rong khi đi, thiền giả chiêm niệm về hoạt động của mỗi bước chân. Trong khi ta đi nhanh, mỗi bước cần được ghi nhận một cách rõ rệt “bước phải, bước trái”. Tâm thức cần được chăm chú hướng vào gót chân chuyển động theo mỗi bước. Khi ta đi chậm rãi, mỗi bước cần được ghi nhận qua hai phần như “giở lên, để xuống.” Khi ta ngồi, thực tập chiêm niệm thường lệ cần được thi hành bằng cách ghi nhận sự chuyển động của bụng “lên, xuống, lên, xuống.” Bằng cách chiêm niệm tương tự ghi nhận sự chuyển động “lên, xuống, lên, xuống” cần được thi hành khi ta nằm xuống. Trong khi chiêm niệm ghi nhận “lên, xuống,” đôi lúc tâm thức bỏ đi lang thang và ta không nên để nó tiếp tục đi lang thang nhưng cần ghi nhận nó tức thời. Khi tâm thức tưởng tượng, cần ghi nhận “tưởng tượng, tưởng tượng”; khi suy nghĩ ghi nhận “suy nghĩ, suy nghĩ”; khi tâm thức bước ra ngoài, ghi nhận “đi ra, đi ra”; khi tâm thức đến một chỗ, ghi nhận “đến, đến,” v…v… ghi nhận mỗi một sự kiện xảy ra, và rồi tiếp tục với thực tập thường lệ ghi nhận “lên, xuống”.Khi có cảm giác mệt mỏi nơi tay, chân hoặc nơi thân, hoặc nóng, tê rần, đau hoặc ngứa ngáy, các cảm giác cần được theo dõi và ghi nhận tức thời như “mệt,” “nóng,” “tê rần,” “đau,” “ngứa,” v…v… tùy vào trường hợp. Sau đó quay về với thực tập thường lệ ghi nhận “lên, xuống.”Khi có những động tác cúi xuống hoặc co duỗi tay chân, hoặc chuyển động cổ hoặc tứ chi hoặc người nghiêng về phía trước và phía sau, các cử động này theo thứ tự cần được theo dõi và ghi nhận theo trình tự. Sau đó, quay về với thực tập thường lệ ghi nhận “lên, xuống.” Đây chỉ là bài tóm tắt. Bất cứ đối tượng nào cần được chiêm niệm trong quá trình thực tập đều được các thiền sư nhắc đến khi đưa ra những lời chỉ dẫn trong cuộc phỏng vấn hằng ngày với các thiền sinh.Nếu ta tiến hành với phương pháp thực tập như chỉ dẫn, con số đối tượng sẽ tăng dần theo thời gian. Lúc đầu ta sẽ bỏ sót nhiều thứ vì tâm thức thường đi lang thang, vì chẳng có sự kiềm chế nào. Tuy nhiên, thiền giả không cần thất vọng về việc này. Sự khó khăn này ta thường gặp phải khi bắt đầu thực tập. Sau một thời gian, tâm thức có thể không còn trốn học đi chơi vì ta bắt được nó mỗi khi nó lang thang. Vì vậy tâm thức cần được chăm chú trụ vào đối tượng mà nó được hướng dẫn.Khi bụng phồng lên tâm thức liền ghi nhận điều đó, và như vậy đối tượng và tâm thức trùng hợp nhau. Khi bụng xẹp xuống tâm thức liên ghi nhận điều này, và như vậy đối tượng và tâm thức trùng hợp nhau. Luôn luôn lúc nào cũng có một cặp, đối tượng và tâm thức nhận biết đối tượng, trong mỗi lần ghi nhận. Hai yếu tố này, đối tượng vật chất và tâm thức nhận biết, luôn xuất hiện từng cặp, và ngoài cặp này chẳng có bất cứ gì hiện hữu trong dạng của người hay ta. Thực tế này được nhận biết bởi từng cá nhân sau một thời gian thực tập.Sự thực vật chất và tinh thần là hai vật khác nhau rõ rệt, chúng cần được nhận thức rõ ràng trong khi ghi nhận nơi bụng sự “lên, xuống.” Hai yếu tố vật chất và tinh thần được nối nhau từng cặp và trùng hợp xuất hiện, vì khi tiến trình vật chất xuất hiện và tiến trình tinh thần liền nhận biết nó. Tiến trình vật chất rời rạc xảy ra cùng lúc với tiến trình tinh thần nhận biết nó. Tương tự như vậy khi giơ lên, di chuyển, và đặt để vật gì: có những tiến trình tinh thần xuất hiện và biến mất cùng lúc với các tiến trình tinh thần nhận biết chúng. Vật chất xuất hiện và biến mất cùng lúc với tiến trình tinh thần nhận biết nó. Sự hiểu biết này đối với vật chất và tinh thần xuất hiện rời rạc được gọi là nama-rupa-pariccheda-ñana, tuệ phân biệt vật chất – tinh thần. Đây là giai đoạn sơ bộ về toàn bộ thực tập của sự hiểu biết sâu sắc. Giai đoạn sơ bộ này rất quan trọng và cần được phát triển với phương pháp thích hợp.Tiếp tục thực hành sự chiêm niệm trong một thời gian, ta sẽ có được sự tiến bộ về chánh niệm và tập trung. Ở trình độ cao này bất cứ lúc nào ghi nhận ta sẽ nhận thấy mỗi tiến trình xuất hiện và biến mất ngay giây phút ấy. Tuy nhiên, với người không được chỉ dẫn thường cho rằng thân và tâm luôn ở trạng thái thường hằng xuyên suốt cuộc sống, rằng thân từ lúc nhỏ lớn lên và trưởng thành, tâm thức non trẻ ấy lớn dần và trưởng thành, và thân và tâm là một và là cùng một người. Thực tế không phải như vậy. Chẳng có gì là thường hằng cả. Mọi thứ hiện hữu trong một lúc rồi biến mất. Chẳng có gì tồn tại kể cả một cái nháy mắt. Các sự thay đổi xảy ra rất nhanh và nó cần được nhận biết ngay lúc ấy.Trong khi chiêm niệm bằng cách ghi nhận “lên, xuống”, v…v…, ta nhận thấy các tiến trình này xuất hiện và rồi biến mất, cái này rồi cái kia tiếp nối nhau nhanh chóng. Khi nhận thấy rằng mọi thứ đều biến mất ngay tại điểm mà ta nhận diện nó, thiền giả biết rằng chẳng có gì thường hằng. Sự hiểu biết về bản chất vô thường của mọi vật là aniccanupassana-ñana, sự hiểu biết có chánh niệm về vô thường. Thiền giả nhận biết rằng trạng thái của mọi vật luôn thay đổi và là phiền não, và không nên ham thích. Đây là dukkhanupassana-ñana, tuệ chiêm niệm về đau khổ. Khi đau khổ, có nhiều cảm giác đau đớn, thân và tâm phức tạp được xem như là rất nhiều đau khổ. Đây cũng là tuệ chiêm niệm về khổ. Nhận thấy rằng các yếu tố vật chất và tinh thần không bao giờ đúng theo mong muốn của ta, nhưng chúng xuất hiện theo bản chất tự nhiên và sự điều kiện hóa của riêng chúng. Trong khi tham dự vào việc ghi nhận các tiến trình, thiền giả hiểu rằng tất cả các tiến trình này không thể bị điều khiển và chúng không phải là con người, hoặc một thực thể sống động hoặc một bản ngã. Đây là anattanupassana-ñana, tuệ chiêm niệm về vô ngã.Khi ta phát triển hoàn toàn tuệ về vô thường, khổ và vô ngã, ta có thể đạt được Niết Bàn. Từ xa xưa, các vị Phật, A-la-hán và các vị thánh thiện (Ariyas) đã đạt được Niết Bàn qua phương pháp thiền minh sát. Đây là đại đạo, đạt đến Niết Bàn. Thiền Vipassana (minh sát tuệ) bao gồm bốn satipatthana, các áp dụng cho chánh niệm, và satipatthana thực sự là đường đưa đến Niết Bàn.Các thiền giả áp dụng phương cách thực tập này cần nên nhớ rằng họ đang đi trên con đường mà các vị Phật, A-la-hán và các vị thánh thiện đã đi qua. Cơ hội này dành cho họ rõ ràng là vì parami (ba-la-mật), nghĩa là, những nỗ lực trước đó của họ trong việc tìm kiếm và mong muốn đạt đạo, cũng như những điều kiện chín muồi trong hiện tại. Họ cần phải vui mừng trong lòng vì có được cơ hội này. Họ cần phải an tâm rằng khi đi trên con đường này không dao động, họ sẽ đạt được kinh nghiệm cá nhân về sự tập trung và trí tuệ sẽ được phát triển cao tột, cũng như các vị Phật, A-la-hán và các vị thánh thiện đã đạt được. Họ sẽ phát triển trạng thái tinh khiết về sự tập trung mà trong cuộc sống trước đó họ chẳng bao giờ biết đến, và do đó họ hưởng thụ được các lạc thú trong sạch như là quả của sự tập trung cao độ. Do đó các thiền giả cần quyết tâm tiến hành thực tập sự chiêm niệm với tín tâm, tin tưởng rằng nó chắc chắn sẽ đưa đến sự phát triển đạo quả thánh thiện và đạt đến Niết Bàn. Họ sẽ được giải thoát khỏi các quan điểm sai lầm về ngã và rời bỏ sự nghi ngờ tâm linh, và họ sẽ không còn trôi nổi trong vòng luân hồi, tái sinh vào những cõi địa ngục, súc sinh, và ngạ quỷ.Nguyện cho tất cả các thiền giả nỗ lực được thành công.
Đôi Điều Về Tác Giả