Đưa cho Ca Dao hũ yaourt dâu, Tí Nị liến thoắng: − Anh Uy dặn em phải làm sao để chị ăn hết hũ yaourt. Ca Dao nói: − Ăn với chị cho vui. − Em không từ chối đâu. Vừa chép miệng vì chua, Tí Nị vừa nói: − Công nhận anh Uy tỉ mỉ thật đó. Đã nhờ em đến với chị mà còn dặn dò đủ thứ đến mức mẹ em phải cười. Mặt Dao đỏ ửng lên: − Ảnh dặn em cái gì vậy? − Ức tỷ. Em chả nhớ hết. Mẹ em khen ảnh, mẹ bảo ai có phước mới được ảnh yêu. Nhấp nháy đôi mắt một mí rất duyên, Tí Nị nói: − Trước mặt em là một người có phước đây. Ca Dao chối: − Làm gì có, chị đang xui xẻo vì cái chân này, chớ phước đức gì đâu. Tí Nị cười đùa: − Phước hay không người ngoài khắc biết. Ca Dao nhìn Tí Nị: − Chà! Dạo này em phát triển tư duy thật. Phải nhờ ông Thiện dạy dỗ không? Tí Nị lém lỉnh: − Nhờ em quen với chị ấy chớ. Anh Thiện làm sao lanh bằng chị được. Ca Dao lại cười. Có Tí Nị đấu láo, đúng hơn là đỡ buồn. Tội nghiệp! Nghĩ cho sâu, Uy chu đáo hơn Thiện nhiều. Từ mấy hôm nay, anh bận rộn vì cô quá sức. Điều đó khiến trái tim lạnh của Dao ấm áp hơn, nhưng khoảng cách dè dặt cô dành cho Uy vẫn còn rộng dài như trước đây. Chẳng qua Uy tội nghiệp con nhỏ ngốc bị gạt, chẳng qua Uy thương hại cái chân què của cô, chớ làm sao giữa hai người có gì khác hơn được. Bà Nguyệt dắt xe đạp vào nhà. Tí Nị vội đứng bật dậy: − Cháu chào bác ạ. Bà Nguyệt mỉm cười: − Tới chơi với Ca Dao à cháu? − Vâng ạ. Để cháu phụ bác làm cơm. Bà Nguyệt xua tay: − Ôi dào! Mất công. Cháu ngồi với Dao là được rồi. Ca Dao tủm tỉm cười: − Ngoan. Cứ nghe lời mẹ đi mà. Tí Nị liếc Dao một cái thật dài, thật sắc, rồi tiếp tục nhấm nháp yaourt một cách hết sức tự nhiên. Tí Nị kém Dao một tuổi, nhưng trông con bé ngây thơ hơn cô nhiều. Chính vẻ ngơ ngác, nai tơ của Tí Nị mà ông Thiện từ bị thương tới chết. Giọng Tí Nị vang lên ngắt ngay suy nghĩ của Dao: − Chị Dao ơi! Có khách. Như một phản xạ, Dao nhìn ra cửa vì nghĩ người khách ấy là Sơn. Quả nhiên đúng là anh. Nhưng ngoài anh còn có ông Hiệp nữa. Tim Dao lại thót lên một nhịp phẫn nộ. Quên là chân bị gãy, cô đứng dậy và ré lên vì đau. Nghe cô la bà Nguyệt từ dưới hấp tấp chạy lên. Tới giữa nhà, bà sững lại khi thấy ông Hiệp và Sơn ngập ngừng ngay ngưỡng cửa. Không khí bỗng trầm xuống hết sức nặng nề, ngột ngạt. Có lẽ bà Nguyệt đã đoán ra hai người khách ăn vận sang trọng kia là ai, nên mặt bà biến sắc vì xúc động. Tí Nị hết sức linh hoạt, cô vội vàng lên tiếng: − Dạ mời bác và anh vào nhà ạ. Ông Hiệp vẫn cứ đứng như trời trồng ngang cửa. Mắt không rời bà Nguyệt, ông lạc giọng hỏi: − Xin lỗi. Phải Nguyệt không? Bà Nguyệt như sực tỉnh vì câu hỏi đó. Đứng thẳng người, bà bảo: − Vâng, tôi là Nguyệt, nhưng tôi không hề quen biết ông, cũng như chưa bao giờ gặp ông. Sơn đặt xuống bàn một giỏ trái cây to được gói thật đẹp: − Vâng. Bác nói đúng. Chúng ta chưa hề gặp nhau. Chúng tôi đến đây vì tai nạn của Ca Dao. Chúng tôi rất tiếc. Bà Nguyệt quắt mắt lên: − Cố tình gây tai nạn rồi nói rất tiếc. Sanh mạng con tôi chớ có phải đồ chơi đâu. Hơn nữa, cậu không phải người trực tiếp gây tai nạn, đừng có bẻm mép. Tí Nị bưng nước lên mời khách. Ca Dao thấy ông Hiệp run run nâng ly lên với vẻ hết sức xúc động. Cả mẹ cũng thế, bà nhíu mày đầy căng thẳng. Tất cả cũng vì cô. Ca Dao với tay lấy cặp nạng. Cô đứng dậy, lê từng bước vào phòng trong. Cô loáng thoáng nghe giọng ông Hiệp bảo Sơn: − Cháu chịu khó ra xe đợi, bác muốn nói chuyện riêng với mẹ Ca Dao. Hy vọng sẽ được thông cảm. Dao ngồi xuống giường, cái chân tê cứng vì bị dồn máu. Tí Nị ngồi xuống kế bên. Con bé thì thào: − Coi bộ găng lắm. Hai ông bà làm thinh, chả ai mở đầu cả. Ca Dao nuốt tiếng thở dài. Hôm ở Đà Lạt về, mẹ đã tra đi hỏi lại chuyện đụng xe của cô mấy lần, mẹ đã nổi sùng lên. Bà mắng Ca Dao là ngu và bảo sẽ không bỏ qua chuyện này. Nhưng mẹ sẽ làm khó người ta cách nào, cô không biết. Mà dường như mẹ từng quen ông Hiệp chớ không phải "chưa bao giờ gặp" như bà đã nói. Chả lẽ mẹ ngại nhận người quen sẽ khó bắt bẻ ông ta sao? Tí Nị nhấp nhổm: − Sao im lặng thế này? Để em tò mò tí xem. Vừa nói, con bé vừa nhón chân, nghiêng mình ra cửa buồng rồi chạy trở vào, giọng ngạc nhiên: − Bác gái đang khóc. Chả lẽ đó là cách làm khó ông ấy? Ca Dao nóng nảy gượng đứng lên: − Sao mẹ lại thế nhỉ? Dầu sao chị cũng gãy chân rồi, đòn làm cho ra nhĩ, đòi đền bù quái gì chứ? Tí Nị liếm môi: − Chị ra ngoài đó hả? Mặt nhăn nhó vì đau, Ca Dao chống nạng đứng dậy. Khi cô bước ra, ông Hiệp và bà Nguyệt bỗng dưng hết sức bối rối. Quay mặt, lau nhanh nước mắt, bà Nguyệt gằn từng tiếng như cố ý cho Dao nghe: − Ông định thế nào đây? Ông Hiệp nhỏ nhẹ: − Tôi biết không có gì đền bù được cho nỗi đau Ca Dao gánh chịu từ thể xác đến tinh thần, nhưng xin... xin bà hiểu cho chuyện này xảy ra hoàn toàn ngẫu nhiên, con gái tôi không hề cố ý. Bà Nguyệt nhếch môi: − Con gái ông, con gái ông? Cách gọi nghe ngọt ngào làm sao. Dường như con ông có quyền hưởng hết mọi ưu đãi, còn con tôi phải gánh chịu bất hạnh? Nếu hôm đó. Ca Dao không chỉ gãy chân mà bị nặng hơn thì sao? Ông có ân hận cũng đã quá muộn. Ca Da chen vào: − Thôi, mẹ à. Để bác ấy về đi. Con không muốn trông thấy họ. Dứt lời, cô mệt nhọc chống nạng vào phòng. Những lời mẹ nói nghe lạ tai làm sao ấy. Y như trách móc, ganh tỵ một người quen. Suy cho cặn kẽ, ông Hiệp là người rất mực thương con. Bởi vậy, ông ta chả lấy gì làm ân hận, nếu như Ca Dao bị thương nặng hơn, thậm chí bỏ mạng. Điều đó dễ hiểu vì Dao là đối thủ của Đan Thanh mà. Biết Sơn quen Ca Dao, chắc chắn ông Hiệp không hài lòng. Bởi vậy lần ấy ông bảo cô đừng vào trung tâm tìm Sơn vì sợ ảnh hưởng đến công tác của anh. Thật ra, phải nói rằng ông ta sợ ảnh hưởng tới tình yêu của con gái mình. Nhắm mắt Dao cố nhớ chính xác hôm cô bị tai nạn. Nhưng cô không thể nào nhớ được, vì sự việc xảy ra vừa nhanh, vừa bất ngờ. Chỉ chắc rằng Ca Dao thấy rõ ràng xe Đan Thanh cúp ngang đầu xe mình và Dao ngã sóng xoài ra đường. Không thể nào tin Đan Thanh vô tình được. Có lẽ cô ta đang tiếc sao Ca Dao còn sống. Sao trên đời lại có người độc ác thế. Và Sơn nữa, nếu không gặp lại, trong lòng Dao chắc vẫn lưu giữ ít nhiều hình ảnh đẹp về anh. Đằng này, Sơn đến với tư cách người nhà, con rể tương lai của ông Hiệp mới tệ. Chính anh cũng độc ác không thua Đan Thanh. Vừa ác, vừa hèn hạ nữa chứ. Niềm khinh bỉ trong Ca Dao càng lúc càng dâng cao. Thấy cô mím môi lặng thinh, Tí Nị hỏi: − Chị không sao chứ? Ca Dao ngượng ngập lắc đầu: − Không. Bên ngoài, hai người lớn thầm thì to nhỏ điều gì như rất riêng tư bí mật. Bí mật đến mức Dao và Tí Nị dỏng tai lên vẫn chả nghe được tí nào. Cuối cùng, ông Hiệp cũng về. Bà Nguyệt bước vào với gương mặt vô hồn. Đến bên giường của mình, bà ngã vật xuống, xoay mặt vô vách. Giọng bà khó nhọc vang lên: − Mẹ mệt quá. Để mẹ nghỉ một chút. Dao và Tí Nị lặng lẽ nhìn nhau rồi lộc cộc khua nạng, Dao bậm môi bước ra ngoài. Trên bàn, giỏ trái cây to vẫn nằm chễm chệ như nhắc nhở Ca Dao những gì vừa xảy ra. Chuyện gì thế kia? Ca Dao không hiểu nổi. Tí Nị dọn ly tách xuống bếp và ra về. Còn lại một mình, Ca Dao nghe như mẹ đang cố ghìm tiếng nức nở. Chịu không được, Ca Dao hỏi khá gắt gỏng: − Tại sao mẹ lại khóc? Ông ta đã nói gì với mẹ? Bà Nguyệt vẫn im lặng, Ca Dao lại hỏi tiếp: − Mẹ và ông Hiệp từng quen nhau phải không? Thấy bà không ừ hử gì, Ca Dao giận dỗi kêu lên: − Mẹ làm sao thế? Bà Nguyệt sụt sùi: − Ba con... Ca Dao giật mình, cô ấp úng: − Mẹ nói ai cơ? Giọng bà Nguyệt khàn đặc: − Ông ấy là bạn ba con. Ông ấy xác nhận ba con đã chết, chớ không phải mất tích. Ca Dao lặng người vì tiếng khóc của mẹ. Từ bé đến giờ, cô vẫn nghĩ ba mình đã chết, nên những lời mẹ nói giống như người ta đang nhắc một chuyện cũ. Ca Dao không xúc động bao nhiêu, mà cô chỉ ngạc nhiên vì mẹ. Không ngờ tình cảm của mẹ dành cho ba sâu đậm đến thế, lâu nay mẹ vẫn hy vọng ba sẽ trở về, dầu đây là hy vọng hão huyền, nhưng người ta vẫn sống lạc quan, yêu đời vì tia hy vọng mong manh ấy, giờ thì hết rồi. Cái tia lửa nhỏ nhoi ấm áp ấy đã bị dập tắt và trái tim lẻ loi của mẹ như càng cô đơn hơn, lạnh giá hơn. Chống nạng tới bàn thờ, Ca Dao đốt cho ba mình một nén nhang trầm và ngập ngừng hỏi mẹ: − Ông Hiệp có nói ba chết như thế nào không mẹ? Bà Nguyệt im lặng. Dao nghe bà khịt mũi, một lát sau, bà mới nói: − Có. Nhưng mẹ không thể nhớ nổi vì mải lo khóc. Ca Dao bảo: − Có dịp, con sẽ hỏi lại. Bà Nguyệt gạt ngang: − Thôi. Mẹ không muốn nghe bất cứ ai lôi ba con từ cõi chết trở về nữa. Hãy để ông yên nghỉ. Ca Dao rùng mình vì những lời mẹ nói. Cô linh cảm có điều gì đó khuất lấp trong lòng bà, nhưng Ca Dao không dám hỏi tiếp. Trời nhập nhòe tối, Dao lười mở đèn, cô ngồi lì trong bóng tối cho đến khi nghe tiếng xe Uy ngừng ngoài cổng. Thấy dáng anh ở ngưỡng cửa, Dao lên tiếng: − Anh mở hộ em cái đèn. Uy hỏi: − Bác gái đâu? Dao ngập ngừng: − Mẹ nghỉ trong phòng. − Anh nghe Tí Nị bảo lúc nãy ông Hiệp và Sơn có ghé? − Vâng. Uy nhìn Dao: − Em không sao chứ? Ca Dao bật cười: − Đã gãy chân rồi, anh còn muốn em bị thêm gì nữa? Uy thản nhiên: − À! Anh sợ em lên cơn tim. − Còn xơi! Tim em chai rồi. Trong phòng, bà Nguyệt lê dép bước ra, Uy chưa kịp chào bà đã hỏi ngay: − Cháu biết gì về gia đình ông Hiệp? Uy có vẻ đắn đo, nhưng anh vẫn trả lời: − Sau khi xảy ra tai nạn, cháu có tìm hiểu về ông ấy qua bạn bè và những người quen của mẹ cháu. Bà Nguyệt cao giọng: − Ông ta là người thế nào? Uy nói: − Ông Hiệp là người bỏ vốn thành lập trung tâm tin học Hướng Dương. Trong kinh doanh, ông ta là người thành đạt dầu vợ chết đã lâu, nhưng ông ấy vẫn sống một mình với cô con gái duy nhất là Đan Thanh. Mặt bà Nguyệt biến sắc: − Ủa! Vợ ổng chết rồi à? Uy gật đầu: − Dạ. Bà ấy bị tai nạn giao thông chết cũng độ hai mươi năm nay. Bà Nguyệt ấp úng: − Đã lâu dữ vậy sao? Rồi bà trách: − Vậy mà bây giờ ông ta có vẻ dửng dưng với tai nạn giao thông của người khác. Uy kêu lên: − Ông ta không nhận lỗi cũng như trách nhiệm của con gái mình sao? Bà Nguyệt ậm ừ: − Không hẳn là vậy. Rồi bà lãng đi: − Cháu còn biết gì về họ nữa. Uy chép miệng: − Cũng có, nhưng đó là chuyện của các bà ngồi lê, cháu chả biết chính xác không. Bà Nguyệt nghiêm nghị: − Cứ kể cho bác nghe. − Vâng. Uy khác ngạc nhiên trước vẻ tò mò đầy háo hức của bà Nguyệt. Bác ấy tìm hiểu những riêng tư của ông Hiệp làm chi? Những thứ này suy cho cùng cũng đâu có liên quan gì tới chuyện tai nạn. Nhưng Uy đã lỡ... lắm điều rồi, chắc đành phải... tới luôn để vừa lòng bà mẹ nghiêm khắc của Ca Dao thôi. Anh ngần ngừ: − Nghe đồn rằng, trước kia ông Hiệp là một sinh viên nghèo kiết xác ở quê lên Sài Gòn vừa học, vừa đi làm thêm cho gia đình vợ ông ta sau này. Chính vì muốn đổi dời, ông Hiệp đã đồng ý lấy bà vợ lớn hơn mình non chục tuổi. Nhờ gia đình vợ hậu thuẫn ông ấy mới có cơ ngơi bề thế như hôm nay. Ca Dao nhột nhạt vì lời Uy vừa kể. Thì ra Sơn đang theo con đường ông Hiệp đi trước kia. Giọng Uy lại vang lên: − Bà vợ ông Hiệp chết cũng thảm. Có lẽ vì vậy nên ông ấy vẫn không đi thêm bước nữa. Bà Nguyệt thẫn thờ: − Ông ta yêu vợ đến thế sao? Uy lắc đầu: − Nhận xét vậy chưa chắc đúng. Lấy vợ vì tiền chớ không vì tình, nên chẳng bao lâu, ông Hiệp đã dan díu với người khác. Ca Dao thấy mẹ biến sắc, tay run run bà bấu vào cạnh bàn, trong khi giọng Uy vẫn vang đều: − Hai người có với nhau một đứa con trai, mẹ của Đan Thanh mới phát hiện ra. Bà ta đi bắt ghen, và trên đường về đã bị tai nạn. Mặt bà Nguyệt xanh mướt không còn chút máu, người thì rũ xuống như lá non thiếu nước. Ca Dao bồn chồn nhìn và chỉ sợ bà đổ gục. Uy nói như đang kết luận: − Chính vì mẹ chết tức như thế, nên Đan Thanh hay lấy chuyện này ra để oán trách, để bắt nạt ba mình. Cô ta được nuông chiều đã quen nên tâm tính bất thường, khó chịu. Ca Dao ngắt lời Uy: − Còn người đàn bà kia đâu? − Bà ta đã bỏ đi nước ngoài từ dạo đó. Dao châm chọc: − Chuyện người ta mà anh rành thật. Đúng là bà Tám. Uy thản nhiên: − Anh kể theo yêu cầu mà. − Hỏi thật. Anh sưu tầm ở đâu vậy? − Dì anh là bạn của bà Hiệp. Dì ấy đã từng... tham gia trận đánh ghen ấy. Ca Dao dài mồm: − Thì ra là thế. Dì anh có bị tai nạn giao thông không? Uy chép miệng: − Sao lại không. May là dì ấy chỉ bị gãy xương đùi. − Trời ơi! Cuối cùng chả hiểu ai mới thật là nạn nhân của trận đánh ghen đó. Uy nói: − Dùng từ đánh ghen cho ấn tượng chớ thật ra bà Hiệp không đến nỗi chằn như con tưởng. Hôm đó bà ấy tới nhà nhân tình của chồng với mục đích là yêu cầu người này giao lại đứa nhỏ cho bà ta nuôi. Cuộc thương lượng chưa tới đâu, kết thúc bất ngờ đã diễn ra thật bi thảm. Bà Nguyệt vụt đứng dậy, giọng khàn đặc: − Cháu ngồi chơi với Ca Dao nhé. Uy nhìn theo bà: − Hôm nay mẹ em lạ thật đấy. Ca Dao thở dài: − Mẹ bị sốc. Uy nhíu mày: − Về vấn đề của em à? Dao lắc đầu: − Thì ra ông Hiệp là bạn của ba em. Hai người đã nhận ra nhau. Ông ấy xác nhận ba em đã chết chớ không chỉ mất tích. Uy có vẻ ngạc nhiên: − Ông Hiệp có vượt biên đâu mà dám xác nhận chuyện này. Dao bẻ lại: − Sao anh biết ổng không vượt biên? Uy ngập ngừng: − Không giấu gì em, ông Hiệp cũng là bạn khá thân của ba anh, chỉ có điều anh không ở chung ông già, nên ông ấy không biết anh, mà chỉ biết những đứa con chính thức của ổng. Theo anh, ông Hiệp không hề vượt biên. Ca Dao nói: − Nhưng ổng vẫn có thể tìm hiểu chuyện này qua người khác. Rồi như nhớ ra điều gì đó, Ca Dao thắc mắc: − Có bao giờ ba anh cũng là bạn của ba em không? Uy so vai: − Dám lám chứ. Có dịp, anh sẽ hỏi ba anh thử xem. Ca Dao nhướng mày: − Nhưng anh và bác trai như mặt trời với mặt trăng. Tới chừng nào anh mới hỏi chứ. Uy đáp gọn: − Nhật thực nghe nói cũng sắp rồi đấy. Ca Dao chót chét: − Dầu sao có ba vẫn sướng hơn là mồ côi. Vậy mà có người từ bỏ ba mình. Đúng là bất hiếu. Uy nhún vai: − Ai muốn nghĩ sao về anh cũng được hết. Ca Dao quay đi khi thấy Uy cứ chăm chú nhìn mình. Cô gắt: − Sao không ra quầy đi. Phương Phi đang chờ anh kìa. Uy nửa đùa, nửa đùa: − Phải để Phi biết chờ đợi thì tình mới nồng. Ca Dao khịt mũi: − Phô quá. Uy bỗng nói: − Em định đi học tiếp không? − Với cái chân này ấy hở trời? Làm sao em đi được. − Anh sẽ đưa em đi. Dao gạt ngang: − Mất công lắm. Hơn nữa, em thấy sợ. Uy vẫn nhiệt tình: − Không sao đâu. Anh tình nguyện mà. Ca Dao nói: − Anh Phước bảo phải khoảng từ một tháng rưỡi tới hai tháng mới tháo bột. Thời gian đó tự ôn tập được. Chỉ tội anh Thiện phải gồng mình ôm quầy báo suốt. Ngập ngừng một chút, Dao bảo: − Em định ở nhà hết tuần này sẽ ra quầy trở lại. Chớ mở cửa không liên tục như bây giờ, em sợ mất hết khách. Uy nhíu mày: − Làm sao em có thể xoay sở được? Ca Dao mím môi: − Phải được thôi. Em nghĩ khách sẽ giúp em bằng cách tự chọn báo, tự lựa sách. Uy chống tay dưới cằm: − Cũng khó lắm, vì đâu phải ai cũng là người tốt. Ca Dao thở hắt ra: − Đành là vậy. Nhưng người tốt vẫn nhiều hơn kẻ xấu. Uy im lặng. Một chút sau anh bảo: − Em ra quầy vẫn hơn ở nhà một mình gặm nhấm nỗi buồn. Ca Dao bĩu môi: − Em không buồn nữa đâu. Sự thật đã rõ, buồn là ngốc. Uy búng tay: − Anh thích tính cách này của em. Rạch ròi dứt khoát. Ca Dao chớp mắt và nghe sống mũi cay xè. Buồn vì một người như Sơn đúng là ngốc. Vậy mà trước đây cô mê muội không nhận ra sự ngốc nghếch của mình, để bây giờ phải lãnh hậu quả thế này. Uy đứng dậy: − Anh phải ra với Phương Phi kẻo cô nàng giận. Bye nhé. Ngồi lại một mình, Ca Dao chợt nhận ra căn phòng hết sức trống vắng và tẻ nhạt. Uy về thật rồi. Sao anh không biết Dao rất muốn anh ở lại, và sao cô lại mâu thuẫn với mình thế này?