rong chuyến đi Chiangmai, mẹ dường như là người hạnh phúc nhất. Đã lâu rồi chúng tôi không trông thấy mẹ hào hứng hay nghe thấy mẹ cười sảng khoái như vậy. Dù tôi và Ning thường nói xấu sau lưng mẹ, rằng bà cư xử như đang đi nghỉ trăng mật với bác Amorn, hai anh em vẫn phải công nhận rằng sự ngọt ngào ấy đem lại cho mẹ một nguồn sinh khí mới sau những năm tháng mòn mỏi chịu đựng. “Mẹ và bác Amorn đang bàn sau khi về đến Bangkok, mình sẽ tìm chỗ mở một hàng ăn,” mẹ nói với tôi và Ning vào một tối nọ, khi chúng tôi đang dùng bữa tại một quán vỉa hè trên đường tới thác Huay Kaeo và bác Amorn đang ngồi im lặng hút xì gà. Dù tâm trạng mẹ đang vui vẻ hơn thường lệ, chúng tôi vẫn biết tốt nhất không nên phản đối hay tranh cãi với bà. “Mẹ định bán loại đồ ăn gì ạ?” Ning điềm tĩnh hỏi, nhằm chiều lòng mẹ nhiều hơn là vì tò mò. “Thức ăn Thái bình thường thôi, đồ chiên và cà ri, đại loại thế, bán buổi trưa cho những người đi làm, có khi cả tối nữa.” “Con thấy cũng được.” Tôi gật gù. “Nhưng mẹ lấy vốn đâu ra?” Mẹ lại ngưng một lúc, rồi khẽ đáp: “Mẹ nghĩ mẹ sẽ bán nhà. Ít nhất cũng đủ tiền đặt cọc cho cửa hàng.” Tôi nhìn Ning. Cả hai đứa đều biết là bố mẹ tôi giúp nhau đi lên từ tay trắng, tích góp mãi mới đủ xây căn nhà bằng chính sức mình, và đó là thứ duy nhất bố để lại cho chúng tôi. Dù ở nơi đó không có hạnh phúc và hơi ấm, chúng tôi không khỏi cảm thấy đau lòng trước viễn cảnh sẽ mất nó. “Các con biết đấy…” Mẹ nhìn chúng tôi như thể biết chúng tôi nghĩ gì. “Nhà nào thì cũng thế thôi miễn là chúng ta giúp nhau biến nó thành một mái ấm.” Trong suốt cuộc nói chuyện, bác Amorn ngồi yên nghe chúng tôi nói. Thỉnh thoảng, bác lại cố tình rít tẩu thuốc. Đôi mắt hẹp sau cặp kính mỏng không biểu lộ một chút cảm xúc. Cuối cùng, mẹ tôi cũng bán nhà và thuê một cửa hàng ba tầng trên đường New Pheitburee để mở quán ăn như mẹ muốn. Sau này tôi và Ning mới biết là bố đã nhượng quyền sở hữu căn nhà cho mẹ mấy ngày trước khi mẹ rao bán nó, để đổi lại việc mẹ chịu ký đơn ly dị, cũng có nghĩa là, ngoài việc mất ngôi nhà, chúng tôi còn mất luôn hy vọng là có ngày bố sẽ quay về. Mẹ đặt tên cửa hàng là “Chuleephorn” theo họ của mình. Bác Amorn thuê thợ tân trang lại cửa hàng cũ, biến nó thành một nơi đáng để dừng chân dùng bữa. Mẹ giao cho một trong các chị em họ của bà, bác Ngop, người đã trông tôi và Ning khi nhỏ, phụ trách nhà bếp. Mẹ cũng thuê vài thanh niên vùng Đông Bắc làm phụ bếp và mấy người họ hàng trẻ của bạn bè làm bồi bàn, còn bà thì đứng quầy thu ngân. Ngay từ đầu quán đã làm ăn rất khá. Lúc tôi và Ning đi học về, chúng tôi nhanh nhanh làm bài tập rồi ba chân bốn cẳng xuống phụ bê thức ăn giúp bác Ngop, cốt để mẹ đỡ kêu. Thỉnh thoảng, khi tâm trạng bác Ngop không được tốt, bác sẽ la bọn tôi, bảo bọn tôi làm vướng chân khiến bác không làm được việc. Còn bác Amorn, mỗi khi ở lại qua đêm, bác ấy sẽ ngồi ở một chiếc bàn nhỏ trong góc cửa hàng, nhấp từng ngụm bia nhẹ và hút tẩu thuốc, lặng lẽ trầm tư về những tiến bộ mà mình đem đến mãi tới giờ đóng cửa, và mẹ thường phải đẩy bác đi vì bác đang giữ chân nhân viên lại trong khi đáng lẽ ra họ đã được về. Bác Ngop là họ hàng duy nhất thân thiết với chúng tôi. Từ ngày anh em tôi còn bé, mẹ đã luôn đối xử với bác nửa như với họ hàng, nửa như người ở. Bác Ngop là người duy nhất trong mấy anh chị em nhà bác không đỗ đạt và điều ấy khiến bác rất tự ti vì nghĩ mình dốt nát hơn người nhà. Bác lớn hơn mẹ tôi bảy tám tuổi gì đó và từng chăm sóc mẹ khi mẹ còn nhỏ. Vậy nên ngay sau khi sinh tôi, mẹ nhờ bác lên chăm tôi, và hơn một năm sau thì chăm cả Ning nữa. Bác Ngop ác khẩu và đôi lúc đãng trí, nhưng ở bác có cái gì đó khiến chúng tôi yêu mến và rất thương bác, đặc biệt là với hoàn cảnh của bác khi đã vào tuổi xế chiều và những điều ấy còn ám ảnh tôi đến tận bay giờ. Bác thích mặc những chiếc áo cánh rộng, không tay để bộ ngực nặng nề được thoải mái. Tôi nhớ khi còn nhỏ, chúng tôi nằm cạnh bác nghịch ti cho tới khi thiếp đi. Hồi ấy, bác hay kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện cổ tích đơn giản như “Cô bé quàng khăn đỏ” hay “Cô bé Lọ Lem”, và chúng tôi mê mẩn lắng nghe. Ning cười bò ra sàn mỗi khi bác giả cái giọng khàn khàn của con sói gian ác để trả lời cô bé quàng khăn đỏ tại sao tai bà dài thế và răng bà to thế. Nhưng khi chúng tôi lớn dần lên, những câu chuyện cổ tích bác thường kể không còn níu giữ được tâm trí chúng tôi nữa. Thay vào đó, tôi và Ning bị thu hút bởi những thứ xung quanh mà chúng tôi lấy làm thú vị hơn, và bác Ngop tội nghiệp bị bỏ lại một mình ở cái xó xỉnh tối tăm của bác trong căn nhà. Dù tỏ ra rất kính trọng mẹ nhưng thi thoảng bác cũng phản đối mẹ vì dù gì bác cũng lớn tuổi hơn mẹ và từng là người chăm lo cho mẹ. Thường thì khi bị mẹ la mắng hay trút bực tức, bác chỉ nín nhịn như một người biết thân biết phận. Nhưng có những khi bác nói lại mẹ cho đến lúc tím tái cả mặt mũi rồi bác vùng vằng bỏ đi, giam mình trong phòng suốt cả ngày, không chuyện trò với ai hết – và trong những lúc như thế mẹ có trách nhiệm phải đi xoa dịu cho bác nguôi giận. Mẹ sẽ đến gần bác giả bộ đang làm gì hay nhặt thứ gì rồi lầm bầm một mình thật to: “Chà, không có chị Ngop yêu quý ở đây, mình chẳng biết mình sẽ làm được gì nữa,” hoặc mẹ sẽ nhắc đến chuyện ngày xưa, kiểu như “Chuyện này làm mình nhớ hồi hai chị em mình còn nhỏ…” Mẹ sẽ nhấn giọng từ “hai chị em mình” để nhấn mạnh tuổi ấu thơ gắn bó và mối gắn kết cả đời của hai người. Có hai thứ mà bác Ngop yêu thích: đó là phim truyền hình nhiều tập và phim Ấn Độ. Vài tuần một lần, mẹ lại nịnh bác bằng cách cho bác tiền đi xem phim Ấn Độ. Bác Ngop sung sướng ăn vận thật đẹp rồi đưa tôi và Ning đến rạp chiếu phim trên một chiếc xe ba bánh. Lúc đầu chúng tôi cũng thích thú y như bác, nhưng sau vài bữa tôi đã luôn ngủ gật vì chán những cốt truyện cường điệu quá, kiểu như bố và con trai (hoặc chồng và vợ) lên những chuyến tàu khác nhau rồi gặp nhau, chia tay rồi lại gặp nhau rồi kết thúc trong một phiên tòa mà chính đứa con sẽ là luật sư hoặc quan tòa, còn người cha hóa ra chính là kẻ xấu, vân vân – một phim Ấn Độ điển hình. Câu chuyện có thể rất dài vì có những chuyến tàu và những cuộc tranh cãi trên toa. Nhưng bác Ngop thì vẫn mải mê xem và khóc theo phim. Chuyện đời bác là một câu chuyện rất buồn, và tôi hoàn toàn không hiểu tại sao con người lại sinh ra có số phận khác nhau đến vậy, người thì thành công, người thì như bác Ngop cả đời chỉ là thua thiệt và thất vọng. Bác rời khỏi nhà chúng tôi lần đầu khi tôi tám tuổi còn Ning bảy tuổi. Thời ấy, chúng tôi được xe buýt của trường đưa đi đón về, và sáng nào bác cũng dắt tay chúng tôi ra đường lớn và đứng đó đón chúng tôi mỗi chiều. Hình như cái ngày xui xẻo đó là một ngày thứ Sáu. Xe buýt của trường bị hỏng và đến lúc sửa xong thì đã muộn lắm rồi. Đến nhập nhoạng chúng tôi mới đi về nơi đầu đường. Không thấy bác Ngop đâu nên hai anh em tự đi về nhà. Thời ấy hai bên đường chỉ có vài ngôi nhà. Hầu như nhà nào cũng có hàng rào thép gai bao quanh và trồng đủ loại dây leo để trang trí. Có một thời gian cây hoa đậu biếc leo quanh một hàng rào và Ning bị màu tím biếc của những bông hoa hút hồn. Gần như chiều nào nó cũng bắt bác Ngop đi qua những lùm cỏ hái những bông hoa tím kia cho nó và bác Ngop luôn vui vẻ làm theo. Tối đó, khi Ning đi qua hàng rào có dây đậu biếc, nó dừng lại không đi nữa. “Em muốn hoa đậu biếc. Hái cho em đi anh Nat!” “Không phải bây giờ. Tối rồi. Mai anh hái cho.” “Nhưng em muốn bây giờ cơ!” Ning nằng nặc đòi, trông nó đã sẵn sàng lăn ra ăn vạ. “Được rồi, được rồi, anh sẽ hái cho em.” Để chiều lòng đứa em gái nhỏ, tôi đi qua mấy lùm cỏ, thấy hơi run. Mấy bông hoa Ning muốn ở cao quá, tôi phải kiễng chân lên. Ngay lúc tôi tóm được nắm hoa, một lũ kiến lửa nhào vào tôi, đốt lia lịa làm tôi khua tay như điên. Thế là đủ khiến tôi lộn nhào và dây thép gai cắm phập vào tay lẫn đầu gối. máu túa ra tức thì. Ning khóc ré lên. Dựa vào nó, tôi đau đớn nhảy lò cò về nhà. Mẹ nổi đóa lên với bác Ngop, đổ cho bác là vô trách nhiệm làm tôi bị thương dù bác đã cố giải thích là bác phải về nhà trông chừng nồi cơm và đang định ra đón chúng tôi lần nữa. Mẹ lại càng điên khi bố về bảo tôi phải đi tiêm phòng uốn ván, vậy là mẹ trút cả lên đầu bác Ngop lúc này đang khóa mình trong phòng. Khi chúng tôi từ phòng khám về, bác Ngop đã dọn hết đồ đạc bỏ đi. Sau đấy hàng năm trời chúng tôi mới nghe được tin của bác và bác mới bắt đầu thỉnh thoảng tới thăm tôi cùng Ning. Một tối, Jom đến cửa hàng gặp tôi. Chị bận quần bò bạc phếch và áo sơ mi cũ rộng thùng thình như thể chẳng quan tâm gì đến ngoại hình của mình. “Làn gió nào mang chị tới đây vậy?” tôi chào lúc thấy chị đang đứng lúng túng trước cửa hàng. “Chỉ vì chị muốn gặp câu thôi,” Jom nói rồi đi sượt qua tôi vào cửa hàng. Bóng chị đổ trên sàn cho tôi thấy chị đã cao thêm lên và sở hữu mọi đường cong của một người phụ nữ trưởng thành, và tôi lại thấp hơn nữa so với chị. “Ngồi kia đi.” Tôi chỉ vào cái ghế bên cửa sổ, có một tấm rèm dày che nửa dưới cửa để người ngoài không nhìn vào trong được. “Chị dùng gì?” “Gì cũng được,” Jom ngồi xuống. “Hôm nay mẹ với em gái cậu không ở đây à?” “Hai người ra ngoài rồi. Nhưng sẽ về sớm thôi,” tôi đáp rồi ra hiệu cho phục vụ và gọi một ly nước cam cho chị. “Bố chị đưa chị đến đây hả?” tôi khẽ hỏi. “Không,” chị lắc đầu. “Chị đi taxi.” “Sao lại thế?” Tôi kinh ngạc tròn mắt nhìn chị. “Có chuyện gì phải không?” “Ừ.” Chị gật đầu rồi cúi xuống uống nước cam qua chiếc ống hút. Đây là lần đầu tiên tôi thấy ánh buồn trong đôi mắt đẹp của chị và vẻ sầu thảm trên khuôn mặt chị. “Có chuyện gì phải không?” tôi lại hỏi. “Béo này, lần đầu biết bố mình có người đàn bà khác, cậu cảm thấy thế nào?” “Chẳng biết nữa.” Tôi lắc đầu. “Thất vọng, xót xa, sốc, và trên hết, căm ghét người đàn bà đó, nhưng sao chị hỏi thế? Chẳng lẽ…?” “Ừ.” Jom gật đầu. Ánh mắt chị gợi tôi nghĩ tới Ning, mẹ và bản thân mình trong gương. “Bố chị có người đàn bà khác.” Tôi ngồi ngay đơ, không tin nổi vào tai mình. Tôi nghĩ về ngày tôi đến chơi nhà chị lúc tôi còn ở với bố, về cách bố mẹ chị trêu chọc nhau xiết bao âu yếm, về vẻ yêu thương tận tụy tràn đầy trong đôi mắt mẹ chị khi bà nhìn chồng mình. “Mẹ chị đón nhận chuyện này thế nào?” tôi thì thầm hỏi. “Mẹ chị khóc suốt ngày…” Giọng chị chùng hẳn xuống. “Chị sợ lắm, Béo ạ, chị sợ mẹ chị không chịu nổi.” Hôm đó, Jom ở cửa hàng cho đến khi bên ngoài đã tối mịt, đôi lúc ngồi đó bơ phờ ủ rũ, rồi lại nói không ngừng về bất cứ thứ gì như thể cố quên đi những gì đang xảy đến với nhà mình. Tôi không rời mắt khỏi chị, lòng đầy thương cảm. Chị cười to mỗi lúc nói gì buồn cười, nhưng tiếng cười như chực vỡ và đôi mắt khô khốc. Tôi hiểu chị đang bị giày vò đến chừng nào và càng khốn khổ hơn khi phải cố che giấu nó. Mẹ và Ning về trước tám giờ ít phút. Mẹ ngạc nhiên khi thấy Jom trong cửa hàng nhưng cũng không nói gì. Mẹ chỉ chào lại Jom rồi dắt tay Ning ra quầy thu ngân, xem qua đống hóa đơn tôi xuất khi mẹ đi vắng, rồi ngồi yên ở quầy thu ngân mà không để ý gì đến tôi và Jom nữa. “Chị phải đi đây.” Jom vỗ nhẹ tay tôi khi con chim cúc cu bật ra từ đồng hồ treo tường, thông báo giờ đã là tám rưỡi rồi. “Để em đưa chị về.” Tôi đứng dậy. “Thôi khỏi cần,” chị từ chối. “Dạo này chị quen về nhà muộn rồi.” “Chị qua đây lúc nào cũng được,” tôi nói với Jom khi chị chào mẹ rồi chui vào taxi. “Ừ.” Jom gật đầu rồi vẫy chào tôi. Tôi nhìn taxi đi khuất, rồi chậm rãi trở vào quán. “Nat!” mẹ gọi tôi khi thấy tôi chực đi lên gác. “Đó là con gái của ông Withoon đúng không?” “Vâng,” tôi mệt mỏi trả lời, nhưng hình như mẹ chưa hỏi xong. “Có tin đồn là ông Withoon rước một ca sĩ hộp đêm về nhà và ả làm loạn ở đó. Jom có nói gì với con không?” “Không,” tôi cộc cằn đáp. “Con lên nhà làm bài được không?” “Muốn làm gì thì làm,” mẹ đanh giọng. “Lúc nào mẹ muốn nói chuyện với mày mà mày chả bận. Mày vừa ngồi buôn với bạn hàng tiếng đồng hồ đấy, thế sao lúc ấy không lo chuyện bài vở?” Tôi thở sâu, tự thấy xấu hổ, lẳng lặng lẩn lên phòng. Cuối tháng đó, Jom bỗng du học ở Anh. Có mỗi chú Maen với tôi đi tiễn chị. Jom ôm chặt tôi và cứ khóc mãi. “Đừng quên viết thư, nhé?” Tôi quệt nước mắt cho chị. Chị gật đầu. Nhưng cuối cùng, tôi chẳng nhận được một lá thư nào của chị. Chương 18 hời gian trôi, không gì có thể níu giữ nó lại hay khiến bước chân nó chậm rãi hơn. Mùa đến rồi qua theo nhịp điệu cũ kỹ như một bài hát không có hồi kết, từ cái oi bức mùa nóng sang ẩm thấp mùa mưa rồi tới cái giá rét mùa lạnh rồi lại quay về oi bức. Tôi thường cố tìm lời giải đáp cho ý nghĩa của cuộc sống này và ứa lệ khi nhận ra sự thật đau đớn rằng tất cả chúng ta đều đang tiến thẳng tới cái chết. Tôi vẫn nhớ có một lần, khi đang học lớp mười hai, tôi cảm thấy quá cô đơn đến nỗi giam mình trong phòng, vặn loa to hết cỡ bài hard rock “Đường về cõi chết” và lần lượt nhai từng viên thuốc giảm đau. “Đêm tối tăm phủ kín bầu trời Về tổ nghỉ ngơi những cánh chim rã rời Bao kẻ khổ nghèo rúc lần vào ổ rách Run rẩy trong cô độc hoang vu Chúng ta đang trên đường về cõi chết Chúng ta đang trên đường về cõi chết Đàn ông đàn bà chủ nhân hay nô lệ Ngày qua ngày chúng ta thèm khát Kiếm tìm hư ảo Mù quáng chán nản vô vọng Thế giới này đâu phải là bất diệt Mà cả đời người cứ vật lộn mãi không thôi” Tôi nuốt không biết bao nhiêu là thuốc và nghĩ rằng mình sẽ chết ngay đêm đó, một đêm lạnh thấu xương và cô độc tuyệt đối khi tôi nhận ra rằng mình không bao giờ có thể mở mắt dậy vào sáng hôm sau và vĩnh viễn chìm trong bóng tối đặc quánh ở một nơi tôi chẳng biết ai và cũng không ai biết mình – một nơi không có bố, không có mẹ, không có Ning, không có Eik, không có Chai, không có Jom, không có Porm, không có một người nào hết. Tôi chưa từng tin vào thiên đường, địa ngục, hay đầu thai. Tôi chỉ nghĩ về cái chết như một thế giới không có ánh sáng hay màu sắc, một thế giới của bóng tối thăm thẳm và lạnh giá. Đối với tôi, cái chết không có gì đáng sợ. Nhưng, sáng hôm sau tôi vẫn thức dậy, uể oải đến mức hai mí mắt khó lòng mở nổi, lảo đảo vô cùng và bị những cơn co thắt ở dạ dày cùng cảm giác buồn nôn hành hạ. “Đường về cõi chết” vẫn bật. Lọ thuốc giảm đau đã lăn xuống sàn và tệ hơn cả, tôi vẫn đang thở. Những cây kèn hồng lại chớm trổ bông và gió lạnh từ nơi xa đang thổi về. Ngày xưa, mấy đứa chúng tôi sung sướng khi thấy kèn hồng đơm hoa trên đường tới trường, vì nó báo hiệu kỳ thi cuối năm học sắp đến, và sau đó, chúng tôi sẽ có vài ngày trong đời không cần vướng bận về nội quy trường lớp, được nghỉ học mà thỏa sức vui chơi. Vào ngày đầu tiên của kỳ thi, Porm từng chỉ cho tôi những bông kèn hồng đầu tiên. “Mình không thể chờ được tới lúc chúng nở rộ,” trong đầu tôi vang lên tiếng lẩm bẩm của nó. “Mình đã đợi cả năm cho đến hết năm học, nhưng khi những cây hoa kia nở rộ, cả nhóm mình sẽ lại ở đây bên nhau.” Tôi thả bước bên những thân cây cao lớn, lòng buồn bã. Hoa kèn hồng thả rơi những cánh mỏng tang như lời chào hay đúng hơn là những giọt lệ tiễn biệt. Đây là năm cuối cùng tôi còn đi trên con đường này. Tôi không thể không dõi nhìn những cô cậu học trò lớp dưới vừa đi vừa bá vai bá cổ nhau và cười rộ lên vui vẻ. Có vài đứa dừng chân, nhặt cành cây khều hoa cho bạn. Nhưng chẳng mấy chốc sẽ đến cái ngày mà chúng cũng sẽ cúi đầu vội vã rảo bước mà không dám ngẩng đầu lên nhìn hoa, như tôi lúc này. “Làm sao thế, Béo? Trông cậu như mất sổ gạo vậy.” Eik đuổi kịp vỗ vai tôi. Bao năm trôi qua đã biến nó từ một thằng nhóc da bọc xương thành một thanh niên cao lớn cường tráng. “Vậy cậu đã quyết định vào trường nào chưa?” Chai tập tễnh nhập hội. Lúc nhỏ, nhờ yêu thể dục thể thao, ở Chai đã hứa hẹn một vóc dáng khỏe mạnh rắn chắc, đủ tiêu chuẩn vào trường dự bị quân đội, nhưng dạo này trông nó gầy như xác ve. “Mỹ thuật,” tôi trả lời và nhìn bọn bạn dò hỏi. “Mình sẽ học Kiến trúc,” Eik mỉm cười. “Mình vẫn chưa nghĩ ra cái gì.” Chai thở dài. “Chắc mình sẽ thử trường Ram[1].” “Có ai nghe tin gì về Porm không?” tôi hỏi lơ đãng. “Tháng trước mình gặp nó,” Chai đáp. “Nó bảo sẽ vào khoa Luật ở Thammasart.” “Nó sẽ làm luật lệ lanh tanh bành ra cho coi.” Eik lắc đầu. “Mình nghĩ nó học Nông nghiệp hợp hơn, chuyên giết mổ lợn với bò.” “Các cậu không gặp nó bao lâu rồi?” Chai hồ nghi hỏi. “Cũng lâu rồi đấy. Thực ra là mấy tháng rồi.” Eik gật gù cố nhớ lại. “Với mình còn lâu hơn,” tôi lẩm bẩm. Lần nào nói chuyện về Porm, tôi cũng không khỏi cảm thấy tức giận và đau lòng bởi những gì xảy đến với Ning. Tôi đổ lỗi tất cả cho Porm và vẫn chưa tha thứ cho nó dù nó đã làm mọi thứ có thể để chuyện trò lại bình thường. “Jom từ Anh về rồi đấy, các cậu biết không,” Chai đột ngột đổi chủ đề. “Trông nóng bỏng lắm.” “Thật hả?” tôi vồn vã. “Mình nói dối cậu làm gì? Nếu mình nói dối thì cứ cho sét đánh Eik đi!” “Cậu nên đến thăm chị ấy đi,” Eik nói khẽ. Ánh mắt nó đầy thấu hiểu. Tôi vẫn lặng thinh nhìn cái bóng mỗi lúc một đổ dài của tòa nhà nơi Jom từng cùng tập đàn. Chiều đã muộn lắm rồi khi tôi thẫn thờ đi qua căng tin nơi Porm từng ngồi đợi ba đứa chúng tôi sau giờ học và đi về phía lớp nhạc, trong lòng cô độc và rối rắm. Thầy Wa-thin vẫn còn trong lớp. Tất cả cửa sổ đều đã khép, chỉ còn cửa chính hé mở. Tôi tới ngồi một chiếc ghế trong góc. Thầy Wa-thin hạ cây vĩ cầm và liếc nhìn tôi trước khi kéo cây vĩ qua dây đàn, tiếp tục chơi bàn “Cây bồ đề buông mành” như thể tôi không có mặt ở đó. Nhà của Jom đã thay đổi so với vài năm trước. Phần lớn trong tình trạng xuống cấp trông thấy do thiếu sự quan tâm, chăm sóc. Dầu vậy, có một nhân tố mới: một ngôi nhà nhỏ xinh xắn mọc lên ở nơi từng là một thảm cỏ xanh tốt. “Cậu cao quá rồi!” Jom lùi lại nhìn tôi từ đầu đến chân. “Trông này, cậu cao hơn chị bao nhiêu.” “Chị cũng khác.” Tôi ngồi xuống chòi nghỉ trước hiên nhà chính. “Sao? Trông chị kỳ cục lắm à?” Jom hỏi và cười giòn. “Thời gian trôi vù vù phải không? Chị vẫn nhớ ngày cậu ra tiễn chị ở sân bay. Chị ôm cậu khóc lóc ghê lắm. chắc tất cả mọi người đều tưởng cậu là bạn trai chị.” Tôi bỗng cảm thấy giật thót trong lòng bèn vội vã nhìn đi chỗ khác. “Vậy chị học xong rồi à?” Tôi đổi chủ đề. “Chưa đâu.” Chị lắc đầu. “Chị về thăm mẹ.” “Bác ấy thế nào rồi ạ?” Tôi đưa tay với ly nước. “Vẫn như hồi trước thôi.” U sầu dâng lên trong đôi mắt chị. “Chị không biết mẹ còn có thể tiếp tục chịu đựng như thế này bao lâu.” “Thế còn bố chị?” tôi khẽ hỏi. Jom ngẩng đầu nhìn thẳng về phía ngôi nhà nhỏ, không nói một lời, nhưng ánh mắt lóe lên khắc nghiệt. “Em sắp thi hết năm,” tôi chuyển chủ đề, cảm thấy chị không muốn mình tọc mạch vào những chuyện riêng tư. “Và thi đại học nữa.” “Nhanh thật đấy!” Jom đưa tôi đĩa bim bim. “Thế mà chị có cảm giác như cậu vẫn là một cậu nhóc bé tí ấy.” “Đoán xem em đăng ký vào trường nào,” tôi nhón một miếng bim bim giữ trong tay. Jom im lặng một chốc rồi bật ngón tay tách một cái khi nghĩ ra, “Sinlaparkorn, đúng không?” “Chị giỏi thật,” tôi khen. “Làm sao chị biết?” “À, cậu lúc nào chả muốn thành họa sĩ.” Jom cười khe khẽ. “Nghĩ đến cảnh một kẻ to béo như cậu ở giữa những linh hồn đói khát kể cũng hơi kỳ cục nhỉ?” Tôi bật cười lén nhìn chị. Trông chị quả thật quyến rũ như Chai nói, nhưng, ẩn dưới vẻ ngoài và dáng điệu kia, vẫn chất chứa nỗi u sầu tột cùng thủa trước. Chú thích
[1] Đại học Ramkham, là một trường đại học dân lập ở Bangkok, không cần thi đầu vào hay bắt buộc dự giảng.
[1] Đại học Ramkham, là một trường đại học dân lập ở Bangkok, không cần thi đầu vào hay bắt buộc dự giảng.