Ngày Quanh Quẩn

     iếng điện thoại reng rên rỉ và ngoan cố đến lần thứ sáu. Âm thanh xoáy óc cứ luân chuyển mãi trong phòng. Tôi vẫn ngồi yên lặng buông thỏng cánh tay bên cạnh bàn. Còn tiếng reng nào nữa không? Tôi nhìn cái điện thoại cầu mong nó tắt ngúm cho rồi. Nhưng không, nó vẫn kêu dai dẳng. Ráng chờ thêm một lần nữa xem sao? Thôi mệt, nhấc lên cho xong. Tiếng người anh cau có lẫn tiếng nói chuyện ồn ào từ bên kia, các em chừng nào mới sang được, tiệc sắp tàn, mọi người về gần hết rồi. Chúng tôi sẽ đến mà, tôi đáp. Tiếng lao xao trong điện thoại vẫn tiếp nhưng giọng người anh đã ngưng bặt để lại khoảng không gian trống vắng nặng nề.
Có tiếng gác điện thoại thật gấp từ đầu giây bên kia như người nói muốn dằn xuống hết sự bực bội. Tôi nhắc đuoc cánh tay trở về, ngả người vào chiếc ghế bành cũ mua từ một flea market mới hôm qua. Đứa em vẫn còn ngồi trên sàn trước cái truyền hình nhỏ đen trắng đặt trên hai thùng giấy cũ. Nó đang xem một chương trình giáng sinh với hình ảnh mờ nhạt nhảy múa không ngừng.
Tôi đẩy đống sách sang một bên, định đứng dậy như tôi đã toan tính từ mấy giờ đồng hồ trôi qua. Nhưng một trì kéo vô hình vẫn giữ tôi lại. 
Giọng nói của người anh qua điện thoại vẫn còn vang mãi trong đầu. Mọi người đã về gần hết rồi. Tốt chứ sao. Đó là điều tôi mong muốn mà. Rất tiếc điều đó đã làm anh thất vọng. Mười năm mới gặp được anh, mười năm từ ngày chia tay, từ ngày bình minh của đời tôi nhưng lại bắt đầu bình minh cho một xã hội và một chế độ. Mười năm qua sự giúp đỡ của anh, với nhiều ước vọng về một thiên đường. Bây giờ gần một năm trên cái xứ lạnh này, lạnh như tình người của dân bản xứ. Một năm kể từ ngày gặp lại ở phi trường với giọng nói thân quen và tình thương chạy quanh trong mắt. Hạnh ngộ chờ quá lâu cho một cố gắng mười năm. Nhưng phôi pha lại quá nhanh không thể tưởng được. Mất mát thôi phải đành cho một tình cảm mong manh trước nhiều cách biệt quá lớn.
Tôi phải rời bỏ ngôi nhà đó, nơi anh gọi tôi đến. Tôi mong điều đó không phải là một sự trốn chạy. Tôi mang theo không kịp mớ hành trang ít ỏi trong xã hội mới, mớ tình cảm còn vương víu nơi bậc thang, ngưỡng cửa, nơi đôi mắt và lời bập bẹ của mấy đứa cháu ngây thơ. Chị đã làm sạch chỗ tôi ở như người ta tẩy uế thứ dơ bẩn không thể chấp nhận được. Tôi ra đi với lòng đầy nhưng tay trống. Tôi không có hai thứ mà xã hội này qui định cần thiết là money và credit. Không thể tìm được một chỗ ở nơi xứ người cũng là một điều tự nhiên thôi. Không thể có được một đường điện thoại cho một kẻ không mù chữ nhưng gần như câm và điếc, cũng không nên lấy làm lạ.
Cuối cùng tôi cũng có chỗ ở và điện thoại. Phải cám ơn David, tên chủ nhà ế ẩm đó. Cả hai tên bị tẩy chay, đi lang thang cuối cùng phải gặp được nhau. Tôi đang cần chỗ ở, hắn đang cần cho mướn nhà. Giả nhà rẻ đương nhiên, vì nhà cũ, phải nói là một ngôi bốn căn dính chùm còn một ngăn trống. Không cần phải mặc cả gì hết, cũng hơi lạ, chưa có tên chủ nhà nào kỳ cục như vậy. Chỉ một điều kiện duy nhất, nếu ưng thuận, điền đơn và ký tên ngay, không được vào xem nhà. Thật là hẳn hòi rồi, nhưng nhà đâu đến nỗi sập. Không lẽ có ma. Làm gì nghĩ lẩn thẩn như vậy. Dù có ma đi nữa chắc họ cũng chẳng thèm nhát thứ ma trơi, cô hồn không nhà không cửa như tôi. Ký thì ký sợ gì. Xuống hết nấc thang cuối cùng rồi đâu còn chỗ xuống thêm nữa mà lo. Dễ gì tìm được tên chủ nhà như David. Tôi khỏi phải đóng trước nửa tháng tiền nhà. Hắn không thèm hỏi credit của tôi và chẳng màng biết tôi làm thứ nghề gì. Mọi việc xong xuôi, David giao cho tôi chìa khóa, xoa tay cười khoái trá bỏ đi. Tôi cũng chẳng thèm lo, chúng tôi, Thúy và tôi với hai đứa em chẳng có gì để sợ người khác lấy đi. Cửa phòng mở ra. Bây giờ chúng tôi mới thấy tận mắt chỗ ở. Rác phủ tràn hết căn nhà, ngập lên khỏi mắt cá. Tên nào ở đây trước kia quả là dân lười biếng nhất thiên hạ. Ngoài rác bừa bãi lại còn một lỗ thủng to ở sàn nhà, trông xuống thấy được sinh hoạt một gia đình người Mỹ bên dưới. Thảo nào David cho mướn được nhà như trút bỏ được của nợ. Tôi phải chạy sang một người Việt ở hàng xóm mượn điện thoại gọi cho David. Tiếng hắn cười thoải mái bên kia đầu dây, bớt ba chục đồng tiền nhà, chịu không? Chịu! Thế là xong vụ nhà ở.
Còn điện thoại, đi xin mắc đường dây gần giống như đi ăn mày. Đào đâu ra bảy mươi lăm đồng để đặt cọc trước, dân không có credit phải chịu điều kiện này. Thật kẹt, đã gần như câm điếc nhưng cần điện thoại lắm. Tiếng Mỹ không thông nhưng tiếng Việt lại thạo. Khổ một điều người Mỹ không chịu nói tiếng Việt. Cuối cùng tôi gặp một người bạn không quen, xót thương đồng hương ký bảo lãnh cho.
Bây giờ gần một năm trôi qua rồi. Bước đầu đã xong nhưng bước sau còn khổ nhọc hơn nhiều. Đã một năm chà lết gần láng tấm thảm nhà rồi. Đi qua lại cái lỗ thủng đó cứ nơm nớp lo sợ từng ngày. Không biết tấm ván gẫy sụp mình bị rơi tòm xuống dưới lúc nào không hay. Sách vở vẫn chất chồng tràn ngập chung quanh. Làm thân Tú Xương mới hiểu được nỗi lòng tiền bối. Chỉ tiếc là văn cạn, thơ dốt không thể nói được như người xưa. Thi rồi lại thi. Chữ chạy vào đầu như hòn bi đụng vào tường sắt. Chữ dội ra lại bị bắt lại nhồi nhét vào bộ óc khốn cùng. Con đường nghiệp chướng thật còn khổ hơn kiểu đường vào tình yêu của Trúc Phương, có trăm lần vui có vạn lần buồn.
Tiếng chuông điện thoại lại reo, lần này kiên cường hơn bao giờ hết. Bảy, tám, chín, rồi mười tiếng. Tiếng reo nín bặt, tức nghẹn như người ngồi nghe nó. Tôi nhất định không nhấc nó lên nhưng tiếng reo hình như vẫn còn vang dội trong đầu, mười một, mười hai, mười ba... Chịu thua. Tôi quay lại nhìn Thúy. Nàng đang đứng bên cửa sổ nhìn tôi. Làm bà Tú Xương suốt năm nay trông nàng gầy gò thật tội nghiệp. Thúy nhìn lại tôi, gật đầu. Thôi mình phải đi vậy. Xin đấng linh thiêng phù hộ cho cái xe nổ máy được hai bận, lần đi và lần về. Thật tham lam không bỏ được, cầu một lần chưa chắc đã xong mà ham hố xin đến hai lần.
*
Á... Á... Đừng la nữa bà già ơi. Nước này tôi vặn cả hai vòi mà, ấm và lạnh đủ cả. Nóng gần muốn lột da. Thế thì trật rồi. Lạnh không được mà nóng cũng không xong. Ấm như vậy là được rồi. Bà già không la nữa chỉ rên ư ử. Tôi lấy tấm khăn lau đầu tóc rồi trùm lên người bà. Tôi kéo lui xe lăn ra sau. Cái lược đen lại rơi xuống sàn gạch. Bà tru tréo lên chưởi bới. Bà Rose nổi tiếng khó chịu trong khu này. Bà đã chín mươi tuổi không còn đi đứng hay mặc quần áo được. Bà không thể tự ăn nên phải có người đút cho. Nhưng miệng lưỡi bà rất tinh anh không già chút nào. Tôi đưa cái lược cho bà, đẩy xe lăn trở về phòng. Chiếc khăn lai tuột xuống trán che mặt bà lại. Bà Rose tiếp tục chưởi không ngớt miệng. Cũng may phước cho bà hôm nay đến phiên tôi, nếu gặp mấy đứa Mễ chắc bà đã thưởng thức một màn nước lạnh và vài cái cú đầu rồi. Đẩy chiếc xe vào bàn ăn, bật chốt gài bánh xe lại. Thế là xong phần bà Rose.
Bây giờ đi tìm ông Daniel. Có lẽ ông già tám mươi lăm tuổi này lại đi lạc qua phòng mấy bà già rồi. Chẳng phải đi đâu xa đã có tiếng la oai oái của mấy bà già cuối phòng. Ông Daniel đang đứng trước cửa. Vẫn như mọi khi, ông bận bộ quần áo màu xanh đậm, nón nỉ xám, tay cầm cây gậy đang gõ nhịp xuống sàn gạch. Mấy bà già kéo mền lên tận cằm kêu réo cầu cứu. Suốt tuần Ông Daniel mặc quần áo như vậy không chịu thay ra ngay cả khi ngủ. Với bộ quần áo chỉnh tề đó ông la cà suốt ngày bên phòng mấy bà già. Mỗi khi thấy ông, họ lại kêu cứu y như các trinh nữ đang bị tấn công. Tôi phải dẫn ông trở về phòng ăn, đặt ông ngồi trên cái ghế đối diện truyền hình màu. Dặn dò ông cẩn thận không được đi đâu. Ông gật gù vâng dạ nhưng không biết được bao lâu.
Xong hai người này đến phiên ông già Jerry. Ông chỉ tám mươi tuổi với dáng dấp khỏe mạnh. Ông chưa phải cao niên nhất trong đám già, nhưng trí óc ông lú lẫn rồi. Ông chỉ thích một chuyện là thoát y đi lang thang trong mấy hành lang. Chúng tôi phải dùng dậy rất chắc cột ông lại trên giường, mối dây phải dấu bên dưới, vì ông là tay chuyên nghiệp tháo dây. Bọn làm việc ở đây rất sợ ông, có đứa đã bị ông nhấc bổng lên ném té lỗ đầu. Chỉ có một cách dỗ ngọt thôi, phải hứa với ông trong ngày thứ bảy hay chủ nhật chúng tôi sẽ gọi các con ông vào chở ông đi chơi thì muốn làm gì cũng được. Bây giờ phải tháo dây bảo ông ra khỏi giường lên xe lăn, cột lại, rồi đẩy ông ra nhà ăn.
Xong phần ông Jerry công việc còn lại nhẹ lắm rồi. Đối với ông Irving thì chẳng phải làm gì cả. Chỉ cần báo cho ông biết phần ăn đã sẵn sàng ông sẽ tự động đi ăn. Ông đã chín mươi tuổi nhưng rất khỏe mạnh và tỉnh táo. Ông tự săn sóc một mình không phải nhờ ai giúp cả. Ông lại là trợ thủ đắc lực của chúng tôi. Ông canh chừng mấy ông già khác rất cẩn thận. Mỗi khi ông Daniel đi qua phòng mấy bà già hay ông Jerry tháo dây định thoát ý, ông Irving chạy đến báo cáo ngay.
Còn vài người nữa phải giải quyết cho xong trước giờ ăn. Phải xem bà Lucille còn thở không. Bà đã chín mươi tám tuổi. Xưa bà là bác sĩ, bị con bỏ từ lâu. Sau khi tiền bạc đã hết, bà vào nằm đây bao nhiêu năm rồi mà chưa... chết. 
Bà không nhúc nhích gì được, chỉ có đôi mắt còn mở ra khép lại thôi.
Tôi đi một vòng xem qua các người khác, trên đường trở về phòng trực phải đưa cho bà Barbara hộp giấy để bà lau nước mắt. Bà Barbara trẻ nhất chỉ mới bảy mươi hai, bà còn đi được nhưng chỉ thích di chuyển trên xe lăn thôi. Bà là chuyên viên khóc trong khu nầy, với thành tích kỷ lục khóc suốt ngày suốt đêm, xài một ngày đến mấy hộp giấy lau.
Mọi người đã được xếp đặt yên ổn chờ đợi buổi cơm chiều. Tôi đi về phía phòng trực lôi một xấp cours trong xách tay chui vội vào cầu về sinh. Tôi dựa vào bồn nước mở xấp bài ra. Không ngờ, bao năm rồi, những tưởng rằng mình có thể ném nó đi được, nhưng bây giờ nó vẫn đứng trước mặt với chữ nghĩa nhảy múa quay cuồng. Nhưng ngày xưa, hơn mười năm trước, thời đồng ca đếm nhịp, nhễ nhại mồ hôi trong quân trường. Cũng trang cours quấn quanh nhựa che tay M-16, mắt nổ đom đóm dưới nắng gắt quân trường. Chữ mờ nhạt dưới ánh đèn cầy bên giao thông hào, Rồi sau đó với bụi lá me bên hồ Stomach, trong quán Ma Soeur, hay dưới cành sứ trắng trong khuôn viên trường y khoa. Chữ nghĩa và niềm đau trộn lẫn bao nhiêu năm. Bây giờ tôi lại ngồi đây, trong phòng vệ sinh nơi xứ lạ, bắt đầu lại sau một nửa đời quanh quẩn.
Có tiếng kêu ngoài hành lang. Tôi nhét xấp bài sau thắt lưng mở cửa ra. Mụ y tá người Phi đang đi tìm tôi. Thấy tôi vừa ló đầu ra từ cầu vệ sinh mụ mừng rối rít, bà Dove gọi ông tới ngay. Bây giờ sao, còn mấy người trong phòng ăn nữa, tôi hỏi. Để tụi kia lo, bà Dove không chịu ai đút ăn ngoại trừ ông thôi, tới lo cho bà mau đi. Được rồi, tôi đi ngay. Lo cho bà Dove xong ông đi ăn được rồi. Cứ thong thả ăn không có gì phải gấp hết. 
Tôi đi về cuối hành lang phía phòng bà Dove. Mọi người trong viện dưỡng lão này đều hết sức chăm sóc lo lắng cho Bà. Ông giám đốc thường xuyên mỗi tuần ghé thăm bà một lần, hỏi thăm sức khỏe, ân cần chìu chuộng mọi yêu cầu của Bà. Điều này không thể xảy ra cho bất cứ người già nào khác. Mấy mụ y tá luôn luôn cẩn thận lo lắng thức ăn, nước uống, thuốc men, chú ý từng miếng vải trải giường, ánh đèn trên trần, và chí cả bình hoa bên cửa sổ. Bà chỉ cần ho một tiếng là có người đến phòng ngay không cần phải bấm chuông chờ đến hàng giờ như các người khác. Bọn phụ dịch phải túc trực sẵn sàng bất cứ lúc nào bà cần đến.
Không có gì phải ngạc nhiên. Bà Dove khoảng tám mươi lăm tuổi bị yếu hai chân không đi được nhưng trí óc còn rất minh mẫn. Bà thừa hưởng gia tài của ông chồng để lại khoảng ba chục triệu đô la. Bà chiếm cả một phòng lớn trong khu dưỡng lão nầy. Có cả ba toán nhân viên thay phiên săn sóc bà ngày đêm. Trong phòng bà trang hoàng lộng lẫy, không thiếu một thứ gì y như một căn nhà sang trọng thu nhỏ lại. Giường bà nằm có thể di động từng phần nơi đầu cổ, xuống lưng và chân. Chưa kể nó có thể được nâng lên hạ xuống rất dễ dàng. Trước mặt bà có cái truyền hình Sony màu hai mươi lăm inches với remote control. Cửa sổ treo màn do đám thợ đến đo cắt cho hợp với màu sắt trong phòng. Gần cửa ra vào để bộ ghế bằng da đặt mua từ bên Ý. Trong góc phòng để bàn ăn với ghế dựa nhún lò xo cho bà. 
Tôi chỉ mới gặp bà Dove chiều hôm qua. Lý do tên săn sóc cho bà thình lình gọi điện thoại vào báo nghỉ việc. Đám Mễ và đen không muốn săn sóc cho bà. Từ trước đến giờ chỉ có đám da trắng săn sóc cho bà. Bọn lãnh đạo từ trước đến giờ không dám để đám da màu chăm lo cho bà. Tôi là tên da vàng mũi tẹt cũng nằm trong số đó. Nhưng hôm qua thiếu người, bọn kia không muốn mất việc bất tử vì kề cận bà Dove. Không biết bà trả cho viện dưỡng lão nầy bao nhiêu mỗi tháng. Chỉ biết bà có ảnh hưởng rất mạnh. Bà có điện thoại ngay bên cạnh giường. Có thể nhấc lên gọi ngay giám đốc bất cứ lúc nào, bất kể ngày hay đêm. Đã có người bị đuổi sau vài giờ săn sóc bà. Không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Chỉ biết sau một buổi tối săn sóc cho bà Dove, ngày hôm sau bị đuổi mất biến, cho nên bọn chúng không dám đến gần bà. Bọn chúng bàn bạc với nhau mới đẩy tôi đi thế mạng. Đi thì đi chớ sợ gì. Cơm áo đã làm con người ta nhút nhát, lòn cuối, đã không phải là chuyện lạ, dù ở bất cứ quốc gia nào. Tôi đâu còn gì phải sợ nữa, hết mức xuống rồi, cùng lắm thì bị xê dịch qua lại thôi. Bỏ nước mà đi, bỏ gia đình cha mẹ người thân, tự cắt lìa cuống rún, tù tội, vượt đại dương, chà lết trong mấy trại tỵ nạn ở mấy quốc gia rồi. Tôi còn sống mạnh, thở khỏe, sợ gì. 
Thật sự bà Dove chẳng có gì đáng sợ cả. Bà cũng chẳng đòi hỏi gì quá đáng. Bọn kia có lẽ quen xối nước lạnh và cú đầu bà Rose, gạt gẫm và nói dối ông Daniel, đánh lộn với ông Jeray, hay hách dịch sai bảo ông Irving, thậm chí còn chọc ghẹo cho bà Barbara khóc nhiều hơn. Đến khi chúng gặp bà Dove, dấu đầu lòi đuôi, hành động đã quen thói, cố chừa nhưng cũng không khá được.
Hôm nay mụ y tá lại gọi tôi lần nữa, vậy là tạm yên, chứng tỏ bà Dove không muốn đuổi tôi. Dù gì cũng có chút đỉnh phụ với vợ trả tiền nhà. Mặc dù căn nhà có cái lỗ to dưới sàn, cứ mỗi lần bước ngang qua tôi lại có cảm giác giống như đang ngủ nằm mơ thấy đột ngột lọt xuống hố. Chỉ sợ không mơ mà lọt tòm xuống tầng dưới mới phiền. Lúc đó quả nhiên cuộc đời còn chỗ đi xuống nữa chứ chưa hết như tôi cứ tưởng bở.
Bà Dove đang ngồi trên ghế dựa, bên bàn ăn trong phòng bà. Thấy tôi vào, bà vừa cười vừa giơ tay ngoắc tôi lại. Thức ăn của bà đã để sẵn trên bàn vẫn còn nóng. Bà bấm tắt truyền hình, chỉ tôi xem gót chân của bà. Ngày hôm qua là ngày đầu tôi gặp bà Dove mà cũng là lần đầu tiên tôi đút cho người khác ăn. Chưa bao giờ tôi làm chuyện này, ngay cả cho cha mẹ tôi. Còn chuyện đi đổ phân và nước tiểu tôi chưa làm cho ai chỉ trừ làm cho bà ngoại lúc tôi còn nhỏ. Cho nên đút cho bà Dove ăn thật là phiền toái. Miệng bà lại móm sọm, không răng, nước xúp nóng tôi lại quên. Tôi phải thổi thức ăn cho nguội. Muỗng xúp đầu tiên tôi đút vào miệng bà làm bà giật bắn người. Cái muỗng rơi ngay xuống. Phản ứng tự nhiên tôi giơ bàn tay kia ra hứng lại. Bà Dove hỏi, tay mầy có bị phỏng không? Đó là điểm đầu tiên, tôi đánh giá nhất định không sai, bà Dove là người rất tốt không như lời đồn tôi đã nghe qua. Tôi nói không, vội chụp miếng giấy lau miệng cho bà. Thấy bộ tướng tôi luống cuống, vụng về, bà cười hỏi, mầy mới vào làm việc phải không? Tôi gật đầu. Bà hỏi, bao lâu rồi? Mới hai ngày, tôi đáp. Từ trước đến giờ mầy chưa từng làm việc này phải không? Đúng vậy, đây là lần đầu tiên tôi đút cho người khác ăn. Được, tao thích như vậy, xúp cũng không nóng lắm đâu. Tôi gật đầu, cảm ơn bà. 
Bà Dove nuốt xong muỗng xúp, mầy có biết mầy là đứa đút ăn dở nhất trong mười lăm năm tao ở đây không, chưa có đứa nào làm việc tệ như mầy vậy. Tôi giật mình nhìn bà không biết mở lời ra sao. Thôi tiếp tục đi. Tôi lại đút xúp cho bà ăn. Bàn tay tôi cứ run lên làm cho xúp chao ra rớt xuống tấm khăn trên ngực bà Dove. Thật tình tôi không sợ bà chút nào lại càng không sợ mất việc nữa. Nhưng câu nói của bà cho biết tôi là tên làm việc dở nhất trong vòng mười lăm năm gần đây làm tôi phải chú ý công việc thật cẩn thận. Nhưng tôi càng để ý bao nhiêu thì tay lại càng run có lúc lại giật một cái. Xúp đổ mấy lần lên tấm khăn trên ngực bà. Tôi đặt chén xúp lên bàn dùng tay còn lại kềm cánh tay cầm muỗng. Cũng chẳng khá gì hơn. Tôi cảm thấy mồ hôi bắt đầu rịn ở hai bên thái dương rồi chạy dài xuống cổ. Tôi thấy mắt hoa lên. Cái miệng móm của bà Dove cứ di chuyển qua lại. Muỗng xúp lại đút trúng gò má bên phải, rồi đụng vào cánh mũi của bà. Cố gắng lần nữa muỗng xúp lại trúng môi bên trái của bà Dove. Thôi phen này bị mất việc chắc rồi.
Bà Dove mỉm cười nói, ngừng lại đi, mầy làm ơn đỡ tao ngồi cao lên một chút. Tôi bỏ cái muỗng lên khay rồi nghiêng người sát bên trái của bà, một tay quàng qua người để kéo bà ngồi lên. Nhưng bà nặng quá, có lẽ gần hai trăm pounds. Tôi hít hơi cố lấy hết sức để nâng bà lên nhưng thật không may, có lẽ xúp bị rơi xuống sàn gạch lúc nãy làm chân tôi bị trợt. Không thể gượng lại nổi nữa, tôi té lăn xuống sàn nhà và bà Dove bị kéo ngả nghiêng trên ghế dựa. Bàn tay bà cố giữ cạnh bàn bị sút ra hất văng khay thức ăn xuống. Xúp, bánh, cocktail văng tung tóe trên sàn. Bà Dove cười ngặt nghẽo có vẻ khoái chí lắm. Tôi lồm cồm ngồi dậy cố đỡ bà ngồi ngay ngắn lại trên ghế. Bà Dove bảo, mầy đi vòng ra sau lưng tao, hai tay lòn dưới nách, hai bàn tay nắm chắc nhau trước ngực tao, như thế, nhấc tao lên. Tôi làm y như lời bà chỉ, quả nhiên dễ dàng thật, khối thịt nặng nề đó được nhấc lên không mấy khó khăn. Bà nói, lau mặt dùm tao rồi chùi sạch sàn nhà, ném hết tất cả vào thùng rác. Tôi làm theo lời bà dặn. Xong rồi, đến ngồi trên ghế này, nói cho tao nghe chuyện của mầy đi, mầy người nước nào vậy? Dạ, người Việt Nam. À, người Việt Nam, tao có thấy một số người Á đông làm việc ở đây, nhưng họ đi qua lại ngoài kia, chưa có ai săn sóc cho tao hết, mầy là người Á đông đầu tiên săn sóc cho tao. 
Tôi nhìn bà Dove không biết phải nói gì. Tôi săn sóc cho bà hay tôi hành tội bà, suýt chút nữa tôi quăng bà té gãy xương rồi. Bà Dove lại hỏi, mầy từ Việt Nam đến đây bao lâu rồi? Gần một năm, tôi đáp. Tao biết mầy không phải người sinh trưởng ở xứ này, nghe giọng nói của mầy tao biết ngay, à, mầy làm nghề gì vậy. Dạ, nursing aid. Không phải, đây không phải nghề của mầy, chưa có tên nursing aid nào quờ quạng như mầy vậy, tao muốn nói nghề trước của mầy kia. Dạ, assembler ráp dây điện. Ờ, mầy làm gì ở Việt Nam vậy. Dạ, làm lính. Không được, lính không phải nghề, ở xứ tao đây rất nhiều nghề những đâu có nghề lính. Tôi đáp, tại bà không biết thôi chứ ở nước tôi là xứ chiến tranh, nhiều người làm nghề lính vinh thân, phát tài lắm. Vậy ngoài nghề lính mầy còn làm nghề gì không? Dạ, y tá. Bà Dove nghiêng đầu nhìn tôi, mặt mầy có lẽ làm y tá được, không đến nỗi làm nursing aid nhưng mầy là y tá mà không biết gì hết vậy. Tại tôi làm y tá ở quê gần giống như rừng vậy, thành ra không rành nhiều công việc ở nhà thương hay viện dưỡng lão của thành phố. Nói dóc, tao nghĩ mầy có làm nghề gì khác, coi bộ mầy không phải y tá đâu. Được rồi nếu bà không tin để tôi nói cho nghe, lúc tôi đở bà dậy thấy hai gót chân của bà bị lở vì họ không xoay chuyển thế nằm của bà thường xuyên. Vậy được, mầy nói đúng, nhưng tao chưa tin đâu. Tôi nói, bây giờ để tôi xếp gối dưới chân bà rồi lau và băng hai gót chân cho bà lại, vết thương sẽ lành mau. Vậy thì mầy làm đi.
Hôm nay bà Dove chỉ cho tôi xem hai gót chân của bà. Tôi mở băng ra, vết thương có vẻ tốt hơn hôm qua. Bà nhìn tôi gật gù, tao nói họ thay băng cho tao và xoay trở tao mỗi bốn giờ, cũng may họ có làm nên trong người tao không bị lở, có lẽ họ quên gót chân nên tao mới bị như vậy. Tốt rồi, để tôi đút cho bà ăn. Không cần, tao tự ăn cũng được. Bà có thể tự ăn được, tại sao bà nhờ người khác đút cho ăn. Tôi trố mắt nhìn bà Dove. Mầy ngạc nhiên lắm phải không? Thật sự tao tự ăn được nhưng mấy chục năm nay, tao có người săn sóc đút cho ăn quen rồi, thậm chí tao quên hẳn là tao có thể tự ăn được. Nhưng có chắc bà tự ăn được không? Tôi hỏi. Sao lại không, tại vì tao gặp mầy mới nhớ ra, hơn nữa mầy làm việc quá tệ, tao nghĩ nếu tao tự ăn chắc chắn tốt hơn mầy đút cho tao nhiều. Chưa chắc. Sao lại không chắc, nhìn đây. Bà Dove cầm lấy muỗng tự múc xúp trong chén đưa vào miệng ăn ngon lành. Tay bà hơi run nhưng thức ăn không rơi ra ngoài. Bà nhìn tôi có vẻ khoái chí. Bà nói, thật ra thỉnh thoảng tao cũng tự ăn khi không có ai, tao không muốn chúng nó thấy được. Bà tự làm được là điều tốt tại sao phải dấu người khác. Mầy ngu quá, tao trả tiền cho chúng nó phải bắt chúng nó làm việc cho tao chớ. Nhưng bà tự ăn vẫn tốt hơn. Chưa chắc mầy nói đúng đâu, chẳng qua mầy là đứa quá tệ nên tao phải tự săn sóc cho bản thân. Vậy cũng được. Mầy còn nói được sao, mầy có thấy cái điện thoại này không, tao chỉ cần nhấc nó lên thì mầy bị đuổi ngay. Tại sao bà làm chuyện ác vậy. Đâu phải ác, chẳng qua chúng nó đều là người máy, chúng nó làm giỏi hơn mầy nhiều, nhưng người máy vẫn là người máy. À, sự thật là như vậy. Bà Dove tiếp, mầy có biết không cứ mỗi lần tao đuổi một đứa tao tự tăng tiền hàng tháng cho bọn chủ ở đây, cho nên tao muốn đuổi ai, thật là dễ dàng. Bà thật là điên. Mầy nói gì? Xin lỗi bà Dove tôi chỉ muốn nói bà không nên làm như vậy. Có nghĩa là mầy sợ tao đuổi mầy. Tôi sợ bị đuổi à, tôi không sợ bà đâu, chỉ có bọn kia sợ bà thôi. Mầy nói thật không? Thật, tôi chỉ tội nghiệp cho bà, tôi bị đuổi thì bọn người máy lại đến chăm sóc cho bà, lúc đó bà sẽ ra sao. Bà Dove cười, mầy làm như mầy giỏi lắm sao, chỉ một chuyện đút cho tao ăn cũng làm không xong. Bà lại hỏi, tại sao mầy nói tội nghiệp tao? Mày có biết tao giàu lắm không? Tôi biết, nhưng bà có tiền chẳng làm gì được, bà nằm đây một mình, có ai thật sự yêu thương bà đâu.
Bà Dove không nói gì, yên lặng nhìn khung truyền hình đã tắt ngúm từ lâu. Tôi cảm thấy hối hận vì câu nói vừa rồi, tôi không có ý định làm tổn thương lòng bà. Tôi chỉ vô tình trả lời câu hỏi kiêu hãnh của bà. Một lát sau bà nói, mầy nói đúng, tao biết điều đó từ lâu, từ ngày chồng tao qua đời. Bà không có con sao? Không, tao chỉ có mấy đứa cháu ở xa, đứa nào cũng dành đem tao về nuôi, nhưng tao biết chúng muốn gì, tao thà ở đây, cảm thấy khoẻ hơn. Tại sao bà bị liệt chân không thể đi được vậy? Mầy thật sự muốn biết sao? Tôi chỉ hỏi bà vậy thôi. Sau khi chồng tao qua đời khoảng hai mươi năm trước tao bị té đập xương sống vào thềm cửa, ban đầu còn đi đứng được nhưng sau đó hai chân tao không thể nhúc nhích, tao phải ngồi xe lăn tự sống một mình suốt năm năm trước khi vào đây. Bác sĩ không nói bà bị tổn hại như thế nào sao? Họ không tìm được nguyên do tại sao, tao đi trị nhiều nơi suốt bao nhiêu năm cũng không kết quả gì. Bà có nghĩ rằng bà sẽ đi được không? Tao không bao giờ nghĩ về điều đó nữa. Trước kia bà làm nghề gì vậy? Mầy hỏi không ăn nhập gì câu chuyện đang nói cả. Tại sao bà nói vậy? Tao nghĩ không liên hệ gì hết. Thì bà cứ cho tôi biết đi, lúc nảy bà đã hỏi nghề nghiệp của tôi mà. Nhưng không có công bằng đâu, tao vẫn nghĩ mầy nói dóc. Bà có bằng cớ đâu mà nói như vậy. Chính như vậy tao mới nghĩ, nếu có bằng cớ tao đã đuổi mầy rồi. Bà đã đuổi nhiều người rồi phải không? Đúng vậy, nhiều đến nỗi tao không thể đếm và không thể nhớ hết. Nhưng bà có chắc rằng trí nhớ bà còn tốt đủ sức cho bà nói lên điều đó hay bà chỉ mới đuổi được một vài người rồi tưởng rằng quá nhiều. Mầy đừng tưởng tao già rồi lú lẫn, tao nhớ hết mọi chuyện. Nhưng bà đâu có nhớ đã làm nghề gì. Đừng mong khích bác cho tao nói, ngày tao đi lấy chồng lúc đó chưa chắc cha mẹ mầy đã được sinh ra đời. Chính vì lâu như vậy bà mới quên. Tao nhớ nhưng tao không thèm nói. Chắc chuyện không tốt đẹp nên bà không muốn cho ai biết. Nhưng tại sao mầy lại cố biết cho được vậy? Tôi sẽ cho bà biết lý do sau nếu bà cho tôi biết điều tôi muốn biết. À, mầy giỏi lắm, tưởng tao già rồi muốn gạt thế nào cũng được sao. Bà không chịu nói thì thôi, tôi chỉ muốn giúp bà. Được, mầy nhượng bộ trước thì tao nói. Tao không có làm nghề gì hết. Thì ra... Thì ra sao? Thì ra bà không có nghề gì cho nên bà không chịu tự ăn và tự đi đứng như mọi người. Tao già lại bị bệnh không thể tự săn sóc được. Không phải già mà cũng không phải bệnh, tại bà đã quen đuoc hầu hạ nên bà không chịu làm. Tại sao tao phải làm, tao có tiền trả thì có người làm việc cho tao, thêm việc cho người ta trong xã hội. Nhưng hôm nay bà tự ăn tôi có việc khác ích lợi hơn để làm. Chưa chắc đúng như mầy nghĩ, tao sẽ chứng tỏ mầy làm công việc rất ích lợi, đó là việc săn sóc cho tao. Chưa chắc ngày mai tôi gặp bà, có thể người khác sẽ săn sóc cho bà. Mầy nói gì, định bỏ việc chạy trốn sao, chỉ cần mầy còn làm việc ở đây chắc chắn mầy phải đến gặp tao. Chào bà Dove. Mai gặp lại mầy. Bà bấm nút vặn truyền hình lên. 
Quả thật như bà Dove nói, mụ y tá trưởng khu đến gặp tôi ngay phút đầu khi tôi bấm thẻ xong. Mụ nhìn tôi vui vẻ nói, anh được lên lương gấp đôi. Tôi được lên lương, bây giờ là... Bắt đầu ngày hôm nay anh được lãnh lương bảy đồng thay vì ba đồng rưỡi một giờ, bà Dove nói anh làm việc rất giỏi, bà muốn từ nay anh chỉ săn sóc một mình bà thôi. Cảm ơn bà, tôi đi đến đó ngay. 
Bà Dove đang nằm dựa trên giường, thấy tôi vào, bà nhỏm dậy nói, đở tao xuống cái ghế dựa kia. Tôi vâng lời kéo thanh sắt và bấm nút hạ giường xuống thấp. Tôi kéo cái ghế lại sát giường, theo cách bà Dove chỉ hôm qua nhấc bà qua bên ghế. Tôi vừa nhỏm người định đứng lên thì xấp bài rơi tụt xuống sàn gạch. Bà Dove cúi xuống nhìn, nhưng không nói gì. Tôi kéo bà lại bên bàn quay mặt về phía máy truyền hình. Bà nói, bắt đầu từ hôm nay, công việc của mầy tại đây như thế này, tao bảo cái gì thì làm cái đó. Được, tôi nghĩ bà không bắt tôi làm chuyện bậy bạ. Mầy cho tao là thứ người gì, bộ mầy tưởng dễ kiếm được ba mươi triệu đô la ở cái xứ này sao. Tôi đâu có nghĩ như vậy. Thế thì tốt, mầy chỉ ở đây trả lời câu hỏi của tao, không phải làm bất cứ công việc nào khác. Tôi sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi của bà. Nhưng tao báo cho biết không dễ đâu, mầy có thể bị đuổi bất cứ lúc nào. Điều đó tôi không sợ, tôi chỉ lo bà sẽ buồn vì những câu trả lời của tôi. Tao sẽ không buồn, không giận, nếu mầy trả lời đàng hoàng. Tôi lúc nào cũng trả lời đàng hoàng, chỉ sợ bà nổi giận rồi đuổi tôi bất tử. Không có chuyện đó đâu. Bây giờ bà hỏi đi. Được rồi, tao hỏi lại, lúc trước mầy làm nghề gì? Tôi đã trả lời cho bà ngày hôm qua rồi. Tao không tin mầy nói thật, tao cho mầy một dịp để nói lại, nếu mầy nói láo tao sẽ đuổi mầy ngay. Bà làm như công an tra khảo người khác, tôi sẽ chạy ra ngoài đó xin nghỉ việc tức thì, bà có gọi cho giám đốc để đuổi tôi thì xong rồi, tôi đã về nhà hay sang làm chỗ khác. Mầy không sợ mất việc sao? Đương nhiên là không, chỉ có bọn người máy sợ thôi. Vậy được, tao không hỏi nghề mầy nữa, nhưng tao biết nghề của mầy ở Việt Nam rồi. Bà chỉ đoán mò thôi. Không phải đâu, chồng tao ngày xưa là bác sĩ có nhiều bệnh viện lắm, trước khi trở thành vợ, tao là y tá của chồng tao.
Tôi hơi chột dạ vì câu nói của bà Dove, có lẽ bà đoán được, hay là bà chỉ nói doạ để tôi khai thật. Tôi cố nói lảng sang chuyện khác, có lẽ ngày xưa bà đẹp lắm. Tại sao mầy biết được, vậy bây giờ tao vẫn còn đẹp phải không? Tôi đáp, da mặt bà nhăn nheo, tóc rụng, miệng móm xọm làm sao mà đẹp được. Nhưng ít ra nhìn khuôn mặt mầy cũng đoán được, bà nói. Cũng còn tùy người, tôi nói bà đẹp là do tôi suy luận thôi. Điều gì cũng phải có nguyên cớ, mầy nói ngày xưa tao đẹp chắc phải có lý do. Đương nhiên rồi, chồng bà là bác sĩ lại giám đốc nhiều bệnh viện chắc phải giàu có lắm. Đúng vậy. Một người giàu lại có địa vị tức nhiên phải lựa một người vợ xứng đáng. Mầy nói như thế nào là xứng đáng. Thế này, vợ ông ta phải đẹp hoặc có lòng tốt hay nói chuyện có duyên thu hút được người khác. Nói chung chung như mầy thì ai nói chẳng được. Tôi chỉ muốn nói là bà nói chuyện với người khác câu trước thì câu sau hăm doạ đuổi người đối thoại rồi, như vậy lúc trẻ chắc bà đẹp lắm nên chồng bà mới mê lấy bà làm vợ. Mầy muốn ám chỉ rằng tao nói chuyện vô duyên lắm sao? Không phải như vậy, bà nói chuyện cũng có duyên nhưng bà tàn ác quá, chỉ vì vài chuyện phật ý cá nhân mà làm người khác mất việc. Lúc trẻ tao hiền và tốt bụng lắm. À, như vậy bà công nhân điều tôi nói rồi. Thì xem tạm như mầy đúng đi, nhưng đừng có tảng lờ về chuyện nghề nghiệp của mầy. 
Tôi biết khó lòng dấu được bà Dove, có lẽ bà thấy xấp cours tôi làm rớt ra lúc nảy nên phỏng đoán thôi. Bà đoán được mới hay, chứ để tôi nói ra thì còn gì hứng thú nói chuyện nữa. Đừng có làm bộ, trong sắc mặt của mầy, tao biết hết rồi, tao chỉ sợ nói ra cho mọi người biết thì mầy lại bỏ việc, mầy tưởng là mầy can đảm nhưng thật sự là một tên nhát gan. Bà Dove quả nhiên thật lợi hại, hèn chi bà tóm được ông chồng giàu hưởng gia tài ba chục triệu đô la. Bà chỉ muốn tôi tự nói ra cho bà biết như một người thú tội. Nhưng không thể nói cho bà biết được, mặc dù có thể bà đã biết rồi. Tôi nói giả lả, bà đã biết tôi không cần nói nữa. Đừng làm như kẻ chiến bại trước khi lâm trận, tao chưa đánh mà mầy đã thua sao. Không phải thua, tôi chỉ nhường bà thôi, tôi chỉ có ba trăm đô la mà vốn liếng bà đến ba mươi triệu đô la, quân của bà đông quá tôi không muốn đánh trong tình thế bất công như vậy. Thôi được, mầy không muốn trả lời thì thôi, nhưng đương nhiên mầy phải chấp nhận mầy là kẻ nhát gan. Bà nói tôi nhát gan vì tôi không trả lời cho bà biết phải không? Đừng nói như vậy, tao không có ý đồ. Vậy thì sao, tôi chưa hỏi nghề nghiệp của bà mà. Ha... ha... đừng làm như tên bại trận điên cuồng, mầy nên nhớ việc của mầy ở đây, bây giờ là để trả lời những câu hỏi của tao thôi. Như vậy chúng ta bắt đầu trở lại, tôi sẽ trả lời bà những câu hỏi nào có thể trả lời được. Bà Dove tiếp, còn câu nào nhắm không trả lời được thì mầy đành bỏ việc phải không? Đương nhiên phải như vậy thôi, tôi đáp. Bà Dove bấm tắt truyền hình ngồi dựa vào ghế nhắm mắt lại. Mầy thấy quyển sách trên bàn không? Dạ thấy. Mở nó ra đặt trên bàn. Xong rồi. Nếu ai có vào thì đọc vài câu trong trang sách đang mở. Để làm chi vậy? Sao mầy chậm hiểu vậy, tao không muốn những đứa khác phân bì công việc của mầy. Nhưng tôi cũng chưa hiểu tại sao tôi phải làm như vậy. Thì xấp cours mầy đang dấu sau lưng đó, không biết để làm gì à? Thôi, bây giờ tao ngủ đây. 
Tôi chăm sóc cho bà Dove thấm thoát gần nửa năm. Mọi việc diễn tiến đều đặn hàng ngày. Bà không hỏi tôi nhiều như lúc đầu nữa. Tôi được thì giờ rảnh suốt buổi để ôn bài. Tôi cố làm những công việc cần thiết cho bà, nhưng bà Dove có vẻ không muốn tôi phải bận rộn. Ngoài công việc bưng khay thức ăn và dọn dẹp bàn tôi không phải làm gì cả. Bà sắp xếp việc tắm rửa và vệ sinh cho phiên sáng từ bảy giờ đến ba giờ rưỡi chiều. Bà chỉ nói chuyện với tôi trong giờ ăn, nhưng càng về sau tôi cảm thấy trí nhớ bà suy giảm dần và sức khỏe bà không tốt như trước nữa. Bà không thể tự ăn được. Bà cố gắng nhiều lần nhưng tay bà run rẩy làm đổ thức ăn ra bàn hoặc rơi lên người bà. Tôi phải đút cho bà ăn.
Một hôm bà đưa cho tôi xem lá thư của người cháu gái gọi bà bằng cô. Người cháu có ý định đem bà về ở chung để có dịp săn sóc cho bà. Tôi xem qua lá thư rồi để lại trên bàn. Theo nội dung lá thư người cháu thật tình lo lắng cho sức khỏe của bà và không muốn bà tiếp tục sống rồi chết giữa những người xa lạ. Người cháu đã viết thư nhiều lần muốn mang bà về nuôi nhưng bà đều từ chối. Lần này bà đem lá thư hỏi ý kiến của tôi. Thật tình tôi không thể trả lời được. Làm sao phán xét con người bà sau khi đọc qua vài lá thư, nhưng tôi biết những người khác đã có dự tính về số phận của bà. 
Vào một chiều thứ bảy tôi gặp người cháu đến thăm bà. Đó là một người đàn bà sang trọng khoảng gần sáu mươi, dáng cao lớn, mặt vuông mắt sâu, chân mày đậm. Lúc bà ấy đến tôi bị mời ra khỏi phòng. Khi tôi trở lại thì bà ta đã đi rồi. 
Bà Dove ngoắc tôi lại gần giường, lúc này bà yếu nhiều, không thể di chuyển ra khỏi giường đến bàn ăn được. Bà cho tôi biết đó là người cháu mà bà đã hỏi ý kiến tôi. Tôi không biết phải nên nói gì về chuyện bà nên đi hay ở lại. Tôi báo cho bà biết tôi phải nghỉ mười ngày để lo việc thi cử. Bà nói sẽ sắp xếp để giữ việc cho tôi khi tôi trở lại. Bà căn dặn ban quản trị của bệnh viện không được sa thải tôi vì lý đó nghỉ việc tạm thời.
Ngày cuối cùng khi tôi từ giã, bà Dove trông yếu rất nhiều. Mặt bà hốc hác, hai mắt lỏm sâu xuống, bàn tay bà run rẩy nắm tay tôi nói chúc may mắn. Tôi nói xong việc sẽ trở lại gặp bà nhưng tôi cảm thấy một sự mất mát nào đó rất lớn sẽ xảy ra trong những ngày tôi vắng mặt. 
Mười ngày sau, khi tôi trở lại thì bà Dove không còn ở đó nữa. Bà không chết nhưng đã đồng ý theo người cháu. Bà để lại vài dòng chữ nói chúc tôi thành công và mong tái ngộ. Ban quản trị bệnh viện dưỡng lão vẫn để tôi làm việc trở lại và phân công việc cho tôi rất nhẹ nhàng. Sau này tôi biết ra tiền lương của tôi là do bà Dove trả trước cho họ cả nửa năm. Có lẽ bà dự đoán trong nửa năm tôi sẽ đủ sức tìm việc khác. Tôi đồng ý với ý kiến của bà, tôi vẫn giữ công việc này với căn nhà của tên David có cái lỗ thủng to trên sàn. Cũng may thời gian trôi qua sàn nhà không gãy sụm và tôi hết bị cảm giác rơi tòm xuống tầng dưới.
Khoảng hai tháng sau, buổi chiều khi tôi sắp xếp cho mấy người già vào phòng ăn thì có tin bà Dove trở về. Nhưng lần này bà không ở trong căn phòng sang trọng như trước nữa. Người cháu cho bà ở trong một căn phòng nhỏ hơn, tầm thường như mọi người khác. Bà còn được ân huệ ở một mình trong phòng riêng không ở chung với các ông bà già khác. Lần này tôi tình nguyện trở lại săn sóc cho bà. Ban quản trị và người cháu cũng không hẹp hòi gì về chuyện đó. Họ căn dặn tôi phải chăm sóc bà cẩn thận. Tôi cảm thấy khác hẳn lần đầu họ phái tôi đi gặp bà Dove. Lần này họ có vẻ lịch sự ngoài mặt chứ không như lần trước đầy vẻ quan tâm và lo lắng. Bà Dove đã quá suy yếu rồi. Không ngờ chỉ có vài tháng mà con người bà sa sút như vậy. Bà nằm yên trên giường không còn nhúc nhích gì được. Bộ óc bà đã hoàn toàn ngưng hoạt động. Chỉ còn đôi mắt bà lờ đờ khi nhắm khi mở. Bà không còn nhận ra tôi nữa. Bây giờ bà Dove thật sự là một cái xác không hồn y như bà Lucille, chín mươi hai tuổi mà tôi đã gặp lúc bắt đầu làm việc. Căn phòng bà ở bây giờ không còn truyền hình, bông hoa, hay bàn ăn gì nữa. Ngay cả giường bà nằm cũng chỉ là cái bình thường như bao nhiêu người khác. Tôi có hỏi ban quản trị xin cho bà tấm nệm êm hơn và cái giường có thể di động từng phần như khi xưa của bà. Họ trả lời, người cháu hiện tại hưởng gia tài kếch xù ấy quyết định cho bà trở về đây và bà ta không muốn chi bất cứ gì xem là xa xỉ cho bà Dove. Trong quyết định của người cháu bà Dove được hưởng đúng qui chế như mọi người già khác, chỉ được một đặc ân là ở phòng riêng thôi. 
Một buổi chiều tôi mang khay thức ăn vào phòng cho bà Dove như thường lệ. Bà vẫn nằm im không cục cựa, nhưng lần này đôi mắt bà đã nhắm hẳn lại. Bà đã vĩnh viễn ra đi không một dấu hiệu từ giả. Thật sự bà đã chết từ khi người cháu mang bà đi. Người ta đã làm gì bà, tôi không biết. Nhưng đương nhiên bằng giấy tờ hợp pháp người ta đã lấy hết tài sản của bà rồi đem ba trở về bỏ thí ở đây. Phải nói tôi đã thọ ơn bà quá nhiều, do đó, niềm đau cũng ray rứt nhiều hơn. Làm gì có thù hận ở đây mà nguyền rủa hay trả thù. Làm gì có án mạng mà tra cứu hay thưa kiện. Mọi việc đều hợp pháp và xem như hợp ý. Bà Dove đã ra đi lặng lẽ và số tiền đó sang tay một người khác. 
Tôi trở lên văn phòng báo tin bà Dove đã qua đời. Mọi người đều bình thản và dửng dưng về chuyện đó. Tôi báo nghỉ việc ngay ngày hôm nay. Họ cũng tỉnh bơ không chút gì ngạc nhiên. Tôi hỏi có cần phải ký gì không. Họ đưa cho tôi một tờ giấy. Ký vào. Thế là xong. Bà y tá trưởng trại thay mặt giám đốc xử lý công việc thường ngày đưa cho tôi khoảng bảy trăm đồng. Đó là số tiền bà Dove đã ứng trước cho tôi còn dư lại. Tôi nhét số tiền đó vào túi bước ra cửa. 
Bên ngoài trời lạnh và gió nhiều. Hình ảnh bà Dove vẫn quay cuồng trong óc, tôi phải sống làm sao suốt quãng đường còn lại trên cái xứ lạnh này, lạnh như tình người dân bản xứ.