Dịch giả: Ngô Quý Quang
CHƯƠNG XII
VẾT SẸO CHIẾN THƯƠNG

1
Ngày chủ nhật, ở nhà, Singo dùng cưa cắt bụi dây leo quấn chặt lấy gốc cây anh đào ngoài vườn. Ông đã tính là để triệt hẳn bụi cây đáng ghét ấy đi thì phải đào bật gốc nó lên, song rốt cuộc ông cũng đành vừa lòng với việc cắt cụt các nhánh của nó, và thầm nhủ là sẽ theo dõi để cắt tiếp những nhánh mới đâm ra.
Trước đây Singo cũng đã làm như vậy, nhưng kết quả là bụi dây leo lại mọc um lên khiến cây anh đào gần như chết ngạt. Giờ đây, Singo thấy không muốn đánh vật với việc đào rễ. Ông không tin sức mình có thể làm nổi việc đó.
- Con giúp ba một tay nhé? - Có tiếng Suychi hỏi.
Singo không để ý anh con trai đã đến sau lưng ông từ lúc nào.
- Không cần đâu. - ông cấm cẳn đáp.
- Kikuco bảo con ra giúp ba.
- Thế hả, có điều cũng chẳng còn mấy việc nữa.
Nói đoạn, Singo ngồi xuống đống cành lá gần đó. Suychi chộp lấy cái cưa và hỏi:
- Ba tính cắt hết hay sao?
- Ừ - Singo đáp và ngắm nhìn những động tác nhanh nhẹn của con trai. - Còn những cái này cũng cắt luôn chứ ạ? - Suychi chỉ vào mấy chồi anh đào non mới nhú dưới gốc.
- Khoan đã, khoan đã! - Singo nói và nhổm dậy.
Kikuco từ trong nhà đến nhập bọn. Suychi giơ cái cưa chỉ mấy chồi non và cười lớn.
- Ba đang còn nghĩ xem nên để hay nên cắt đấy! - Anh ta nói.
- Nên cắt đi thì hơn ba ạ! - Kikuco lập tức trả lời.
- Ừ cũng phải, nhưng nếu đấy là cành non thì tôi không muốn cắt - Singo cố giãi bày những khúc mắc của mình.
- Cành không mọc thẳng từ dưới đất lên đâu ạ. Đó là chồi đấy. - Kikuco đáp.
Suychi lẳng lặng cắt các chồi cây.
- Tôi những muốn để cho tất cả các cành và nhánh được mọc tự do và mặc sức vươn ra theo ý chúng. - Singo nói. - Bụi dây leo cản trở đến việc đó, vì thế mà ta cắt nó đi...Những cành nhỏ ở dưới cùng ấy đừng có cắt nhé, Suychi! Để chúng lại đi.
- Chúng mảnh mai như cái đũa ấy, thậm chí chỉ hơn một cái tăm một chút. - Kikuco nói và không rời mắt khỏi Singo. - Vậy mà lúc ra hoa trông chúng cũng lộng lẫy ra trò!
- Ồ, những cành ấy mà cũng có hoa kia à? Thế mà ta không phát hiện ra đấy! - Singo thốt lên.
- Ở cái nhánh nhỏ như que tăm kia cũng có một bông duy nhất đấy ạ. Hay chưa!
- Song chắc gì chúng đã lớn nổi. - Kikuco khéo léo đưa đẩy. - Chắc hẳn khi chúng lớn được bằng những cành nhỏ nhất của cây locva trong vườn Sinjuku thì con đã thành một bà già lụ khụ rồi.
- Chưa chắc, bởi vì anh đào lớn rất nhanh. - Singo đáp lại và ông bắt gặp cái nhìn của Kikuco.
Ông không kể với ai trong nhà về cuộc gặp gỡ ở công viên Sinjuku. Chẳng lẽ vừa quay trở về mà Kikuco đã kịp đem kể với chồng? Đó chẳng phải là một điều bí mật và hẳn là cô đã nói đến nó như một chuyện bình thường.
Singo bắt gặp cái nhìn của Kikuco, nhưng cô không hề mảy may bối rối.
Sau đó, ông chuyển tia mắt về phía những cành anh đào non đâm ra từ cái gốc cây, ông tưởng tượng ra cảnh những cành đào non nớt mảnh mai ấy sẽ lớn lên và vươn ra hùng vĩ như thế nào.
- Làm gì với đám cành lá này hả ba? - Suychi hỏi.
- Đem quẳng nó vào một xó nào đấy. - Singo đáp.
Bắt chước Suychi, Kikuco cũng ôm lên một đống cành định khuân đi.
- Đừng, em bỏ xuống đi. - Suychi nói đầy vẻ quan tâm. - Em vẫn đang còn phải giữ gìn đấy.
Kikuco gật đầu, ngoan ngoãn bỏ mớ cành xuống và đứng nguyên ở đó. Singo bỏ vào nhà.
- Kikuco làm gì ở ngoài đó vậy? - Bà Yasuco ngẩng đầu lên hỏi.
Bà đang mạng lại cái mùng cho đứa cháu nhỏ. - Hai vợ chồng ở bên nhau trong một ngày chủ nhật, thật là một sự lạ phải không? Có vẻ là chúng nó hiểu nhau hơn từ khi Kikuco trở về đấy... Này ông, trong cuộc đời kể cũng lắm sự lạ thật?
- Nhưng Kikuco không được hạnh phúc. - Singo làu bàu.
- Tôi thì tôi không nói như vậy đâu. - Yasuco đáp lại. - Lâu nay tôi không thấy nó vui vẻ như bây giờ. Ừ thì nó có sút đi mất một ít, nhưng nhìn nét mặt rạng rỡ của nó, tôi...
- Hừm.
- Mà Suychi dạo này đi làm về đúng giờ, còn chủ nhật thì ở nhà. Người ta vẫn có câu: "Mỗi cái rủi thường dọn đường cho một cái may" và chuyện nhà mình thì cũng như vậy thôi.
Singo lặng thinh không đáp.
Suychi và Kikuco từ ngoài vườn vào.
- Ba xem này, Satoco nó bẻ mấy cành quý của ba đây! - Suychi nói và chìa ra mấy cành anh đào non.
- Ái chà! Nhưng mà thôi, vì những cành như vậy đứa trẻ nào mà chả muốn ngắt.
Kikuco đứng nép ở đằng sau lưng chồng.
2
Khi từ Tokyo trở về, Kikuco mua tặng Singo một dao cạo râu điện. Bà Yasuco nhận được một tấm lụa để may đai kimono, còn Fusaco - mấy chiếc váy nhỏ cho hai đứa con của chị ta.
- Thế nó có tặng cho Suychi cái gì không? - Singo hỏi vợ.
- Một chiếc dù gấp và chiếc lược Mỹ có gương soi gắn ở bao. - Bà Yasuco đáp. - Tôi nghe nói là người ta không bao giờ tặng lược vì đó là điềm tan vỡ, song hình như Kikuco không biết chuyện đó.
- Đây là lược Mỹ cơ mà? Ở Mỹ người ta đâu có dị đoan như vậy.
- Kikuco cũng mua cho mình một chiếc lược y như vậy, chỉ khác màu thôi. Nhưng mà Fusaco thích quá nên Kikuco đã tặng cho nó. Chắc là con bé muốn vợ chồng nó có lược giống nhau và ai mà biết được cái lược đó có ý nghĩa thế nào đối với nó! Dở một cái là Fusaco không chịu buông ra nữa. Thật kém tế nhị đến thế là cùng!
Giọng nói của bà Yasuco đượm vẻ trách móc đối với con gái mình.
- Hai đứa bé được mấy cái váy rõ đẹp. - Bà nói tiếp. - Bản thân Fusaco không có quà, nhưng con nó được. Vậy nó còn muốn gì nữa?
Kikuco có vẻ áy náy vì không có quà riêng cho chị chồng, song tôi hỏi ông, trong nhà này ai có quyền đòi hỏi quà tặng sau tất cả những gì đã xảy ra?
- Bà nói đúng! - Singo ủng hộ.
Song có điều Yasuco không biết, đó là việc Kikuco đã xin tiền của cha mẹ cô để mua quà cho gia đình chồng, còn Suychi thì đã moi tiền của tình nhân để phá thai cho vợ. Nói ngắn gọn, cả hai đều không có tiền để tặng gì cho nhau. Kikuco hẳn đã nghĩ rằng Suychi phải tốn kém cho cuộc nạo thai của cô và cô đã xin tiền cha mẹ để mua quà cáp cho cuộc trở về.
Singo cay đắng thấy rằng lâu nay ông không cho con dâu tiền tiêu vặt. Trước đấy đã có thời ông cho cô tiền với tất cả sự hảo tâm, song từ khi quan hệ vợ chồng cô lục đục và cô ngả về phía ông thì ông thấy không tiện làm như vậy nữa. Có thể là khi ông không cố đi sâu vào cuộc để hiểu Kikuco hơn, thì ông lại thành ra giống như Fusaco, người đã tước mất cái lược của Kikuco một cách vô lối như vậy.
Suychi thì sống theo một lối sống mà kết quả là Kikuco không bao giờ có tiền cả. Tất nhiên là Kikuco không kêu ca với bố chồng. Như vậy, nếu Singo quan tâm nhiều hơn đến con dâu thì hẳn là cô đã không rơi vào trong cái tình cảnh nhục nhã là đi phá thai bằng tiền của tình nhân của chồng mình.
- Giá như nó đừng mua quà thì mình lại đỡ băn khoăn hơn. - Bà Yasuco trầm ngâm nói. - Liệu tất cả những thứ đó trị giá bao nhiêu nhỉ? Theo ông thì nhiều không?
- Tôi không biết! - Singo vừa đáp vừa nhẩm tính. - Không hiểu cái máy cạo râu giá bao nhiêu? Về món đó tôi chẳng biết tí gì cả.
- Thế thì ông để ý đến cái gì? Nếu coi tất cả số quà cáp là những giải thưởng xổ số, thì ông đã trúng giải lớn nhất rồi. Tôi dám chắc là Kikuco nó cũng hình dung ra cái hình ảnh như vậy lắm...
Hôm Kikuco mới trở về, Singo và Suychi đi làm về cùng với nhau. Buổi tối hôm đó cả nhà xúm quanh chiếc dao cạo râu máy.
Cũng có thể nói là nó đã tránh cho họ những lời phân trần khó khăn - một đằng là Kikuco, vì đã tự ý bỏ về nhà cha mẹ, đằng khác là Suychi, kẻ đã là nguyên nhân khiến cô phải nạo thai.
Tất cả đều nhìn đồ vật đó với một vẻ tò mò háo hức. Singo một tay cầm tờ chỉ dẫn, tay kia mở máy và cho nó rà trên mặt mình.
- Các bà xem này, ở đây viết là máy này có thể dùng cho phụ nữ để làm sạch lông tơ trên cổ và ở cả những chỗ khác nữa. - ông nói và nhìn Kikuco.
Đôi má trắng trẻo của cô lúc này hơi đỏ lên, còn mắt cô ánh lên vẻ vui sướng.
- Nó không làm trầy da, mà lại không cần nước xà bông để cạo. - Kikuco giải thích.
- Tuyệt thật! - Singo tán thưởng. - Trong khi đó dao cạo thường hay vấp vào những nếp nhăn sâu ở người già.
Tiếp theo ông xem xét phần lưỡi dao. Để nhìn cho rõ, ông đeo kính vào.
- Nhưng lưỡi dao không hề động đậy này? - Singo ngạc nhiên nhận xét. - Vậy thì làm thế nào mà nó cạo được nhỉ? Động cơ thì chạy mà lưỡi dao không hề động đậy?
- Ồ thật thế! - Bà Yasuco chia sẻ nỗi ngạc nhiên với ông. - Hay là nó hút râu giống như là máy hút bụi ấy nhỉ?
- Nếu vậy thì râu kia đứt ra được đựng vào đâu? - Singo vặc lại.
Kikuco cúi mặt xuống cười.
- Để đáp lại món quà rất hay này của con dâu, ông nên tặng lại nó một cái máy hút bụi, - Yasuco nói. - ông có biết là như vậy công việc của nó sẽ nhẹ nhàng hơn biết bao nhiêu không?
- Bà nói đúng. - Singo biểu đồng tình.
Trong nhà chả có lấy một thành quả nào của văn minh cả. - Yasuco nói tiếp. - Thậm chí đến cái tủ lạnh cũng không. Năm nào ông cũng hứa mua, nhưng kết quả thì ra sao nào? Còn cái lò nướng bánh nữa? Hiện đang có loại lò điện tự động, nướng chín bánh là tự ngắt mạch.
- Hừm? Ý của bà theo tôi hiểu là điện khí hóa toàn bộ nhà cửa có phải không?
- Ồ thì ông vẫn quý hóa Kikuco lắm, song hiện nó có được lợi gì từ cái tình cảm ấy của ông chứ?
Kèm theo chiếc máy cạo râu có hai bàn chải nhỏ, Singo nhặt một chiếc có hình dài tròn như cái rửa chai lên và tò mò ngoáy vào một cái lỗ ở phía sau bộ phận lưỡi dao của máy. Những sợi râu vụn từ trong đó bỗng rớt đầy xuống đầu gối ông. Nhìn kỹ vào đám râu, ông thấy chúng toàn là sợi bạc.
Bằng một động tác đột ngột, Singo phủi sạch đám râu khỏi quần mình.
3
Singo đã mua ngay chiếc máy hút bụi.
Sáng sáng, trước giờ điểm tâm, chiếc máy hút bụi của Kikuco và máy cạo râu của Singo thi nhau kêu vo vo và việc đó làm ông rất thú vị. Có thể là ông đã nghe thấy tiếng nói của cải mới ở trong nhà mình.
Singo cho rằng cái máy cạo râu là nguyên nhân gây ra giấc mơ đêm qua của ông về bộ râu quai nón. Trong giấc mơ ấy ông không phải là nhân vật chính mà chỉ là một khán giả, tuy rằng trong mơ các nhân vật chính và khán giả thường lẫn lộn với nhau. Sự việc diễn ra không phải ở đâu khác, mà lại chính ở nước Mỹ, nơi ông chưa hề đặt chân đến. Điều đó được ông giải thích rằng do tại những chiếc lược Mỹ của Kikuco.
Singo đã mơ thấy ở đó có những bang gồm toàn người Anh và những bang người Tây Ban Nha. Ở những bang đó người ta để râu theo những kiểu nhất định. Khi thức dậy rồi, Singo không còn nhớ được cụ thể các kiểu râu ấy ra sao, nhưng ông chắc chắn rằng chúng không giống nhau tùy theo đặc điểm của mỗi bang. Ở một bang nọ bộ râu quai nón mang trong mình tất cả các đặc điểm của mọi bang gồm đủ mọi chủng tộc. Không phải theo kiểu là các loại râu trộn lẫn vào trong đó mà đúng hơn là mỗi loại râu, dù là của người Pháp hay người Ấn Độ, đều mọc riêng rẽ ở một chỗ nhất định, làm cho bộ mặt của nhân vật kỳ lạ ấy tua tủa những đám râu nhiều kiểu, tượng trưng cho tất cả các vùng dân cư khác nhau.
Chính phủ Hoa Kỳ đã tuyên bố xem bộ râu phi thường ấy là tài sản quốc gia và các điều khoản của sắc luật đó đã tước mất của người đàn ông kia cái quyền được tự tiện sửa râu. Chẳng hiểu sao Singo lại thấy bộ râu đó là của mình, và ông cũng cảm nhận được cả lòng kiêu hãnh cùng sự bối rối dễ hiểu của người đàn ông nọ.
Giấc mơ chẳng có chủ đề gì đặc biệt. Chỉ đơn giản là Singo thấy một người có râu, vậy thôi. Bộ râu khó hiểu kia đương nhiên là dài, rậm. Singo tự giải thích chuyện đó bằng việc sáng sáng ông vẫn cạo râu bằng chiếc dao cạo điện mới của mình.
Sau giấc mơ ấy Singo còn mơ một giấc mơ khó chịu khác. Trong giấc mơ thứ hai này, ông thấy mình sờ vào ngực một người đàn bà nào đó. Chỉ đơn thuần là tay ông chạm vào thôi và không hề có một chút mảy may thích thú. Người đàn bà ấy không có mặt, không có cả thân người mà chỉ có mỗi bộ ngực. Sau khi Singo cố gắng giải đáp cho mình câu hỏi người đàn bà ấy là ai, thì cô ta bỗng biến thành cô em gái của một người bạn của Suychi.
"Mọi cái đều ngớ ngẩn biết chừng nào!" Ông bỗng chợt nhớ đến câu nói của Ogai Mori 1trước khi ông ta chết. Trước đây, Singo đọc được câu này ở trong một tờ báo. Hẳn là giờ đây ông muốn tự thanh minh, bởi vì nếu không thì tại sao khi vừa tỉnh dậy ông lại nhớ ngay đến mấy lời của Ogai?
Trong đầu Singo bỗng lóe lên một ý nghĩ! Phải chăng cô gái trong mơ chính là hiện thân của Kikuco? Phải chăng những ức chế về mặt đạo đức đã tác động lên ông ngay cả trong giấc ngủ?
Có thể là nếu ông có tự do hoàn toàn trong những mơ mộng của mình, nếu ông được làm lại mọi cái từ đầu và sống như ý thích, thì hẳn là ông sẽ muốn được yêu Kikuco, một Kikuco trinh bạch thuở vẫn còn con gái.
Cái ý muốn nằm ngoài ý thức bị dồn nén mãi và méo mó đi ấy đã biến thành một dạng khó tiếp thu như vậy ở trong mơ. "Ngay cả trong giấc mơ ta cũng cố giấu giếm nó để đánh lừa bản thân mình", Singo thầm nghĩ.
Chỉ có điều là tại sao ông lại biến người đàn bà trong mơ thành em gái người bạn của Suychi mà trước đây anh ta suýt cầu hôn, tại sao ông lại làm cô ta thành ra hư ảo như vậy? Có thể vì ông đã quá sợ rằng hóa ra đấy lại là Kikuco chăng?
"Đó chỉ là một giấc mơ thôi và chẳng là cái gì hết! Cả bộ râu được coi là tài sản quốc gia kia cũng vậy. Vả lại ta không tin chuyện mộng mị", Singo tự nhủ và đưa tay lên vuốt mặt. Người ông đẫm mồ hôi tuy giấc mơ thật lạnh lẽo. Ngoài trời mưa xối xả và gió quất ào ào vào tường nhà. Hơi ẩm dường như thấm qua nền nhà vào bên trong.
Singo nhớ đến một bức tranh mực tàu của Catzan mà ông được xem cách đó mấy hôm ở nhà một người bạn. Cảnh trong tranh là một con quạ đậu trên ngọn một cây trơ trụi và bên cạnh có hàng chữ đề:
Con quạ đơn độc
Trong buổi bình minh
Cơn mưa đầu tiên của mùa hè
Khổ thơ đề đã giúp Singo hiểu được ý nghĩa của bức tranh cũng như tình cảm của họa sĩ. Đậu trên ngọn cây trơ trụi, nhoi mình trong mưa gió, con quạ đợi bình minh đến.
Về tác giả của bức tranh Singo chỉ biết được rằng ông ta đã sa sút đến cùng cực và đã tự vẫn, còn bức tranh thì thể hiện tâm trạng của ông ta trong một thời điểm nào đó.
- Một con chim thật gợi cảm và hết sức kiên nhẫn, song cũng hơi khó ưa một chút. - Singo đã bình phẩm như vậy với người bạn, chủ nhân của bức tranh.
- Anh nghĩ như vậy à? - Bạn ông đáp lại. - Tôi đã ngắm nó suốt thời kỳ chiến tranh. Quả là con chim khó ưa thật, nhưng trong phong thái của nó có cái gì đấy thật bình thản. Nếu như người ta cần tự vấn vì những nguyên nhân đã khiến Catzan tự vẫn, thì tôi với anh đã chấm dứt cuộc đời không biết mấy lần rồi... Phải, tất cả là ở chỗ thời buổi mà người ta đang sống.
- Và chúng ta cũng đã đợi bình minh đến, phải không?
"Hẳn là trong cái đêm mưa gió này, con quạ vẫn được treo trong phòng khách của ông ta", Singo thầm nghĩ. Ông băn khoăn tự hỏi liệu lũ quạ và chim Ó "của nhà ông" giờ này đang ẩn náu ở đâu?
4
Sau giấc mơ thứ hai, Singo không ngủ lại được nữa. Ông nằm thao thức đợi trời sáng. Nhưng không phải với sự kiên nhẫn bền bỉ của con quạ trong tranh của Catzan.
Dù người đàn bà trong mơ là ai thì trái tim ông cũng không hề rung động. Mà điều đó mới thật là đáng buồn biết bao nhiêu.
Đàn bà đã bước ra khỏi đời ông kể từ lúc có chiến tranh và không bao giờ quay lại nữa. Lúc ấy ông vẫn chưa già, nhưng đã quen với cách sống như vậy. Điều mà chiến tranh đã giết chết, không bao giờ hồi sinh lại nữa. Ngay cả cách suy nghĩ của Singo cũng giữ theo nếp nghĩ mà chiến tranh đã tạo ra, nghĩa là gò bó trong khuôn khổ của sự khôn ngoan thận trọng.
Singo không hiểu tại sao mình không thể yêu Kikuco trong mơ. Việc gì mà ông phải sợ hãi và xấu hổ bởi những giấc mơ của riêng mình? Mà việc ông yêu cô ngay cả những lúc không ngủ mơ cũng có phải là tội lỗi không đã chứ? Ông muốn nhìn sự việc từ khía cạnh đó.
Thế rồi ông nhớ đến một khổ thơ ba câu của Buxoon:
Ông già ấy
Muốn quên mối tình đi.
Mưa mùa thu lất phất.
Và ông lại càng buồn hơn nữa.
Kể từ khi con trai ông có nhân tình, quan hệ vợ chồng của anh ta trở nên chín muồi hơn. Còn khi Kikuco đi phá thai, thì nó lại trở nên nồng nàn và âu yếm. Trong cái đêm có bão lớn, Kikuco đã tỏ ra dịu dàng mơn trớn hơn bao giờ hết; còn trong đêm mà Suychi say khướt bò về thì cô lại cao thượng hơn bất cứ lúc nào.
Kikuco có đau khổ thực không, hay chỉ tại cô ngốc nghếch? Cô có tính đến tất cả những chuyện ấy không. Hay cô chẳng nhận thấy gì và để mặc cho sóng gió của cuộc đời đưa đẩy mà vẫn hiến dâng bản thân mình với tất cả sự ngây thơ, cho những phép lạ của tự nhiên?
Cô đã phản kháng thông qua việc từ chối sinh con và bỏ trốn về nhà cha mẹ, song cùng với điều đó cô đã để lộ ra mình cô đơn biết chừng nào. Vài ngày sau cô đã trở lại và lại càng gắn bó hơn với Suychi. Dường như cô cầu xin sự tha thứ cho một tội lỗi nào đó, dường như cô đang ra sức chữa lành một vết thương.
Singo chẳng thích thú gì những chuyện đó, nhưng ông nghĩ biết đâu nó lại chẳng là tốt? Thậm chí ông còn cho rằng chuyện ngoại tình của Suychi tự nó sẽ tắt đi mà chẳng cần đến sự can thiệp của ông.
Sáng ra, Singo trở dậy mệt mỏi bơ phờ. Ông đi làm sớm cùng với Suychi, vì ông không có đủ can đảm để nhìn Kikuco.
Khi đang ở trên tàu ông bỗng hỏi Suychi:
- Anh có giết người trong chiến tranh không?
- Biết thế nào được? - Suychi đáp. - Nếu đạn từ khẩu súng của con bắn ra mà trúng ai thì người đó hẳn phải chết. Nhưng có thể nói rằng không phải là con đã bắn khẩu súng đó.
Singo thấy ghê tởm và ông ngoảnh mặt đi.
Chiều hôm đó, sau cuộc chiêu đãi công vũ trọng thể, ông phải đưa các cô kỹ nữ đã phục vụ bữa tiệc về bằng xe của hãng. Ở băng ghế sau, ông cùng hai cô kỹ nữ được ngồi, còn ba cô khác trẻ hơn thì phải ngồi ghé lên đầu gối họ.
- Cứ yên tâm, cô không nặng lắm đâu. - Singo bảo cô gái trẻ cứ ngồi trên đùi ông và ông vòng tay ôm ngang sườn cô ta.
- Xin ngài lượng thứ cho. - Cô ta đáp lễ và ngồi lại cho thoải mái.
Cô gái trẻ hơn Kikuco đến bốn, năm tuổi, Singo định bụng sẽ ghi lại tên cô ta khi ông đến xe lửa, tuy có nhiều khả năng là lúc đó ông sẽ quên mất.
Chú thích
1 Ogai Mori (1862 - 1922): Văn hào Nhật.