Cổ Loa. Nhà dành cho bọn Trọng Thủy. Phòng khách. TRỌNG THỦY: -Tiên sinh không nghĩ ra được kế nào hay hơn sao? ĐẶNG GIẢO: -Hoàng tử cũng biết đấy là mệnh lệnh của đại vương. Vả chăng, hình như hoàng tử cũng thích con bé ấy kia mà. TRỌNG THỦY: -Ta thích là thích cái đẹp chất phác, cái vẻ thơ ngây của cô ta. Nhưng sánh duyên lại là chuyện khác. Còn có thần dân bắc quốc trông vào nữa chứ. ĐẶNG GIẢO: -Có ai bắt hoàng tử ăn đời, ở kiếp với nó đâu. TRỌNG THỦY: -Lừa dối một người thuần phác như thế ta không nỡ. ĐẶNG GIẢO: -Muốn mưu việc lớn mà khư khư cái lòng nhân kiểu đàn bà sao được! Vì sự nghiệp vĩ đại của thiên quốc, không được tiếc cả xương máu của người Hoa, huống chi lại cám cảnh cho một đứa con gái Nam man. TRỌNG THỦY: -Ta chẳng thấy sự cần thiết phải hạ độc kế như vậy. ĐẶNG GIẢO: -Hoàng tử quên rồi sao? Chúng ta phụng mệnh đại vương sang đây có phải để làm lợi cho Âu Lạc đâu. TRỌNG THỦY: -Ta không quên. Nhưng ta e rằng những gì mà đại quân Nam Việt đã không làm được thì dúm người chúng ta khó mà đạt được. Nay lại định lợi dụng một người con gái ngây thơ, liệu có nên trò trống gì không? ĐẶNG GIẢO: -Hoàng tử thừa thông minh nhưng lại thiếu lịch duyệt. Ta cần biết nỏ thần và chung quanh câu chuyện nỏ thần đích thực ra sao. Việc này ta vẫn chưa tiến được bước nào. Ta còn phải làm cho chúng có nỏ thần mà không dùng được, đó mới là diệu kế. Ta lung lạc một đứa con gái để lung lạc cả triều đình này, cả xứ này. Hoặc là ta dọn đường cho đại quân. Hoặc là, nếu việc đó khó xuôi, hoàng tử sẽ là người kế vị Thục Phán. Lão già này cũng đã gần kề miệng lỗ rồi. Mặc nhiên Âu Lạc sẽ là của hồi môn dành cho thái tử Nam Việt. Lúc bấy giờ, nếu hoàng tử vẫn còn thương đứa con gái kia thì cho nó vào hàng tì thiếp cũng được chứ sao. Người Hoa chúng ta có lệ đàn bà không được lấy người dị tộc, còn đàn ông thì tha hồ. Dòng giống siêu đẳng Hán tộc sẽ đồng hoá dân man di từ trong máu thịt của chúng. Chính sách này chỉ có lợi cho bọn đàn ông chúng ta thôi, phải không hoàng tử? (Cười khả ố). TRỌNG THỦY: -Nói vậy nhưng dễ gì lung lạc được Thục Phán và Mị Châu, nói gì cả triều đình này, cả đất nước này. ĐẶNG GIẢO: -Cái khó là ở đấy. Tôi biết Mị Châu không ghét hoàng tử, nhưng cô nàng lại có cảm tình với con Cao Lỗ. Lão Lạc hầu cũng đã từng ngấp nghé Mị Châu cho con lão. Phía con trai Cao Lỗ, tôi đã tính rồi, không chỉ vì nó là tình địch của hoàng tử. Còn về phía Lạc hầu, hẳn hoàng tử thừa biết là ta cho con trai lão qua Phiên Ngung chẳng phải để cho thằng khờ ấy trở thành phò mã Nam Việt. Chưa cần cái mồi Triệu công chúa, ta cũng đã thừa sức nắm chặt Lạc hầu. Lữ Phong đang do dự. Ta sẽ giúp hắn khỏi đắn đo lâu. Chỉ còn bọn Cao Lỗ, Nồi hầu và phe lũ là cố chấp. Nhưng người quyết định là Thục Phán. Thục Phán rất thương con. Việc hoàng tử cần làm là chinh phục cho được Mị Châu. TRỌNG THỦY: -Đừng nghĩ Thục chúa như Lạc hầu! ĐẶNG GIẢO: -Đúng! Nhưng Thục Phán lại cả tin. Các giống man di thường ngờ nghệch, để tín nghĩa ràng buộc, không biết rằng chỉ kẻ yếu mới bám vào đạo lí. Vả lại, lão ngụy vương cũng muốn học cách trị nước của ta, và cũng muốn dân yên. Ta vừa quấy đảo, vừa phỉnh phờ thì khó gì mà không dắt mũi được. TRỌNG THỦY: -Thôi! Ta ngán các trò ám muội rồi. Đặng Giảo đổi sắc mặt nghiêm lạnh, lấy từ trong tay áo một vật bằng đồng chìa ra trước mặt Trọng Thủy. Hoàng tử tái mặt ngó cái vật chằm chằm. TIẾNG TRIỆU ĐÀ (từ trong hồi ức của Trọng Thủy): -Con hãy nhớ một khi thấy người nào đưa vật này ra thì hoặc là tuân thủ triệt để, hoặc là vong thân. TRỌNG THỦY (ngước nhìn Đặng Giảo rồi cụp mắt xuống): -Tôi, tôi,... Một người hầu đánh tiếng ở ngoài, Đặng Giảo đưa mắt cho Trọng Thủy. Hoàng tử lấy lại tư thế rồi nói dõng dạc: Vào đi! NGƯỜI HẦU (vào cúi mình): -Trình hoàng tử và đại nhân, có quan Lạc hầu đến thăm. TRỌNG THỦY (sau khi nhận được dấu hiệu tán đồng của họ Đặng): -Mời ông ta vào. ( Người hầu ra ) ĐẶNG GIẢO (gật gù với Trọng Thủy): -Lão dẫn xác đến vừa hay, hoàng tử cứ mặc tôi lèo lái. Lạc hầu vào. Đặng Giảo lật đật chạy ra lạy chào, Lạc hầu vội đỡ dậy. ĐẶNG GIẢO: -Quan Lạc hầu hạ cố viếng thăm mà chúng tôi không kịp ra nghênh tiếp thật đắc tội quá. Dám xin miễn chấp. LẠC HẦU: -Tiên sinh dạy quá lời. Tôi quấy quả lúc hoàng tử và tiên sinh đang đàm đạo thế này mới là thất lễ. ĐẶNG GIẢO (cười lớn, thân mật): -Thôi, chúng ta đã thân tình với nhau thì còn khách sáo làm gì. (Gọi to ra ngoài) Bay đâu! Sửa soạn tiệc rượu để hoàng tử và ta hầu tiếp Lạc hầu đại nhân! (Có tiếng dạ ran. Đặng quay lại nói với Lạc hầu) Đại nhân đến thật đúng lúc. Chúng tôi đang bàn đến mối giao tình ngày càng hậu giữa chúng ta. TRỌNG THỦY: -Thưa đại nhân, lệnh công tử sang đến Phiên Ngung khang an chứ? LẠC HẦU (hồ hởi): -Xin đa tạ sự lưu tâm của hai vị. Những người đi theo tiện nam vừa trở về cho biết cháu vẫn thường. Hiện cháu đang nghỉ ngơi và sắp được bên quí quốc cử người kèm cặp để thấm nhuần văn hoá Trung nguyên. ĐẶNG GIẢO: -Lệnh công tử sáng ý lắm. Việc thụ huấn sẽ mất nhiều ngày tháng, nhưng chắc chắn lệnh công tử sẽ thành một đấng trượng phu vượt cả những con nhà dòng dõi đất Phiên Ngung. (Chợt thở dài). LẠC HẦU (kinh ngạc): -Có chuyện gì vậy, thưa tiên sinh? ĐẶNG GIẢO: -Nghĩ đến lệnh công tử sắp duyên may phận đẹp, tôi lại cám cảnh cho Triệu hoàng tử. (Trọng Thủy lặng lẽ bỏ ra ngoài). Hoàng tử sang đây được Thục vương và các đại nhân ưu đãi, nhưng biết đến bao giờ mới có người nâng khăn sửa túi! LẠC HẦU: -Ý chừng hoàng tử muốn xin hồi triều Nam Việt? ĐẶNG GIẢO: -Không! Hoàng tử là cái cầu giao hảo giữa hai nước; lẽ đâu vì nỗi riêng mà từ khước mệnh phụ vương. LẠC HẦU (ngẫm nghĩ một lát): -Hay là... nếu hoàng tử không chê con gái Âu Lạc quê kệch thì... hì, hì... đất lành chim đậu được chăng? ĐẶNG GIẢO: -Được thế thì hay quá! Nhưng làm sao mà nối duyên lành cho hoàng tử tôi? LẠC HẦU: -Vậy hoàng tử đã chấm ai rồi? ĐẶNG GIẢO (giọng ngậm ngùi): -Hoàng tử tôi đất khách quê người, còn có thể chấm ai được. (Ngừng lại dò xét): -Đại nhân là sủng thần ở đây chẳng hay có thể giúp đỡ một tay được không? (Nói xa xôi) Lệnh công tử sắp là người nhà của hoàng tử tôi. Nếu hoàng tử nhờ duyên trời xe mà có chỗ tiến thân ở đây thì thế của hai người sẽ chắc như bàn thạch. Chỉ e Cao tướng quân không dung mà thôi. LẠC HẦU (cau mày): -Cao Lỗ làm gì được! Trên còn Thục vương chứ. (Chợt vỗ đùi) Được rồi! (Ghé lại gần Đặng Giảo) Hoàng tử có muốn làm phò mã Âu Lạc không? ĐẶNG GIẢO (làm ra vẻ ngại ngần): -Công chúa Mị Châu là con yêu của Thục chúa, liệu người có ưng chịu không? Vả, nghe nói đức vua đã có ý chọn Cao công tử rồi mà. LẠC HẦU: -Đức vua cũng mới ngỏ ý thôi. Nếu để cho dự định đó thành sự thật thì rồi e rằng thân già này khó được yên với Cao Lỗ. ĐẶNG GIẢO: -Trăm sự đều trông vào sự tác thành của đại nhân. LẠC HẦU: -Tôi xin hết sức cố gắng. Nhưng tiên sinh cần lựa ý Thục vương và Triệu hoàng tử phải làm vừa lòng công chúa mới được. ĐẶNG GIẢO: -Điều ấy đại nhân khỏi lo. (Đứng dậy lấy từ hòm ra mấy thứ đồ vật) Nhờ đại nhân chuyển hộ viên ngọc Như Ý, quà của Triệu hoàng tử, đến công chúa Mị Châu. Còn đây là hộp đựng trầu cau bằng vàng nạm đá quí xin để đại nhân dùng. Hộp đại nhân đang dùng tuy đẹp nhưng hơi cồng kềnh, không tiện tùy thân. Triệu vương vừa gửi sang một cái quyền trượng đính ngọc lưu li, vốn là của chúa Hung nô, để dâng Thục vương. Ngày mai kính phiền đại nhân dẫn tôi vào chầu. LẠC HẦU: -Đại nhân liệu việc thật là đâu ra đấy.