Làng Cọp Râu Trắng

Làng biển tôi nằm sát chân dãy Trường Sơn, chạy dài giáp bãi Xuân Đài. Những đêm thanh vắng, người làng biển nằm nghe tiếng con công "tố hộ" từ trên núi vọng xuống. Sáng sớm đi ra biển thấy nhiều dấu chân cọp khoanh tròn bằng mặt ghế trên bải sát mé sông.
Nhiều già làng kể lại, những đêm về sáng còn trăng, còn biển sương mù trắng dày đặc, thỉnh thoảng từ trong sương mù dưới bãi đi lên. Gặp người, Cọp Râu Trắng không tránh, cũng không nhìn ai, đi một mạch vào núi.
Một hai lần ông nội tôi kể. Năm ấy, làng biển vào dịp lễ tế thần tại miếu Ông Cọp. Mỗi lần tế, làng có rước gánh hát bội về diễn nhiều tích tuồng. Mỗi năm xem một lần, lần nào nhìn lên bàn tế thần cũng thấy Cọp Râu Trắng ngồi riêng một ghế xem tuồng. Xem hết lớp tuồng, Cọp Râu Trắng nhận một thủ lợn trên bàn tế thần rồi đủng đỉnh đi ra bãi.
Không rõ chuyện có thật không, nhưng hồi tôi đi học trường làng, cạnh phòng học tô có một lớp luôn đóng kín cửa, trong ấy tối đen như mực. Tụi nhỏ chúng tôi thỉnh thoảng dòm qua kẹt cửa, và ngửi thấy một mùi hôi là lạ. Nhìn kỹ thì thấy một ông cọp lông vàng, đốm đen nhồi bằng rơm. Thầy đồ nói, đấy là Cọp Râu trắng.
Vào một đêm trăng trước Cách mạng tháng Tám, Cọp Râu Trắng về làng, đi hết các ngõ. Sáng ra Cọp Râu Trắng nằm lặng lẽ trong miếu làng. Dân làng đứng ngoài đợi. Lát sau một cụ già vào miếu, rồi lặng lẽ đi ra báo cáo cho bà con biết "ngài" đã đi rồi.
Nhiều người bảo Cọp Râu Trắng về làng để gửi cái chết tuổi già của mình cho bà con. Từ đó nhiều năm, làng biển làm ăn được mùa. Và tên làng cũng gọi: làng Cọp Râu trắng.