Trận Ðánh Lớn Tại Sông Tây Giang

Hồng quân thắng liên tiếp ba trận đầu trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh một cách dễ dàng, và vượt được ba phòng tuyến của Tưởng Giới Thạch. Các phòng tuyến này có nhiệm vụ bao vây không cho hồng quân tẩu thoát khỏi Giang Tây. Các chiến lược gia sau này phân tích cho thấy cuộc Vạn Lý Trường Chinh không phải chỉ gồm có súng đạn mà thôi. Thực ra hồng quân phải chiến đấu ba mặt trận cùng một lúc: chiến đấu chống lại đại quân của Tưởng Giới Thạch, chiến đấu chống lại sự khắc nghiệt của thiên nhiên, và quan trọng nhất là cuộc chiến đấu bên trong đảng cộng sản, lãnh tụ chống lại lãnh tụ và chính sách này chống lại chính sách kia.
Người ta chưa biết rõ mặt trận nào là yếu tố quyết định đưa tới chiến thắng hoặc thất bại. Cho đến ngày nay vấn đề vẫn chưa hoàn toàn sáng tỏ. Trong suốt cuộc di tản, không một lúc nào núi cao, đèo sâu sông rộng, mưa tuyết, sương mù, sa mạc nóng cháy, đầm lầy, đói khát, hoặc những chuyến đi bộ vô tận, gây nguy hiểm cho hồng quân nhiều hơn sự truy kích của quốc quân. Và trong những giờ phút sinh tử đó, các binh sĩ vẫn cảm thấy một cuộc chiến quyết liệt sinh tử khác giữa các lãnh tụ cao cấp trong đảng. Các lãnh tụ cộng sản, khi thì âm thầm khi thì công khai, hạ độc thủ nhau để bảo vệ chính sách của mình, để chiếm quyền lợi địa vị cho mình, và cũng vì xung khắc cá tính với nhau.
Các tư lệnh hồng quân là những cấp chỉ huy có khả năng và kinh nghiệm. Họ đã trải qua nhiều năm chiến đấu du kích, chiến đấu bên nhau hết chiến dịch này đến chiến dịch khác. Họ hiểu rõ địa hình chiến trường và cũng hiểu rõ quần chúng. Họ cũng hiểu rõ địch quân và biết được ưu điểm và nhược điểm của chính họ. Trải qua nhiều năm chiến đấu, mỗi đơn vị tạo được sở trường riêng. Ðệ nhất quân đoàn của Lâm Bưu thì xuất sắc về phục kích và tấn công bất ngờ. Không ai vượt qua được Bành Ðức Hoài và đệ tam quân đoàn về kỹ thuật tấn công trực diện, và đánh cận chiến. Họ đã học hỏi được xảo thuật nghi binh và lừa dối để đương đầu với một địch quân hùng mạnh hơn nhiều. Họ tiến rất nhanh, xuất hiện tại chiến trường tức khắc trong lúc địch quân tưởng họ vẫn còn ở xa. Họ di chuyển dễ dàng mau lẹ và biết cách tự túc lương thực ngay tại những nơi họ đi qua, thường là áp lực dân chúng phải cung cấp cho họ. Phần lớn hồng quân là những binh sĩ rất trẻ, và thường là những nông dân rất lực lưỡng mạnh mẽ. Họ có thể đi bộ suốt ngày và đến nửa đêm, và chỉ sau vài giờ ngủ, hoặc đôi khi không được ngủ, họ vẫn có thể lâm trận và chiến thắng.
Hoàn cảnh xã hội quá phong kiến của Trung Hoa đã là một chất xúc tác, nâng cao tinh thần của các đơn vị hồng quân có nhiều tuổi đảng. Họ chiến đấu một cách nhiệt thành và chấp nhận mọi nguy hiểm bất trắc. Tuy nhiên các phần tử tân tuyển ngay trước khi cuộc Vạn Lý Trường Chinh bắt đầu thì khác hẳn. Vì hoàn cảnh cấp bách, các binh sĩ tân tuyển chưa được huấn luyện quân sự đầy đủ và cũng chưa được học tập chính trị. Họ không biết họ đang đi đâu và sẽ làm gì, một phần cũng vì chính các lãnh tụ cao cấp cũng chưa tin tưởng vào con đường hồng quân đang đi.
Dù lý do nào đúng thì hồng quân cũng phải trả giá cho sự thiếu sót này. Những binh sĩ tân tuyển chưa được nhồi sọ thành những con người máy, chỉ biết nhắc lại những giáo điều cộng sản, nên bắt đầu thụt lùi ngay khi cuộc di tản bắt đầu. Một số khác thì đi uể oải vô trật tự, không đuổi kịp các đơn vị nòng cốt. Phần lớn đã bỏ phiếu bằng chân như các binh sĩ Nga gốc nông dân trong hồng quân Nga đã rời bỏ quân đội ngay đêm cách mạng 1917. Các binh sĩ trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh cũng vậy; nhiều người bắt đầu quay trở về khi họ thấy rằng nếu đi xa nữa thì sẽ không hy vọng tìm được đường trở về cố quận.
Ngay lúc bắt đầu cuộc di tản, hồng quân được trang bị vũ khí rất đầy đủ. Hồng quân có t?i 33,243 khẩu súng đủ loại, trong đó có 651 súng hạng nặng. Ngoài ra hồng quân có tới 38 khẩu moọc-chê được tháo rời ngay từ đầu. Hồng quân chở theo gần hai triệu băng đạn, gần ba ngàn đạn moọc-chê và gần 80 ngàn lựu đạn. Ðối với thời đó thì đây là một lực lượng vũ trang đáng sợ. Tuy nhiên quân đội Quốc dân đảng hùng mạnh hơn nhiều. Tưởng Giới Thạch đã huy động được 100 trung đoàn, gồm khoảng từ 300 tới 400 ngàn quân để săn đuổi 90 ngàn quân chạy trốn.
Ngay khi biết được cuộc di chuyển của hồng quân thì Tưởng Giới Thạch tức khắc ra lệnh truy kích. Ngày 30-10, Tưởng ra lệnh cho hai viên tướng thiện chiến là Sử Du và Chu Hùng Viện phải đem bốn sư đoàn truy kích hồng quân, và liên kết với các sứ quân Quảng Ðông và quân miền tây của sứ quân Hồ Nam. Hai tuần sau Tưởng bổ túc thêm kế hoạch truy kích cộng quân. Tưởng phong sứ quân Hồ Giản của tỉnh Hồ Nam làm tổng tư lệnh lực lượng truy kích, và yêu cầu Hồ Giản kết hợp với Sử Du và Chu Hùng Viện bao vây và phục kích hồng quân tại sông Tây Giang, một con sông chảy từ miền nam lên miền bắc qua Giang Tây, vào địa phận tỉnh Hồ Nam. Ba viên tướng truy kích có trong tay 15 sư đoàn, tức khoảng 70 trung đoàn. Tưởng yêu cầu các sứ quân Quảng Tây và Quảng Ðông góp thêm 30 trung đoàn nữa để giúp diệt cộng quân tại vùng tam giác sắt, ngay tại sông Tây Giang.
Ðây là một kế hoạch rất tinh vi và quỷ quyệt của Tưởng, vì Tưởng nhắm một đòn đánh hạ được hai con mồi. Nếu các sứ quân giao chiến với hồng quân mà bị tiêu hao bớt sức mạnh thì Tưởng sẽ có cơ hội thâu tóm luôn các sứ quân. Hồng quân không còn cách nào trốn tránh một địch quân đông đảo đang chờ đợi mình, nên bắt buộc phải vượt con sông Tây Giang, con đường duy nhất để tiến về phía bắc và gia nhập với đạo quân của tướng Hạ Long và đệ nhị quân đoàn tại miền tây Hồ Nam.
Với một lực lượng quốc quân truy kích hùng mạnh như thế, hồng quân phen này có triển vọng bị tiêu diệt trên bờ sông Tây Giang. Sau những trận đụng độ nhẹ trong ba lần phá vòng vây, hồng quân đóng quân trên những ngọn đồi để nghỉ ngơi và dự định sẽ vượt sông Tây Giang bằng cầu nổi trong đêm tối. Dường như có một sự bất thường trong hàng ngũ quốc quân, nên trong những ngày đầu tất cả các đơn vị hồng quân tưởng chừng sẽ vượt qua được sông Tây Giang một cách dễ dàng.
Vòng vây thứ tư nằm ngay tại sông Tây Giang, trong địa phận tỉnh Quảng Tây của Bạch Sùng Hy. Bạch sứ quân là một người rất thù ghét cộng sản. Ðáng lẽ Bạch Sùng Hy sẽ tung hết sức mạnh tiêu diệt đám tàn quân cộng sản, nhưng viên sứ quân khôn lỏi này đặt ưu tiên tự vệ mình trước hết. Bạch sứ quân cũng hiểu được thâm ý của Tưởng muốn mình kiệt quệ rồi sẽ ra tay tiêu diệt mình, sau khi cộng sản bị đánh bại. Chính vì thế Bạch Sùng Hy cố gắng bảo tồn sức mạnh của Quảng Tây bằng cách để ngỏ một hành lang rộng 13 dậm tại Quan Châu, ngay trên bờ sông Tây Giang, và để mặc đám tàn quân cộng sản qua sông Tây Giang trên đường tiến tới rặng núi Ngũ Lĩnh Sơn, nằm giữa biên giới Quảng Tây và Hồ Nam. Người ta tin rằng đã có sự đồng ý ngầm giữa Bạch Sùng Hy và các lãnh tụ cộng sản, vì quân cộng sản chiếm giữ những điểm vượt sông trong suốt một tuần lễ mà không thấy quân Quảng Tây xuất hiện. Người ta sẽ thấy sự thành công của hồng quân trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh một phần lớn nhờ sự phản bội của các lãnh tụ hoặc tư lệnh quốc quân, vì tư lợi hoặc bị hồng quân mua chuộc.
Hồ Giản nhận chức tư lệnh quốc quân ngày 14-11-1934 với nhiệm vụ truy kích quốc quân. Sử Du tiến quân nhằm phía sườn phải và phía bắc của hồng quân. Từ phía sau, Chu Hùng Viện có nhiệm vụ tấn công hậu quân của đoàn quân đang chạy trốn. Hồng quân vội vã tiến gấp rút về hướng sông Tây Giang, vẫn theo đội hình thường lệ. Lâm Bưu và Bành Ðức Hoài dẫn đệ nhất và đệ tam quân đoàn đi tiên phong. Ðệ cửu quân đoàn mở đường cho lộ quân trung ương. Lộ quân trung ương lúc này có vẻ nhẹ nhàng hơn trước vì rất nhiều đồ đạc nặng đã phải vất bỏ lại, và hầu hết phu khuân vác đã bỏ trốn. Ðệ bát quân đoàn gồm thành phần tân tuyển bảo vệ cánh trái của Ủy Ban Quân Sự Trung Ương, trong đó có các nhân vật then chốt như Bác Cổ, Lý Ðức, Chu Ân Lai, Chu Ðức, Lạc Phủ và Mao Trạch Ðông.
Ðằng sau lộ quân trung ương là một nhóm phu khuân vác, gồm có một số binh sĩ bị phạt kỷ luật, một số sĩ quan bị giáng cấp và một số tù binh. Cuối cùng là đệ ngũ quân đoàn có nhiệm vụ đoạn hậu. Càng lúc quốc quân càng quấy rối gây khó khăn cho hồng quân. Bốn sư đoàn quốc quân tiến lên chặn đầu hồng quân tại Quan Châu ở phía bắc sông Tây Giang. Quan Châu là một tòa cổ thành có tường bao bọc nằm giữa biên giới Quảng Tây và Hồ Nam. Khi các toán tiền thám của hồng quân tới chân thành Quan Châu, họ trông thấy quân của Hồ Giản đã chiếm được thành này rồi. Bộ tư lệnh hồng quân bắt buộc phải lựa chọn một quyết định: phải tấn công Quan Châu, hoặc đổi hướng tiến về phía nam để vượt sông Tây Giang tại một địa điểm khác.
Các đơn vị hồng quân đã được lệnh gặp nhau tại khu tam giác sắt trên bờ sông Tây Giang. Hồng quân không biết rằng họ đang tiến vào một cái bẫy do Tưởng đặt ra để tiêu diệt họ. Vùng tam giác mà Tưởng muốn đặt bẫy làm thịt hồng quân bắt đầu từ Quế Lâm, một khu vực nổi tiếng là một thắng cảnh với những ngọn núi đá chồng lên nhau lẩn trong sương mờ, và những dòng sông trong vắt lượn quanh những ngọn đồi thơ mộng. Ða số họa sĩ và thi nhân Trung Hoa đều say mê khung cảnh khác lạ của của Quế Lâm. Thung lũng Tây Giang là con đường giao thông quan trọng giữa Quảng Tây và Hồ Nam. Con sông đào đã được khơi tại đây dưới thời Tần Thủy Hoàng, để nối liền sông Tây Giang và sông Ly Giang. Trận đánh đẫm máu nhất giữa hồng quân và quốc quân xảy ra ngay tại đệ nhất thắng cảnh của Trung Hoa.
Mặc dầu hồng quân thất bại không thể tiến tới Quan Châu trước quốc quân, nhưng các đơn vị đầu tiên của hồng quân cũng qua được sông Tây Giang ngày 25-11 tại phía nam Quan Châu. Một số đơn vị của đệ nhất và đệ tam quân đoàn cũng bắt đầu qua sông ngày 26-11. Chính lúc đó Bạch Sùng Hy chuyển quân từ phía nam với mục đích bảo vệ Quế Lâm, nhưng thực ra họ Bạch cố tình bỏ ngỏ một hành lang cho hồng quân đi qua. Ngày 27-11, các đơn vị của đệ nhất và đệ tam quân đoàn vượt qua sông mà chỉ gặp sức kháng cự yếu ớt của quốc quân. Sau đó các bộ phận chính yếu của hồng quân, gồm cả lộ quân trung ương, bắt đầu qua sông. Nước sông cạn đến nỗi phần lớn binh sĩ lội qua sông mà không cần cầu hoặc thuyền. Ðúng ra hồng quân có thể qua sông trong vòng hai hoặc ba ngày, và chỉ bị thiệt hại tượng trưng mà thôi. Nhưng sự chậm trễ của phu khuân vác và sự vụng về của các binh sĩ tân tuyển đã thay đổi hẳn kết quả.
Kế hoạch vượt sông Tây Giang của hồng quân đã tiến hành rất tốt đẹp trong vài ngày đầu, nhưng ngay sau đó, hồng quân bắt đầu gặp bất lợi. Trong lúc tạm nghỉ tại một quận lỵ phía tây sông Giao thì trung đoàn 4 của đệ nhất quân đoàn nhận được khẩu lệnh phải tiến quân cấp tốc, và phải chiếm được Ðào quận trước quốc quân. Là một địa điểm trên sông Giao, Ðào quận kiểm soát một cái đèo quan trọng trước khi tới sông Tây Giang. Sáng hôm sau, bằng mọi giá, trung đoàn 4 phải lên đường ngay. Trên đường tiến quân, trung đoàn 4 gặp một toán nông dân và được nông dân cho biết có một cây cầu nổi vượt qua sông Giao tại Ðào quận. Cầu nổi này do nhiều thuyền đánh cá ghép lại với nhau.
Khi còn cách Ðào quận khoảng 8 cây số về phía nam, trung đoàn 4 trông thấy ba phi cơ quốc quân xuất hiện. Tất cả trung đoàn phải nhào xuống nấp và may mắn không bị các phi cơ này khám phá. Ðến chiều tối trung đoàn 4 tới được bên ngoài Ðào quận. Ðào quận được hào sâu và tường cao bảo vệ. Ðến nửa đêm, một trung đội được lệnh bơi qua sông và mau lẹ chiếm được các thuyền của quốc quân, và đến sáng thì họ tiến được vào thị trấn. Các toán tuyên truyền bắt đầu tổ chức một cuộc biểu tình, và phân phát một phần các thực phẩm quần áo cướp được của nhà giầu cho dân chúng để lấy cảm tình.
Ngay đêm đó, trung đoàn 4 bỏ Ðào quân và mau lẹ vượt qua sông Tây Giang. Binh sĩ trung đoàn 4 lên tinh thần vì họ qua sông một cách dễ dàng, quá sự mong đợi của họ. Nhưng chính lúc hồng quân đang hồ hởi qua sông thì một trận đánh đẫm máu nhất đang chờ đợi họ. Tình hình bỗng trở nên khẩn trương cho hồng quân. Từng đoàn phi cơ quốc quân xuất hiện và nhào xuống oanh kích hồng quân. Rồi hàng trăm ngàn truyền đơn từ phi cơ thả xuống với những lời lẽ hăm dọa: "Hỡi quân cướp cộng sản! Chúng ta được lệnh chờ đợi các ngươi. Chúng ta đang chờ đợi. Mau lên! Chúng ta đã sắp đặt một cái bẫy nhỏ cho các ngươi!"
Hồng quân biết rằng một trận đánh đẫm máu sắp xảy ra và địch quân đang chiếm ưu thế. Ðệ bát quân đoàn được lệnh phải tiến gấp tới sông Tây Giang, còn cách khoảng 8 dặm về phía bắc, trong lúc phi cơ quốc quân pháo kích như mưa. Ðệ bát quân đoàn vẫn cố gắng tiến lên, và vào lúc trời tối thì tới được một thị trấn ngay tại chân núi Quế Lâm. Theo sau đệ bát quân đoàn là sư đoàn 34. Sư đoàn này càng lúc càng khốn quẫn. Các đơn vị tiền phương tung nỗ lực phá vỡ vòng vây của quốc quân đã bố trí sẵn sàng trong các pháo đài. Các pháo đài của quốc quân xây cất rất kiên cố bằng xi măng cốt sắt, trong khi vị trí cố thủ của hồng quân chỉ làm bằng tường đất, nhưng được tăng cường bằng các hào sâu cắm đầy chướng ngại vật chung quanh.
Ðể chặn đứng hỏa lực từ các pháo đài quốc quân, hồng quân phải leo lên tường và ném lựu đạn vào các lỗ châu mai. Nhiệm vụ của các đơn vị tiền phương là vô hiệu hóa hỏa lực của các pháo đài địch để các đơn vị khác qua sông. Mặt trận tại sông Tây Giang những ngày đầu tương đối nhẹ. Tại các nhánh sông, sông Tây Giang chỉ rộng chừng ba trăm bộ và chỉ sâu tới thắt lưng. Nước sông lạnh và chảy siết, nhưng hồng quân vẫn cố gắng qua được.
Tại phía hậu quân, các binh sĩ đệ bát quân đoàn tiến lên nhưng vẫn nghe tiếng súng nổ dữ dội từ phía sư đoàn 34 đang cố gắng bảo vệ thị trấn dưới chân núi Quế Lâm. Khi lực lượng chính của đệ bát quân đoàn vượt qua sông Tây Giang, quốc quân bắt đầu pháo kích dữ dội, trong khi đó hỏa lực từ phía sư đoàn 34 vẫn liên tục không ngừng. Ðó là lần cuối cùng người ta nghe thấy âm thanh của sư đoàn 34. Sư đoàn này bị tiêu diệt hoàn toàn, trừ vợ chồng viên sư đoàn trưởng trốn thoát được.
Trong một lúc, đệ bát quân đoàn tiến quân và qua sông trong một sự yên lặng lạ lùng. Bỗng từng tràng súng máy xé tan sự im lặng đó. Viên tư lệnh chết gục ngay trong loạt đạn đầu tiên. Quốc quân đang mai phục bao vây trong các khu rừng rậm và trên những ngọn đồi ở cả hai bên sườn hồng quân. Ðệ cửu quân đoàn may mắn vừa đi ngang qua mà không bị quốc quân tấn công. Thực ra quân Quảng Tây cũng vừa mới tới khoảng một giờ trước, đúng lúc đệ bát quân đoàn đi vào ổ phục kích. Rồi từng đoàn phi cơ quốc quân ào tới, và từng loạt súng máy từ phi cơ quạt vào đám quân đang tuyệt vọng chạy tới bờ sông. Ðêm tối đến và hồng quân mệt nhoài; nhiều người mệt quá đến phải gục xuống ngủ. Ðến gần sáng thì hồng quân tiến tới được một con đê dọc theo sông Tây Giang.
Chiến trường về phía hồng quân thật là thảm hại. Sách vở, giấy tờ, và các bản đồ quân sự nằm rải rác vung vãi khắp nơi. Ðây là thư viện của hồng quân do phu khuân vác đem theo bị trúng bom. Nếu nhìn kỹ, người ta có thể trông thấy những vở kịch của Lý Bộ Giao. Lý Bộ Giao phải bỏ lại một số sách vở và kịch bản cho nhẹ để kịp vượt qua sông Tây Giang. Lý Bộ Giao qua sông một cách vất vả hơn người khác, vì nàng vốn nhỏ bé không thể lội qua sông được. Cuối cùng Lưu Bá Thừa có một con lừa và cho phép Lý Bộ Giao nắm vào đuôi con lừa; nhờ thế nàng qua sông an toàn, nhưng phải một phen sợ hãi.
Ðến đây hồng quân vừa đói vừa mệt, và không ngủ được mà vẫn phải tiến tới. Khoảng 8 giờ sáng phi cơ quốc quân lại xuất hiện. Quốc quân di chuyển bộ tư lệnh về phía trước 100 dặm để chặn đường hồng quân, và tung ra những đợt tấn công liên tục. Hồng quân không còn một lựa chọn nào khác hơn là cứ tiếp tục tiến dưới làn mưa đạn của quốc quân. Nếu họ dừng lại thì họ sẽ không thể nào vượt qua sông đúng thời hạn, và sẽ bị quốc quân tiêu diệr. Họ biết rằng đằng nào cũng chết, bây giờ hoặc vài ngày nữa, vì thế họ đành tiến bước. Không có gì khó khăn hơn là cứ phải tiến vào tầm đạn pháo kích của phi cơ. Hàng loạt hồng quân ngã gục.
Hồng quân bỏ mặc những người bị thương, và cố gắng chạy tới bờ sông một cách tuyệt vọng. Nhưng khi tới bờ sông Tây Giang, thì họ không được phép qua sông nữa. Ðúng lúc đó hồng quân lâm vào một tình trạng nguy hiểm nhất, vì phải đối phó với một trận tấn công khủng khiếp của một địch quân đông đảo có hỏa lực mạnh mẽ đang chờ đợi họ. Ðây là những ngày nguy hiểm của hồng quân, những ngày từ 30-11 đến 1-12-1934.
Các đơn vị tinh nhuệ của đệ nhất và đệ tam quân đoàn đã qua sông Tây Giang rồi, nhưng các đơn vị khác, gồm những người bị thương, đàn bà và các đơn vị hậu vệ vẫn còn ở bên này sông. Sự rút lui đúng lúc của Bạch Sùng Hy đã mở một sinh lộ cho hồng quân, nhưng bây giờ tình thế đã thay đổi. Hồ Giản đã đưa được bốn sư đoàn vào mở cuộc tấn công vào sườn phía bắc của hồng quân. Và nguy hiểm nhất là đúng lúc đó Bạch Sùng Hy quay lại tấn công hồng quân, để chứng tỏ cho Tưởng Giới Thạch biết quân đội Quảng Tây của Bạch Sùng Hy cũng thi hành trách nhiệm của mình.
Hồng quân đang ở vào tình thế hiểm nghèo nhất vì lực lượng bị chia hai, một nửa đã qua sông và một nửa còn kẹt lại bên này sông. Cuộc tấn công của Hồ Giản bắt đầu ngày 28-11. Trận chiến trong ba ngày sau đó là một trận đánh ác liệt nhất trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh. Hai trung đoàn 4 và 5 của hồng quân được lệnh đương cự mặt phía bắc để bảo vệ lộ quân trung ương. Về mặt nam, quốc quân cũng mở một mặt trận nữa dọc theo con đường nằm giữa Hồ Nam và Quí Châu. Hồng quân bố trí hai bên đường, mỗi bên một tiểu đoàn. Ngay sau đó viên tư lệnh hồng quân bị trúng đạn vào đầu gối và bị loại ra ngoài vòng chiến.
Trong suốt ngày 30-11, cuộc chiến mỗi lúc một thêm ác liệt. Hồng quân phải rút lui tới điểm phòng thủ thứ hai. Lâm Bưu và các tư lệnh nghiên cứu tình hình và đêm đó gửi một điện tín cho Ủy ban Quân sự Trung ương như sau:
"Kính gửi Chủ tịch Chu Ðức.
"Nếu ngày mai địch quân tiếp tục tấn công nữa với vị trí thuận lợi của chúng thì chúng tôi không thể đảm bảo có thể cầm cự được với điều kiện vũ khí đạn dược và số binh sĩ còn lại của chúng tôi. Ủy ban Quân sự Trung ương phải di chuyển quân bên phía đông ngạn sông Tây Giang ngày hôm nay. Sư đoàn 1 và sư đoàn 2 sẽ tiếp tục cầm cự với địch quân ngày mai."
Vào lúc 3:30 sáng ngày 1-12, Lâm Bưu nhận được một điện văn trả lời, yêu cầu đệ nhất quân đoàn phải tiếp tục chống trả cuộc tấn công của quốc quân:
"Trận đánh ngày 1-12 sẽ ảnh hưởng đến toàn thể quân đội ta. Tiến được về miền tây sẽ mở đường cho sự phát triển tương lai của ta. Bất cứ một sự chậm trễ nào cũng làm cho quân đội ta bị địch cắt ra từng mảnh. Các tư lệnh đệ nhất và đệ tam quân đoàn phải xuống chiến đấu tại cấp bậc tiểu đoàn để gây tinh thần chiến đấu cho binh sĩ. Hãy cho các binh sĩ và cấp chỉ huy hiểu ý nghĩa của trận chiến ngày hôm nay: chúng ta hoặc chiến thắng hoặc bị tiêu diệt..."
Ðệ nhất quân đoàn cố thủ trong suốt trận chiến dữ dội ngày 1-12. Khoảng gần trưa thì quân đoàn nhận được tin đại quân và lộ quân trung ương đã qua được sông Tây Giang. Chưa bao giờ đệ nhất quân đoàn phải đương đầu với một trường hợp hiểm nghèo như vậy. Lần đầu tiên bộ tư lệnh của đệ nhất quân đoàn bị tấn công. Lúc đó bộ tư lệnh đặt tại một sườn núi. Bất chợt một binh sĩ tiến vào báo cáo quốc quân đang tiến lại gần. Viên chính ủy Nhiếp Vĩnh Trăn không tin báo cáo và chạy ra quan sát. Nhiếp Vĩnh Trăn kinh hoàng trông thấy một toán quốc quân chĩa súng cắm lưỡi lê đang tiến lên núi. Nhiếp Vĩnh Trăn vội ra lệnh cho đơn vị truyền tin tháo rời máy truyền tin và di chuyển đi nơi khác, và huy động mọi người trong bộ tư lệnh ra chiến đấu ngăn chặn toán quốc quân đang tiến lên núi.
Ðệ nhất quân đoàn có bổn phận phải bảo vệ cho lộ quân trung ương, một đơn vị đi chuyển rất chậm chạp. Ðệ nhất quân đoàn cũng phải bảo vệ các đơn vị mới thành lập khác, như đệ bát và đệ cửu quân đoàn. Ðây cũng là nhiệm vụ khó khăn mà nhiều đơn vị khác cũng phải chia xẻ. Chẳng hạn đệ bát quân đoàn phải dừng lại tại đông ngạn sông Tây Giang để lãnh nhiệm vụ đoạn hậu cho sư đoàn 34, nhưng sư đoàn này đã đi theo một con đường khác và bị tiêu diệt trọn vẹn. Ðệ bát quân đoàn còn phải chờ đợi bên bờ sông Tây Giang cho đến khi tất cả các đơn vị khác qua được bên kia sông. Cho đến lúc đó thì đệ bát quân đoàn đã chịu những tổn thất quá nặng nề.
Chiều tối ngày 1-12, một sĩ quan của đệ bát quân đoàn còn mắc kẹt tại đông ngạn sông Tây Giang, kêu gọi Nhiếp Vĩnh Trăn nhờ tiếp cứu. Nhiếp Vĩnh Trăn cho biết không còn cách gì cứu được toán quân mắc kẹt ấy, vì đêm tối quá. Ngày 2-12 Nhiếp Vĩnh Trăn được tin sư đoàn thanh niên cộng sản do Tiêu Hoa chỉ huy cũng mắc kẹt bên kia sông, và phái một đơn vị tiếp cứu nhưng thất bại. Lý do thất bại của hồng quân là vì hồng quân di chuyển quá chậm chạp trong khi quốc quân có thể tiến tới chiến trường một cách mau lẹ. Sư đoàn thanh niên cộng sản cũng chịu chung số phận như sư đoàn 34, bị quốc quân tiêu diệt hoàn toàn. Ngoài ra trung đoàn 18 của đệ tam quân đoàn và phần lớn đệ bát quân đoàn cũng bị tiêu diệt. Sư đoàn 1 có 2800 binh sĩ lúc khởi đầu cuộc Trường Chinh, nhưng khi qua sông Tây Giang chỉ còn lại 1400 người.
Trận đánh sông Tây Giang kéo dài một tuần lễ, từ ngày 25-11 đến ngày 3-12, và là một thất bại to lớn cho hồng quân. Lưu Bá Thừa tuyên bố: "Mặc dầu hồng quân vượt qua được sông Tây Giang, nhưng phải trả một giá quá đắt. Hơn phân nửa hồng quân bị tiêu diệt." Người ta không được rõ sự tổn thất của hồng quân tại các vòng vây của quốc quân, nhưng sự tổn thất tai hại nhất của hồng quân là trong trận đánh tại sông Tây Giang. Khi hồng quân tới được Tuân Nghĩa một tháng sau đó thì số 90 ngàn hồng quân lúc ban đầu chỉ còn lại 30 ngàn người. Rất nhiều dụng cụ như máy chiếu điện, súng lớn, máy phát điện phải ném xuống sông Tây Giang. Chính vì thế sau trận này, hồng quân nhẹ nhàng hơn và tiến mau lẹ hơn.
Trong cuốn hồi ký, Bành Ðức Hoài kể lể đệ tam quân đoàn của mình phải đương đầu với lực lượng Quảng Tây mạnh hơn, so với đệ nhất quân đoàn chống đỡ mặt phải của trận tuyến với quân đội của Hồ Nam yếu kém hơn. Thực ra người ta kể khác nhau về trận đánh này, với lý do bào chữa sự thất bại của mình hoặc đề cao chiến thắng của mình. Dầu sao thì trận đánh tại sông Tây Giang là một thất bại nặng nề cho hồng quân, mặc dù Bạch Sùng Hy đã phản bội lệnh của Tưởng Giới Thạch, cố tình bỏ ngỏ cho hồng quân chạy thoát những đợt đầu tiên. Các nhà sử học bất đồng ý về số quân cộng sản bị tiêu diệt tại sông Tây Giang và số quân đào ngũ. Người ta chỉ phỏng đoán rằng trong mười tuần lễ đầu tiên, hồng quân bị tiêu diệt từ 40 đến 50 ngàn quân, và ít nhất 15 ngàn bị loại trong trận đánh tại sông Tây Giang.
Những thiệt hại nặng nhất là của những đơn vị tân tuyển. Ngay trước khi cuộc Trường Chinh khởi đầu, hồng quân tuyển mộ được khoảng 50 ngàn binh sĩ mới. Lý Ðức tính rằng khi tiến qua địa phận Quí Châu, thì lực lượng cộng sản thiệt hại phân nửa số lính tân tuyển, và 75% phu khuân vác và lực lượng trừ bị. Hai sư đoàn 21 và 23 của đệ bát quân đoàn và sư đoàn 20 của đệ cửu quân đoàn bị quốc quân quét sạch một cách ngoạn mục. Tuy nhiên những tổn thất tại những đơn vị cũ, như đệ nhất quân đoàn của Lâm Bưu và đệ tam quân đoàn của Bành Ðức Hoài tương đối rất nhẹ.
Sau trận đánh sông Tây Giang thì quyền kiểm soát quân đội của Lý Ðức suy giảm rõ rệt. Chu Ân Lai đảm trách thêm nhiều nhiệm vụ của Lý Ðức, nhưng Lý Ðức không dễ dàng chịu từ bỏ quyền lực của mình. Chu Dĩ Khâm, tư lệnh sư đoàn 34 trốn thoát được vòng vây của quốc quân và lần mò về tới bộ tư lệnh. Lý Ðức gọi Chu Dĩ Khâm ra trình diện và sỉ vả nặng nề: tại sao Chu Dĩ Khâm trốn thoát được trong khi tất cả binh sĩ của mình bị tiêu diệt hết? Tại sao Chu Dĩ Khâm không thi hành đúng mệnh lệnh của cấp trên? Tại sao vợ của Chu Dĩ Khâm vẫn còn đi theo chồng được trong khi cả sư đoàn không còn nữa?
Lý Ðức tuyên bố phải đưa Chu Dĩ Khâm ra tòa án quân sự và bắn bỏ. Lý Ðức ra lệnh cho một vệ sĩ trói Chu Dĩ Khâm lại và dẫn Chu Dĩ Khâm ra tòa án quân sự. Các vệ sĩ của Lý Ðức từ chối không tuân lệnh của Lý Ðức. Có thể các vệ sĩ bất phục vì Lý Ðức là người ngoại quốc mà hành hạ mắng nhiếc Chu Dĩ Khâm là người Trung Hoa như họ. Lúc đó Bác Cổ cũng ngồi trong phòng họp, nhưng im lặng không lên tiếng. Mao Trạch Ðông cũng hiện diện. Khi Lý Ðức nổi cơn lôi đình thịnh nộ thì Mao tiến lên và dẫn Chu Dĩ Khâm ra khỏi phòng, và nói với mọi người: "Ðể tôi giải quyết vấn đề này." Mao đang cần những người chống lại Lý Ðức và Bác Cổ. Chu Dĩ Khâm sẽ là một người sống chết với Mao vì ơn cứu tử này.
Trong cuốn hồi ký, Lý Ðức nói rất ít về trận đánh tại sông Tây Giang. Lý Ðức cho rằng mặc dầu hồng quân bị thất trận nhưng cũng nhờ trận này mà hồng quân mạnh hơn và khả năng chiến đấu tiến hơn trước. Lý Ðức đổ lỗi cho Chu Ân Lai vì Chu Ân Lai là người soạn thảo kế hoạch rút lui, và quyết định mang theo nhiều đồ đạc nặng, do đó làm chậm trễ bước tiến của hồng quân khiến quốc quân đuổi kịp. Tuy nhiên Lý Ðức và Bác Cổ có quyền phủ quyết các quyết định của Chu Ân Lai, nhưng hai người đã không làm như vậy, và hiển nhiên chấp thuận kế hoạch của Chu Ân Lai.
Các tướng lãnh hồng quân sau thảm bại tại sông Tây Giang trở nên bất mãn tức giận, và mong muốn một sự thay đổi quyền lãnh đạo. Họ đang muốn tìm một vật tế thần để che dấu sự thất bại yếu kém của chính họ. Chính trong bối cảnh đó, Mao hoạt động tích cực để tìm cách dành lại quyền lãnh đạo đảng và loại trừ Bác Cổ và Lý Ðức. Hàng chục ngàn hồng quân bỏ xác bên bờ sông Tây Giang là một thất bại lớn lao cho phe cộng sản, nhưng lại là một cơ hội lý tưởng cho Mao đoạt lại quyền hành.