Vượt Rặng Ðại Tuyết Sơn

Trước khi tiến vào rặng Ðại Tuyết Sơn, hồng quân được giải thích cặn kẽ những nguy hiểm của cuộc hành trình trước mặt: nào là cao độ rất thiếu dưỡng khí, nào là băng tuyết và cái lạnh khủng khiếp trên núi, nào là phải cảnh giác cho một cuộc đụng độ với thổ dân hiếu chiến. Hồng quân được lệnh phải dùng một miếng vải mỏng che mắt để tránh bị mù, khi nhìn thấy ánh sáng chói lòa của mặt trời trên tuyết. Họ phải mang lương thực đủ dùng cho ít nhất là mười ngày. Khi trèo núi, nhất là lúc gần tới đỉnh núi, họ phải bước đều không được đứng lại nghỉ, vì nếu dừng lại nghỉ thì họ sẽ không thể nào tiếp tục đi được nữa. Họ cũng không được nói chuyện nhiều để tiết kiệm giữ lại dưỡng khí của họ. Khi leo lên tới đỉnh núi, họ sẽ ngồi xuống và trượt xuống chân núi bên kia, và cứ thế họ sẽ phải trèo hết năm ngọn núi của rặng Ðại Tuyết Sơn.
Ðối với Chu Ân Lai thì rặng núi Ðại Tuyết Sơn là chướng ngại lớn nhất của cuộc Vạn Lý Trường Chinh. Chính tại đây Chu Ân Lai đã nhiễm cảm lạnh và xuýt chết. Lâm Bưu cũng bị bệnh sốt rét trở lại và phải được khiêng bằng cáng. Nhiều binh sĩ rất e sợ, ngần ngại khi phải tiến vào rặng núi. Ngay trước khi tới được chân núi, hồng quân phải đi qua một vùng rất rậm rạp. Ðây là những rừng nguyên thủy, dầy rậm đến nỗi ánh sáng mặt trời ít khi chiếu tới mặt đất ẩm ướt bên dưới. Dường như lúc nào cũng có mưa. Mặt đất trong vùng phủ đầy lá cây thối mục cao tới đầu gối, khiến cho sự đi lại cực kỳ khó khăn. Không thể nào tìm được một chỗ để ngủ, hồng quân đành phải nằm ngủ ngay trên đất bùn, hoặc ngồi dựa vào thân cây mà ngủ.
Thỉnh thoảng những con dê rừng hoặc lợn rừng vùng chạy khỏi ổ, và dễ dàng làm mồi cho hồng quân vốn đang thèm thịt. Hồng quân cũng cố gắng mua được đôi chút bắp tại các làng dưới chân núi. Phải mất vài tuần lễ mới vượt qua được rặng Ðại Tuyết Sơn nên hồng quân phải lo chuẩn bị đem theo lương thực như bắp, khoai tây và bí ngô phơi khô. Những cơn mưa đầu mùa hạ cũng giúp họ có nước uống giữa cái nóng nực của tháng sáu. Rồi hồng quân cũng tới được chân núi, bỏ lại sau lưng họ những khu rừng âm u. Khi hồng quân càng lên cao thì nhiệt độ càng xuống thấp. Bây giờ trước mắt hồng quân là một khoảng trống mênh mông, chỉ có đá và tuyết trắng trong một sự im lặng lạ lùng. Trên đầu họ, những đỉnh núi lẩn vào trong mây trắng. Những trận mưa đá thường xuyên, hạt mưa to bằng những củ khoai tây, rơi xuống liên tiếp. Không còn rừng cây che chở nữa, hồng quân phải hứng chịu từng đợt mưa đá, nhiều người bị thương tích, sưng đầu sứt trán vì mưa đá.
Quần áo của hồng quân không thích hợp với cái lạnh của rặng núi cao. Phần đông chỉ mặc những quần áo nhẹ bằng vải sợi, và do đó không cản nổi sự lạnh buốt như kim châm của miền núi. Tuy vậy đoàn người vẫn tiếp tục tiến bước vào một vùng vô định. Nhiều người đã bắt đầu bày tỏ sự bất mãn đã đem theo một số dân chúng, khiến cho binh sĩ phải săn sóc giúp đỡ dân chúng, trong lúc chính họ cũng điêu đứng không tự giúp mình được. Có lần binh sĩ phải dừng lại cho một thiếu phụ sinh đẻ được một đứa con trai trong một hốc núi. Tuy sản phụ và hài nhi tránh được gió máy, nhưng không sao tránh được cái lạnh thấu xương. Nhưng may mắn cả hai mẹ con đều sống sót và đi được tới Thiểm Tây.
Mao đã phải dùng ớt và gừng nấu lên cho binh sĩ dùng để tăng sức chịu đựng chống lại cái lạnh giá. Trên núi người ta không thể tìm kiếm được củi để nấu ăn nên hồng quân phải ăn đồ ăn sống. Hồng quân vẫn thường ăn cơm, nay phải ăn bắp sống nên nhiều người mắc bệnh tiêu hóa. Vì công cuộc vượt núi kéo dài hết ngày này sang ngày khác, nên nhiều hồng quân đã bắt đầu nghi ngờ sự hướng dẫn của người Lô Lô. Rồi cái lạnh của cao độ ảnh hưởng tới tâm trí họ nên nhiều người bị khủng hoảng thần kinh. Tâm trí hỗn loạn cùng với sự kiệt quệ của thể xác đã khiến nhiều binh sĩ chỉ cần té xuống tuyết, nói lảm nhảm vài câu, rồi nằm yên vĩnh viễn tại rặng núi ác hiểm này.
Tệ hơn nữa là khi hồng quân tiến vào một con đường đèo thì các bộ lạc người Phàn đứng trên núi cao, đẩy những khối đá xuống tấn công hồng quân để phản đối hồng quân tiến vào khu vực của họ. Mao không có cách gì lại gần để thương thuyết với bộ lạc Phàn và dụ họ đi theo hồng quân như đối với người Lô Lô. Người Phàn ẩn nấp tại những hốc núi cao mà hồng quân không thể leo lên được. Ðể tránh phi cơ oanh tạc của quốc quân, hồng quân phải thức dậy từ lúc nửa đêm và bắt đầu trèo lên đỉnh núi kế tiếp. Trời hay mưa, rồi đổ tuyết và những cơn gió lạnh, hung dữ liên tục quật mạnh vào đoàn người đang cố trèo lên cao. Nhiều hồng quân đã ngã gục, chết vì đói lạnh và kiệt sức. Nhiều người mệt mỏi, chỉ ngồi xuống định tạm nghỉ, nhưng không bao giờ đứng dậy được nữa. Không khí trên núi cao rất ít dưỡng khí, ngay đến người khỏe mạnh cũng chóng mệt, và gây khó khăn cho những người yếu và bị thương. Vì không đủ dưỡng khí để thở, nhiều thương bệnh binh đã chết khi được khiêng qua núi. Nước uống trên núi là một vấn đề hết sức gay go. Không có lửa để đun tuyết tan thành nước, và ngay cả diêm và lửa cũng khó cháy lên được tại một nơi thiếu dưỡng khí như thế. Một phụ nữ cho biết bà ta mất hẳn kinh nguyệt khi vượt qua rặng Ðại Tuyết Sơn.
Ðến tháng bảy thì hồng quân xuống được rặng núi và tiến vào một vùng đồng bằng. Ðây là khu vực tây bắc của tỉnh Tứ Xuyên. Quân số hồng quân chỉ còn lại 25 ngàn người sống sót sau rặng Ðại Tuyết Sơn, kể cả đàn bà và trẻ con. Khi hồng quân di chuyển qua cái đèo cuối cùng để tiến vào Tứ Xuyên, thì bỗng có một tảng đá ném về phía hồng quân. Trên tảng đá có một tín hiệu: "Chúng tôi là hồng quân của Trương Quốc Ðào. Bản doanh của chúng tôi tại Y Niên, chỉ cách đây 15 dậm."
Ðám hồng quân mệt mỏi tả tơi rất vui mừng khi nhận được tín hiệu trên, và họ tưởng đó là hồng quân của tỉnh Thiểm Tây, mục tiêu cuối cùng của cuộc Vạn Lý Trường Chinh. Nhưng thực ra Thiểm Tây vẫn còn xa lắm. Nhưng dù sao thì gặp được quân bạn cũng là điều tốt. Tuy hồng quân vui mừng, nhưng Mao Trạch Ðông thì rất lo ngại gặp phải lực lượng của Trương Quốc Ðào. Mao vẫn biết Trương Quốc Ðào là người vẫn chống đối Mao, và lúc này Trương Quốc Ðào đang mạnh hơn trong khi lực lượng của Mao thì hầu như kiệt quệ, cả tinh thần lẫn thể xác và lực lượng vũ khí.
Mao Trạch Ðông và Trương Quốc Ðào là những lãnh tụ sáng lập cộng đảng Trung Hoa tại Thượng Hải năm 1921. Nhưng sau đó Mao không gặp lại Trương Quốc Ðào nữa, một phần vì hai người có hai quan điểm trái ngược nhau. Trương Quốc Ðào là một người cộng sản rất trung thành với đường lối cách mạng thành thị của Nga sô, và chống lại đường lối thiên về nông dân của Mao. Khi Tưởng Giới Thạch mở những cuộc tấn công phe cộng thì Trương Quốc Ðào và một số đảng viên khác chạy trốn về Tứ Xuyên và thành lập quân đội riêng tại đây. Dần dần Trương Quốc Ðào muốn trở thành một sứ quân, và có tham vọng trở thành một người lãnh đạo tối cao của Trung Hoa.
Tại Y Niên, Trương Quốc Ðào nồng nhiệt chào mừng Mao. Nhưng khi được biết Mao là chủ tịch cộng đảng Trung Hoa thì họ Trương quyết liệt phản đối. Trương cho rằng quyết định của đại hội Tuân Nghĩa không có giá trị, vì lúc đó các đảng viên cao cấp không có mặt tại đại hội. Trương Quốc Ðào nhấn mạnh Mao chỉ là một thủ lãnh du kích quân mà thôi. Mao và Chu Ân Lai rất lo ngại sự chống đối của Trương Quốc Ðào có thể đưa tới sự xung đột công khai giữa hai đạo hồng quân, và phe Mao yếu thế hơn nên có thể bị tiêu diệt tại đây. Mao còn thêm lo ngại khi thấy Chu Ðức có vẻ đứng về phía Trương Quốc Ðào, vì Chu Ðức vẫn bất mãn phải tuân lệnh những người dân sự như Mao, hoặc có thể Chu Ðức nghĩ rằng Trương Quốc Ðào là người có thể chiến thắng. Một phần nữa có thể Chu Ðức khâm phục quân đội của Trương Quốc Ðào vừa đông vừa mạnh mẽ, so sánh với đám hồng quân tả tơi của Mao.
Phe Mao thì cố tránh một cuộc đụng độ với Trương Quốc Ðào. Mao đề nghị hai đạo hồng quân nên đứng độc lập với nhau, và cùng tiến về Thiểm Tây. Nhưng Trương Quốc Ðào phản đối ý kiến này. Theo họ Trương thì tại sao hai đạo hồng quân không kết hợp làm một ngay tại đây, và tiến về Tây Tạng thành lập một căn cứ hùng mạnh, có thể đương đầu với đại quân của Tưởng Giới Thạch. Thực ra nếu hai đạo hồng quân kết hợp làm một thì Trương Quốc Ðào ở thế mạnh hơn vì quân của họ Trương đông hơn, được trang bị đầy đủ và còn đang sung sức. Khi phần đông quân của Mao phản đối ý kiến tiến về Tây Tạng, thì Trương Quốc Ðào đề nghị hai đạo quân kết hợp làm một và đóng ngay tại chỗ.
Mao tin chắc rằng những nghi ngờ của mình về mưu đồ phản bội của Trương Quốc Ðào là đúng. Mao nhận thấy họ Trương chỉ lo xây dựng quyền lợi và địa vị riêng của mình. Mao sợ rằng khi sang Tây Tạng, phe Mao sẽ bị phe Trương Quốc Ðào lấn át, và có thể bị tiêu diệt tại đó. Trong lúc Mao và Trương Quốc Ðào còn đang thương thuyết tìm một giải pháp mà cả hai bên có thể đồng ý, thì quân của Tưởng Giới Thạch tiến tới. Mao và Trương phải hoãn cuộc họp, và hồng quân thành công đánh tan được các toán quân tiền phương của Quốc dân đảng. Rồi bỗng nhiên Trương Quốc Ðào từ bỏ yêu sách của mình, và đồng ý tiến về Thiểm Tây và hai đạo hồng quân vẫn hoạt động riêng biệt. Mao rất hài lòng, nhưng Mao mất Chu Ðức, cánh tay mặt quân sự của Mao. Chu Ðức nhập vào đạo quân của Trương Quốc Ðào và giữ chức tư lệnh đạo hồng quân của Trương Quốc Ðào.
Cả hai đạo quân khởi hành tiến vào một chướng ngại cuối cùng trước khi tới được Thiểm Tây: đó là chuyến vượt qua Cánh Ðồng Cỏ Hoang. Tuy nhiên hai đạo hồng quân không cùng khởi hành một lúc. Trương Quốc Ðào đề nghị hai đạo hồng quân đi theo hai con đường khác nhau để tránh cuộc truy kích của Tưởng Giới Thạch. Mao chưa bao giờ mừng như thế, cất được gánh nặng bị Trương Quốc Ðào tiêu diệt để chiếm địa vị lãnh đạo cộng đảng Trung Hoa. Cả hai bên đồng ý sẽ gặp lại nhau sau khi vượt qua Cánh Ðồng Cỏ Hoang. Nhưng sau đó Mao không bao giờ gặp lại lực lượng của Trương Quốc Ðào nữa. Sau này Trương Quốc Ðào cho biết lực lượng của Trương đã đụng độ với một lực lượng rất hùng mạnh của Tưởng Giới Thạch, và bị chặn đánh không thể tới điểm hẹn được. Chu Ðức thì nói khác hẳn Trương Quốc Ðào. Theo Chu Ðức thì đạo quân của Trương Quốc Ðào không thể vượt qua được một con sông lớn trong lúc có nạn lụt, và do đó không thể tới điểm hẹn đúng kỳ hạn.
Ðúng ra Trương Quốc Ðào nhất quyết tiến về Tây Tạng, lập một căn cứ mới để thực hiện giấc mộng làm chúa tể Trung Hoa. Nhưng toan tính của họ Trương bị thảm bại, và một năm sau Trương Quốc Ðào và Chu Ðức phải lần mò về Thiểm Tây với một dúm quân thân tín. Phần còn lại của đạo quân hùng mạnh này đã bị Tưởng Giới Thạch đánh tan. Nhiều đảng viên cao cấp tại Diên An đứng lên buộc tội Trương Quốc Ðào đã đào ngũ trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh, nhưng Mao ra công che chở nên họ Trương không bị trừng phạt. Sở dĩ Mao bênh vực Trương Quốc Ðào vì Mao biết thế nào họ Trương cũng bất mãn bỏ ra đi, và cũng để bảo vệ Chu Ðức, người bạn từng sống chết chiến đấu với mình từ những ngày đầu tiên của hồng quân.
Mao lại bổ nhiệm Chu Ðức làm tư lệnh hồng quân, và Chu Ðức đã tạo ra được nhiều chiến công lớn trong công cuộc chống lại quân xâm lăng Nhật bản. Riêng Trương Quốc Ðào tự biết bị thất sủng và ở vào vị thế bất lợi trong cộng đảng, bị lạc lõng giữa những kẻ thù, nên họ Trương bỏ trốn khỏi Diên An và đầu hàng Tưởng Giới Thạch. Về sau Trương Quốc Ðào bỏ trốn sang Gia nã đại, và đến năm 1976 thì từ trần tại Gia nã đại.
Ðạo hồng quân dưới quyền lãnh đạo của Mao sắp phải vượt qua Cánh Ðồng Cỏ Hoang để tiến tới Thiểm Tây.