Chương V
V. HƯNG Ư THI

1. Nước của thi nhân
Khi tìm hiểu thái độ của Khổng Tử về thi ca chúng ta thấy mấy vấn đề sau đây cần được đề cập:
Tại sao ông đặt vào thi ca một sự quan trọng thoạt trông coi như quá đáng ở chỗ dùng thi để mở đầu triết lý.
Tại sao lại dùng những lời phong dao tục ngữ bình dân ngược hẳn với triết lý vốn được coi là khoa học cao diệu nhất?
Và hơn thế nữa tại sao lại dùng những lời hát hoa tình giữa trai gái dọ hỏi và trao gửi yêu thương… Đó là mấy điểm đại cương mà chúng ta sẽ tìm hiểu trong chương này.
Theo danh từ hễ đã gọi là triết lý thì lẽ ra phải vun tưới lý trí, phải tài bồi khoa danh lý để lý trí được trang bị đầy đủ mà "biện lý". Đó là đường lối phổ thông của triết học cổ điển, một đường lối đã được khai mạc cách long trọng bằng cử chỉ quyết liệt của Platon khi đốt các bài thơ ông đã sáng tác lúc còn niên thiếu để được sóng lòng theo thầy là Socrate, cao tổ của triết thuyết duy trí. Cử chỉ đó còn phản chiếu lại trong tác phẩm République khi ông đuổi Homère ra khỏi nước Cộng hòa lý tưởng, sau khi đã đội lên đầu thi nhân một tràng hoa. Tràng hoa này là của riêng Platon tặng cho bạn đồng chí cũ (vì chính Platon cũng là một thi sĩ kỳ tài) chứ không có tính cách chính thức nên sau đã bị chước tuột. Thi sĩ chỉ có bị đuổi mà không được vòng hoa nào. Qua hai mươi thế kỷ chương trình triết học dành cho danh lý từng hai năm mà không cho thơ ca được lấy một giờ. Nếu thi có sống là tự lực mưu sinh bên ngoài chương trình mà thôi (extra muros).
Khổng thì khác. Ông không cho triết lý là hơn tình người và nếu tiếng nói của lý trí là lý luận là biện chứng thì tiếng nói của tâm tình là thi ca là nhẩy múa. Vì thế ông đặc biệt chú trọng đến thơ. Ông nói: 'tiểu tử hà mạc học phù Thi? Thi khả dĩ hưng, khả dĩ quán, khả dĩ quần, khả dĩ oán, 小 子 何 莫 學 夫 詩? 詩, 可 以 興, 可 以 觀, 可 以 群, 可 以 怨.(LN VII.9) Tại sao các trò không học Kinh Thi? Kinh Thi có thể dùng để hứng khởi tình chí, quán sát suy tư, để hợp quần, và để kêu oan… Vì thế ông dùng Kinh Thi mở đầu triết lý. "Hưng ư Thi".
Con người là giống đa tình hơn đa lý nên lời khuyên nhủ của ông đã được các xã hội Đông phương chấp nhận triệt để: mọi tầng lớp từ thứ dân đến Thiên tử hết thảy đều yêu thơ. Có thể nói các nước Viễn Đông là quê hương của thơ, nơi mà lúc xưa hết mọi người trí thức bên Viễn Đông đều làm thơ, thợ thơ hay thơ nhân tuỳ tài, nhưng hầu như ai cũng ngâm thơ, làm thơ và đối thơ đã trở thành chìa khóa mở nhiều cửa trong xã hội cũ.
Lòng yêu thơ này vẫn được duy trì qua các thế hệ để đến ngày nay giữa lòng thế kỷ nguyên tử thơ vẫn sống mãnh liệt; hơn thế nữa đang lang tràn vào mảnh đất của triết lý duy niệm. Những triết học mới đã khởi bàn về thơ. Nietzsche không những bàn về thơ nhưng còn làm thơ. Ông đã phát biểu nguyện vọng bắt chước Hy Lạp cổ đại là xây văn hóa mới trên nền tảng Bi kịch, một nghệ thuật gồm cả thơ lẫn nhạc (việc chương trình giáo dục Pháp mới nhận thêm Nietzsche là một dấu của thời đại: người nay khởi đầu muốn nghe tiếng của tâm tình hơn là tiếng lý trí). Cuối chương này sẽ trở lại vấn đề bàn về lý do sâu xa của sự kiện này. Ở đây hãy tiếp tục bàn sang khía cạnh thứ hai là:
2. Tính chất đại chúng của triết Đông
Hiện tượng thi ca khởi đầu được lưu ý bên triết Tây đã xuất hiện như một bước tiến gần lại với triết Đông. Nhưng đó mới là tiến lại gần mà chưa sát hẳn, nghĩa là triết lý của Nietzsche chẳng hạn vẫn còn mang nhiều tính chất trưởng giả của nền văn học La Hy. Nền văn học này là con đẻ của giai cấp người tự do, một thiểu số sống trên lưng đại đa số nô lệ, vì thế họ lấy Bi kịch làm phương thế biểu lộ. Đã là bi kịch thì chỉ một thiểu số được đặc ân mới có đủ nhàn rỗi và điều kiện văn hóa để thưởng thức, chứ đại chúng cần lao, hơn nữa nô lệ thưởng thức sao được. Vả ai cho thưởng thức?
Khổng Tử trái lại chủ trương "hữu giáo vô loài". Vậy điều kiện tiên quyết để chủ trương đó khỏi trở thành mây gió là phải lựa chọn phương tiện nào vừa tầm đại chúng. Do đó ông đã chọn thi ca thứ dễ nhất, cụ thể nhất, đó là những ca dao, những câu đồng diêu, tục ngữ thường được ngâm nga khắp nơi trong nước, như gió thổi lướt trên mặt mọi người; vì thế gọi là "quốc phong" người bình dân đến đâu cũng hiểu được, ngâm nga, hứng khởi được.
Phần quốc phong này được tuyển chọn nhiều nhất choán quá nửa Kinh Thi. Đang khi ba phần thơ cao của trí thức chiếm có non nửa mà lại đặt sau, thì một mình "quốc phong" mở đầu với 160 bài (tiểu nhã 94, đại nhã 31, Tụng 48). Đã vậy còn nhấn mạnh đến hai chương đầu là Châu nam, Thiệu nam nói về tình người. Đó là cái danh dự mà ông không có dành cho phần nhã và tụng nói về Trời. Trái lại phần cao bao giờ cũng được xây trên nền thấp để có cao mà không thiếu thấp, hầu cho "phu phụ chi ngu khả dĩ dự tri yên. Cập kỳ chí dã, tuy thánh nhân diệc hữu sở bất tri yên, 夫 婦 之 愚, 可 以 與 知 焉 , 及 其 至 也, 雖 聖 人 亦 有 所 不 知 焉, T.D.12". Không học cũng có thể thông dự, nhưng lúc xét tới cùng cực thì dù là thánh nhân cũng có điều không hiểu hết.
Đấy là nét thứ hai Đông khác Tây. Triết Tây xưa cũng như nay, ngay những nhà trí thức còn vò đầu chưa chắc hiểu nổi hiểu đúng chứ chưa dám kể tới người thường. Trên giường hấp hối, Hégel đã phì phào nói: "trong tất cả các học trò của tôi chỉ có một người hiểu được triết học của tôi". Nghe câu nói đó ai nấy đều nín thở cố im lặng để ghi rõ tên của người xuất chúng ấy, cái người duy nhất có thể hiểu được triết của Hégel, nhưng sau một lúc, Hégel lấy hơi để nói tiếp: "nhưng hắn đã hiểu sai!"
Vậy là triết học của Hégel cao quá chẳng ai hiểu được. Thế mà trường hợp của Hégel không phải mẹo trừ nhưng là sự thông thường trong làng triết. Đã mấy ai dám tự hào là hiểu được Husserl, Heidegger, Jaspers… nên phần đông phải kính nhi viễn chi, vì hầu hết các triết gia hình như đua nhau nói kiểu khúc mắc nên Péguy đã mỉa mai: "triết học là cần trước nhất cho không ai hiểu được mình nói cái gì".
Bên Đông phương chủ trương trái ngược hẳn lại: dị giản nhi đắc thiên lý, 易 簡 而 得 天 里" (Hệ Từ), và "thiết vấn nhi cận tư, nhân tại kỳ trung hỹ, 切 問 而 近 思, 仁 在 其 中 矣, LN.XIX.6". "Có giản dị mới đắc thiên lý mới đạt đạo. Hỏi về những điều thiết yếu: suy tư về những điều gần gũi, Đức Nhân nằm ở chỗ đó". Vì thế chính thánh hiền nói những chuyện gần gũi, thiết thực ít ra ở khởi điểm. Kinh Thi nói về việc hái rau, tát nước, sao mọc, gà gáy, chim bay, hoa đào nở v.v… và tất cả cảnh thiên nhiên đồng ruộng đó làm cái khung lồng trên những chuyện tâm tình, vui buồn, mừng tủi… ai ai cũng hiểu được, vì lời vắn tắt rất giản dị cụ thể, đại loại như những câu ca dao của ta:
"Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai."
"Chẳng tham ruộng cả ao sâu
Tham vì anh tú lắm râu mà hiền!"
Vậy khi đọc Kinh Thi không nên tìm sự đẹp đẽ trang trọng trau chuốt. Cái hay của Kinh Thi không nằm ở đó, nhưng ở chỗ đẹp hồn nhiên, mộc mạc, thuần phác, nói thẳng với lòng, không có gì gọi là đẽo gọt như để khỏi mất hơi tình người, tình đất, tình trời thuần nhiên tuyền dã. Như thế mục đích của nó là làm thế nào cho hết mọi người hiểu được. Đó là một đặc tính ăn sâu vào văn hóa Viễn Đông là tính chất bình dân của nó: tự dân chúng phát xuất, được đại chúng vun trồng nuôi dưỡng và khi đã kết tinh ở đại chúng mới vươn lên đến thiên địa bao la, những miền siêu hình bát ngát để có thể trở nên phong phú hơn, sâu sắc hơn. Mỡ đầu là chim thư cưu sóng đôi, rồi đến trai gái truyện trò yêu thương, cuối cùng sẽ biến thành đôi âm dương, thiên địa… Nếu trong chính trị tính cách thân dân là nét đặc thù thì trong văn hóa tính chất đại chúng bình dân là đặc điểm. (Sau những đặc tính 2e không bi quan, 3e không cổ võ quân lực, 4e không cá nhân, 5e lấy đời sống làm căn để. Đó là 5 nét của Văn chương Viễn Đông).
3. Tiếng hát hoa tình
Điểm đáng chú ý thứ hai là Kinh Thi nói rất nhiều đến tình tứ, trai gái yêu đương, thầm mong trộm nhớ, hầu như đó là đề tài chính phảng phất trong những cảnh thiên nhiên, những công việc sinh sống thường ngày: cày bừa, gặt hái, tát nước, kỳ cỏ, hái rau, lượm trái v.v… Chúng ta hãy cùng nhau đưa vào Kinh Thi một cái nhìn trinh bạch. (Trinh bạch có nghĩa là chưa bị bẻ quặt do những chú sớ của Hán nho về sau).
"Quan quan Thư cưu, tại hà chi châu, Yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu,
Sâm si hạnh thái, tả hữu lưu chi.Yểu điệu thục nữ, ngụ mỵ cầu chi.
Cầu chi bất đắc, ngụ mỵ tư phục. Du tai! Du tai! Triển, chuyển, phản, trắc!
Sâm si hạnh thái, tả hữu thái chi. Yểu điệu thục nữ, cầm sắt hữu chi.
Sâm si hạnh thái, tả hữu mạo chi. Yểu điệu thục nữ, chung cổ lạc chi"
關 關 雎 鳩 . 在 河 之 洲 . 窈 窕 淑 女 . 君 子 好 逑 .
參 差 荇 菜 . 左 右 流 之 . 窈 窕 淑 女 . 寤 寐 求 之 .
求 之 不 得 . 寤 寐 思 服 . 悠 哉 悠 哉 . 輾 轉 反 側 .
參 差 荇 菜 . 左 右 采 之 . 窈 窕 淑 女 . 琴 瑟 友 之 .
參 差 荇 菜 . 左 右 芼 之 . 窈 窕 淑 女 . 鍾 鼓 樂 之 .
"Quan quan cái con Thư cưu,
Con sống con mái cùng nhau bãi ngoài.
Dịu dàng thục nữ như ai.
Sánh cùng quân tử tốt đôi vợ chồng.
Muốn ăn rau hạnh theo chồng.
Muốn có thục nữ mơ màng được đâu.
Nhớ cô dằng dặc cơn sầu.
Cho ta dằng dặc hễ hầu ngủ yên.
Muốn ăn rau hạnh hái về.
Muốn có thục nữ nay về cùng ta.
Tiếng chuông tiếng trống vui hoà.
Tiếng cầm tiếng sắt mặn mà yêu đương."
Chú ý: lời dịch của Tản Đà tuy đã tài tình nhưng vẫn chưa lột hết được hơi thở bản chính. Chẳng hạn câu ba "tả hữu lưu chi, tả cảnh tìm bên tả, tìm bên hữu" rồi câu năm dùng liền bốn động từ để tả cảnh trằn trọc ban đêm.
Triển: trở mình một nửa
Chuyển: trở mình một vòng.
Phẫn: trở mình quá một vòng
Trắc: trở mình mà đọng lại.
Bốn động từ đặt liền sau hai câu tán thán du tai! du tai! thật uổng công tìm! Nghe nó mới dài làm sao cái cảnh trai nằm sấp, gái thở dài! Thời gian dài dằng dặc mà không gian man mác (tả hữu lưu chi).
Thơ Tang Trung:
"Hái rau thỏ ty! Hái miền muội Hương
Rằng nhớ ai kia? Nhớ Tề Mạnh Khương.
Nơi Tang Trung ta thương mình đón.
Nơi Thương Cung mình đón ta thương
Bên sông Kỳ mình tiễn những vấn vương ta nhớ mình
Cắt lúa nếp hề. Miền Bắc Muội nương
Nhớ ai bây giờ? Nhớ Dung Mạnh nương
(Vân thuỳ chi tư? Mỹ Mạnh Dung hỹ!)
Hoặc bài thảo trùng: "Vị kiến quân tử: ưu tâm xung xung!" chưa gặp được chàng lòng em sùng sục nhớ mong. Câu đó đặt sau những chữ về đi! về đi, quy tai! quy tai! như nghe rõ bên tai tiếng lòng rạo rực hổn hển. Thực là xa kiểu "nam nữ thụ thụ bất thân" biết mấy. Đọc Kinh Thi có cảm tưởng như đi dạo trong những rừng cảnh bên Tây Bois de Boulogne hay đúng hơn như bên Hyde Park ở Luân Đôn, phơi yêu đương hồn nhiên trên thảm cỏ xanh. Kinh Thi cũng có thảm cỏ xanh (tuân kế thả lạc: Trịnh Phong): s'étend un beau gazon! Cũng gặp nhau trong bóng hoàng hôn, vào lúc tinh sao thay bóng điện néon tưng bừng giúp vui nhấp nhánh dưới rặng dương liễu đầu làng: "Hôn dĩ vi kỳ, minh tinh hoàng hoàng". "Thơ đông môn chi dương". Nhất là các cô gái trong Kinh Thi dạn lắm, các cô thường khiêu khích và "bắn" trước theo tinh thần Trống quân hay Chức nữ "đầy sáng kiến": sai chim thước bắc cầu rồi sang đón Ngưu Lang: Chức Nữ thất tịch đương đồ hà, sử tước vi Kiều. Trong Kinh Thi rất nhiều chim nhưng các cô không sai con nào đi bắc cầu cả: lâu la khó nhọc cho người ta! cứ để chúng hót lên những điệu du dương, còn các cô tự động vén váy sang sông khỏi bày vẽ cầu với kiều cho bận rộn chim chóc.
Tử huệ tư ngã.
Khiên thường thiệp hựu.
Tử bất ngã tư.
Khởi vô tha sĩ?
Cuồng trung chi cuồng dã thư!
(thơ Khiên Thường)
"Nếu cậu ưng thuận thì tôi xắn váy sang sông" (Granet dịch: Je trousse ma jupe), nếu không thuận thì thiếu gì sinh viên khác. Chứ cứ đứng ngây ngây trơ trọi coi nó kỳ lắm, dại lắm, một lần nữa dại lắm cậu em ơi.
Nếu ưng và sang sông rồi thì sao? Thì có thụ thụ bất thân không. Đâu có. Cô ta nắm ngay tay chàng và nói thẳng chúng ta cùng cho tới già! "chấp tử chi thủ: dữ tử giai lão" (thơ Kích cổ)
Đọc Kinh Thi chúng ta được chứng kiến mối tình yêu thương giữa nam nữ biểu lột rất hồn nhiên chưa bị xuyên tạc, vẫn còn trung thực như trong cảnh địa đàng: trai gái hẹn hò gặp gỡ khi thì trong vườn dâu, khi thì ở góc thành, lúc trên bờ ao để:
Cùng nhau ca vũ
Cùng nhau nói kể,
Cùng nhau tự tình
(thơ Đông môn chi trì)
Khả dĩ ẩu ma,
Bỉ mỹ thục cơ,
Khả dĩ ngộ ca…
Khả dĩ ngộ ngữ…
Khả dĩ ngộ ngôn.
(thơ Đông môn chi trì)
Có thể ngâm nga,
Rồi gặp người đẹp.
Để mà ca vũ,
Để mà kể lể
Để mà tự tình.
Rồi cùng dặt tay nhau đưa lên xe chạy trên xa lộ Biên Hòa.
"Tuân đại lộ hề,
Chấp tử chi thủ hề…"
(thơ Tuân đại lộ)
Khi lên xe mới ngắm kỹ
"Hữu nữ đồng xa,
Nhan nhu thuấn hoa"
(thơ Hữu nữ đồng xa)
Có khi đồng xa nhưng không đồng sàng mới đâm ra nhớ, nhớ quá chịu không thấu thì trèo tường "Tương Trọng tư hề"
Vô duẫn ngã lý.
Vô triết thọ kỷ.
Khởi cảm ái chi.
Uý ngã chư huynh.
Trong khả hoài chi:
Đành là nhớ thương anh Trọng rồi,
Nhưng còn anh em nhà tôi thì sao
Trèo tường, giẫm vường làm gẫy cây cảnh,
Thì yêu thương sao được.
Thiếu gì nơi mà lại lần mò thế.
Khờ quá là cái giống đa tình…
(Thơ Tương Trọng tử)
Đó là đại cương phần quốc phong: bắt được quả tang là một tiểu thuyết tình cỡ nặng! Như thế bảo các nho gia không bù đầu bút tóc sao cho được. Tại sao đức Thánh lại cho vào Kinh Thi những điều mất nết như trên (cầm tay nhau, trèo tường) sao lại có thứ gió đó thổi lên như thế còn đâu là mỹ tục. Bởi vậy ta mới thấy ngay từ đời Hán đã đặt ra những luật phép để hướng dẫn "sự giải nghĩa Kinh Thi". Đại để thì những chuyện quá quắt như lội sông, nắm tay, trèo tường v.v… vì ở trong Trịnh phong, nên đặt vào miệng Khổng một câu "ố Trịnh thanh" tôi ghét phong dao nước Trịnh. Tưởng vậy làxong. Nhưng nào có xong. Nếu ghét sao lại tuyển hợp cho vào Kinh Thi? Và cho vào nhiều nhất 21 bài, thứ nhì là Bội phong 19 bài. Ít nhất là Tào và Cối có 4 bài. Ngoại giả toàn giải nghĩa bóng. Hai chương đầu Châu Nam Thiệu Nam thì cho là triều đình đã đặt ra để răn đe chê trách. Con trai giải nghĩa là Văn vương, con gái thì cho là chánh phi gì gì đó. Đại để đặt đủ điều tiểu xảo hầu che giấu bản chất của quốc phong. Nhưng với con mắt phê bình chỉ cần đọc thoáng qua chúng ta thấy ngay sự giải dối của lối giải nghĩa độc chuyên kia, nó làm sai lạc cái ý chính, nó gò gẫm đến độ đọc lên phải buồn cười. Sự thực thì Kinh Thi chính là những lời hát hoa tình theo nghĩa tốt, nghĩa là ái tình được trình bày thanh lịch như hoa (đào chi yêu yêu). Và sách giải nghĩa Kinh Thi chân truyền chính là những câu hát trống quân, những lời gợi tình dọ ý rất hồn nhiên giữa trai gái trong khung cảnh thiên nhiên có sông, có núi, như trong ca dao hay trống quân của ta. Cả hai dùng phát xuất do tạo phong nhiêu. Sau quốc phong bị đẽo gọt, bẻ quặt mới khác trống quân. Tuy nhiên cũng còn nhận ra dấu vết và dù sao muốn hiểu Kinh Thi quốc phong phải lấy ca dao ta làm một tiêu điểm so đo. Vậy ta hãy đọc ít câu đại loại như:
Người tình ta để trên cơi
Nắp vàng đậy lại để nơi mình thờ
Đêm qua và bốn lần mơ
Chiêm bao thì thấy, dậy rờ thì không
Gió đưa cành mận, gió lay cành đào
Vì em anh phải ra vào tối tăm
Tối tăm thì mặc tối tăm
Chớ cho bác mẹ đi nằm sẽ hay
Thoạt vào anh nắm cổ tay
Em đừng hô hoán việc này nên to
Đường xa thì thật là xa
Mượn mình là mối cho ta một người
Một người mười tám đôi mươi
Một ngừơi vừa đẹp vừa tươi như mình…
Những câu trên đây nếu nghe qua tai hương nguyện thì ít nhất sẽ bị phê là thiếu đứng đắn, nếu không là buông lung. Nhưng thực ra nó cũng một hơi hưởng với quốc phong Kinh Thi, nên nhiều người nghi ngờ có phải chính Khổng Tử san định chăng (như Khổng Đĩnh Đạt thí dụ). Nhưng tôi cho rằng nếu xét riêng về phương diện tình ái nam nữ, thì không nên hồ nghi việc Khổng san định Kinh Thi. Tuy có những truyện ngược với "Kinh Lễ" nhưng cũng có lý do khác mạnh hơn bên ngoài "ước lệ" mà đứng ở cương vị triết lý chúng ta cần phải tìm hiểu.
4. Tình thực
Theo các nhà tâm lý thực nghiệm thì trong một cử động của người tình cảm chiếm tới mười phần hết chín. Trong các tình con người thì tình yêu thương ân ái giữa trai gái là mãnh liệt nhất nên hay xé rào, bất chấp mọi bờ cõi huý kỵ nên đã gây ra trong lịch sử biết bao là tấn bi kịch. Và xem ra nó là động cơ lớn của tài ba: hình như con người càng có tài xuất sắc càng yêu đương mãnh liệt. Gorki cho thiên tài là ái tình. Và Nguyễn Công Trứ: "càng tài tử càng nhiều tình trái".
Berdiaeff nhận xét "mọi nhân tài đểu là khách đa tình cả: tout génie est érotique. Cái đó dễ hiểu, vì tình tứ dào dạt là biểu lộ một nguồn sinh lực mãnh liệt mà có mãnh liệt mới giàu sức sáng tạo.
Do đó tình yêu trai gái là chuyện rất thường lệ bình hành và ta có thể nói thẳng thắn rằng chung quanh tuổi đôi mươi mà trai không biết mê gái, gái không biết mê trai thì đó là những "miền kém mở mang" (les pays sous dévelopées).
Ở tuổi dậy thì mà không cảm thấy sức đi lên của nguồn sống thì không phải là những trạm kết tinh mãnh liệt khuếch đại sức sống để nó vươn lên, truyền bá ra dào dạt. Do đó yêu đương ân ái giữa trai gái phải tràn dâng, phải chiếm đoạt cả tâm hồn lẫn thân xác của cái tuổi dậy thì. Tuy là hợp lệ nhưng rất mãnh liệt, rất dễ phá vỡ đê điều, do đó mới có vấn đề và mới gây nên những cách đối phó khác nhau như mần thinh, đàn áp, đề cập.
Mần thinh: tức là không nói tới những sự yêu thương ân ái gái trai, coi như không hề có chuyện đó, cố đem những kiểu sùng mộ những đối tượng u linh ở thế giới "cao siêu" bên ngoài trần tục để thay thế vào, với dụng ý át tiếng lòng. Chẳng hạn về dục tính (sex) nếu có nói đến thì lại nói về Tính của thần tiên. Kết quả xuýt xoát như chuyện cá gỗ: bố của nhà nghèo kia túng quá không có tiền mua cá. Người cha nảy ra ý làm con cá bằng gỗ treo lên, rồi dặn con mỗi miếng cơm nhìn lên con cá một lần cho khỏi nhạt miệng. Thằng anh nhìn lên ba cái mà miếng cơm vẫn nhạt không sao nuốt đi được. Em thấy thế mách bố. Bố bảo kệ! Cho nó ăn mặn rồi có ngày sẽ chết khát.
Đàn áp: lờ đi không xong thì đàn áp, tìm cách nói xấu đàn bà, "đàn bà là rắn độc"… hầu hết các câu bêu xấu phụ nữ (misogyne) (như ví cái hộp của Pandore… nguồn gốc mọi sự dữ) đều do thái độ trên hoặc gán cho việc ái ân một tầm quan trọng thái quá. Từ đấy đặt ra đủ thứ huý kỵ, để canh giữ… đẩy những kiêng khem thành đức này đức khác… Gán cho việc ân ái một mặc cảm tội lỗi nặng nề…
Kết quả có hơn giải pháp mần thinh chăng? Khó mà xác định nhưng có lẽ sự thất bại còn nặng nề hơn. Chẳng hạn về mặt luân lý gây ra cả một bầu khí trá nguỵ giả dối che đậy, thiếu thành thật, và biến yêu đương rất hợp lệ thành mặc cảm tội lỗi, câu nói "bản chất tình yêu là tội lỗi" thuộc loại đó. Rõ ràng là obsession de péché. Nhiều nhà giáo dục quan niệm sự huấn luyện người cũng như đạo đức đều quy kết vào cả điểm này. Thành ra chỉ tạo nên được một lũ cù lần.
Về mặt tâm lý theo khoa phân tâm thì có thể đâm ra bệnh hoạn do sự dồn ép cái tình tứ quá mạnh, là căn nguyên nhiều bệnh thần kinh khiến con người trở nên lệch lạc. Dầu chủ trương Freud không đúng hết nhưng ta cũng thấy trong việc cấm kỵ quá đáng đó gây ra mất quân bình…
Về mặt xã hội hình như có việc "báo thù" bằng những cử chỉ quá trớn để đối kháng: những tượng lõa thể đặt đầy phố, những câu lạc bộ khỏa thân, những cuộc "vũ để tụt dần" strip tease… thường xuất hiện trong các xứ áp dụng hai lối chính trị mần ngơ và đàn áp. Đó là những hiện tượng gây thắc mắc.
Đã thế về đàng triết lý ngoài những huý kỵ và cấm đoán tiêu cực là sản phẩm dễ dãi tất nhiên của nhóm thanh giáo tức những người không bao giờ vượt qua bình diện giới ước vốn được coi như tuyệt đối thì thiếu hẳn một đạo lý tích cực bao quát nổi cả vấn đề trai gái thường tình soi thấu đến những phạm vi người đời quen gọi là tục là dâm. Đánh gẩy ra ngoài như những cái gì bị coi là của quỷ ma bẩn thỉu, và chỉ đưa ra được một nền triết lý vô nhân, có lẽ hợp cho thần tiên nào ở đâu nhưng không có gốc rễ gì trong cõi người ta chi cả. Vì thế ta phải đi tìm một giải pháp thứ ba có tính cách tích cực hơn. Và đó chính là giải pháp đề cập được áp dụng ở Kinh Thi.
Chủ trương đó là thành ý chính tâm nên đố kỵ mọi trá nguỵ. Vì vậy bụng có sao nói ra thế, không thể bụng nghĩ tràn đầy chuyện nọ, miệng lại nói chuyện kia. Đàng khác chủ trương trong việc học vấn của Khổng không những trí chi mà nhất là lạc chi. Nói đến những chuyện cao xa lòng ít chú trọng thì chỉ có thể trí chi cách lạnh lùng bằng lý trí, chứ tâm bất tại thì lạc sao được. Muốn lạc chi phải nói ngay đến những chuyện đang đầy ăm ắp trong lòng, đang rạo rực trong đường gân, xôn xao trong thớ thịt… như thế vừa tránh được chuyện trá nguỵ mà cũng tránh luôn được cái tệ dồn ép, bởi đã được giải tỏa đầy đủ không những bằng lời nói, bằng vần thơ, mà luôn bằng cung đàn, giọng hát, bằng cả điệu múa nhịp nhảy nữa. Đó là một phương thế làm triển nở con người, đó là một phép vệ sinh tâm trạng, bớt được một số bệnh thống kinh, gây được nhiều tâm tình lành mạnh hơn. Cao hơn một bậc là xây được một nền triết lý cai quát nổi cả vấn đề trai gái tính dục với nền móng một triết lý nhân sinh tích cực hợp với nguồn sống vũ trụ: thiên địa chi đại đức viết sinh, và sinh sinh chi vị dịch… Vấn đề then chốt của triết lý là nhân sinh (sinh sống, truyền sinh, bảo sinh) khởi đầu từ đôi trai gái yêu đương ân ái dẫn tới chỗ truyền sinh, rồi vươn tới nguồn sống mênh mang bát ngát của vũ trụ với danh từ âm dương thiên địa, càn khôn… Danh từ tuy khác nhưng cùng một nhịp nhàng tiết điệu, cho nên sách Trung Dung viết: "quân tử chi đạo tạo đoan hồ phu phụ; cập kỳ chí giả sát hồ thiên địa, 君 子 之 道 , 造 端 乎 夫 婦 ; 及 其 至 也 , 察 乎 天 地 " (chữ đoan Granet dịch là principe, germe…), đạo quân tử khai mào từ việc nam nữ, đến lúc cùng tột thì xét tới thiên địa. Phải đọc kỹ câu đó, rồi ngắm nhìn Nho giáo toàn bích từ bài Quan quan thư cưu cho tới hai quẻ Kiền Khôn trong Kinh Dịch ta mới thấh cái khởi điểm của Nho giáo là vững chắc, và nhất là khi quan sát các triết lý đã khởi đầu cách khác, như sự hữu của Aristote, linh tượng của Platon, tư duy của Descartes… hiện nay đang bị phơi trần sự vô tình của chúng (philosophie deshumanisée, désincarnée). Lịch sử triết học vì thế hầu hết chỉ là sự thu thập các tờ khai tử của những nền triết đã khởi đầu từ những ý niệm cao siêu đặt bên ngoài cõi người ta, và đã tỏ ra vô ích cho con người sống thực. Do đó ta nhận ra ý nghĩa câu "thi khả dĩ quán, 詩 可 以 觀", chữ quán có nghĩa là quan sát, suy tư, tư duy, suy nghĩ cách hoàn toàn triệt cả ý lẫn tình và chí hợp câu "tư vô tà" là cái mục đích chính của Kinh Thi. Như câu "thi tam bách, nhất ngôn dĩ tế chi viết: tư vô tà, 三 百, 一 言 以 蔽 之, 曰: 思 無 邪 " (L.N II.2). Mới đọc Kinh Thi ta thấy toàn là tình, thế mà cuối cùng không dừng lại ở tình cảm mà lại đạt tới tư duy sâu sắc. Đọc sơ qua ta có thể cho là lạc đề: "Hưng tình cảm để có thể suy tư". Nhưng khởi đầu khác đi là hỏng, chẳng hạn như triết học duy niệm đã khởi đầu bằng ý niệm, thì nay người ta đã nhận ra ý niệm chỉ là cái biết lưng chừng lơ lững giữa trời, dưới đất mất liên lạc với những thực thể cá biệt, mất sự cảm nghiệm qua đường gân thớ thịt, mà trên lại chưa vươn tới đợt suy tư trung thực. Như vậy chỉ còn là nắm xương khô sở dĩ có sức lôi cuốn được một số người chạy theo là do tính chất rõ rệt minh xác của nó. Nó trợ giúp cho việc sắp đặt các ý niệm, nên được giới học giả bảo trợ như của quý nhưng họ đã quên rằng nó có rõ ràng chính vì đã để rữa hết thịt gân nên hết luôn chất nuôi dưỡng. Đó là con đường mà Platon, Aristote đã mở ra và hướng dẫn triết học Tây Âu cho mãi tới nay. Ông Hughes nhận xét: khi đem Khổng Tử so với các tác giả La Mã Hy Lạp rất minh bạch khúc chiết thì tưởng đâu triết nhân Đông phương là ngu đần là lơ mơ, nhưng về phương diện khác thì những triết nhân La Hy bỗng trở nên chậm lụt kỳ lạ. Whereas the Greek and Roman phiosophers have been subtles and discerning along certain lines, their opposite numbers in China may appear rather stupid and undiscerning on these lines. But along certains other lines the Chinese may have been quick to see certain facts, where the Greek and Roman suddently appear to have been curiously slow" (Chinese Philo. In classics time p.20)
Sở dĩ triết nhân Hy Lạp hiện ra thoái hóa chính vì đã muốn đi mau quá: đã vượt qua lời hoa tình để bàn ngay về ý niệm. Sau 25 thế kỷ người nay đã nhận ra tính chất giả tạo của những cái triết lý phi nhân đó. Như thế ta mới nhận ra ý nghĩa câu nói: người mà học hai thiên châu nam thiệu nam thì như quay mặt vào tường "nhơn nhi bất vi Châu Nam Thiệu Nam. Kỳ do chính tường nhi lập dã dư, 人 而 不 為 周 南 召 南 , 其 猶 正 牆 面 而 立 也 與 ?" (L.N. XVII.10). Không qua tình yêu trai gái, nhảy tuột lên ý niệm thì như dán mắt vào tường, hết trông thấy sự thực cụ thể. Dục tốc bất đạt là bài học phải nhắc luôn luôn. Vì tuy Khổng đã làm gương nhưng môn sinh về sau rất hay quên. Bởi vì việc khởi đầu từ những ý tưởng cao xa quả là một cám dỗ đầy sức lôi cuốn. Nhưng theo Jung thì "vấn đề nam nữ dầu đề cập bằng cách nào cũng vẫn là cửa đưa vào siêu hình và cả tôn giáo nữa "quelle que soit la voie d'accès vers le problème de la distinction entre le masculin et le féminin, ce problème sera toujours la porte d'entrée vers la métaphysique et même vers la religion" (Butendijk 432). Câu này giúp ta hiểu Khổng đã khởi đầu triết lý nhân sinh bằng những lời hát hoa tình là rất đúng tâm lý vậy.
5. Kết
Muốn hiểu được lý do sâu xa đã quyết định thái độ Khổng Tử dùng những câu hoa tình trong Kinh Thi phải tìm lại niềm trinh bạch sơ nguyên lúc con người chưa bị chi phối bởi ước lệ xã hội. Ở trong tâm trạng đó có dân sống khỏa thân và coi việc truyền sinh là tác động căn bản nhất, linh thiêng nhất. Lúc đó con người chưa bị nguỵ tạo do những huý kỵ của thanh giáo các đời sau làm hư đi, nên còn giữ được tâm trạng vô tội, nên thái độ rất là hồn nhiên chân thành y cứ trên nhân sinh nhiều hơn lệ tục.
Chính vì Khổng Tử còn gần với tâm trạng vô tội sơ nguyên đó, còn biết một thứ siêu hình luân lý vượt qua những thứ luân lý hình thức nhất định nọ nên mới có điều rất kỳ lạ này là chính môn sinh tìm cách gò bó thầy, thay vì thầy gò bó môn sinh như thường lệ nơi khác. Tử Lộ bất duyệt truyện thầy thăm Nam Tử. Truyện Tử Hạ, Tuân Tử không cho học Kinh Thi, nhưng bắt học Kinh Lễ. Truyện các môn đồ về sau bắt vỡ lòng bằng những sách cao siêu và tìm cách giải nghĩa Kinh Thi theo lối cao quý "tao nhã". Thật là ngược đời!
Nhưng cũng chính ở chỗ ngược đời đó mà Khổng Tử đã được nghe theo trải qua bao nhiêu thế hệ và đã thành công trong việc thiết lập một nền triết lý nhân sinh mà cho tới nay vẫn con mang tính chất thời đại, ngay trong vấn đề tương quan nam nữ. Chí như trong bọn hương nguyện Đông cũng như Tây trải qua từng hai ngàn năm mà chưa sao viết nổi một cuốn sách triết lý nào có chất trung thực.
Chúng ta biết rằng giải pháp thời Khổng Tử không thể áp dụng y nguyên vào thời đại này đã quá khác, nhưng nếu đem so triết thuyết của ông đầy chất chân thành và tích cực với những triết thuyết gọi là cao siêu nhưng đầy trá nguỵ và giả tạo, ta vẫn thấy nó còn cung ứng được nhiều yếu tố khả thủ hơn rất nhiều.
Xin tóm lược lại những yếu tố đó theo quan điểm triết lý nhân sinh. Điều nổi hơn hết là nhơn tức là nói đến tình vì tình đi sát nhơn: ta quen nói nhơn tình, còn lý đi với sự ta quen gọi là lý sự. Triết lý nhân sinh chống đối việc đặt sự trên nhơn, đặt lý trên tình, nên chủ trương học Kinh Thi thay cho Lý luận là cốt mong cho tình người làm chủ lý sự: ngoài là lý nhưng trong là tình (tử vị phụ ẩn, phụ vị tử ẩn: con vì tình che giấu cho cha. Cha vì tình che giấu cho con). Tấn bi kịch của nhân loại hiện đại là để cho lý lấn át tình, để cho nhân tánh bị kỹ thuật vô linh hiếp đáp.
Điều đó triết lý duy niệm có sạch trách nhiệm được chăng? Dầu sao thì người ta cũng phải chân nhận rằng sự đóng góp của nền triết lý duy niệm vào đời sống thực tại thật là thiểu não: phải chăng vì để cho danh lý choán hết chỗ lẽ ra phải dành cho Thi ca? Điều thứ hai cần chú ý: đã nói đến Tình thì mạnh mẽ nhất là tình dục. Tình dục kết tinh lại nơi người phụ nữ. Vì thế triết Đông trao cho nàng sứ mạng thâu tóm, tàng trữ, tụ hội. Tiếng kỹ thuật gọi là âm vì âm tàng còn dương hiển. Một triết lý chỉ có luận lý mà thiếu thi ca thì là triết lý chỉ có hiển mà thiếu tàng. Không thể gây sinh thú cho con người, không thể trở thành nền triết lý nhân sinh, bởi chưng con người được cấu tạo do âm dương nhị khí nên dương thiếu âm như cá thiếu nước (nữ thất nam như ngư lạc thuỷ) "thiếu nàng đi là vũ trụ trở nên hoang vắng" (un seul être vous manque et tout est dépeuplé. Lamartine). Đó là những lý do giải nghĩa sự hiện diện thường xuyên của Nàng trong các áng thi ca lớn của thế giới: lúc thì mang tên là Thuý Kiều, khi là Thôi Oanh Oanh, khi là Juliette lúc khác là Beatrice hay Duleina… và nhiều khi hình bóng nàng được dùng để tượng trưng cho Minh triết cũng vì đặc tính tụ hội, đi vào nội tâm đó. Lévy Strauss: L'Occident a tendance à perdre la chance de rester femme i.e l'aspect féminin, côté spirituel de la vie intérieure… Âu châu có khuynh hướng để mất khía cạnh đàn bà trong văn hóa, tức là đánh mất yếu tố tâm linh vậy.
Điều thứ ba là vấn đề xé luỹ trèo tường. Trèo tường có thể là một hành vi phạm pháp, liều lĩnh, sái luật đáng lên án. Nhưng trèo tường cũng có thể ám chỉ một sự vượt qua, siêu lên đến cõi Trung Dung cũng gọi là phạm vi Tâm, Tính đặt bên trên ước lệ và lúc đó tường giậu tiêu biểu cho những ước lệ xã hội nhất định nọ cần phải vượt qua để đi đến cõi siêu luận lý của tính Đồng Nhiên con người muôn thưở đặt bên ngoài những huý kỵ của nền đạo lý này hay tôn giáo kia. Nietzsche nói: tất cả những gì làm do tình yêu đều làm bên ngoài thị phi. Tout ce qui se fait par amour se fait par de là du bien et du mal. Roméo Juliette biết vượt ra ngoài thù hận của hai gia tộc, để gặp nhau trong tình ái ân vô biên, và trời cho chim Thước bắc cầu để Chức Nữ Ngưu Lang được đoàn tụ: một thứ trèo tường được trời ban phép lành.
Vậy thì xé rào trèo tường cũng có hai nghĩa: vừa có nghĩa là lỗi luật phạm pháp do xã hội đặt để mà cũng có nghĩa siêu lên vươn tới Tính bản nhiên Con Người. Sở dĩ những bậc đại hiền triết có thái độ lâng lâng vô tội và cởi mở là vì các ngài biết tới Siêu Luân Lý này. Và khi nói đến thi ca là các ngài nghĩ tới siêu luân lý đó, thứ "hình nhi thượng" đó, nên mỗi lần bàn về Kinh Thi Khổng Tử hay bàn ra ngoài nghĩa đen là vì thế. Vài thí dụ: "Cáo chư vãng nhi tri lại, 告 諸 往 而 知 來 者, LN.I.15", bảo cho hay về dĩ vãng liền nhân đó biết đến truyện tương lai. "Thi tam bách, nhất ngôn dĩ tế chi, viết: Tư vô tà, 三 百, 一 言 以 蔽 之, 曰: 思 無 邪,LN. II.2", ba trăm bài kinh thi tóm vào một câu: suy tư không tà vạy! "Hội sự hậu tố (hình vẽ của họa sĩ đến sau nền trắng),繪 事 後 素, LN.III.8", nền trắng (tố) nói ở đây có ý biểu thị sự thành tâm trong trắng phải có đầu tiên như nền tảng. Thiếu nó có vẽ vời bao nhiêu cũng là giả tạo.
Chú thích: bài về Kinh Thi ở đây sẽ được bàn rộng trong quyển "Việt Lý tố nguyên" ở bài "phần đóng góp của Việt tộc trong việc hình thành Kinh điển". Cũng trong đó nói đến 2 nền luân lý: một của thị dân nhiều nguỵ tạo; một của thôn dân giàu tính chất phác…
Muốn hiểu thi ca theo nghĩa thăng hoa. Muốn vươn tới cõi Siêu Luân Lỳ này chúng ta cần phải tiếp tục bước thứ hai là "Lập ư Lễ". Có Lễ mới giữ cho khỏi buông thả nhưng được hướng dẫn để tình thăng hoa giúp vào sự nảy nở toàn diện của con người.