Trường cấp hai xã tôi cất trên nền cũ ngôi chùa làng Thượng nổi tiếng linh thiêng. Chùa đã bị giặc Pháp bắn sập vào đúng ngày u tôi bỏ anh em tôi vào hai cái thúng, gánh đi tản cư. Chỉ có cây đa cổ thụ trước cửa chùa là không chịu ngã...Năm 1965, tôi học lớp năm, cùng lớp với thằng Cao. Gọi là thằng vì chúng tôi là hai thằng trẻ trâu. Hơn tôi bốn tuổi, tên là Cao nhưng thằng bạn cuả tôi lại rất thấp và bé. Tạng hạt tiêu như Cao, người quê tôi gọi là còi. Nhà Cao quanh năm đói quay đói quắt. Nghĩ cũng khổ, u Cao đau ốm kinh niên, nhà có mớ rau, con cá cũng phải đem đổ vào tiền thuốc men. Qua vụ gặt, bố Cao đã phải đi vay đi dạm. Ngày chỉ có bữa cháo bưã cơm mà lãi mẹ đẻ lãi con, cả đời ông cũng không thể nào trả hết được công nợ. Cho Cao đi học, ông những mong sau này đời nó sẽ khá hơn...Ước mong cuả người cha nghèo quả là mong manh. Vì Cao học vốn đã dốt lại nổi tiếng là đứa ngỗ nghịch. Nó suýt bị nhà trường đuổi học vì dám trèo lên tận ngọn đa và thả một quả trứng quạ xuống đầu thầy giáo Bình. May mà ông giáo già không để bụng, xin thầy hiệu trưởng bỏ quá cho...Thầy Bình dậy chúng tôi môn Sử. Năm ấy, nghe nói thầy mới ngoài năm mươi mà mắt đã mờ, tóc đã bạc trắng như cước. Chỉ có hàm răng thầy là vẫn đều và đẹp lắm! Có lẽ vì thế mà thầy Bình hay cười chăng?Thầy ăn mặc tuềnh toàng nhất trường. Lúc lên lớp, thầy hay khoác một cái áo ka ki gụ có tới bốn cái túi. Chúng tôi rất mê cái túi trái phía dưới, nhất là hôm nào trông thấy nó có vẻ phồng phồng...Thấy thầy từ xa, Cao xui bọn con gái cúi rạp xuống đất, đồng thanh: - Chúng con lạy thầy ạ! Chúng con...- Đứng cả dậy... Thầy biết rồi. Thầy có cái này cho các con đây...Chúng tôi xúm quanh thầy, tranh nhau xoè những bàn tay còn ngai ngái mùi đất cát quê. Thầy chớp chớp mắt, tủm tỉm cười: - Tay có sạch không?Rồi, không chờ chúng tôi trả lời, thầy móc trong túi ra khi thì nắm ngô rang, khi thì dăm củ lạc luộc, chia đều cho đám trò nhỏ...Thằng Cao vỗ cả nắm ngô vào miệng, nhai rau ráu. Nó nuốt vội nuốt vàng để còn kịp xin mấy đứa con gái thêm vài hạt...Hôm thầy Bình kể chuyện về nạn đói năm 1945, cả lớp rơm rớm nước mắt. Chỉ có thằng Cao là không khóc. Mắt nó hau háu nhìn vào cái túi traí phía dưới hơi phồng phồng cuả thầy. Cao đang đói; nó ngửi thấy mùi ngô rang nụ thơm phưng phức mà không biết làm thế nào. Thật may cho nó, một lát sau, có lẽ do nóng quá, thầy Bình cởi cái áo khoác vắt lên thành ghế. Giờ chơi, chờ cho cả lớp đã chạy ra sân hết, Cao lẻn trở lại, thò tay vào túi áo thầy. Khi ra chỗ tôi và các bạn khác đang chơi đá cầu, đoán là tôi biết chuyện, mặt Cao cứ đỏ rần lên. Hết giờ chơi, thầy Bình vừa cười cười, vừa lắc lắc đầu, hỏi:- Lúc nãy có trò nào nghịch ngợm cái áo cuả thầy không?Cả lớp nhao nhao trả lời không có ai. Cao đưa tay che lấy miệng. Mặc dầu thế, hơi thở gấp gáp vì quá sợ hãi đã tố cáo nó. Miệng Cao còn thơm mùi ngô rang nụ...Lần ấy, thầy Bình chỉ hỏi chứ không tra đứa nào tắt mắt. Nhưng cũng từ hôm ấy, trong các giờ ra chơi, thầy hay gọi Cao ra một chỗ, lặng lẽ giúi vào tay nó củ khoai, nắm ngô...Học xong lớp mười, tôi và Cao nhập ngũ. Xã tổ chức giao quân cho huyện ngay dưới gốc đa trường cấp hai. Trong không khí lưu luyến cuả buổi tiễn đưa, Cao cứ ôm chặt lấy thầy Bình, rơm rớm nước mắt, xin được thầy thứ lỗi...Cho đến năm 1975, khi trở về quê, tôi mới biết tin Cao đã hy sinh tại mặt trận Quảng Trị. Dù chưa đưa được hài cốt anh về nơi quê cha đất tổ, nhưng trong nghĩa trang liệt sĩ xã tôi vẫn có phần mộ cuả Cao.Nghe tin trò còn sống trở về, thầy Bình mừng lắm, bắt anh con rể chở ngay đến nhà tôi. Buổi chiều, hai thầy trò rủ nhau ra nghĩa trang viếng Cao.Trên đường đi, lúc qua chợ Thượng, tôi ghé vào một cửa hiệu mua mấy nắm nhang. Quay ra đã thấy thầy lọ mọ trở lại chỗ hẹn từ một hàng quà cho trẻ con, tay cầm một gói giấy nhỏ.Sau khi lần lượt thắp nhang cho các liệt sĩ, tôi và thầy Bình dừng lại khá lâu trước nấm mộ tượng trưng cuả Cao. Bảo tôi thắp cho bạn ba nén nhang, thầy chậm rãi mở gói giấy, đổ xoè lên nấm cỏ những hạt ngô rang nụ. Mùi ngô rang man mác khiến tôi bất giác rủn người, chợt hiểu hôm chúng tôi ra mặt trận, dưới gốc đa già, Cao đã nói những gì với thầy Bình...