Tiếng cười hô hố, tiếng vỡ của thủy tinh, tiếng súng nổ chiếm cứ hoàn toàn trong cơn ác mộng của Hạ. Tất cả những âm thanh hỗn độn này làm Hạ không còn phân biệt được tiếng kêu thất thanh của má: - Hạ dậy ngay đi! Hạ! Hạ dậy nhanh đi con. Hạ mở mắt nhưng vẫn nằm yên. Một vài tiếng nổ ở đâu đó rất to. Hạ cố lục lọi trí nhớ xem mình đang ở nơi nào. Má thò đầu vào trong mùng và kéo Hạ dậy. - Mau đi con! Mình phải chạy vào nhà nội để tránh bom. Máy bay đang bỏ bom đó. Hạ bật dậy ngay và kéo tay má chạy ra khỏi nhà. Ngang qua khu vườn tối, Hạ trông thấy những vệt sáng trên đầu. Tiếng máy bay đang bay vòng xung quanh thành phố. Lại nghe những tiếng nổ thật gần. Hạ đập cửa nhà nội, cầu cứu: - Cô ơi mở cửa mau cho má con và con tránh bom. Cô Sáu vội vã mở cửa và hối thúc: -Vô nhà mau! Mau lên! Dưới tấm phản là tất cả những người trong gia đình Hạ. Mọi người đã chui vào núp từ lúc nào. Người nào, người nấy run cầm cập và không nói gì với nhau. Khum người dưới tấm phản đông đúc chật chội, Hạ mới nhớ ra chuyện nghe lời má chạy vào nhà nội tránh bom chung với toàn gia đình không phải là việc làm thích đáng. Nếu tránh bom thì ở nhà Hạ vẫn tránh được; chỉ cần chui dưới gầm giường là được ngay, hơn nữa, biết bom rơi chỗ nào đâu mà tránh. Hạ cảm thấy bực má nên nhăn nhó và phàn nàn về cái chật chội của chỗ núp. Một lúc sau nghe má, các cô và bác gái thì thầm bàn tán, Hạ hiểu được má muốn gì. Nếu những trái bom kia có vô tình rơi trong khu vườn nhà nội thì tất cả sẽ cùng chết chung. Trước đó mấy ngày, cô Út khuyên má nên dọn đến một trong những căn nhà đẹp mà hàng xóm bỏ đi. Má kiên quyết không bằng lòng. Hạ hiểu tính má không thích lấy những gì không thuộc về mình. Hơn nữa, má không bao giờ muốn rời căn nhà kỷ niệm do ba để lại. Và lúc đó, Hạ chỉ nghĩ là má luôn luôn vì ba, vì những kỷ niệm của ba để lại chứ không bao giờ nghĩ má muốn chết chung với những người trong gia đình nội. Người lớn có nhiều cái khó hiểu! Hạ dựa người vào sát bức tường sau lưng rồi từ từ chìm vào giấc ngủ. Tờ mờ sáng các cô rón rén ra lấy nước rửa mặt. Hạ lờ đờ làm biếng không muốn đi đâu. Lúc này không còn nghe tiếng động cơ của máy bay, cũng không còn nghe tiếng bom nổ. Những người lớn sau khi rửa mặt xong, chụm lại bàn tán. Cô Sáu mở hé cánh cửa để nhìn ra ngoài. Trời đã sáng hẳn lên nhưng không một người lớn nào nghĩ đến chuyện đi làm hay buôn bán. Cái sạp hàng của cô Sáu ở chợ Đầm đã bị tụi cướp lấy phá tan tành. Tuy nhiên, nếu có còn cô cũng không đi bán làm gì. Khi quyết định ở lại, cô Sáu thực sự không muốn mọi người biết cô là người có tiền. Những ngày này, sinh hoạt hàng ngày hoàn toàn bị xáo trộn. Những người bỏ đi rối rít hoảng sợ tính mạng khi đi đường đã đành, những người ở lại còn phập phồng hơn vì không hiểu chết lúc nào và sống như thế nào mới được yên. Ánh nắng chiếu vào căn phòng làm Hạ thấy rõ từng người hơn. Bác gái, cô Sáu, cô Út và má Hạ ngồi co rúm mỗi người mỗi góc với một túi nhỏ trong lòng. Mặt người nào cũng hốc hác và phờ phạc. Có lẽ suốt đêm qua không ai ngủ được. Cô Út ngồi cạnh Hạ thì thầm: - Nghe con Ái nói tụi Việt Cộng mà vào Nha Trang, tụi nó sẽ tẩy não người miền Nam mình phải không Hạ? Thấy Hạ gật đầu, cô tiếp tục: - Nó còn nói là họ sẽ mổ đầu mình ra rồi lấy cục “gôm” để “gôm” cho sạch, rồi may lại. Hạ nheo mắt nghi kỵ nhìn Ái, bật cười và nói vào tai cô: - Cô đừng nghe lời con Ái! Nó chọc cô đó! Con nhỏ này thì tỉnh bơ như không chứng kiến việc gì đã xảy ra. Không hiểu tối hôm qua nó núp ở góc nào dưới tấm phản mà sáng ngày nó đã ngồi chễm chệ trên ghế sa lông. Mặc cho mọi người ngồi co rúm mọi nơi trên nền nhà, Ái co chân lên dũa và sơn phết các móng chân như không có chuyện gì xảy ra trên đời. Trước mặt nó là những chai nước rửa móng tay và nước sơn giăng đầy trên bàn. Bác gái la: -Giờ này mà còn để móng tay dài! Tụi nó mà vô thì tụi nó rút móng tay hết. Ái ngang bướng đáp lại: - Khi nào tụi nó làm hẵng hay, còn giờ con thích, con vẫn để! Hạ đưa mắt theo dõi từng động tác của nó. Con nhỏ có bàn tay thon mềm rất hợp với móng tay dài. Ái biết bàn tay mình đẹp nên thường trau chuốt và sơn màu hồng nhạt. Hạ thích nhìn Ái sơn móng tay như nhìn họa sĩ vẽ tranh. Tuy nhiên, Hạ cảm thấy tù túng khi phải ngồi co rúm trong căn phòng nên nằn nì má cho về nhà. Hạ vừa về đến nhà là nghe tiếng gọi của Anh: - Hạ ơi! Hạ ơi! Hạ thò đầu ra khỏi tường: - Anh không sợ sao mà xuống đây vậy? - Anh nghe máy bay bỏ bom ở Cầu Xóm Bóng, không hiểu Hạ có bị gì không, nên xuống tìm. Nhiều người bị thương vào bệnh viện Nha Trang lắm đó, Hạ có muốn đến đó thăm họ không? - Muốn! Lần này, Hạ xin phép má: - Cho con đi vào bệnh viện thăm những người bị thương và tìm hiểu tin tức ra sao nghe má? Má gằn giọng: - Tình hình như vầy mà con muốn đi sao? Hạ khẩn khoản: - Anh đạp xe từ Phước Hải xuống đây không có gì, huống hồ nhà mình gần bệnh viện. Cho con vào đó để con giúp những người bị thương mà má! Năn nỉ một lúc, rốt cuộc má chìu ý cho Hạ đi cùng Anh. Chiếc xe đạp vừa được tựa vào góc cột của khu chứa xe là Hạ và Anh vội vàng chạy về phía khu cấp cứu. Nhân viên Hồng Thập Tự, trong áo trắng, lăng xăng đi lại khiêng các bệnh nhân vào các phòng khám. Hai đứa hớn hở bước nhanh chân hơn đến chỗ họ với hy vọng trở thành những người cộng sự có ích. Chưa đến bậc tam cấp của khu khám bệnh, cả hai phải khựng bước và đứng lặng người. Người bị thương nằm ngồi la liệt trên lối đi hướng về cổng của phòng khám. Lần đầu tiên trên đời, Hạ nhìn thấy nhiều người bị thương và máu người chảy đầm dề. Toàn bộ các dây thần kinh trên đầu Hạ như cứng đờ khiến Hạ thấy chóng mặt và choáng váng. Nhắm mắt lại một lúc để lấy bình tĩnh, Hạ rị tay Anh rồi cùng len lỏi nhích dần đến phòng bệnh. Một người con trai trong y phục Hồng Thập Tự hét thật to: - Mấy cô làm gì ở đây? Hai đứa lí nhí: - Dạ, chúng tôi đến đây để giúp người bị thương. - Giúp người bị thương sao đứng xớ rớ một chỗ vậy? Hai cô lo tìm khăn lau máu cho các bệnh nhân đi. - Dạ lấy khăn ở đâu và chăm sóc người nào trước? - Nhiều người quá biết ai trước, ai sau được? Các cô xem ai cần thì giúp không cần phải hỏi. Hai cô theo tôi vào đây lấy khăn lau và thuốc sát trùng. Khuôn mặt của người nói khoảng độ tuổi của bọn Hạ, nhưng có lẽ vì công việc hiện tại đã tạo cho anh ta tính khí cứng rắn và thẳng thừng không khác gì người chỉ huy lính. Hạ cảm thấy ức vì không dưng bị con trai nạt nộ, nhưng cố gắng bỏ khuôn mặt bất mãn để bước theo anh ta. Hai đứa len lỏi bước ngang qua những người bệnh và theo anh ta vào tận căn phòng trong cùng. Một người đàn ông ở trần để lộ nhiều mảnh bom trên mình với máu me loang lổ, lết theo anh và kéo chân anh lại. - Bác sĩ ơi, cứu dùm tôi. Tôi đau quá! - Bác bình tĩnh ngồi một chỗ đi. Cháu không phải là bác sĩ nhưng cháu và các bạn cháu sẽ cố gắng chăm sóc hết tất cả. Hạ cảm thấy xây xẩm hơn khi nghe những tiếng khóc than và rên xiết xung quanh, nhưng Hạ cố gắng giữ bình tĩnh để còn được giao nhiệm vụ. Cầm chiếc khăn lau và thuốc khử trùng trong tay, Hạ và Anh đi hai hướng khác nhau để lau máu và chăm sóc cho những người bị thương. Thoạt tiên, Hạ chùi máu cho người đàn ông có nhiều mảnh bom trên người. Chân ông bị một mảnh bom rất lớn làm cho máu ứ đọng xung quanh. Cố ra vẻ là người chuyên nghiệp, tay Hạ thoăn thoắt dùng khăn chấm thuốc khử trùng để làm sạch vết thương nhưng Hạ lại không dám đụng mạnh vào nó vì cảm tưởng nó như là vết thương ở trên da thịt mình. Hạ từ từ lau những chỗ máu đã khô rồi bậm gan lau lần vào đường nứt trên làn da tím bầm gần đầu gối nơi mà mảnh bom đen nằm ẩn dưới. Có lẽ mảnh bom sát vào xương chân làm người đàn ông này đau đớn khiến ông ta rên xiết không ngừng. Lau xong các vết thương ở chân ông ta, Hạ bắt đầu lau lên người. Có quá nhiều mảnh bom nhỏ li ti gắn chặt vào da thịt ông ta đến độ Hạ không giữ nổi ý nghĩ trong đầu: - Sao bác bị thương gì mà nhiều quá vậy? -Họ bỏ bom bi mà cô! Bom này mà nổ là nó vỡ ra thành ngàn mảnh! Hạ nhíu mày ngạc nhiên vì không hiểu sao thành phố mới bị bỏ bom mà ông ta biết loại bom gì. Muốn hỏi nhiều hơn nhưng vì sợ mấy người Hồng Thập Tự, Hạ thì thầm: -Ai bỏ bom vậyhả bác? - Thì lính Cộng Hòa mình muốn bỏ bom cho sập cầu Xóm Bóng để tụi Việt Cộng không thể tiến chiếm Nha Trang được chứ ai. Nhưng mà, cầu không sập, bom lại nổ dưới chân Tháp Bà. Hạ hốt hoảng: -Vậy Tháp Bà có sao không? Có bị sập không? - Không sao! Chỉ có những người chạy tị nạn từ miền Trung vào như chúng tôi, sống ở đầu cầu thì mới bị thôi. Rên vài tiếng như thể cho đở bớt đau nhức, ông ta lo lắng hỏi: - Không biết khi nào bác sĩ mới đến hả cô? Tôi sợ nếu vết thương để lâu quá, chân tôi phải bị cưa! Lúc này Hạ nhìn ông ta kỹ hơn. Khuôn mặt lo lắng, hốc hác như trải qua một cơn khủng hoảng kinh hoàng lắm. Chiếc quần cộc bạc thếch với những vết bẩn của đất và vết loang của máu. Những vết thương ở chân và người chứng tỏ ông là người bị thương nặng thế mà ông lại phải ngồi ở một góc phòng. Những chiếc giường trắng của khu cấp cứu là nơi dành cho những người bị thương trầm trọng hơn. Vài cái giường chen chúc bởi hai, ba người hoặc hai, ba gia đình. Người bị nặng được ngồi hoặc nằm. Người bị nhẹ hơn thì đứng tựa gần đó. Nghĩ đến thân phận của những người miền Trung phải bỏ nhà chạy vào tị nạn ở Nha Trang mà không được yên thân, Hạ buồn bã trả lời: - Cháu không biết gì cả bác ơi! Có lẽ mấy anh đó sẽ kiếm bác sĩ cho bác. Chào ông ta để đi đến chăm sóc cho người khác mà tâm trí Hạ không được tập trung. Hạ không hiểu mấy anh Hồng Thập Tự làm sao tìm được bác sĩ cho hết thảy số người bị thương la liệt. Những ngày này, bác sĩ cũng như y tá thật là khó tìm trong thành phố. Nhưng mà, nếu lúc này thực sự có bác sĩ hay y tá thì Hạ cũng không biết ai là bác sĩ, ai là y tá, bởi vì mọi người ăn mặc như nhau ngoài trừ những anh chàng Hồng Thập Tự “hung dữ” này. Hạ không rành về y học và cứu thương, vì vậy Hạ cảm thấy bất lực và thua sút với những người đồng trang lứa. Với chai thuốc khử trùng và chiếc khăn, Hạ chỉ biết đi đến người này sang người khác và lau máu. Ngoài những câu an ủi qua loa, Hạ không thể làm gì khác hơn nữa. Hạ không dám quyết định việc gì ngay cả khi họ đòi uống nước. Hạ cũng không dám hỏi là nên hay không vì sợ bị la. Cho đến khi nghe mấy người mặc áo trắng la lớn, cảnh cáo: “Không được cho bệnh nhân uống nước!” thì Hạ lập tức không chiều theo ý của bệnh nhân nữa. Khác với những người bị thương xung quanh, một đứa bé khoảng mười tháng nhoẻn miệng cười trong lòng mẹ. Hạ ngạc nhiên bước đến và ngồi xụp xuống bên người mẹ trẻ, Hạ nói: - Cho em bế em bé một tí nghe! Nhăn mặt vì đau đớn, nhưng chị bằng lòng chuyền đứa bé sang cho Hạ. Hạ đưa thẳng đứa bé lên quan sát, rồi xoay nó từ trước ra sau và cẩn thận tìm vết thương khắp người. Ngạc nhiên và mừng rỡ, Hạ nói to: - Em bé không bị thương chỗ nào cả chị ơi! Chị gật đầu: - Chị biết rồi! Bởi vì khi máy bay bỏ bom chị ôm nó gọn trong lòng và lấy lưng đè nó xuống cho nên chị lãnh hết những mảnh bom trên lưng. Xúc động với những điều nghe được, nước mắt Hạ tuôn trào. Hạ nghẹn ngào chưa biết nói sao, chị kể tiếp: - Nhưng mà chị có hai đứa con, chị chỉ ôm được một đứa, còn con chị của nó thì bị thương. - Chồng chị có ở đây không? - Không! Anh ấy đi lính không biết giờ ở đâu. Giao vội đứa bé lại cho chị, Hạ chồm người sang đứa bé gái khoảng bốn tuổi đang nằm bên cạnh mẹ. Hạ lật áo nó lên để tìm những vết thương và chùi máu. Con bé nằm yên thiêm thiếp. Thỉnh thoảng nó rên khóc rồi kêu mẹ đòi nước. Khuôn mặt con bé đờ đẫn với cặp mắt mất thần sắc. Lau những vết thương có mảnh bom nằm dưới làn da non, Hạ cảm thấy chua xót và tội nghiệp cho con bé, còn nhỏ mà phải chịu đau đớn do chiến tranh gây ra. Chăm sóc cho con xong, Hạ tiếp tục tìm vết thương và lau máu cho mẹ. Người thiếu phụ nức nở với câu chuyện kể: - Biết “mấy ổng” vào Nha Trang, tôi định đưa mấy đứa con tôi trở về Buôn Mê Thuột rồi, nhưng vì không có đủ tiền nên mẹ con còn nấn ná ở lại, không ngờ đến nông nỗi này. Hạ ngạc nhiên: - Việt Cộng đã vào thành phố Nha Trang rồi sao? Sao em không thấy gì cả? Hôm qua em còn ra phố mà! Chị khẳng định: - Họ đã vào rồi cho nên bây giờ người ta chen nhau thuê xe về lại quê cũ. Tiền xe mắc như lúc di tản. Má Hạ đứng chờ trước cổng nhà. Đưa cho Hạ một cái túi nhỏ, bà nói một cách cương quyết: - Con vào chọn áo quần và những thứ cần thiết để đi ngay. - Đi ngay? Mình đi đâu hả má? - Đi Thanh Minh với hai cô. Mình sẽ ở nhà dì Tư. -Còn hai bác và Ái thì sao? - Bác gái đã đi Thanh Minh với bà con của bác rồi. Chỉ còn bác trai ở lại với con Ái. Hạ nằn nì: - Con không muốn đi! Con muốn ở lại. - Nha Trang bây giờ là chỗ giao chiến. Mình ở đây không yên đâu. Con đừng chướng! Hạ cố hỏi vặn: - Thế tại sao bác cả và Ái ở lại được? Má Hạ không trả lời. Bà hối hả gọi hai cô rồi giục Hạ mau ra khỏi nhà để khóa cửa. Đến trước cổng, gặp Ái đứng trên hiên nhà bác cả, má Hạ khuyên nó: -Lấy đồ chạy với bác đi con! Ái lắc đầu: - Con không nỡ để bác trai ở lại một mình. Hơn nữa, con không sợ chết. Hạ không thuyết phục Ái, cũng không chen vào đối thoại của hai người. Hạ trầm ngâm với ý nghĩ: “Mình không anh hùng như Ái. Mình không những sợ chết mà còn sợ bị thương như những người trong bệnh viện ngày hôm nay. Tuy nhiên, dù chết hay bị thương, bị ngay tại nhà vẫn còn tốt hơn là ở đâu đâu.” Dù ý nghĩ có là ước muốn của Hạ, Hạ cũng không thể nào quyết định độc lập như Ái. Má Hạ quá đau lòng khi mất Thảo Vy, Hạ không nỡ để bà bận lòng thêm nữa.