chàng khám phá ra nhiều bí mật động trời. Ngoài bức thư quan trọng Môrít đoạt được ở Vọng các, viết bằng mực riêng vào ve áo vét tông, ông Hoàng còn có cuốn phim tí hon giấu trong chiếc chìa khóa hình tròn nữa. Văn Bình nhủ thầm sẽ tìm cách liên lạc cấp tốc với bà Huyền Hoa, tức Z.62, để chuyển cuốn phim về Sàigòn cho ông tổng giám đốc.
Văn Bình chưa kịp đáp thì một cái bao bố dày cộm được chụp vào đầu chàng. Chàng để yên không phản kháng. Chàng biết là sắp được tự do. Phan Mỹ ra lệnh chụp bao bố để chàng không nhận ra địa chỉ nhà giam.
Bao bố quá dày, chàng không thấy gì nữa. Đèn đóm bỗng tắt nhúm. Phan Mỹ nắm bàn tay chàng thân mật:
-Anh Tăng Minh, Saratiên đưa cho anh mấy cái chìa khóa?
Văn Bình đáp liều:
-Tôi không nhận được gì cả.
Phan Mỹ mân mê chùm chìa khóa trong tay:
-Anh có cả thảy mấy chìa?
-Sáu chìa. Ba cái dẹt, ba cái tròn.
Vừa trả lời, chàng vừa lo ngại. Chiếc chìa khóa dẹt chàng đã dấu trong phòng tắm cùng với cuộn phim. Nếu đàn em Phan Mỹ lục lọi trong phòng tắm, chàng sẽ mất mạng.
Phan Mỹ lại hỏi, vẫn bằng giọng đều đều:
-Sáu chìa này, anh dùng để mở tủ nào?
-Trong văn phòng của tôi.
-Lạ nhỉ. Tôi chưa hề thấy loại chìa khóa nào kỳ cục như của anh. Này, anh Tăng Minh, nếu anh có điều gì chưa dám nói, anh cứ nói ra, tôi cam kết giữ kín những điều anh tiết lộ. Về tiền, anh sẽ có rất nhiều. Về đàn bà, anh cần bao nhiêu, tôi cũng đủ sức cung cấp cho anh. Nhưng thôi, tôi chưa muốn anh quyết định ngay bây giờ. Để anh về phòng ngủ cho lại sức. Đêm mai, tôi sẽ mời anh tới đây lần nữa. À, tôi chỉ cần dặn anh một điều: cấm anh không được hé môi với ai về những việc xảy ra đêm nay. Tôi rất tốt nhưng rất ác đối với những kẻ coi thường lệnh tôi. Anh tâm sự với ai, tôi cũng biết, và khi ấy tôi sẽ tàn nhẫn hết sức. Anh đừng hy vọng công an Hà nội sẽ giúp anh vì tôi còn mạnh hơn công an Hà nội nữa. Anh nhớ chưa?
Văn Bình đáp:
-Vâng, tôi nhớ.
Chàng được dìu qua một hành lang lạnh toát rồi trèo đúng hai chục bậc thang lên trên. Tiếng động cơ xe hơi từ xa vọng lại cho chàng biết gian phòng tra tấn được ăn sâu dưới đất. Nghe tiếng bánh xe cán sỏi lạo xạo, và tiếng hô quen thuộc của người gác, chàng khấp khởi mừng thầm: căn nhà bí mật là hầm bộ Ngoại giao.
Xe hơi chạy được một quãng, Văn Bình bỗng thấy đau nhói ở bắp đùi. Tay chân chàng bỗng nhiên tê dại. Chàng vận dụng nghị lực để chống chỏi với sự thèm ngủ đang xâm lấn thân thể song sức chàng chỉ có hạn. Thuốc mê được tiêm vào thịt chàng có tác dụng vô cùng ghê gớm. Chàng ngoẹo đầu vào nệm xe, ngủ mê man.
Chàng tỉnh dậy thì trời đã sáng từ lâu. Nhìn tứ phía, chàng nhận ra căn phòng quen thuộc ở Hàng Mành. Ánh nắng vàng hoe lọt qua cửa sổ chiếu vào cái giường chăn mền xô lệch. Chàng ngáp dài, khua chân tìm giép. Miệng chàng khô đắng như hồi khuya vừa uống nhiều rượu mạnh. Đầu chàng nặng chĩu một cách lạ lùng.
Chàng vụt nhớ mọi việc xảy ra.
Những phút trong tổng hành doanh dưới đất của bà Huyền Hoa, cánh tay phải của ông Hoàng ở miền Bắc. Những phút trong tổng hành doanh dưới đất của Phan Mỹ, cánh tay phải của tòa đại sứ Trung hoa cộng sản. Những phút say sưa với Vương Lệ, vợ hờ của Bôrin, tình nhân của Phan Mỹ. Nhất là những phút dị thường với Nguyệt Thanh, cô con gái rượu của Z.62, có khuôn mặt như nặn, tấm thân nõn nà, và làn hơi thở thơm mát.
Văn Bình thở dài. Chàng vừa nhớ lại lời nói của Phan Mỹ. Đêm nay, hắn sẽ cho người tới đây nữa.
Chàng không sợ tra tấn, cũng không sợ thần chết, song cảm thấy bị dồn cào tình trạng cá chậu chim lồng. Phan Mỹ còn nghi ngờ nên giả vờ ngọt ngào cho chàng về, và sai người theo dõi. Đàn em của hắn sẽ không rời chàng phút nào. Chắc Phan Mỹ có đàn em trong trạm Hàng Mành nên chàng bị bắt cóc và trả về mà không ai biết. Muốn hoạt động hữu hiệu, chàng phải rời trạm Hàng Mành. Chàng quyết định báo tin cho Quỳnh Ngọc biết.
Chàng vừa mặc quần áo xong thì nghe tiếng đằng hắng của một người đàn bà. Tiếp theo tiếng sột soạt, rồi một tờ giấy được luồn qua khe cửa vào phòng. Văn Bình lượm mảnh giấy lên đọc. Bên trong chỉ có một giòng chữ nguệch ngoạc bằng bút chì:
“Đúng mười một giờ, phố Hàng Gai.
8. “
Văn Bình hiểu liền. 6 cộng với 2 là 8. Z.62 vừa gởi thư cho chàng. Như vậy có nghĩa là Z.62 gài được cộng sự viên trong trạm. Chàng nhìn đồng hồ. 10g45. Còn 15 phút nữa.
Vào giờ này, phái đoàn kiều bào đã đi hết. Chương trình tham quan còn hai ngày nữa thì kết thúc. Phái đoàn sẽ giã từ Hà nội về Vọng các. Chàng cũng còn nhiều nhất là hai ngày nữa để hoàn thành kế hoạch của ông Hoàng.
Chàng đang băn khoăn không biết làm cách nào ra đường mà không bị nhân viên của địch theo dõi thì đột nhiên một hồi còi rú lên.
Cói báo động phi cơ Mỹ.
Từ ngày chàng ra Bắc, đây là lần đầu có báo động. Chàng không tin cuộc báo động này là ngẫu nhiên. Chắc bà Huyền Hoa đã can thiệp với ông Hoàng. Vì có báo động, mọi người đua nhau xuống hầm trú ẩn, bà mới có thể gặp chàng dễ dàng trên đường phố ngày thường đông đúc, đầy rẫy những tai mắt của địch.
Tiếng còi rú lên thê thảm như hàng triệu con heo bị thọc huyết.
Còi báo động được đặt ở nhà Bưu điện Bờ Hồ và Cửa Đông, gần Hàng Mành nên Văn Bình nghe rõ mồn một. Dường như tiếng còi trốn phi cơ oanh tạc có ma lực làm cho bầu trời Hà nội đang nắng chang chang và trong vắt không một chút gợn mây mây bỗng tối sầm lại một màu tang tóc ảm đạm. Thành phố Hà nội đang ồn ào đột nhiên câm họng như thành phố của người chết.
Quả chàng đoán đúng, bọn cán bộ trong trạm chiêu đãi đã bỏ chạy xuống hầm ở đầu đường để lại căn nhà trống trải, rộng mênh mông.
Người gác thường trực gần cầu thang cũng không còn nữa.
Văn Bình đốt thuốc Salem thản nhiên xô cửa ra ngoài đường. Tiếng còi vừa dứt, ngoài đường đang còn đông người. Mặt ai cũng đượm vẻ hốt hoảng. Mỗi người mặc một thứ y phục khác nhau : kẻ có áo quần chỉnh tề, người ở trần bận quần cụt. Hầu hết phụ nữ đều chạy chân đất, song người nào cũng xách nơi tay hoặc đeo sau lưng một cái bị đựng gia tài điền sản.
Văn Bình suýt đụng phải nhiều người chạy ngược chiều. Họ không có thì giờ xin lỗi và cũng không để ý đến chàng.
Một thiếu nữ trạc hai mươi từ trong nhà chạy ra suýt ôm lấy chàng. Chàng kéo luôn nàng vào lòng, đặt cái hôn nhẹ lên môi. Buông ra, thấy một người đàn ông lạ, thiếu nữ bẽn lẽn bỏ chạy mất vào đám đông lôi thôi lếch thếch.
Văn Bình ra đến đường Hàng Gai.
Chàng giả vờ nép vào hàng hiên, liếc lại phía sau. Chàng không ngăn được bực bội vì một tên chó săn đang lẽo đẽo theo chàng, cách chừng năm chục thước. Không hiểu hắn cố ý cho chàng thấy hay hắn là nhân viên kém kinh nghiệm. Tuy nhiên, trong lúc này, chàng không muốn ai đi theo hết. Chàng phải tìm cách cho hắn ăn bụi mới được.
Văn Bình bách bộ trên đường Hàng Gai. Đường sá sắp sửa vắng tanh rồi, nếu chàng không gặp bà Huyền Hoa, chàng không thể đi một mình lù lù trên vỉa hè như thế này trong khi toàn thể dân chúng Hà nội đã chui xuống hầm trú ẩn.
Bà Hoa dặn chàng tới đường Hàng Gai, nhưng không nói rõ tới chỗ nào.
Bỗng chàng giật mình. Biết đâu không phải thư của Z.62. Biết đâu Phan Mỹ lập mưu đưa chàng vào xiếc. Văn Bình đứng lặng một giây đồng hồ. Chàng thường làm việc theo linh tính. Linh tính của chàng ít khi bị lầm. Chàng tin chắc là thư của bà Huyền Hoa.
Một hồi cói thứ nhì kéo lên rền rĩ.
Loạt còi này báo hiệu phi cơ Mỹ sắp tới không phận Hà nội. Trong một hay hai phút nữa, mọi người đều phải xuống hầm. Ngoài đường chỉ còn một số ít nhân viên phòng thủ thụ động, và xe hơi cứu thương.
Quái, bà Huyền Hoa đợi chàng ở đâu ?
Trước hết, chàng phải đối phó với tên tay sai của Phan Mỹ lẽo đẽo phía sau. Chàng bèn tạt vào mái hiên, hút thuốc lá chờ hắn tới. Lạ lùng xiết bao, vừa khi ấy một chiếc xe mang dấu hiệu chữ thập đỏ bên hông và trên mui –xe cứu thương- từ đường Hàng Mành chạy tới, đậu xịch ngay cạnh tên đi theo. Cửa xe mở ra, trong chớp mắt hắn trèo lên. Văn Bình giựt mình. Có lẽ Phan Mỹ lợi dụng tình trạng báo động để bắt cóc và thủ tiêu chàng.
Trông trước trông sau, Văn Bình bố trí đường lối thoát thân. Cách chàng hai thước là một bức tường thấp, chàng nhún lên là có thể vượt qua. Đường Hàng Gai có ngõ hẻm quanh co bên trong, chàng lại thuộc làu, bắt được chàng không phải dễ trừ phi chúng có nhiều người.
Nhưng nếu người ta có súng tiểu liên trong xe ?
Một họng súng chĩa ra, chàng không thể nhảy tường được nữa vì trong vòng ba bốn thước, súng máy có thể giết chết một con ruồi.
Chàng bèn cho tay vào túi lấy dao. Phó mặc cho may rủi, nếu địch chậm tay trong vòng một phần mười tích tắc đồng hồ, chàng có thể phóng lưỡi dao lá liễu vào ngón tay bóp cò của tên cầm súng.
Chiếc xe cứu thương trắng đã đậu lại. Giờ phút quan trọng đã đến. Như chàng dự tính, cửa trước mở ra. Văn Bình nghiêng mình sang bên, lưỡi dao mỏng dính nhảy vào lòng bàn tay.
Tacata… Tacata …
Tacata … tacata …