ảy Hoàng khua nắm đấm gân guốc, có những sợi lông loăn xoăn lên trước mắt Linh: - Liệu chừng mà làm ăn nghe ông bạn! Điểm của ông mà bị "thối" thì cái của bọn này cũng "rữa" theo đó! Sáng mai phải ôm đầu máu về sông là tôi sẽ quẳng ông bạn ra giữa dòng cho cá nó đớp, nghe hông? - Dữ quá ta! - Linh làm bộ lo sợ và bất thình lình cầm lấy nắm đấm ấy xoáy nhẹ; đồng thời anh dùng chân phạt khẽ vào đầu gối Hoàng một cái. Cả cái thân xác to lớn của anh tiểu đoàn trưởng lăn ình xuống đất- Tôi không "thối", nhưng mấy ông lại "rữa", khi trở về tôi cũng xin trị ông cỡ này trở lên! Bảy Hoàng lồm cồm ngồi dậy, vừa nhăn nhó thổi phù phù vào những ngón tay, vừa phủi đít: - Thằng cha Tám dạo này làm phách quá mức! Biết vậy cái bữa hắn ngồi méo xẹo như đít dừa khô bên bồng tạc đạn, mặt mũi chằng giống ai, cứ mặc xác cho rồi. - Chứ sao! - Linh bật cười vuốt vuốt bộ râu giả dán trên mép. Anh quăng cho Hoàng một điếu thuốc. Phía sau, Hải đang cúi tảng lưng ở trần cuộn bắp xuống cái sa bàn vẽ trên đất. Xung quanh anh, bốn chiến sĩ cũng đều trần như nhộng, chụm đầu theo dõi. Thấy ồn, Hải chau mày nhìn lên dữ tợn, hàm râu quai nón chun lại. Linh quăng cho anh một điếu thuốc đã mồi lửa. Hải toét miệng cười, rít một hơi nổi cả xương sườn rồi chuyền cho người bên cạnh. Họ lại cúi xuống. Trông nghiêng, ngực Hải chảy xuống như ngực đàn bà. Sáu Dô và anh Ba quận trưởng đang hội ý thêm với xã uỷ, ban chỉ huy xã đội ở cửa hầm. Bên trái Thúy, Linh thoáng nhận ra khuôn mặt của chú Tư, bí thư chi bộ ngày trước. Linh đưa tay vẫy, chú gật gật đầu cười đáp lại. Tình hình lên, không đành lòng ngồi im, chắc ông già lại nhập cuộc rồi. Mong rằng sau giờ hiệu lực của hiệp định, tiếng súng bị dập tắt chú ấy sẽ giữ mãi được cái tư thế ngồi giữa đồng chí như thế này. Tình huống xấu xảy ra, biết đâu mấy tháng sau, khách qua đường lại thấy ông già cặm cụi bên đống rổ, rá đang đan... Vành đai trắng, phong trào thiếu người, lúc cần, rổ rá cạp lại còn hơn không. Đồng chí tỉnh đội trưởng đang sà xuống chuyện gẫu với các chiến sĩ ngồi rải rác đó đây: chiến sĩ của tiểu đoàn bộ binh, chiến sĩ của đội nước, chiến sĩ của đơn vị Linh... Anh chị em du kích của xã cũng sán đến từng nhóm, rút thuốc mời lia lịa. Đêm nay, hầu hết các lực lượng trong tỉnh tập trung dứt điểm những mục tiêu của xã. Chưa có khi nào cái “cứ" hẻo lánh ven sông này lại tập trung đông người đến như vậy. Người ngồi kín các gốc cây, người nằm láng bến, người trên nóc hầm, người dưới hầm, người nằm trên võng... chỗ nào cũng người là người. Tiếng nói cười cứ râm ran, râm ran như rừng cây bỗng nhiên có gió lớn. Một chốc nữa, họ sẽ lần lượt xuất kích về các vị trí được phân công. Anh Út "Cò ngẳng" khệ nệ ôm hòm thuốc, dẫn mấy cô y tá đi tới. Trông thấy Linh, anh nặng nề đặt phịch đồ nghề xuống: - Xin có lời chào ngài đại uý! Cha cha! Trông dữ dằn ghê hè! Sắp lên sân khấu rồi hả? Đó? Cậu làm thế nào thì làm chứ mình đã dời phẫu xuống tới đây rồi là không có quay lên nữa đâu. Mình cứ dăng võng nằm đây chờ cậu, ngày mai sau giờ Sài Gòn, cậu cho người xuống rước về chợ. Đội phẫu Út "Cò ngẳng" sẽ chiếm cứ tại nhà thương lớn nhất. Mình muốn vậy. Tùy cậu! - Ngược lại khi đó, đồng chí bác sĩ quân y ạ, tôi sẽ một mình mang võng quay lại rừng mắc ngủ liên tiếp ba ngày liền. Phố xá ồn ào lại quá trời muỗi nữa! - Dân Hà Nội nói nghe sướng chưa? Con Thúy đâu? - Dạ! Chú Út kêu cháu! - Thúy ngập ngừng đứng dậy. - Vô trước kêu má mày bày sẵn đồ nhậu ra để đãi tao và... - Anh hất cằm về phía Linh - Các chiến sĩ biệt động Châu Thành hào hoa mã thượng, nghe! Thúy đưa ngọn tóc lên miệng nhai nhai, không nói gì. Chưa tha, anh Út càng róng riết: - Làm việc xong chưa, anh Sáu? - Dạ, có chi anh Út? - Sáu Dô cũng cười xởi lởi hỏi lại. - Tôi mượn tạm con nhỏ chút ít phút để dạy bảo nó thêm mấy điều hơn lẽ thiệt. Nó còn khờ lắm. Thúy thoắt đỏ bừng mặt. Chị nhìn nhanh sang Linh. Bắt gặp cái nhìn đó, Linh chợt thấy lòng dạ xốn xang quá chừng. Anh hắng giọng nhẹ và lảng tới chỗ chú Tư: - Lâu nay vẫn mạnh giỏi chớ, chú Tư? - Thôi mà, cậu Tám! - Chú rót đưa Linh một chén trà - Cậu định hỏi tôi rằng: lâu nay vẫn làm ăn kiếm gạo đều đều chứ, chú Tư? Phải không? Chà! Sự đời lắt léo, mấy cậu còn trẻ trai, còn sức vóc bỏ qua cho tôi, đừng nhìn vào tôi làm gì. Linh định nói thêm một câu gì thật thắm thiết với chú nhưng anh chỉ gãi đầu cười. Đối với chú ấy, chắc chả còn có gì để nói thêm nữa. Ở một góc, Hai Thanh chiên bánh tiêu. Mùi bánh thơm ngậy như bánh rán. Linh chợt nhớ tới nồi cháo cá hôm nào ở cứ "Bù Chao"... - Tám Linh đồng hương với tôi đó, anh Tư à! - Có! Tôi có biết cậu ấy. Tôi tin tay này sẽ làm ăn ra trò... Linh nghe được loáng thoáng câu trao đổi giữa anh Út và tỉnh đội trưởng sau lưng. Linh định lảng ra xa thì Bảy Hoàng đã đứng sừng sững trước mặt anh, đe doạ: - Nè, trùm "lọ lem"! Ở xứ lạ tới đây mà tính quyến rũ con gái vùng này là dễ bị tháo quai hàm lắm đó! - Rồi với ánh mắt pha đôi chút ghen tị, Hoàng nói tiếp - Số ông hên thật. Tám Linh à! Biết vậy bữa ấy cứ để cho mặc xác. Không trả lời, Linh nháy nháy bàn chân đi giày ngụy... Hoàng nhảy lui lại: - Ấy! Thôi chớ! Muốn cho anh em té hoài sao? Bất nhân quá vậy! Một chuỗi cười giòn tan vang lên sau lưng hai người. Linh quay lại. Chú bé Rổn với súng đạn đầy mình, đang đứng dạng chân chống nẹ cười thích trí. - Cho té nữa coi, anh Tám! - Á thằng nhỏ đốc xúi ngon lành chưa? - Hoàng đưa tay ra định tóm lấy Rổn thì chú bé đã ngoắt người bám vào lưng áo Linh, cười như nắc nẻ. Linh bất giác khuỳnh tay làm một động tác chở che. Anh chợt để ý thấy suốt từ chiều tới giờ Rổn cứ bám lấy anh không rời một bước. Không hiểu thật hay đùa, Sáu Dô hứa cho Rốn đi theo đội đặc công nên cậu bé cứ sợ anh đội trưởng bỏ rơi mình. Và không hiểu xin xỏ được từ lúc nào mà chú giao liên cũng lễ mễ một túi thủ pháo đeo trễ tận đùi trông như ếch cõng nhái. Hoàng không cười nữa, anh dặn với theo Linh: - Nè! Nhớ thanh toán được thằng Kiêu, nghe! Linh chưa kịp trả lời, Rổn đã quay lại, đứng thẳng người, nói rất nghiêm trang: - Đồng chí tiểu đoàn trưởng cứ yên trí! Mọi ý đồ tác chiến sẽ được chúng tôi thực hiện hết trọi! Linh phì cười, kéo chú bé về đội hình của mình. Gần hai mươi chiến sĩ của anh đã súng đạn gọn gàng, đang ngồi gom lại từng tốp uống trà, uống cà phê trong can. Họ chuyện trò rì rầm chứ không ồn ào như đám bộ binh của Bảy Hoàng. Linh nhìn lướt qua tất cả các khuôn mặt thân yêu. Kia là Vinh, được anh em mệnh danh là "Thần cắt rào", đang chêm lại cò kéo. Bên cạnh là Viên, người Hậu Giang, có tài bơi lội ít ai sánh kịp, đang loay hoay với bộ râu giả dưới cằm. Đằng sau Viên là Chức, anh giáo viên dạy văn cấp hai, bí thư chi đoàn, đang lúi húi ghi chép cái gì vào quyển sổ tay nhỏ xíu màu xanh. Phận đang kiểm tra trang bị lại cho từng tổ. Phận đã nhận nhiệm vụ đại đội phó thay Kiêu. Anh ta đang làu bàu khiển trách một câu nào đó về thủ pháo gói không chặt. Cậu kia ngần ngừ một chút, rồi cũng đành giở ra gói lại. Linh ngửa cổ uống cạn một bát cà phê pha loãng và anh thấy hoàn toàn sảng khoái. Có Phận kiểm tra công tác chuẩn bị của đơn vị thì không còn phải áy náy gì nữa. Chả một cái gì có thể lọt qua được mắt cậu ấy. Sau lưng Phận, Rổn cũng chắp tay sau đít, đi theo dòm dòm ngó ngó như cố vấn ở trên tỉnh xuống. Thỉnh thoảng, lừa lúc Phận đang bận làm việc, cu cậu lại lấm lét chìa tay xin của một anh nào đó trái thủ pháo hay một trái tạc đạn. Chiều thở phập phồng trên sông rạch. Tia hào quang cuối cùng đã hắt lên không gian. Mặt sông còn chan chứa nắng, nhưng trong rừng đã xẩm tối. Những đám bèo bọt trên sông trôi lừ đừ, uể oải. Nước sắp chuyển sang ròng. Trên những cánh võng mắc sát mí nước, có tiếng ai đang khe khẽ ngâm thơ. Một cậu nào đó cao hứng huýt sáo theo một điệu hành khúc. Khói thuốc quẩn trong những bụi cây thấp lẩn vào trong lớp sương chiều đang bắt đầu buông là là trên mặt sông. Mười Đảnh từ trên ngọn cây cao nhất, nói xuống: - Dân đã về hết. Cửa rừng, cửa sông không có gì lạ. Đã tới giờ xuất kích! Bảy Hoàng đeo thêm dây đạn M.79 thứ ba vào bụng, đi đến trước tỉnh đội trưởng: - Báo cáo anh Tư, tôi đi! Chú Tư trìu mến gật đầu. Từng người, từng trung đội, đại đội thầm lặng đi qua trước mặt tỉnh đội trưởng. Bảy Hoàng nhập vào dòng người và khuất ở khúc quẹo đường mòn. Người tiểu đoàn trưởng ăn nói to tát, đánh giặc như hùm ấy, trước giờ phút trọng đại cũng trở nên trầm mặc, nghiêm trang. Hải cầm cái ống thở bằng nửa cái xe điện trong tay, vẫn lưng cùng cục rồi dừng nghiêm: - Báo cáo anh Tư, chúng tôi xuống nước! Chú Tư lại gật đầu hiền hậu. Hải lừ lừ đi tới trước mặt Linh. Hai người gườm gườm nhìn nhau. Cách một sải tay, họ nhào đến ôm chặt lấy nhau. - Tao ở Hòn Gai, mày còn nhớ không? - Đừng quên Hà Nội nhé! - Nè trưa mai tao sẽ đón mày xuống bến tàu ăn gỏi cá. Nhậu thiệt tình một bữa nghen! - Hẹn gặp! - Linh xiết chặt tay Hải. - Chúc thắng lợi! Đừng để thằng Kiêu xổng nhé! Đội thuỷ xúm lại khênh khối bộc phá xuống sông. Rừng vơi dần. Linh đứng dập gót giày trong bộ quân phục đại uý dù rằn ri: - Báo cáo đồng chí tỉnh đội trưởng, đội biệt động xin xuất phát! Chú Tư đi lại nắm chặt tay Linh: - Đi đi! Nhớ phải hết sức tỉnh táo. Linh nhé! Đánh sao cho chúng nó nếu có lật lọng cũng phải yếu đi một mảng lớn. Tỉnh uỷ và tỉnh đội chờ nghe tiếng phủ pháo của các bạn! Chú quay lại Năm Thúy: - Tỉnh uỷ quyết định tăng cường cháu vào huyện uỷ, cháu biết chưa? - Dạ, rồi ạ! - Ừ ráng lên! Gặp má nói chú gửi lời thăm. Bao lâu không gặp má rồi? - Dạ nửa năm. - Cháu đi thành công! Thúy lại "dạ" khẽ một tiếng thật dễ thương, rồi cầm bai chèo thoăn thoắt đi xuống bến. Tiếp theo là một tổ du kích mặc đồ cảnh sát ngụy, với những chiếc mũ sắt vẽ hai chữ Q.C. to tướng. Đảnh đi đầu, dáng kềnh càng trong bộ quân phục thiếu uý quân cảnh chật căng. Sau anh là Rổn, bé loắt choắt, chỉ đứng tới thắt lưng anh xã đội nhưng vẫn cố ườn ngực xoạc những bước chân thật dài. Đơn vị của Linh đi tiếp theo, toàn bận đồ linh dù với đủ các thứ quân hàm, quân hiệu khác nhau, lưng người nào cũng nặng trĩu mấy chiếc ba lô ngụy. Chỉ khác trong đó không phải là đạn Mỹ mà toàn một thứ chất nổ, thủ pháo đã gói thành bánh. Phận đi sau cùng, vẻ mặt bận rộn. Đằng sau anh còn nối tiếp mấy người mang vác lỉnh kỉnh. Linh nhận ra anh Út. Trông thấy Linh, Út "Cò ngẳng" khoát mạnh tay, nháy mắt một cái đầy ý nghĩa. Bên dòng sông đã lưu giữ bao nhiêu kỷ niệm buồn vui. Linh đứng lặng nhìn đồng hồ xuất kích, không nén được một niềm tự hào đang ngây ngất trong đầu. Chú Tư cũng đang đứng lặng, đăm đăm nhìn từng chiến sĩ. Không rõ vị "lãnh chúa rừng chồi", người cán bộ đã hàng chục năm lăn lộn với phong trào, người chưa một ngày được hưởng hoà bình, chưa được một lần nhìn thấy Bác ấy, đang nghĩ suy gì?... Linh vừa quay đi được mấy bước, chú cất tiếng gọi: - Linh! Anh dừng lại nhưng chú lại xua tay: - Không... không có gì. Đi đi em...! Có vẻ ngượng ngùng, chú quay lưng đi vào "cứ". Ban tham mưu tỉnh đội đang chờ người tư lệnh ở đó. Gần ba chục con người ngồi vừa khít chiếc ghe to của anh em trốn lính cho mượn. "Mượn không hoàn lại" - Linh đùa như thế. Nước đang ròng ào ạt. Bèo lục bình nối đuôi nhau dập dềnh trôi xuôi, tưởng như đoàn quân xanh màu ngụy trang đang im lìm hành quân ra trận. Có tiếng con tắc kè cất giọng nhỏ dần ở cuối mé sông. Chiều nay tiếng tắc kè cũng không não nuột như nỗi buồn muôn thuở nữa. Tiếng kêu khàn khàn của nó như gửi lời tiễn biệt dàn quân đi đánh dồn. Màu sắc chiều nay vẫn là sắc màu của mọi chiều, nhưng đã tan rồi cái vẻ ảm đạm, phảng phất gợi man mác trong lòng người lính. Tất cả con người, vạn vật chiều nay như đều găm về một hướng: xung trận. Thôi, vĩnh biệt rừng thân yêu ngàn đời nhé! Thắng xong trận này tôi sẽ thỉnh thoảng ghé thăm rừng, đừng buồn rừng ơi! Rừng hiền hoà hãy ôm ấp giùm những nấm mồ đồng đội. Xong việc, nhất định chúng tôi sẽ trở lại... Giá còn thằng Tùng, thằng Toàn, thằng Hài... cả anh Sáu Hóa nữa, thì chiều nay sẽ vui biết bao! Có đàn cá bông nào đớp bóng tróc tróc ở sườn ghe?... Linh nhìn dải rừng đang xa dần mà không hay có đôi mắt người con gái đựng cả ráng chiều thỉnh thoảng lại đăm đắm nhìn anh. Thúy đang chèo. Dáng chèo của chị thật mềm, thật dẻo. Gió sông làm tung bay tà áo bà ba, làm tung bay chiếc khăn rằn nơi cổ chị. Cả thân hình người con gái vùng sông nước như bay lượn trên mặt sông buổi chiều tà. Sao giống hình ảnh người con gái chèo đò ở thượng nguồn sông Bé năm nào, nơi có những vạt sắn vừa bẻ ngọn đến thế!... Linh chợt nhớ đến câu ca của anh Sáu: "Cô gái vùng ven đưa bộ đội xuôi dòng đi đánh giặc...". Người con gái trong bài hát đã nằm xuống ở một vùng sông nước nào đó. Cũng một dáng chèo như Thúy hôm nay đây. Từ cuối ghe, cặp mắt to ươn ướt của Linh nhìn như muốn soi vào đáy mắt Thúy. Gió vẫn thổi tóc Thúy bay lên. Khuôn mặt chị hồng tưới trong màu trời, màu nước. Thúy...! Thúy không thể biết chiều nay Thúy đẹp dường nào đâu. Một vẻ đẹp lạ lắm. Hay là do một chiều xuất kích trên quê hương...? Nếu tình hình suôn sẻ, cũng giờ này chiều mai, tôi sẽ xin phép được nói với Thúy một điều. Một điều thôi. Cái điều mà tôi đã thầm nói mãi rồi. Chúng ta cũng sẽ ngồi trên một con thuyền như thế này. Khi đó tôi sẽ chèo lái cho con thuyền thả nổi giữa dòng. Thúy sẽ hát lái cho tôi nghe bài ca mà anh Sáu hằng yêu thích... Thúy cúi xuống tránh ngọn tóc bị gió lùa vào mắt, vô tình đụng ánh mắt Linh. Chị không vội vàng cúi xuống như mọi lần mà e ấp nhìn trả lại anh. Cái nhìn như muốn nói: "Đừng nhìn em như thế. Em sợ lắm. Em đã hiểu anh rồi mà...". Mái chèo vẫn khoét sâu trong lòng nước. Linh ngắt một cánh hoa lục bình màu tím nhạt trôi bên sườn ghe. "Tôi muốn được gài cánh hoa này lên tóc em. Ngày thắng lợi, nếu em không từ chối, tôi sẽ đưa em về thăm Thủ đô, thăm Lăng Bác, thăm hồ Gươm... như em đã có lần ao ước tâm sự với Hai Thanh. Đi trên đường phố Hà Nội, giữa những tà áo dài, tôi vẫn muốn được nhìn thấy em trong bộ bà ba sông nước và chiếc khăn rằn duyên dáng này. Nó sẽ đẹp hơn bất cứ một thứ gì trên đời...". Hình như đọc được những suy nghĩ đang cháy rực trong mắt người con trai, Thúy bất giác đỏ mặt lên. Chị cắn nhẹ lấy mép khăn che nửa mặt và đưa mắt dõi ra xa. Phía ấy, đã bắt đầu hắt lên quầng sáng nhạt màu da cam của ánh đèn thị xã, mục tiêu đêm nay của đơn vị Linh. Ngay sau hôm thằng Kiêu chạy theo giặc, hầu hết các "cứ" trong tỉnh đều bị bom pháo dập dữ dội. Một trung đoàn chủ lực ngụy kết hợp với bọn địa phương quân càn tổng lực vào những mảng rừng được đánh dấu sẵn trên bản đồ. Các đường giao liên bị chém đứt ra từng đoạn. Nhiều địa bàn nằm sâu trong vùng địch bị mất liên lạc. Một vài cơ sở của xã báo không kịp đã bị bắt. Trong đó có má Sáu và người con dâu, vợ của đồng chí bí thư huyện uỷ cũ. Chỉ có mấy ngày mà cả một rải rừng chồi liên hoàn như muốn bốc cháy trong những cột khói bom B.52 và pháo bắn bầy. Cạm bẫy kẻ thù dăng đặt khắp nơi. Các khu bưng, gò lạnh ngắt, dân trong ấp không dám đi làm. Họ nơm nớp lo bom pháo nổ bất tử trên đồng. Tuy vậy, do đã chủ động đôi phó trước nên lực lượng ta không bị sứt mẻ bao nhiêu. Tỉnh quyết định xin trên lùi ngày "N" lại. Thằng phản bội đã đích thân ngồi trên máy bay kêu gọi đội du kích và đơn vị Linh ra chiêu hồi, đầu thú. Một buổi sớm, trời chưa tan sương, Linh vừa giật mình tỉnh dậy khi có tiếng máy bay lên thẳng ạch ạch từ thị xã lên, đã nghe thấy giọng thằng Kiêu léo nhéo vọng xuống. "Đồng chí Trần Hoài Linh chú ý! Tôi biết đồng chí vẫn chưa thoát ra khỏi những cánh rừng này đâu. Vòng vây hùng hậu của quốc gia đang siết chặt quanh các đồng chí... Các đồng chí sẽ chết dần chết mòn vì bom đạn, đói rét, bệnh tật… Nếu sớm biết cải tà quy chánh, tìm đường về với lẽ phải, các đồng chí sẽ được quốc gia trọng đãi hậu hĩnh. Riêng đồng chí Linh, tôi xin lấy tình đồng ngũ bảo đảm, sẽ được đại tá tỉnh trưởng biệt đãi. Với tài cán học lực như vậy, bét ra đồng chí công được phong hàm thiếu tá, có lính hầu, có xe con, có nhà riêng... Muốn gì có đó! Đặc biệt, nếu cả... hai cùng về quy thuận chính phủ quốc gia, tôi sẽ..." Linh chồm dậy vớ lấy khẩu súng, trèo tuốt lên ngọn cây. Chiếc máy bay lên thẳng đang chậm chạp bay dọc theo sông rồi đột ngột quay lại, lượn những vòng rộng quanh khu rừng đội biệt động trú quân. Thằng Kiêu vẫn đang lải nhải gọi tên Linh. Toàn một giọng điệu chiêu hồi cũ rích. Nó đang de dọa sẽ cho B.52 cày trốc tất cả những cánh rừng đọc sông và đích thân nó sẽ dẫn quân càn vào các "cứ". Nó thách Linh dẫn quân ra gò đánh giáp mặt ăn thua đủ một trận. Hệt giọng thằng Xầm - Linh giận sôi lên - Phải bắn cho thằng phản bội tan xác! Khi chiếc máy bay vè vè lượn qua đầu, Linh gác súng lên một chạc cây, định xả hết cả băng cho hả giận, bỗng nghe một tiếng gọi nho nhỏ bên dưới: - Đừng nóng, anh Tám…! Đôi mắt Thuý mở to, nửa như nghiêm nghị, nửa như khuyến khích, đang ngước nhìn anh. Sau này, khi nghe Thúy kể lại trong cuộc họp chi bộ, Linh mới triết rõ vụ xung đột giữa chị và thằng Kiêu. Vậy là thằng đốn mạt đó đã ngấm ngầm chuẩn bị chiêu hồi từ lâu. Anh đã sơ hở, đã mất cảnh giác. Lại đúng vào những ngày sắp mở màn chiến dịch. Kế hoạch tiến công đã bị lộ. Cả chi khu địch được báo động. Chúng đang ráo riết tăng cường phòng thủ. Nghe cơ sở bên trong báo ra, mấy hôm nay bọn địch trong chi khu đang hì hụi đào hầm hào xung quanh đồn, đặt thêm hai hàng rào thiếc và gài mìn trái dày đặc, nhiều tầng nhiều lớp đan chéo nhau. Đêm đến, bọn lính bung ra nằm án ngữ xung quanh hàng rào. Thằng Kiêu quả là đã đem hết vốn liếng, kinh nghiệm của một "các bộ đặc công Việt Cộng" ra trang bị cho địch. Ba lần Linh dẫn tổ điều nghiên ra đi, ba lần đều về không. Không thể dùi nổi phòng tuyến án ngữ nhiều như vắt của chúng. Linh càng như có lửa cháy trong bụng. Ngày "N" sắp đến rồi! Năm Thúy đã chỉ thị cho tự vệ mật phải tìm mọi cách diệt bằng được con sâu ấy. Nhưng hai bữa sau, chị tự vệ ra "cứ" trả lại cho xã trái mìn và lắc đầu: "Nó đi đứng kỹ lắm, không sao giáp mặt được". Một hôm, Linh và Mười Đảnh giả trang thành hai người Chàm đứng tuổi, xách túi thuốc Nam vào chợ ngồi bán. Phục cả ngày không gặp thằng Kiêu. Gần tối mới thấy nó ngồi trên chiếc xe "Dép", hai bên có hai chiếc hặc-lây1 (Hặc-lây-xe môtô của cảnh sát Mỹ, to, tốc độ lớn) đen trũi, phóng thẳng vào cổng chi khu. Chắc nó vừa đi càn về. Chính lúc đó, Linh bỗng tìm dược cách đánh riêng của mình. Hai hôm sau, theo đề nghị của Linh, một thanh niên dáng người ẻo lả, có mái tóc xoăn lồng bồng, khoảng mười tám tuổi, rụt rè tìm vào "cứ". Cậu ta đưa cho Thúy cái sơ đồ vẽ nguệch ngoạc nhưng khá chi ly về cách thức bố phòng của chi khu. Thúy cho hay anh ta là con một đồng chí chính ủy trung đoàn đã tập kết ra bắc sau thời kỳ chín năm. Đến tuổi, anh bị bắt quân dịch. Bà mẹ anh ta đã không tiếc tiền lo lót cho đứa con trai độc nhất nhưng vẫn không thoát. Không muốn cho con đi quân dịch, nhưng bà mẹ cũng không dám cho con vào rừng với Cách mạng. "Trong ấy đói khát, gian khổ lắm" - Bà nghĩ vậy. Đứa con trai vốn là người tốt nhưng nhút nhát, chỉ dám ủng hộ Cách mạng nửa chừng. Tên anh ta là Thàm. Út Thàm. Lúc ấy vào khoảng bảy giờ tối - bảy giờ Sài Gòn, sáu giờ Hà Nội. Toàn đội đặc công biệt động đã ém gọn trong căn nhà chống chếnh như cái chuồng bò của thím Hai. Căn nhà này nằm hơi tách ra với những căn nhà khác, cách cổng chi khu chừng ba trăm mét. Cả khu chợ đã lên đèn sáng xanh. Những ngôi nhà một tầng, hai tầng, mái lá, mái tôn chen nhau san sát. Người đi, kẻ lại ồn ào. Từ trong các quán tiệm vẳng ra nhữg tiếng nhạc kích động chen lẫn trong những giọng ca ẽo ợt, những tiếng la hét, đập phá, tiếng cười rú lên thành một âm thanh hỗn tạp. Một vài người dân gồng gánh lặc lè, đang vội vã đi qua chợ. Thỉnh thoảng lại có một chiếc xe quân sự rú máy phóng qua như một con trâu điên. Ánh đèn mờ đục đi trong bụi bậm. Đầu chợ, chỗ tập trung đông nhất, trông thấy rõ cả những bóng lính quần áo vằn vện lẫn trong những tốp con trai, con gái ăn bận đủ màu đủ kiểu khác nhau. Thiên hạ đang đổ dồn về phía rạp hát. Từ chiếc xe lam đậu trước cổng khu chợ vẫn dai dẳng tiếng rao hàng. Tiếng rao lảnh lói, hơi lơ lớ giọng đàn bà Hoa kiều: “… Mì ăn liền hai tôm, hai cua chính hiệu Nhật Bổn đã từng lừng danh khắp cả địa cầu, giá bán đẹp lòng, một trăm đồng một gói mua đi... Xà bông thơm, xà bông bột, giặt tan bọt như không, nhãn hiệu 3B, nhãn hiệu Ma-ri-san-tan, nhãn hiệu bà Cẩm Lệ, chủ hãng Sài Gòn có cổ phần bên Mỹ, mì la ngay...". Linh ù cả tai. Ở rừng, ở núi quen rồi, những tiếng động phố phường đối với anh trở lên đặc biệt khó chịu. Nhất là trong lúc đang nôn nao chờ đợi. Kim đồng hồ văn chậm chạp nhích dần từng phút. Đến giờ này mà suốt trục lộ vẫn không có gì khác thường tức là đám Bảy Hoàng, Hải, Sánh... đã ém trót lọt vào các vị trí quy định. Nếu đêm nay, cái chốt chủ yếu này bị nhổ thì sáng mai dứt khoát địch sẽ từ các hướng đến chi viện. Và như vậy sẽ làm mồi cho các đơn vị phục sẵn dọc trục lộ. Chắc giờ này đám Bảy Hoàng đang thót bụng chờ tiếng nổ của mình đây. Cứ yên trí. Bọn này cũng đang ngấp nghé ở cửa ngõ rồi. Đâu sẽ có đó, các bạn ạ! Chờ sốt ruột! Năm Thúy đến đứng cạnh anh từ lúc nào, sau một khe cửa. Chị cũng đang chú mục nhìn ra chợ như chờ đón cái gì. Cả hai người đều im lặng nhưng đều cảm nhận sự có mặt của nhau. Từ hôm Kiêu đầu hàng, Thúy có vẻ lầm li, ít nói. Đối với Linh, chị vẫn giữ thái độ nghiêm trang, lạnh lùng, nhưng không tránh né anh nữa. Đôi mắt đen vời vợi ấy mỗi khi nhìn anh vẫn thoáng một nét buồn kín đáo. Có lẽ, chỉ riêng Linh mới nhận ra điều đó. Anh cũng cố tỏ ra diu dàng, chăm sóc đến chị hơn. Nhưng Năm Thúy bây giờ không phái là Năm Thúy sôi nổi, mạnh bạo đêm lên thăm anh ở bệnh xá nưa. Đôi lúc anh lại thấy chị trở nên xa vời, khó mà nắm bắt được. Mười Đảnh đã dẫn tổ "quân cảnh" của mình cắt vườn đi ngược lên về phía cửa chi khu. Thím Hai từ sau nhà đi đến gần Thúy: - Đi được rồi đó, Năm! Thím là người đàn bà quanh năm quần quật trên bưng gò nhưng lại có cái dáng thị thành nhàn nhã. Vóc người thím xương xương, nước da trắng, giọng nói nhỏ nhẹ dễ nghe. Linh đã gặp thím một vài lần ở bưng và anh cứ nghĩ rằng thím chỉ là người buôn bán, móc nối với Cách mạng để làm giàu. Tới khi nghe Thúy nói thím thay má Sáu làm bí thư chi bộ mật thì anh hoàn toàn ngạc nhiên. Thật may là thằng Kiêu lại không biết thím. Nếu không chắc bây giờ thím đang ngồi ở một nhà tù nào đó rồi. Thúy "dạ" nhỏ nhưng vẫn đứng nán lại. Linh xúc động vì tình cảm kín đáo này của chị. Anh thèm được đứng bên chị tới tận giờ nổ súng, dù không nói, dù chỉ cần nghe được hơi thở của nhau, chỉ cần cảm thấy có nhau thôi... Lát sau, Thúy trở ra và đã khác hẳn. Chị dắt chiếc hon-đa màu xanh. Vẫn chiếc hon-đa trên lộ 13. Hôm nay, Thúy mặc chiếc áo dài hoa màu hồng ngọc và chiếc quần trắng ống xoè ra như váy. Trông chị như nữ thư ký của một hãng dây thép sang trọng từ Sài Gòn xuống. Linh chớp chớp mắt ngỡ ngàng, khẽ lùi lại tránh đường. Đi qua Linh, Thúy nói nhỏ: - Tôi tới chỗ anh Phận xem xe cộ thế nào. Nhân tiện gặp Hai Thanh kiểm tra việc bung dân về xóm cũ sáng mai. Chừng mười phút sau tôi quay lại. - Cẩn thận nghe, Thúy! - Linh bối rối dặn theo một câu. - Dạ! - Thúy ngoan ngoãn đáp rồi đội cái mũ cói hoa lên đầu. Vừa dắt xe ra cửa, chị bỗng thụt ngay lại. Linh rút súng ra: - Sao vậy? Thúy không trả lời, đứng nép vào một bên cánh cửa. Ngoài đường có một bà má tóc bạc trắng dưới ánh đèn, đang lụi cụi đi qua. Bà má đi lầm lùi, không nhìn ngó xung quanh, tay xách chiếc giỏ nặng đựng rau, tấm lưng đã bắt đầu còng xuống. Chắc một bà má đi chợ về muộn. Bên anh, Thúy đứng lặng, nhìn đăm đăm như đếm từng bước chân đi của bà má. Một chiếc GMC chồm tới. Bà má quýnh quáng giạt sang đường. Cái giỏ rau tuột khỏi tay, rơi tung tóe. Thúy hơi nhao người ra một chút, thở dồn dập. Bà má lẩy bẩy nhặt rau bỏ vào giỏ rồi nem nép đi sát bên đường. Phía sau, phố chỏ vẫn gào lên như có một đám rước lớn. Tới lúc ấy Linh mới thấy đôi mắt Thúy rân rấn nước. Chị vẫn nhìn doi theo cho đến khi bóng bà má mờ hẳn. Linh chợt hiểu. Lúc này sao thấy Thúy bé bỏng tội nghiệp quá tịnh vô cùng muốn nắm lấy bàn tay thon nhỏ của chị mà vỗ về an ủi. Dù sao tâm hồn người huyện ủy viên này vẫn là tâm hồn một cô gái. Anh rụt rè nhìn Thúy: - Tôi cho người đi kêu má lại cho Thúy nhé! Thúy cắn môi lắc dầu, rồi dắt xe ra chợ. Chiếc xe máy màu xanh bon chầm chậm về phía chợ. Dáng người con gái ngồi trên hon-đa thật là xa lạ và kênh kiệu. Trong nhà, anh em đang húp mì tôm xụp xoạt do thím Hai tự tay múc cho từng người. Thím ngồi trên giường bập thuốc, hiền hậu nhìn bộ đội ăn ngon lành. Mấy năm sống ở vùng tranh chấp mới thấy các má, các chị là lớp người trung kiên, dẻo dai nhứt. Có những nơi, đàn ông, thanh niên, lớp bị bắt, lớp đi quân dịch, nhưng các má, các chị vẫn là những ngọn đèn trong đêm tối... Ngày mai phải hô anh em tranh thủ sửa lại nhà cho thím. Có mỗi đứa con lên mười, thím gửi ra Bắc học rồi... Anh Út và Rổn đang ngồi cạnh nhau. Họ đã ăn xong. Anh Út đang ghé sát vào tai Rổn nói gì làm chú bé cười khúc khích. Nom như hai cha con. Thấy Linh nhìn, Rổn nháy nháy mắt vâ toét miệng cườí. Linh sốt ruột nhìn đồng hồ. Chắc Mười Đảnh đã tới điểm. Tất cả mấu chốt bây giờ là ở chiếc xe của Phận. Trục trặc một chút là đổ bể hết. Mà Phận đến chậm cũng không được. Trong kia chúng nó đang ré còi tập hợp. Dứt khoát phải đập ngay từ khi chúng chưa kịp đi gieo rắc tội ác. Cầu trời cho đêm nay mình giáp mặt thằng Kiêu. Phải kết thúc ngay cuộc đời nhơ bẩn của nó. Đó là điều anh em ai cũng mong muốn. Kẻ thù nào cũng nguy hiểm và càng nguy hiểm hơn gấp bội khi nó là một thằng chiêu hồi. Nếu bắt sống được nó càng hay. Sẽ bắt nó phải trả món nợ máu mà trong mấy ngày nay nó đã gây ra. Mùi xào nấu ở khu tiệm bay tới thơm nức khiến Linh bỗng đói cồn cào nhưng anh không muốn ăn. Ngày mai sẽ ăn bù, ngủ bù... sẽ bù lại tất cả. Bao tháng năm gian nan cũng chỉ chờ có ngày hôm nay, cho trận này. Thúy sắp quay lại chưa? Bất cứ ở đâu, lúc nào, nghĩ đến Thúy là mình lại rạo rực cả người. Một cô gái kỳ lạ, đầy mâu thuẫn, sâu hun hút... Có lẽ ngay sớm mai, lúc cô học trò ngủ muộn nhất cũng đã dậy, mình sẽ bắt Thúy phải về thăm má. Từ sông ra chợ có bao xa mà nửa năm rồi. Và khi chiều xuống, mình sẽ phải nói với Thúy cái điếu hệ trọng ấy... Tiếng nhạc tây, nhạc ta, tiếng động cơ xe đủ loại, tiếng rao hàng, tiếng pháo nổ xa xa... quyện lẫn trong mùi hành tỏi, thịt cá cua khu chợ về đêm càng làm tăng thêm vẻ lành lạnh của chi khu. Vậy mà đầu óc Linh lại nóng rực lên như vừa uống cả một xị rượu. Giờ này mà không thấy Út Thàm ra là mọi việc đều đúng phương án. Thàm không nằm trong chi khu. Anh đóng ở cái tua dân vệ tại đầu cầu. Đúng giờ, cùng với ánh đèn hon-đa của Thúc lướt gần lại, bên kia đường, một chiếc GMC móp méo, bụi bậm, âm thầm dừng lại trong bóng tối. Từ trong ca-bin xe, ba tiếng còì ngắn vang lên. Thím Hai mừng rỡ: - Xe đến rồi chú Tám à! Linh cũng vừa nhận ra chiếc xe quân sự tèng xí do quân báo tỉnh móc ráp mua được của một tay sĩ quan nguỵ trên Sài Gòn. Chiếc xe GMC vẫn đang nổ máy. Phận khá lắm! Không sai một phút: Vậy là dộng tác chuẩn bị dã xong. Rất đẹp! Linh nắm chặt tay thím lai: - Thím và Thúy cứ ở đây. Xong việc chúng cháu sẽ quay lại hỗ chợ mũi chính trị cho thím. Anh quay lại nói với anh Út và Rỏn: - Tạm thời "phẫu” nằm ở đây, anh Út nhé! Rổn phụ giúp với anh Út, đừng có chạy bậy. Rồi không kịp nhìn cái gật khó hiểu của anh bác sĩ và cái nhíu mắt láu lỉnh của chú bé, Linh hất đầu ra đường: - Tất cả mau chóng lên xe! Từng xung kích đi qua trước mặt anh. Ra tới mặt đường, dưới ánh sáng đèn nê-ông, họ bỗng hóa thành một trung đội lính dù khệnh khạng đi hàng một tới xe. Đám lính bước uể oải mệt mỏi như vừa đi càn ở xã về. Còn lại một mình Linh, và trước mặt anh là Thúy. Linh muối nói một câu gì đó nhưng không nghĩ ra. Họ lặng lẽ nhìn nhau. Trong tranh tối tranh sáng, cặp mắt Thúy long lanh, khóe miệng nhỏ mấp máy, run run. Giây phút ấy, chỉ cần anh nắm nhẹ lấy bàn tay nhỏ nhắn của Thúy là tất ca sẽ ào đến, sẽ nổ tung. Đã chờ đợi, đã kìm nén lâu quá rồi. Nhưng... lúc này chưa nên. Anh phải dành đến ngày mai... Linh quay mạnh người bước ra đường. Đôi mắt thăm thẳm ấy vẫn còn dõi theo anh. Anh sẽ mang theo ánh mắt ấy vào trận đánh đêm nay - Linh tự nhủ thầm với mình. Đại đội phó Phận đã ngồi chễm chệ sau vô lăng với quân hàm trung sĩ nhất hai gạch vàng trên cánh tay. Miệng anh ngậm thuốc lá phì phèo. Linh leo lên ngồi bên phải tay lái, đưa tay kiểm tra lại vết thẹo dài đắp chéo qua mặt. Một tốp lính sư 5, cổ thắt khăn dù đỏ đi tới. Đến cạnh chiếc xe, một tên ngóc cổ lên hỏi bằng cái giọng say rượu lè nhè: - Các người anh em... Đi đâu vậy? Đi càn về có hạ... hạ được anh được nhiều Việt Cộng không? Phận thò đầu ra, giọng cay cú: - Cút mẹ chúng mày đi! Đồ con bò! - Cũng... cũng cút má những người anh em đi! Đồ... đồ... - Chúng cười khằng khặc rồi bá vai nhau đi về phía trại lính. May mà đóng giả lính dù chứ giả lính bảo an không chừng lại lôi thôi rồi. Ở những khu táp nham này, bọn chủ lực ưa gây sự đánh nhau với bọn địa phương lắm. Chúng nó chết chóc, gian khổ nhiều nên thù ghét bọn chỉ quanh quẩn bên váy vợ không phải đi hành quân càn quét. Bọn này cà khịa cả với bọn quân cảnh, mấy sắc lính này hễ cứ gặp nhau là không sao tránh khỏi một cuộc đụng độ. Nhìn lại đằng sau thấy bộ đội đã lên hết, đang ngồi lầm lì trong thùng xe, súng găm ra phía trước, Linh cho Phận nổ máy. Khi chiếc xe cũ kỹ ngúc ngoắc cái đầu chực bon đi, Linh còn kịp nhìn thấy cái bóng áo dài của Thúy mờ mờ bên khung cửa. Anh khẽ gật đầu chào mặc dù cả thân hình anh ngập trong bóng tối, Thúy không hề trông thấy được. Chiếc GMC chồm lên ổ gà rồi nhằm cổng chi khu lao tới. Những mái tôn, những bóng người, thân cây loang loáng lùi lại hai bên đường. Cái tiệm rượu gần nhất đang xích gần lại. Chiếc xe ọp ẹp dần dần ngập trong ánh sáng đèn các loại. Bên trái anh, Phận vẫn ngồi lạnh như tiền, mắt quắc lên buốt lạnh. Anh nhìn lại đằng sau: thoáng một, hai khuôn mặt chiến sĩ nhợt đi trên thùng xe. Giây phút quyết định đang tới với tốc độ xe ô tô. Chính anh cũng thấy hồi bộp khác thường. Cái xương sống lại mỏi nhừ như mọi lần. Anh khe khẽ huýt gió, mấy ngón tay gõ nhịp trên cửa kính xe. Cái mục tiêu đang rõ nét dần ra, đang chạỵ nhanh lại phía anh. Linh muốn đến với nó nhanh hơn, quại luôn để chấm dứt mọi sự phấp phỏng. Song mặt khác anh lại muốn nó đếm chầm chậm, kéo dài giây phút ghê gớm ấy thêm chút nào hay chút đó. Phương án tác chiến và các dự kiến tình huống chạy loang loáng qua đầu anh. Đồng đội đang hòa tan vào anh thành một khối thống nhất. Trước trận đánh táo bạo, trăm ngàn chi tiết phức tạp, không biết có ai lơ đãng làm hỏng đi một mắt xích nào không? Tất cả đều thử lửa cả rồi, tất cả đều chỉ chờ đến trận đánh này. Nhìn cánh tay Phận đang nồi gân điểu khiển vô lăng, Linh thấy tràn ngập lòng tin. Anh huýt sáo to hơn, dồn dập hơn. Chiếc xe vẫn cuốn bụi phía sau. Thùng xe, đầu xe rung cót két như một sự cố tình làm ầm cho xung quanh chú ý tới mình. Khó chịu quá! Tấm cửa kính trước mặt Linh chợt loá lên. Chớm mép rào chi khu rồi. Đèn pha từ lô cốt đang quét loang loáng. Lợi dụng ánh đèn, Linh đã nhận ra những hình thù lô cốt, hầm hố xù xì như đàn quái vật đang phục mồi. Mỗi khi một lưỡi sáng liếm qua mũi ô tô, người anh lại nổi gai ốc. Xe đang tiến vào cổng phụ. Phận tăng tốc độ. Đã thấy những bóng đen đang đứng lúc nhúc trên sân đồn. Nổi bật trên những dãy nhà tôn là cụm ăng ten cao vút, in rõ trên nền trời màu xám chì. Trong cái đám lổn nhổn, lúc nhúc bọn đầu sỏ ác ôn kia, có thằng Kiêu không? Chiếc xe vẫn giạt mọi người sang bên, còi bóp inh ỏi. Nhiều giọng chửi tục tĩu của người đi đường ném vào trong xe. Anh Sáu đã ngã xuống ở chỗ này đây. Và kia là đoạn thằng Xầm đã đền tội ác. Anh Sáu ơi, đêm nay chúng tôi sẽ trả thù cho anh! Xe vừa tới cổng chính bỗng phanh rít lại, đứng im. Toàn thân nó run lên bần bật. Ngay trước luồng sáng ánh đèn, một tốp người xuất hiện. đứng chắn ngang dường. Đứng ngoi lên đầu là một thằng cao lớn dềnh dàng, điệu bộ rất anh chị, ra hiệu ách xe lại. "Đảnh! - Linh suýt reo lên - Khá! Nhịp nhàng đến như vậy là chắc ăn lắm rồi!". Chiếc GMC gầm lên một tiếng hằn học rồi nổ máy nhỏ lại. Phận mở cửa, đứng chống nẹ ở thành xe, quát xuống: - Thằng chó chết nào vậy? Muốn cán nhẹp đầu hả? Tiếng Đảnh vang lên nặng oằn: - Xuống! Tất cả xuống! Xét xe! - Giang ra! Về mà xét ông già mày ấy! - Phận đóng sầm cửa lại. Đầu máy lại gầm lên. Đảnh chĩa súng vào bánh xe trước: - Tiểu đoàn quân cảnh 301 đây! Rõ không? Xuống! - Đ. mẹ! Xuống cái con mẹ mày! - Phận lại rồ máy. Một phát súng bắn chỉ thiên. Xe tắt máy. Linh nhảy xuống, ung dung tiến sát Đảnh, cất giọng Nam Bộ trịch thượng: - Cái gì mà lộn xộn vậy, mấy chú? Đại đội biệt cách dù đang trên đường thực thi công vụ, sao lại cản trở? - Dù diếc gì? Xuống cho quân cảnh xét xe! Mắt Linh long lên. Anh liếc nhanh vào cửa đồn. Mấy thằng gác đã rời khỏi lô cốt, đang mon men ra xem. Anh hách dịch: - Anh em! Xuống dạy cho bọn mắc dịch này biết thế nào là biệt cách dù? Cho lỗ mũi chúng nó ăn trầu coi! Hai chục chiến sĩ từ trên xe nhảy rầm rầm xuống, súng lên đạn rôm rộp. Bên quân cảnh cũng nhích lên một bước, súng lừ lừ chĩa họng vào đối phương. Hai hàng người gầm ghì sẵn sàng sát phạt nhau... Dăm ba thằng lính ở trong đồn cũng xách súng chạy ra. Có thằng đứng hẳn vào bên của Linh, xỉa súng vào bên quân cảnh, nói khích: - Bắn thấy ông cố nội nó đi, đại úy! Bắn thấy mẹ bọn công tử chỉ lo nhậu nhẹt phách lối. Chúng nó đâu có phải đi càn, ra trận như bọn mình. Hạ lệnh đi, đại uý! Thằng khác đứng ngoài nói chõ vào: - Anh em dù cứ mần đại đi. Bọn này hè dô oanh tiếp sức liền. Thấy có vẻ đuối thế, tốp quân cảnh nép dần, nép dần vào cổng đồn, có ý muốn lợi dụng lô cốt sẵn sàng choảng lại. Trung đội dù cười rộ lên. Mấy thằng lính trong đồn cũng vừa chửi vừa cười phụ họa. Phía sau chúng cổng cồng đồn không còn một cái rào cự mã nào cản lối. Trống trơn. Chỉ chờ có thế, Linh thét lớn: - Hồ Chí Minh muôn năm! Tiến lên! Mấy thằng lính gác đang nhe răng cười bỗng người quật xuống trước những phát súng bắn rất gần. Và như một dòng lũ cả tốp quân cảnh lẫn tốp biệt cách dù; nhằm cổng chính lao vào. Theo vị trí đã phân công, từng tổ, từng người lựa theo các cạnh đê tam giác, nhanh chóng tọng chất nổ, thủ pháo xuống hầm. Tất cả đèn đóm tắt phụt. Cả khu đồn mờ mịt trong mùi khói khét nồng nặc. Tiếng nổ âm âm trong lòng đất. Như có hàng trăm quả pháo đùng cùng nổ một lúc trong thùng rỗng. Toàn khu đồn chớp giật liên hồi như có sấm sét, dông bão ụp xuống. Hầm hố nghiêng ngả, từng mảng tôn thiếc bay lên không trung xoang xoảng. Trong ánh chớp loè, trông thấy cả những xác lính tung lên rớt xuống. Thỉnh thoảng lại vang lên những loạt đạn con lia giòn tan trong các đường hào. Tiếng gọi, tiếng quát, tiếng rên la lúc rộ lên, lúc bị tiếng súng át hẳn đi. - Tống vào mõm thằng PRC.25 một trái hai kí, nhanh lên. - Hầm này đánh chưa? Đánh đi! - Ấy đừng ném. Tao ở dưới này! - Thủ pháo thằng nào rơi đây? - Ối! Ối! Anh Phận! Em chứ không phải lính đâu. Bỏ ra! - Thằng nào dưới đó? Lên! - Dạ... Dạ... Em xin lên. Mấy anh dừng bắn em. Em lạy anh. - Hự! - Ái chà! Cắn à? Hấp! - Các tổ cởi áo ra kẻo bắn nhầm nhau bây giờ... Linh dẫn một tổ dùi thẳng vào sở chỉ huy, nơi có cây cột ăng ten. Vừa tới cửa hầm, bỗng có hai bóng đen xồ ra. Chết rồi! Khéo chúng sổng hết mất. Có vật gì dài dài trên tay một thằng chĩa thẳng về phía Linh. Anh vừa nhào xuống thì một luồng lửa vuốt qua đầu. Một tiếng rên bật lên phía sau: - Anh Linh ơi!... “Nó giết chết thằng Vinh rồi!" - Linh quay ngoắt lại. Cái bóng đen chạy đâm sầm vào hàng rào, bật trở lại. Linh nâng mũi súng lên. Mày trở lại đây! Nhưng cái bóng đen giụi hẳn xuống và không cử động nữa. Ái chà! Mày giả chết à? Linh nhanh nhẹn bò lại. Xung quanh anh, đất vẫn rung rung chuyển động. Tay Linh đã sờ vào đế giày của thằng địch. Một loại giày nửa da nửa vải bạt ram ráp. Dứt khoát là một thằng sĩ quan. Thằng địch vẫn nằm gục đầu nhưng cái lưng lại nhấp nhổm trong tiếng thở phì phì. Linh chồm lên, ngồi kẹp chặt lấy lưng nó. Anh kê họng súng lên mang tai thằng địch. Khi đã nghe được âm thanh thép chạm vào sọ. Linh nháy cò. Cái đầu thằng giặc ngất lên. Sở chỉ huy là một cái hầm tròn bằng bê tông có nhiều ngách nhỏ. Nó nổi lên mặt đất lè tè như cái thớt. Khi Linh bươn được qua hàng rào mắt cáo nhảy vào thì các ngách hầm đang nháng lửa. Xung quang hầm, những bóng đen nhảy qua nhảy lại thoăn thoắt. Anh em mình đánh rất đều tay. Linh cũng rút thủ pháo tọng tiếp vào. Phải tọng thật lực không cho chúng nó thoi thóp được nữa. Đứng trên nóc hầm, anh thấy ánh chớp thủ pháo trên cả trận địa vẫn liên tiếp nhoáng lên. Thỉnh thoảng mới nghe một tiếng ép tay bắn trả lách chách. Đấy là dấu hiệu của sự diệt gọn. Chợt một trái thủ pháo cỡ lớn nổ váng ngay căn hầm dưới chân anh làm gỗ đá văng lên không trung rào rào. Linh cáu sườn tóm ngay lấy người vừa đánh trái, quát to: - Ai cho cậu đánh bậy thế? Muốn chết à? - Khẽ chớ, Tám Linh! Mình đây mà! - Người bị quát lúng túng gỡ tay Linh. Linh ngớ người nhận ra giọng anh Út: - Chết thôi! Sao anh lại lần mò vào đây! Ra đi! - Ờ… ờ… mình ra đây! - Anh Út đáp khẽ, rồi chạy biến mất vào bóng đêm. Linh bắn một phát xi nhan lên trời rồi hô to: - Các mũi tiếp tục đánh vét và lùng sục kỹ. Chú ý tìm hầm ngầm. Tạc đạn nổ rộ lên một chập rồi tiếng nổ đằm xuống. Trận đánh chuyển vào lòng đất. Linh nhảy xuống một ngách hầm sâu ánh đèn pin lướt loang loáng trên xác những tên giặc nằm cong queo đủ các kiểu. Dưới chân anh là thằng thiếu tá, quận phó chết gục trên bàn, bên cạnh hai thằng trung úy nằm quắp lấy nhau. Một thằng mặc bộ bà ba đen, chắc là cán bộ bình định nằm sóng soài, mắt mở trắng dã. Không thấy thằng Kiêu. Linh chui sâu vào trong các ngách, lật mặt từng đứa, lia đèn pin sục sạo khắp mọi chỗ. Đủ mặt bọn ác ôn đầu não trong chi khu, nhưng thằng Kiêu văn mất dạng. Nó chạy đi đâu? Không tìm được, Linh lại nhảy lên nóc hầm điểu khiển trận đánh. Mười ìăm phút sau, trận đánh bắt đầu lắng xuống. Thảng hoặc mới có một phát súng lẻ loi dội lên từ lòng đất. Xung kích đang tỉa nốt những thằng còn ngắc ngoải. Ánh đèn pin từ các góc lô cốt nhấp nháy báo hiệu đã chiếm lĩnh xong trận địa. Đứng lồng lộng trên lô cốt sở chỉ huy, Linh bấm đèn khua ba vòng. Anh lệnh lui quân. Một vài chiếc cáng đi qua trước mặt Linh. Trong cái cáng cuối cùng, anh nhận rõ khuôn mặt Đảnh với vòng băng thít quanh bụng. Đảnh huơ tay lên, nói ồm ồm: - Sớm mai nhậu rượu nhớ phần tôi, anh Tám heng! Gần một trung đội tù binh tả tơi, lốc nhốc đi qua. Linh dộng một trái sáng. Cả khu đồn bất thần hiện ra ngổn ngang, vữa nát. Ánh sáng xanh lét hắt lên những khuôn mặt bọn tù binh vẻ ma quái, hãi hùng. Trong đám này cũng không có thằng Kiêu. Chẳng lẽ nó đã chạy thoát được. Những đội viên xung kích lặng lẽ rút ra khỏi chi khu. Trên vai họ lặc lè những khẩu súng, những băng đạn chiến lợi phẩm. Bỗng hàng người trở lên lộn xộn. Linh ngạc nhiên khi nhìn thấy Rổn, vai khoác ba bốn khẩu súng đang cà nhắc chạy trốn một người lật đật đuổi đằng sau. Người đó là anh Út. Anh vừa đuổi vừa kêu: - Thì đứng lại tao băng cho đã, thằng nhỏ! Đứng lại! Rổn vẫn chạy vòng vèo, cười khanh khách. Chú chạy tới sát Linh, giúi vào tay anh một gói thuốc chiến lợi phẩm rồi lại co giò chạy. Anh bác sĩ vẫn thở ì ạch đuổi đằng sau: - Coi chừng nhiễm trùng đó, Rổn! Linh chợt nhớ ra một điều gì. Anh nhảy bổ xuống, chạy ra chỗ hàng rào lúc nãy. Rất có thể là chính nó! Nỗi mừng bất chợt làm chân tay anh run rẩy. Nhưng tới nơi, Linh sững người: thằng địch giả chết không còn đó nữa. Anh ngơ ngác nhìn xung quanh. Hay mình nhớ nhầm chỗ? Không! Rất chính xác. Nó nằm ngay phía cửa mở, gần sở chỉ huy đây mà! Anh bấm đèn pin rà sát đất, chi thấy những ngọn cỏ bị cháy sém. Ngay chỗ thằng địch nằm lúc nãy, dưới một miếng tôn cong quăn còn vương lái một cuộn băng dính máu. Phía trên chút nữa có một chiếc áo lính nằm nát nhàu dưới chân rào. Linh lấy chân hất tấm áo lên. Trên một ve áo còn lại lấp lánh ba bông mai. Linh choáng người. Đúng đây là áo của thằng Kiêu. Nó chuồn mất rồi. Tại sao? Viên đạn anh bắn không chính xác à? Sao lúc ấy anh lại vội vàng hấp tấp thế? Dở quá! Thế là hỏng bét! Linh cay đắng tự xỉ vả mình. Anh lia đèn vào các chân rào một lần nữa rồi thất thểu đi ra. Tới cổng anh chợt dừng lại. Thằng khốn nạn nhất định còn lẩn quẩn đâu đây. Cuộn băng dính máu chứng tỏ nó đã bị thương. Ra ngoài vòng rào tìm một lần nữa xem. Nhưng cũng lúc ấy Linh cảm thấy trống lạnh toàn thân. Chết cha! Bộ đội đi hết rồi. Ở đây một mình coi chừng mất mạng bây giờ. Anh chạy về nhà thím Hai, nhưng được mấy bước, có cái gì cứ kéo anh lại. Chặc! Đơn vị đã có Phận lo. Phải tìm bằng được thằng ác ôn này. Bỏ, uổng lắm! Linh quay ngoắt, cố sục tìm trong các ngóc ngách. "Oành!"... Một trái cối nổ bên kia đường. Linh vẫn mải mê bấm đèn xăm xoi những chỗ nghi ngờ, không để ý đến trái cối. “Oành! Oành!"... Cối nổ cấp tập trước mặt anh. Bỏ mẹ! Nó phản cối! Một loạt cối nổ ngay trong rào. Miếng cắm phầm phập vào thân cây. Linh nép vào gầm chiếc GMC ọp ẹp của mình, tránh những loạt đại liên từ các đồn tua xung quanh bay tới. Chúng nó đến lúc này mới kịp hoàn hồn. Đang phân vân, Linh bỗng chú ý tới cái đầu hồi trường học bên kia đường. Nãy giờ chỗ đó chưa có một quả cối nào rót vào. Rất có thể thằng khỉ đột còn ẩn náu trong đó. Có lý lắm! Chỗ ấy chỉ cách cửa mở chừng hai chục mét. Dứt loạt cối, Linh chạy vọt sang. Vừa áp lưng được vào tường, đột nhiên anh nhìn thấy một bóng đen chạy ngược từ nhà thím Hai tới. Dáng chạy ngoãn ngoắt. mềm mại, quen quen... Linh ngồi thụp xuống. Cái bóng đen dừng lại, loay hoay như tìm kiếm gì rồi lại bươn bả chạy tiếp. Linh tróc lưỡi định gọi thử, nhưng bất ngờ như có cái cối đá nện xuống đầu, anh ngã qụy... Khi đứng dậy được thì xung quanh anh đã lố nhố những bóng người đang chập chờn nhảy múa. Những mũi súng AR.15 chĩa vào ngực anh. Linh vùng mạnh đầu: những bóng đen vẫn còn đó, lầm lì, dữ tợn. Anh choáng váng. Cái gì thế này? Mình bị bắt ư? Sao lại có thể bị bắt đơn giản, dễ dàng như thế này được? Linh vừa vung tay định phản ứng thì một vật cứng nện thẳng vào gáy anh. Linh ngã giụi đầu vào tường. Có tiếng ai kêu thét bên tai anh, đau đớn: - Anh Tám!... Linh mở choàng mắt. Thúy! Thúy đang đứng bên cạnh anh. Tại sao Thúy lại ở đây? Thúy nói lập bập, gần như là thầm thì: - Tôi... Tôi đi tìm anh! Khổ quá! Tìm làm gì cơ chứ? Linh nắm chặt mấy ngón tay. Chỉ còn lại nắm đấm. Súng đâu mất rồi? Linh tức tối quẫy mạnh. Lập tức đầu gối anh như có một mũi dùi nung đỏ xiên vào. - Anh Tám! Anh Tám ơi!... - Tiếng gọi đau đớn của Thúy vẫn xói vào tai anh. Linh đứng buông xuôi hai tay, toàn thân run rẩy trong một nỗi bất lực chua chát. Thế là rơi vào tay chúng nó rồi. Thế là bị bắt thật rồi. Tôi bị bắt rồi, các đồng chí ơi! Thúy đó phải không? Thúy ơi! Tôi đã làm khổ em. Chỉ sơ sẩy có một chút thôi... Linh cố nén một tiếng kêu muốn bật ra từ trong lồng ngực. Anh nhổ ra một búng máu. Từ trong đám lính, một tia đèn pin trắng như thép chảy xoáy vào mặt anh. Linh bất giác nhắm mắt lại. Khi anh mở mắt, bộ mặt Kiêu đã hiện ra, kề sát mặt anh. Một bộ mặt vừa khinh hoàng, vừa đắc chí. Tự nhiên Linh hơi lùi lại. Nó còn sống thật ư? Cái miệng mỏng như lá lúa của nó đang nhếch ra, vòng băng trắng bện cục ở thái dương... Linh nghiến răng nhao người lên trong sự tức giận tới ngộn ngạt. Một quả đấm khá nặng đánh bật anh trở lại. Linh loạng choạng ngã xô vào Thúy. Máu ở đuôi mắt anh trào ra. Anh lại chực nhào lên. Thúy giữ chặt anh lại. - Các người không được đánh anh ấy như vậy. Đánh tôi đây nè... - Thúy! Không được nói như vậy! - Linh quắc mắt. Kiêu bật cười thành tiếng: - Mày bao giờ cũng khác người, Linh ạ! Rồi tao sẽ cho mày khác, khác hẳn cho mà xem. Tao đợi mày suốt từ tối đến giờ đâu có phải để mày làm bộ anh hùng trước mặt người đẹp! Đáng lẽ với cái vết gãi của mày, tao có thể bỏ về uống cà phê chơi. Nhưng tao đã nán lại đón mày. Cái số tao với mày là phải gặp nhau kia, Linh ạ! Linh nhìn lướt trên đầu nó, khinh bỉ. Mạch máu ở thái dương anh đập mạnh. Kiêu hất hàm hỏi Thúy: - Sao? "Đồng chí" bí thư chi bộ? Theo "đồng chí" thì thằng này nên sống hay nên chết? Tôi cho "đồng chí" toàn quyền được quyết định số phận của nó. - Đồ đê tiện! - Thúy bật lên. - Ha ha... - Kiêu cười chóe lên - Thật là câu nói cửa miệng của các "đồng chí" nhà tôi. Kẻ yếu thế bao giờ cũng nói mạnh. Thôi được! Bây giờ xin mời hai vị đi cho. Ta sẽ có dịp để chuyện trò với nhau. Trói nó lại! - Hắn quát lính - Trói thằng cộng sản Bắc Kỳ này thôi. Còn... đàn bà con gái, nên mềm tay. Trong khi bọn linh trói ghì hai cổ tay Linh, thằng Kiêu lượn vè vè xung quanh, nói sùi cả bọt mép: - Các “đồng chí" tưởng cứ tiến công là chiến thắng sao? Ngu! Ngày mai ở đây, tại quán này, sẽ không có gì thay đổi. Không có ngừng bắn, không có hòa bình gì hết trọi. Thằng nào trong số các "đồng chí' còn sống sót, xin mời cút về rừng cho. Cứ tiếp tục cái đời sống chui, sống nhủi. Tất cả vẫn là của chúng tao. Con mẹ các đồng chí! Nói hổng chịu nghe. Đồ ngu! Linh thấy tanh tanh, lờm lợm trong cổ. Anh nhăn mặt như hít phải thứ khí độc. Mới có ít ngày mà nó đã thay hình đổi dạng nhanh đến thế. Giá đấm được một quả vào cái mồm nhầy nhụa của nó. Linh rướn mạnh ngực... Kiêu nhảy lùi lại: - Ý! Định giở trò gì hả, người anh em? Cứ để dành đó sẽ có lúc được xài tới! - Tao không hiểu người mẹ nào đã đẻ ra mày? Một thứ thịt thối không hơn không kém - Linh gằn giọng. Thằng phản bội tím mặt lại. Hắn định lồng lên nhưng va phải ánh mắt khinh bỉ của Thúy, hắn cười nhạt: - Dẫn đi! - Đi đâu, anh chín? - Một tên lính rụt rè hỏi. Kiêu rùng mình một cái, nhớn nhác nhìn về phía chi khu lúc ấy chỉ còn lại những tiếng nổ lép bép. - Về căn cứ sư 5. Cứ ở tạm đó... - Còn bọn em... - Về đâu thì về! - Bắt gặp ánh mắt giễu cợt của Linh, hắn bỗng nổi đoá lên. Linh bật cười to một tiếng. Anh Út nói đúng quá! Phải biết nhìn thấu suốt vào mắt kẻ thù. Rõ ràng sau cái vẻ say máu bề ngoài, thằng Kiêu đang hoảng loạn thực sự. Chính nó đang run sợ. - Đi! Cười gì ông nội? - Một thằng dân vệ mặc đồ đen, thúc mạnh báng súng vào lưng Linh. Giọng nói ngờ ngợ quen quen. Linh định ngoái lại nhìn nhưng lại bị giúi thêm cái nữa. Ngay lúc đó, trong lòng bàn tay cứ ứ máu của Linh có vật gì sắc cạnh vừa đặt vào. Chút nữa Linh kêu lên sửng sốt: một mảnh tôn còn nóng. Người lính đó đã beng béc lảng ra đường. Linh đã nhận ra cái đầu tóc xoăn lồng bồng và dáng đi nép nép. Thàm! Út Thàm rồi! Linh nắm chặt mảnh tôn có cái cạnh ram ráp trong tay. - Thôi, đi lẹ lên! - Kiêu vội vã giục - Đi hai ba thằng thôi. Còn lại về tua hết. Từ giờ tới sáng ráng mà thức nếu không muốn bị chúng nó ăn họng! Hắn châm một điếu thuốc lá và từ lúc đó hắn nín thít, không nói thêm một câu nào nữa. Thúy đi trước anh, chân không giầy dép. Cái dáng nhỏ nhắn của chị bước xiêu vẹo trên con đường đá sỏi. Đến lúc này mới nhận ra chị không còn mặc chiếc áo dài màu hồng ngọc nữa. Chị lại trở về với bộ bà ba đen bình dị hàng ngày. Chị đi chầm chậm, như có ý chờ anh đi sát lên. Thỉnh thoảng Thúy lại vấp một cái, chúi người đi. Linh xót xa lòng dạ. Thà chỉ mình anh sa vào tay chúng... Chúng nó sẽ tra tấn, sẽ giày xéo làm nhục cô ấy. Thằng Kiêu chắc sẽ không từ một thủ đoạn dã man, hèn hạ nào. Nhìn dáng hình mảnh mai của Thuý đi giữa những chiếc mũ sắt lầm lì, một niềm thương yêu vô hạn tràn ngập lòng anh. Rất có thể chốc nữa, trước lúc bình minh, trước ngày hoà bình đầu tiên, chúng nó sẽ bắn mình. Mình vẫn chưa nói được điều ấy với Thúy. Liệu Thúc có hiểu những điều mình đang nung nấu không? Thúy ơi... Linh nuốt nước bọt đã khô cứng trong miệng, bước dấn lên. Thằng linh đi sau chẳng nói chẳng rằng, nắm tóc anh kéo giật trở lại. Giữa hai người vẫn là một khoảng cách khá dài. Thúy vẫn bước những bước ngắn, chập chờn, thỉnh thoảng ngoảnh lại nhìn anh. Hình như chị sợ nếu lãng đi phút nào, chúng sẽ lén mang anh đi mất. Miếng tôn nhỏ vẫn nằm nóng bỏng trong lòng bàn tay sưng tấy của Linh. Nãy giờ anh quên không để ý đến nó. Một tia hy vọng bỗng cháy bùng trong tâm tri anh. Không! Thuý nhất thiết phải sống, phải thoát khỏi nơi đây. Thuý không thể chết vì mình, vì cái sơ sẩy ngu ngốc của mình được. Ngày mai Thuý còn bao nhiêu công việc... Cả mình cũng không thể chết một cách ngớ ngẩn như thế này... Sợi dây cước bện bằng ngón tay út thít chặt làm anh cử động rất khó khăn. Không bỏ lỡ một giây, Linh dùng mấy ngón tay đã tê cứng cặp miếng tôn, khe khẽ cứa sợi dây trói. Linh cố tình đi chậm lại. Sắp đến cây cầu rồi. Anh ngẩng mặt đón ngọn gió sông mát rượi thổi về, thấy người khoẻ khoắn hẳn lên. Phải hành động gấp. Trước mặt Linh đã là cây cầu sắt dài. Bên kia cầu là căn cứ của sư đoàn 5 rồi. Linh nghiến răng cứa mạnh một nhát. Những sợi cước li ti trên cổ tay Linh lần lượt đứt rời ra. Một giọt mồ hôi to tướng chảy xuống sống mũi anh. Pục! Sợi dây cước to đứt rời ra. Linh nắm kín lấy chỗ dây đứt ấy. Máu đã chạy đểu hơn. Anh khe khẽ ngọ nguậy mấy đầu ngón tay. Tất cả chỉ có bốn thằng. Chúng nó đi kèm chặt Linh vào giữa. Thằng Kiêu đi sau cùng. Xung quanh vắng không một bóng người. Phía dưới, dòng sông màu xanh đen chảy hờ hững. Tốt rồi! Chỉ cần Thúy hành động nhanh và thật ăn ý. Tới giữa cầu, Linh giả vờ vấp mạnh một cái, ngã khuỵu xuống, rên rỉ. Thằng lính đi bên cạnh đá phốc vào lưng anh: - Đứng dậy, ông nội! - Vờ vịt hả? - Thằng đi sau dộng cho Linh một báng súng. Thúy hoảng hốt chạy lại, giọng đầy nước mắt: - Anh Tám ơi! Anh Tám!... Linh càng giụi xuống. Bọn lính đứng bâu xung quanh Linh, định xốc anh dậy. Thấy dồn cục, Kiêu hầm hầm chạy lên: - Cái gì? Sao lại dồn cụm ở đây? Thúy hất đầu lên, giọng rắn rỏi: - Các người không được hành hạ anh ấy. Các người phải để cho anh ấy nghỉ một chút. Kiêu lại nhếch miệng cười, tung tung khẩu súng trong tay: - Nghỉ nghiếc gì? Coi chừng nó giả đò đó! Xốc cổ nó dậy. Lùm xúm ở đây chết chùm bây giờ. Lôi nó đi! Linh nhăn nhó dựa vào thành cầu, đứng dậy. Mắt anh gườm gườm nhìn Kiêu. Lập vập đi được mấy bước, Linh lại quỵ xuống. Tiếng rên bị nén trong lồng ngực. Thúy đứng thẳng người trước mắt Kiêu, quắc mắt nhìn thẳng vào mặt hắn: - Nghe đây nè! Một là bắn luôn chúng tao ở đây. Hai là để cho ảnh nghỉ một chút! Kiêu gật gật đầu nhìn Thúy, cười đểu giả, tay vẫn tung tung khẩu súng. Hắn tựa người vào thành cầu, quay mặt ra sông huýt gió. Linh vẫn gập bụng rên rỉ. Anh hé mắt tìm chân thằng Kiêu. Ngay cạnh anh là hai cẳng chân lòng khòng của thằng lính áp giải. Làm thằng này trước! Linh hít một hơi đầu lồng ngực rồi bất ngờ đưa tay tóm cả hai cái cẳng chân ấy hất mạnh lên. Thằng lính bị nhấc bổng khỏi mặt cầu, quật mạnh lưng vào thành sắt, rú lên một tiếng rồi chới với rớt xuống sông. - Nhảy, Thúy! Linh hét to và lao người húc mạnh đầu vào lồng ngực thằng đứng sau. Thằng này cũng hực lên một tiếng, làm khẩu súng văng xuống sông và ngã bổ ngửa vào thằng đứng bên cạnh. Cả hai thằng ngã chồng lên nhau, đập đầu vào thành cầu sắt. Nhanh như cắt, Linh nhào tới chỗ thằng Kiêu. Thằng này đang loay hoay mũi súng chưa dám bắn vào ai. Một viên đạn xẹt ra trên tóc Linh. Anh ngồi thụp xuống, lia một vòng chân làm thằng Kiêu loạng choạng suýt ngã. Anh vừa chồm lên tóm lấy cổ hắn thì thằng lính đằng sau đã dậy được, ôm lấy cổ anh vật ngứa xuống. Kiêu đưa họng súng lên. Choang! Thúy vừa kịp nhặt cái mũ sắt ném mạnh vào tay hắn. Viên đạn bật vào thành cầu toé lửa. Linh chưa kịp vùng dậy, thằng Kiêu đã xô vào, hai người ôm cứng lấy nhau, lăn lộn trên mặt cầu Khẩu súng của hắn và miếng tôn của anh đều văng đi đâu mất. Bỗng Thúy la to: - Đằng sau, anh Tám! Linh kịp nhận ra thằng lính thứ hai đang lóp ngóp bò dậy chộp khẩu súng. Anh nghiến răng ôm xốc thằng Kiêu lên, quay mạnh. Đôi giày đang chòi đạp của hắn đập bốp vào mặt thằng lính. Thằng này ôm mặt, ngã giúi vào thành cầu sắt. Tiện đà, Linh quăng mạnh thằng Kiêu xuống sông, nhưng hắn vẫn bám nhằng lấy anh, không sao dứt ra được. Giữa lúc, Thuý đang vật lộn với thằng lính đã ôm cổ anh lúc nãy. Thằng lính đang dồn Thúy vào sát thành cầu. Linh muốn gỡ thằng Kiêu để giúp Thúy một tay, nhưng thằng Kiêu đang gầm gừ cố lồn tay móc vào mạng sườn anh. Linh vừa nắm cứng được cổ tay hắn đã thấy thằng lính rú lên, ôm quần chạy thục mạng. - Nhảy đi, Thúy!... Chờ ở cù lao Mía... Và Linh lấy hết sức ôm cả thằng Kiêu lăn qua thành cầu. Ùm! Mặt nước đem ngòm há miệng nuốt chửng cả hai thân hình. Linh còn kịp nghe thấy một tiếng "ùm" khác nhỏ hơn. Hay lắm! Thúy đã nhảy rồi! Vậy chỉ cồn phải giai quyết đống thịt thối này. Linh siết cứng lấy thằng phàn bội, chìm sâu xuống nước. Sông nước quê hương đang ào ạt vỗ vào da thịt anh. Dòng sông quen thuộc, đã bao lần anh bơi đi lặn về. Anh bỗng thấy hoàn toàn tỉnh táo. Bằng một cái luồn khôn ngoan, anh gỡ được vòng tay thằng Kiêu. Anh chuyển ngang người trong lòng nước, kẹp chặt lấy cổ nó, ấn xuống. Thằng Kiêu thở ùng ục chân tay quẫy đạp loạn xạ. Cả hai người từ từ nổi lên. Thằng Kiêu cắn, cấu dữ dội vào hai bàn tay Linh. Không ăn thua gì đâu, con ơi! Mày sẽ phải đền tội. Linh quẫy mạnh chân. Họ lại từ từ chìm xuống. Bỗng nhói một cái ở bẹ sườn, Linh nới lỏng tay ra. Thằng Kiêu vùng ra khỏi Linh làm nước xoáy tròn trước mặt anh. Cái đế giầy của hắn đang bay lên. Linh vội rướn theo tóm chặt lấy nó, kéo rịt xuống. Bộp! Cái mũi giầy cứng như sắt đạp mạnh vào đầu Linh tê dại. Mắt anh quáng lên. Linh bậm môi bẻ trẹo bàn chân nó sang một bên. Chỗ hai người vật lộn, tiếng nước sủi kêu ùng ục Linh bắt đầu thấy hụt hơi. Hai tai anh ù đặc, nhức nhối như có chiếc đũa thuốn vào. Đôi giầy cao cổ như hai quả tạ làm Linh cử động vướng víu. Khéo không lại chết cả hai bây giờ. Ráng lên chút nữa. Nó đuối lắm rồi. Anh ngoắc tay vào dây lưng nó kéo mạnh. Thân hình thằng Kiêu tuột nhanh như một khúc gỗ. Miệng hắn há hốc, mắt trợn ngược lên. Vừa tầm, Linh kẹp hai chân lên cổ hắn, siết chặt lại. Đầu Kiêu ngúc ngoắc giữa hai cổ chân anh. Hai người lại từ từ nổi lên. Vừa nhô lên khỏi mặt nước, Linh vội hít một hơi dài. Ngọn gió mát thổi lướt trên sóng ào ào vào mặt anh từng đợt. Linh buông chân, định lôi thằng Kiêu lên kết liễu cuộc đời phản bội của nó thì ngay lúc đó, có nhiều tiếng chân chạy thình thịch trên mặt cầu. Những tia đèn vun vút phóng xuống sông. Một tràng đạn cắm xuống nước chiu chiu... búp búp làm tung nước quanh người Linh. Bọn địch trên cầu la hét ầm ĩ, thi nhau thảy tạc đạn xuống nước. Một trái tạc đạn nổ ục ở chân cầu. Trái thứ hai nổ ngay chỗ Linh và thằng phản bội vật lộn. Linh muốn vỡ tung lồng ngực, bụng tức anh ách như bị đá vào mạng mỡ. Cả người anh nổi phềnh lên. Lúc anh quay sang thằng Kiêu thì hắn đã bị trôi vuột đi từ lúc nào.