°
° °Tiếng cười nói ồn ào. Chợt con Vện của chị Bốn vụt chạy té ra ngõ, ngoắt đuôi lia lịa. Chị Bốn đã về.
Chú Năm đứng lên gọi: - Mời bà mau vô đây! Lấy nếp lấy đường ra nấu mau một nồi cháo ngọt. Phải nấu nồi to. Cách mạng lên rồi, không cần cóp nhặt từng xu chi cho mệt! Chị Bốn đặt giỏ dâu xuống: - Xin có ngay! Chú Năm cúi người trên chỉếc bủa, vừa xiết dây lạt vừa gọi to hơn: - Bà Bốn Linh ơi! - Dạ! - Ngày mai bà có nhớ chi không? - Nhớ rồi. Sau bắt kén, phải cúng buồng! - Tôi đã nhắm con gà trống của ông Bốn! Nó vừa gáy te te ở đây khi nãy. Ông Bốn ăn ở có đạo chỉ la làng vài tiếng mà bà con đã chạy đến đông đủ. Bà phải đền đáp công ơn của họ! - Xin đền đáp! - Đền đáp không phải nói suông là xong đâu. Người lớn ít nữa cũng phải có xôi với thịt gà. Trẻ con cũng phải chè xôi đó. - Xin nhớ! Bắt kén xong còn phải gánh trả đòn hào, hom dâu. Cũng phải nhờ chú Năm giúp cho một ngày nữa. - Tôi không làm nữa đâu! Tôi bị ông Bốn đấm vào vai. Vai tôi bị sưng vù lên đây này. Từ hôm ở chòm đa Lí về, tôi không làm được việc chi nữa!... - Đã là đấu chơi thì các ông phải đánh nhau nhẹ nhẹ. Đằng này cứ thẳng tay đấm đá. Ông Bốn đã nhiều lần bị u đầu và hộc máu. Tôi sợ mất vía! - Có gì mà sợ! Ông Bốn có chết đi thì bà cứ đem muối mắm, khỏi phải đi chợ. Nhưng ông Bốn bị ma quỷ chê rồi, chưa chết được đâu. Bà còn phải hầu hạ ông đó!°
° °Chú Năm Mùi gọi tôi và thằng Cù Lao giúp chú quay bủa về hướng khác để tằm đỡ nắng, vì tằm đã rúc ổ.
Tằm trong nong đã nhặt xong, các chị hái dâu đội nong ra rộc kì cọ giặt giũ. Tiếng đập nong nghe phành phạch như tiếng trống lủng. Tôi và thằng Cù Lao khiêng hết giường phản ở nhà trên đem dồn xuống bếp. Bàn ghế phải cấp tốc đưa hết ra sân lấy chỗ vầy tằm. Thằng Cù Lao đổ than vào nồi, quạt lửa. Chú Năm Mùi hướng dẫn đặt bủa chụm đầu vào nhau, cứ hai bủa chụm lại thành một, giống như hai mái nhà. Dưới bủa phải đặt nồi lửa để sưởi cho tằm được ấm. Chị Bốn đã rang sẵn mấy nồi bắp để phục vụ đội ngũ vầy tằm. Tôi và thằng Cù Lao nhai bắp rang, ngồi lắng nghe chú Năm kể chuyện. Toàn những chuyện đùa ông bán trứng tằm, người đào dâu, chuyện chế giễu những kẻ ngu xuẩn, bọn quan lại hống hách. Nhiều chuyện có những chi tiết rất tục, làm chúng tôi cười lăn lóc, suýt ngã vào nồi than. Chú Năm nheo mắt cười hì hì: - Nay cách mạng thành công tao mới dám kể cho bọn mày nghe. Trước đây tao phải kín miệng, vì nó động thời thế! Chú Năm kể những tích tuồng hát bội. Chú thú thật đã mê hát bội đến quên ăn quên ngủ, con mắt của chú trũng xuống, sâu bằng cái chén tống, râu ria chú mọc ra, tóc dài phải búi thành một đùm sau gáy. Tôi chứng minh thêm: - Hèn gì thím Năm nói với mẹ cháu là thím xấu số, gặp phải thằng chồng mê hát bội! Thím Năm thề thím sẽ đốt rạp hát bội đó. Chú Năm cười xoà: - Cái tai mày bị lủng rồi hả? Mày nghe sai bét. Thím mày nói với tao là thím mày tốt số mới gặp được tao. Tao kể cho thím mày nghe những tuồng Tam nữ đồ vương, tuồng Đào Phi Phụng, thím mày mê tít thò lò! Nhưng thôi, bọn bay đi bươi lửa cho bủa ấm cái đã. Chúng tôi chui vào dưới bủa, bươi lửa cho bủa ấm, lại chui ra, quây quần bên chú Năm. Chú Năm vẻ nghiêm trang: - Bọn bay nay được thăng làm học trò. Một dạo tao cũng được thăng làm học trò! Tao học chữ Hán chớ không học quốc ngữ như bọn bay. Thầy dạy tao câu “Đệ tử phục kì lao”. Thầy cắt nghĩa từng chữ: đệ tử nghĩa là học trò, phục nghĩa là phục, kì nghĩa là sửa, lao là lao. “Đệ tử phục kì lao” nghĩa là học trò phục sửa lao. Tao cũng chẳng hiểu thánh hiền muốn dạy điều chi. Sau tao nghĩ ra chữ “kì” đây có nghĩa là kì cọ, kì cọ khi ta ra tắm ngoài ao đó. Tao bèn đọc “Đệ tử phục kì lao” nghĩa là học trò phục ngoài ao. Thầy đánh tao hai roi. Nhưng ít ra tao cũng tìm được nghĩa lí của câu thánh dạy. Chú Năm chỉ vào thằng Cù Lao: - Cái tên của mày cũng là “Cù Lao” hay là “ Kì Lao” chi đó. Tao nghĩ phục Cù Lao là đúng hơn. “Đệ tử phục Cù Lao” có nghĩa là học trò phục thằng Cù Lao. Chúng phục mày vì mày bơi giỏi. Tôi hỏi: - Còn tôi, chúng cũng phục tôi chớ? - Chúng đặt vè về mày đó! Nghe có người đặt vè về tôi, tôi đã lo. Thường người được đặt vè là người bị thiên hạ chê cười. Chú Năm liền tiếp: - Nó đặt vè về mày thế này này: “Có thằng nhỏ dại, không biết nghĩ suy, cha mẹ hàn vi, cho đi ăn học. Lo mua vở sách, mua sắm áo quần. Trò bỏ ra sông, suốt ngày đánh đá. Xưng hùng xưng bá, nào Triệu Tử Long, nào là Địch Thanh, Quan Công, Hạng Võ. Trâu không có cỏ, gầy tóp đôi hông. Lê la ngoài sông...” Tôi nói chắn ngang: - Đừng đọc nữa! Suốt ngày đánh đá để tập đánh Pháp đuổi Nhật đó. Các chú không cho bọn tôi tập tự vệ thì phải tập giật lá chớ. Nè, cái khoản tập bơi để diệt đồn địch, tôi vượt sông rồi đó... Hình như khoản tập bơi đã thuyết phục được chú Năm, chú nhìn tôi chăm chú: - Nhưng việc mày bảo là thím mày vô phước mới gặp tao là sai bét. Mày xem từ hôm cách mạng đến nay, tao tiến bộ thế nào! Tao hô hào bà con đi cướp chính quyền. Tao trúng chân chỉ huy tự vệ, trúng ban chấp hành thanh niên. Tao lo việc nuôi quân. Tao thức suốt đêm để làm tằm. Ai cũng công nhận là tao đổi mới. Thím mày đã nói: “Cảm ơn cách mạng đã giác ngộ chồng em”. Thế nào? Có phải vậy không Cục? - Phải! Nhưng mới là chỉ huy tự vệ thôn, chưa sướng. Chỉ huy toàn tỉnh mới sướng, có được khẩu súng đeo bên hông. - Ớ cái thằng này! Phải thong thả học tập đã chớ. Phần tao như vậy cũng được. Còn phần mày, mày phải học con tằm. Nó rút hết ruột tơ của mình để làm ra cái kén. Kén ta đem ươm, lấy tơ dệt lụa. Đáng thương biết mấy!°
° °Chú Năm bỗng đứng bật dậy:
- À, tao còn phải đi quanh một vòng để tìm vài thằng Việt gian ẩn núp đâu đây cái đã. Nhiệm vụ đi canh chưa giao cho ai được. Chú Năm rút gậy đi một lúc rồi quay lại. Tôi ngáp một cái, nói: - Buồn ngủ quá chú Năm ơi! - Mày muốn tao hô bài chòi, nói Lục Vân Tiên, hay nói vè chớ chi! Tao biết trong con tim đen của mày rồi. - Sao chú biết được con tim đen vậy chú? - Thì chú cháu mình chớ ai vô đó! Khi tao còn nhỏ, tính tao cũng không nói thẳng những cái mình muốn như mày! Thường ngày Tết, chú Năm Mùi hô đánh bài chòi hay lắm. Chú đứng bên cạnh bàn đặt giữa đám đất. Trên bàn có đặt một cái ống, trong ống có cắm sẵn ba mươi con bài. Mười cái chòi dựng thành hai dãy hai bên. Trong mỗi chòi đã có người chủ bài. Chú Năm lắc ống bài, rút một con hô to: Tiếc thay chút nghĩa cũ càng Dầu lìa ngó ý còn vương tơ lòng Duyên em dù nối chỉ hồng May ra khi đã tay bồng tay mang. Là con... bát bồng. Tiếng trống lớn, tiếng chiêng nổi lên u, ầm! Tiếng trống nhỏ tom, tom, cắc! Tiếng đàn nhị ò e, ò e! Tiếng mõ lốc cốc! Cờ ngũ sắc bay lại bay qua. Hết con bài bát bồng, đến con bài ông ầm, rồi con nhứt nọc, con nhì nghèo, con bạch huê, con tam quăng, con tứ gióng... Có lẽ đó là những con vật rất kì dị ở những thế giới thần tiên đâu đâu. Chúng hiện ra từng hàng đầy đủ lông lá, màu sắc huyền ảo. Chú Năm, hoặc lấy từ trong Kiều, trong Lục Vân Tiên, trong Thạch Sanh và trong các loại vè trên đời, hoặc tự ứng khẩu sáng tác ngay tại chỗ, phục vụ kịp thời. Giọng của chú trầm bổng, ngân nga, reo vui, thanh thoát là tuỳ theo nội dung câu thơ chú hò. Không chỉ chúng tôi quên mệt, quên ăn quên ngủ, mà cả Hoà Phước đều mê cái giọng chú. Chú Năm phục vụ suốt mấy ngày Tết mà không lấy một đồng xu nào cả. Tôi nói lơ lửng: - Làm vài câu đi chú! - Một chữ tao cũng không làm, chớ đừng nói vài câu! Mày nghĩ, cách mạng lên rồi, tao cũng là chỉ huy tự vệ, ai lại đi hô cái đánh bài chòi! - Vậy chú ngâm Lục Vân Tiên đi. Chỗ Nguyệt Nga ôm bức tượng Lục Vân Tiên trầm mình dưới sông, chú cũng thích! - Đó là lúc trước, nay mày có cạy răng tao cũng không làm thứ đó nữa đâu! Gà đã gáy kia kìa. Cho sắp bay đi ngủ. Tao vừa mới biết trẻ con phải ngủ đúng tám giờ một ngày mới chịu lớn. Để tao thức một mình vầy tằm cũng được.°
° °Tôi bừng mắt, có tiếng cửa bị xô mạnh. Ánh sáng bên ngoài tràn vào. Trời đã sáng trắng. Khi hôm thức vầy tằm, mãi đến gà gáy mới ngủ. Chú Năm chuẩn bị việc bắt kén. Chú mở hết cửa, khiêng xếp các bủa kén lại một chỗ, trải hai chiếc nong giữa nhà, khiêng một bủa kén đặt lên. Mọi người bước đến mở gút lạt, giở nẹp, giở những cây dâu khô dính đầy kén như những hoa vàng. Giống kén bậc mày mốc, dày tơ, bán được tiền. Ai cũng mừng cho chị Bốn đánh ván cuối mùa lại được ăn to. Ông Bảy Hoá cầm một chuỗi kén dính liền nhau, giơ lên cho mọi người thấy. Kén dính liền nhau là điềm báo trước chị Bốn sẽ còn trúng tằm nữa. Sang năm, chị Bốn sẽ trúng bảy lứa tằm liên tiếp, vì có cả thảy bảy kén dính liền nhau.
Có tiếng cười nói ồn ào trước ngõ. Ông Trùm Khéo đã đến. Chính ông là người bán giống tằm cho anh Bốn Linh. Ông tiếp lời ông Bảy: - Tại sao chỉ trúng bảy lứa? Phải trúng hai mươi lứa chớ! Mọi người cười ồ: - Mỗi năm làm được năm lứa tằm đã đứt hơi. Nay ông Trùm có cách làm đến hai mươi lứa! - Thì có chi đâu! Anh chị Bốn chỉ thuê thêm bốn trai đứng buồng, làm đủ bốn buồng tằm. Mỗi buồng làm năm lứa, có phải vị chi là hai mươi lứa không nào? Ông Trùm Khéo xắn tay áo, thét to: - Nay non sông đã độc lập. Dân ta đã mở mày mở mặt với bốn biển năm châu, vậy ai còn chịu mặc thức vải thô dày như bao bố đó nữa? Phải mặc lụa với nhung. Nay mai nuôi mấy tằm cho đủ. Ông Bốn Linh trúng tằm, phải sắm một tủ sắt để đựng tiền. Tôi xin cam đoan như vậy! Bọn trẻ con trong làng đứa nào cũng biết ông Trùm Khéo. Hằng năm, bắt đầu mùa xuân, ông lại xuất hiện. Ông đi qua làng, mặc chiếc ao thao màu gụ, móc trước ngực một chiếc quạt giấy thật to, cõng sau vai một chiếc bầu bằng tre. Chiếc bầu có xỏ một chiếc đòn xóc cong queo như một cái móc. Nhờ chiếc đòn xóc đó ông Trùm Khéo đã cõng được bầu. Ông nhớ hết tên họ mọi người. Khi đi ngang qua Hoà Phước, ông dừng lại, nói rất tự nhiên: - Anh Bốn Linh, có trứng tằm của anh đây! Nếu không mua, ông Trùm Khéo quả quyết: - Không mua thì mất trúng! Ông biết mặt hết bọn trẻ con. Gặp tôi ông gọi: - Nè Cục. Ông coi bộ giò mày cao, chắc là chạy giỏi. Chạy mau về hỏi cha mày có mua trứng nòi của ông Trùm không? Nhớ nói trứng của ông Trùm lần này tốt dữ lắm! Ngày bắt kén, ông đến sớm lo hạ bủa, lo dọn dẹp cùng mọi người, có ý kiến trong mọi vấn đề, luôn luôn đứng về phía chủ tằm, phân tích tất cả những cái tốt của lứa kén cho người mua thấy. Ông cầm một cái kén vừa vê vừa nói với lái kén: - Các vị hãy xem! Những cái kén trong này còn cứng hơn hòn sỏi. Các ngài bỏ nó vào cối đá, lấy chày đâm mạnh nó vẫn không móp cho mà xem. Kén tốt ắt có nhiều tơ. Kén nhiều tơ sẽ có lợi cho các vị thế nào, cái đó các vị biết rõ. Vừa gặp thằng Cù Lao, ông Trùm Khéo đã nhớ ngay tên nó. Ông sai nó đun nước để ông thử kén xem kén có bị tan hay không. Thằng Cù Lao chạy như bay. Ông Trùm Khéo nhặt ở mỗi nong sáu bảy cái kén. Ông bỏ kén vào niêu nước sôi lấy đũa đập đập, gỡ vỏ kén, bắt những sợi tơ móc lên xa, quát to: - Cù Lao! Quay xa mau lên! Thằng Cù Lao quay xa, tiếng xa cót két, kén trong nồi nhảy nhót lao xao. Được một lúc, kén mỏng dần, dến lúc chỉ còn những con tằm trắng rơi xuống đáy niêu. Ông Trùm xếp ra quay, mở cuộn tơ, móc lên cổ cho thằng Cù Lao. Chợt ông nhìn nó chăm chăm, chép miệng hỏi: - Mày ăn chi mà hoá đen thui vậy? Chú Năm Mùi cho biết nó ở ngoài cù lao Chàm mới về. Ông Trùm Khéo trở lại vui vẻ: - Về đây là hết sức phải. Về đây làm tằm. Vì đã là dân xứ này thì không thể không làm tằm. Nghề nông và nghề tằm là căn bổn, “nông tang vi bổn” như thánh đã dạy. Mọi người dân không biết làm tằm đó là người ngoại quốc đâu đâu, chớ không phải người Việt Nam ta! Ông Trùm Khéo quay sang chú Năm Mùi: - Xứ này có giàu sang cũng nhờ tôi cả. Tôi đã chọn những kén giống tốt ở khắp các ngõ nguồn đưa về đây làm giàu cho thiên hạ. Có trứng rồng mới nở ra rồng. Cách mạng lên rồi, nhất định Uỷ ban sẽ cử tôi làm uỷ viên nuôi tằm. Tôi mà lãnh chức uỷ viên thì tất cả người dân xứ ni đều được nuôi tằm, đều được ăn sung mặc sướng, ăn toàn thịt cá, mặc toàn tơ lụa! Chú Năm Mùi hỏi to như muốn mọi người đều nghe: - Ông Trùm vừa nói xứ này có giàu sang là nhờ có ông Trùm. Đáng lí ra họ phải cảm ơn, nhưng ông Trùm lại bị đàn bà xứ này vác gậy đuổi chạy? Ông Trùm Khéo cười xoà: - Bà Hường làng này thua tằm, không phải vì giống của tôi xấu. Đó là vì tằm ăn dâu non. Bà thua tằm, bà nổi tam bành bà lên. Hễ đàn bà nổi tam bành, mình là bậc trượng phu, bỏ chạy là thượng sách!