Sau đại hội Tuân Nghĩa, quyền chỉ đạo cuộc Vạn Lý Trường Chinh rơi vào tay Mao Trạch Ðông, và tháng giêng năm 1935, hồng quân bắt đầu từ giã Tuân Nghĩa để tiếp tục cuộc chạy trốn. Chỉ sau ba tháng, kể từ lúc vượt qua con sông Vu Giang, hồng quân thiệt hại hết hai phần ba nhân số và mất hết các súng nặng. Lực lượng hồng quân tuy gồm có bốn quân đoàn, nhưng thực tế chỉ còn 16 trung đoàn chiến đấu và một trung đoàn cán bộ. Trong lúc dừng chân tại Tuân Nghĩa, hồng quân nỗ lực tuyển mộ thêm quân bổ sung, nhưng tổng số cũng chỉ có 35 ngàn.Sau ba tháng đầu tiên, từ thất bại này đến thất bại khác, hồng quân càng lúc càng xa mục tiêu đặt ra lúc ban đầu, và càng ngày càng lạc lõng vào sâu nội địa, tới những vùng đất hẻo lánh hoang vu. Hồng quân sẽ phải vượt qua những vùng rừng núi đất đai hoang dại đến vô tận, đi qua những vùng đất chưa bao giờ được vẽ lên bản đồ. Hồng quân đã thoát được cái bẫy tiêu diệt của Tưởng Giới Thạch tại Giang Tây và sông Tây Giang. Tuy thế quân của Tưởng Giới Thạch vẫn tiếp tục đuổi theo hồng quân như hình với bóng. Tưởng hết sức bận rộn tại Trùng Khánh, huy động thêm quân, và không bao giờ ngừng hoạch định kế hoạch tiêu diệt "Quân Cướp Ðỏ". Trong tay Tưởng lúc đó có 400 ngàn quân, sẵn sàng ngăn chặn hồng quân. Dù hồng quân tiến về ngả nào cũng không thoát được những mũi súng chờ sẵn của quân Quốc dân đảng.Chưa có lãnh tụ quốc gia nào quyết liệt chống cộng đến như Tưởng. Trong hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng khi quân Nhật tấn chiếm nhiều tỉnh miền đông bắc, Tưởng vẫn chỉ hướng toàn lực về cộng quân, và chỉ coi cộng sản là kẻ đại thù của Trung Hoa. Khi cộng quân thoát được màng lưới bao vây tại Giang Tây và sông Tây Giang, Tưởng trông cậy Quí châu sẽ hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt đám tàn quân cộng sản. Khi nhận thấy sự bất lực của quân đội Quí Châu, Tưởng liền huy động quân đội của các tỉnh Tứ Xuyên, Vân Nam và Hồ Nam, và đại quân Quốc dân đảng chặn hồng quân trên đường tiến về sông Dương Tử.Hồng quân đã bắt buộc phải thay đổi lộ trình hai lần. Thoạt đầu hồng quân hủy bỏ kế hoạch tiến tới biên giới Hồ Nam Hồ Bắc để nhập với quân của Hạ Long. Lần thứ hai hồng quân phải từ bỏ ý định thành lập một căn cứ quanh Tuân Nghĩa. Ngày 20-1-1935, Bộ Chính Trị nhóm họp và ấn định lộ trình mới: hồng quân sẽ tiến tới căn cứ của Trương Quốc Ðào tại vùng tây bắc Tứ Xuyên. Lần chuyển hướng này cũng chỉ là một quyết định liều lĩnh, vì Mao và Bộ Chính Trị không biết gì về hiện tình tại căn cứ của Trương Quốc Ðào. Mao tưởng rằng Trương Quốc Ðào có một trăm ngàn quân và một căn cứ rất hùng mạnh tại tây bắc Tứ Xuyên. Mao không biết sự thực lúc đó lực lượng của Trương Quốc Ðào bị áp lực mạnh của quốc quân đến nỗi phải rút lui tới tận biên giới Tây Tạng.Hoàn cảnh của hồng quân trong cuộc Trường Chinh cũng không phải là đen tối lắm. Sau những tổn thất lớn lao về nhân sự, hồng quân bây giờ có đủ súng trường và súng máy. Tại Tuân Nghĩa hồng quân tịch thu được khá nhiều súng Mauser. Vào thời đó súng Mauser được coi là vũ khí phổ thông nhất, và được chính phủ Quốc dân đảng chế tạo. Quân Quốc dân đảng là nguồn cung cấp vũ khí chính cho hồng quân. Ðám tàn quân còn lại dạn dầy kinh nghiệm chiến trường, và có khả năng lưu động rất cao. Họ tiến quân rất nhanh, và mỗi ngày có thể đi bộ tới năm mươi dậm. Ðôi khi họ chạy qua núi, vượt qua sông vài ngày liền. Con đường tây tiến của hồng quân chỉ là núi, hết dẫy núi này lại đến dẫy núi khác, và giữa hai dẫy núi họ thường phải vượt qua một con sông.Hồng quân có vẻ lên tinh thần sau khi Mao đứng ra lãnh trọng trách thay thế Bác Cổ. Ñt nhất họ cũng được biết tại sao họ phải ra đi và sẽ đi đâu. Phần lớn hồng quân đều nhỏ con nhưng rất rắn chắc. Vào lúc từ giã Tuân Nghĩa, hồng quân có vẻ hồi phục sinh lực rất nhiều, sau khi được nghỉ ngơi trên mười ngày và được ăn uống no đủ. Khi hồng quân mới tới Tuân Nghĩa thì mỗi người được cấp phát hai quan tiền để tự do ăn uống tại các nhà hàng. Chỉ trong hai ngày, đám quân đói khát này đã ăn hết những món ngon nhất tại Tuân Nghĩa. Món khoái khẩu nhất của họ là khoai môn hấp với thịt cừu, cá, thịt gà và rau cải. Mọi người còn mua thêm được dép rơm mới, và một số có đủ tiền mua được dép da. Những túi gạo trên lưng họ đầy hơn, và thuốc men của đoàn cứu thương cũng dồi dào hơn.Mao cũng cảm thấy lạc quan. Bây giờ hồng quân lại trở thành quân đội Chu-Mao ngày trước tại chiến khu Tỉnh Cương Sơn. Tại đó Mao đã làm một bài thơ 16 chữ chỉ đạo cho hồng quân:Ðịch tiến ta luiÐịch dừng ta tiếnÐịch mệt ta đánhÐịch lui ta đuổi.Ðây là chủ yếu của chiến tranh du kích và đã giúp đạo quân Chu-Mao phát triển. Bây giờ Mao có nhiệm vụ phải bảo vệ quân đội đó khỏi cảnh diệt vong. Sau Tuân Nghĩa là một sự đổi mới hoàn toàn. Không những Mao nắm quyền lãnh đạo mà hồng quân còn độc lập với quyền lãnh đạo của Mạc tư khoa. Chính bối cảnh này đã khai sinh một sự liên kết chính trị mới giữa Mao và Chu Ân Lai. Sự liên kết ấy đã kéo dài suốt cuộc đời chính trị của hai lãnh tụ này. Ngay trước đó, Chu Ân Lai là đối thủ của Mao. Chu Ân Lai đến chiến khu Giang Tây tháng 12-1931 để đoạt chức vụ bí thư đảng của Mao. Ðến tháng 10-1934, Chu lại thay thế Mao trong chức vụ chính ủy.Ðúng ra Chu Ân Lai phản đối việc bãi chức của Mao, và đòi hỏi phục hồi chức vụ cho Mao, nhưng Chu tuân theo quyết định của Bộ Chính Trị, và tháng 5-1933, Chu trở thành chính ủy của toàn thể hồng quân. Chu đã trở thành một trong tam đầu chế lãnh đạo hồng quân, cùng với Bác Cổ và Lý Ðức. Trong một thời gian, Mao đã thực sự bị loại ra khỏi hồng quân. Chu Ân Lai đã đứng về phe Bác Cổ và Lý Ðức, bác bỏ chiến lược và các đề nghị của Mao. Ðó là bản chất của Chu Ân Lai, bao giờ cũng đứng về phe nào mạnh. Nhiều năm sau, Chu Ân Lai buồn rầu thú nhận trong suốt thời gian từ năm 1932 cho tới lúc khởi đầu cuộc Trường Chinh, Chu không hề tham khảo bàn luận với Mao về một vấn đề gì.Thái độ của Chu Ân Lai là do tinh thần kỷ luật của ông. Mặc dầu Chu chủ trương phải cho Mao tham dự các vấn đề quân sự, nhưng khi Bộ Chính Trị bãi chức của Mao thì Chu không phản đối quyết định này. Chu vẫn tỏ lòng kính trọng Mao. Sau buổi đại hội khi Mao bị loại khỏi quyền hành, Chu cưỡi ngựa sóng đôi với Mao, và bầy tỏ ước vọng Mao sớm trở lại với hồng quân. Chu vẫn tự nhận mình chỉ là "quyền chính ủy", ngầm ý rằng một ngày nào đó Mao sẽ trở lại với chức vụ chính ủy. Thỉnh thoảng Chu cũng chuyển tài liệu quan trọng cho Mao đọc. Vợ Chu Ân Lai là Ðặng Dĩnh Siêu cũng có một thái độ dè dặt và khôn ngoan như chồng. Năm 1976, khi Chu Ân Lai chết và quần chúng biểu tình đông đảo tưởng niệm Chu tại công trường Thiên An Môn, và nhóm Tứ Nhân Bang chỉ trích cuộc biểu tình thì bà hoàn toàn im lặng, không dám lên tiếng. Bà cẩn thận chờ mãi đến khi Mao chết và nhóm Tứ Nhân Bang bị bắt rồi mới dám tỏ bầy quan điểm.Chu phản ứng khác với Mao trước những quyết định của đảng. Trong mọi quyết định, Mao đều lên tiếng và muốn quan điểm của mình phải thắng thế. Trước và sau khi nắm quyền lãnh đạo đảng cộng sản Trung Hoa, Mao thường bất đồng quan điểm với Stalin. Tuy thế trong những năm 1930, vì hoàn cảnh bắt buộc nên Mao thường nhượng bộ Stalin, đặt ưu tiên của Nga sô trước các vấn đề Trung Hoa, với mục đích gìn giữ Nga sô như là thành trì của cách mạng thế giới.Nhưng khi đủ mạnh rồi thì Mao không tuân lệnh Stalin nữa. Sau đệ nhị thế chiến, Stalin phản đối cuộc chiến của Mao chống lại Tưởng Giới Thạch. Stalin yêu cầu Mao phải chấp nhận một chính phủ liên hiệp với Quốc dân đảng, nhưng Mao cực lực bác bỏ ý kiến này. Thực tâm Stalin cũng không muốn có một nước Trung Hoa thống nhất và mạnh vì quyền lợi riêng của Nga sô. Cuối năm 1948, khi Mao tiến quân vào tỉnh Hà Bắc, sửa soạn chiếm Bắc Kinh và tiến xuống miền nam, Stalin phái Mikoyan sang gặp Mao để yêu cầu Mao không được tiến xuống phía nam sông Dương Tử, và không được tấn công Tưởng Giới Thạch. Mao từ chối không nghe lời Stalin, và hết sức trình bày cho Mikoyan biết là việc nam tiến là cần thiết. Mao gửi trả Mikoyan về Mạc tư khoa, và ngày 1-1-1949 Mao viết một bài xã thuyết như để trả lời cho Stalin: "Hãy tiếp tục cuộc cách mạng tới cùng. Những kẻ khuyên nhân dân nên thương hại kẻ thù và bảo vệ lực lượng phản động chính là bạn của kẻ thù."Chu Ân Lai được coi là một người "ngoại quốc" trong đảng, vì Chu đã sống nhiều năm tại Pháp và Ðức, và lưu lại khá lâu tại Mạc tư khoa. Ông là một người thành thị, và có lẽ ông thoải mái thích hợp với thành phố Ba Lê hơn là ở các vùng quê Trung Hoa. Chu sinh trưởng trong một gia đình quan lại sang trọng, chứ không lớn lên giữa những đống phân bò như Mao Trạch Ðông. Chu không biết xử dụng những thành ngữ nhà quê như Mao, và cũng không có trực giác về nông dân như Mao. Chu và vợ là hai người bạn trí thức, ý hợp tâm đầu, ràng buộc với nhau bằng những kinh nghiệm chung tại Âu Châu và trong các đô thị lớn của Trung Hoa. Ðây là một mối tình vợ chồng bền chặt nhất trong cộng đảng Trung Hoa.Chu nổi tiếng là một chính khách có tài ngoại giao, và cực kỳ trí thức. Chu cũng có nhiều kinh nghiệm về quân sự sau khi giữ chức giám đốc chính trị tại trường quân sự Hoàng Phố. Chu cũng đã học quân sự tại Nga sô và áp dụng bài học quân sự trong những ngày đẫm máu tại Thượng Hải và cuộc nổi dậy tại Nam Xương. Khi cuộc Trường Chinh bắt đầu, Chu đã chiến đấu trên ba năm tại miền nam Trung hoa. Với những tài năng và kinh nghiệm đã có, Chu được coi là một lãnh tụ lớn của cộng đảng Trung Hoa. Sau đại hội Tuân Nghĩa, Chu ủng hộ Mao hết mình. Có thể Chu là một người trở cờ khôn ngoan, "phù thịnh" để giữ phần cho mình, và cũng có thể là Chu nhận thấy Mao có khả năng hơn Bác Cổ, và Mao có thể dẫn hồng quân tới chiến thắng. Không biết lý do nào đúng, nhưng trong suốt cuộc đời, Chu không bao giờ dám thách đố quyền lực của Mao. Người ta vẫn chưa biết rõ được những yếu tố phức tạp đưa Chu đến quyết định thần phục Mao và phò tá Mao hết lòng như thế. Trong bất cứ chức vụ gì của Chu sau Tuân Nghĩa, Chu quả thực chỉ là một tham mưu trưởng, một quân sư hay cố vấn cho Mao Trạch Ðông. Sự hợp tác chặt chẽ giữa Mao và Chu rất ít có trong lịch sử chính trị Trung Hoa. Người ta cố tìm cách soi sáng những cảm nghĩ dấu kín của Chu Ân Lai, nhưng chưa có kết quả. Khi tướng Dương Thượng Côn hỏi Ðặng Dĩnh Siêu về thái độ của Chu Ân Lai, thì bà trả lời: "Chồng tôi không bao giờ nói với tôi một điều gì mà chồng tôi nghĩ là tôi không nên nghe."Thực ra Mao và Chu là hai con người khác hẳn nhau, mà lại tâm đầu ý hợp như vậy. Ðại sứ Vương Bình Nam gọi Mao là một người "nội hóa", một người nhà quê lần mò tới bến tầu Thượng Hải tiễn biệt các bạn bè xuống tầu đi du học Pháp quốc, trong một chương trình "làm việc và học tập" mà Mao tham gia tận tình. Mao chỉ muốn ở lại trong nước. Người ta giải thích Mao quay về là vì không đủ tiền hoặc gặp khó khăn không học được tiếng Pháp, hoặc Mao cảm thấy không được thoải mái bên cạnh những người bạn ăn mặc sang trọng và giàu có hơn. Nhưng sử gia Lý Giụ tin rằng Mao không hề có ý định xuất ngoại. Mao tin rằng bạn bè cần phải tham dự vào văn hóa tây phương và đem về những điều ích lợi cho Trung Hoa. Nhưng chỗ của Mao học hỏi và hoạt động phải là Trung Hoa. Lý Giụ cho rằng nếu Mao cũng xuất ngoại thì nhóm nòng cốt trong nước sẽ tan rã.Lý Giụ nghĩ Mao tin rằng Trung Hoa cần phải cải cách và xây dựng lại, và chính mình là người thi hành sứ mạng đó. Mao cũng tin rằng mình phải là người lãnh đạo và cảm thấy trách nhiệm phải ở lại Trung Hoa. Mao không mấy quan tâm đến tây phương. Sự kiện này cũng đã gây nhiều xung đột giữa hai phe "ngoại hóa" và "nội hóa". Nhiều người nghĩ rằng Mao lúc nào cũng ganh ghét vẻ thanh lịch cũng như sự nổi tiếng khắp thế giới của Chu Ân Lai. Tuy thế sự liên kết giữa hai người rất khác nhau này không bao giờ rạn nứt. Hai người khác nhau nhưng bổ túc cho nhau. Mao đóng vai một triết gia, một thi sĩ, một người mơ mộng không tưởng, một người có tài khai thác và xử dụng quần chúng, một người có tài biến kẻ thù thành đồng minh hữu dụng. Chu Ân Lai thành công trong vai trò một người thực tiễn, một nhà ngoại giao, một người điều khiển những vấn đề hàng ngày của guồng máy nhà nước.Nhiều năm sau, khi Mao và Chu đã lên tới tột đỉnh quyền lực rồi, vào lúc Chu sống sót được cuộc Cách mạng Văn hóa điên cuồng bằng trí óc minh mẫn và bằng sự can đảm và ngôn ngữ tài tình, trong lúc Mao để mặc Chu phải đương đầu với khó khăn mà không hề ra tay cứu giúp Chu, thì Chu vẫn nhẫn nhục tuyên bố: "Chúng ta chỉ là học trò của Mao chủ tịch, nhưng chúng ta không thể nào làm bằng Mao chủ tịch được." Ðây là một sự thần phục hoàn toàn. Nhưng cuộc cách mạng cuối cùng do Mao phát động đã làm đảo lộn Trung Hoa và xô đẩy Trung Hoa xuống vực thẳm. Nếu Mao còn sống sau những thất bại lớn lao như thế, liệu Mao có đáng khâm phục như Chu Ân Lai quan niệm không?Nhiều quan sát viên ngoại quốc công nhận Chu Ân Lai là một người điều hành kế hoạch nhà nước xuất chúng, một nhà hành chánh thực tế đã hướng dẫn quốc gia vượt qua khỏi những cơn khủng hoảng hỗn loạn do chính Mao gây ra, như trong kế hoạch Ðại Nhảy Vọt, và cuộc Cách mạng Văn hóa. Khi Chu chết năm 1976, quần chúng ngưỡng mộ ông, và ví ông như Gia Cát Lượng trong truyện Tam Quốc, và trí tưởng tượng của quần chúng đã thêu dệt nhiều huyền thoại về ông.°Ngày 5-2-1935 khi hồng quân rời bỏ Tuân Nghĩa và tiến tới một thị trấn nằm giữa biên giới Quí Châu, Vân Nam và Tứ Xuyên thì Lạc Phủ chính thức thay thế Bác Cổ trong chức vụ bí thư Ủy ban Trung ương. Mao được đề cử làm "phụ tá" cho Chu Ân Lai trong các vấn đề quân sự, cùng với Vương Gia Tường. Trong bộ ba mới này thì tiếng nói của Mao là tiếng nói quyết định.Hành động đầu tiên của Mao là liên lạc với Nga sô và thông báo về sự thay đổi nhân sự tại Tuân Nghĩa. Lúc đó không có một phương tiện liên lạc nào, ngoài việc sai người đưa tin. Người đưa tin đầu tiên là Phan Hán Niên, một người chuyên trách những sứ mạng bí mật liên lạc với các sứ quân. Khi Phan Hán Niên tới Thượng Hải thì không tìm thấy một đơn vị cộng sản nào. Tất cả mọi cơ sở đã bị mật vụ Quốc dân đảng quét sạch.Ðến tháng 5-1935, một người thứ hai lãnh nhiệm vụ liên lạc là Trần Vân. Trần Vân cải trang thành một lái buôn và tới Thượng Hải gặp bà Tống Khánh Linh, góa phụ của Tôn Văn. Bà Khánh Linh tìm cách gửi nhóm Trần Vân đi tầu thủy của Nga sô tới Vladivostok. Tại Mạc tư khoa, Trần Vân viết và xuất bản một bài báo với nhan đề: "Cuộc Tây Tiến Oai Hùng", nhưng không được ai để ý, và những gì xảy ra tại Tuân Nghĩa vẫn là một bí mật. Trần Vân không nói gì về sự thay đổi quyền lãnh đạo quân sự và chính trị. Tháng 1-1935, Phan Hán Niên trở lại Thượng Hải, đem theo những mật mã mới để thiết lập sự liên lạc giữa Mạc tư khoa và hồng quân Trung Hoa. Người ta cho rằng một trụ sở liên lạc đặt tại nhà của Tống Khánh Linh, trên đường Molière trong khu tô giới Pháp. Nhưng nhiều bạn thân của Tống Khánh Linh phủ nhận điều này, viện lý rằng làm thế nào một máy truyền tin có thể hoạt động được trong lúc binh sĩ Quốc dân đảng canh gác bên ngoài nhà.Tuy nhiên chính Phan Hán Niên đã được giao phó công tác liên lạc giữa Mạc tư khoa và bà Tống Khánh Linh bằng cách giả làm thư ký cho bà Khánh Linh. Phan Hán Niên là một người có khả năng xuất sắc, và đã trở thành một cộng sự viên thân tín của bà Tống Khánh Linh, cho mãi tới năm 1953 thì bị chính quyền Trung cộng bắt giam và bị buộc tội làm gián điệp cho người Nhật. Sau hai mươi năm bị giam giữ, Phan Hán Niên chết trong tù. Nhưng sau khi Mao chết, và nhóm Tứ Nhân Bang bị bắt, Phan Hán Niên được phục hồi danh dự.°Ngay lúc khởi đầu cuộc Trường Chinh, Ðặng Tiểu Bình đang trải qua một giai đoạn đen tối. Ðặng Tiểu Bình đã bị cách chức khỏi các chức vụ quân sự và chính trị, bị công khai buộc tội và bị giam giữ. Không những thế Ðặng còn bị vợ ly dị. Ðặng được cho đi theo cuộc Trường Chinh, nhưng bị xung vào toán lao công khuân vác cho phòng chính trị quân đội. Nhưng sau đại hội Tuân Nghĩa, số phận của Ðặng bắt đầu sáng sủa. Ðặng leo dần lên các bậc thang chính trị, và gia nhập nhóm của Mao. Vào lúc đó, Ðặng mới có ba mươi tuổi, và là con của một viên chức chính phủ tại Tứ Xuyên, cách Trùng Khánh 60 dặm. Thân phụ Ðặng là một người di cư từ miền bắc xuống Tứ Xuyên và là một sĩ quan trong quận lỵ. Ðặng có người anh sau làm thị trưởng Vũ Hán và một em gái làm việc tại viện đại học Bắc Kinh. Thân mẫu Ðặng chết sớm, và ba anh em họ Ðặng được người kế mẫu nuôi dưỡng.Ðặng Tiểu Bình bỏ nhà ra đi xa rất sớm, và học trung học tại Trùng Khánh. Năm 16 tuổi, Ðặng gia nhập một toán 92 sinh viên du học tại Pháp. Tại Ba Lê, thoạt đầu Ðặng làm việc cho hãng chế tạo xe hơi Renault, và sau đó làm việc cho một công ty xe lửa. Trong thời gian sống tại Pháp, Ðặng rất nghèo và thường phải nhịn đói. Ðặng kể với Dương Thượng Côn: "Tôi sung sướng mỗi khi có đủ tiền để mua một cái bánh Croissant và một ly sữa." Ðặng tin rằng thân hình nhỏ thó cao một thước rưỡi của mình là do thiếu ăn lúc nhỏ. Thời kỳ sống tại kinh thành Ba Lê đã để lại cho Ðặng một sự thèm thuồng suốt đời được ăn cơm Tây, đặc biệt là bánh Croissant. Năm 1974, khi được phái sang New York để đại diện cho Trung Hoa tại hội nghị kinh tế Liên Hiệp Quốc, Ðặng được cấp ba mươi quan tiền làm tiền tiêu vặt, trị giá khoảng 16 đô la. Ðặng định đem hết số tiền này ra mua bánh Croissant ăn cho thỏa thích một bữa. Nhưng đại sứ Hoàng Hoa đề nghị nên chờ đến lúc về ghé qua Ba Lê hãy mua bánh Croissant, vì bánh Croissant tại Pháp ngon hơn. Ðặng đồng ý, và khi ghé Ba Lê, Ðặng mua một trăm ổ bánh Croissant, đem về chia cho Chu Ân Lai và các bạn học cũ vốn nghiện bánh Croissant từ những ngày còn lang thang trên vỉa hè của kinh đô ánh sáng. Thời gian Sihanouk lưu vong tại Bắc kinh, Sihanouk thường nấu cơm Tây và gửi đến mời Ðặng.Trong thời gian xuất ngoại du học, Ðặng Tiểu Bình thường làm việc chứ không học hành mấy. Ðặng đã học chủ nghĩa Mác xít từ các công nhân Pháp và gia nhập đảng cộng sản Pháp trước khi gia nhập chi nhánh cộng đảng Trung Hoa tại Âu Châu do Chu Ân Lai sáng lập. Ðặng quen biết Chu Ân Lai trong dịp này và tích cực hoạt động trong Mặt Trận Thanh Niên Xã Hội của Chu Ân Lai. Năm 1926, Ðặng trở về Trung Hoa, ghé lại Mạc tư khoa vài tháng và theo học viện đại học Tôn Dật Tiên cùng với Tưởng Kinh Quốc, con trai của Tưởng Giới Thạch. Tại Trung Hoa, Ðặng làm việc một thời gian với sứ quân Phùng Ngọc Tường. Ðặng giúp thành lập trường quân sự cho Phùng Ngọc Tường tại Tây An. Sau khi Tưởng Giới Thạch làm chủ Thượng Hải, Ðặng trở về Vũ Hán và sau đó trở lại Thượng Hải và hoạt động trong bóng tối. Ðặng đã từng làm bí thư cho Ủy ban Trung ương. Ðến năm 1929, Ðặng được thăng lên làm chính ủy cho các quân đoàn đệ thất và đệ bát tại Giang Tây. Hai quân đoàn này chỉ có vài ngàn quân du kích và không phải là quân đội thực sự. Trong nhiệm vụ này, Ðặng thường sang Việt nam luôn. Ðệ bát quân đoàn hoạt động tại Long Châu, ngay tại biên giới Việt nam và Quảng Tây. Ðặng thường đi tầu thủy tới Hương Cảng, rồi từ Hương Cảng đi Hải Phòng, và đi xe lửa ngược lên Long Châu.Khi đến chiến khu Giang Tây năm 1931, Ðặng Tiểu Bình được giao phó chức vụ bí thư đảng, nhưng không giữ được chức này lâu. Lúc đó Mao đang bị nhóm thân Nga tấn công nặc danh, và một số người thân Mao bị Bác Cổ hạ tầng công tác. Ðặng bị chuyển tới trông coi sở Tuyên Truyền cho ủy ban đảng tại Giang Tây. Ngày 15-4, Lạc Phủ viết một bài báo chính thức tấn công Ðặng Tiểu Bứnh, và lập tức Ðặng bị cách chức. Khi cuộc Trường Chinh bắt đầu, Ðặng bị giao cho một đơn vị "cải tạo", và những người được cải tạo trong đơn vị này thường bị hành hạ thể xác. Một bài báo khác của Lỗ Mân đòi hỏi cần phải trừng phạt tàn ác không thương xót những người theo phe Mao, đặc biệt là Ðặng Tiểu Bình. Ðúng lúc đó vợ của Ðặng ly dị chồng và kết hôn với Lỗ Mân, một người cao lớn đẹp trai hơn Ðặng. Người ta nghi ngờ có thể vì yêu vợ của Ðặng mà Lỗ Mân tìm cách hãm hại Ðặng. Vợ Ðặng Tiểu Bình là người Quảng Ðông và rất tài hoa, đã từng giữ chức bí thư đảng. Vợ Ðặng bỏ chồng kết hôn với Lỗ Mân và hai người đi hết cuộc Trường Chinh tới Diên An thì ly dị nhau.Ðặng Tiểu Bình bị kết tội đi theo "đường lối phú nông", vì Ðặng chủ trương không nên tấn công giới trung nông, mà chỉ tịch thu ruộng đất của giới địa chủ giầu có rồi chia cho nông dân nghèo mà thôi. Ðặng cũng chủ trương chia quân đội thành từng vùng hơn là tập trung thống nhất dưới sự chỉ huy của trung ương. Ðặng cũng ủng hộ chiến thuật của Mao để cho quân Quốc dân đảng xâm nhập vào khu sô viết rồi đánh phục kích. Trong thời gian bị tổ cải tạo giam giữ, Ðặng đã phải viết mấy bản tự kiểm thảo, thú nhận đã đánh giá quá thấp chiến thuật tấn công của hồng quân, nhưng vẫn không làm vừa lòng những người buộc tội Ðặng. Ðặng nổi giận la lên: "Tôi không thể nói hơn nữa. Ðiều tôi viết là đúng."Một hôm Ðặng bị dẫn trở về phòng giam thì gặp Ðường Dĩ Hiền, vợ của một phó thủ tướng. Ðặng nói với Ðường Dĩ Hiền: "Tôi đói quá. Tôi không có đủ để nhét đầy dạ dầy của tôi." Ðường Dĩ Hiền tội nghiệp cho Ðặng và bỏ tiền mua hai con gà, làm thịt rồi gọi lính gác dẫn Ðặng tới nhà mình ăn tối. Ðặng tới và ăn hết ngay một con gà, và ôm theo con kia về để dành sẽ ăn sau. Vì tội cho Ðặng ăn thịt gà nên khi chọn người đi theo cuộc Trường Chinh, chỉ mình chồng Ðường Dĩ Hiền được cho đi và sống sót, còn Ðường Dĩ Hiền phải ở lại.Cuộc đời của Ðặng Tiểu Bình đầy những lúc lên voi xuống chó. Sau thời gian điều tra, Ðặng bị hạ tầng công tác, và phải về lao động tại miền quê. Người ta không biết Ðặng làm những gì trong thời gian bị "đi đầy" đó. Người ta chỉ biết khu vực Ðặng bị phái tới là một vùng nguy hiểm, một vùng cộng quân và Quốc dân đảng thường xuyên quần thảo với nhau. Chính vì thế sau mười ngày, Ðặng được gọi trở về khu vực sô viết, vì Bộ Chính Trị sợ rằng Ðặng có thể đầu thú Quốc dân đảng, và tiết lộ nhiều bí mật của đảng.Trong cuộc Trường Chinh, Ðặng Tiểu Bình được cử làm bí thư của sở chính trị, dưới quyền của Vương Gia Tường. Khoảng ba tháng sau, Ðặng xin từ chức để trở thành chủ bút của tờ báo quân đội Sao Ðỏ. Nhưng trong cuộc hành trình chạy trốn vất vả đó, người ta không thể xuất bản và in tờ báo Sao Ðỏ được, vì thế công việc duy nhất của Ðặng là cưỡi ngựa chạy theo đoàn quân đang mải miết chạy trốn. Trong các cuộc đại hội quan trọng tại Lập Bình và Tuân Nghĩa, Ðặng đều có tham dự với tư cách thư ký của đại hội, chăm chú ghi biên bản của đại hội, nhưng về sau các biên bản này cũng bị thất lạc.Khi hồng quân tiến tới gần rặng núi Tuyết Sơn, Mao ra lệnh cho mọi người trong các đơn vị hỗ trợ cũng phải giữ những nhiệm vụ quân sự. Vì thế Ðặng Tiểu Bình gia nhập đệ nhất quân đoàn để điều khiển ngành tuyên truyền chính trị. Vào lúc hồng quân tiến tới bắc Thiểm Tây thì Ðặng bị bệnh sốt thương hàn nặng và không thể làm việc trong một thời gian dài.Ðặng Tiểu Bình thường hay bị Mao Trạch Ðông trách mắng. Có lần Mao la mắng Ðặng cố tình ngồi ở cuối phòng trong lúc Mao đang trình bầy quan điểm. Mao cho rằng Ðặng Tiểu Bình có bệnh tai nghễnh ngãng mà ngồi xa thế thì làm sao nghe được những điều Mao nói. Nhưng khi Chu Ân Lai bị bệnh ung thư gần chết, và Ðặng đang bị thất sủng trong cuộc Cách mạng Văn hóa, thì Mao phục chức cho Ðặng và khen Ðặng là "một chiếc kim bọc trong bông gòn", nghĩa là Ðặng là một người rất sắc bén nhưng lại tế nhị. Mao nói về Ðặng: "Tâm trí Ðặng Tiểu Bình tròn nhưng hành động rất vuông." Chính Mao đã cứu mạng sống cho Ðặng Tiểu Bình trong cuộc Cách mạng Văn hóa.Khi Mao lãnh đạo cuộc Trường Chinh thì Ðặng Tiểu Bình không còn bị đầy đọa nữa. Ðặng được Mao giao phó nhiều chức vụ quan trọng. Ngôi sao của Ðặng ngày càng sáng chói trong lúc đó vai trò của Lý Ðức, cựu tư lệnh hồng quân, ngày càng lu mờ thêm. Sau đại hội Tuân Nghĩa, Lý Ðức biết rõ số phận mình nên yêu cầu Mao cho phép gia nhập đệ nhất quân đoàn của Lâm Bưu, để có dịp học hỏi những kinh nghiệm chiến thuật của Mao. Lý Ðức thu thập đồ dùng riêng rồi lên ngựa vội vã tiến về hướng đệ nhất quân đoàn. Sau vài ngày lặn lội thì Lý Ðức gặp được Lâm Bưu, nhưng Lâm Bưu rất lạnh nhạt với Lý Ðức. Người thông ngôn trước kia phục vụ cho Lý Ðức được bổ nhiệm vào một chức vụ khác. Kể từ đó, Lý Ðức chỉ còn giữ vai trò một quan sát viên.