Chương 11 (tt)

  Sáng hôm sau, chúng tôi rời Dùi Chiêng để lên Bình Kiều và Thạch Bích. Từ Dùi Chiêng đi Bình Kiều, núi non hai bên bờ lúc khép lại, lúc mở ra. Càng lên cao, sông càng hẹp lại, chảy xiết giữa những bậc đá chất chồng. Núi Thạch Bích trước mặt hiện ra sừng sững. Dòng sông phóng từ trên cao xuống giữa hai vách đá đồ sộ, thẳng tắp giống như một cổng trời cao vút. Vách đá láng bóng không một vết lồi lõm. Tục truyền xưa kia, vị Thượng Ngàn đã dùng gươm thần chặt núi Thạch Bích ra làm đôi. Nếu vậy thì núi lúc đó phải mềm như đất nhão và kỹ thuật chém núi phải thật cao cường. Có vậy mới tạo ra được một chiều đứng ngay thẳng kỳ lạ như vậy. Nước lao vun vút như đàn ngựa phi nước đại. Tiếng nước chảy vang lên như có hàng trăm chiếc cồng cùng đánh một lúc. Dượng Hương cho dừng thuyền ở phía dưới Thạch Bích, tìm vào nhà ông Ký. Ông là thợ rừng quê ở Bình Kiều. Ông từng hạ những cây lim to bán cho dượng Hương. Số gỗ của ông Hội là loại gỗ sến nhỏ, rất vừa cho việc xây dựng nhà cửa. Ông Ký đưa chúng tôi vào nhà. Nhà ông cách bến nước một cây số, dựng giữa một cái dốc cheo leo như cắm vào lưng chừng núi. Đứng trong nhà nhìn ra thấy mây bay dưới chân lớp lớp. Nhưng chóp núi nhấp nhô trong mây nom giống một đàn trâu đang ngụp lặn. Giữa nhà ông Ký treo một lá cờ đỏ sao vàng rực rỡ. Không ngờ cách mạng cũng lên tận những nơi thâm sơn cùng cốc.
Ông Ký nói:
- Không năm nào ghe thuyền lên đây sớm như năm nay. Vừa lụt xong, các bác đã lên chở gỗ. Có ghe vạn Hòa Phước lên mua dầu rái. Cách mạng thành công, chánh phủ bỏ hết thuế chợ, thuế thuyền. Ai cũng muốn lên xuống thông thương cho sướng!
Dượng Hương Thư vẻ ngạc nhiên:
- Nước còn to, ở vạn Hòa Phước chẳng ai đi đâu cả. Có ai lên trên này đâu! Chúng tôi lên sớm để… kịp việc trường trại. – Dượng Hương Thư vừa sực nhớ: - Chỉ có ghe ông Hoạt không biết đi đâu?
Ông Ký nói gần như reo:
- Phải rồi! Ông đó là ông Hoạt! Ông Hoạt ghé qua đây hôm qua, hỏi mua dầu rái. Ông Hoạt nhiều lần lên đây bán mắm. Mắm ngon lắm!
Vừa nghe đến ông Hoạt, tôi đã chú ý. Thì ra thuyền ông Hoạt lên trên này. Mấy hôm trước đây, tôi và thằng Cù Lao đã ra vạn Hòa Phước bơi tìm thuyền ông Hoạt nhưng không thấy đâu cả.
Tôi vội vàng hỏi:
- Ghe ông Hoạt lên đây hở bác?
- Ừ, ông Hoạt.
Thằng Cù Lao hỏi tiếp:
- Có phải ông Hoạt có búi tóc không bác?
- Ừ, ông đó.
- Ông lên đây lúc nào bác?
- Hôm qua.
- Ông lên một mình hở bác?
- Có vợ có con nữa chớ.
Có tiếng chú Hai dặng hắng. Chú Hai quắc mắt nhìn thằng Cù Lao:
- Mày để các bác nói chuyện! Con nít hỏi lia lịa việc đó làm chi!
Thằng Cù Lao cứ thấp thỏm, cố tìm cách hỏi thêm. Nó đánh bạo:
- Ông Hoạt đi đâu rồi bác?
- Chẳng biết!
Chú Hai lại mắng:
- Im ngay! Mày trám họng người lớn, la mãi không được! – Chú phân trần:- Con nít vô lễ, làm tui giận hết sức!
Ông Ký giảng giải:
- Trẻ con là vậy. Khi thương ai, chúng hỏi rối rít. Sau đó lại quên.. Chúng cười đó, khóc đó, vì cái « tính bổn thiện » của chúng đã định được đâu. La mắng làm chi cho mệt!
Từ hôm biết tin thuyền của ông Hoạt đang ở Bình Kiều, tôi và thằng Cù Lao cứ nghi nghi. Dượng Hương cũng không hiểu ông Hoạt lên trên này làm gì, vì chưa đến mùa bán buôn đổi chác. Thằng Cù Lao muốn gặp ngay anh Bốn Linh, muốn về sớm. Ai cũng ngạc nhiên vì trước đó nó muốn ở lại xem ông Hội bắt hổ. Nó còn xin phép dượng Hương cho nó vào rừng xem thử có ai trong đó không. Dượng Hương tưởng nó hóa rồ:
- Có ai? Có cọp trong đó thì có! Mày muốn cọp xách hả?
Chú Hai lo thằng Cù Lao bị ma ám. Vì có bị ma ám mới nói lảm nhảm như vậy.
Ông Ký bảo nó bị lạc vía. Khi về nhà phải làm lễ để hú ba hồn bảy vía nó lại. Trẻ con đi rừng chưa biết kiêng kỵ, phạm phải chỗ ăn nằm của chư vị. Chư vị đã hớp mất hồn. Chỉ cúng con gà, cái rồ của nó sẽ bay mất.
Tôi bảo thằng Cù Lao phải tỏ ra không rồ không điên gì cả. Nhưng nó bảo không nên để lộ. Cốt làm sao tin cho anh Bốn Linh biết.
 Dượng Hương Thư chọn gỗ xong thuê trâu kéo ra bến. Đường tuy gần nhưng rất khó đi. Trâu phải kéo từng cây gỗ một. Bắt ách xong, ông Ký quất một roi vào lưng trâu, trâu trườn lên bắt đầu leo dốc. Vừa leo lên dốc lại phải xuống dốc. Dượng Hương và chú Hai theo sau, tay cầm đòn xeo sẵn sàng bẩy gỗ giúp trâu vượt qua chỗ hiểm. Trâu rừng rất khôn, biết mình đang đi trên một vực thẳm. Gỗ rơi xuống vực thì trâu cũng bị rơi tòm. Trâu choãi chân cố bước, không hề thụt lui. Dượng Hương vừa bẩy, vừa xeo, miệng hô " lố, lô lô" động viên cho trâu cố bước.
Gỗ chất thành đống ở mé sông, khúc nào cũng nặng trịch, chỉ có đòn xeo mới xeo nổi. Dượng Hương cột gỗ thành bè. Việc cột bè là một nghệ thuật, sau này tôi không thấy sách nào dạy cả. Bè dài, ngắn, cột chặt hay cột lỏng là tùy con nước.
Cột bè xong, dượng Hương điềm tĩnh ngồi hút thuốc. Chợt Dượng đứng dậy nhặt sào, chống bè rời bến. Vẻ mặt lạnh lùng, dượng bước đến trước bè. Chú Hai cầm sào đứng phía sau bè. Tôi và thằng Cù Lao ngồi thuyền lo việc bát và cạy. Dượng Hương đã chỉ bảo những điều nhất thiết phải làm khi bè xuống thác.
Ra đến giữa dòng, chiếc bè nhập vào chỗ nước dềnh lên, nhún nhảy, dừng một phút như đang phân vân rồi bắt đầu phóng. Những khúc gỗ nặng trịch bỗng hóa nhẹ nhàng linh lợi như những phao câu. Dượng Hương hai tay cầm ngang chiếc sào đứng khom khom, cặp mắt dán về trước, như chực đâm một con thú dữ vừa xuất hiện. Chợt chiếc bè rung chuyển toàn bộ. Đuôi bè chổng lên, mũi bè lút xuống. Dượng Hương và chú Hai như đang ngồi trên nóc nhà. Dượng Hương quay về phía chúng tôi, thét to:
- Cạy mạnh! Nới dây, nới dây!
Thằng Cù Lao cạy mạnh, nới dây buộc thuyền để thuyền tách ra khỏi bè. Thuyền vẫn bị xách lên. Bát chén trong thuyền rơi loảng xoảng. Mít cau của dì Hương lăn ào ào xuống nước. Con thác hung dữ tìm đủ cách để hất bè tung lên. Nước gầm réo, văng bọt tứ tung. Đôi sào của dượng Hương và của chú Hai làm việc tới tấp. Chợt dượng Hương chĩa mũi sào ra đàng trước, quát to:
- Gành đó! Coi chừng!
Phía trước, một mũi đá nhọn hoắt đang hút bè lao tới. Dượng Hương thét xong, mũi sào của dượng đã chạm vào đá nghe một tiếng "roạt" ghê rợn. Chiếc sào bị nống cong lại như cây sung. Mũi bè chỉ còn cách ghềnh đá vài phân, bè bị hai chiếc sào cản lại, quay vòng như lúng túng không hiểu sao mình chưa vỡ tan ra từng mảnh. Bè lại tiếp tục trôi xuôi. Cặp sào của dượng Hương và của chú Hai cứ rút lên thả xuống răm rắp, khi nống bên này, khi đỡ bên kia lia lịa. Chợt thằng Cù Lao nổi kêu to:
- Ai như ông Hoạt kia kìa!
Nó vừa kêu vừa chỉ tay vào một vòm lá ngả trên sông. Chỗ đó tối om, tôi thấy có một chiếc thuyền. Thằng Cù Lao kêu toáng lên mấy lần nữa. Chú Hai quắc mắt quát ầm:
- Mặc người ta! Gọi ông Hoạt làm chi? Tao nện cho một sào bây giờ!
Dượng Hương cũng quát:
- Lo mà cạy! Không khéo bể ghe đó!
Chiếc bè cứ lao về phía trước. Dòng thác như một dây cũng đang bắn bật mũi tên. Mũi tên đó là chiếc bè.
Xuống đến Trung Phước, bè thôi không phóng nước đại nữa. Trời về chiều. Bị ngấm nước lâu, ai nấy cũng rét run cằm cặp. Dượng Hương cho dừng bè lại, đợi sáng hôm sau, lúc sương tan, bè tiếp tục xuôi về Phường Rạnh.
Q­ua khỏi ghềnh Ngô, sông Thu Bồn bỗng như tỉnh táo hẳn lại. Đôi bờ rộng ra, mặt sông trở nên êm ả. Chú Hai thở phào:
- Nam mô Phật!
Dượng Hương thả rơi cây sào trên bè:
- Lên thác xuống ghềnh là vậy đó!
Chiếc bè trở lại chậm chạp, trôi nặng nề như đang buồn ngủ. Tôi và thằng Cù Lao cố chống nhưng nó chẳng nhích nhanh hơn.
Đến quá nửa chiều, vạn Hòa Phước hiện ra đằng ra. Dượng Hương Thư lái bè vào bến. Bọn trẻ thả trâu ăn trên bãi vừa nhìn thấy bè đã chạy ùa ra mé sông gọi kêu ầm ĩ. Bè vừa cập bến, chúng tôi chạy gấp về nhà gặp anh Bốn, báo cho anh biết thuyền ông Hoạt đang trốn tránh ở Thạch Bích. Anh Bốn ngồi nghe, cặp mắt chớp chớp, vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ. Anh Bốn không hiểu vì sao chúng tôi lại biết được chuyện phán Ninh làm mật thám. Chúng tôi thú thật chuyện được nghe lỏm tối hôm nọ. Anh Bốn bỏ qua, dặn đi dặn lại phải giữ bí mật. Anh suy nghĩ hồi lâu, hỏi đi hỏi lại không biết mấy lần. Hỏi xong anh Bốn vội vã ra bến gặp chú Hai và dượng Hương Thư. Anh hỏi chuyến đi của họ có mệt nhọc lắm không. Dượng Hương trả lời chẳng có tý gì mệt nhọc cả. Anh Bốn mời dượng Hương Thư và chú Hai về nhà để bàn một việc gấp. Tôi đoán biết anh Bốn đã bàn việc gì. Ngay sau đó anh Bốn lên huyện. Sáng hôm sau anh về nhà, cùng đi theo có hai người mang súng ống. Dượng Hương Thư lại nhổ sào vội vã đi nguồn một chuyến nữa.
Thầy Lê Hảo và chú Năm Mùi được cử vào ban đốc công xây dựng trường mới. Tôi và thằng Cù Lao được chỉ định giúp việc kéo gỗ từ bến Hòa Phước vào chòm đa Lý. Trực tiếp lo việc kéo gỗ là trâu Bĩnh. Công việc kéo gỗ hoàn toàn mới đối với nó. Nó rảo bước không cần roi vọt chửi mắng gì cả. Tôi và thằng Cù Lao bắt chước các bác thợ rừng cầm sào xeo gỗ, luôn mồm lô, lô! Chúng tôi lướt qua trước mắt mọi người, lòng đầy tự hào thấy mình đang lo kiến thiết một xã hội mới.
Chuyển gỗ xong, tôi và thằng Cù Lao giúp gánh đất đắp nền trường. Trường xây chỗ cao, mặt trước xây về hướng đông đón gió nồm từ bể thổi đến. Các bác thợ cưa đã đến, Họ đóng nọc, dựng ngược những khúc gỗ lên, dùng cưa to xẻ gỗ thành kèo, thành trích. Bột cưa gỗ sến màu vàng nhạt, gỗ mít nài màu trắng, gió hất tung bay, mùi thơm thoang thoảng. Chòm đa Lý bỗng rộn lên tiếng đục tiếng cưa, hòa lẫn với tiếng cười, tiếng chim hót. Thầy Lê Hảo làm đốc công cho phép mọi người canh trưa được nghỉ một giờ. Ăn trưa xong, tôi và thằng Cù Lao nằm khểnh dưới bóng mát. Một lúc sau, chúng tôi nhỏm dậy chạy đi đánh mõ để công nhân công trường chòm đa Lý trở lại làm việc. Chị Bốn, chị Ba thức dậy sớm hơn mọi ngày. Tổ phụ nữ tỏ ra vô cùng tích cực. Hai chị chạy gọi các chị trong xóm cùng vào chòm đa Lý đắp nền trường, gánh vôi, gánh gạch. Chỉ có việc dỡ gạch ở miếu thờ quỷ Bạch Thố và quỷ Năm Nanh là chưa làm được. Miếu đã sập vì gió mưa, gạch đổ ngổn ngang dưới cây đa lớn. Ông Kiểm Lài được chú Năm Mùi phân công đến nhặt những gạch tốt, sắp lại thành đống dùng để dựng trường. Nhưng ông Kiểm cứ chần chừ. Cho đến hôm ngói ở Thanh Hà đã chở về, chú Năm phải đến giục ông Kiểm...
Ông Kiểm đang nằm quấn chiếu, vừa thấy chú Năm, ông Kiểm đã ngồi dậy nói ú ớ:
- Mô Phật, mô Phật! Tôi nằm chiêm bao thấy bà Bạch Thố với bà Năm Nanh hiện lên. Hai bà nhe nanh, xòe vuốt, chỉ vào mặt tôi:" Mày đó hả? Mày định đến lấy gạch của tao đó hả? Tao vặt cổ cho mà biết!". Mô Phật! Từ hôm đó đến nay hồn vía tôi lên mây. Tôi chẳng dám làm chi nữa...
Chú Năm hỏi:
- Có phải hai bà tóc dài chấm đất, bà nào cũng có nanh, có vuốt, mặc áo trắng tinh phải không? Giữa khuya hai bà cũng hiện lên chỗ tôi nằm. Hai bà bảo tôi phải đến lấy hết gạch ở miếu đổ của bà, phải quét dọn sạch sẽ vì chồn chuột chui rúc phóng uế bậy bạ, hai bà không chịu nổi. Tôi đang phân vân thì hai bà liền bỏ nhỏ, ỏng a ỏng ẹo bảo tôi phải giúp bà. Tôi với bọn thằng Cục thằng Cù Lao đã đến xếp gạch thành một đống vuông vức. Tôi nghe càng khỏe ra, chẳng ai vặn họng vặn cổ chi cả.
Ông Kiểm Lài mở to mắt nhìn chú Năm, xem bộ chưa tin. Chú Năm quả quyết:
- Nếu ông chưa tin thì cứ vào chòm đa Lý mà coi, coi thử tôi có nói láo không! Gạch đã dỡ ra, xếp lại rồi. Nay ông vào để chuyển gạch cho thợ...
Chú Năm bảo bà Kiểm Lài phải nấu ngay cho ông ông Kiểm một nồi cháo hành, ông ăn cho nóng. Và ăn xong ông phải vào ngay chỗ chòm đa Lý, vì các bác thợ vôi ở trong đó đang đợi.
Ông Kiểm đứng dậy, vội vã xách nón đi ngay vào chòm đa Lý gặp các bác thợ vôi.
Anh Bốn Linh và hai anh cán bộ đi suốt hơn tuần lễ vẫn chưa thấy về. Ở nhà ai cũng trông đợi. Tôi tưởng phen này anh Bốn về nhất định sẽ mang theo phán Ninh chân tay bị trói chặt.
Một hôm ở chòm đa Lý về, tôi thấy anh Bốn Linh nằm khoèo trên giường, ngáy giòn tan. Anh ngủ suốt ngày hôm sau, khi thức dậy vẻ người phờ phạc. Tôi đoán là anh Bốn Linh không bắt được phán Ninh và mọi việc đã bị thất bại. Buổi tối, anh gọi thằng Cù Lao đến bên cạnh, nói cho nó biết là các đồng chí trinh sát gửi lời thăm nó, công nhận nó có tinh thần cảnh giác, biết giúp chính quyền bắt được tên phản bội. Và như vậy, đoàn thể xem nó như đã được kết nạp vào đội Thiếu niên công tác. Việc này chưa thể công bố với mọi người, vì tình hình đang rất gay go, mọi việc đều phải tạm rút vào bí mật. Thằng Cù Lao và tôi chỉ cần biết một điều. Đó là phải làm nhiều công tác, công tác đứa nào đứa ấy biết, không cần bàn tán lôi thôi. Đã có chú Năm Mùi phụ trách, phân phối mọi nhiệm vụ. Nói xong, anh đưa ra một xấp ka - ki màu xanh láng mướt, bảo là các đồng chí cấp trên có hỏi về gia đình nó, gửi tặng nó bốn thuớc vải. Anh nhìn sang phía tôi:
- Còn mày, độ rày có chút ít tiến bộ, cấp trên gửi cho một cái hộp gỗ.
Sự việc quá đột ngột, làm tôi và thằng Cù Lao bàng hoàng. Tôi hỏi lại anh Bốn Linh làm thế nào bắt được phán Ninh. Giọng anh Bốn Linh đanh lại:
- Ban ngày, phán Ninh vào ở trong rừng, khó khăn lắm!
- Nó đâu rồi?
- Đưa về cho các đồng chí trinh sát ở tỉnh. Đem về đây sao được?
Anh Bốn Linh dặn chúng tôi phải giữ bí mật, nhất là những đồ vật được cấp trên gửi tặng, không được rỉ hơi ai biết. Ở trên còn đang tiến hành điều tra những manh mối khác.