Dịch giả:Phạm Xuân Thảo
Phần II (D)

     hứ Sáu, ngày 29 tháng Tư. Trong lúc Chris chờ đợi nơi hành lang bên ngoài phòng ngủ, bác sĩ Klein và một bác sĩ thần kinh tâm thần nổi tiếng khám bệnh cho Regan.
Hai vị bác sĩ quan sát suốt nửa tiếng đồng hồ. Vứt ném. Quay lông lốc. Bứt tóc bứt tai. Thỉnh thoảng cô bé còn nhăn mặt, hai tay bịt chặt lấy tai như muốn xua đi những tiếng động thình lình điếc cả tai. Cô rống lên những tiếng tục tĩu. La hét và đau đớn. Rồi rốt cuộc cô lao sấp mặt xuống giường, đưa hai chân lên thủ dưới bụng. Cô rên rỉ những tiếng rời rạc, không đâu vào đâu.
Vị bác sĩ tâm thần ra dấu cho Klein rời khỏi giường.
“Ta hãy chích thuốc an thần cho cô bé”. Ông thì thầm. “Có lẽ tôi sẽ nói chuyện được với nó”.
Vị bác sĩ nội trú gật đầu và chuẩn bị chích một liều năm mươi mi li gam chất Thorazine. Tuy nhiên, khi hai bác sĩ lại gần giường, Regan giường như cảm thấy được sự có mặt của họ, liền quay đi, và lúc vị bác sĩ thần kinh tâm thần toan giữ lấy cô, cô bắt đầu rít lên từng cơn cuồng nộ hung hiểm. Cô cắn ông. Cô đánh ông. Cô chận không cho ông lại gần. Chỉ đến khi Karl được gọi đến giúp sức thì họ mới tạm giữ yên được cô đủ cho Klein chích xong mũi thuốc.
Liều thuốc đó tỏ ra không đủ. Lại thêm một liều năm mươi mi li gam nữa được chích tiếp. Mọi người chờ đợi.
Regan trở nên thuần lại. Rồi có vẻ mơ mộng. Sau đó, cô ngó chăm chăm các bác sĩ trong nỗi hoang mang bất ngờ. “Mẹ cháu đâu? Cháu muốn mẹ cháu”. Cô bé khóc.
Vị bác sĩ thần kinh tâm thần gật đầu, Klein liền rời phòng đi mời Chris đến.
“Mẹ cháu sẽ đến ngay, cưng”, vị bác sĩ thần kinh tâm thần bảo Regan. Ông ngồi xuống giường xoa đầu cô bé. “Nào, nào, cứ yên tâm đi cháu, tôi là bác sĩ mà”.
“Cháu muốn mẹ cháu cơ!” Regan khóc.
“Mẹ cháu đang đến. Cháu có đau không?”
Cô bé gật đầu, nước mắt chảy ròng ròng.
“Đau chỗ nào?”
“Chỗ nào cũng đau hết!” Regan nức nở. “Cháu thấy đau khắp cả người”.
“Ôi, con tôi!”
“Mẹ!”
Chris chạy lại giường ôm chầm lấy con. Hôn nó. An ủi dỗ dành nó. Rồi đến lượt Chris cũng bắt đầu khóc. “Ôi, Rags, con trở lại rồi! Đây mới đúng thật là con!”
“Mẹ à, ông ấy làm đau con!” Regan sụt sịt. “Bảo ông ấy đừng làm đau con nữa đi mẹ! Nghe mẹ! Được chứ mẹ?”
Chris lộ vẻ bối rối giây lát, rồi nàng liếc nhìn hai bác sĩ với vẻ hỏi han đầy thỉnh cầu trong đôi mắt.
“Cô bé đã được chích thuốc an thần với liều lượng mạnh”, vị bác sĩ thần kinh khẽ bảo.
“Bác sĩ muốn bảo là...?”
Ông ngắt lời nàng. “Ta sẽ xem”. Xong ông quay sang Regan. “Cháu có thể nói cho tôi biết cháu đau thế nào không?”
“Cháu không biết nữa”, cô bé đáp. “Cháu không hiểu vì sao ông ta cư xử như thế với cháu”. Lệ rơi đầm đìa trên má cô bé. “Trước đây, lúc nào ông cũng là người bạn tốt”.
“Ông ta là ai?”
“Đại úy Howdy! Thế rồi dường như có một ai khác nữa ở trong người cháu! Bắt cháu làm đủ mọi thứ chuyện”.
“Đại úy Howdy chăng?”
“Cháu không biết”.
“Một người?”
Cô bé gật đầu.
“Ai vậy?”
“Cháu không biết!”
“Thôi được rồi, bây giờ ta sẽ làm thử cái này, cháu Regan nhé. Một trò chơi”. Ông thò tay vào túi móc ra một món trang sức sặc sỡ được gắn vào một chuỗi dây chuyền bạc. “Cháu có bao giờ xem phim thấy người ta được thôi miên chưa?”
Cô bé gật đầu.
“Tốt, tôi là một nhà thôi miên đây. Đúng thế đấy, tôi cứ thôi miên người ta suốt thôi. Dĩ nhiên là nếu người ta bằng lòng cho phép tôi. Bây giờ, tôi nghĩ là nếu tôi thôi miên cháu, Regan ạ, cháu sẽ khỏe mạnh trở lại. Đúng vậy, cái người trong cháu sẽ đi ra ngay. Cháu muốn tôi thôi miên chứ? Đó, có mẹ cháu ngay đây, bên cạnh cháu đó”.
Regan nhìn mẹ, dò hỏi.
“Cứ làm điều ấy đi cưng”, Chris thúc giục con. “Cứ thử xem”.
Regan quay sang vị bác sĩ tâm thần và gật đầu. “Được ạ”. Cô bé khẽ nói. “Nhưng một chút thôi”.
Vị bác sĩ tâm thần mỉm cười và chợt nhìn ra sau, nơi có tiếng đồ gốm bể nát sau lưng ông. Một chiếc lọ hoa mong manh từ mặt chiếc ngăn tủ kéo nơi bác sĩ Klein đang tựa tay rơi xuống sàn nhà. Ông nhìn xuống cánh tay mình rồi ngó tiếp xuống những mảnh vỡ vụn với vẻ bối rối. Rồi ông cúi xuống nhặt mấy mảnh vỡ lên.
“Không sao đâu, bác sĩ, cứ để Willie thu dọn”. Chris bảo ông.
“Sam, anh làm ơn đóng hộ tôi mấy cánh cửa chớp kia lại”, vị bác sĩ tâm thần nhờ bạn, “và kéo màn cửa xuống”.
Lúc căn phòng đã tối lại, vị bác sĩ tâm thần nắm sợi dây chuyền trên mấy đầu ngón tay khởi sự lắc món trang sức qua lại với một động tác thoải mái. Ông rọi đèn bấm lên món trang sức. Nó ngời sáng lắp lánh. Ông bắt đầu xướng câu chú thôi miên. “Bây giờ Regan này, cháu hãy nhìn đây, nhìn chăm chú vào, thế rồi mí mắt cháu sẽ càng lúc càng nặng trĩu...”
Chỉ nội trong một thời gian rất ngắn, cô bé đã có vẻ hôn mê.
“Cực kỳ dễ dẫn dụ”, vị bác sĩ tâm thần thì thào. Rồi ông bảo cô bé.
“Cháu thấy dễ chịu chứ, Regan”.
“Vâng”, giọng cô bé nhẹ và thì thầm.
“Cháu mấy tuổi rồi, Regan?”
“Mười hai”.
“Có người nào đó ở trong cháu không?”
“Thỉnh thoảng”.
“Khi nào?”
“Khi này khi khác”.
“Một người phải không?”
“Vâng”.
“Ai thế?”
“Cháu không biết”.
“Đại úy Howdy?”
“Cháu không biết”.
“Một người đàn ông?”
“Cháu không biết”.
“Nhưng y có ở đó”.
“Vâng, thỉnh thoảng”.
“Còn bây giờ?”
“Cháu không biết”.
“Nếu tôi bảo y nói, cháu sẽ để cho y trả lời tôi chứ?”
“Không!”
“Tại sao không?”
“Cháu sợ lắm”.
“Sợ gì?”
“Cháu không biết”.
“Regan này, nếu y nói chuyện với tôi, tôi nghĩ là y sẽ ra khỏi cháu. Cháu có muốn y ra khỏi cháu không?”
“Có”.
“Vậy thì hãy để y nói. Cháu để y nói chứ?”
Một lúc ngập ngừng. Sau đó: “Vâng”.
“Bây giờ tôi nói với người ẩn bên trong Regan đây”, vị bác sĩ tâm thần nói một cách đanh thép, “nếu người có ở đó, chính người nữa cũng đã bị thôi miên và phải trả lời mọi câu hỏi của ta”. Ông dừng lại một lúc để cho lời ám thị của ông lắng sâu vào mạch của cô bé. Rồi nhắc lại. “Nếu người ở đó, chính người nữa cũng đã bị thôi miên và phải trả lời mọi câu hỏi của ta. Bây giờ hãy ra mặt đi và trả lời: ngươi có ở đó không?”
Yên lặng. Rồi một điều lạ lùng xảy ra: hơi thở của Regan chợt trở nên hôi thối. Đặc sánh như một luồng nước. Đứng cách đó khoảng bảy tấc, vị bác sĩ tâm thần ngửi thấy rõ mùi đó. Ông rọi đèn bấm vào mặt Regan.
Chris cố nén cho khỏi há hốc mồm. Những nét biểu hiện trên khuôn mặt Regan đã nhúm nhó lại thành một chiếc mặt nạ hung ác: mồm bạnh căng ra hai bên, cái lưỡi sưng tấy thè ra như lưỡi chó sói.
“Ôi, Chúa ơi!” Chris thì thào.
“Có phải ngươi là người ở trong Regan không?” Bác sĩ tâm thần hỏi.
Cô bé gật đầu.
“Ngươi là ai?”
“Nowonmai”, cô bé trả lời trong họng.
“Tên ngươi đó chăng?”
Cô bé gật đầu.
“Ngươi là một người à?”
Cô bé đáp. “Đâu đó”.
“Ngươi trả lời đó chăng?”
“Đâu đó”.
“Nếu tiếng đó có nghĩa là ‘phải’ thì hãy gật đầu”.
Cô bé gật đầu.
“Ngươi đang nói bằng một ngoại ngữ chăng?”
“Đâu đó”.
“Ngươi từ đâu đến?”
“Chó”.
Vị bác sĩ tâm thần suy nghĩ giây lát, rồi ông thử cách khác. “Bây giờ khi ta đưa ra một câu hỏi, ngươi hãy trả lời bằng cử động đầu: một cái gật đầu là ‘phải’, một cái lắc đầu là ‘không’. Ngươi hiểu chứ?”
Regan gật đầu.
“Những câu trả lời của ngươi có ý nghĩa chứ?” Ông hỏi cô bé. - Phải.
“Ngươi có phải là một người Regan có quen biết không?” - Không.
“Là người Regan có nghe nói đến không?” - Không.
“Có phải ngươi là người cô bé bịa đặt ra không?” - Không.
“Ngươi có thật?” - Phải.
“Một phần của Regan?” - Không.
“Ngươi đã từng là một phần của Regan chứ?” - Không.
“Ngươi thích cô bé không?” - Không.
“Ngươi ghét cô bé à?” - Phải.
“Ghét vì một điều cô ấy đã làm?” - Phải.
“Ngươi có trách móc cô bé về chuyện bố mẹ cô bé ly dị không?” - Không.
“Điều đó có liên quan gì đến cha mẹ cô bé không?” - Không.
“Đến một người bạn nào đó?” - Không.
“Nhưng ngươi oán ghét cô ấy?” - Phải.
“Có phải ngươi đang trừng phạt Regan không?” - Phải.
“Ngươi muốn hãm hại cô bé?” - Phải.
“Muốn giết cô bé?” - Phải.
“Nếu cô ta chết, há ngươi không chết luôn sao?” - Không.
Câu trả lời đó có vẻ làm ông bất an. Ông cau mày suy nghĩ. Mấy chiếc lò xo giường kêu kin kít lúc ông xoay trở thân mình. Trong sự tĩnh lặng ngột ngạt, tiếng thở của Regan hầng hậc như thụt từ một ống thổi thối tha, rữa nát. Ngay sát đây. Nhưng mà lại xa. Hung hiểm gở ác một cách xa xôi.
Vị bác sĩ tâm thần lại ngước lên nhìn khuôn mặt méo mó, độc ác kia. Đôi mắt ông ngời lên nét suy tư.
“Có điều gì cô bé có thể làm khả dĩ bắt buộc ngươi phải ra khỏi cô bé không?” - Có.
“Ngươi có thể nói đó là điều gì chứ?” - Phải.
“Ngươi nói cho ta nghe chứ?” - Không.
“Nhưng...”
Thình lình, vị bác sĩ tâm thần há hốc mồm vì cơn đau bất chợt làm ông kinh hãi đến mức không thể tin nổi mà nhận ra rằng Regan đang bóp bìu dái của ông bằng bàn tay trước đó đã kẹp lấy ông như một chiếc vuốt sắt. Mắt trợn trừng, ông vun vẩy để thoát thân. Ông không sao thoát ra được. “Sam, Sam ơi! Cứu tôi với!” Ông rên ư ử.
Đau đớn cực cùng. Đúng là một trại điên.
Chris ngước mắt, rồi nhảy vọt lên lần núm bật đèn.
Klein lao đến.
Regan đầu ngửa ra sau, cười khằng khặc như một ác quỷ, rồi tru lên như sói.
Chris vỗ vào núm bật. Đèn sáng. Nàng chứng kiến một cuốn phim giần giật, sần sùi mô tả một cơn ác mộng ở tốc độ chậm: Regan và hai bác sĩ quằn quại trên giường trong một nùi hỗn độn những chân và tay quơ quào, trong một cuộc hỗn chiến của những khuôn mặt nhăn nhó, của những tiếng thở hào hển và những tiếng nguyền rủa, của tiếng tru tréo, tiếng sủa ăng ẳng và tiếng cười gớm ghiếc, với vai nữ Regan kên ủn ỉn như heo, Regan hí như ngựa; thế rồi cuốn phim chạy nhanh hơn và khung giường lắc lư dữ dội, nhồi từ bên này sang bên kia, còn Chris bất lực đứng ngó lúc con gái hai mắt trợn ngược, rít lên một tiếng thét hãi hùng mà nẩy người lên khỏi bệ cột sống một cách tàn bạo.
Regan ngã gục xuống và bất tỉnh. Sau đó thong thả và thận trọng, các bác sĩ gỡ người ra, đứng lên. Họ nhìn Regan chăm chăm. Một lúc sau, bác sĩ Klein, mặt vẫn phớt tỉnh, bắt mạch cho Regan. Ra vẻ hài lòng, ông chậm rãi kéo chăn đắp cho cô bé rồi gật đầu ra dấu cho mấy người kia. Họ rời phòng, đi xuống văn phòng.
Suốt một lúc, không ai nói năng gì. Chris tọa trên trường kỷ. Klein và vị bác sĩ tâm thần ngồi trên hai ghế đối diện nàng. Vị bác sĩ tâm thần rất tư lự, cứ véo môi lúc nhìn bàn cà phê, rồi ông thở dài và ngước lên nhìn Chris. Nàng xoay tia nhìn héo hắt về phía ông. “Điều quái quỷ gì đang diễn ra ở đây?” Nàng hỏi bằng một giọng thì thào, hốc hác, nhuốm màu tang tóc.
“Bà có nhận ra thứ ngôn ngữ cô bé vừa nói lúc nãy không?” Ông hỏi nàng.
Chris lắc đầu.
“Bà có theo tôn giáo nào không?”
“Không?”
“Con gái bà?”
“Cũng không”.
Bác sĩ tâm thần lúc đó mới hỏi nàng một loạt các câu hỏi lên quan đến tiểu sử tâm lý của Regan. Rốt cuộc. khi đã kết thúc, ông có dáng băn khoăn.
“Sao?” Chris hỏi ông, mấy ngón tay có các khớp trắng hếu cứ xoắn lại rồi lại buông chiếc khăn tay, vò nó thành một nùi tròn. “Con bé mắc chứng gì vậy?”
“Chà, điều đó cũng khá mơ hồ”, vị bác sĩ tâm thần tránh né. “Thành thật mà nói về phần mình, sẽ hết sức là vô trách nhiệm nếu tôi lại đưa ra một lời chẩn đoán sau có một lần khám quá sức vắn tắt như vậy”.
“Nhưng mà, chắc bác sĩ cũng phải có ý kiến nào đó chứ”, nàng khăng khăng.
Vị bác sĩ tâm thần thở dài, sờ lên mày. “Vâng, tôi hiểu là bà hết sức ưu tư, nên tôi xin nêu ra một vài cảm nghĩ có tính cách gợi ý thôi”.
Chris nghiêng người ra trước, gật đầu, vẻ căng thẳng. Mấy ngón tay đặt trên lòng nàng bắt đầu sờ soạng chiếc khăn tay, lượn lờ trên các đường chỉ ở viền khăn cứ như chúng là một chuỗi hạt để cầu nguyện với những hạt bằng vải nhăn nhíu.
“Để bắt đầu”, ông bảo nàng, “tôi xin thưa rằng, rất khó có thể cho rằng cô bé giả vờ được”.
Klein gật đầu đồng ý.
“Chúng tôi suy nghĩ như thế vì một số các lý do”, nhà tâm thần học tiếp tục. “Chẳng hạn như, những co giật đau đớn và dị thường, và điều gây ấn tượng sâu sắc nhất, theo tôi, chính là ở sự thay đổi trên nét mặt của cô bé lúc chúng ta nói chuyện với cái gọi là nhân vật mà cô bé cho là ở bên trong cô. Bà thấy đó, một tác dụng tâm thần như thế khó có thể xảy ra trừ phi cô bé đã tin ở nhân vật đó. Bà theo kịp chứ?”
“Tôi nghĩ là mình hiểu”, Chris trả lời, mắt nàng lác xệch trong nổi bối rối. “Duy có một điều tôi không hiểu, đó là nhân vật này đến từ đâu. Tôi muốn nói là người ta cứ nghe nói hoài về chứng bản ngã phân liệt, nhưng thực tế tôi lại chưa bao giờ được biết đến một lời giải thích nào”.
“Vâng, mà cũng chưa có ai khác được biết đến cả, thưa bà MacNeil. Chúng ta sử dụng những ý niệm như là ‘ý thức’ - ‘tâm trí’ - ‘bản ngã’, nhưng thực sự chúng ta vẫn chưa biết được chúng là gì”. Ông lắc đầu. “Thực sự là không. Hoàn toàn không. Cho nên khi tôi bắt đầu nói về một điều giống như thể bản ngã phân liệt hay bản ngã đa trùng, thì tất cả những gì chúng ta có chỉ là dăm ba lý thuyết mang tính chất gây thêm nhiều thắc mắc hơn là đưa ra những giải đáp. Freud quan niệm rằng một số các ý tưởng và tình cảm nào đó, bằng cách này hay cách khác, bị ý thức kềm chế, dồn nén lại, nhưng vẫn tồn tại sống động trong tiềm thức của một con người; thực vậy, chúng tồn tại thật mạnh mẽ và tiếp tục tìm cách thể hiện ra bằng các triệu chứng tâm thần khác nhau. Rồi khi cái bị dồn nén này, hay ta cứ gọi nó là chất liệu phân ly này - từ ‘phân ly’ hàm ý một sự tách rời ra khỏi dòng ý thức - vâng, khi loại chất liệu này đã đủ mạnh mẽ, hay khi bản ngã của người đó đã bị rối loạn và suy yếu, sẽ phát sinh hệ quả là chứng tâm thần phân liệt”. Ông lưu ý. “Phải nói thêm là chứng ấy không đồng nghĩa với chứng nhị trùng bản ngã. Chứng tâm thần phân liệt mang ý nghĩa của một sự đổ vỡ tan tành của bản ngã. Nhưng trong trường hợp cái chất liệu phân ly ấy đã đủ mạnh để - bằng cách nào đó khắng khít dính chặt vào với nhau, bằng cách nào đó tổ chức được, cấu thành được trong tiềm thức của cá nhân đó - thì lúc ấy, lắm khi, nó được biết là sẽ hoạt động độc lập như thể một bản ngã riêng biệt, nó sẽ tiếp thu các chức năng của cơ thể”.
Ông hít một hơi thở dài, Chris lắng nghe chăm chú, và ông lại tiếp tục. “Đó là một lý thuyết. Còn có nhiều lý thuyết khác, một vài lý thuyết trong số đó bao hàm ý niệm về sự trốn thoát vào cõi vô thức, trốn thoát khỏi các xung đột hay rắc rối tình cảm. Trở lại trường hợp cháu Regan, cô bé chưa hề có bệnh sử mắc chứng tâm thần phân liệt và trên điện não đồ cũng không hề xuất hiện dạng sóng điện não thường đi liền với chứng bệnh ấy. Cho nên tôi có khuynh hướng bác bỏ chứng tâm thần phân liệt. Nếu thế thì chúng ta chỉ còn lại lãnh vực tổng quát của chứng loạn thần kinh ít-tê-ri mà thôi”.
“Tôi cũng bị chứng ấy tuần trước đây”, Chris thì thầm một cách thê thảm.
Vị bác sĩ tâm thần ưu tư đó khẽ mỉm cười. “Chứng ít-tơ-ri”, ông nói tiếp, “là một thể loại thần kinh trong đó các rối loạn tình cảm bị chuyển dạng thành các rối loạn thuộc thể. Chẳng hạn, trong chứng suy nhược thần kinh, người bệnh mất ý thức về các hành động của y, y nhìn thấy chính y hành động nhưng lại gán những hành động của y đó cho một người khác. Tuy nhiên, ý tưởng của y về cái bản ngã, về cái nhân cách thứ hai đó, thì mơ hồ; còn Regan thì lại có vẻ rành mạch, rõ ràng. Do đó, chúng ta đi đến một triệu chứng mà Freud thường gọi là thể ‘chuyển dạng’ của chứng loạn thần kinh ít-tơ-ri. Nó phát sinh từ những mặc cảm phạm tội trong cõi vô thức và nhu cầu phải bị trừng phạt. Tính cách phân liệt hết sức nổi bật ở đây, có thể tính cả đến chứng bản ngã đa trùng cũng nên. Và hội chứng đó có lẽ còn bao gồm cả những co giật như trong bệnh động kinh, những ảo giác, sự kích thích cơ vận động khác thường”.
“Chà, điều đó nghe ra rất giống trường hợp của Regan” Chris đánh bạo nhận xét trong nỗi âu sầu. “Bác sĩ có nghĩ thế không? Ý tôi muốn nói là ngoại trừ cái phần mặc cảm phạm tội. Cháu nó có thể mang mặc cảm phạm tội về chuyện gì mới được chứ?”
“Vâng, một câu trả lời đã thành khuôn sáo”, vị bác sĩ tâm thần đáp, “có lẽ là vì vụ ly dị. Trẻ con thường cảm thấy chính chúng là kẻ bị loại bỏ, bị bỏ rơi, và chịu hoàn toàn trách nhiệm về sự ra đi của một bậc cha mẹ. Trong trường hợp con gái bà, có lý do để tin rằng đó có thể chính là nguyên do. Ở đây, tôi đang suy nghĩ về nỗi ưu tư và phiền muộn sâu sắc đối với ý niệm về cái chết của con người, chứng sợ hãi sự chết. Ở trẻ con, người ta thấy chứng đó có kèm theo sự hình thành của mặc cảm phạm tội có liên quan đến sự khủng hoảng trong gia đình, rất thường thấy là nỗi sợ hãi bị mất cha hoặc mẹ. Nó sản sinh ra cơn giận hoảng và tâm trạng tuyệt vọng sâu đậm. Thêm vào đó, tội lỗi trong chứng ít-tê-ri kiểu này không nhất thiết được ý thức biết đến. Thậm chí nó còn có thể là thứ tội lỗi mà ta gọi là ‘thả nổi’, một thứ tội lỗi chung chung không có liên quan đến điều cá biệt”. Ông kết luận.
Chris lắc đầu. “Tôi thấy rối tung rối mù cả”, nàng thì thầm. “Ý tôi muốn nói là cái bản ngã mới này bắt đầu từ chỗ nào chứ?”
“Vâng, một lần nữa, đây là một sự ức đoán”, ông đáp, “chỉ là một sự ức đoán thôi - nhưng giả thiết rằng đó là chứng loạn thần kinh ít-tê-ri ở thể chuyển dạng bắt nguồn từ mặc cảm tội lỗi, thì cái bản ngã thứ hai kia đơn giản là tác nhân hành xử quyền trừng phạt. Nếu bản thân Regan phải làm điều đó, thì bà thấy, thế có nghĩa là cô bé công nhận tội lỗi của mình. Đằng này cô bé lại trốn thoát việc công nhận đó. Do đó mới phát sinh một bản ngã thứ hai”.
“Và đó chính là hội chứng mà bác sĩ nghĩ là con bé mắc phải”.
“Như đã nói, tôi không biết”, nhà tâm thần học đáp, vẫn tránh né. Có vẻ như ông đang chọn lựa các từ ngữ như ông đang chọn các hòn đá đầy rêu phong để lấy lối đi qua một khe suối. “Thật là cực kỳ bất thường đối với một đứa bé ở tuổi Regan lại có thể tập họp và tổ chức được các thành phần của một bản ngã mới. Và có những điều khác nữa cũng khiến ta bối rối không ít. Ví dụ như việc cô ta chơi cầu cơ cũng biểu thị được tính cách cực kỳ dễ dẫn dụ. Lại nữa, rõ ràng là tôi chưa hề thôi miên cô bé thực sự”. Ông nhún vai. “Vâng, có lẽ cô bé đã cưỡng lại. Nhưng điều gây ấn tượng thực sư”, ông lưu ý, “chính là tính chất khôn sớm, khôn trước tuổi đã thể hiện ở bản ngã mới này. Đó không phải là một con bé mười hai tuổi chút nào. Nó phải già dặn hơn, già hơn rất nhiều. Thế rồi lại còn thứ ngôn ngữ mà cô bé nói nữa”. Ông nhìn chăm tấm thảm phía trước lò sưởi, tay kéo vành môi dưới trong dáng suy tư. “Dĩ nhiên, có một trạng thái tương tự, nhưng chúng ta không biết được nhiều. Về điều ấy: một dạng mộng du trong đó người bệnh chợt biểu thị kiến thức hay những kỹ năng mà y chưa bao giờ biết đến - trong đó, chủ đích của bản ngã thứ hai là tiêu diệt bản ngã thứ nhất. Tuy nhiên...”
Từ ngữ đó đãi dài ra. Bất chợt, vị bác sĩ tâm thần ngước lên nhìn Chris. “Chà, vấn đề thật phức tạp kinh khủng”, ông bảo nàng, “và tôi đã đơn giản nó hết mức rồi đấy”.
“Như vậy, căn nguyên của vấn đề là gì?” Chris hỏi.
“Lâm thời lúc này”, ông bảo nàng, “chỉ là một sự trống không. Cô bé cần được khám kỹ lưỡng bởi một nhóm các chuyên gia, cần đến hai ba tuần lễ thực sự tập trung nghiên cứu trong khung cảnh một y viện, cứ cho là y viện Barringer ở Danton đi”.
Chris nhìn chỗ khác.
“Điều đó có trở ngại gì cho bà không?”
“Không. Không có vấn đề gì đâu”, nàng thở dài. “Chỉ đơn giản là tôi đành mất hy vọng thôi”.
“Tôi không hiểu ý bà”.
“Đó chỉ là một bi kịch nội bộ thôi”.
Từ văn phòng của Chris, vị bác sĩ tâm thần điện thoại cho y viện Barringer. Họ đồng ý tiếp nhận Regan vào ngày hôm sau.
Hai bác sĩ cáo từ.
Chris nuốt lấy niềm đau với hồi ức về Dennings, với hồi ức về cái chết, dòi bọ, sự trống rỗng, sự cô liêu và tĩnh lặng không thể diễn tả nên lời, sự tối tăm dưới bản ngã, tấc đất trong nấm mồ với không còn gì động đậy, không, tuyệt chút không cử động. Trong khoảng khắc ngắn ngủi, nàng khóc. Thật là quá sức... quá sức.... Sau đó nàng dẹp ý nghĩ đó đi và bắt đầu chuẩn bị hành lý.

*

Nàng đang đứng trong phòng ngủ mãi chọn một bộ tóc giả để đội ở Dalton thì Karl xuất hiện. Anh ta thông báo có ai đó muốn gặp nàng.
“Ai vậy?”
“Nhân viên điều tra”.
“Ông ta muốn gặp tôi à?”
Anh ta gật đầu. Xong, anh trao cho nàng một danh thiếp ghi chức vụ. Nàng thờ ơ nhìn qua tấm danh thiếp. WILLIAM F. KINDERMAN, tấm thiếp ghi: TRUNG ÚY ĐIỀU TRA, và nép dưới góc trái tấm phiếu như chẳng mấy liên quan là dòng chữ: Ban Điều Tra Án Mạng. Thiếp được in bằng co chữ nổi Tedor, hoa mỹ, cứ như được lựa chọn bởi một tay buôn bán đồ cổ không bằng.
Nàng ngước lên khỏi tấm thiếp với một mối nghi ngờ do linh tính. “Ông ta có mang theo thứ gì đó giống như một kịch bản không? Giống như một phong bì lớn hay cái gì đó?”
Theo chỗ Chris đã khám phá ra, không một ai trên trần thế này lại không có một cuốn tiểu thuyết hay một kịch bản hoặc một ý niệm về một hay cả hai thứ đó cất kỹ trong một ngăn kéo hay một ngõ ngách tâm hồn nào đó. Nàng có vẻ hấp dẫn những người đó như thể các linh mục hấp dẫn bọn say rượu vậy.
Nhưng Karl lắc đầu. Chris đâm ra hiếu kỳ và đi xuống cầu thang.
Ông ta đang đứng nghiêng ngả nơi hành lang lối vào, vành mũ bèo nhèo, nhúm nhó gài chặt trong mấy ngón tay mập mạp, ngắn ngủn, vừa mới được cắt tỉa tinh tươm. Con người tròn trĩnh, giữa lứa tuổi ngũ tuần, đôi má xệ bóng nhẫy vì xà phòng. Nhưng quần thì lại nhàu nhò lên gấu và rộng thùng thình mỉa mai cho cái đức chăm sóc thân thể quá cần mẫn của ông chủ nó. Một chiếc áo khoác bằng vải tuýt lùng thùng, lỗi thời, còn đôi mắt nâu ướt rượt xệ xuống hai bên khóe thì cứ nhìn đăm đăm vào những quãng ngày đã qua. Ông thở khò khè như người mắc bệnh suyễn lúc đứng đợi tại đó.
Chris đến gần. Người thám tử đưa tay ra với dáng điệu mỏi mệt và có phần giống cung cách một người cha, rồi nói lào thào bằng giọng khàn khàn của người mắc chứng khí thủng. “Tôi quá quen với vẻ mặt đó trong bất cứ cuộc điều tra cảnh sát nào, thưa cô MacNeil”.
“Vậy là tôi bị điều tra chăng?”
“Trời đất, làm gì có thế, không có đâu”, ông nói, lấy tay gạt qua cái ý niệm đó như thể đập một con ruồi. Ông nhắm mắt, nghiêng đầu. Tay kia ông để hững hờ trên bụng. “Không, đây chỉ là vấn đề thủ tục thôi”. Ông trấn an nàng, “thủ tục thôi mà. Kìa, cô bận sao? Nếu thế thì mai vậy. Mai tôi trở lại vậy?”
Ông quay lưng như thể chực bỏ đi, nhưng Chris đã nóng ruột bảo, “Có chuyện gì vậy? Burke? Burke Dennings chăng?”
Cái vẻ thư thả bất cần và chán chường của viên thám tử không hiểu sao đã khiến nàng thêm căng thẳng.
“Xấu hổ! Thật xấu hổ quá chừng!” Viên thám tử lẩm bẩm với đôi mắt nhìn xuống, đầu khẽ lắc.
“Ông ta bị giết chăng?” Chris hỏi với vẻ mặt chấn động. “Ý tôi muốn nói có phải vì thế mà ông đến đây không? Ông ấy bị giết? Đúng thế?”
“Không, không, không, đây chỉ là thủ tục thôi”, ông lập lại, “thủ tục mà. Cô biết đó, một người quan trọng như vậy, chúng tôi đâu có thể bỏ qua được”, ông biện bác với cái vẻ chẳng đặng đừng. “Ít nhất thì cũng phải nêu một hai câu hỏi. Có phải ông ấy đã ngã không? Ông ấy có bị xô đẩy không?” Lúc ông hỏi, đầu và tay ông cứ nghiêng từ bên này sang bên kia. Rồi ông nhún vai mà thì thầm, gọng khàn đặc. “Ai biết đâu?”
“Ông ấy có bị cướp không?”
“Không, không bị cướp đâu, thưa cô MacNeil, không hề bị cướp, với lại thời buổi này đâu có ai cần đến một lý do như thế nữa. Tay ông cứ động đậy không ngừng, giống như một chiếc bao tay bèo nhèo dưới ngón tay của một người điều khiển con rối. “Thời buổi bây giờ, thưa cô MacNeil, đối với một tên sát nhân, một lý do, một động cơ chỉ tạo thêm rắc rối thôi, đúng vậy, chỉ gây thêm trở ngại mà thôi”. Ông lắc đầu. “Ba cái loại ma túy đó, mấy thứ thuốc ma quỷ đó”, ông than thở. “Cái thứ L.S.D đó”.
Ông nhìn Chris, mấy ngón tay ông cứ nhịp đều đều trên ngực. “Cứ tin tôi đi, tôi là một người cha, nên nhìn những trò đời điên đảo, tôi cứ đứt từng khúc ruột. Cô có con không?”
“Có một”.
“Con trai chứ?”
“Một cháu gái...”
“Chà...”
“Này ta vào văn phòng đi”. Chris sốt ruột ngắt lời, quay lưng lại dẫn lối, nàng đã mất hết kiên nhẫn.
“Cô MacNeil à, phiền cô một việc được chứ?”
Nàng quay lại với vẻ mệt mỏi và lờ mờ ngỡ ông ta định xin chữ ký của nàng cho lũ con ông ta. Không bao giờ họ bảo là xin cho họ. Lúc nào cũng nói là xin cho con họ thôi. “Được thôi, hẳn là được”, nàng đáp.
“Cái bao tử của tôi”, ông phác một cử chỉ với vẻ mặt nhăn nhó. “Chắc cô có thứ nước Calso chứ, hy vọng? Nếu phiền quá thì thôi khỏi. Tôi không muốn làm phiền”.
“Ồ, có gì đâu mà phiền”, nàng thở dài. “Kéo một cái ghế trong văn phòng mà ngồi đi ông”, nàng chỉ chỗ, rồi quay lưng đi xuống bếp. “Tôi nghĩ là có một chai trong tủ lạnh”.
“Thôi, để tôi vào bếp luôn”, ông bảo nàng, đi theo sau. “Tôi kỵ làm phiền ai lắm”
“Không phiền đâu”.
“Nhưng cô thật quá bận rộn, cứ để tôi xuống bếp. Cô có con cái gì không?” Ông ta hỏi lúc hai người đang đi. “Quên, à mà đúng rồi, có chứ, một cô con gái, cô đã nói với tôi rồi. Đúng thế rồi. Mỗi một cô con gái”.
“Mỗi một đứa thôi”.
“Và cháu bao lớn?”
“Vừa mới được mười hai”.
“Vậy là cô chưa phải lo”, ông thì thào. “Chưa, chưa đâu. Dù vậy, sau này thì phải coi chừng”. Ông lắc đầu. Chris nhận thấy dáng đi của ông ta là một dáng đi lạch bạch đã được cải biên. “Lúc mà cô phải chứng kiến bao nhiêu những chuyện bệnh hoạn ngày một ngày hai”, ông nói tiếp. “Thật không thể tin được. Khó mà tưởng tượng nổi. Điên khùng thật. Cô biết chứ, mới hai ngày trước đây - hay mấy tuần trước gì đó - tôi quên mất - tôi ngó bà xã tôi, tôi bảo: Mary à, cái thế giới này - toàn bộ cái thế giới này - đang bị khủng hoảng thần kinh ráo trọi. Tất cả. Toàn thế giới”. Ông phác một cử chỉ toàn cầu.
Họ vào bếp. Tại đó, Karl đang chà bóng phần trong lò nướng bánh. Anh ta không hề quay lưng mà cũng chẳng buồn biết đến sự có mặt của họ.
“Như thế này thì quả thật là quấy rầy quá lắm”. Viên thám tử cứ cò cử giọng khản đặc, lúc Chris mở cửa tủ lạnh. Nhưng tia nhìn của ông vẫn dán lấy người Karl, lướt nhanh và đầy tra hỏi qua thớt lưng, qua đôi tay và cần cổ của người quản gia kia, y như một con chim đen, nhỏ lượn là là trên mặt hồ. “Tôi gặp một ngôi sao điện ảnh nổi tiếng”, ông nói tiếp. “Thế mà tôi lại đi xin nước Calso. Trời đất”.
Chris đã tìm thấy chai nước đó, lúc nàng lo tìm đồ mở nút chai. “Uống đá không?” nàng hỏi.
“Thôi, uống không, uống không tốt rồi”.
Nàng mở chai nước.
“Cô biết cuốn phim cô đóng tên là ‘Thiên thần’ chứ?” Ông ta nói. “Tôi xem cuốn phim đó sáu bảy lần đấy”.
“Nếu ông muốn truy tìm tên sát nhân”, nàng thì thầm lúc rót chất nước Calso sủi bọt ra ly, “thì cứ việc bắt nhà sản xuất và chuyên viên cắt cúp cuốn phim đó đi”.
“Ồ không, không đâu, cuốn phim đó tuyệt tác, thật đó, tôi mê lắm!”
“Ông ngồi xuống đi”. Nàng gật đầu về phía bàn.
“Ồ, cám ơn cô”, ông ta ngồi xuống. “Không mà, cuốn phim ấy tuyệt thật đó mà”, ông khăng khăng. “Rất cảm động. Chỉ có điều là”, ông đánh bạo, “một điều tí ti thôi. Ồ, xin cảm ơn cô”.
Nàng đặt ly nước Calso xuống và ngồi xuống bên kia bàn, hai tay chắp ra phía trước mặt.
“Chỉ có một khuyết điểm nhỏ”, ông lại bắt đầu ra chiều biện bạch. “Nhỏ thôi. Và xin cứ tin tôi đi, tôi chỉ là người không chuyên môn, một thường nhân. Cô biết chứ? Tôi chỉ là khán giả. Vậy thì tôi biết gì? Tuy nhiên, tôi vẫn có cảm tưởng, cảm tưởng của một người thường, là bè nhạc đệm đã nhảy xổ vào một vài lớp cảnh. Nó làm rộn quá đáng”. Lúc này, ông ta đã hăng lên, sôi nổi. “Nó cứ theo nhắc nhở tôi mãi rằng đây là một cuốn phim xi-nê. Bà biết chứ? Cũng giống hệt như bao nhiêu những góc độ thu hình tân kỳ gần đây vậy. Nó gây xao lãng quá sức. À này, thưa cô MacNeil, cái bản phối nhạc đó có phải tác giả đã ‘thuỗn tạm’ của nhạc sĩ Mendelssohn không, có lẽ?”
Chris khẽ nhịp mấy ngón tay lên bàn. Cái gã thám tử lạ lùng. Tại sao ông ta cứ nhìn Karl suốt?
“Tôi cũng không biết nữa”, nàng bảo. “Có điều tôi rất hân hạnh là ông thích cuốn phim ấy. Thôi, ông uống đi”, nàng nhắc ông ta, gật đầu về phía ly Calso. “Thứ nước này có khuynh hướng làm mập đấy”.
“Vâng, đã hẳn. Tôi quá sức ba hoa, mà cô thì lại bận rộn. Xin bỏ lỗi cho”. Ông nâng ly nước lên như thể chúc sức khỏe rồi uống cạn, ngón tay út của ông cong xa ra khỏi các ngón tay khác, ra dáng nết na. “Ái chà, ngon, ngon thật”, ông hít hà, mãn nguyện. Lúc ông đẩy chiếc ly qua một bên, mắt ông thoáng bắt gặp bức tượng chim do Regan nặn. Lúc đó bức tượng là vật trang trí chính ở giữa bàn, chiếc mỏ chim trôi nổi như châm biếm suốt dọc chiều dài trên mấy lọ tiêu. “Kỳ quặt”, ông mỉm cười. “Hay”. Ông ngước lên. “Nhà nghệ sĩ?”
“Con gái tôi đấy”, Chris bảo ông.
“Ngộ lắm”.
“Này, tôi không thích cứ...”
“Vâng, vâng, tôi biết, tôi quấy rầy quá thể. Vâng, đây, chỉ một câu hỏi, hoặc hai câu, là chúng ta xong. Thật vậy, duy nhất chỉ một câu hỏi thôi rồi tôi xin kiếu ngay”. Ông nhìn đồng hồ tay như thể bồn chồn muốn cáo lui ngay để đến một cuộc hẹn nào đó. “Xét vì ông Dennings xấu số”, ông nói một cách khó nhọc, hổn ha hổn hển, “đã hoàn tất việc làm phim của ông ta tại khu vực này, nên chúng tôi thắc mắc không biết rằng ông ta có thể đến thăm một ai đó vào cái đêm xảy ra tai nạn đó không? Dĩ nhiên ngoài cô ra, tôi muốn biết là ông ta có còn bạn bè nào nữa ở khu vực này hay không?”
“Ờ, đêm hôm đó ông ta đã ở đây”, Chris bảo ông.
“Hả?” Đôi mày viên thám tử nhướng lên như hai cái lưỡi liềm. “Gần thời gian xảy ra tai nạn chăng?”
“Tai nạn xảy ra khi nào?” Nàng hỏi ông.
“Bảy giờ năm phút”, ông bảo.
“Vâng tôi nghĩ thế”.
“Chà, thế là xong rồi”, ông gật đầu, quay người trên ghế ra chiều chuẩn bị đứng lên. “Ông ta say, ông ta cáo lui, rồi ông ta ngã xuống dãy bậc cấp. Phải, thế là xong. Rõ ràng quá. Dù vậy, thưa cô, để có tài liệu ghi vào hồ sơ, cô có thể cho tôi biết ông ta rời nhà này khoảng mấy giờ được không?”
Ông ta quào vào sự thật như một gã độc thân ngắt véo vào rau cỏ ở ngoài chợ. Làm thế nào mà ông ta lên được chức trung úy nhỉ? Chris thắc mắc. “Tôi không biết”, nàng đáp. “Tôi không có gặp ông ấy”.
“Tôi không hiểu”.
“Thế này, ông ta đến và đi lúc tôi vắng nhà. Lúc đó tôi đang bận ở văn phòng một bác sĩ ở Rosslyn”.
“À, tôi hiểu”. Ông ta gật gù. “Dĩ nhiên rồi. Nhưng thế thì làm sao cô lại biết ông ta có đến đây?”
“Ờ, thì Sharon nói”.
“Sharon?” ông ngắt ngang.
“Sharon Spencer. Cô ta là thư ký riêng của tôi. Cô ta có ở đây lúc Burke ghé vào. Cô ta...”
“Ông ta đến thăm cô ấy?”
“Không, thăm tôi”.
“Vâng, hẳn thế rồi. Vâng, xin lỗi vì tôi đã ngắt lời”.
“Con gái tôi bị ốm và Sharon bỏ ông ta ở đây để đi mua ít thuốc men theo toa bác sĩ. Tuy nhiên khi tôi về đến nhà thì Burke đã bỏ đi”.
“Lúc đó là mấy giờ, xin cho biết?”
“Bảy giờ mười lăm hay khoảng đó, bảy giờ rưỡi”.
“Cô rời nhà lúc mấy giờ trước đó?”
“Có lẽ vào khoảng sáu giờ mười lăm”.
“Mấy giờ thì cô Spencer rời nhà?”
“Tôi không rõ”.
“Và giữa khoảng thời gian cô Spencer ra đi và thời gian cô (Chris) về nhà, còn ai ở trong nhà này với ông Dennings, ngoài con gái của cô không?”
“Không còn ai”.
“Không còn ai à? Ông ta bỏ cháu bé lại một mình sao?”
Nàng gật đầu.
“Không có người giúp việc nào sao?”
“Không, Willie và Karl lúc đó...”
“Họ là ai vậy?”
Chris bỗng cảm thấy như đất sụt lỡ dưới chân nàng. Cuộc hội kiến lùng sục đánh hơi này, nàng nhận ra, thoắt đã trở nên màn thẩm vấn khắc nghiệt như sắt thép. “Kìa, Karl đang đứng ngay đó”. Nàng hất đầu ra hiệu, tia mắt nàng đậu hững hờ trên lưng người giúp việc. Anh ta vẫn còn đánh bóng lò nướng bánh.
... “Còn Willie là vợ anh ấy”, nàng nói tiếp. “Hai vợ chồng là quản gia của tôi”. Anh ta vẫn tiếp tục đánh bóng... “Buổi chiều hôm đó họ được nghĩ việc và lúc tôi về đến nhà, họ vẫn chưa trở về. Willie...” Chris ngưng ngang.
“Wille làm sao?”
“Ồ, không, chẳng làm sao cả”. Nàng nhún vai lúc nàng rứt tia nhìn ra khỏi thớ lưng rắn chắc của người gia nhân. Lò nướng đã sạch boong, nàng nhận thấy. Thế tại sao Karl cứ chà hoài vậy?
Nàng nhón lấy một điếu thuốc. Kindeman châm lửa cho nàng.
“Như vậy là chỉ còn mỗi mình con gái cô biết được Dennings ra khỏi nhà lúc nào thôi”.
“Thực sự đó là một tai nạn sao?”
“Ồ, dĩ nhiên. Đây chỉ là vấn đề thủ tục thôi, cô MacNeil ạ, thủ tục thôi mà. Ông Dennings không hề bị cướp và ông không có kẻ thù, theo chỗ tôi biết thì không có ai, nghĩa là, nội trong quận Columbia này”.
Chris ném một cái nhìn thoáng về phía Karl rồi đảo mắt ngay trở lại phía Kinderman. Không biết ông ta có để ý thấy không? Chắc là không? Ông ta đang bận sờ mó bức tượng chim.
“Nó có một cái tên, loài chim này này, nhưng tôi không sao nghĩ ra được. Một cái tên gì đó”. Ông nhận thấy Chris đang nhìn trừng trừng và có vẻ bối rối. “Thứ lỗi cho tôi, cô đang bận quá. Vâng, một phút nữa thôi là chúng ta xong. Nào, con gái cô, cô bé hẳn là biết lúc ông Dennings rời khỏi nhà chứ?”
“Không, nó không biết đâu. Lúc đó nó đã được chích thuốc an thần với liều lượng mạnh”.
“Ái chà, khốn khổ thân tôi, thật xấu hổ, xấu hổ quá”. Đôi mi mắt ủ rũ của ông rỉ ra vẻ quan tâm. “Bệnh nặng à?”
“Vâng, tôi e rằng thế”.
“Xin phép hỏi là...” ông thăm dò với một dáng điệu tinh tế.
“Chúng tôi vẫn chưa được biết”.
“Phải coi chừng gió lùa”, ông lưu ý một cách xác quyết.
Chris có vẻ lúng túng.
“Một cơn gió lùa giữa mùa đông khi trong nhà đang hâm hấp nóng chính là một tấm thảm thần cho lũ vi trùng đó. Mẹ tôi thường bảo thế. Có lẽ đó là thần thoại dân gian. Có lẽ thế”. Ông nhún vai. “Nhưng theo tôi, một thần thoại, nói đúng ra, cũng giống như một tờ thực đơn trong một nhà hàng Pháp sang trọng: một sự ngụy trang phức tạp, hào nhoáng che đậy cho một sự thật mà nếu thiếu sự ngụy trang đó, người ta sẽ không chịu nuốt trôi đâu, chẳng hạn như món đậu lima đó”, ông ta hăng say thuyết.
Chris thoải mái lại. Con chó lông xù này chạy rong túy lúy qua các cánh đồng bắp nay đã trở về đây.
“Đích thị là phòng cô bé rồi, đúng là phòng cô bé”, ông trỏ lên trần nhà, “với cánh cửa sổ lớn nhìn ra dãy bậc cấp đó?”
Chris gật đầu.
“Nhớ đóng cửa sổ đó lại thì cô bé sẽ khỏe thôi”.
“Vâng, thì cửa sổ đó lúc nào cũng đóng, cả các cánh cửa chớp của nó bao giờ cũng đóng thường xuyên”. Chris bảo lúc ông ta đút một bàn tay to bè vào túi áo vét.
“Cô bé sẽ khỏe ngay thôi”. Ông lập lại như dạy đời. “Chỉ cần nhớ điều này, cẩn tắc vô áy...”
Chris lại nhịp mấy ngón tay lên bàn trở lại.
“Cô bận quá. Thôi, chúng ta xong. Chỉ ghi chú một điều vào hồ sơ - thủ tục mà - là chúng ta xong hết”.
Từ trong túi áo vét, ông rút ra một tờ chương trình nhàu nát, quay rô-nê-ô quảng cáo buổi trình diễn kịch bản Cyrano Dennings Bergerac do trường trung học tổ chức, bây giờ ông lại mò mẫm trong các túi áo khoác, thuỗn được một mẫu bút chì số 2 màu vàng, đầy vết răng mà đầu bút có cái vẻ như đã được chuốt bằng lưỡi kéo. Ông trải thẳng tờ chương trình trên mặt bàn, miết cho hết những vết nhăn. “Nào, bây giờ ta ghi một hai tên thôi”. Ông thở phì phò. “Cái tên Spencer ấy viết với một chữ ‘c’ phải không?”
“Phải, c”.
“Một chữ c”. Ông lập lại, viết tên đó trên lề tờ chương trình. “Còn hai người quản gia? John và Willie?”
“Karl và Willie Engstrom”.
“Karl. Phải rồi. Đúng là Karl Engstrom”. Ông hí hoái ghi hai tên đó bằng nét chữ thảo đậm, đen. “Bây giờ tới mục thời gian, tôi nhớ là...” Ông bảo nàng, giọng khản đặc, vừa lật qua bên kia tờ chương trình để tìm chỗ giấy trắng. “Thời gian qua, tôi - Ồ không, hượm đã. Tôi quên mất. Ờ phải, hai người quản gia. Cô đã bảo là họ về đến nhà lúc mấy giờ nhỉ?”
“Tôi chưa nói điều đó. Này Karl, đêm qua anh về nhà lúc mấy giờ vậy?” Chris gọi anh ta.
Người đàn ông Thụy Sĩ quay lại, gương mặt anh ta đầy bí hiểm. “Đúng chín giờ ba mươi phút, thưa bà”.
“Ừ đúng rồi, anh bỏ quên chìa khóa mà. Tôi nhớ là tôi đã nhìn đồng hồ trong bếp lúc anh nhấn chuông gọi cửa”.
“Anh đi xem một phim hay đấy chứ?” nhà thám tử ướm hỏi Karl. “Tôi thì chẳng bao giờ đi xem phim theo nhận định của các mục điểm phim cả”, ông giải thích riêng với Chris. “Nghĩa là theo kiểu mà thiên hạ nghĩ, khán giả ấy”.
“Tôi đi xem Paul Scofield đóng trong phim Lear”, Karl tiết lộ với nhà thám tử.
“À, tôi đã xem phim đó rồi, thật là tuyệt tác. Tuyệt tác. Tuyệt tác”.
“Vâng, tại rạp Crest”, Karl nói tiếp. “Xuất sáu giờ. Ngay sau đó, tôi lên xe buýt ngay trước rạp và..”
“Xin cảm ơn, điều đó không cần thiết”, nhà thám tử phác một cử chỉ phản đối. “Xin khỏi nói thêm”.
“Tôi không thấy có gì phiền”.
“Nếu anh cứ nhất định nói, thì...”
“Tôi xuống xe tại góc phố giữa Đại lộ Wisconsin và phố M. Có lẽ lúc chín giờ hai mươi phút. Sau đó tôi đi bộ về nhà”.
“Coi kìa, anh không cần gì phải khai với tôi cả”, nhà thám tử bảo anh ta, “nhưng dù gì thì, cũng xin cám ơn anh, anh thật hết sức chu đáo. Anh thích phim đó chứ?”
“Phim rất hay”.
“Đúng, tôi cũng nghĩ thế. Ngoại hạng thật. Chà, bây giờ thì...” ông ta quay lại Chris và tiếp tục hí hoáy trên tờ chương trình. “Tôi làm mất thì giờ của cô quá, nhưng công việc thì phải làm thôi”. Ông nhún vai. “Vâng, chỉ một chút nữa là ta xong. Bi thảm... bi thảm thật...” Ông lắp bắp lúc ghi nhanh mấy đoạn đứt khúc trên mấy rìa giấy. “Thật là một tài năng. Một nhân vật hiểu biết con người, tôi tin như vậy, biết cách sử dụng họ. Với bao nhiêu là những yếu tố, những thành phần có thể khiến cho ông ta thành công hay, có lẽ, làm ông thất bại - như thể người quay phim, chuyên viên âm thanh, nhà soạn nhạc, bất cứ... xin sửa chữa giùm tôi nếu tôi nói sai, nhưng đối với tôi, hình như thời đại ngày nay một nhà đạo diễn có tầm cỡ cũng phải xếp suýt soát ngang hàng với một Dale Carnegie. Tôi nói có sai không?”
Nhà thám tử đảo tờ chương trình sang một vị trí khác. “Chà, có lẽ các nhân vật lớn đều thế cả. Những người ở tầm cỡ ông ấy”. Lại một lần nữa, ông ta lại hí hoáy viết. “Nhưng điểm chủ yếu vẫn là đám thương nhân, những thằng ở con sen, những kẻ quan xuyến những tiểu tiết vụn vặt mà nếu họ quán xuyến không đúng cách chúng sẽ trở thành lớn chuyện. Cô có nghĩ thế không?”
Chris ngắm mấy đầu ngón tay và buồn bã lắc đầu. “Khi Burke đã nổi nóng lên rồi thì ông ta chẳng phân biệt gì cả đâu”. Nàng thì thào với một nụ cười gượng gạo, héo hắt. “Không đâu, thưa ông. Tuy nhiên, chỉ khi nào ông ta say thôi”.
“Xong, chúng ta xong”. Kinderman viết một chữ “i” cuối cùng. “Ồ, mà khoan đã”, ông chợt nhớ. “Bà Engstrom. Họ đi và về chung với nhau à?” Ông phát cử chỉ về phía Karl.
“Không, chị ta đi xem một phim của ban Beatles”, Chris đáp ngay lúc Karl quay lại để trả lời. “Vợ tôi về sau tôi vài phút”.
“Tại sao tôi lại hỏi điều đó? Chẳng có gì quan trọng”. Ông nhún vai lúc gấp tờ chương trình lại và đút vào túi áo vét cùng với mẫu bút chì. “Vâng, thế đó. Chẳng là khi về đến sở, thế nào tôi cũng chợt nhớ ra một điều gì mà lẽ ra tôi phải hỏi. Với tôi, điều ấy luôn luôn xảy ra. Ồ, tôi có thể gọi điện thoại cho cô được mà”. Ông thở hầng hậc, đứng lên.
Chrsi đứng lên luôn với ông.
“Chắc tôi sắp đi khỏi thành phố hai tuần lễ”, nàng bảo.
“Đợi được mà”, ông trấn an nàng. “Đợi được mà”. Ông nhìn bức tượng chim với nụ cười âu yếm. “Ngộ, ngộ thật”, ông nói. Ông nghiêng người nhấc bức tượng lên rồi lấy ngón cái cạo cạo dọc mỏ chim.
Chris cúi xuống nhặt một sợi chỉ trên sàn bếp.
“Cô có tìm được bác sĩ giỏi không?” Nhà thám tử hỏi nàng. Bác sĩ để chữa cho con gái của cô ấy”.
Ông trả lại bức tượng lại chỗ cũ rồi chuẩn bị cáo từ. Vẻ mặt rầu rĩ, Chris theo sau ông, tay cứ quấn sợi chỉ quanh ngón tay cái.
“Vâng, điều chắc chắn là tôi đã chán ngấy mấy ông bác sĩ rồi”, nàng thì thào. “Dù sao, tôi cũng định đưa cháu vào một y viện nghe nói là rất nỗi tiếng về công việc như của ông đang làm đây, chỉ có điều là họ chỉ có điều tra xem xét các loại vi-rút thôi”.
“Ta cứ hy vọng là họ sẽ làm việc đó tốt hơn tôi bội phần. Nó ở ngoài thành phố phải không, cái y viện này?”
“Vâng, ở ngoại ô”.
“Một y viện tốt đấy chứ?”
“Còn phải xem”.
“Nhớ tránh gió lùa cho cháu bé”.
Họ đã ra đến cửa trước. Nhà thám tử đặt tay trên núm cửa. “Vâng. Phải nói là tôi rất thích thú, có điều trong những tình huống như thế này...” ông cúi đầu và lắc quầy quậy. “Tôi rất tiếc, thật đó. Tôi thật rất lấy làm tiếc”.
Chis khoanh tay nhìn xuống thảm. Nàng khẽ lắc đầu.
Kingderman mở cửa bước ra ngoài. Lúc quay lại Chris, ông đang đội mũ lên.
“Thôi, xin chúc con gái có nhiều may mắn”.
“Cám ơn”, nàng cười mòn mỏi. “Xin chúc cả thế giới được may mắn”.
Ông gật đầu với một vẻ niềm nở dịu dàng xen lẫn buồn rầu, rồi lạch bạch bước đi. Chris cứ nhìn lúc ông ta đi nghiêng ngó đến bên một chiếc xe tuần cảnh đang đậu sẵn cạnh góc phố, trước mặt một vòi nước cứu hoả. Ông khoác một tay lên giữ mũ lúc một cơn gió lạnh như cắt từ phương nam lồng lộng thổi đến. Vành mũ ông vỗ phần phật. Chris đóng cửa lại.
Lúc đã ngồi vào xe tuần cảnh cạnh tài xế, Kingderman quay lại ngắm ngôi nhà. Ông có cảm nghĩ là ông vừa trông thấy có sự chuyển động nơi cửa sổ phòng Regan, một hình dáng mềm mại, nhanh nhẹn lướt nhanh qua thành cửa sổ rồi mất dạng. Ông không dám chắc. Ông chỉ nhác thấy ở vòng ngoài lúc ông quay lại thôi. Nhưng ông nhận thấy các cánh cửa chớp đều mở toang. Quái thật. Suốt hồi lâu, ông cứ chờ đợi. Không thấy ai xuất hiện. Chau mày, bứt rứt nhà thám tử quay lại, mở ngăn đựng bao tay, lấy ra một phong bì nhỏ màu nâu và một con dao nhíp bỏ túi. Mở một lưỡi dao nhỏ nhất ra, ông chận ngón tay cái phía trong lòng phong bì, rồi như một bác sĩ phẫu thuật, ông nạo lớp sơn trên bức tượng do Regan tạc từ dưới móng ngón tay cái ra. Lúc đã nạo xong và niêm phong bì lại rồi, ông gật đầu về phía viên trung sĩ điều tra ngồi sau tay lái. Họ vù đi.
Lúc họ lái xuống phố Prospect, Kingderman bỏ chiếc phong bì vào túi. “Cứ thong thả”, ông lưu ý người trung sĩ vừa nhìn cảnh xe cộ lưu thông đùn đống ở trước mặt. “Đây là công việc chứ không phải đi chơi”. Ông dụi mắt bằng mấy ngón tay mệt mỏi. “Ôi, thật chán cho đời”, ông thở dài. “Thật chán cho đời”.

*

Tối hôm ấy, trong khi bác sĩ Klein đang chích cho Regan năm mươi miligam Sparine để bảo đảm cho cô bé được an ổn trong chuyến hành trình đi Dayton, thì trung úy Kingderman đứng trầm ngâm trong văn phòng, hai bàn tay úp thẳng trên mặt bàn lúc ông nhìn chăm chú mớ dữ kiện còn manh mún, rời rạc chỉ làm rối trí ông. Luồng sáng hẹp của một ngọn đèn bàn cũ kỹ lóe trên một mớ hỗn độn các báo cáo phúc trình. Không cò một nguồn sáng nào khác. Ông tin rằng như thế dễ giúp ông thu hẹp được điểm tập trung.
Kinderman thở rất khó khăn nặng nhọc trong bóng tối lúc tia nhìn của ông cứ di chuyển khi chỗ này, lúc chỗ khác. Sau đó ông hít một hơi thở rõ sâu và nhắm mắt lại. Bán xôn trí tuệ đây. Mại dô! Ông tự nhủ mình, giống như cách ông hay làm cứ khi nào ông muốn sắp xếp lại đầu óc để đón nhận một quan điểm mới. Dứt khoát là Mọi Thứ Phải Đi Bằng Hết!
Lúc mở mắt ra, ông đọc kỹ bảng báo cáo của chuyên viên nghiên cứu bệnh lý về trường họp Dennings:
“... rách cột sống cộng với sọ và cổ bị gãy, thêm vào đó nhiều vết đập, vết rách và trầy da, bị căng da cổ, bầm tím vùng da cổ, bị lột cơ bám da, cơ ức chũm, cơ gối, cơ hình thang và nhiều cơ nhỏ khác ở cổ, gãy xương sống và đốt xương sống, bị lột các dây chằng phía trước và phía sau cột sống...”
Qua cửa sổ, ông nhìn vào vùng đen tối của thành phố. Ánh sáng từ điện Capitol có mái vòm sáng ngời. Quốc Hội đang làm việc khuya. Ông lại nhắm mắt, hồi tưởng đến cuộc đối thoại của ông với chuyên viên bệnh lý của Quận hồi mười một giờ năm mươi phút vào đêm Dennings chết.
“Điều đó có thể xảy ra vì một cái ngã không?”
“Không, rất khó có thể như thế được. Nội các cơ ức chũm không thôi cũng đã đủ tránh được điều đó rồi. Rồi người ta lại còn có cả các khớp khác nhau ở vùng cột sống cổ cần phải bị khuất phục trước đã, cũng như các dây chằng nối kết các xương lại với nhau nữa”.
“Thế nhưng nói trắng ra thì điều ấy có thể xảy ra không?”
“Dĩ nhiên lúc đó ông ta bị say rượu nên các cơ bắp này chắc chắn là có nới dãn phần nào. Có lẽ, nếu như lực phát sinh từ sự va chạm đầu tiên đủ mạnh và...”
“Có lẽ ông ta phải rơi từ độ cao từ bảy đến mười thước trước khi chạm đất?”
“Đúng, chính thế, và nếu như ngay sau cú va chạm mà đầu ông ta lại kẹt phải một cái gì đó, nói một cách khác, nếu đã có sự can thiệp lập tức của động tác xoay đầu và thân mình xét như một đơn vị duy nhất thì có lẽ - tôi chỉ nói là có lẽ thôi - ta sẽ có được một kết quả giống như thế”.
“Có thể có một người nào khác đã làm điều đó không?”
“Có chứ, nhưng kẻ đó nhất thiết phải là một người có sức mạnh phi thường”.
Kingderman đã kiểm chứng lời khai của Karl Engtrom liên quan đến nơi chốn anh ta đang có mặt lúc xảy ra cái chết của Dennings. Về thời gian của xuất chiếu phim thì rất khớp, cũng như lịch trình của một chuyến xe buýt thuộc quận Columbia vào đêm hôm ấy. Hơn nữa, người tài xế chiếc xe buýt mà Karl khẳng định là anh ta đã bước lên bên rạp chiếu bóng lại hết phiên trực ngay tại góc Đại lộ Wiscosin và phố M. nơi theo lời khai của Karl, anh đã xuống xe vào chín giờ hai mươi phút. Việc thay đổi tài xế đã diễn ra, và người tài xế hết phiên trực đã ghi vào sổ thời gian anh ta đến tại điểm bàn giao: đúng chín giờ mười tám phút.