hấm thoát, Hạnh đã mười tám tuổi. Bây giờ, cô là một thiếu nữ đoan trang, thùy mị, xinh xắn và đảm đang. Được bao bọc trong tình thương của cha nuôi và cũng nhờ những lời bảo ban của bà bạn cha cô, bà Vinh, cô thật là một thiếu nữ hoàn toàn, trong làng ai cũng yêu, cũng mến. Riêng một người bạn thân từ bé, cậu Quang thì lại yêu mến cô hơn hết. Song từ dạo sau này, đôi bên đều đã lớn, Hạnh vẫn e lệ, không còn thân mật tự nhiên đối với Quang như trước. Hành vẫn nghe cha kể câu chuyện thương tâm của mình ngày bé. Mỗi lần kể lại, cha cô đều xuýt xoa như thể ông vừa thấy một đứa bé dẫm chân trên tuyết lạnh một ngày cuối năm, trong đêm tối, lần đến nhà ông.Và ông thường ví cô là vàng của cha, hay kho báu của cha bằng giọng hãnh diện làm Hạnh vô cùng cảm động. Hạnh nắm tay cha, sà vào lòng ông, trầm giọng nói: - Con yêu cha lắm! Con yêu cha nhất. Con không thể nào tưởng tượng ra được một người cha khác không phải là cha. Con sẽ ở đây mãi với cha, mãi mãi... - Thế ư? Kho báu của cha? Chứ không phải là cô sắp lấy chồng đấy ư? Không phải là cô sắp xa cha cô đấy ư? - Ai bảo thế? - Lại còn vờ! Cha biết hết cả rồi, đừng chối con ơi! Nhưng cha không phật lòng đâu! Con gái lớn phải lấy chồng là sự thường chứ. - Nhưng con chưa lấy chồng, con ở với cha cơ! - Nói dễ nghe chưa? Bác Vinh đã nói chuyện hỏi xin con cho thằng Quang rồi đấy... - Nhưng anh Quang chưa nói gì với con cả mà? Thế cha trả lời bác ấy ra sao? - Cha chả tra lời sao cả, cha bảo còn tùy ở nơi con, nhưng cha đoán con không chê nó phải không? Hạnh không trả lời cha, chỉ nói: - Con muốn ở gần cha. - Nghĩa là thế nào? Hay con không bằng lòng? Phải nói rõ chứ, con gái cha! - Nghĩa là... nghĩa là bằng lòng nhưng anh ấy phải ở với cha con mình cơ. - Nếu nó không bằng lòng thế. Hạnh trả lời không do dự: - Nếu anh ấy không bằng lòng thì thôi, vì con khong thể xa cha. - Kìa, Hạnh! Con làm sao thế? Hạnh rớm nước mắt: - Con không dám dối cha: con cũng yêu anh ấy, những con yêu cha hơn. Cha nghĩ coi, nếu không có cha, thử hỏi con làm sao sống đến ngày nay? - Chuyện! Cha thì phải thương con, phải có bổn phận đối với con chứ... - Vẫn hay là thế, nhưng trường hợp cha con ta khác hẳn, con không phải là máu thịt của cha, bác Vinh có kể cho con biết những khổ cực, vất vả của cha khi con còn bé... Đến lượt cha cô rớm nước mắt, nhưng là những giòng nước mắt sung sướng, tin yêu. Hạnh đăm đăm nhìn cha: ông chưa quá năm mươi mà lưng còng, tóc trắng xóa... Chao! Hạnh thương cha cô biết ngần nào! Chợt có tiếng chó sủa ngoài sân. Người cha giật mình, lau nước mắt, hốt hoảng: - Chết chửa, mẹ con bà Vinh đấy, cha quên nói cho con biết chiều nay họ đến đây. Bậy quá... Hạnh cười: - Con chả sợ chút nào, cha cứ yên tâm! Và cô hôn cha trước khi ra đón khách.
*
* *
Một sáng chủ nhật đẹp trời, sau thánh lễ Hạnh và cha ra về. Chuông nhà thơ lanh lãnh vang lên trong nắng sớm rộn ràng, vui vẻ làm cho cô gái ngỡ như tiếng chuông và tiếng đập của tim cô đang cùng hòa nhịp. Cách cha con cô về phía trước, có mươi thước là ông điền chủ Tấn giờ đã trên dưới bốn mươi, người giàu có nhất vùng, đất đai tăng diện tích cả chiều ngang lẫn chiều rộng theo năm tháng. Bên cạnh người đàn ông sang trọng và phốp pháp đó là bà Mỵ Lan, mảnh mai, nhỏ nhắn với khuôn mắt hiền hậu, nhu hòa. Song thân bà Mỵ Lan đi sau, tuy đã già nhiều nhưng vẫn còn quắc thước, tráng kiện. Cụ Cẩm thì mất đã mãn tang. Sau họ là một số nhân vật quen thuộc của hai cha con bác thợ dệt. Ấy thế mà cô gái không dám ngoái ra sau, vì cô biết trong số này có Quang, cậu con trai quen thân với mình từ bé và nay tình thân đó đổi khác, có một ý nghĩa quan trọng đặc biệt đối với đời cô. Hạnh bỗng lúng túng, hồi hộp khi nghĩ rằng đi sau lưng mình, Quang tha hồ ngắm nhìn cô, Hạnh hơi bực mình vì mái tóc: các cô gái trong làng, cô nào tóc cũng thẳng, chỉ riêng Hạnh là có mái tóc quăn. Cha cô vẫn nói: - Tóc thẳng đẹp chứ, nhưng tóc con quăn mà cha vẫn thấy đẹp như thường. Quang cũng đồng ý với cha cô và ngay mẹ anh ấy, bác Vinh cũng thế. Hạnh có hơi không bằng lòng, vẫn đẹp là thế nào? Cha cô ba phải quá, song Hạnh chả bao giờ trách cha mình, cô cũng không trách bà Vinh, cô chỉ trách Quang thôi. Một là đẹp, hai là xấu, chữ vẫn là nghĩa lý gì? Phải hỏi cho ra lẽ! Hạnh nghĩ. Khi cha con cô đi đến con đường mòn đầy bóng mát thì mọi người cũng tản mát phía sau. Quang tiến lên bắt kịp hai cha con, cất tiếng chào thân mật. Trong thấy Quang, Hạnh lại quên ý định, thành thử câu chuyện không dính dáng chi đến mái tóc quăn: - Cha ơi! Con thích khu vườn của nhà bác Vinh ghê đi. Con mà có khu vườn như thế thì tuyệt, con chẳng ao ước gì hơn... - Phải, khu vườn bác Vinh đẹp thật, mà này – người cha nhìn con gái âu yếm – con thích từ bao giờ? Sao không nói với cha? Cha có thể làm cho con một ngôi vườn như thế, hay nhỏ hơn... - Con thích từ lâu lắm đấy chứ, nhưng cha yếu không cuốc đất nổi, con sợ nói ra sẽ làm cha mệt. - Không đâu, dạo này ngày dài lắm, chiều chiều, cha có thể vỡ ít đất hoang, gây cho con mãnh vườn nho nhỏ trồng hoa. Tuy cha già, nhưng chưa yếu đâu, con gái ạ! Quang chen vào: - Thưa bác, cháu có thể cuốc đất hộ bác. Mỗi chiều một ít, có công việc càng vui tay, ta sẽ sang vườn ông Tấn kiếm ít đất, thế nào ông ấy cũng cho. - Thế thì nhất rồi. Nếu có cháu nhúng tay vào thì chắc sẽ hoàn tất sớm một khu vườn đẹp, Hạnh nó bằng lòng lắm, phải không con? Hạnh sung sướng mỉm cười nhìn cha và người yêu không nói, Quang tiếp: - Nếu bác muốn, bác cháu ta có thể bắt tay vào việc ngay chiều hôm nay. - Thế càng tốt. - Thôi, cháu xin phép bác, cháu về, chiều cháu sẽ đến. Cháo Hạnh, nhé. - Kìa, Hạnh, con phải cảm ơn anh ấy đi chứ. - Con chả cảm ơn ai cả, con chỉ cảm ơn cha thôi, cha ạ! Cô gái nũng nịu nhìn cha nói, rồi khi Quang đi xa, cô gái nắm tay cha, đưa lên môi, giọng cô tinh nghịch: - Con biết ngay mà, anh ấy sẽ cuốc đất hộ cha con mình, không sai. Chao! Con thích quá cha ạ! Con mà có khu vườn thì phải biết. Con hái hoa mỗi ngày cắm bình cho cha ngắm... - Cô ghê lắm nhé! Cô âm mưu lợi dụng người ta! - Con chả lợi dụng, anh ấy muốn thế đấy chứ. - Rồi đây, con phải đền công... - Con sẽ mang hoa đến biếu bác Vinh. Người già thích hoa, phải không ba? Giọng mơ màng, người cha nói, nét mặt tràn đầy hãnh diện, sung sướng: - Phải! Nhưng riêng cha, không có hoa cha vẫn đủ vui, vì cha có con rồi, con là đóa hoa xinh đẹp nhất, mà lại là đóa hoa biết làm vui lòng cha, một đóa hoa biết nói, đặc biệt... Cô gái cười khanh khách: - Gớm! Cha hôm nay văn chương quá đi thôi! Con yêu cha biết bao nhiêu! Sắp tra chìa khoá vào ổ, cô lại ngừng tay, bá cổ cha, hôn. Mười lăm phút sau đó, người cha ngồi xuống ghế, ngắm con gái thoăn thoắt đi lại trong nhà, lòng thầm nghĩ đến một câu chuyện thần tiên lúc bé mẹ kể cho, và ông cất tiếng cười ròn, vui vẻ, Hạnh ngừng tay – cô đang trải cái khăn bàn trắng muốt, sắp dọn bữa cho cha – hỏi: - Cha cười gì thế? - Cha đang nghĩ đến đóa hoa biết đi... - Cha cứ thế, con sẽ ngồi một chỗ cho mà xem! Bữa sáng hôm nay kéo dài hơn mọi ngày, cha con vừa ăn vừa nhẩn nha trò chuyện. Thỉnh thoảng, Hạnh lại đưa tay vuốt ve con mèo nằm khoanh dưới chân nàng. Lòng ngập tràn hạnh phúc, cô muốn chia xẻ với tất cả chung quanh. Biết cha thích sưởi nắng, trước khi thu dọn bát dĩa, cô bắc ghế ra sân trước hiên và đem cái ống điếu theo ra. - Này con! – Cha cô nói trong lúc Hạnh đứng trước mặt ông, hai tay chùi vội vào tấm tạp dề mang trước ngực – đến khi con thành hôn, cha sẽ đưa cái nhẫn của mẹ con... - Ơ! Cha... - Cha vẫn cất đấy, con ạ. Trước khi chôn mẹ con, bác Vinh đã tháo nhẫn ra đưa cha cất và bác ấy dặn chỉ đưa cho con khi con vào tuổi thành nhân. Hạnh xúc động, đứng im. Giọng cha cô trầm xuống: - Hạnh! Còn có để ý thấy cái bụi trước mặt nhà ta kia không? Chính cái bụi ấy, mẹ con gối đầu lên mà chết... - Vâng! Cha đã chỉ cho con thấy từ lâu, bây giờ nó lớn quá... - Cũng như con vậy thôi! Con cũng lớn... - Thưa cha, con muốn xin cha một điều... nhưng con sợ cha không bằng lòng... - Con cứ nói đi! Nào cha đã biết điều gì mà con lo cha không thuận? - Con muốn đánh gốc cái bụi cây ấy, đem trồng ở một góc vườn, cái vườn cha và anh Quang làm cho con ấy mà. - Tưởng gì? Ý kiến hay đấy chứ. Rồi sao nữa? - Xung quanh bụi cây, con sẽ trồng ít hoa trắng. Anh Quang hứa với con là sẽ tìm cho con một giống huệ ra hoa suốt bốn mùa. - Tuyệt! Và ta phải rào kỹ kẻo lừa với cừu nó dẫm nát... - Thưa cha, vâng! Con cảm ơn cha nhiều lắm! - Rõ hay chửa? Việc gì mà cảm ơn cha? Con vui là cha vui chứ? - Cha đã cho phép con mang bụi cây ấy vào vườn... - Chúa ơi! Con bé này, con làm sao thế, hở Hạnh? Con tưởng rằng cha muốn cướp công của mẹ con ư? Cha ích kỷ thật đấy, cha không giấu điều đó, con là con của cha, nhưng thử hỏi nếu mẹ con không sinh con ra thì... - Nhưng thử hỏi nếu cha không nuôi con thì liệu con có được như ngày nay không? - Dù sao, cha không có ý muốn cho con quên hẳn mẹ con. Tội nghiệp bà biết chừng nào! Chắc bà vất vả lắm mà lại đang đau yếu chi đó... - Mẹ con ra sao, hở cha? Hạnh rụt rè hỏi: - Mẹ con rất xinh, nhưng gầy lắm. Ông không muốn tả tỉ mỉ nét mặt phong trần của người đàn bà xấu số, sợ con ông tủi thân. Im lặng một lát rồi Hạnh lên tiếng: - Cha này, con xin cha điều này nhé? Mình chả cần rào bằng cây, nhọc, mà lại... - Không rào thì chả mấy ngày mà tan hoang khu vườn... - Thưa cha, mình rào chứ, nhưng mình rào bằng thứ khác kia. - Thứ gì đấy? Con gái yêu của cha? - Đá, thưa cha! Đó cha coi, quanh đây thiếu gì đá? Con sẽ khuân những viên đá nhỏ, còn anh Quang sẽ khuân những tảng lớn, xếp lên làm tường... - Hay lắm! Cả cha nữa, cha cũng khuân giúp con, dạo này con cứ bắt cha ngồi rỗi, đến buồn. - Con yêu cha quá! Cha tốt quá! Cô gái lập lại một câu đã nói nhiều lần, song mỗi lần cô thốt ra câu ấy, cha cô lại bồi hồi xúc động và sung sướng.