5. Vô ngã Ngã là đợt cuối cùng trên quá trình nô lệ hóa con người. Ở Ý con người bị mang gông mắt như ngựa kéo xe. Ở Tất thêm xúc cảm, tư tình gia tăng đeo lên mắt một thứ kính màu: đen, đỏ, trắng, tím, tùy tính khí. Ở Cố thì cả đến ý chí cũng bị cột luôn, và huy động chân tay ôm ghì lấy cái ý kiến kia như là của mình. Cuối cùng đến Ngã thì ý kiến không còn là của mình nữa, nhưng đã đồng hóa với mình rồi, được coi là chính mình, nên đặt với số 2 trong bảng Lạc Thư để chỉ mức độ đồng nhất hóa đã tiến lến đến cùng cực, từ số 8 chỉ ý, qua 6: tất, 4: cố, đến ngã chỉ còn có 2 nên rất khó nhận ra nguồn gốc tự ngoại và do đó con người tự đồng hóa với những ý kiến tư riêng và coi trong bằng hay hơn cả cái ngã, đến nỗi dễ dàng hy sinh mạng sống để bênh vực cái ý kiến đã được ngã hóa đó. Thế nghĩa là ở đợt này, ý kiến chiếm trọn ngôi vị con người. Nhân tính bị vùi đi và chủ quyền bị nắm trọng vẹn trong tay ngã. Ngã là gì nếu không là sự tổng hợp của các ý kiến, cảm tình, thói tục, sự vật, ảnh hình do giác quan thâu vào làm thành hệ thống sai sử con người, hoặc nói theo tiếng đời nay là con người bị cơ cấu hóa nên chỉ còn là một nhân hình bị sự vật sai sử giật giây, và che lấp hẳn. Con người có Nhân Chủ tính với quyền tự do tự nội. Đấy là duyên cớ gây ra thảm trạng vong thân của con người xa lìa nhân tính với tiếng kêu "thất thị viễn nhi!" và đã trở thành con nhộng bị bao bọc trong tổ kén, nếu không căn thủng được (không tuyệt tứ) thì chẳng bao giờ trở thành bướm bay lượn trên các giàn hoa để hút nhụy tinh tuyền. Vì thế đã là người có máu triết gia thì bao giờ cũng khởi đầu bằng một phen "tuyệt tứ" tức phá đổ các bức tường ước lệ, những "chân lý" minh hiển được mọi người chấp nhận. Cuộc phá đổ càng triệt để thì óc triết càng lớn: khác nhau chăng là do tính tình, hoàn cảnh, môi trường… mà cuộc phá đổ có tính cách êm đềm hay rầm rộ. Nhưng chính việc phá đổ phải có vì thiếu công tác này sẽ không vượt qua vòm trời nhỏ bé thấp hẹp, để đến miền Toàn thể bao la, đến tận nguồn suối, nơi sẽ vọt ra tự lòng mình một luồng tư tưởng mạnh mẽ đưa mình lên một bình diện khác. Còn như không phá nổi vòng vây "tứ địa" thì không đuổi kịp rùa tức là không nếm được mùi vị của triết, của Đạo và tiếp tục đời sống phàm tục trôi theo dòng thế gian, nhưng nhất là khi bầu khí văn hóa của hắn mang đậm chất vong thân thì có học cách gì đi nữa cũng là nhai nắm vỏ trấu khô. Trong những trường hợp tương tự, chỉ có bậc phi thường mới thoát ra khỏi 4 bức tường của cái ngục nội tại nằm nay trong chính mình đó. Nên ghi nhận cả 4 điểm cần cởi bỏ không điểm nào nói về tội lỗi mà chỉ nói đến sản phẩm của cơ năng ý chí, tình cảm… Vì đây là nho triết xây trên vũ trụ quan Thiên Địa Vạn Vật Nhất Thể nên không bàn về tội. Tội thuộc tôn giáo có nhiệm phép để tha nên tương đối dễ. Ở đây là chuyện Tâm thức nên phải tự mình gỡ lấy mình nên khó hơn nhiều. Vì thế truyền thống triết Đông đã trù liệu nhiều biện pháp để giúp hậu duệ trên đường Tâm Đạo. 6. Những phương thế Những chân lý quý trọng hơn hết phải nói lên được những phương thế. Thiếu nó, triết chỉ là triết học mà không sao bước vào được ba đợt sau (hành, lập, quyền). Ngược lại có phương thế, triết học trở thành triết lý để rồi đạt tới Đạo học, hay là Minh triết. Triết lý Đông phương vốn là một Đạo học, nên cả ba nền triết Đông phương đều chú trọng đến phương pháp. Lão, Thích chú trọng đến thiền định. Đó là một phương pháp mà giá trị đã được bảo đảm ít ra cho một số người hay cho giai đoạn đầu, nên Nho giáo cũng tham dự theo diễn trình: định, tĩnh, an, lự. Thiền nằm trong hai bước định và tĩnh. Đó là phương pháp chung của giai đoạn thiền Ấn Độ. Nhưng về sau từ đời tổ Huệ Năng trở đi thì tĩnh thiền, tọa thiền trở ra hành thiền, tức là một thứ thiền linh động tích cực đi vào đời sống cách mạnh mẽ nên rất gần với Nho giáo. Riêng Nho giáo vì là một Đạo xử thế nên ngoài định, tĩnh còn chú ý đến an và lự. Chữ An khác hơn Tĩnh ở chỗ có tính cách tích cực, nên cũng gọi được là một thứ suy tư, nhưng không suy tư lý luận, mà là trầm tư (pensée tranquille), tức là một thứ suy tư mà không suy tư, không tư mà tư, một lối áp dụng Việt lý tức là lên xuống vô thường, động tĩnh không thấy. Động mà không động, tĩnh mà không tĩnh, hành mà không hành, tạm gọi là An hành, An vi. Nó còn được nhấn mạnh trong chữ Lự. Chữ này ở đây cùng nghĩa với chữ "hư", nên vừa có nghĩa là mưu toan (lự) vừa có nghĩa là hư không, lo mà không lo. Đó là lối quyền biến, có mà không, không mà có vậy. Đường lối đó đã được hiện thân nơi nghệ thuật. Nghệ thuật là hậu quả của tâm tình khi đã tinh luyện đến độ "kiến tánh", "triệu văn đạo" nên biến hóa như thần, có tác phong cải hóa rất sâu xa, và đồng thời nó cũng là "dấu chân người to lớn" mà kẻ mới học Đạo, mới bước lên đường nên nương theo để tìm về với Tính thể, và lúc đó nghệ thuật được coi như phương tiện như hướng đạo chỉ đường cũng có một hiệu năng giáo hóa vừa bảo đảm mà lại uyển chuyển linh động hơn hẳn lối lý luận. Vì lý đo đó tuy ở khởi thủy hai tổ Lão và Thích không lưu ý mấy tới nghệ thuật (xem Cửa Khổng) nhưng về sau môn đệ đều chấp nhận nghệ thuật và có thể nói còn đi rộng hơn, như thấy trong nghệ thuật uống trà, bắn tên của Thiền đạo. Vì thế, thiền định cũng như nghệ thuật trở thành di sản chung cho nền văn hóa Viễn Đông. Thiền đã được bàn rộng trong các tác phẩm thiền khá nhiều, nên ở giảng khóa này chỉ đề cập đến nghệ thuật ở chương VI. Trước khi bước vào ta nên xem qua lại một hai nghi thức và biểu tượng tổ tiên đã dùng để truyền lại cho hậu duệ tầm quan trọng cũng như phương thế về câu tuyệt tứ: chặt bốn chân rùa như sau. 7. Nợ tang bồng trong trắng vỗ tay reo. Câu thơ trên của Nguyễn Công Trứ lấy hứng từ một trong các thể chế lập ra giúp mỗi người biết hướng sống. Đó là nghi tiết bắn 4 phát tên bằng cây dâu (tang bồng) ra 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc mà ngụ ý minh triết là sau này đứa bé phải biết "tuyệt tứ" tức vượt vòng tứ địa để đạt đợt tham thiên. Đó là ý 4 chữ "thiên viên địa phương" (vượt địa lên 3 trời). Đấy là một nghi lễ nhằm phát triển Nhân chủ tính của con người ngay từ lúc lọt lòng mẹ. Về sau ý nghĩa này sẽ được nhắc lại long trọng trong Lễ Gia Quan, mục đích là nhắc nhở cho người bước vào tuổi "thành nhân" cái nợ "tuyệt tứ" đặng vãn hồi nhân chủ. Vì ý nghĩa sâu xa như vậy nên cần được sửa soạn chu đáo bằng những cuộc "trai ngoại" là "tẩy rửa trong nước sông Nghi", và "trai nội" bằng lên núi Vũ Vu đón nhận "gió trời" (1) (1) Theo nghĩa thông thường thì bắn 4 phát tên chỉ cái chí làm trai phải tung hoành dọc ngang. Đó là ý nghĩa thường, còn trong bài này dùng theo nghĩa uyên nguyên, và có thế thì hai chữ tung hoành mới đầy đủ. Vì theo nghĩa thường của Văn học thì thực ra mới có hoành chưa có tung là chiều kích tâm linh, và nếu thế thì bắn tên bằng chi cũng được khỏi cần tên bằng cây dâu, đúng ra phải là "không tang" cây dâu rỗng thì bắn ra 4 mới lấy lại được 16 (4°4=16). Cuộc lễ tuy đã sửa soạn cẩn trọng và thi hành cách nghiêm chỉnh, nhưng công hiệu cần phải duy trì trong suốt đời, nên lập thêm thể chế "tứ quý" là 4 cuộc "tĩnh tâm" vào cuối 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông đặng tuyệt tứ liên tục. Liên tục trút bỏ cáu bụi do mỗi mùa đã rắc vào tâm hồn để chặt lấy cái tinh túy tế vi. Có tuân theo được ý nghĩa sâu xa đó thì lúc cuối đời mới trong hát được câu "nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo". Bởi chưng ngoại trừ những bậc siêu quần như Phật Tổ mà ẩn dụ nói khi mới sinh đã bước được xong 7 bước về 4 hướng. Cái "ý tại ngôn ngọai" chỉ có nghĩa là bậc "sinh nhi tri chi" nghĩa là vừa lọt lòng mẹ đã vượt qua tứ đại để đạt tam tế, cộng lại là bảy, chỉ bảy nấc thang tiến hóa của con người đã được vượt qua. Nhưng đó là lối tiến giả thiết của Việt nhân lý tưởng. Còn ngoại giả phàm nhân đều phải đi từ thấp tới cao: từ lễ bắn tên đến lễ gia quan để rồi trải qua các thứ quý xuân, quý hạ, quý thu, quý đông trong mỗi năm mới mong lúc 70 tuổi thì có tòng tâm, cũng bất du cử. Cử là thước vuông chỉ tứ địa. Còn chữ "tâm mới bằng ba" thêm vào nữa mới ra số 7 chỉ con người đạt cả nội thánh (3) và ngoại vương (4). Có vượt được 7 nấc thang tiến hóa đó thì lúc nhắm mắt xuôi tay, việc đưa xác xuống đặt dưới đất mới có ý nghĩa là trở về địa mẫu. Vì Địa mẫu cũng chính là "hoàng thiên hậu thổ". Và hai chữ "thiên viên" số 3 cộng với "địa phương" số 4 lại xuất hiện lần cuối cùng dưới hình thức chùm sao "thất tinh" được khắc trong cái hòm, để làm thành cái xe long mã Hà Đồ chở Người sang cuộc đời sinh sinh bất tuyệt. Và vì thế giờ chết được gọi là lúc "sinh thì", nghĩa là lúc khởi đầu cuộc sinh sinh, tức trở lại với Toàn thể Viên Dung nơi hội thông của Tam tài: Trời Đất, Người tượng bằng Thập tự nhai đặt giữa Lạc thư. Trên đây là thử nhắc lại bằng mấy nét đơn sơ cái tinh hoa của nền Minh triết Viễn Đông. Và câu "tử tuyệt tứ" không chỉ là câu sách trống rỗng, nhưng là cả một diễn tiến của nế "sống nhân sinh", của cái "đạo làm người" mà bất cứ một ai đã sinh ra trong cõi Viễn Đông cũng được nền văn hóa tùy nghi phương tiện giúp đỡ để đi tới đích của Đạo làm người, làm nhân chủ. Đó là đại khái cái đạo làm người mà tiên tổ ta đã chấp nhận và muốn cho mọi con dân đều "minh tâm khắc cốt", nên còn gửi vào nhiều cử chỉ thường nhật như câu truyện sau: 8. Cuộc thi gia chánh trong huyền sử nước Việt Đó là việc vua Hùng Vương muốn truyền ngôi cho con nào tìm ra món ăn ngon nhất. Kết cuộc không phải những người lên rừng hay xuống bể tìm vật lạ. Nhưng được cuộc là Tiết Liêu đã làm nên cặp bánh giầy bánh chưng bằng những vật liệu ngay trước mắt (Đạo bất viễn nhân). Việc này nên được suy nghĩ kể từ các trường gia chánh (chuyên môn dạy làm bánh tây ngọt) cho đến các học giả vọng ngoại, khinh thường những di sản tiền nhân, rồi đến các nhà chính trị hay đi cóp nguyên văn chính thể nước người. Tất cả bấy nhiêu đều nên coi gương Hùng Vương trị nước phải có Đạo nằm trong mọi thể chế. Đạo biểu thị bằng Bánh Giầy (có lẽ đọc trại chữ Giời) và các thể chế là Bánh Chưng (đọc trại chữ Trương - étendue, chỉ những gì cụ thể). Hùng Vương thứ 18 thực đáng làm tổ nước Việt, vì Việt là tiến lên 9 độ, lùi xuống 9 độ (Hùng Vương 18 là 2 lần 9, còn 9 là Bàn Cổ nhất nhật cửu biến), tức là bao cả nội thánh (bánh trời) và ngoại vương (bánh trương). Trời 3 đất 4 là 7 nấc tiến hóa con người mà ai đạt hết mới đáng làm vua, nghĩa là làm Người Nhân Chủ. Bởi cái ý nghĩa vừa sâu xa thăm thẳm, vừa thiết thực đến tận thâm tâm mỗi con người nên "Bánh trời bánh trương" được tiền nhân ta cho là món ăn quý trọng nhất, "ngon nhất", nghĩa là thâm thúy hơn, nên đã được dùng làm quà biếu trong những dịp trọng đại như lễ cưới, và nhất là dịp tết Nguyên Đán là dịp mà người ta chúc cho nhau những gì đẹp đẽ hơn cả. Còn gì cao siêu và ý nghỉa bằng lời chúc nằm ẩn trong bánh trời bánh trương, nghĩa là chúc nhau nên người, theo nghĩa Người có Nhân chủ tính. Không thể tìm ra lời chúc nào cao đẹp hơn nữa, nhưng lâu ngày quên mất ý nghĩa và nay có nhắc tới cũng chỉ còn là biểu tượng suông. Vì không còn cảm quan sắc bén để thâm hiểu đạo lý nên "ăn mà không biết được mùi vị hương thơm". Trước kia Nho giáo đã để mất kinh nhạc, còn giữ có Kinh Lễ, thì nay người Việt chúng ta cũng để mất ý nghĩa của chiếc bánh giời chỉ còn lại bánh chưng vuông 4 góc tứ địa, nên tứ địa không sao trở thành tứ linh. Vì thế mới xảy ra cảnh "thực bất tri kỳ vị". Tại sao? Thưa, vì Tâm bất tại, nên Thị nhi bất kiến Thính nhi bất văn Thực nhi bất tri kỳ vị. 心 不 在 焉 , 視 而 不 見 , 聽 而 不 聞 , 食 而 不 知 其 味. Do lẽ đó sau "dục hồ Nghi" tả hãy rủ nhau lên "núi Vũ vu" để tìm lại cái Tâm đã bị phóng ra ngoài, mới mong "nhìn thì thấy, lòng thì nghe và ăn thì biết được mùi vị". (1)Ma Phương, hay còn gọi là ma trận (matrix), ba hàng ba cột: 4 9 2 3 5 7 8 1 6 (Trương Củng chú thích)