Ngày tế thần ốc năm ấy, ông ngoại tôi mới chín tuổi. Ông được nghe một già làng kể. Vào một buổi trưa, trời cao, mây xanh, gió nhẹ. Làng biển êm như ru, mát như quạt hầu. Làng Cọp Râu Trắng chuẩn bị vào hội lễ, bỗng nhiên thấy ngoài kia một vùng nước biển đen đặc. Ai cũng hốt hoảng cho là điềm gở. Liền sau đó, trời đang nắng, vậy mà sương mù từ vùng nước đen bốc lên nghi ngút một màu đen đặc. Không thể đứng nhìn cảnh tượng kỳ quái này, một cụ già râu trắng như cước đi ra bãi biển, chèo chiếc thuyền nan xông vào giữa đám sương mù đen. Một lát sau, cụ già trở về, mở bàn tay cho cả làng thấy nước biển đen, sương mù đen đều có chất mực. Theo cụ già, đây là loại cá mực nhả ra cái chất mực có thể làm dậy sóng, làm dậy lên sương mù. Nếu không phá được cái chất mực này thì không thể làm ăn gì được trên mặt biển. Ngày hôm đó cụ già sửa soạn cho mình móc câu, đôi kính lặn, một con dao bén cho chuyến đi. Đến giờ, cụ già bước chân lên thuyền. Làng biển tiễn đưa một lễ tế sống cụ. Mới đó, thuyền cụ già mất hút trong đám sương mù đen. Từ lúc mặt trời đứng bóng cho đến nắng xế ngoài biển không nghe thấy động tĩnh gì. Thình lình có người kêu lên: - Kìa, sương mù đen đã tan, mặt biển xanh lại... Dứt tiếng kêu, bóng chiếc thuyền cụ già chậm rãi trôi vào bờ. Trên chiếc thuyền nhiều con cá mực nằm thở, râu dài đến sải tay quấn lấy nhau. Bà con làng Cọp Râu Trắng mừng vui chạy đến ôm lấy cụ già. Cụ già trầm tĩnh kễ. Trong đám sương mù đen từ nước biển phả lên, mùi mực tanh lộn ruột, sương mù cũng tanh làm mắt người không nhìn thấy gì. Cụ liền thả móc câu xuống rà xem, nghe lưỡi câu động tức là gặp mực. Và cứ thế, cụ xoay chiều dây thả, móc câu thì cứ nhắp lên nhắp xuống sao cho móc trúng túi mực. Khi dính câu, túi bị bể ra, mực không đủ sức phun, chỉ còn quẫy thôi. Nhưng lúc cá mực quẫy, cụ già phải cố tránh những tay mực quăng lên trói mình. Tay mực là vô số râu dài tua tủa và chắc khỏe như những dây gai mây. Cũng may vụ mang theo dao, chiếc dao chém vào tay mực như chém màng lưới, thật lợi hại. Nghe động ở chỗ này thì ở chỗ khác mực tới tấp quăng tay ra, túi mở, chúng vây thành vòng tròn. Móc câu trúng tức là phá được túi mực. Mực hết, cá mực không còn khả năng tự vệ. Con vật nào cũng có chỗ mạnh của nó để tấn công và tự vệ, màu đen và mùi tanh là vũ khí của mực. Túi bị bể, tay bị chặt, trận đồ màu đen bị phá, thế là cá mực thất thế. Sau cuộc "phá trận" của cụ già, làng Cọp Râu Trắng có truyền thuyết về con quỉ mực đen. Cũng từ đó, làng thêm một nghề, đó là nghề câu mực.