Dịch giả : Vũ Minh Thiều
Chương 12

Hôm nay người đưa thư trao cho tôi một phong thư lại có dán tem nước Cộng Hoà nhân dân Trung Hoa.
Gã chìa phòng thư với vẻ hãnh diện như chính gã đi lấy được thư này ở bên kia bờ đại dương.
Là thư của ông nhà.
Cảm ơn.
Thoáng nhìn biết ngay không phải của Diên Tôn, nhưng của..Tôi không thể gọi nàng là nàng hầu được. vậy mà đúng nàng là thế đó! Ở đó đối với xóm giềng, chắc nàng là người vợ Tàu, còn tôi là người vợ Mỹ. Một vấn đề làm tôi day dứt, nếu nàng viết được thì tại sao chàng lại không viết? chàng e ngại xúc phạm đến tình yêu chúng tôi chăng? Tôi mở phong thư
Chị yêu quý
Thư của chị đã tới. Em xin cám ơn chị đã trả lời. Nay bổn phận của em là báo tin về chàng để chị biết.
Em gửi thư này qua đường lối bí mật và nếu chẳng may nó rơi vào tay người xấu bụng, tất nhiên chị sẽ chẳng bao giờ nhận được. Nay, em xin báo tin chị biết chàng vẫn khoẻ mạnh, nhưng buồn rầu. Chàng ít nói với em. Hàng ngày, chàng ra bàn giấy, và buổi chiều lại về nhà. Nhà cửa vẫn như khi chị ra đi. Riêng chỉ có em không biết cách nào giữ cho được sạch sẽ như xưa. Đo6i kh chàng than phiền. Em nói với chàng em không sao săn sóc chàng được như chị. Em làm những món ăn chàng ưa thích. Chàng không nhắc nhở tên chị, nhưng vẫn giữ hình ảnh chị trong tâm trí, để vui riêng với cõi lòng. Ban đêm khi vầng trăng sáng tỏ, chàng ra sân ngắm. Có phải cũng vầng trăng này ở xứ sở chị không? chính với vầng trăng, chàng gửi gắm ý nghĩ thầm kín của chàng cho chị.
Sức khoẻ chàng dồi dào, nhưng chàng ít ngủ. Chàng và em không có đứa con nào. Chàng nói chàng không muốn.Em hỏi chàng, thế còn em thì sao? Chàng trả lời, tốt hơn là em không nên có con với chàng, vì nó sẽ lại lai máu huyết. nhưng em vẫn muốn có một đứa con. Em ra đền lễ bái và cầu xin nữ thần Phong Phù. Cho em đi lễ giấu giếm vì họ bảo không nên tin thần thánh. Chị hãy giữ gìn sức khoẻ. Nếu chị có ở đây, nhà đâu vắng vẻ thế này phải không chị? Và chị ơi, chúng ta vẫn là bạn của nhau.
Em nhỏ của chị
Bức thư an ủi tôi nhiều. nó giản dị mà đậm đà. Tôi lấy làm lạ, sao mình không ghen tuông. Buổi tối, khi mặt trăng nhô lên chóp núi, tôi tưởng tượng ra một vài giờ trước đây chính chàng cũng ra ngắm vầng trăng này.
Xin cảm ơn, người em gái của tôi.
Tôi ẩn náu trong cuộc sống nội tâm kỳ dị của mình. không một ai trong thung lũng hiểu rõ cuộc sống đó, dù tôi có thổ lộ chăng nữa. Từ nay, tôi ước ao rời xa thế giới trước kia tôi sinh sống với Diên Tôn và định cư hẳn ở nơi này, mà tình huống buộc phải sống.
Nhưng tôi cố xua đuổi kỷ niệm xưa không? Tôi hiểu rằng Diên Tôn muốn cắt đứt hai lần tất cả giây liên lạc giữa chúng tôi. không phải chỉ riêng việc chàng ngừng viết thư cho tôi đâu. Chàng không muốn nghĩ cả đến tôi nữa. Trước kia khi còn hy vọng gặp gỡ nhau, tôi cảm thấy có sự đồng tâm hiệp ý giữa chúng tôi. Vào thời kỳ đợi chàng ở Trùng Khánh, thì chàng len lỏi vào con đường xuyên qua xứ sở rộng lớn, đi bộ cùng các giáo sư và sinh viên để đi tới phương Tây, tôi thấy chàng đến với tôi với tất cả tâm linh chàng. Nhưng nay mặc dù thể xác tôi chờ đón chàng tôi lại chẳng thấy chàng đâu. Chàng thoát lánh ra khỏi vòng cương toả của tôi, chẳng qua cũng vì tiêu tan hết niềm hy vọng gặp gỡ tôi rồi! Tôi không tin rằng chàng không yêu tôi nữa, nhưng chúng tôi đã đi tới chung cục cuộc sống giữa hai người. Nhưng nào tôi có thoát ly được dĩ vãng kia? 
Khi Bạch cầu hôn, tai tôi nghe thấy lời nói của chàng, thì lời nói đó không có một âm hắn nào trong lòng tôi. Giờ này nó còn vang động trong tâm hồn tôi còn nghe rõ, nhưng lại không có nghĩa. Chỉ khi vào buồng ông cụ, những lời nói đó mới thấm thía. Trong lòng tôi sự bồng bột của tuổi trẻ trong thời kỳ ở Bắc Kinh nay đã nhường chỗ cho một nỗi sầu xứ êm đềm, tựa như mối cảm tình khởi lên trước cảnh điêu tàn lặng lẽ của lâu đài hoang phế. Tôi thường lui tới phòng ông cụ với ý nghĩ trông ngắm thân hình tiên cốt của ông mặc chiếc áo dài gấm xanh, ngồi trong chiếc ghế bành gần cửa sổ. một vài thứ tôi mang ở Trung Hoa về - hai bức ấn hoạ, một chiếc bình ngọc, những đĩa sứ Giang Tây, một tấm thảm màu xanh biếc như da trời miền Bắc – cũng như tự ý từ phía trong nhà di chuyển tới phòng ông cụ để gặp gỡ nhau.
Ông thấy có dễ chịu không?
Ông trả lời giọng trầm tĩnh:
Khá lắm.
Ông cụ ngồi ở kia, ông thân sinh Diên Tôn, một ông già đẹp lão, cao và thẳng, mảnh khảnh như nhà tu hành có bộ râu và tóc trắng bạc như tuyết đỉnh non. Ông không nghĩ ngợi gì. ông hiện thân ở đấy một cách giản dị. Và đời sống đơn giản, trong sạch và ngây thơ kia buộc tôi nhớ lại thời kỳ ở Bắc Kinh.
Ôi! Thành phố lý tưởng! tất cả đời sống như hẹn hò gặp nhau tại đây! Những mái nhà vàng, xanh của những cung điện che giấu một dòng trường sử của các vị vua chúa và nữ hoàng. Ngay kẻ hành khất cũng trang nghiêm. Họ ở trong các xó xỉnh ra, tay chìa xin ăn, mặt vẫn ngẩng cao. Tôi lại thấy các phố xá, ban đêm, đông nghẹt người trong ngày hội, và yên tĩnh. Còn các ngày khác đèn thắp, các ngọn nến lung lay trước gió, mọi gia đình tụ họp quanh bữa ăn chiều, đàn ông trò chuyện quanh các giếng nước. tôi thấy thành phố hiện ra dưới ánh mặt trời chói loà, ló ở giữa các làn bụi vàng của trận bão xuân. Tôi trông kinh thành giống như một vườn rộng mênh mông trong mùa hạ, với mái nhà lợp sứ xanh cùng đồ trang hoàng vàng son đỏ ối, giiữa những tàn bách hương đen kịt. Tôi mường tượng như thấy kinh thành trắng xóa phủ chiếc áo tuyết, che kín các mái nhà và đường phố, khách bộ hành mạo hiểm, thận trọng bước đi, như đàn mèo, như vẻ vui tươi, má hồng đỏ vì giá lạnh, chiếc mũ lông phủ xuống tai.
Tiết đông là mùa của tình yêu, của các đêm xum họp quanh ngọn lửa, trong những ngôi nhà tuyết bao phủ. Ở Bắc Kinh, tuyết rơi nhiều lắm và những tảng tuyết đông đặc chẹn cửa ngõ, chắc như then cài. Người Trung Hoa ưa chiêm ngưỡng tuyết, những họa sĩ thích ngắm hoa bích đào hiện trên nền tuyết trắng phau của mùa xuân, nhưng họ không thích đi ra ngoài tuyết vì chân họ giậm giày vải và nhung. Những đêm tuyết rơi, Diên Tôn và tôi không tiếp bất cứ một ai. Người gác cổng già thận trọng ở trong ngôi nhà nhỏ, sát liền cổng và như vậy chúng tôi yên tâm với cảnh yên tĩnh. Chúng tôi cho đầy than vào lò, và các ngọn nến tắt hết, chúng tôi ở bên nhau qua buổi tối với ánh lửa. Đó là giờ đón mời tình yêu, ở ngưỡng cửa một đêm dài hạnh phúc bất tận.
Còn ngọn núi ở Vermont thì không một người qua lại mới yên lặng biết bao! Lại mùa thu tới, lá vàng đỏ ối. Màu sắc, chan hoà trên cây cối như nhựa sống tràn trề lúc xuân về.
Núi non dần dần mất hết cảnh huy hoàng, giơ lên nền trời xanh những chóp tròn. Ở trang trại công việc lớn đều đã xong, chỉ còn săn sóc đàn bò và thu nhặt trứng. Ngày hôm qua ông Mạch mới đặt thêm những liếp cửa sổ và những khuôn vải ngoài các cửa lớn. rồi ngày hôm nay trời lại trở lại nóng ấm, cùng với những ác biến như ở Trung Hoa. Nhưng tôi đâu bắt chước được như người Trung Hoa, giơ quả đấm đe doạ đấng Tối cao. Người dân Trung Hoa giữ mối liên lạc với Thần thánh của họ mà cũng không trừ bỏ ra lời phê phán. Họ chờ đợi ở đấng Thần linh để có mưa thuận gió hoà. Sau ngày sương mù dầy đặc, tiết trời cần phải nóng ấm để lúa mì mùa đông trổ lên, e cơn giá lạnh quá sẽ làm tàn lụi. Có ngày, một nông dân đã nói với Thần linh của họ điều thầm kín:
Xin đấng Tối cao cho biết tại sao Người lại làm trời nóng bức chứ không giá lạnh? Có phải Người uống rượu rồi quên đi lẽ phải? Xin Người hãy suy nghĩ lại! nếu không, xin báo với Người: không có hương hoa lễ vật ở miếu nữa!
Hai ngày sau một trận bão tuyết từ phương Bắc tới. Diên Tôn và tôi không nhịn được cười. Tôi nhủ thầm không rõ người vợ Trung Hoa của chàng có biết làm chàng vui đùa không? Này là nhiều thư của người đàn bà này tôi phải đọc lại. Qua lời lẽ của nàng, tôi cố hình dung ra chàng, nhưng chỉ nhận được bóng chàng thôi.
°
Buổi tối nay vừa mở cửa sổ tuyết đã bay lả tả vào phòng. Những bông tuyết đập vào mặt và ngọn gió lạnh lùa vào áo. Tôi vội vào giường, lấy mền ấm trùm kín. Tôi phải quên mình lẻ loi một mình và chỉ nghĩ đến hơi ấm chiếu chăn. Mền làm bằng len của mấy con cừu hớt lông vào hồi tháng bảy. mấy con cừu giữ cho tôi được ấm áp, bò cho sữa, bơ và phó mát. Đất đai cung cấp cho tôi thức ăn và sắc tươi đẹp. Còn về mấy tấm mền khi tôi gửi len ra hãng đã nhờ họ nhuộm ra màu hồng thẫm…Tôi yêu mến hơi ấm và màu ssắc của mấy tấm mền này. Ở những vật nhỏ đó tôi rút tỉa ra được thú vui và niềm an ủi. Vì vật mọn bao giờ cũng là kỷ niệm vĩnh cửu.
°
buổi nay phong cảnh thung lũng chìm đắm dưới tuyết và ngọn núi trông tưởng như cao gấp đôi. Tôi nhận được bức thư đầu của Lê Ni:
Mẹ yêu dấu…
Tôi hôn dòng chữ này trước khi tiếp tục đọc. con tôi viết thư như mới hôm qua rời nhà đi. bì thư mang dấu một đại học đường ở Mindevest. Nó chối từ không vào Havard, nơi cha nó học trước đây. nó muốn tự quyết định. Như vậy cũng được lắm. Nó làm việc để trả học phí. Môn vật lý được nó lưu ý nhiều. Nó ở chung phòng với một người bạn tên là Boven. Boven có một người em gái rất thông minh và khá đẹp. Nhưng xin mẹ đừng có nghĩ gì khác. Con chán ngán tất cả đàn bà rồi!
Mới mười tám tuổi, con trai tôi đã chán ghét đàn bà! Phải rồi A Lệ! Chính nàng đã làm nó đau khổ nhiều. Nhưng người đàn ông, đàn bà nào mà chẳng đau đớn về mối tình đầu, hoạ may có một số ít người được ưu đãi, như Diên Tôn và tôi, mà mối tình đầu nảy nở ra, lại là mối tình duy nhất suốt đời.
Trong thư Lê  Ni nói sẽ về vào ngày lễ Giáng Sinh. Ôi! Còn tin nào vui bằng!
Nếu chỉ có ông cụ và tôi đối diện nhau trong ngày lễ thì buồn biết bao! Nếu Lê Ni không báo tin về vào ngày Giáng sinh chắc tôi sẽ không làm gì cả. Nhưng nay, phải làm bánh và giết một con gà tây. Tôi phải làm mứt hạnh đào cho Lê Ni và ngay bây giờ bắt đầu đan áo cho nó, một chiếc áo len đỏ. Và nữa, đã nhiều tháng có ai săn sóc áo quần cho nó đâu? Nó phải mang tất cả về đây. Cả ngôi nhà như bừng sáng và nhộn nhịp. Tôi chạy vội báo tin cho ông cụ biết, ông cụ vẫn thản nhiên ngồi trong ghế bành gần cửa sổ trong phòng.
Ông bảo tôi bằng tiếng Trung Hoa:
Ta lạnh ở đầu gối.
Tôi nói làm như vẻ trách ông:
Ông để rơi mền xuống đất. Ông phải lưu tâm chứ vì Lê Ni sắp về nhà vào lễ Giáng sinh rồi. Ông có nghe rõ không? Con nói, rồi ông nhắc lại nhé, Lê Ni là cháu nội của ta.
Ông cụ nhìn tôi vẻ kiên nhẫn, rồi với một giọng run run, ông nhắc lại:
Lê  Ni là cháu nội của ta.
Nó về nhà vào ngày lễ Giáng Sinh…
Về nhà vào ngày lễ Giáng sinh…
Tôi đặt một chiếc hôn lên trán ông và vội vã về phòng Lê Ni. Ông Mạch có thể giúp tôi sơn lại tường phòng con tôi. Màu vàng nhạt không phải là màu ủ rũ…
°
Chỉ còn bốn ngày nữa đến Giáng Sinh. Tối nay Lê Ni về. Cùng lúc này tôi nhận được hai lá thư, viết trong ngôi nhà ở Bắc Kinh có một bức gửi từ Manila, một bức từ Bankok. Người thiếu phụ Trung Hoa nhỏ bé kia thật đa mưu. Thư của Diên Tôn bị kiểm duyệt. Nhưng với nàng còn gì dễ dàng hơn là nhét thư vào tay áo mang đến bè bạn nhờ gửi đi từ bưu cục xa xôi, cách biệt. tôi muốn biết nàng là người thế nào. Tôi muốn xin tấm hình của nàng, muốn vậy mà lại e ngại. Chính nàng sẽ gửi nếu có thể được. Nàng hay nói, đáng mến và vui vẻ, lưu ý nhiều đến các hình ảnh và kỷ niệm. Trong nhiều thư của nàng, nàng nói với tôi về Diên Tôn – không bao giờ nhắc nhở đến tên nàng – nói về ngôi nhà và  cuộc sống chung với chàng.
Hôm nay chàng bị ngạt mũi, trong giờ giảng dạy chàng lại nuốt phải cát. Em nấu gừng với mật ông cho chàng uống và chàng đã đỡ nhiều lắm.
Điều đó đúng. Những trận bão cát trong mùa thu thường làm Diên Tôn ho. Có lúc chúng tôi đã trù tính di chuyển đến một miền khác ở Trung Hoa, xa những bãi sa mạc Tây Bắc. Nhưng lúc sắp đi, thì Diên Tôn lại không sao rời bỏ được Bắc Kinh.
Chàng nói:
Người ta lưu luyến thành phố này như lưu luyến xứ sở. nó có một không hai. Bất cứ ở đâu anh cũng thấy xa lạ.
Tại sao chưa bao giờ tôi nghĩ tới nấu nước gừng pha mật ong cho chàng uống? Nàng săn sóc chàng kỹ lưỡng hơn tôi. Nhưng nàng có yêu chàng đằm thắm được như tôi không?
Nàng tiếp tục kể lể:
Những bông cúc thật đẹp về mùa thu. Chúng nở đối diện bức tường phía bắc trong thửa sân lớn.
Chính bông cúc vẫn nở nơi này. Tôi còn trồng cúc hồng, cúc trắng đối diện bức tường ở thửa sân nhỏ, phía buồng ngủ chúng tôi trông ra.
Lúc này chàng làm việc nhiều lắm. Có nhiều lớp học mới và thêm nhiều sinh viên mới nữa. Chàng không ngủ được. Khi chàng ngủ lại hay lẩm bẩm những lời gì em không sao hiểu được!
Có bao giờ chàng gọi đến tên tôi không? Chàng xa cách tôi nhiều quá, nếu lúc này, chúng tôi gặp nhau, có lẽ lại tệ hại hơn, ở giữa chúng tôi có biết bao ngày chàng vắng tôi. Chàng làm sao nhắc nhở đến tôi được nữa mà tôi chẳng còn biết hỏi han chàng về điều gì?