Dịch giả: Nguyễn Đức Lân
Mười hai

     ị bọn lính gác giữ cứng ngắc, Bob bị chúng điệu trở lại phòng khách. Đại vương đứng đợi chàng ở chỗ ngưỡng cửa, đôi mắt rực hận thù:
- Thiếu tá Morane! Ông không để mất danh tiếng: ông hành động nhanh và quyết đoán, sẵn sàng ứng phó với mọi trường hợp, mọi thời điểm. Tuy nhiên lần này ông chẳng tác oai nổi nữa. Chỉ cần một trong những người lính gác trung thành của tôi ném một... cây dáo vào chân ông, nếu tôi có thể nói như thế.
Morane chấp nhận sự thất bại, ngoài mặt làm ra vẻ không lo lắng, bên trong thì chàng điên lên. Chàng nghĩ: “Giờ này Bill phải tới Javhalpur rồi. Cầu trời anh ấy đừng đến đây để rơi vào miệng lang sói!” Tốt hơn hết là không nên tỏ cho Lal Bhawannee thấy sự lo lắng đó, chàng nhún vai làm kẻ bất cần đời, nói như mắng vào mặt Đại vương.
- Chà! Đại vương! Tôi đã từng gặp những tình cảnh khó khăn hơn thế này nhiều, mà rồi tôi cũng thoát ra thôi.
- Lần này thì anh không thoát dễ dàng đâu.
- Ông sẽ làm gì tôi? Giết tôi đi?
Ông Đại vương nhăn mặt, mỉm cười nham hiểm:
- Có thể... Nhưng trước hết hãy nói cho tôi biết pho tượng ở đâu. Khi tôi nắm được trong tay rồi, tôi sẽ đem hủy nó đi.
Morane nói giọng riễu cợt:
- Nói cho ông biết pho tượng ở đâu? Thế cơ à? Hoặc giả muốn tôi phải nói ra ông tính chuyện hành hạ tôi?
Lal Bhawannee lắc đầu:
- Hành hạ ông ư? Sao ông có thể gán cho tôi những dự tính như thế, thiếu tá? Như ông biết đấy, tôi rất tiếc nhớ nước Ấn Độ thời cổ, cái thời mà vua chúa có những đàn voi đông đảo, tổ chức những cuộc săn bắn lớn hoặc là cho thú đấu với nhau. Một trong những tiền bối của tôi có thói quen thả các tội nhân vào chuồng cho cọp ăn thịt. Ồ! Ngài vẫn cho tội nhân một cơ hội, bởi vì ngồi thích xem người và thú đấu với nhau. Tội nhân bị đưa xuống hố với một thanh gươm trong tay, và rồi, người ta thả con thú ra. Nhưng hình như luôn luôn là cọp chiến thắng.
Bob nói:
- Theo tôi hiểu thì ông coi tôi là một tội nhân, tính đưa tôi ra làm mồi cho một con cọp của ông?
- Đúng đấy. Tôi có một con cọp, một con cọp tuyệt vời mà tôi tự tay chăm nom và dạy dỗ. Tuy nhiên đừng có lầm: nó chẳng có vẻ gì là một con cừu, nhất là lúc nó đói. Tôi đặt tên cho nó là Ravâna, lấy tên của một trong những ma vương đáng sợ nhất trong thần thoại Ấn Độ. Quyết định rồi đấy. Bây giờ đã gần trưa, tôi sẽ ra lệnh không cho Ravâne cái đùi bò mà nó thường được ăn mỗi ngày. Vài tiếng đồng hồ nữa, khi Ravâna thật đói bụng ông sẽ được đưa xuống hố, trong tay chỉ có một thanh gươm thường, có đâm trúng cũng chỉ làm con vật nổi hung lên mà thôi. Ông can đảm lắm, thiếu tá ạ, tôi tin chắc đây là một cuộc chiến thật đẹp, một cuộc chiến đấu mà ông cứ tin chắc cọp sẽ chiến thẳng.
Trước cảnh tượng chẳng vui thích đó, Morane vẫn không để mất vẻ tỉnh táo bên ngoài, tuy là trong thâm tâm, chàng ngán ngẩm quá rồi. Chàng suy nghĩ:
“Thằng cha Lal Bhawannee này ưa chuyện rắc rối và như vậy hắn càng tỏ ra nguy hiểm. Không thể nào lường trước được những phản ứng của hạng người như thế. Đánh nhau với một con cọp bằng một thanh gươm thường! D’Artagnan họa may mới thoát được, chứ ta, một kẻ múa gươm như múa cây gậy, thì...”
Cái ông Đại vương lại nói tiếp:
- Tất nhiên vẫn có cách tránh cuộc đấu này.
Bob cảm thấy có chút hy vọng, chàng hỏi:
- Ông muốn nói gì?
- Cho ta biết pho tượng thiêng ở đâu thì anh được sống.
Bob suy nghĩ: “Quả thật cũng hay đấy. Ông chủ nhà cũng suy đi, tính lại. Tuy nhiên để cho hắn được vừa lòng thì... kệ hắn!”.
Trong câu chuyện kể cho Đại vương nghe, Morane đã không đả động đến tên của Ballantine, bây giờ chấp nhân việc trả giá của hắn thì kết quả đầu tiên là đưa Bill vào tình cảnh rất xấu, mà điều đó thì Bob không muốn. Vả chăng, không thể có vấn đề nhường lại pho tượng. Chàng nói:
- Được rồi! Tôi nhận chiến đấu với con cọp của ông. Xưa nay tôi vẫn khoái những trò mạnh bạo.
Lal Bhawannee nhún vai, mỉm cười:
- Tùy ông, thiếu tá ạ. Tôi chỉ cầu mong ông giữ được sự can đảm của ông cho đến cùng. Chúng ta sẽ gặp nhau trở lại, bên hố của chuồng cọp... Trong lúc chờ đợi tôi giao ông cho bọn lính gác của tôi.
Hắn ta vừa quay đi thì Morane gọi lại:
- Một phút đi, Đại vương! Tôi có một ước vọng cuối cùng cần nói.
- Thì cứ nói đi.
- Từ sáng đến giờ tôi chưa ăn uống gì, trừ ra có mấy cái bánh biscuit và thịt “khỉ”. Trườc khi đánn nhau vớ con cọp Ravâna của ông, tôi muốn có một bữa ăn ngon, một bữa ăn để nhớ đời... nhất là có thể là bữa ăn cuối cùng.
Đại vương nhìn Morane thật lâu, có vẻ ngạc nhiên về vẻ bất cần của Morane trước cái chết:
- Theo thông lệ không ai từ chối thực hiện ước muốn cuối cùng của một tử tội, ít ra là không từ chối khi ước muốn đó tỏ ra hợp lý! Ông sẽ có một bữa ăn, thiếu tá ạ, mà có lẽ suốt đời ông không có bữa nào như thế.

*

“Một bữa ăn có lẽ suốt đời ông không có bữa nào như thế...”. Bị nhốt trong một căn phòng của tòa lâu đài, Morane nghĩ đến những lời nói cuối cùng của Đại Vương. Trước mặt chàng, thức ăn chồng chất trên chiếc bàn khám xà cừ và ngà voi: một con công rán, một mớ tôm hùm, bánh ba-tê, thịt heo rừng quay, những trái cây ngâm, rong biển, cơm nấu theo kiểu Ấn, những bánh ngọt phương Đông và rượu vang của Pháp thứ thật ngon. Có đủ thứ cho những tay sành ăn thưởng thức. Nhưng không may là Bob lại không thèm ăn. Không có mặt Đại vương thì chàng không cương được nữa: sự sợ hãi đã làm cho dây thần kinh bao tử thắt lại. Chàng cảm thấy không tài nào nuốt nổi một miếng. Chàng coi đồng hồ: đã gần một giờ chiều! Chàng nghĩ: “Bill... Giờ này anh ấy phải tới Javhalpur rồi... Không thấy ta ở nhả ông Ronaldson anh ấy sẽ làm gì? Lạy Trời anh ấy đừng tới tòa lâu đài để hỏi thăm tin tức của ta!... Nhưng không đâu! Chúng ta đã thỏa thuận long trọng với nhau rồi: nếu ta không đến chỗ hẹn, Bill không được tìm cách đi kiếm ta, mà phải đi ngay tới ngôi đền”. Nghĩ vậy, Bob yên lòng một phần nào, tinh thần hứng khởi lên. Gần bên chàng một thanh gươm được đặt trên cái bàn thấp, nhưng chỉ là một thứ đồ chơi đem diễu hành vì lưỡi gươm mềm quá. Bob lẩm bẩm: “Với thứ này, không đời nào ta hạ nổi một con cọp. Có thể là ta đâm được nó đấy, nhưng nó cũng giết ta cùng lúc đó”.
Morane thở dài sườn sượt. Chàng đã thấy sợ và không xua đuổi nổi cơn sợ đó đi.
Chàng lại nhủ thầm: “Nào. Thử ăn một chút lấy sức. Ta sắp cần đến sức lực đấy”. Chàng dùng một khoanh thịt heo quay, và xúc đầy một đĩa cơm. Nhưng chàng vừa nếm thử thì không dè là cơm nhạt quá, bèn cầm lấy cái lọ muối tiêu bằng bạc, đặt trước mặt chàng. “Tiêu! Thứ ta cần đây rồi! Hạt tiêu làm cho máu sôi lên, cho tim đập thùm thụp. Hạt tiêu! Quả thật là ta cần đến hạt tiêu”.
Khi chàng đặt cái lọ tiêu xuống bàn thì bên trong không còn một hạt.