Tháng 11-1956, Mao Trạch Đông tuyên bố chuẩn bị chỉnh phong, chống các bệnh chủ quan, bè phái, quan liêu. Ngày 27-4-1957, Trung ương ĐCSTQ chính thức ra chỉ thị tiến hành chỉnh phong. Ngày 30-4, Mao gặp gỡ các nhà lãnh đạo các đảng phái dân chủ và đại diện giới trí thức, động viên họ góp ý kiến với ĐCSTQ, giúp chỉnh phong, sửa chữa khuyết điểm, sai lầm. Nhiều cuộc họp đã được tổ chức để lấy ý kiến phê bình. Đông đảo trí thức ngoài đảng từ giáo viên tiểu học tới giáo sư đại học, nhiều nhân vật có tên tuổi không những ở Trung Quốc mà cả trên thế giới đã thẳng thắn, chân thành, thiện chí vạch ra những yếu kém, sai lầm của ĐCSTQ từ trung ương đến địa phương. Thông tin về các cuộc họp này được đăng tải trên báo chí hàng ngày. Trưởng ban Mặt trận thống nhất trung ương Lý Duy Hán ba ngày một lần báo cáo Mao và Thường vụ Bộ Chinh trị. Tình hình diễn biến xem ra không như Mao mong đợi. Đến khi Lý phản ánh ý kiến của La Long Cơ rằng ở Trung Quốc hiện nay “tiểu trí thức của chủ nghĩa Mác-Lenin lãnh đạo đại trí thức của giai cấp tiểu tư sản, người mù chỉ đường người sáng mắt”, thì Mao nổi giận dữ dội. Mao vốn định thông qua cuộc vận động này để từng bước xác lập vị trí lãnh đạo tư tưởng của mình trong giới trí thức, nay thấy họ khác công nông, trong khi các nhà lãnh đạo cấp cao đều coi Mao là nhà lý luận và nhà tư tưởng vĩ đại, thì họ lại coi ông là “tiểu trí thức”. Xem ra không thể làm cho những người này sùng bái mình. Thế là Mao quyết tâm đánh đổ “những phần tử đại trí thức của giai cấp tư sản”, dùng quyền lực tạo dựng quyền uy của bản thân. Ông ta tiếp tục cho tổ chức các cuộc hội đàm nhằm “dụ rắn ra khỏi hang”, khiến phong trào chỉnh phong nửa đường biến chất, không còn là thành tâm phát động quần chúng góp ý kiến cho đảng cầm quyền, mà là trị những quần chúng góp ý kiến, lùng bắt phái hữu trong số đó. Mao dựng lên “vụ án chống đảng Chương-La”, (Chương Bá Quân, Chủ tịch Đảng Dân chủ Công Nông, Bộ trưởng Giao thông; và La Long Cơ, Phó Chủ tịch Đồng minh Dân chủ, Bộ trưởng Lâm nghiệp, lãnh tụ tinh thần của giới trí thức từ Âu Mỹ về). Theo thống kê chính thức, trong cuộc đấu tranh này, có 552.877 trí thức bị qui là phái hữu, bị đầy đoạ trong 20 năm trời. Đến khi sửa sai (1980), chỉ có 96 người thật sự là phái hữu, chiếm 1,8 phần vạn, nghĩa là trong 1 vạn người chưa đến 2 người.