Dịch giả:Phạm Xuân Thảo
Phần I (B)

    
egan ôm lấy mẹ, Chris cũng ôm trả con với sự nồng nhiệt hơn thường lệ, thì thào. “Ôi, Rags cưng của mẹ, mẹ yêu con”.
“Mẹ cứ việc đưa ông Dennings về nhà, nếu mẹ thích”.
Chris dội ngửa lại để đánh giá tình hình. “Ông Dennings à?”
“Ý con muốn nói là điều đó được thôi”.
Chris cười. “Không, điều ấy chẳng có được gì hết. Cưng nè, sao mẹ lại muốn đưa ông Dennings về nhà chứ nhỉ?”
“Thì mẹ thích ông ấy”.
“Đã hẳn là mẹ thích ông ấy rồi, còn con?”
Cô bé không trả lời.
“Bé con à, có chuyện gì vậy?”. Chris dụ con.
“Mẹ sắp lấy ông ấy phải không?”. Đó không phải là một câu hỏi, mà là một sự khẳng định ảm đạm.
Chris phá lên cười. “Ôi, bé con của mẹ, dĩ nhiên là không có việc đó rồi. Con đang nói năng gì lạ vậy? Ông Dennings à? Do đâu con lại nghĩ như thế?”
“Thì mẹ thích ông ta”.
“Mẹ thích món pizzas nhưng mẹ có lấy nó đâu nào! Cưng à, ông ấy là bạn, chỉ là một người bạn già trái tính trái nết!”
“Mẹ không thích ông ấy như bố chứ?”
“Mẹ yêu bố con, cưng ạ. mẹ mãi mãi yêu bố con. Ông Dennings đến đây thường, vì ông ấy cô độc, thế thôi, ông là một người bạn”.
“Chà, con nghe nói là...”
“Con nghe cái gì? Nghe ai?”
Những áng nghi ngờ quay cuồng trong mắt con bé, nó lưỡng lự rồi nhún vai, bỏ qua. “Con không biết nữa. Con chỉ nghĩ vậy thôi”.
“Rặt chuyện ngu ngốc. Hãy quên nó đi”.
“Vâng”.
“Bây giờ đi ngủ đi”.
“Con đọc sách nhé? Con chưa buồn ngủ”.
“Được. Đọc cuốn sách mới của con ấy, cho đến khi nào thấy mệt”.
“Cám ơn, mẹ”.
“Chúc con ngủ ngon”.
Đứng ở ngưỡng cửa, Chris gửi một nụ hôn gió rồi đóng cửa lại. Nàng bước xuống thang gác. Nàng thắc mắc không biết Regan có liên hệ Dennings với vụ đưa đơn ly dị của nàng không. Regan chỉ mới biết rằng Chris đã nộp đơn đó. Nhưng Howard đã muốn như vậy. Hai người đã sống ly thân từ lâu. Tự ái anh ta bị xói mòn vì cảnh làm chồng một ngôi sao. Anh đã tìm được người khác. Regan không biết điều đó. Ôi, dẹp quách mấy cài màn phân tâm học tái tử này đi mà chịu khó dành thêm chút thời gian sống với con bé!
Trở lại văn phòng, Chris đọc lại kịch bản. Giữa chừng, nàng thấy Regan chạy lại phía nàng.
“Kìa cưng, có chuyện gì vậy?”
“Có những tiếng động thật là kỳ, mẹ ạ”.
“Trong phòng con à?”
“Nghe cứ như tiếng gõ. Con không sao ngủ được”.
Mấy cái bẫy chuột đâu cả rồi?
“Cưng ạ, cứ ngủ trong phòng mẹ, còn mẹ sẽ đi xem chuyện gì”.
Chris dẫn con về phòng ngủ, rồi ủ nó vào giường.
“Con xem ti vi một chút để dỗ giấc ngủ nghe mẹ?”
“Chứ sách con đâu?”
“Con tìm không thấy. Con xem ti vi mẹ nhé?”
“Được rồi, con xem đi”. Chris mở một kênh nơi chiếc máy truyền hình nhỏ trong phòng ngủ. “Đủ lớn không?”
“Được rồi, mẹ”.
“Cố ngủ đi nhé”.
Chris tắt đèn rồi đi xuôi xuống hành lang. Nàng trèo lên dãy cầu thang hẹp lót thảm dẫn lên rầm thượng. Nàng mở cửa, lần tìm núm bật đèn. Tìm thấy núm đèn, nàng bật sáng, khom người xuống, bước vào.
Nàng nhìn quanh. Hàng đống thùng các tông đựng các mảng cắt báo và thư từ nằm trên sàn gỗ thông. Không có gì khác ngoài mấy chiếc bẫy chuột. Sáu cái tất cả đã gắn mồi sẵn. Căn phòng không một vết bẩn. Chí đến không khí cũng có mùi sạch sẽ và mát mẻ. Rầm thượng không được sưởi ấm. Không có ống dẫn. Không có lò sưởi. Không có những lỗ nhỏ trên mái.
“Không có gì đâu ạ”.
Chris nổi da gà. Nàng há hốc mồm, quay ngoắc lại, tay chận lên phía tim đang đập dữ dội. “Chúa ôi, Karl, anh đừng làm thế chứ!”
Anh ta đang đứng trên bậc cầu thang.
“Xin lỗi bà, nhưng bà thấy chưa? Phòng sạch boong”.
“Ừ, sạch sẽ lắm. Cám ơn nhiều”.
“Có lẽ mèo thì tốt hơn”.
“Cái gì?”
“Để bắt chuột”.
Không đợi câu trả lời, anh ta gật đầu, xong bỏ đi.
Chris đăm đăm nhìn cánh cửa một lúc. Một là Karl không có một chút óc khôi hài nào, hai là anh ta có nhưng nó quá ranh ma đến nỗi nàng không khám phá ra nổi. Nàng không quyết đoán được điều nào đúng.
Nàng lại suy nghĩ về những tiếng gõ, rồi nhìn lên mái nhà gẫy góc. Con phố rợp bóng các loại cây, hầu hết cây cối đó đều u nần, chằng chịt những dây leo tầm gửi, mớ cành của một cây đoạn bề thế, sum suê xòe tán che trọn cả một phần ba mặt tiền ngôi nhà. Có phải là lũ sóc thật không? Chắc thế rồi. Hay cành cây. Đúng, có thể là mớ cành cây. Đêm đến thường có gió nhiều.
“Có lẽ mèo thì tốt hơn”.
Chris nhìn cánh cửa một lần nữa. Bất giác nàng mỉm cười, lộ vẻ tinh quái nghịch ngợm. Nàng xuống thang gác, đến phòng ngủ của Regan, nhặt một vật gì đó lên, mang nó trở lại rầm thượng, rồi sau một phút, lại trở về phòng ngủ của nàng. Regan đang say ngủ. Nàng trả con lại phòng riêng của nó, ủ con vào giường, rồi quay lại phòng nàng, tắt ti vi và đi ngủ.
Căn nhà yên ắng cho đến sáng.
Lúc ăn sáng, Chris bảo Karl một cách thật tự nhiên rằng nàng nghĩ mình có thấy tiếng bẫy sập trong đêm.
“Anh có muốn lên xem thử không?” Chris gợi ý, vừa nhấm nháp tách cà phê và ra vẻ như chuyên chú vào một tờ báo sáng. Chẳng nói chẳng rằng, Karl đi lên gác xem xét.
Chris đi ngang qua anh ta nơi hành lang lầu hai lúc anh ta quay lại, nhìn một cách ơ thờ con chuột lớn nhồi bông anh ta đang cầm. Anh tìm thấy con thú giả này bị kẹt chặt mỏm vào ngàm bẫy.
Lúc bước về phía phòng ngủ của mình, Chris nhướng một bên chân mày lên nháy con chuột.
“Có ai đó kỳ lạ thật”, Karl lẩm bẩm lúc anh ta tạt ngang qua nàng. Anh ta trả con thú nhồi bông về phòng ngủ của Regan.
“Đã hẳn là có lắm chuyện đang xảy ra”, Chris thầm thì, lắc đầu lúc nàng bước vào phòng ngủ. Nàng trút chiếc áo dài ra và chuẩn bị đi làm. Ừ, có lẽ mèo lại tốt hơn, anh bạn già ạ. Tốt hơn nhiều. Cứ khi nào nàng cười, cả khuôn mặt nàng đều có vẻ nhăn nhó.
* * * * *
Việc quay phim diễn ra trơn tru ngày hôm đó. Gần trưa, Sharon đến trường quay. Trong những giờ giải lao giữa các lớp cảnh, cô và Chris giải quyết các công việc hàng ngày: viết một thư cho người đại diện của nàng (nàng sẽ cứu xét việc kịch bản), nhận lời dự tiệc tại Tòa Bạch Ốc, đánh điện cho Howard nhắc anh ta gọi điện thoại cho Regan vào hôm sinh nhật của con bé, gọi điện thoại cho giám đốc kinh doanh của nàng hỏi xem nàng có đủ khả năng để nghỉ hẳn công việc trong một năm hay không, bàn việc tổ chức một bữa tiệc tối vào ngày hai mươi ba tháng tư.
Chập tối, Chris dẫn Regan đi xem phim và sáng hôm sau, hai mẹ con lái xe đi thăm các danh lam thắng cảnh trên chiếc Juguard XKE của Chris. Đài kỹ niệm Lincoln. Điện Capitol. Đầm Hoa Anh Đào. Đi ăn nhẹ. Sau đó qua sông đến nghĩa trang Arlington và Đài Chiến sĩ Vô Danh. Regan đâm ra trầm tư và sau đó, lúc đứng trước mộ Tổng thống F. John Kennedy, cô bé có vẻ trở nên xa vắng và thoáng buồn. Cô nhìn đăm đăm ngọn lửa bất diệt một lúc, xong lẳng lặng cầm tay mẹ. “Mẹ à, tại sao người ta phải chết?”
Câu hỏi đó đã đâm thấu vào cõi hồn Chris. Ôi Rags, cả con nữa sao? Ồ không! Nhưng nàng có thể nói gì với con đây? Nói dối chăng? Không thể được. Nàng nhìn khuôn mặt đang ngước lên của con, mắt đẫm lệ. Có phải con bé đã cảm thông được ý tưởng riêng tư của nàng? Trước đây nó thường cảm nhận được như thế... rất thường. “Cưng ạ, vì con người ta đâm ra mệt mỏi”, nàng dịu dàng trả lời con.
“Tại sao Chúa lại để cho họ như vậy?”
Chris nhìn đăm đăm một lúc. Nàng bàng hoàng. Bối rối. Là một người vô thần, nàng chưa hề dạy con về tôn giáo. Nàng cho điều đó là không trung thực.
“Ai đã nói với con về Chúa vậy?”. Nàng hỏi.
“Sharon”.
“Ồ”. Lẽ ra nàng đã phải nói với con.
“Mẹ à, tại sao Chúa lại để cho chúng ta mệt mỏi?”
Nhìn xuống đôi mắt nhạy cảm và niềm đau ấy, Chris đành thua cuộc, nàng không thể nói với con nàng điều nàng tin. “Ừ thì, sau một thời gian, Chúa thấy nhớ chúng ta, Rags ạ, và người muốn ta quay về”. Regan thu mình vào cõi yên lặng. Cô bé lặng yên suốt trên đường về, và vẻ ủ dột đó còn đeo đuổi cô bé suốt hôm đó, sang đến ngày thứ hai.
Hôm thứ ba là sinh nhật Rags, trạng thái u sầu có vẻ nguôi ngoai. Chris dẫn con heo khi đi quay phim. Khi ngày làm việc chấm dứt, cả đoàn quay phim hát vang bài Chúc mừng sinh nhật rồi khuân ra một ổ bánh. Bao giờ cũng là một con người nhân từ, tốt bụng khi tỉnh táo, Dennings cho lệnh lên đèn trở lai và quay phim cô bé lúc nó cắt bánh. Ông gọi đó là màn “quay thử” và sau đó hứa sẽ biến cô bé thành một ngôi sao màn bạc. Cô bé có vẻ rất vui.
Nhưng sau bữa ăn tối và sau lúc mở quà, trạng thái hoan hỉ dường như đã phôi pha. Không một lời nào từ chỗ Howard. Chris đã gọi điện thoại đến La Mã cho anh ta, nhưng viên thư ký khách sạn nơi anh trọ cho biết anh ta không còn ở đó mấy hôm rồi, và không cách gì liên lạc với anh ta được. Anh ta đang ở đâu đó trên một du thuyền.
Chris cắt nghĩa lý do cho con cô.
Regan gật đầu, cam chịu, và lắc đầu từ chối lúc mẹ cô đề nghị ra hiệu Hot Shoppe ăn kem sữa sóc. Không nói năng, cô bé bỏ xuống phòng giải trí dưới tầng hầm rồi ở đó cho đến giờ ngủ.
Sáng hôm sau, lúc ở mắt dậy, Chris thấy Regan nằm trên giường với nàng, nửa thức nửa ngủ.
“Ủa, có việc... Con làm gì ở đây vậy?” Chris cười khúc khích.
“Giường con lắc quá!”
“Điên khùng!” Chris hôn con rồi kéo chăn đắp lại cho con. “Ngủ đi. Vẫn còn sớm”.
Điều thoạt trông như một buổi sáng hóa ra lại là khởi điểm của một đêm dài vô tận.
* * * * *
Ông đứng bên mé sân ga xe điện ngầm quạnh quẽ, lắng nghe tiếng rầm rập của một đoàn tàu nó sẽ xoa dịu niềm đau vẫn hằn canh cánh bên lòng ông. Giống như tiếng mạch đập của ông. Chỉ nghe thấy được trong sự tĩnh lặng. Ông đổi túi hành lý sang tay kia và nhìn đăm đăm xuống đường hầm. Những chấm sáng. Chúng trải dài suốt vào vùng tăm tối y như những kẻ hướng đạo đưa đường vào cõi vô vọng.
Có tiếng ho. Ông nhìn sang trái. Gã bụi đời râu tua tủa như cuống rạ, vẫn nằm co dưới đất trong vũng nước tiểu của gã, chợt ngồi lên. Gã ngước đôi mắt vàng ệch nhìn vị linh mục có gương mặt nhằn nhện, buồn thảm.
Vị linh mục quay đi. Thế nào gã cũng đến. Gã cũng rên rỉ. Thưa Cha, xin Cha giúp đỡ cho một thằng bé giúp lễ ngày xưa. Cha ơi! Cái bàn tay nhầy nhụa các thứ ói mửa ép lên bờ vai, sờ soạng tìm chiếc huy chương. Cái hơi thở của hàng ngàn buổi xưng tội nồng nặc mùi rượu vang và tỏi cùng những tội lỗi ôi mốc của kiếp người cứ thế tuôn ra hết, làm ngạt thở... ngạt thở...
Vị linh mục nghe thấy gã bụi đời đứng dậy.
Đừng có đến đây!
Nghe tiếng bước chân.
Chúa ơi! Hãy để ta yên nào!
“Chào Cha”.
Ông nhăn nhó. Người chùng hẳn xuống. Ông không thể quay lại. Ông không thể nào chịu nỗi cái cảnh lại phải tìm kiếm Đấng Kitô trong đôi mắt hốc hác và hôi thối này, tìm kiếm Đấng Kitô đầy những mũi dãi và cứt đái dính máu này, thứ Đấng Kitô không thể chịu nổi này. Bằng cử chỉ thẩn thờ, ông sờ soạng tay áo như thể tìm kiếm một dải khăn trắng vô hình. Ông lơ mơ hoài tưởng một Đấng Kitô khác.
“Này Chaaaaa!”
Có tiếng râm ran của một con tàu vào ga. Rồi những tiếng vấp ngã. Ông nhìn gã bụi đời. Gã đang lảo đảo, ngất xỉu. Với một động tác nhảy bổ bất chợt, vị linh mục đã chờ sát bên gã, chụp được gã, lôi gã đến chiếc ghế dài kê vào tường.
“Con là người Công giáo”, gã bụi đời trệu trạo “Con là người Công giáo”.
Vị linh mục khẽ đặt gã xuống, duỗi người gã ra, ông trông thấy con tàu ông đang chờ. Ông vội rút ví, lấy một đồng đô la ra đặt vào túi áo vét của gã bụi đời. Sau đó, ông quả quyết thế nào gã cũng đánh mất tiền. Ông moi đồng đô la ra, nhét nó vào túi quần sũng nước đái của gã, rồi ông nhặt lấy túi hành lý, bước lên tàu.
Ông ngồi xuống một góc, giả vờ ngủ. Đến cuối tuyến đường, ông thả bộ đến Trường Đại học Fordham. Ông đã định dùng đồng đô la kia để đi tắc xi.
Lúc đến khu cư xá vãng lai dành cho khách, ông ký tên vào sổ đăng ký. Damien Karras, ông viết tên. Rồi xem kỹ lại. Có một cái gì đó sai quấy. Với vẻ chán ngán, ông chợt nhớ và ghi thêm S.J.
Ông lấy một phòng trong khu Cư xá Weigel và sau một giờ, ông đã ngủ được.
Ngày hôm sau, ông tham dự một cuộc hội thảo của Hội tâm thần học Hoa Kỳ. Với tư cách là diễn giả chính, ông phân phát một bản tham luận mang tựa đề “Các khía cạnh tâm lý trong sự phát triển tâm linh”. Đến cuối ngày, ông thưởng thức vài cốc rượu và ăn chút đỉnh với một số các nhà tâm thần học khác. Họ đài thọ ăn uống. Ông cáo từ sớm sủa. Ông còn phải ghé thăm mẹ ông.
Ông cuốc bộ đến tòa chung cư sập xệ xây bằng đá nâu ở Đại lộ Hai Mươi Mốt, khu Đông Manhattan. Dừng trên bậc cấp dẫn lên cửa nhà, ông nhìn lũ trẻ trên sân trước. Đầu bù tóc rối, áo quần lếch tha lếch thếch. Không có chỗ chạy chơi. Ông nhớ lại những lần bị đuổi nhà, những sự nhục nhã, nhớ lại có lần về nhà với cô bồ học lớp bảy và bắt gặp mẹ ông đang moi thùng rác ở góc nhà, mong kiếm chác được món gì. Ông leo bậc cấp và mở cánh cửa cứ như nó là một vết thương mới kéo da non. Có mùi nấu nướng. Ông nhớ lại những lần viếng thăm bà Choirelli, trong căn hộ tí hon có nuôi mười tám con mèo của bà. Ông bấu chặt tay vịn và leo lên, bàng hoàng vì một nỗi buồn chán cùng cực, bất chợt, mà ông biết là đã xuất phát từ mặc cảm tội lôi. Lẽ ra ông đừng bỏ mẹ lại một mình.
Bà hoan hỉ chào đón ông. Bà kêu lên. Rồi hôn ông. Bà tất bật đi pha cà phê. Đen đậm. Đôi chân bà xương xẩu, loắt choắt. Ông ngồi trong bếp và nghe bà kể lể. Mấy bức tường nhem nhuốc và sàn nhà bẩn thỉu cứ rịn rỉ vào tận xương cốt ông. Căn hộ này đúng là một cái hang. Bà sống nhờ Quỹ An sinh xã hội. Mỗi tháng, một ông anh của bà gửi cho dăm ba đô la.
Bà ngồi nơi bàn kể lể. Ông này, bà nọ. Phát âm vẫn rặc giọng dân di trú. Ông tránh đôi mắt kia, đôi mắt đúng là hai cái giếng sầu muộn, đôi mắt đã tiêu pha ngày tháng bằng cách nhìn đau đáu ra ngoài khung cửa sổ.
Lẽ ra ông đừng bao giờ bỏ bê bà.
Sau đó ông viết hộ bà mấy bức thư. Bà chẳng biết đọc biết viết chút tiếng Anh nào. Rồi ông bỏ thời giờ chữa cho bà cái núm bắt sóng của chiếc ra đi ô cà khổ bằng nhựa. Thế giới của bà đó. Tin tức. Ông thị trưởng Lindsay.
Ông vào phòng tắm. Một tờ báo vàng ệch trải trên gạch lót. Những vết rỉ sét trong bồn tắm và bồn rửa mặt. Trên sàn, một chiếc nịt ngực cũ xì. Đó, những hạt giống của thiên hướng ông đó. Chính từ những cái đó mà ông đã chạy trốn vào tình yêu. Giờ đây, tình yêu đó đã lạnh tanh. Về đêm, ông nghe được tình yêu đó rít qua những ngõ ngách của tâm hồn ông như một cơn gió rền rỉ, lạc loài.
Lúc mười một giờ kém mười lăm, ông hôn từ biệt mẹ, hứa sẽ trở lại khi có thể được. Ông ra đi khi chiếc máy thu thanh đang phát mục tin tức.
Khi đã trở về phòng ở Cư xá Weigel rồi, ông dành chút tâm trí để viết một bức thư cho linh mục giáo trưởng địa phận Maryland, xin được thuyên chuyển về địa phận New York để được gần mẹ.
Ông xin một chân dạy học và xin được từ nhiệm các chức vụ khác. Khi thỉnh cầu về mục sau, ông nại ra lý do là “không thích hợp” với các chức vụ đó. Linh mục giáo trưởng địa phận Maryland đã đề cập việc đó với ông trong chuyến thanh tra thường niên của ông ta tại Đại học đường Georgetown, một giáo vụ rất giống với quân vụ của vị tướng tổng thanh tra quân lực, nghĩa là tiếp kiến riêng những ai có những vấn đề cần than phiền, hay khiếu nại. Về điểm liên quan đến mẹ của Damien Karras, vị giáo trưởng gật đầu và tỏ ý thông cảm. Nhưng còn vấn đề “không thích hợp” do cha Karras nêu ra thì giáo trưởng cho đó rõ ràng là “mâu thuẫn”. Nhưng Karras không lùi bước.
“Vấn đề đó không chỉ thuần túy thuộc địa hạt tâm thần học đâu, Tom ạ. Cha biết đấy. Một số vấn đề của các linh mục lại đụng chạm thiết thân đến chính thiên hướng, đến chính ơn Thiên triệu, đến chính ý nghĩa của cuộc sống họ. Quỷ thật, không phải lúc nào cũng là vấn đề có dính líu đến chuyện tình dục đâu, mà chính là vấn đề đức tin của họ và đơn giản là tôi không kham nổi vấn đề đó, Tom ạ. Điều đó quá sức tôi. Tôi cần rút lui. Tôi cũng có những vấn đề của chính mình. Tôi muốn nói là những mối hoài nghi”.
“Có người nào biết suy nghĩ mà lại không đâu, Damien?”
Là một người đa đoan bận rộn, vị giáo trưởng đã không thúc ép ông phải nêu ra những lý do khiến ông hoài nghi. Karras rất biết ơn vị giáo trưởng về điều đó. Ông biết những câu đáp của ông thế nào nghe ra cũng đầy vẻ điên rồ: nhu cầu phải lấy răng cắn xé thức ăn rồi sau đó lại bài tiết ra. Chín ngày Thứ Sáu Đầu Tiên của mẹ tôi. Mấy chiếc vớ thối hoắc. Những hài nhi quái thai. Một mục trong báo đăng vụ một em bé giúp lễ đang đứng đợi xe buýt thì bị một nhóm người lạ mặt tấn công, tưới dầu hỏa lên người em, đốt cháy. Không. Nghe ra ủy mị tình cảm quá. Mơ hồ quá. Hiện sinh quá. Bắt rễ sâu hơn luận lý đó chính là sự câm lặng của Chúa. Giữa một cõi đời có cái ác. Và đa phần cái ác phát sinh từ sự hoài nghi, từ sự hoang mang lương thiện giữa vòng những người thiện tâm. Một Thiên Chúa có lý trí há sẽ khước từ không chịu chấm dứt điều đó sau? Ngài sẽ không khải thị chính mình ra hay sao? Không lên tiếng sao?
“Lạy Chúa, xin hãy ban cho chúng tôi một dấu hiệu...”
Việc gọi Lazarus từ kẻ chết sống lại đã mịt mờ trong cõi quá khứ diệu vợi. Không một ai đang sống đây còn nghe được tiếng ông ta cười.
Tại sao lại không có một dấu hiệu?
Bao phen, vị linh mục thường khắc khoải mong đợi sống với Đấng Kitô, để thấy, để rờ, để thăm dò con mắt Ngài! Hãy cho con biết! Xin hãy đến trong lúc con mơ!
Nỗi hoài mong đó đã thiêu đốt ông.
Lúc này, ông ngồi nơi bàn làm việc, bút đặt trên giấy. Có lẽ vị giáo trưởng im lặng không phải vì cớ ông ta không có thời gian, có lẽ ông ta đã hiểu rằng đức tin, rốt ráo lại, là một vấn đề của tình yêu thương.
Vị giáo trưởng đã hứa cứu xét lời thỉnh nguyện, nhưng cho đến phút này, vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Karras viết xong là thư và đi ngủ.
Ông uể oải thức dậy lúc năm giờ sáng, đi xuống thánh đường trong Cư xá Weigel, nhận một Bánh Thánh rồi trở về phòng riêng, làm lễ.
“Et clamor mcus ad te veniat” ông thầm thì cầu nguyện trong nỗi thống khổ. “Nguyện tiếng kêu cầu tôi thấu đến bên Ngài..”
Ông nâng Bánh Thánh lên trong sự tận hiến với một hồi ức đau xót về sự sướng thỏa mà đã có lần cử chỉ này đây từng mang lại cho ông, ông lại cảm thấy một lần nữa, như ông vẫn cảm thấy mỗi buổi sáng, nỗi thảng thốt về một cái nhìn bất ngờ đến từ xa và không ai thấy của một tình yêu đã từ lâu không còn nữa.
Ông bẻ bánh thánh trên cốc rượu lễ.
“Ta để lại sự bình an cho các con. Ta ban cho các con sự bình an...”
Ông đưa Bánh Thánh vào miệng rồi nuốt lấy cái vị thất vọng mỏng như giấy ấy.
Lễ tất, ông lau sạch cốc rượu thánh rồi cẩn trọng cất nó vào túi hành lý. Ông hối hả ra ga đáp chuyến tàu 7 giờ 10 phút trở về Washington, mang cả niềm đau đớn trong chiếc va-li màu đen.