Dịch giả : Cao Ngân Hà & Bạch Liên
Chương 9
ÐỜI SỐNG CỦA BA THỂ

Nhưng con người và xác phàm là hai cái khác nhau. Ýchí của con người luôn luôn không phù hợp với những sự ham muốn của xác thân. Khi xác thân con muốn điều chi thì con hãy ngừng lại, và suy nghĩ xem có phải thật là con muốn điều đó chăng?
A. B.  Ở đây  Ðức Thầy ra lịnh rất rõ ràng cho đệ tử Ngài, khi  xác thân  muốn điều chi, đệ tử phải ngừng lại và tự  hỏi: "Có phải thật là tôi muốn điều đó hay không"? Nhiều người thấy rằng ngừng lại và suy nghĩ mỗi ngày, từ sáng tới chiều như thế rất khó khăn buồn chán. Nhưng phải thực hiện mấy điều đó vì chúng nó đóng vai trò quan trọng trong thời kỳ chuẩn bị. Tôi biết làm như vậy rất khó, do đó nhiều người chí nguyện đâm ra chán nản vì việc cố gắng như thế.
Những người bỏ cuộc vì mệt mỏi thì không đạt được mục đích. Chỉ có bao nhiêu đó thôi. Sự cố gắng phải quyết liệt và bền bỉ. Ðiều này đòi hỏi một đời sống hoàn toàn có qui củ (có mực thước): không hề vội vã trong hành động, lời nói, ngay cả tư tưởng. Mọi sinh hoạt của người đệ tử, từ vật chất, tình cảm cho đến trí tuệ phải hoàn toàn tuân  theo kỷ luật.
C. W. L.  Nếu trong vấn đề tiến bộ, con người muốn thật sự làm hết sức mình; thì phải ra công học hỏi kỹ lưỡng những thể khác nhau của chúng ta và biết chắc chắn chúng là thế nào. Ở đây nói rất rõ ràng rằng thể xác có những sự ham muốn không phải là của con người, đối với Thể Vía và Thể Trí cũng đúng như thế. Khi hiểu rõ sự cấu tạo của ba thể này người ta thấy rằng những sự ham muốn tự nhiên của chúng không hạp với con  người. Chúng ta nói về chúng cũng gần như nói về những người khác biệt với chúng ta, điều này vẫn đúng theo một ý nghĩa nào đó; mỗi thể đều được cấu tạo bằng vật chất sống; sự sống của chúng nó tập trung lại và có một ý thức tập thể. Trong Cái Vía nó tạo ra một sinh vật mà đôi khi chúng ta gọi  là Tinh  chất ham muốn, nói tóm lại sinh vật này do sự sống tập thể của các tế bào của Cái Vía tạo ra. Ðứng riêng một mình, mỗi tế bào chỉ là một sự sống nhỏ bé, có một bán ý thức, đang tranh đấu để đi xuống hơn là đi lên, bởi vì đối với nó, sự tiến hóa là đi xuống vô trong loài kim thạch. Khi tất cả những sự sống này nhập chung lại với nhau trong Cái Vía thì chúng liên kết với nhau tới một điểm nào đó, chúng tạo được một sự hợp nhất và cho ta cái cảm giác rằng Cái Vía có những bản năng mạnh mẽ và riêng tư, mạnh mẽ cho đến nỗi người ta có thể cho rằng nó có một ý chí riêng của nó. Muốn tiến hóa nó cần những sự rung động mạnh mẽ và thô kệch thuộc về những tình cảm và xúc động mà chúng ta không muốn mở mang, chẳng hạn như: tánh ganh tị, ghen ghét và ích kỷ. Ðó là lý do tại sao những quyền lợi của nó trái ngược với những quyền lợi của chúng ta. Những sự rung động của tình thương, tánh thiện cảm và sự sùng tín vốn vô cùng tế nhị, mau lẹ và mạnh mẽ hơn nhiều. Chúng thuộc về thành phần cao siêu của Thể Vía. Vì vậy chúng vốn là một loại mà xác thân cũng như chúng ta không cần dùng đến.
Những người mà đời sống không có qui củ, họ muốn được tự do nói năng, tự do hành động như họ thường tuyên bố, thật ra họ là những kẻ nô lệ cho Cái Vía của họ. Chúng ta chẳng nên vì thế mà trách Cái Vía và đừng cho nó là một con quỉ như những người tín đồ Thiên Chúa giáo thời Trung Cổ vậy. Cái Vía không biết gì đến chúng ta và đời sống của chúng ta; nó không hề cám dỗ chúng ta điều gì, nhưng nó chỉ tìm cách tự biểu lộ và tiến hóa theo cách thức riêng của nó cũng như mọi sinh vật khác.
Ðôi khi người ta hỏi: "Ta có  nên  cho Tinh chất ấy một cơ hội để tiến hóa và cho nó thực hiện những rung động thô kệch không"? Không! Ðó là lòng nhân ái bị ngộ nhận và trong mọi trường hợp chúng ta không thể áp dụng đến mức triệt để được. Cách cư xử tuyệt hảo hơn mà chúng ta có thể dành cho chất thô trược, là trục xuất nó (nó tồn tại trong Thể Vía của chúng ta, vì trong những kiếp quá khứ, chúng ta đã để cho những cảm xúc thấp hèn nổi dậy trong lòng chúng ta); nó sẽ đeo theo một người dã man, hoặc một con  chó hay một con bò mà sự rung động của chúng không làm hại được ai.
Tùy theo cách thế riêng của nó, Tinh chất ham muốn cũng khá  quỉ quyệt. Ðặt mình vào vị trí của nó và hiểu được Tâm Thức ở một mức độ thấp kém thế nào thật là điều khó khăn đối với chúng ta. Nhưng lẽ tự  nhiên, Tinh chất ham muốn cảm thấy chung quanh nó có cái gì tế nhị hơn nó, đó là chất Trí Tuệ, và dường như kinh nghiệm dạy nó rằng nếu nó làm cho chất Trí Tuệ rung động một lượt với nó, thì nó sẽ có những sự rung động mạnh mẽ và thô kệch hơn và nó chỉ có cách đó thôi, không làm khác hơn nữa được. Nếu nó thuyết phục được con người tin rằng ý muốn của chúng nó giống như ý muốn của con người, thì có nhiều may mắn để thỏa mãn ước vọng, do đó nó cố gắng làm lay chuyển chất tế nhị này. Chẳng hạn, nếu nó xúi giục được Cái Trí sinh ra một tư tưởng bẩn thỉu thì nó liền được những cảm xúc bẩn thỉu mà nó ưa thích. Hoặc nếu nó làm cho một tư tưởng ghen ghét phát hiện, thì liền đó một tình cảm ghen ghét nổi lên. Ðó chính là điều nó muốn. Không phải nó muốn làm ác, vì đối với nó chỉ có những rung động mãnh liệt và thô kệch mới thỏa thích nó được. Như thế Tinh chất ham muốn thường tỏ ra mạnh hơn con người, mặc dù nó còn ở trong giai đoạn tiến hóa hết sức  thấp thỏi. Nghĩ đến điều đó, chúng ta cảm thấy có hơi nhục nhã khi biết rằng mình đã chịu thua nó và bị một vật chưa phải là kim thạch sử dụng như một khí cụ. Phải đương đầu với Thể Vía và tinh lọc nó bằng cách thay thế tất cả thói quen xấu xa được lưu lại từ  quá khứ bằng những cảm xúc tốt lành, chúng sẽ hữu ích cho chúng ta trong tương lai.
Tinh chất Trí Tuệ và Tinh chất Xác Thân cùng vẫn có thật. Tinh chất xác thân có bổn phận cấu tạo các mô và giữ  gìn toàn thể Xác Thân. Nếu chúng ta bị xước trầy da, bị đứt hoặc bị thương, Tinh chất Xác Thân liền vội vã mang đến chỗ vết tích những bạch huyết cầu và cố gắng tạo ra những tế bào mới. Trên nhiều phương diện, công việc của Tinh chất này tỏ ra rất có ích lợi cho Xác Thân; vài hoạt động của nó vô cùng hữu ích cho chúng ta; đồng thời nó cũng thích biểu lộ những sự khích động không xứng đáng cho chúng ta chút nào cả.
Bởi vì con là Thượng Ðế và con chỉ muốn điều gì Thượng Ðế muốn mà thôi. Nhưng con phải tiến vào tận đáy lòng của con để gặp Ðức Thượng Ðế ở trong người con và nghe lời của Ngài, mà lời của Ngài cũng là lời  của con vậy.
C. W. L.  Sự hợp nhất của chúng ta với Ðấng Duy Nhất khó mà hiểu được. Ðây là cách tôi thành công đầu tiên: nó không phải là một phương pháp mà tôi có thể khuyên người ta làm theo. Lúc bấy giờ, tôi cố gắng tập trung tất cả năng lực của tôi lên cảnh thứ nhất của cõi Trí Tuệ hầu xác định coi con người có thể lợi dụng đến điểm nào những con đường vắn tắt nối liền những cảnh thứ nhất của các cõi khác nhau. Muốn đi lên từ cõi này qua cõi kia, con người có thể lên khỏi cõi Trần bằng cách đi từ cảnh này đến cảnh khác, cho tới cảnh thứ nhất. Kế đó mới qua cảnh chót là cảnh thứ bảy của cõi Trung Giới, và dần dần từ bậc lên cảnh thứ nhất của cõi Trung giới, rồi mới tới cõi Hạ Thiên, và cứ tiếp tục lên như thế đó. Người ta còn có thể theo đường tắt từ cảnh thứ nhất của cõi Hồng Trần đến cảnh thứ nhất của cõi Trung Giới, rồi từ đó lên  cảnh thứ nhất của cõi Thượng Giới hay là cõi Trí Tuệ.
(Plan mental cosmique), cao  hơn những điều mà chúng ta biết rất nhiều.
Thật vậy, tôi không có hy vọng gì lên đó được, nhưng còn có thể thông đồng với nó. Trong khi cố gắng, tôi nhận biết rằng tôi có thể thấy (nhưng không thể mô tả được) cảnh đối chiếu trong cõi Trí Tuệ  Hư Không; tôi thấy trọn vẹn hai loại cảnh giới cao hơn giai đoạn của chúng ta hiện nay. Tôi không tiếp xúc với cảnh đó được dù bằng bất cứ cách nào - Tôi nghĩ rằng dù một vị Chơn Tiên cũng không thực hiện được điều đó - nhưng tôi thấy được nó, dường như ở dưới tận đáy giếng nhìn một ngôi sao trên trời, cái Tâm Thức cao vút này, tôi có thể thấy được nó. Bây giờ trong tâm tôi phát sinh một sự tin chắc mạnh mẽ không thể tả được rằng nếu từ trước đến nay tôi tin là mình có một ý chí, một trí khôn, những cảm xúc, thì những cái đó không phải là của tôi, mà chính là của Ngài: chính là ý chí của Ngài, là tình cảm của Ngài vậy. Không có cái gì thuộc về của tôi cả. Tôi không bao giờ quên được kinh nghiệm này; nhờ nó mà tôi biết chắc được một sự kiện không thể mô tả.
Cũng như tôi đã giải trước đây chúng ta có thể nhờ Tâm Thức Bồ Ðề mà biết được chắc chắn sự hiện diện của Thượng Ðế trong lòng ta. Khi chúng ta đến mức đó, cái Tâm Thức như biển cả liền mở rộng ra chung quanh chúng ta. Chúng ta biết rằng mình là một phần tử của nó và những kẻ khác cũng là những phần tử của nó như chúng ta. Nó là vật sở hữu chung của chúng ta. Chẳng bao lâu, lại sinh ra một cảm giác mới, chúng ta hiểu rằng tất cả mấy cái đó chỉ là một Tâm Thức duy nhất, nó thâm nhập vào chúng ta và tất cả những kẻ khác, để cuối cùng chúng ta hiểu rằng chúng ta là Trời vậy. Sự hiểu biết này kích thích và thúc đẩy một cách dữ dội phi thường không thể nào quan niệm được, nhưng con người cảm thấy được an toàn và có một niềm tin tuyệt đối. Tôi hoàn toàn chấp nhận rằng điều đó có thể  khiến cho vài người kinh hãi vì họ tưởng rằng họ bị tiêu mất. Thật vậy, điều này không thể xảy ra được. Nhưng bạn hãy nhớ lời của Ðấng Christ nói: "Kẻ nào chết vì Ta, thì sẽ cứu mạng nó được" [17].
Ðấng Christ, biểu hiện cho nguyên lý Bồ Ðề, nói với chúng ta:  "Kẻ nào vì Ta - vì sự mở mang Tâm Thức Bồ Ðề trong lòng  y - sẽ bỏ lại Nhân Thể là cái thể mà trong đó y sống rất lâu; y sẽ tìm được chính  mình  và tìm thấy một sự sống vô cùng rộng lớn hơn và cao cả hơn". Muốn được như thế, phải có một sự can đảm chắc chắn; ở trọn vẹn trong Thể Bồ Ðề (Kim Thân) lần đầu tiên và nhận thấy Nhân Thể mà ta đã nương tựa nhiều ngàn năm đã biến  mất là một sự kinh nghiệm thật phi thường. Một trong hai thứ kinh nghiệm được mô tả đã đủ cho ta biết một cách tuyệt đối chắc chắn rằng Chơn Ngã vốn duy nhất. Ý niệm đó không thể truyền đạt, nhưng sự kinh nghiệm giúp chúng ta hiểu được nó và không có điều chi có thể lay chuyển được sự chắc chắn này.
Ðừng lầm lộn các thể của con với con. Xác thân của con, cái vía của con, cái trí của con không phải thật là con đâu. Nhưng mỗi thể nó đều xưng là Bản ngã đặng hoạch đắc cho được những điều nó muốn. Con phải biết tất cả chúng nó và phải tự biết rằng con là chủ chúng nó.
 
C. W. L.  Ðức Thầy nói về các thể này một cách tuyệt đối như Ngài đã nói đến những cá nhân riêng biệt. Ðó là những tinh chất đã được đề cập trước đây. Chúng tự do áp chế được một số đông người; họ chẳng những không cố gắng chút nào đặng thoát ra thế lực của chúng nó, mà cũng không biết mình mang một cái ách cần phải cổi bỏ và họ cũng không tự tách ra khỏi những thân mình họ nữa. Cái giáo lý khốc hại dạy rằng con người có một Linh Hồn đã gây ra tai hại rất nhiều do chủ trương đó. Nếu người ta chỉ hiểu được rằng con người là một Linh Hồn và có những Thể, thì người ta bắt đầu thấy rõ ràng hơn và rất mau chóng. Ngày nào mà một người kia còn tưởng tượng rằng Linh Hồn là một cái gì mơ hồ bay qua bay lại trên người y, thì y rất  ít có hy vọng được cải thiện. Khi chúng ta cảm thấy những Tinh chất nổi dậy trong lòng chúng ta, chúng ta phải nói rằng: "Sự cảm xúc này là một sự rung động trong Thể Vía của tôi; vậy tôi chỉ rung động theo cái nào hạp với tôi, hiện giờ tôi là trung tâm điểm của một nhóm thể xác này và tôi sử dụng chúng nó theo ý tôi".
Khi có việc phải làm thì xác thân viện lẽ nó cần phải nghỉ ngơi, đi dạo chơi, ăn uống, và người chưa hiểu biết thì nói trong lòng rằng: "Tôi cần làm mấy việc đó, và tôi phải làm mới được". Nhưng mà người hiểu biết thì nói: "Ấy là xác thân của tôi muốn mấy việc đó chớ không phải là tôi đâu, nó phải chờ đợi ".
 
C. W. L.  Ðối với trẻ con, điều này thật rõ rệt. Nếu một đứa trẻ muốn làm một việc gì, thì đối với nó việc đó là trời, là đất vậy; công việc phải thực hành xong tức khắc, và nếu nó thất vọng, nó tưởng như vũ trụ sụp đổ chung quanh nó. Những người dã man cũng giống như thế, họ dễ bị kích động cho đến đổi vì một lý tưởng nhỏ mọn không  ra gì, họ có thể giết người. Người văn minh sẽ tự hỏi: "Ta hãy chờ một chút để xem cái gì xảy ra". Ðứa trẻ chạy theo mấy cuộc chơi của nó, còn chúng ta, đàn anh của nó, lắm khi lại quở trách, la rầy nó, vì  không hiểu được bản tánh trẻ con. Ðứa trẻ nói: "Tôi đã quên", thật hoàn toàn đúng thế, nhưng chúng ta nghi ngờ điều đó, vì chúng ta biết rõ  rằng chính chúng ta phải nhớ. Vậy chúng ta đã quên lúc chúng ta còn nhỏ bé và đồng thời quên cả thời kỳ ấu trĩ của giống dân tộc chúng ta. Chúng ta phải nói rằng: "Ta biết rõ em muốn cái gì, nhưng thật ra bây giờ không nên làm việc ấy, vì nó làm quấy rầy nhiều  người; em sẽ thi hành việc đó vào một dịp khác". Ðó là cách giáo dục hữu hiệu. Người ta cũng hành động như thế đối với kẻ dã man. Chung qui y sẽ hiểu rằng y  không nên  chiều theo vài sự xúc động. Về điều đó, y phải trải qua nhiều kiếp và thường thường y bị giết trước khi học xong bài học, nhưng dần dần y bớt dã man một chút và văn minh hơn. Còn người đã tiến hóa, y xem Xác Thân như một sinh vật biệt lập, như một khí cụ để y điều khiển.
Thường thường khi có dịp giúp đỡ ai thì xác thân nói: "Việc ấy làm cho tôi buồn bực quá! Vậy, ai đó hãy làm thế cho tôi đi ". Nhưng con người trả lời với xác thân như vầy: "Ngươi ngăn cản ta không cho làm một việc phải sao được".
C. W. L.  Như Bà Tiến sĩ Annie Besant đã khuyên nên lưu ý  điều này; thường lắm, khi có một cơ hội rất tốt hiện đến, nhiều người xem xét nó rồi nói: À, đó là chuyện phải làm. Một ngày kia, ai đó sẽ lãnh lấy; tôi không thấy tại sao tôi phải làm điều đó". Trái lại một người thật sốt sắng nói: "Ðây là một công việc cần thiết, tại sao chính tôi không đảm đang việc đó"? Và người ấy liền bắt tay vào việc, y  hoàn thành nó.
Thân con vốn là con thú của con, con ngựa của con cỡi. Bởi thế, phải đối đãi với nó cho tử tế và phải săn sóc nó cho kỹ lưỡng. Ðừng bắt nó làm việc quá sức; phải nuôi nó cho đúng phép với đồ ăn uống tinh khiết và giữ gìn cho nó thật sạch sẽ luôn luôn, đừng dung dưỡng một mảy bợn nhơ.
C. W. L.  Xác Thân là một con thú, ý niệm này quả thật rất hữu  ích và hình như hiển nhiên vậy. Nhưng nếu chúng ta càng đi sát theo sự so sánh này thì  ta càng hoàn thành được việc cần thiết. Giả sử bạn có một con ngựa. Dĩ nhiên bạn là người tốt và biết điều; nếu bạn muốn phục vụ tử tế, thì bạn cũng muốn cho con ngựa của bạn được sung sướng, có đủ tiện nghi và tráng kiện. Bước đầu, bạn tìm cách hòa thuận với nó, để tìm hiểu nó, để nó biết ý bạn. Nó sẽ cảm thấy bạn sẵn sàng tử tế với nó. Rồi bạn tìm đồ ăn thích hợp với nó nhất và bạn cho nó ăn. Bạn coi chừng đồ ăn cho được đầy đủ, nhưng đừng thêm chút gì có hại cho nó. Ðồng thời, bạn bắt nó làm việc, vì bạn nuôi nó nhằm mục đích đó, nhưng không nên bắt nó làm quá sức. Bạn biết nó làm được cái gì thì bạn bắt nó làm việc đó. Bạn đã dạy nó tin cậy  bạn; vậy nó sẽ vâng lời bạn và nếu bạn gọi tới nó thì nó sẽ tỏ ra có thiện chí, vì nó biết rằng nó sẽ được an lành. Sau cùng, dù cho sự sợ sệt cũng không lay chuyển  nổi lòng tin cậy của nó. Theo cách đó, bạn sẽ được giúp đỡ nhiều nhất với sự cực nhọc tối thiểu. Cách luyện tập thú xoàng, đôi khi làm cho con ngựa khiếp sợ. Kết cuộc không bao giờ con ngựa làm việc thật  đắc lực. Mục tiêu của bạn thì khác hẳn: bạn muốn giữa bạn và con ngựa bạn có một sự hòa thuận thâm tình.
Xác Thân hoàn toàn giống con ngựa đó. Chúng ta phải biết phương pháp tốt nhất để áp dụng cho nó. Áp dụng những phép luyện  tập dữ dội của Hatha Yoga là một sự lầm lạc to. Bạn hãy tỏ ra tử  tế, bạn sẽ thấy Xác Thân nỗ lực giúp đỡ bạn tùy sức nó và nó không vì  đó mà chịu đau khổ, nhưng đừng bao giờ bắt nó làm việc quá sức. Nội trong một giờ, bạn có thể gây ra tai hại mà cần phải  nhiều năm mới bù lại được. Trong công việc làm ăn người ta luôn luôn nói: "Phải cố gắng thêm chút nữa mới được", nhưng thường lắm, khi sự cố gắng thêm chút ít đó làm mệt nhọc cơ thể khiến từ đó, nó không trở lại trạng thái bình thường được. Rất dễ gây ra sự tổn hại như thế, bởi vì cơ thể là một cái guồng máy hết sức mảnh mai, một guồng máy sống, khả năng phục hồi của cơ thể thật vô hạn. Trong nhiều trường hợp chúng ta gọi là "một Xác Thân tốt", có thể chịu đựng với những sự đối xử  hà khắc. Nhưng sự kiện chịu đựng được và con người còn sống như thế không có nghĩa là vô hại. Trái lại, một chút cố gắng quá sức lắm khi lưu lại một vết tích vĩnh viễn. Do đó, tôi khuyên những ai dấn thân trên con đường phát triển huyền bí hãy khá thận trọng, và tin chắc rằng theo lời vị Hội Trưởng của chúng ta: công việc nào mà chúng ta không thể thi  hành vì không có ngày giờ, thì đó không phải là công việc của chúng ta.
Rồi đến vấn đề ăn uống. Lý thuyết chủ trương rằng một món ăn cũng đủ nuôi sống được bất cứ ai không phải là lời khuyên tốt lành cho người hành giả có óc thực tế. Khí chất và khả năng của con người phức tạp vô cùng. Châm ngôn xưa có nói rằng: "Món nào tốt với người này, là thuốc độc đối với người kia"; nói về giá trị của thực phẩm, điều đó thật đúng. Tôi cũng biết rõ điều này: có một khuynh hướng cho rằng những người bận tâm nhiều về thức ăn của mình sẽ tạo ra cho mình những sự lo lắng vô ích về những thực chất hoàn toàn thuộc về cõi trần. Dĩ nhiên, đừng phóng đại thái quá mà hãy giữ trung dung và phải khôn ngoan. Bổn phận của mỗi người đối với Xác Thân mình là phải tìm xem nó cần thức ăn loại nào và số lượng mà nó đòi hỏi. Lẽ phải dạy chúng ta như sau: Hãy cho Xác Thân cái gì hợp với nhu cầu và sở thích của nó, nhưng đừng bao giờ cho nó dùng những thực phẩm có hại như rượu và thịt. Ðừng cưỡng bách điều gì cả. Hãy luôn luôn tìm cách thỏa mãn và đồng thời tìm hiểu nó, như vậy bạn sẽ có sự cộng tác trí khôn của nó, dù cái trí khôn đó như thế nào chăng nữa.
Thường thường bỏ thịt cá để sang việc dùng rau trái rất khó. Bên Anh, những người mới ăn chay, ban đầu không hiểu chi về vấn đề này. Vì từ  trước đến giờ họ ăn nhiều nhất là thịt với cải bắp  và khoai tây mà thuyết ăn chay đối với họ là bỏ thịt để ăn cải bắp với khoai tây. Song khoai tây chỉ toàn là bột và cải bắp thì chứa đựng nước.  Người ta không thể sống nhờ bột và nước; cần phải có những yếu tố khác nữa; những vật thực tạo nên bắp thịt, xương, máu. Chúng rất nhiều, cho nên chúng ta chịu khó thì sẽ tìm được những thực phẩm thích hợp hơn hết với thể xác và lấy nó làm món ăn chính. Nếu thức ăn không thích hợp có thể gây ra những sự  phiền nhiễu  cho sự tiêu hóa. Hãy thử dùng các món khác, trừ ra khi người ta mắc một chứng bịnh nan y. Khi trẻ con giữ gìn sâu đặng  xem nó hóa bướm, chúng chịu khó tìm coi sâu sống bằng lá cây nào, vì chúng biết rằng chỉ có một loại lá cây thích hợp với nó. Chắc chắn chúng ta có thể chịu ra công khó nhọc như thế đối với con thú  được dành  riêng để phụng sự chúng ta trong nhiều năm và nuôi nó với những đồ ăn uống tinh khiết thích hợp với nó.
Sự sạch sẽ có một tầm quan trọng cốt yếu; những lý do về vấn  đề đó thật khác nhau: nó cần thiết chẳng những vì phép vệ sinh, chẳng những vì nó là biểu hiện của sự tinh anh, tế nhị mà cũng vì Ðức Thầy đặc biệt dùng những người liên lạc chặt chẽ với Ngài như những vận hà để truyền Thần lực của Ngài. Thường thường công việc này dành cho những vị đệ tử sống gần kề bên Ngài, nhưng mà những ai cố gắng sống thật đúng với những nguyên tắc đã trình bày trong các quyển sách như quyển sách này đều sẽ ở dưới mắt Ngài. Có thể một người như vậy sẽ được Ðức Thầy xem như là hữu ích và Ngài dùng y làm một vận hà để di chuyển thần lực. Rất có thể ở một nơi nào đó, Ngài không tìm được một vị đệ tử  chỉ định để truyền một Thần lực. Trái lại, có thể có một người khác ít tiến hóa hơn, song có đủ những điều kiện cần thiết. Trong tường hợp này Ðức Thầy quyết dùng y.
Ngài ban rải nhiều thứ Thần lực rất khác biệt vì nhiều lý do khác nhau; khi thì người này làm một vận hà thích hợp, khi thì người khác. Khi quan sát trường hợp của hai vị đệ tử ở gần nhau, người ta nhận thấy rằng một người luôn luôn được dùng  để chuyển di một thứ Thần lực nào đó và một người kia thì một thứ khác. Sự di chuyển Thần lực đó thuộc về cõi Trần cũng như thuộc về cõi Trung Giới, cõi Thượng Giới và cõi Bồ Ðề vậy. Tại cõi Trần, Thần lực tuôn ra nhiều nhất là ở hai bàn tay và hai bàn chân. Vậy nếu Xác Thân của người được chọn, trong lúc nào đó, không đủ điều kiện trên phương diện cực kỳ quan trọng về sạch sẽ, tinh khiết, Ðức Thầy không thể dùng y, vì y là người không làm một vận hà thích hợp được. Ðó là đổ nước trong sạch vào một cái ống dơ bẩn; khi chảy qua đó nước sẽ dơ. Do đó những người gần Ðức Thầy một cách mật thiết phải giữ gìn hết sức kỹ lưỡng những nguyên tắc về sự hoàn toàn sạch sẽ của Xác Thân. Vậy về điều này chúng ta hãy giữ sao cho được Ngài bằng lòng, không có chi đáng trách cứ trong trường hợp mà sự giúp đỡ của chúng ta trở nên cần thiết.
Còn một điểm nữa chúng ta cần phải lưu ý; nếu chúng ta muốn làm người hữu dụng thì ta phải tránh đừng làm cho cơ thể bị biến hình, biến dạng, nhất là ở bàn chân. Tôi có vài tuần? trong một đoàn thể kia, nơi đó người ta có thói quen đi chân không, tôi rất cảm động mà thấy sự biến dạng và hư vẹo một cách bất thường ở bàn chân của nhiều người tân tín đồ. Tôi nhận thấy sự tàn tật này gây ra tai hại biết bao cho năng lực của họ trong việc làm vận hà để Ðức Thầy ban rải Thần lực. Trong những điều kiện bình thường, Thần lực này choán trọn vẹn thân mình của người đệ tử, rồi túa ra theo mười đầu ngón tay và mười đầu ngón chân. Nhưng khi những đôi giày trái vệ sinh làm cho bàn chân trọn đời hư vẹo, thì Ðức  Thầy chỉ dùng phân nửa phía trên thân hình của người đệ tử. Vậy Ngài phải thêm nhọc công vì mỗi lần phải truyền Thần lực, Ngài phải dựng lên một thứ đê điều hay là một cái hàng rào để ngăn chận tạm thời gần hoành cách mạc của người đệ tử. Vì lẽ đó mà tự nhiên Ðức Thầy buộc lòng phải dùng những người khác không bị biến thể như thế.
Bởi vì không có một xác thân hoàn toàn tinh khiết và tráng kiện thì  không thể nào con đảm đương nổi công việc khó khăn trong khi tập luyện để bước vào Ðường Ðạo, con không thể chịu đựng nổi nổ lực cần thiết và tái diễn mãi.
C. W. L.  Trong hoàn cảnh hiện tại sự tập luyện để bước vào Ðường Ðạo thật rất gay go. Nếu việc ấy được thúc đẩy không ngừng, nó sẽ là một căng thẳng liên tục, công việc này chỉ có thể chịu đựng nổi nếu tất cả những thể của chúng ta, gồm cả Xác Thân, đều ở trong tình trạng tốt đẹp. Như vậy một sức khoẻ hoàn toàn là điều cần thiết để tiến bộ nhanh chóng; mọi sự suy nhược đều làm mất thì giờ. Những vị chăm nom đến sự tiến bộ của một người đệ tử đều luôn luôn coi chừng hết sức kỹ lưỡng, không cho anh này cố gắng quá sức. Và các Ngài sẽ không bắt buộc một người nào dưới quyền lãnh đạo của các Ngài làm một công việc phụ thuộc nào trước khi biết rằng người ấy có đủ khả năng đảm đương nó với một phương tiện thích đáng.
Vậy thì  thân con phải vâng theo mạng lịnh của con luôn luôn chớ không phải con ở dưới quyền sai khiến của nó, Cái Vía của con có nhiều sự ham muốn, đếm tới cả chục có đầu. Nó muốn thấy con giận dữ, nó muốn nghe con nói những tiếng nặng nề, nó muốn thấy con ganh ghét, tham lam, thèm muốn của cải  thiên hạ và ngã lòng  rủn chí. Nó muốn mấy điều đó và còn nhiều việc khác nữa..., chẳng phải nó có ý hại con, song tại nó ưa những sự rung động dữ dội và thay đổi không ngừng. Nhưng trong mấy việc đó con không muốn việc nào cả, bởi vậy con phải phân biệt ý muốn của con với ý muốn của Cái Vía.
A. B.  Tôi thấy dường như đa số những người hay suy tư  biết rõ rằng họ không phải là Xác Thân của họ, nhưng mà những ví dụ của Ðức Thầy đưa ra ở đây lại chứng tỏ rằng họ không ngớt tự đồng hóa với Cái Vía. Ðôi khi bạn cũng thốt ra những câu như: "Tôi giận dữ; tôi nổi cáu". Ngay cả những người không muốn tưởng mình là những cảm xúc thấp hèn thường cũng lầm lẫn chúng với những tình cảm cao thượng; chắc chắn họ không nói rằng: "Tôi ghen ghét" khi họ nhận thấy trong lòng nảy sinh ra tình cảm đó, vì dù họ có thể tự đồng hóa hoàn toàn với tình cảm của họ, con người cũng cố gắng che lấp những sự thấp hèn và trong trường hợp này, họ tưởng rằng tình cảm của họ không phải là sự ghen ghét mà là tình thương. Họ nghĩ: "Tôi đau khổ vì người nào đó thương tôi, lại thương một người khác nhiều hơn thương tôi".
Tình thương là một đức tánh có ảnh hưởng rất xa, thế lực của nó rộng lớn cho đến đổi, con người sẵn sàng nhờ nó che chở và tìm cách gán cho nó tất cả những điều hoàn toàn  xa lạ với nó.
Tốt hơn là nên thành thật xem xét những tình cảm của ta, đừng xem thường những vấn đề quan trọng ấy và cũng đừng để những lời dịu ngọt phỉnh lừa ta. Trong trường hợp trên đây, nếu bạn đau khổ, thì đó hoàn toàn  không phải vì bạn thương yêu người bạn của mình, mà vì bạn không muốn chia sớt vật chiếm hữu của bạn cho ai cả. Một khi nảy sinh tình cảm đau khổ này, nó đều do tánh ích kỷ  gây nên, nó là "đối lập" [18] của tình thương. Về phần bạn, bạn là Chơn Nhơn, nên bạn không thể cảm thấy mình ganh ghét. Bạn không thể phẫn nộ hay là nổi cáu, các tánh đó đều là tánh khí thuộc về Cái Vía.
Ðức Thầy còn đề cập đến những thí dụ khác như tánh tham lam, sự ham muốn, ghen ghét và ngã lòng rủn chí. Những người chí nguyện bước vào Ðường Ðạo ít nhân nhượng hai tánh trước hơn là sự ngã lòng. Thường thường người ta ít đề phòng sự ngã lòng hơn các tánh khác vì họ lầm tưởng chỉ có một mình họ chịu hậu quả mà thôi. Họ nói rằng: "Nếu tôi cảm thấy buồn rầu hay thất vọng, thì rốt cuộc đó chỉ là chuyện riêng của tôi và chỉ quan hệ đến một mình tôi thôi". Nhưng nói như  thế  không đúng: Mấy kẻ khác cũng bị tai hại vậy. Các sinh viên Huyền Bí Học đều biết rõ điều chi xảy ra. Những làn rung động của sự  ngã lòng truyền đi và cảm nhiễm không những Thể Vía mà còn Thể Trí của nhiều người nữa. Hậu quả này thường trầm trọng hơn người ta tưởng, bởi vì trong đám người có thể bị tư tưởng bạn cảm nhiễm, đa số trình độ tiến hóa còn thấp kém hơn bạn, nhiều người đang lâm vào tình trạng có thể gây trọng tội. Những độc giả thường xem sử sách và những bản thống kê các bản án phạm tội đại hình thì biết rằng nhiều vụ án mạng, nhất là sát nhơn và tự tử, đều xảy ra sau một thời kỳ vô cùng chán nản. Trước tòa án, tội nhân thường nói rằng: "Tôi nản chí quá, tôi không thể nào cưỡng lại nổi". Ở trình độ tiến hóa còn thấp kém, nhiều người có thể bị cảm nhiễm như thế. Có những người bị tội cấm cố, hay tử hình nhưng thật ra họ không phải là thủ phạm hoặc họ chỉ tạo có một phần tội ác do bàn tay của họ gây nên mà thôi. Chúng ta sống trong một thế giới ít có người hiểu được những luật thầm kín phi thường này và nếu tòa án chúng ta không xét xử được một cách hoàn toàn công bằng, thì chính vì không biết khoa Tâm lý học vỡ lòng vậy. [19]
Chắc chắn tôi cảm thấy tất cả những điều này rõ rệt hơn vì chính tôi đã bị đưa đẩy: Khi thì phấn khởi, khi thì ngã lòng, theo sự dao động của quả lắc đồng hồ. Ấy là tánh khí chung của nhiều người: hôm nay hạnh phúc tràn ngập Thế gian, ánh dương quang chiếu rạng, tạo vật xinh tươi, tất cả đều hân hoan, vui thú. Rồi phản ứng không thể tránh được lại xảy đến. Một cảm xúc buồn bã mênh mang xâm chiếm tâm hồn bạn, toàn thể thế giới dường như tối sầm lại. Nếu bạn bình tĩnh tìm hiểu căn nguyên, thì bạn sẽ thấy những  lý do bên ngoài mà bạn đổ cho sự thay đổi tánh khí của bạn không đủ để giải thích những hiệu quả quan trọng như thế. Tuy nhiên tánh khí này cũng mang đến vài sự lợi ích. Thuật nói trước công chúng của tôi chắc  chắn không có hiệu lực như thế này, nếu tôi không có khả năng bẩm sinh đó. Tánh khí của nhà diễn giả gồm sự hiểu biết những tình cảm hết sức đối chọi nhau, nhưng nó cũng giống với các tánh khí khác là những cái lợi lại kèm theo những cái bất lợi. Chúng ta không nên nhượng bộ trước những sự biến đổi luân phiên dữ dội của tình cảm.
Tôi không chắc rằng muốn thắng được tánh xấu ấy, chỉ cần tự nói rằng: "Tôi không nên cảm biết mình ngã lòng", nhưng trong  những trường hợp cực đoan người ta cũng có thể thắng thế khi nhớ rằng mình không được buông xuôi vì những hậu quả thảm khốc sẽ di hại cho kẻ khác. Cố gắng xua đuổi một tình cảm như thế đó chưa đủ; phải thay vào đó bằng một tư tưởng can đảm, an tịnh thật mạnh mẽ và phụ vào đó một tình  cảm vị tha nồng  nhiệt của bạn.
Như Ðức Thầy đã chỉ dạy, Cái Vía không muốn hại ai. Nó hành động như thế, chỉ vì nó được cấu tạo bằng Tinh chất đang đi xuống và đang tiến hóa nhờ những sự rung động dữ dội và luôn luôn thay đổi. Sự ham muốn không ngừng này chứng tỏ rằng Cái Vía có những sự thay đổi mãnh liệt, điều đó phải giúp sinh viên không tự đồng hóa với Cái Vía và thấy rằng nó đã tạo ra những tình cảm mà anh không biết lý do, những tình cảm mà lý trí không tán đồng, những tình cảm tiêu biểu những sự hoạt động độc lập, riêng  rẽ của Thể Vía. Người ta phải hiểu điều đó và đừng làm trò chơi cho những tánh khí bất thường ấy. Bạn hãy nghiên cứu chính bản tánh của Thể Vía bạn. Hãy khám phá cho được những chuyện bất hảo mà nó đặc biệt ưa thích, rồi bạn từ chối, không chấp nhận những điều tai hại đó. Quyết định xong, bạn đừng nghĩ đến chúng  nó nữa, đừng nhấn mạnh chúng nó. Bạn hãy chọn lấy những thái độ đối nghịch với nó và suy gẫm về những thái độ này suốt ngày. Cái Vía của bạn muốn không kiên nhẫn ư? Bạn hãy chú ý vào sự kiên nhẫn; bạn hãy nghĩ đến đức tánh này trong thời gian tham thiền buổi sáng của bạn và bạn thực hành nó từ giờ này sang giờ khác. Cái Vía của bạn lại muốn cho bạn ghen ghét ư? Bạn hãy nhận biết sự kiện đó, rồi ngưng ngay ý nghĩ về sự ghen ghét, rồi tập trung tư tưởng vào tánh vị tha. Bạn hãy áp dụng phương pháp này một cách liên tục thì sự ghen ghét tự nó tiêu mất. Cái Trí của bạn không thể dung nạp một lượt hai tình cảm trái  ngược nhau.
Bạn  hãy nhớ  rằng mọi sự khó khăn đều nhắm tạo nên cơ hội tiến bộ cho sinh viên Huyền Bí Học. Người đệ tử tỏ lòng yêu mến có được công đức gì, khi mà mọi người chung quanh y đều tử tế, hay tốt lành, khi mà ai nấy đều ân cần niềm nở với y? Những người tầm thường nhất cũng làm được như  thế. Người chí nguyện làm đệ tử phải biểu lộ những tình cảm tốt lành khi người ta tỏ ra xấu xa đối với y, bằng không y có khác chi những người thường? Y phải nhớ đến điều này trong những lúc khó khăn hay bị cám dỗ. Người chí nguyên phải lướt tới đối đầu với chúng và xem chúng như những cơ hội để trả quả. Ðối với người đệ tử, phải coi bất cứ ai hay bất cứ cơ hội thử thách nào đưa đến đều không phải là một sự cám dỗ, mà đúng là một dịp may vậy. Khi đem những cảm xúc tốt đẹp đáp ứng lại những tình cảm xấu xa thì người đệ tử  giống như  Sư Phụ mình. Như thế đã biểu lộ được nơi y những đức tánh của Ðức Thầy.
Vậy buổi sáng khi tham thiền bạn hãy suy gẫm những đức tánh mà bạn cần phải có. Chẳng hạn, nếu bạn hay nóng nảy bạn hãy nghĩ đến đức kiên nhẫn. Rồi trong ngày bạn gặp một người nóng nảy hoặc khó chịu, thì vì thói quen, trước tiên bạn đáp lại bằng sự nóng nảy, nhưng khi vừa phạm lỗi bạn liền nghĩ ngay đến đức kiên nhẫn. Lần sau bạn nghĩ đến đức kiên nhẫn đúng lúc bạn phạm lỗi. Tập thêm một chút nữa bạn sẽ nghĩ đến đức kiên nhẫn, trước đó một chút; rồi bạn cảm thấy nóng giận nhưng bạn không biểu lộ ra; sau cùng bạn không còn cảm thấy nóng giận nữa. Bước đầu của những giai đoạn ấy đã chứng tỏ rằng sự tham thiền của bạn khởi sự có hiệu quả. Tôi biết nhiều người muốn thí nghiệm điều này. Họ kiên nhẫn trong vài ngày hay vài tuần rồi nói: "Tôi không tham thiền về vấn đề đó nữa, tôi không thu gặt được một kết quả nào; việc tham thiền của tôi không có ích lợi gì cho tôi; tôi không tiến bộ". Người này cũng giống như một người khách bộ hành phải thực hiện một cuộc hành trình bằng cách đi bộ ba ngày đường, nhưng mới đi được khoảng một hoặc hai giờ, y ngồi xuống nói rằng: "Ði làm gì? Tôi có tiến bước đâu". Dưới cõi trần, ai lại không thấy cái tư cách như thế lố bịch biết bao, mà tư cách  kia cũng giống như vậy. Sự tham thiền tạo ra những kết quả, đó là cưỡng bách, không khác nào sự đi bộ sẽ đưa bạn đến một quãng  đường, điều  này chắc chắn như thế. Những định luật Khoa học tác động một cách bất biến, do đó mọi năng lực của bạn tạo ra phải mang lại kết quả. Nếu bạn chưa thu thập được kết quả tức khắc theo ý muốn, chính vì cái nguyên tắc đối lập chưa hoàn toàn bị hàng phục, năng lực của bạn còn bám chắc lấy nó để trung hòa nó, để rồi chinh phục nó một cách triệt để. Bạn chớ bận tâm đến kết quả. Hãy chú định tư tưởng của bạn vào đức kiên nhẫn hoặc những đức tánh nào mà bạn muốn mở mang. Rồi cái kết quả tự nó sẽ đến, khỏi cần ai trợ giúp.
C. W. L.  Tóm lại, với sự luyện tập một ít lâu, không khó gì cho  chúng ta đặng biết rằng chúng ta không phải là Xác Thân, nó chỉ là cái áo mặc ngoài thôi. Còn Thể Vía - những cảm xúc và dục vọng của chúng ta - lại khó biết hơn vì dường như nó là thành  phần của bản ngã sâu kín hơn hết của chúng ta. Mỗi ngày, ở đâu người ta cũng gặp những người có cảm tưởng rằng họ là những tình cảm, dục vọng của họ. Ở vài người bị tình cảm, dục vọng choán đầy cả tâm hồn họ cho đến đổi nếu cố gắng dùng trí tưởng tượng  tách biệt chúng riêng ra, thì họ không còn cái chi cả: trọn cả con người họ chỉ là dục vọng và cảm xúc thôi. Một người như thế thật khó tách riêng y ra với Thể Vía của y; nhưng đó là điều phải thực hiện. Cái Vía luôn luôn thay đổi tánh tình của nó và sự kiện này giúp con người hiểu rằng nó (Cái Vía) không phải là Chơn Ngã, cái Bản Ngã thật. Chính là Linh hồn không hề thay đổi; ước vọng của nó vốn bất di bất dịch - nó muốn tiến hóa để giúp đỡ Linh Hồn khác theo đuổi con Ðường Ðạo do các Chơn Sư của chúng ta đã vạch ra. Vậy thật rõ ràng và chắc chắn rằng Thể Tình Cảm này không phải là Chơn Ngã.
Sở dĩ Tinh chất Cái Vía đạt được ít nhiều sự liên tục vì những  hạt  nguyên tử trường tồn thu hút những chất khí cùng một loại với chất khí mà chúng ta đã có ở kiếp trước để bao bọc chúng nó; bởi thế thật khó mà thình lình đương đầu với nó và quật ngã nó được. Tuy nhiên, không phải điều đó không làm được và phương tiện hay  nhất là nhờ sự quan sát kỹ lưỡng để xác định những loại hoạt động xấu xa nào mà Cái Vía muốn  theo đuổi. Mỗi người đều có những nỗi khó khăn riêng: người thì tỏ ra nóng nảy, dễ cáu hoặc là ưa đố kỵ, ganh ghét; người khác lại tham lam. Nhận biết như thế rồi ta phải chuyên tâm khắc phục tật xấu ấy một cách cương quyết. Giả sử vấn đề ở đây là tánh nóng giận, nó thường xảy ra bởi do những tình trạng  ghê gớm và những tiếng động là đặc tính của đời sống hiện đại. Người muốn bỏ tánh nóng giận thì phải cương quyết không nổi nóng nữa. Lấy nó làm một đề tài tham thiền rất tốt, nhưng đừng chiến đấu với tật xấu bằng cách chống cự với nó. Ðiều hay hơn hết là tham thiền về đức tánh đối lập với nó, nghĩa là đức  kiên nhẫn. Ðừng nghĩ đến tánh xấu và việc cần phải đối phó với nó, vì như thế sẽ tăng cường sức hoạt động của nó.
Nếu bạn cố gắng giúp kẻ khác bằng tư tưởng của bạn cũng nên theo phương pháp đó. Khi bạn giúp một người có tánh xấu nói trên đây, thay vì chú trọng đến tánh nóng giận của y, tội nghiệp cho y - như  thế sẽ tăng cường tánh nóng giận đó - bạn hãy nói rằng: "Tôi muốn thấy y bình tĩnh và kiên nhẫn". Như vậy tất cả năng lực tinh thần của bạn giúp cho y được bình tĩnh và kiên nhẫn. Ban đầu, khi gặp một người không nhẫn nại, chúng ta sẽ nổi nóng, nhưng sau đó chúng ta nhớ lại rằng: "Chúng ta không muốn làm điều đó". Dù nhớ muộn như thế cũng tạm được. Lần sau, hay lần thứ hai mươi, chúng ta sẽ nhớ ngay chứ không phải khi vừa mới phạm lỗi. Trong giai đoạn thứ ba, ta sẽ nhớ ngay trước khi thốt ra lời phẫn nộ; sự nóng giận vẫn có, nhưng chúng ta không để nó bộc lộ ra. Tiến thêm một  bước nữa, chúng ta không còn cảm thấy một sự nóng giận nào. Chúng ta đã hàng phục được sự nóng giận và chúng ta sẽ không còn bận tâm vì nó nữa, trong kiếp này, cũng  như trong những kiếp sắp tới.
Muốn chế ngự bản tánh của Cái Vía, thì điều cần thiết là không có một tình cảm cá nhân để phiền hà, để giận dỗi. Những tình cảm cao thượng như thiện cảm và tình thương phải tràn ngập trong lòng chúng ta, chúng ta không còn tức tối hay bất bình được. Người nào còn những tình cảm này là còn nghĩ đến mình, chúng ta không có quyền làm thế, nếu chúng ta đã tự hiến mình cho Ðức Thầy. Có thể có những người trì độn, họ bị mắng mà không biết; sự vô ý thức như thế không tốt; nhưng khi bạn đã ghi ý muốn nhục mạ rồi thì hãy tỏ ra khôn ngoan; đừng chú ý đến, cách đó luôn luôn hay nhất. Người ta nói xấu bạn, điều này không quan trọng mấy. Việc nói xấu luôn đã xảy ra từ thuở khai thiên lập địa, và ngày nào chúng ta chưa tiến đến gần quả vị Chơn Tiên thì ngày đó sự nói hành cũng vẫn còn mãi. Tóm lại, những điều kẻ khác nói không quan trọng; đó là những làn rung động thoáng qua làm xao xuyến không khí và chỉ có thế thôi, trừ ra khi nào chúng ta quyết định làm trái ngược lại. Một người nào đó nói những điều không tốt cho bạn, nếu bạn không hay thì chẳng có sao cả. Ví như bạn nghe được những lời đó, bạn đùng đùng nổi giận, bạn  kinh  hãi, bạn thất vọng và còn nhiều phản ứng khác nữa, thì không phải lỗi của kẻ thủ phạm đầu tiên, mà chính là bạn đã hại bạn. Hãy nhìn sự việc một cách thật kiên nhẫn và nói rằng: "Tội nghiệp, y không biết chi hơn cái đó". Bạn hãy giữ lấy thái độ dịu dàng và nhân hậu. Những điều kẻ khác nói không quan trọng mấy, vì họ luôn luôn hành động thiếu sự hiểu biết. Bạn hãy nhớ mấy lời này: "Tấm lòng tự biết những nỗi buồn bực của nó"[20]. Một người kia luôn luôn có những lý lẽ để giải thích, để hành động hoặc suy tư như họ đã làm. Từ bên ngoài không thể biết tất cả những lý do của họ, vì bạn chỉ quan sát chúng một cách nông cạn và thường thường thì sai lạc nhiều lắm. Do đó, ngày nào bạn chưa lên tới cõi Bồ Ðề thì ngày đó bạn nên làm lợi cho họ là đặt ra nghi vấn hoặc hãy làm hay hơn nữa: đừng gán cho ai những lý lẽ này hay những lý lẽ nọ. Nếu hành vi nào đó bạn cho là sái quấy, sự phê phán nhân từ hơn hết là nói rằng: "Tôi sẽ không làm điều này; theo ý tôi như thế là quấy. Có thể người ấy có những lý lẽ riêng của y mặc dầu tôi không biết chúng như thế  nào".
Khi một người kia tỏ ra vô lễ thì lắm khi có điều gì bất thường đã xảy đến cho y và bởi vậy y không ở trong trạng thái tự nhiên của y nữa, y thấy điều đó và người đầu tiên nói chuyện với y lại là chính bạn. Thật ra, không phải y giận bạn; sự mất quân bình của y có lý do khác; có thể bữa cơm tối của y bị mất ngon. Chúng ta hãy tập lấy đức khoan dung đối với kẻ khác mà nói rằng: "Tội nghiệp cho bạn ấy, tôi nghĩ là y luôn luôn không thế nào được hoàn toàn  khả ái và dễ mến như tôi". Chắc chắn sau đó người này sẽ hối hận về những lời khiếm nhã của y, có lẽ y cũng không nhận thấy điều gì khác thường do y đã thốt ra. Khi người ta cảm thấy bị xúc phạm hay phật lòng vì chính họ đã tưởng đến bản ngã, cái ta của họ. Chính tư tưởng cá nhân này cần phải bị nhổ tận rễ và ném đi xa. Không bận rộn về bản ngã thì không còn tật đó. Nếu người này chỉ nghĩ đến tất cả tình thương mà y dành cho người kia thì tình thương của người kia đối với người thứ  ba có quan hệ gì đối với y đâu. Cái ảo ảnh về bản ngã chia rẽ là căn nguyên của hầu hết mọi đau khổ.
Người ích kỷ hiện nay đã lỗi thời, y theo đuổi những hoạt động  hữu ích và cần thiết cho y hồi hai chục ngàn năm trước, nhưng bây giờ đây chúng không còn hữu ích và cần thiết nữa, người ích kỷ là người chậm tiến, cổ hủ. Chúng ta có bổn phận phải theo kịp thời thế. Ðời sống của chúng ta, tư tưởng của chúng ta có mục đích là phải hướng về tương lai mà Ðức Chưởng Giáo đã chuẩn bị cho chúng ta. Vậy ta phải quét sạch tất cả những tư tưởng lỗi thời này.
Trong khi tìm kiếm những lỗi lầm của bạn để chủ trị chúng, bạn  đừng để những tư tưởng sai lầm về sự  ăn năn  và hối hận lưu vết tích trong lòng bạn. Bạn hãy nhớ bà vợ của ông Lot [21] và đừng nhìn về phía sau; điều đó chẳng có ích lợi gì cả. Sau khi phạm một lỗi nặng nào đó, bạn có thể nói thật bình tĩnh rằng: "Dại quá, chẳng bao giờ tôi tái phạm nữa". Người ta nói rằng ông Talleyrand nói những lời này: "Ai cũng có thể lầm lẫn - tất cả chúng ta đều lầm lẫn - nhưng mà người phạm lỗi hai lần một việc là kẻ khờ dại". Một này kia, một vị Chơn Sư có nói rằng: "Sự hối hận chỉ có chút giá trị là khi nào quyết định không tái phạm nữa". Bạn cũng nên nhớ câu này nữa: "Kẻ nào không hề lầm lỗi là kẻ không làm gì cả". Bạn đừng lo lắng về những gì mà bạn đã làm trong những kiếp trước; tại sao lại bận tâm đến ngày hôm qua. Cả hai thuộc về qua khứ. Sự hối hận làm mất thì giờ và năng lực; nó chính là một điều tệ hại, một hình thức  ích  kỷ.
Thật dễ cho chúng ta tử tế và dễ thương với những người cũng đối đãi với chúng ta như thế đó, nhưng nếu chúng ta đã thực sự tiến hóa, thì chúng ta ban rải tình thương ra chung quanh, dù cho những  kẻ khác không tỏ lòng thương mến chúng ta cũng vậy. Ðấng Christ đã nói: "Nếu con thương những kẻ yêu con, con đáng được ban thưởng điều gì? Những kẻ thu thuế kia lại không hành động như thế sao"[22]? Ngài còn dạy rằng: "Con hãy thương yêu kẻ nghịch của con và cầu nguyện cho những người hành hạ con.[23] Ðã đến lúc người đệ tử của Chơn Sư  chứng tỏ mình làm được điều gì, nơi mà y có thể hành động như Ngài, nơi mà y đáp lại sự nói xấu và ngược đãi bằng những tư tưởng nhân từ và tình thương, rồi y còn bàu chữa và khoan hồng đối với sự rồ dại của kẻ nghịch. Thương yêu và tử tế đối với những người thương yêu và tử  tế với ta vẫn chưa đủ, phải có khả năng ban rải tình thương của chúng ta thật nhiều cho những kẻ còn ngờ vực, họ không hiểu điều đó là gì? Người ta nói về Ðấng Christ như vầy: "Khi bị nguyền rủa, Ngài không hề nguyền rủa lại; khi bị hành hạ, Ngài không hề hăm doạ, mà chỉ phó thác mọi việc cho Ðấng xét đoán công bằng"[24]. Tất cả chúng ta cũng bị kẻ khác làm hại, bị đối xử bất công, bị người ta không hiểu biết mình, không ai nhận  chân giá trị của mình. Nhưng không một ai cần phải bận tâm về những điều đó, vì Luật Nhân Quả luôn luôn canh chừng để lập lại trật tự. Ðức Chúa Trời nói: "Hãy để cho Ta trả thù. Hãy để cho Ta phân phát mọi việc, ân đền oán trả"[25]. Chúng ta hãy phó thác mọi việc cho Ngài. Luôn luôn công bằng trả lại; những điều xấu xa một ngày kia sẽ được kiểu chính[26]. Những người nào ngày nay chưa biết lỗi mình, một ngày kia sẽ biết và sẽ hối hận. Không có sự bất công nào tồn tại được. Tất cả mọi sự đã an bài, sẽ được thực hiện  đúng  như  đã dự định.
Chính Ðức Thượng Ðế luôn luôn treo gương Bác Ái. Nhiều người nói xấu  Ngài; vì không hiểu biết Ngài nên họ đã nhạo báng Ngài. Ngài không hề trả lời, nhưng tình Bác ái thiêng liêng cứ không ngớt tuôn ra. Nếu chúng ta muốn biểu hiện sự sống thiêng liêng, chúng ta phải có một đặc tánh giống như Ngài vậy.
Cái trí của con vui thích với tư tưởng kiêu căng chia rẽ. Nó kiếm thế tự tôn tự đại và xem thường kẻ khác.
C. W. L.  Lại ở đây nữa, đừng lầm lộn ý muốn của Cái Trí với  ý muốn  của chúng  ta và nên biết rằng chúng ta không phải là Cái Trí. Chúng ta có thói quen hay nói: "Tôi nghĩ thế này hay thế khác", nhưng trong mười lần hết chín lần không phải là chúng ta nghĩ mà chính là Cái Trí vậy. Nhiều người trong chúng ta cố gắng chủ trị và uốn nắn tư tưởng của họ theo kỷ luật, nhưng nếu kiểm điểm lại, chúng ta nhận thấy những tư tưởng đáng gọi thuộc về của ta nghĩa là của Chơn Nhơn thật hiếm hoi biết bao và những tư tưởng  thuộc về Hạ Trí thì không biết bao nhiêu nữa.
Hạ Trí bay từ vật này sang vật kia, ghé phớt qua nhiều vấn đề khác nhau, nhưng thường thường nó không chăm lo chu đáo cái nào cả. Thói quen của nó không phải là không xem xét tường tận điều gì, mà nó chỉ lướt qua việc này đến việc khác để có những rung động mới mẻ luôn luôn. Thoáng nhìn lại phía sau, chắc chắn trong khoảng thời gian rất ngắn ngủi ta sẽ thấy rằng Trí ta nhớ đến một dọc chuyện này rồi tới chuyện kia, toàn là vô vị. Chẳng hạn khi đi đường bạn sẽ nhận thấy nếu chính bạn đặc biệt không suy nghĩ gì cả, thì cái gì mà tư tưởng không chịu dừng lại: đó chính là Cái Trí của bạn. Nếu bạn không khép nó vào kỷ luật, nó sẽ duyệt lại hàng loạt ý niệm vô ích đối với bạn, những ý niệm này vị tất  đã xấu xa, trừ khi chúng nó vốn riêng tư thuộc về cá nhân ích kỷ. Sự liên tưởng là thói quen của Cái Trí; đôi khi nó chiếm lấy một tư tưởng đẹp nhất của bạn rồi dẫn đến một việc khác xa và rất thô tục. Chúng ta phải can thiệp và đổi hẳn tất cả. Tôi biết rất khó mỗi lúc đều mỗi kiểm soát những sự hoạt động của Cái Trí, nhưng chúng ta phải thực hiện điều đó, vì Cái Trí là một sức mạnh vô cùng và hơn nữa nó là thần lực cao nhất ở gần chúng ta: Nếu ý chí có thể bắt Cái Trí làm một vận hà thì ít có việc gì mà Cái Trí chúng ta không hoàn thành nổi. Chúng ta có thể hoạch đắc cái sức mạnh phi thường này, dù chúng ta giàu hay nghèo, già hay trẻ, và chúng ta có thể làm cho nó thành một dụng cụ quí báu để phụng sự Ðức Thầy, với điều kiện là chúng ta luôn luôn canh chừng nghiêm nhặt cho tới chừng nào Cái Trí tập được những thói quen mới khác. Tư tưởng có thể hoàn thành được nhiều việc, mà những phương tiện khác không thể thành công. Một tư tưởng thương yêu gởi đến cho một người - mà chúng ta biết y cần được giúp đỡ - có thể hữu ích cho y hơn là cho y một số tiền; trọn đời y có thể nhờ ảnh hưởng tốt đẹp đó. Tại cõi Trần này, cái kết quả có thể không nhìn thấy được, nhưng công việc làm của Ðức Thầy không phải vì thế mà không thành sự  thật.
Tư tưởng hướng về Chơn Sư thường trực ở phía sau Cái Trí: Cái Trí có thể quay về tư tưởng này mỗi khi Chơn Nhơn không thực sự suy nghĩ về điều gì bắt buộc nó phải chú ý; tư tưởng đó phải hết sức rõ rệt. Ðối với nhiều người, tư tưởng về Ðức Thầy chỉ là một thứ phúc lạc mơ hồ, một sự xuất thần nửa vời, một trạng thái hôn mê về đạo giáo; trong mấy lúc đó họ không thể suy nghĩ thật sự về điều gì cả. Thay vì đắm mình một cách mơ hồ trong một tư tưởng thiếu chính xác,  chúng ta nên làm cho việc sùng mộ Ðức Thầy của mình thành một hình tư tưởng rõ rệt, chẳng hạn như "Tôi có thể làm gì để phụng sự Ngài? Tôi dùng mãnh lực tư tưởng của tôi vào mục  đích  gì "? Trong quyển sách này luôn luôn bạn sẽ thấy tác giả nhấn mạnh rằng: Thật ra chúng ta chỉ có một tư tưởng duy nhất, một ý chí duy nhất, một phận sự duy nhất mà thôi. Tư tưởng duy nhất đó là phụng sự Ðức Thầy; ý chí duy nhất đó là làm việc cho Ngài; phận sự duy nhất đó là tận tụy với Ngài và vì thương Ngài mà tận tâm với nhân loại. Mặc dù những công việc có tính cách hết sức phức tạp đang chờ đợi chúng ta đi nữa, chúng ta cũng phải đảm đương chúng nó để phụng sự Ngài và nhân loại. Trong trí Ðức Thầy chỉ có một tư tưởng duy nhất là: phụng sự; nếu chúng ta muốn hiệp nhất với Ngài, tư tưởng duy nhất đó cũng phải là tư  tưởng của chúng ta. Tư tưởng duy nhất ấy bắt buộc chúng ta phải đạt cho được khả năng phụng sự, rồi do đó mới có thể tiến hóa; chẳng phải chúng ta khao khát thành những bậc vĩ nhân, mà vì chúng ta muốn thành khí cụ tốt.
Nhiều người đang mở trí. Nhiều nhà bác học luyện trí để mở rộng sự hiểu biết của họ mà thôi. Ðôi khi họ cũng có thể có một ý tưởng phụ thuộc là muốn được danh  tiếng lẫy lừng, nó là kết quả của một sự phát minh vĩ đại; nhưng tôi không tin rằng đó là trường hợp của đa số những nhà Khoa học. Thường thường trong thâm tâm họ đều có ý muốn đem những quan niệm đã hoạch đắc để giúp ích cho đời, nhưng trong tinh thần Khoa học, lòng nhiệt thành muốn hiểu biết đã chiếm hàng đầu. Ðó là một môi trường hoạt động tốt đẹp; nhiều tâm hồn cao quí làm việc trong phạm vi này đã giúp cho nhân loại những công việc lớn lao.
Chúng ta cũng vậy, chúng ta phải tinh luyện Cái Trí của mình để trở nên nhanh nhẹn, linh hoạt và hữu ích. Tại sao thế? Tại sao người thợ mộc mài cái bào của y? Chẳng phải để cho y có một cái bào sắc bén hơn  cái bào của anh thợ mộc khác, nhưng để bào cây cho láng, để làm một việc tốt. Ðây mới thật đúng vì lý do nào chúng ta phải tinh luyện Thể Trí. Nhưng hãy luôn luôn nhớ tư  tưởng này: "Tôi đang tạo một khí cụ cho công nghiệp của Ðức Thầy". Lý tưởng này sẽ ngừa được sự kiêu căng của trí thức, nó giúp chúng ta tránh khỏi nhiều cạm bẫy, vì chắc chắn chúng ta phải sa vào đó, nếu Cái Trí mở mang quá độ.
Khi con bắt buộc nó không quan tâm đến những việc trần được rồi thì nó cũng còn cố gắng gom tất cả về cho bản ngã của con. Nó giục con chú ý đến sự tiến hóa riêng của con, thay vì lo nghĩ đến việc của Chơn Sư  và giúp đỡ kẻ khác.
A. B.   Trong những bài dạy của Ðức Thầy, có lẽ điều làm cho tôi chú ý hơn hết, đó là ý niệm chánh, không thay đổi và luôn luôn được lập đi lập lại về cái ý tưởng duy nhất. Dường như cái ý niệm chánh này chiếu ra sự thuần nhất một cách mạnh mẽ cho đến đỗi người ta cảm thấy rằng Ðức Thầy không thể có tư tưởng nào khác nữa và Ngài nhập vào Ðấng Duy Nhất đến độ tư tưởng của Ngài không thể tách rời ra khỏi Ðấng Duy Nhất hay có thể quên Ðấng Duy Nhất, dù Ngài phải lưu ý đến vấn đề gì. Ðây cũng là tư tưởng của người đệ tử. Luôn luôn  nghĩ đến  công nghiệp của Ðức Thầy và luôn luôn làm việc cho kẻ khác: ý tưởng duy nhất này phải vượt lên trên tất cả, bằng không thì chính Cái Trí của bạn  tưởng chớ không phải là bạn. Nhưng nếu tư tưởng đó là của bạn, thì tất cả tư tưởng khác đều thuộc về bạn. Giả sử trong lúc tham thiền bạn nghĩ đến một đức tánh nào đó. Bạn tự hỏi, tại sao bạn muốn có nó? Có phải để được người ta khen ngợi hay để tiến dần đến sự Ðiểm Ðạo? Hay trái lại, bạn muốn có nó để trở thành một khí cụ hảo hạng cho công việc của Ðức Thầy? Ðó là đá thử vàng để giúp bạn biết có phải là Cái Trí suy nghĩ hay là chính bạn suy nghĩ.
Có một phương tiện hữu  hiệu là bạn nên chịu một sự thử thách rõ rệt. Giả sử có một chi tiết trong công việc phụng sự Ðức Thầy đòi hỏi những đức tánh thấp thỏi hơn trong đức tánh đã mở mang (tôi tin rằng trường hợp này có thể xảy ra, dù theo thường lệ sự hữu dụng của một người tùy thuộc vào sự tiến hóa của y). Vậy thay vì dùng tài cao của bạn để hối thúc sự tiến hóa, bạn có bằng lòng gánh vác việc nhỏ mọn đó và cố gắng hoàn thành nó không? Bạn có bằng lòng hạ mình để được hữu dụng nhiều hơn không? Ðược. Nếu bạn không quên mục đích duy nhất là trợ giúp công việc của Ðức Thầy. Công việc này sẽ đưa đến cho chúng ta tất cả những cơ hội có thể tinh luyện các Thể Trí hầu làm sao cho chúng trở nên nhanh nhẹn, linh  hoạt và hữu ích. Tuân theo những ý định này thì những sự tiến bộ của chúng ta sẽ không có nguy cơ làm cho chúng ta rơi vào tà thuyết của sự chia rẽ. Dưới thế gian này, chúng ta phải luôn luôn mở mắt ra hầu lợi dụng những cơ hội mà kẻ khác xao lãng, xem thường. Người đệ tử luôn luôn tìm những công việc mà kẻ khác không thực hiện để bổ túc những điều thiếu sót. Một thái độ như thế chứng tỏ rằng sự kiểm soát Cái Trí đã tiến bộ.
C. W. L.  Công nghiệp của Ðức Thầy phải chiếm hàng đầu trong tư tưởng của chúng ta. Nếu chúng ta nhận thấy một tư tưởng, một lý do hoạt động khác xen vào, thì chính lý do này thuộc về Hạ Trí chớ không phải thuộc về Chơn Nhơn. Sự khác biệt giữa hai thứ tư tưởng này rất quan trọng. Thật ra Cái Trí có tính kiêu căng và chia rẽ. Nó đã xoá bỏ được hết mọi thứ kiêu hãnh đặc biệt của Thế gian ư? Thì nó lại làm cho chúng ta kiêu hãnh về sự tiến hóa của chúng ta, về sự liên lạc giữa chúng ta với Ðấng Chơn Sư cao cả, hoặc sự lợi ích khác tương tợ như thế. Khi chúng ta đã vượt qua được những nhược điểm này, Cái Trí cố gắng khiến cho chúng ta kiêu căng vì đã thắng được tánh kiêu căng. Ðừng phiền trách tinh chất tế nhị đó, nó không có ý nghĩ gì về bạn, nó chỉ tìm những thứ rung động khác lạ cần thiết cho sự tiến hóa của nó mà thôi.
Khi con thiền định, nó cố gắng giục con nghĩ đến những chuyện khác mà nó cần dùng, chớ không cho con nhớ đến chuyện duy nhất con đang lo giải quyết. Con không phải là Cái Trí đó, nhưng nó vốn thuộc về của con để con sử dụng, vậy ở đây sự phân biện rất cần thiết; con phải giữ chừng luôn luôn, bằng  không con sẽ thất bại.
C. W. L.  Bên Ấn Ðộ, người ta cho rằng Cái Trí là Raja hay là chúa tể của giác quan, và trong bản thân ta, chính Cái Trí khó trị hơn cả. Về vấn đề này, chúng ta là người Tây phương, chúng ta ít đồng ý với người Ðông phương, vì chúng ta chuyên lo mở Hạ Trí nên sinh ra kiêu hãnh về sự nhanh nhẹn của Cái Trí có thể chuyển  từ vấn đề này sang vấn đề khác.
Tuy nhiên nhờ sự cố gắng bền bỉ, bạn có thể bắt buộc Tinh chất (Cái Trí) này phục tòng sức mạnh vĩ đại của tập quán. Bạn có thể kềm nó vào trong ngõ hẹp và làm cho nó hiểu rằng vì bạn là Chơn Nhơn nên bạn không muốn thay đổi ý định; ý định đó gồm vô số nhánh nhóc, vì tất cả đều tuyệt nhiên qui về công việc của Ðức Thầy. Chẳng bao lâu Tinh chất kỳ dị và bất kham đó sẽ thấy rằng nó có lợi khi cộng tác với bạn hơn là chống lại, song nó vẫn không hiểu bạn. Sau cùng bạn sẽ làm việc với nó trong sự điều hòa, thuận thảo.