Chương 7

Khi ở ngoài cù lao Chàm, một hôm chú Hai Quân nổi hát khe khẽ: “Làm tằm, làm tằm, để lứa đầu năm, để tằm tươi tốt, tằm từ ăn mốt, cho chí thức lên. Vận khá làm nên, tràn nong tràn đuổi. Con tằm chắc nụi. Cái kén vàng hươm, cái bán cái ươm, tơ tơ, lụa lụa...”
Thằng Cù Lao hỏi:
- Làm tằm là làm chi?
Chú Hai nói:
- Ở quê mình trồng dâu nuôi tằm nhiều lắm.
Lúc ra cù lao Chàm, chú chưa kể cho thằng Cù Lao nghe chuyện nuôi tằm. Chú Hai nhớ lại rất rõ cứ mỗi năm vào tháng chạp ở quê nhà, những trận lụt lớn chấm dứt. Màn mây được vén, trời hoá trong và cao. Con sông Thu Bồn trở lại hiền hoà. Trên cây sung, bọn ác là kêu to: “Tạnh rồi! Tạnh rồi!”.
Khắp nơi chuẩn bị xuống đồng. Thợ đào dâu đến lò rèn tôi lại lưỡi mai thật bén và lắp một cán mai thật dài. Cán mai đào dâu dọc sông Thu Bồn phải làm bằng gỗ kiền kiền dài non hai sải. Lỗ dâu có nơi phải đào lút cán. Đào một lỗ sâu đến hơn sải tay, rộng chỉ bằng hai bàn tay xoè, việc đó không phải ai cũng làm được! Thợ đào dâu đứng đợi bên kia sông trong sương sớm mù đặc.
Có tiếng bên này sông gọi to, tiếng kéo dài trên mặt nước:
- Cần hai mươi lưỡi mai. Mời qua đây!
Tiếng trả lời bên kia sông:
- Cần người gút dâu không?
- Thêm hai người gút.
- Hai mươi hai người, phải không?
- Phải!
Không thấy đò đâu. Chỉ nghe trong sương tiếng mái chèo đập nước. Một chốc sau đò dần dần hiện ra, ghé vào bến. Người lái đò gác chèo, rút cây sào tre ghìm đò lại. Thợ đào dâu lần lượt nhảy xuống đất đi thành một hàng dài. Người đi giữa vác một chiếc nồi ba làm thành cái chấm đen giữa hàng dọc. Họ tiến vào đám dâu và bắt đầu đào. Phải đào đến lớp bùn phía dưới. Thợ đào dâu sắp thành một hàng ngang xén lưỡi mai nghe xoèn xoẹt. Họ nhổ nước bọt vào hai tay, nắm chặt cán mai rút đất từ sâu lên, động tác thật chính xác. Những lỗ dâu sâu thăm thẳm cứ nhiều dần, kéo thành những hàng thẳng tắp. Dâu trồng phải chọn những cây dài nhất. Người gút dâu cứ để nguyên cây dâu đặt sát đáy lỗ, ngọn dâu ghim vào lỗ dâu ở ngay phía trước rồi lấp đất. Chỉ sau vài mươi hôm những chồi non phun lên một màu xanh non óng ánh. Ra giêng, khắp ngàn dâu bừng sáng. Màu xanh non thắm dần, rồi bạt ngàn một màu xanh ngắt.
Thằng Cù Lao về quê đúng vào lúc anh chị Bốn Linh nuôi lứa tằm cuối mùa. Trong làng nhà có tằm cũng đã bắt kén. Sang tháng chín âm lịch, ngoài đồng chỉ còn dâu lông chim, lơ thơ từng chùm lá nhỏ. Nếu trời không đãi, có lụt sớm, sẽ gặp gay go. Ông Trùm Khéo, người bán trứng giống, đã thề độc với anh Bốn Linh đó là loại giống vô cùng quý giá mua từ Tiên Phước, nhất định tằm trúng một trăm phần trăm. Anh Bốn xắn tay áo:
- Cứ nuôi. Sợ chi!
Tằm ở trong trứng thì đùng một cái, Cách mạng nổ ra. Việc làng việc nước của anh Bốn cứ ùn lên lút đầu lút cổ. Anh làm việc bất kể ngày đêm, chỉ có thể ghé nhà một chốc rồi phải đi ngay. Nhớ đến tằm, anh Bốn cương quyết:
- Lúc này mà còn tằm tơ cái chi! Có biết mấy chuyện quốc gia đại sự. Phải xẻ lỗ mũi mà thở. Đem tằm đổ quách!
Chị Bốn bỏ nhỏ:
- Việc nhà tôi lo xong hết. Anh muốn đi đâu thì đi. Nhà còn có thằng Cù Lao, việc chi hắn cũng giỏi.
Anh Bốn doạ:
- Năm nay, thế nào cũng lụt sớm! Rồi sẽ hộc máu cho mà coi! Hễ chết, tôi không thèm chôn đâu!
Chị Bốn thấy chồng nói có lí. Làm tằm phải có người đứng buồng, làm mọi việc nặng nhọc, phải đằng đẵng một tháng mới xong. Nay anh Bốn đi vắng thì ai lo? Nhưng coi đi coi lại, thấy tằm tốt quá. Ác một nỗi, những thầy tằm đến xem, ai cũng bảo từ cha sinh mẹ đẻ, họ chưa thấy tằm nào tốt vậy! Thằng Cù Lao xem tằm cũng quả quyết là tằm tốt. Tằm tốt như vậy thì ai nỡ đổ đi cho được! Chị Bốn cứ lăn vào lo cho tằm. Anh Bốn vẫn can ngăn, nhưng nói yếu yếu:
- Tôi nói cho mà biết, qua sông bắt cọp, chết không kịp hối đó!
Chị Bốn biết anh Bốn đã núng, liền lí sự:
- Ở trên đề ra phải đánh giặc và tăng gia. Anh Bốn giết giặc, tôi lo tăng gia. Làm đúng chủ trương, còn chi nữa!
Anh Bốn phải chịu, tự nghĩ: “Con vợ mình chính trị thế mà cao! Đàn bà họ sáng dạ lắm!”.
Chị Bốn mang giỏ đi hái dâu dưới rộc. Chị là tay hái dâu loại giỏi. Giữa những cành dâu, hai tay chị như đôi bướm lượn, không ai nhìn kịp. Dâu cuối mùa ít lá, chị phải nhờ các chị trong xóm đi hái giúp. Họ gánh đôi giỏ bông, bụng giỏ tròn như chiếc chum to, đi hái dâu tận ngoài bãi. Thằng Cù Lao, chú Hai Quân giúp vào việc cho tằm ăn, việc gạt phân, lượm tằm, việc nấu cơm, đem nước. Các chị kéo ra bãi dâu lúc gà gáy, hết hát hò lại bàn tán trăm thứ chuyện, chuyện ông Bảy Hoá dẹp bàn thờ Thập Điện, tất cả những tranh vẽ quỷ sứ cưa người, đốt người, ông Bảy đều đốt hết. Nhiều chị muốn phụ nữ phải thành lập một hội “tương tế”, mục đích để bênh vực cho nhau. Hễ người nào bị chồng đánh thì hội viên có nhiệm vụ xông vào bênh vực. Phụ nữ cũng phải có người bác sĩ, kĩ sư. Trước mắt phụ nữ phải kiếm ít chữ bỏ bụng, để viết thư cho chồng làm ăn ở xa mới được!
Chị Bảy Có trong lúc vui miệng, nói toạc ra là mình vừa được tin của anh Bảy “trong nớ” gửi về. Anh báo cho biết là anh còn sống, hiện này ở xứ Dầu Dây. Chị Bảy đã đến nhà thầy Lê Hảo nhờ thầy viết thư gửi lại. Thư viết bằng văn vần:
“Tạm đôi hàng chữ mực
Gửi đến chốn Dầu Dây
Ngày những trông tin nhạn trong mây
Đêm thức giấc, tiếng tiêu thánh thót.
Hỏi ai đã quên lời thề ước
Tít mù khơi muôn dặm tếch buồm loan!”
Thư của thầy Lê Hảo viết bao giờ cũng bắt đầu bằng “Tạm đôi dòng chữ mực...” và chấm dứt bằng câu “ Thơ bất tận ngôn”. Chị Bảy đưa thư nhờ tôi đọc, tôi đọc đi đọc lại cho chị nghe, chị thuộc làu. Thấy bên lề còn chỗ giấy trống chị nhờ tôi thêm mấy chữ: “Anh đã nói về thì nhất định phải về. Cách mạng lên rồi, ở làm chi trong nớ? Ở quê mình, ông Hai Quân, anh Bảy Hoành cũng về rồi. Chớ có ham phú phụ bần, mau mau trở lại! Nay thơ. Vợ: Bảy Có.”
Chị Bảy bảo tôi đọc thơ cho chị Bốn, chị Ba nghe. Ai nấy cũng chịu là thầy Lê Hảo văn hay từng chữ, chữ nào nghe cũng réo rắt. Thằng Cù Lao cũng khen là giỏi vì thầy Lê Hảo có nói đến buồm, đến mù khơi, đến muôn dặm. Các thứ đó ở dưới biển nhiều lắm...

°

° °

Đã đầu tháng chín âm lịch, nhưng nắng vẫn như đốt. Buổi sớm mù tan, nắng đã loá nóng. Càng vể trưa, nắng càng cô lại. Chim chích mệt mỏi núp trong ngàn lá lặng thinh. Bọn chó Vện chó Vàng thè lưỡi liếm nước nuốt ực ực. Trâu Bĩnh quay qua quay lại trong chuồng giục đi uống nước. Chị Ba đi làm về lấy nón xuống quạt, mặt đỏ gay.

Chợt một hôm da trời lại xám. Mây chăng mù mịt. Thỉnh thoảng lất phất vài hạt mưa thưa. Mưa nặng hạt dần. Mưa ào ào đổ. Sông Thu Bồn nước xanh leo lẻo trở đục ngầu, đôi bờ rộng dần ra. Rác rều kết thành bè trôi nhanh hơn ngựa tế. Nước lụt chảy vào hói, trườn lên các bãi dâu. Dượng Hương Thư đưa xuồng vào giúp chị Bốn. Hái dâu phải đi bằng xuồng. Chú Hai giao cho thằng Cù Lao việc lèo lái. Nó phóng sào xuống nước, chống sào, xuồng băng băng lướt về phía trước, điệu bộ của nó thật hiên ngang.
Chị Bảy cười:
- Nó giống như ông Mười Ý ở ngoài vạn lúc xổ buồm ra khơi!
Xuồng lướt dọc bờ rộc. Thằng Cù Lao vừa chống vừa quay sào thọc những anh chuột leo ngồi trong bụi tre. Thằng Cù Lao lái thuyền chui vào nhưng thửa dâu còn lá nhô trên mặt nước. Chị Năm Nhự biết đến mấy trăm câu hò. Nhưng đi hái dâu bằng xuồng chị đành chịu không hò được câu nào cả. Xuồng cứ tròng trành, lỡ một tí là có thể rơi tòm xuống nước.
Chỉ mới một hôm mà cả đất trời đã đổi khác. Những hàng bã đậu đã lút đâu mất. Ghe thuyền ngoài vạn vào nằm ngay trên đường cái, cột buồm nhấp nhô ngay cạnh miếu Bà Tằm.
Nước bạc trải mênh mông. Làng mạc nom xa tít. Chị Năm Nhự hỏi thằng Cù Lao:
- Ngoài biển nước có nhiều như ri không?
- Nhiều lắm. Ngoài khơi chỉ thấy trời với nước.
Chị Năm đọc khe khẽ:
Ngó lên biển bốn trời ba
Buồm giương hai cạnh, cửa nhà hai hơi.
Tiếng chèo đập nước cứ bì bõm. Thuyền vớt củi từ ngoài sông đã chèo vào, trong khoang chất đầy củi mục, có chú Năm Mùi ngồi sau lái.
Chú Năm vừa nhìn thấy thằng Cù Lao nổi kêu to:
- Nhỏ vậy mà lèo lái giỏi hung! Làm ông thuỷ sư đô đốc được đó!
Chú Năm cười. Chú nhắc chị Năm Nhự:
- Tối nay nhớ họp đó!
- Lụt lội mà họp cái chi!
- Lụt ngập đầu cũng phải họp. Nhiều việc gấp lắm.
Dân chài lưới kéo nhau đi xúc cá. Có đến vài chục chiếc xuồng. Mỗi xuồng có hai người ngồi. Người ngồi sau lái bơi xuồng, người ngồi trước mũi cầm một chiếc xúc giống như chiếc vợt chìm xuống nước. Hai mươi chiếc xuồng rồng rắn lượn qua lượn lại, đan vào nhau, né nhau, như đang biểu diễn điệu múa. Thằng Cù Lao chống thuyền lướt qua nhanh giữa đám múa. Các chị nhìn nó đầy vẻ thán phục.
Thằng Cù Lao giúp chị Bốn phơi dâu, cột gác, dọn nong dọn nia, vì có cầu vồng mọc ở phía núi Cu Đê. Sẽ có bão! Nhưng không hiểu sao mưa lại tạnh dần. Đến chiều trời hửng. Lúc mặt trời lặn, đột ngột cỏ cây hoa lá nhuộm một màu vàng rực. Tất cả bật thành tiếng. Đàn chim sẻ kêu chiêm chiếp, rộn lên. Bọn bồ chao kêu hót om sòm. Gà xôn xao nổi gáy. Vịt cạc cạc không biết mỏi miệng. Chỉ có nước là lặng im. Nước lặng im một lúc rồi lại róc rách để rút xuống.

°

° °

Anh Bốn Linh đi họp ở huyện, về đến nhà trời đã tròn bóng. Anh giở mũ móc vào cột, cởi chiếc xắc nâu treo lên móc. Chị Bốn ở trong buồng tằm chui ra, hỏi ngay:

- Họp chi lâu dữ?
Anh Bốn hỏi lại:
- Ở nhà tằm tơ ra răng?
Chị Bốn không trả lời vào câu hỏi:
- Ăn chi chưa?
Không đợi anh Bốn trả lời, chị bước thẳng vào bếp, quơ nắm bao bắp nhét vào giữa ba ông táo, xúc gạo đi vo. Anh Bốn ở trên nhà nói xuống:
- Không ăn đâu, đi ngay đây.
Nhìn quanh nhà, anh Bốn biết mọi việc đã yên ổn. Anh soi vào chiếc gương nhỏ treo ở góc cột, lẩm bẩm:
- Râu ria mọc dài quá hè! Đi qua chợ định hớt tóc lại quên mất!
Anh xoè năm ngón tay chải ngược mớ tóc, khịt thật mạnh, muốn trút hết cái nóng ra khỏi người. Anh bước ra chỗ vại nước, múc gáo nước đầy, gập người xuống, giội nước lên đầu, vừa giội vừa nói:
- Hết mưa lại nắng. Nắng mới này độc lắm! Phải coi chừng. Người ta xem giò ếch, biết năm nay lụt sớm, tôi nói đúng chưa?
Chị Bốn thấy anh Bốn chưa đi, nài thêm:
- Tôi nấu miếng cơm ăn chớ?
- Không ăn đâu. Định đi luôn, nhớ đến nhà ghé qua một chút. Tằm ra sao?
- Bữa nay được tám nong đông đặc, tốt như Bồng Lai tiên nữ.
Anh Bốn Linh chụp chiếc mũ lên đầu, quàng cái xắc vào vai, bước ra cửa. Từ hôm cướp chính quyền, anh cứ vội vội vàng vàng. Anh Bốn Linh từng tham gia Việt Minh lúc còn bí mật. Sau khi cướp chính quyền, nhiều việc được chuyển ra ngoài công khai, công tác trở nên bề bộn. Ai gặp anh cũng hỏi việc này việc nọ. Anh gặp ai cũng có việc để bàn bạc giải quyết. Anh Bốn thấy cần có mặt ở nhiều nơi, cần nói những điều cần thiết.
Anh bước ra đến cửa, chợt dừng lại:
- Chú Hai và thằng nhỏ đâu?
Có tiếng chú Hai quát thằng Cù Lao:
- Có thả tao ra không? Chơi cái gì lạ vậy?
Chú Hai vừa thấy anh Bốn liền kêu lên:
- Ủa, anh Bốn! Chớ lại đi đâu? Mới về, nghỉ một chút đã. Nằm khoèo cho khoẻ cái đã.
- Cháu đi ngay. Có việc hoả tốc!
- Quan cần, dân trễ. Chi lại nôn vậy?
- Quân Pháp quay lại Nam Bộ, chú à!
- Anh Bốn nói cái chi?
- Quân đội Anh đã chiếm đóng phủ Nam Bộ. Bọn Pháp và bọn Anh bắn vào dân ta đang biểu tình. Ta chết một số. Quân đội Anh chiếm phủ Nam Bộ, chiếm thêm một bót cảnh sát. Bọn Pháp chiếm lại cơ quan ở Sài Gòn. Chúng từ trong nhà thờ bắn ra, lại vu chúng ta phá nhà thờ để nhờ bọn Anh can thiệp!
- Chà!
- Tôi phải đi cái đã.
Anh Bốn vừa nói vừa bước ra ngõ.
Việc gì thằng Cù Lao biết, tôi cũng biết. Nó chui rào đến bên cạnh tôi, vẻ bí mật:
- Cục này! Bọn Pháp quay lại Nam Bộ!
Tôi nghĩ bọn Pháp quay lại ở Nam Bộ có nghĩa là chúng đã đi rồi, nhưng vì còn quên cái gì nên quay lại để lấy. Có vài ông khách đến nhà tôi, vì đãng trí bỏ quên vật gì, cũng quay lại lấy như vậy. Tôi đang đánh dây mũi cho trâu, nói lơ mơ:
- Chúng bỏ chi lại, thì ta cứ trả lại cho chúng!
- Nó quay lại để đánh ta!
Thằng Cù Lao thuật lại tỉ mỉ những tin anh Bốn vừa nói. Tôi hiểu dần ra những việc thằng Cù Lao nói là quan trọng:
- Sao không lôi cổ chúng ra, để núp bóng quân Anh chi rứa?
- Núp bóng quân Anh không phải như ta núp bóng khi chơi giật lá đâu! Bọn Pháp lẩn vào quân đội Anh. Quân đội Anh có súng nhiều lắm!
- Thế ta dùng súng đánh lại. Chị Ba nói: Chúng ta là số đông. Bọn áp bức bóc lột chỉ một nhúm nhỏ thôi mà.
Thằng Cù Lao cãi lại:
- Khi chơi giật lá. bọn xóm dưới đã giết sạch bọn mình, bọn mình đông gấp đôi...
Thằng Cù Lao nói nghe có lí. Tôi không hiểu làm thế nào để thắng giặc, đành phải nhìn nhìn lên mái nhà...
Thằng Cù Lao cũng thấy bí. Chợt nó vung tay:
- Nếu giặc đánh rộng ra đây...
Câu nói của thằng Cù Lao làm tôi thấy tình thế đột ngột trở nên căng thẳng.
Tôi nhớ đến những việc kiến thiết đồ sộ nay mai:
- Thế thì những lâu đài ba mươi tầng và nghề hàn nồi bịt bát ra răng?
Thằng Cù Lao gãi đầu:
- Bọn giặc là bọn cướp của giết người. Ta dựng lên, chúng phá hết. – Nó như nhớ ra điều gì, vỗ vào đùi. – Bọn Pháp còn lâu mới ra đến đây. Ta còn thì giờ để luyện tập đánh trả.
- Nhưng anh Bốn có cho tụi mình tập tự vệ đâu!
- Không phải tập tự vệ. Ta tập đánh giặc bằng cách giật lá kia.
- Chị Ba cho là đồ bá láp!
- Cũng tại mình. Mình xưng những tên nghe lạ: Tào Tháo, Triệu Tử Long, Cốt Đột... Nay ta cứ xưng là ta đánh giặc với bọn Pháp, ta thắng Pháp. Thế là chị Ba ưa ngay!
Tôi gật đầu chuẩn y kế hoạch của thằng Cù Lao, sẽ tập hợp bọn chăn trâu luyện tập đánh Pháp.
Về môn địa dư, thằng Cù Lao còn lờ mờ. Nó nhờ tôi chỉ Nam Bộ ở về hướng nào. Tôi đưa nó ra sân, chỉ cho nó biết bốn hướng đông tây nam bắc. Nam Bộ ở về phương nam tức là ở phía bên kia sông Thu Bồn. Như vậy, rõ ràng bọn Pháp muốn đến Hoà Phước còn phải vượt qua sông. Nếu vậy thì chiến sự sẽ xảy ra không chỉ trên cạn mà còn xảy ra dưới sông nữa. Đã đánh nhau dưới sông thì nhất định phải biết bơi và biết lặn. Thằng Cù Lao bàn phải tập bơi tập lặn cho giỏi thì mới thắng được giặc!

°

° °

Thằng Cù Lao bơi lội rất cừ. Tôi cũng biết bơi, nhưng khi bơi tôi móc hai tay lia lịa như chó bơi. Môn bơi chó của tôi thật không ra gì so với những môn bơi ếch, bơi sải của nó. Nó chụm hai tay đưa ra đằng trước, ung dung khoát tay rạch nước, nhẹ nhàng trườn lên như ếch lội. Nó xoay mình nằm thẳng nhìn trời, rút tay bơi vun vút qua bên kia sông, rồi lại bơi quay lại. Nó cho cách bơi của nó là những cách bơi rất bình thường và dễ tập. Cách bơi chó mới thật khó tập. Tôi kinh ngạc khi biết ở biển có người bơi hàng buổi dưới nước. Thằng Cù Lao bơi được hàng giờ. Tôi chỉ bơi năm ba phút đã đứt hơi mệt đến chết.

Thằng Cù Lao bảo tôi cùng bơi. Chúng tôi cùng vung tay để luyện cho quen. Sau đó cùng vung chân, cùng ngụp, cùng thở. Tôi tiến dần trong môn bơi ếch, tập sang môn bơi sải, tập nằm ngửa. Tôi và thằng Cù Lao vượt qua sông, sang ngồi hú hí trên bãi cát.
Một hôm khi bơi về gần bờ tôi thấy một bác già ngồi tắm. Vừa thấy chúng tôi, bác cười thân mật. Bác rút khăn vắt trên vai kì cọ chân tay coi bộ rất thú vị. Bác ngước mắt cười hì hì:
- Bọn bay bơi giỏi hung! Tao khen đó!
Tôi thấy hơi lạ lạ:
- Bác ở đâu đến tắm ở đây, hở bác?
Bác cười to hơn:
- Tao ở xứ này thôi!
Giọng nói của bác nghe quen quen.
Bác nheo mắt nhìn thằng Cù Lao:
- Bọn bay bơi giỏi, sau này sung vào đội thuỷ quân... Làm ông đô đốc cái chơi cho sướng!
Tôi sực nhớ giọng nói đó giống giọng ông Bảy Hoá.
Nhưng rõ ràng bác này không phải ông Bảy Hoá, vì bác này trẻ hơn, lại không có râu.
Tôi hỏi:
- Thưa bác, bác có bà con chi với ông Bảy không?
- Ông Bảy nào, chẳng biết!
- Ông Bảy Hoá đó, ông Bảy Hoá biết làm thầy tướng đó.
- Chẳng biết.
Bác nói xong lại cười. Cách cười đó làm tôi sinh nghi:
- Hay bác là ông Bảy Hoá?
Nhưng tôi ngờ ngợ:
- Có phải ông không ông Bảy?
Tôi và thằng Cù Lao cứ dòm dòm ngó ngó. Đời nào lại có một ông Bảy Hoá không râu. Từ nhỏ tôi chỉ thấy ông Bảy Hoá với một bộ râu dài thong dong đến rốn.
Bác đó đang kì cọ chợt đứng lên:
- Bọn bay về chưa? Tao về đây.
Bác vừa đứng dậy, thằng Cù Lao đã chạy đến dòm vào chỗ mông của bác. Nó nổi reo to:
- Đúng là ông Bảy! Ông Bảy có vết sẹo chỗ mông!
Tôi cũng dòm. Quả thật ông Bảy có một vết sẹo to bằng ngón tay chỗ xương cụt.
Chúng tôi reo hò:
- Ông Bảy, ông Bảy! Tại sao lại cạo râu đi ông Bảy?
Ông Bảy bị bắt quả tang, thú nhận:
-Tao là ông Bảy đây. Bọn bay có thấy tao trẻ lại không?
- Trẻ lại! Nhưng ngó nó chi chi!
- Tao trẻ ra như trai mười tám! Sao lại chi chi!
- Ai cắt mất râu ông, ông Bảy? Cắt làm chi ông Bảy?
- Cắt để trẻ lại, để được gia nhập tự vệ.
Ông Bảy cười, để lộ một hàm răng đều và nhỏ như hạt bắp. Cằm của ông Bảy nhọn chứ không phải vuông. Không ngờ ông Bảy có một cái miệng rộng như vậy!
Tôi và thằng Cù Lao cấp tốc mặc quần áo, chạy một mạch về báo cho mọi người biết là ông Bảy đã cạo râu, trông lạ lắm. Tôi còn kể việc ông Bảy có một vết sẹo. Mọi người đều cười vì không ai biết được việc đó.
Cả xóm vui rộn lên về việc ông Bảy mất râu. Sau khi cạo râu, tính của ông Bảy cũng hoá khác. Gặp tôi, ông không nói gì về chuyện Thập Điện Diêm Vương sẽ nướng những đứa trộm ổi. Ông nói ông sẽ cương quyết mài gươm lên đường giết giặc.
Thằng Cù Lao hỏi:
- Thế bao giờ ông lên đường?
- Khi cần tao đi. Nhưng cần chi đi đâu. Pháp ở Sài Gòn quay lại, thì Pháp ở Đà Nẵng không chịu ngồi yên đâu. Nhất định chúng sẽ quay lại, vì cũng là thực dân đế quốc cả. Tao sẽ đánh giặc ở đây cho chúng bay coi.

°

° °

Thằng Cù Lao nghịch nổ trời chứ không phải “cắn hạt cơm không bể” như chị Ba tưởng. Khi nó ở một mình với cha nó, cái tự do quá trớn của nó còn hơn nhiều đứa khác.

Nó bắt chước thằng Thân đầu trọc chơi giật lá, lấy đầu húc vào bụng cha nó:
- Cho một chuỳ, ngã lăn quay nè!
Cha nó kêu lên:
- Ới cái con khỉ này!
Nó liền thu người lại, mắt lấc láo, tay quặt ra sau lưng gãi gãi, điệu bộ giống như một con khỉ. Vừa gãi nó vừa nói:
- Con khỉ đây này! Con khỉ đây này!
Làm trò con khỉ xong, nó làm trò cá bơi, rùa bò, đi chổng ngược, nom rất lạ. Làm trò xong, nó chạy tới ôm chặt vào lưng cha nó cười hì hì, bắt kể chuyện:
- Ở ngoài nớ... Chuyện đã nghe rồi mà cha cũng cứ kể đi kể lại. Về đây sao không kể đi?
Cha nó khẩn khoản:
- Có thả ra không? Ngoài nớ tao nhớ trong ni, tao mới kể hết mọi chuyện trong ni! Còn về trong ni, cái chi ngoài nớ mày biết cả, kể sao được?
Tôi đứng nép ngoài cửa, đã hiểu vì sao thằng Cù Lao biết hết chuyện trong ni, chuyện nuôi tằm, làm mía, chuyện bà Hiến, chuyện ông Bảy... nó biết hết, là vì cha nó “ nhớ trong ni” đã kể cho nó nghe hết. Có việc cha nó kể đã mười lần, sau đó cha nó vẫn cứ kể lại.
Thằng Cù Lao mách với cha nó là nó thấy cái sẹo...
- Cái sẹo chi?
- Cái sẹo của ông Bảy. Ông Bảy rơi xuống chòi bắp, xóc vào con dao, thành sẹo chỗ mông! Cha kể vậy đó.
- Ủa! Chớ mày dòm chi lạ vậy?
- Có dòm cái sẹo mới biết là ông Bảy Hoá. Vì ông cạo mất râu.
Chú Hai quát:
- Về đây đã bảo đừng làm những trò bậy bạ!
Thằng Cù Lao đồng ý là không nên làm những chuyện bậy bạ và sau này nó đi làm nghề. Nghề đó là nghề hàn nồi. Trước khi làm nghề hàn nồi, nó phải tập bơi. Tập bơi để đánh giặc. Vì giặc từ trong Nam ra hoặc từ Đà Nẵng vào đều phải vượt sông. Phải tập bơi thật giỏi mới thắng được giặc.