Giời chưa sáng rõ, Cu Nhớn tung chiếu dậy, rồi lay Đức: - Dậy chứ, thổi cơm ăn, rồi còn đi chứ. Đức ta có bao giờ quen dậy sớm như thế, thứ nhất là dậy trong một buổi sáng mùa đông, thứ hai là sau đi đã sống một đêm và một ngày như thế, cứ ú ớ mãi. Cu Nhớn thấy thế, thương hại, quay đi. Nhưng nó vừa quay đi thì Đức đã cố thắng cơn rét, vùng dậy: - Ấy, anh chờ tôi mấy! Nhưng vì còn ngái ngủ, ra tới bờ hè, nó loạng choạng, vấp phải bực cửa, suýt ngã. Cu Nhớn díu nó đi xuống bếp, rồi đốt lửa to lên cho nó sưởi. Lúc ấy, nó mới tỉnh hẳn. Cu Nhớn tủm tỉm cười, hỏi nó: - Thế anh không dậy sớm như thế này bao giờ à? Nó lắc đầu: - Không bao giờ cũng cứ bảy giờ hơn, tôi mới dậy. Mà cậu mợ tôi phải lay mãi, tôi mới dậy. Thế anh, bao giờ anh cũng dậy sớm như thế này ư? - Bao giờ, tôi chả dậy như thế. Tôi thương bu tôi phải đi chợ mệt nhọc. Bao giờ tôi dậy, tôi cũng thổi cơm xong, rồi mới gọi bu tôi dậy ăn đi chợ. - Thế sáng hôm qua? - À, vì là còn cơm nguội. Với lại bu tôi định đi chợ sớm. Còn chúng tôi ăn sau. Đức ta lại hỏi một câu vớ vẩn: - Thế không phải ai gọi anh à? - Ồ, lại còn phải gọi. Nhà này thì ai có thể gọi tôi, nếu không là bu tôi. Mà tôi thì muốn cho bu tôi ngủ thêm một chút để đi chợ cho khỏi mệt. Nói song là nó cởi cạp quần, lấy một bao diêm ra: - À, chỉ còn có hai que. Lại sắp phải mua diêm rồi. Một bao diêm, tôi dùng được một tháng cơ đấy. Chỉ có buổi sáng như thế này, sang gọi người ta bất tiện, chứ trưa thì tôi đi xin lửa. - Anh tằn tiện quá nhỉ? - Thì nhà nghèo phải tằn tiện thế. Bao diêm ít gì cũng một xu. Với lại không thế thì nó cũng phí của giời. Anh không nghe các cụ nói: “Phí của giờ, mười đời không có” hay sao? Đức tủm tỉm cười: - Anh không phí của giời, tại sao anh không có? - À, tôi còn ít tuổi, kể gì. Rồi sau này tôi nhớn lên, tôi có có không. Ít gì, tôi cũng dành dụm tậu được bò chứ. Mà có bò thì ở làng tôi là giàu rồi. Anh mà phí của giời thì tuy bây giờ anh có, nhưng giời sẽ không cho anh có nữa chứ. - Phải, anh nói phải, tôi hiểu rồi. Và không cứ giàu nghèo, cứ phí của giời, là không tốt rồi. Từ nay thì tôi cũng sẽ tằn tiện như anh. Nhà anh nghèo, mà bu anh tử tế với tôi quá. Rồi ngập ngừng: - Nhà anh thế mà hơn nhà tôi đấy. Nồi cơm, Cu Nhớn chỉ thổi đánh nhoáng một cái là xong. Thấy giời còn tối, nó bảo Đức: - Bây giờ, hãy còn sớm lắm. Để cho bu tôi và các em tôi ngủ một chút nữa. Bây giờ tôi đi tắm đây, anh có đi tắm với tôi không? Mà anh cũng nên đi tắm đi. Cả ngày hôm qua anh không tắm. Tôi sáng nào tôi dậy một cái thổi cơm là tôi tắm, vì người ta bảo tắm sớm khoẻ mạnh và thông minh. Cứ cái cơ màu rét mướt như thế, Đức trông nước đã sợ rồi. Xưa nay thì nó có tắm nước lạnh bao giờ, thứ nhất là tắm sớm. Đến mùa nực, mợ nó còn bắt nó tắm nước ấm nữa là. Nhưng vì lòng muốn bắt chước bạn, nó thuận ngay. Nhưng ở đời này, muốn là một lẽ khác, mà sức mình có thể làm được hay không lại là một lẽ khác. Nó cứ cởi quần áo thì đã rét rồi, mà khi xuống tới nước thì nó run lên. Nhưng nó cắn răng chịu, không muốn cho bạn biết mình là một thằng hèn không chịu rét mướt. Muốn cho khỏi rét, nó cũng bắt chước Cu Nhớn vùng vẫy để cho khỏi rét. Nhưng nó vùng vẫy đến đâu thì cái rét vẫn mạnh hơn nó là đứa mà da thịt chưa từng chịu quen cái thứ rét ghê gớm ấy bao giờ. Lên đến bờ thì tay chân nó cóng cả. Gió sớm lại thổi những làn nhè nhẹ như quạt, thành thử nó bật lên đánh đàn mồm. Nhưng may, Cu Nhớn lại quay đi phía kia mặc quần áo nên không trông thấy nó run để cho nó kịp đủ thì giờ cắn hai hàm răng lại. Về tới nhà, nó chạy vào bếp trước. Nó giơ hai tay hơ lên lửa, rồi nó cười bảo Cu Nhớn: - Tôi muốn bắt chước cái gan anh, tắm sớm xem nó thế nào, chứ tôi thật chưa tắm nước lã, và tắm sớm bao giờ. Thật một suýt nữa thì chết rét. Cu Nhớn nhe răng cười: - Thế à? Thế mà tôi không biết đấy. Giời này đã rét gì. Đến tháng chạp thì phải biết, rét cóng cơ, thế mà sáng nào tôi cũng tắm ùm ùm. À mà anh bảo rét sao tôi không thấy anh run? - Tôi thấy anh thế, tôi sợ xấu hổ, tôi cắn răng chịu, không dám run. Cu Nhớn vỗ vào vai nó: - Ồ, chỗ anh em, sao anh lại xấu hổ với tôi. Anh không quen thì có gì mà là xấu hổ. Thôi bây giờ, tôi đánh thức bu tôi dậy ăn cơm nhé. Chúng ta tí nữa còn phải đi chứ. Xưa nay, không quen ăn cơm sáng bao giờ, Đức cố lắm mới nuốt trôi được có hai bát. Mẹ Cu Nhớn thấy thế liền hỏi con: - Mày có nắm cơm nhiều cho cậu ấy ăn không ấy? - Có, đủ ăn. Với lại bây giờ, con ăn no rồi, đi đường con sẽ nhường cho anh ấy. - Thôi, thế lên thay quần áo đi cho nó tươm tất, không đến đấy người ta lại cười thầy mày. Khi Cu Nhớn xúng xính chiếc áo ba ga và chiếc quần trắng xuống thì các em nó trầm trồ: - Chà, anh Cu Nhớn đẹp ghê! Trái lại, thằng Đức thấy Cu Nhớn mặc thế thì chỉ xấu đi, chứ chẳng đẹp lên được tí nào. Nó thấy Cu Nhớn lúng túng trong áo chứ không được nhanh nhẹn gọn gàng như khi mặt những chiếc áo vá. Bu nó lúc ấy mới quay sang hỏi thằng Đức: - Thế cậu về tận Hà Nội có phải không? - Vâng. - Thế cậu đã đi bao giờ chưa? - Tôi chỉ mới đi ô-tô thôi. Bu Cu Nhớn thở dài: - Giá tôi giàu thì tôi cũng đãi cậu xuất tàu để cho cậu về. Nhưng tôi không có. Đấy cậu xem, cháu cũng phải đi bộ đấy. Đức vội vàng nói ngay: - Thế này là bà cũng tử tế với con nhiều lắm rồi. Con cũng muốn đi bộ cho biết, với lại đi với anh ấy thì đi bộ càng thích. Anh ấy đi được thì con cũng đi được. - Không, giá có tiền đi tàu thì cũng hơn. Đức vội nói ngay, nhưng bu thằng Cu Nhớn thì không hiểu được nghĩa câu nói của nó: - Không, con cho đi bộ tốt hơn. Bu thằng Cu Nhớn lại tủm tỉm cười một cách đại lượng rồi quay sang con: - Thế con đưa cậu ấy đến quá Yên Viên nhé. Còn từ đấy thì cậu ấy về Hà Nội một mình. Lại quay sang Đức: - Nhưng cậu có biết đường không đã chứ? Đức chưa kịp trả lời thì Cu Nhớn đã nói ngay: - Đường ở mồm ấy chứ ở đâu mà không biết. Với lại từ Yên Viên sang Hà Nội thì có một thôi đường thôi, chứ có bao nhiêu đâu. À mà đấy là quá Yên Viên cơ đấy. Thầy con bảo chỗ ấy gần huyện Gia Lâm, sang Hà Nội chỉ độ một loáng. Đứng trên cái đường đê ấy, trông thấy cái cầu Hà Nội rồi mà. Đức nghe thấy thế vội vàng nói: - Nếu thế thì con đi được. Bu thằng Cu Nhớn trao gói quần áo và nắm cơm cho nó rồi cở hầu bao lấy ra năm xu: - Đây cho anh em để đi uống nước. Và nếu có muốn ăn gì thì ăn. Cu Nhớn từ chối ngay: - Uống nước gì mà phải năm xu. Và có cơm nắm rồi còn phải ăn gì nữa. Mọi lần con đi, bu chỉ cho con có một xu là đủ thôi mà. Rồi móc túi giơ đồng xu ra: - Con có một xu của anh ấy cho con đây rồi, với lại anh ấy cũng còn một xu. Thôi, để năm xu ấy bu đong gạo. Bu nó xoa đầu nó. Không nghe: - Mọi lần, một mình khác, bây giờ có cậu ấy khác. Thôi con cứ cầm lấy, còn thừa thì mang về giả bu. À, nhớ cầm kỹ cái gói không nhỡ đứa nào nó giật mất đấy. Nhớ đi vào ven đường không xe cộ đấy. - Ờ, thì con đi luôn con biết rồi, việc gì bu còn phải dặn. - À, bảo thầy nhà bình yên cả, thầy có gửi tiền về thì con thắt vào thắt lưng tử tế nghe không? Cu Nhớn ta bực: - Thì con đi bao nhiêu lần, có mất mát lần nào đâu, mà bu cứ phải dặn mãi. - Thế đi thì rồi mai về nhé, hay có mỏi chân thì đến ngày kia cũng được. - Ồ, đi chơi như thế thì có gì mà mỏi. Mai con còn phải về để trông nhà cho bu đi chợ chứ. Sự nó lúc nào cũng nghĩ đến nhà cửa khiến cho Đức phải nao nao và càng phải nghĩ đến sự mình ăn ở với cậu mợ và các em mình. Lúc Cu Nhớn đi, nó xoa đầu các em nó một lượt: - Ở nhà ngoan nhé. Rồi tao ra ngoài ấy tao bảo thầy mua quà cho nhé, và có cái gì hay hay thì tao sẽ lấy về cho nhé. Các em nó đều mặt tiu nghỉu: - Nhưng anh Cu Nhớn phải về ngay cơ. Câu ấy làm cho Đức ta lại nghĩ đến sự khi nào nó đi đâu thì các em nó đều mừng. Mà nó ở nhà thì các em nó đều len lét.