iếng đồng hồ kêu rộn rã lại gây gắt ngân nga. Tôi chợt bừng tỉnh dậy. Làm gì có đồng hồ ré đâu. Tối hôm qua tôi quên bật nút báo thức. Mấy giờ rồi? Bảy giờ. Không xong, tôi phóng ra khỏi giường, đẩy đứa em ra khỏi phòng tắm, rửa mặt qua loa, xúc miệng vội vã, khoác quần áo hấp tấp. Coi kỹ còn nút nào quên cài hay không, trời lạnh để cửa sổ mở không tốt đâu. Tôi vác túi xách lên lưng, không phải lo, mọi thứ đều còn trong đó, kể cả ống nghe, búa phản xạ và vài thứ lặt vặt. Cứ yên tâm, mọi thứ đều không bị thay đổi từ tối hôm qua, dĩ nhiên phải còn ở đó. Có tiếng vợ dặn dò phải cẩn thận. Tôi chạy vội ra xe. Trời lạnh, tuyết ngưng rơi hồi khuya còn đóng một lớp dầy cả tấc. Phiền quá, đã bảy giờ mười lăm. Cào tuyết nhanh lên. Cây cào bỏ đâu rồi? Đôi găng cũng mất biến. Mở cửa ném túi xách vào xe, tôi nghiêng người vô nổ máy xe cho ấm. Đành phải dùng đôi tay trần trụi thôi, lạnh cóng nhưng không đến nỗi tê liệt đâu. Tôi lùi xe sau, đi một vòng thật gắt. Tuyết mới ngưng rơi, đường chưa đóng đá được, cũng may. Tôi cho xe chạy ra ngõ sau tránh cái dốc ở đầu ngõ, bị kẹt trong đám tuyết giờ này là tàn đời. Chiếc xe lao đi gấp gáp như lòng chủ nó nhảy nhổm không yên. Tôi lòn tay vào trong túi xách bật beeper lên. Bảy giờ hai mươi rồi, không biết đã có ai «page» tôi chưa? Đường còn trống, tuyết đã bị xe ủi ra hai bên. Vài hạt muối còn rải rác trên đường. Tôi tăng tốc độ, nhưng xem chừng có chiếc xe chớp đèn nào chung quanh không. Tăng nhiệt, bật cây gạt nước phía trước, tôi cho xe chạy nhanh hơn cố nuốt quãng đường với khoảng thời gian nhanh nhất cho phép. Chiếc xe quẹo vào bãi đậu. Tôi rút cái thẻ vào cổng ra, lại bỏ xuống, không cần nó nữa, chạy luôn vào lối ra để rút ngắn thời giờ. Chiếc xe ngừng lại tức tối, tiếng máy xe tắt bực bội. Tôi nắm túi xách khoác lên lưng. Ngoái lại một lần, đèn xe đã tắt rồi. Tôi cắm đầu chạy về phía bệnh viện. Bảy giờ bốn mươi, tôi vẫy tay chào người an ninh gác cửa, chạy vội lên cầu thang chân. Chạy ba lầu vẫn nhanh hơn thang máy. Tim tôi bắt đầu đập mạnh, chẳng biết có bệnh nào ra đi tối hôm qua hay có tên nào lên săn sóc đặc biệt dưỡng sức hay không? Tiếng beeper chợt ré lên gay gắt: «Dr. Tran, Dr. Tran, Dr. Tran, call MICU, call MICU». Thôi rồi, có lẽ ông già William bị đứng tim trong đêm qua. Tôi mở tung cửa đi vội vã về lầu Three E North. Tiếng beeper lại kêu: «Dr. Tran, Dr. Tran, call 4141, call 4141, call 4141.» Tôi không lạ gì tiếng Tom, tên resident năm thứ hai. Không hiểu sao hôm nay nó lại vào sớm như vậy. Tôi vừa đi, vừa chạy về phòng trực của trại, mắt liếc vào các giường bệnh. Tim tôi bắt đầu nhảy loạn lên. Mot, hai, rồi đến ba giường trống. Không lẽ họ chết cả rồi sao, tôi lẩm bẩm. Tấp ngay vào phòng y tá trực trả lời tên Tom trước. Tiếng Tom ở bên kia đầu giây, rất gấp, ông William bị đứng tim đêm qua, hiện đang ở trên MICU, tao lên đó trước, mầy đến lo cho ông Musgrove đang bị khó thở và ông Daniel đang bị đau ngực. Quả nhiên hắn khôn thật, ông William dù gì đã ở trên trại săn sóc đặc biệt (MICU) rồi, hắn chỉ thảo luận với bọn kia thôi. Nhưng tôi phải vâng dạ, vì không có thì giờ để bàn luận nữa. Tôi gác điện thoại bước nhanh ra cửa, suýt chút nữa đụng phải Linda, cô học trò y khoa năm thứ ba, đang bước ra khỏi phòng chứa dụng cụ. Linda lắc đầu hất mái tóc vàng óng ánh ra phía sau. Cô có khuôn mặt thon dài. Cánh mũi cao, đôi mắt xanh biếc và đôi môi hồng tự nhiên. Thân hình cô cân đối trong chiếc áo rộng và quần jean bó sát. Cô chào tôi và nhanh miệng hỏi phải làm gì. Tôi đáp, tôi đến phòng ông Daniel trước, cô mang máy đo tim (ECG) và dưỡng khí đến sau dùm. Ông Daniel đang ngồi dựa vào đầu giường, tay ôm ngực, mặt tái xanh, lấm tấm mồ hôi. Một bà y tá đang đứng bên giường. Tôi hỏi, bà đã để một viên Nitroglycerin dưới lưỡi chưa? Dạ xong rồi. Thế nào? Dạ, ông ấy cảm thấy đỡ hơn. Ông ta bị lúc nào? Mới mười phút vừa rồi. Chị đã lấy mạch và huyết áp chưa? Dạ, 120/70 và 78. Đường nước vào mạch đã có rồi. Bà cho dưỡng khí một lít một phút. Trong khi người y tá gắn đường giây trên tường. Tôi nghe tim phổi ông Daniel, hỏi diễn tiến cơn đau. Linda mang máy ECG lại, tôi bảo bà y tá lấy dùm hai ly nước và hai bộ «gas» để lấy máu từ động mạch. Bây giờ tôi đến gặp ông Musgrove, cô chạy ECG cho ông Daniel xong sang gặp tôi, có thể mình cần hai cái «blood gas». Cô chuẩn bị hai giây hội chẩn cho khu tim và khu phối. Linda vâng dạ đẩy máy ECG đến bên giường ông Daniel. Tôi bước ra hành lang, bà y tá trưởng trại đang đi lai. Tôi hỏi, đêm qua có chuyện gì xảy ra không? Bà đáp, chỉ có ông William lên MICU. Còn hai giường trống nữa, tôi hỏi. Dưới CT Scan gọi ông King từ sớm, còn ông Ray được chuyển xuống phòng cuối. Mình cho ong Ray ở phòng riêng sao? Dạ, bên nhiễm vừa cho biết đàm ông Ray bị lao. Tôi đi vội về cuối hành lang. Ông Musgrove khoảng sáu mươi tuổi, là một tay ghiền thuốc nặng hơn bốn mươi năm, nhập viện ngày hôm qua với bệnh cảnh táo bón kinh niên, thỉnh thoảng ho và khó thở. Kết quả thử máu về cho biết bạch cầu tăng với calcium cao. Tôi dự đoán có thể ông bị ung thư phổi với loại «squamous cells» không chừng. Quả nhiên phim quang tuyến ngực cho thấy vùng trung tâm gần cuống phổi có một khối trắng ở bên trái. Bây giờ ông chờ phim ngực CT Scan. Tôi đi vào phòng. Ông Musgrove đang ngồi vừa họ vừa thở hổn hển. Tôi máng lại dây dưỡng khí vào mũi ông. Tôi nghe tim phổi ông, và hỏi gấp diễn tiến bệnh. Không có gì đáng ngại lắm. Ông chỉ bị cơn khó thở như mọi khi, nhưng đằng nào cũng cần một «blood gas» mới. Bọn bên phổi chắc phải soi phổi cho ông, thiếu «gas» họ nhằn đến lũng màng nhĩ. Linda tất tả chạy vào cầm cuộn giấy ECG đưa cho tôi. Mặt cô có vẻ lo lắng lắm. Cô chưa thể đọc được ECG nên tâm thần bất ổn không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Tôi hỏi, ông Daniel còn đau lúc cô chạy ECG không? Linda nhìn tôi có vẻ lo sợ, tôi không biết. Tôi nói, cô gởi giấy hội chẩn qua khu tim ngay, ông Daniel bị đau ngực trong lúc đang nằm trên giường, thế nào họ cũng mang ông đi soi tim. Tôi xem ECG, không có dấu hiệu thay đổi của một cơn «heart attack» trên giấy. Tôi bảo Linda, có lẽ không cần «gas» cho ông Musgrove. Tôi «page» cho Tom báo cáo sự việc cho hắn. Cô đem «gas» đi, ghi số beeper của tôi trên đó, gửi hai giấy hội chẩn rồi gặp tôi ở phòng một để đi «round». Linda vâng dạ vừa đi vừa chạy. Tôi vào phòng y tá gọi Tom báo cho hắn biết qua mọi việc rồi gọi người bác sĩ trực hôm qua đã «cover» cho khu tôi để hỏi tình hình trong đêm qua, xong đọc lại mười hồ sơ bệnh của tôi hiện nằm trong trại. Thật khó lòng giải quyết bệnh cho họ xuất viện được, mười người đã đến sáu thuộc loại kinh niên. Khó nhất là ông Soyer, đang nằm ở cuối trại, ông bị ung thư đoạn ruột thập nhị chỉ tràng. Ông chỉ mới năm mươi lăm tuổi nhưng trông già như tám mươi. Người ta đã cắt bỏ đoạn ruột của ông rồi. Gần đây ông bị đau bụng và đi cầu ra phân đen. Tình trạng của ông quá kiệt quệ, suy nhược toàn bộ thể xác và tinh thần. Ông không còn đủ tinh anh để phán xét vấn đề hay trả lời câu hỏi của người khác. Nhưng vấn để khó chưa phải ở căn bệnh của ông mà chính là bà Soyer, người vợ quyết định mọi việc cho ông. Chỉ trong vòng hai tháng ông đã ra vào bệnh viện đến ba lần. Chúng tôi không hiểu bà suy nghĩ như thế nào, bà đã nhiều lần ký giấy xuất viện bất chấp kế hoạch trị liệu đang tiến hành cho ông. Thật mệt, tôi không muốn suy nghĩ thêm về dự tính của người đàn bà ấy. Tôi đi về phòng một ở đầu trại, Linda đang chờ ở đó. Cô nói mọi việc xong rồi, đây là kết quả «blood gas». Cô chìa mảnh giấy nhỏ cho tôi. Tôi hỏi, cô chờ lấy kết quả luôn à? Linda gật đầu, bây giờ phải làm sao? Tôi giảng giải cho cô về ý nghĩa của các con số, bây giờ giữ lượng dưỡng khí như vậy, không thay đổi gì cả. Cô mím môi đồng ý. Tôi biết cô không hiểu được vấn đề. Nhưng không sao, con đường chông gai còn dài mà. Chúng tôi đi theo từng giường bệnh, ghi nhận huyết áp, mạch, nhiệt độ, lượng nước vào ra, cân nặng, hỏi thăm chuyển biến bệnh trạng, giải thích kế hoạch điều trị cho từng người. Linda hỏi, đã có bệnh mới vào chưa? Rồi, bệnh đầu tiên đã vào lúc nãy. Chừng nào chúng ta nhận bệnh, cô hỏi. Lần tới, chúng ta ở thứ tự số hai trong danh sách bốn nhóm. Tôi sẽ nhận bệnh sắp tới, được không? Được chứ, cô đã xong mấy cái bệnh án rồi? Bảy xong hoàn toàn. Mỗi cái dài bao nhiêu trang? Chỉ có hai mươi lăm trang thôi. Tôi nhìn cô vừa có vẻ dò hỏi vừa có vẻ giả vờ ngạc nhiên. Linda nghiêng đầu cười giả lả. Mấy tên kia viết dài lắm, có đứa viết đến ba mươi trang. Tôi không lạ gì đám này, họ viết một bệnh án tràng gian đại hải, đọc một buổi mới xong không biết họ muốn nói gì và cũng chẳng biết người bệnh bị cái thứ gì. Nhưng bác sĩ hướng dẫn có vẻ hài lòng về những bài viết thật dài, thật cẩn thận và ngăn nắp. Tôi biết họ chẳng có thời giờ đọc, họ có đến mười lăm tên học trò, mỗi tên viết mười lăm bệnh án, mỗi cái dài ba mươi trang. Nếu đọc đủ và cho hết chắc họ tự vận chết sướng hơn. Nhưng bác sĩ hướng dẫn phê bình gắt gao lắm. Tôi biết họ chỉ lấy một trong mười lăm bài rồi đem ra mổ xẻ. Học trò mất cả hồn vía thiếu điều bị «heart attack» non cả đám. Nhưng dù sao cũng còn hơn kiểu làm việc thả hoc trò đi rong bệnh viện, ký tên vào sổ hiện diện rồi chuồn mất. Linda lúng túng đi theo tôi, trên cổ có gắn cái ống nghe, túi áo trên để đèn soi mắt, thước đo ECG, một xấp thẻ giấy cứng, hai túi dưới một bên để đèn soi mắt tai mũi họng, một bên nhét cuốn sách dày cộm. Cô lại cầm trên tay cái kẹp với một xấp giấy dày nặng trĩu. Tôi tìm cái xe đẩy hồ sơ, bảo Linda «page» Tom cho hắn biết chúng ta đã sẵn sàng. Năm phút sau Tom xuất hiện ở cuối hành lang vội vã đi tới. Hắn cho tôi biết sơ tình hình của ông William trên MICU làm như từ sáng giờ hắn bận túi bụi ở đó. Nhưng mỡ còn đóng trên môi hắn cho tôi biết là có lẽ hắn vừa làm xong một cái «double cheeseburger» ở dưới nhà ăn và một ly Coke, xong giả vờ chạy đến. Cái kiểu thượng đội hạ đạp và nói láo giật công trong «morning round» không còn lạ lùng gì trong lề lối làm việc của bọn chúng. Có ít thằng tốt, còn phần lớn là lười biếng nhớt thây, nhất là khi chúng được lên resident năm thứ hai. Miệng lưỡi chúng nói trơn như mỡ. Lần này cũng như mọi ngày hắn bắt đầu với màn kiểm điểm trước. Tôi bị hắn nói ngay vụ đi trễ sáng nay, sau đó theo dõi thử nghiệm không sát, báo cáo không kịp thời. Linda bị kê khai một số tội, hắn chẳng nhân nhượng phụ nữ chút nào, cô phạm lỗi rút máu thử nghiệm không rành, viết hồ sơ cẩu thả, theo đuôi người khác không có sáng kiến. Bọn tôi gật gù không nói gì, đành phải nín thở qua sông cho rồi, cự lại nó chỉ sanh ra phiền não thôi. Xong phần kiểm điểm bọn tôi hắn giải thích trước lý do hắn vắng mặt trong vài giờ qua, bận giúp các toán khác chọc nước tủy sống và chọc nước màng phổi. Hắn lại hỏi sẵn sàng cho «round» chưa? Linda gật đầu. Tội nghiệp cô, làm thân em út thường bị mọi người ăn hiếp. Như thường lệ «round» chỉ diễn ra khoảng hai mươi phút. Tom hạch hỏi đủ điều, ra lệnh không ngừng nghỉ. Khi «round» chấm dứt, chúng tôi lãnh một danh sách dày cả trang đủ thứ công việc phải làm. Linda nhìn tôi mặt sầu thảm muốn khóc. Cô biết trong số việc đó có gần phân nữa là của cô rồi. Chúng tôi chưa kịp thở thì bác sĩ hướng dẫn đang lừ đừ đi lại từ phía cuối hành lang. Một «round» khác lại bắt đầu. Hai giờ đi «round» với bác sĩ hướng dẫn thật là một cực hình. Ông chuyên về dinh dưỡng, làm việc trong bệnh viện nhiều năm, nên chỉ nhớ phần chuyên môn của mình thôi. Ngoài ra ông quên hết rồi. Hầu hết mọi việc ông đều đồng ý với residents tại chỗ. «Morning round» với bác sĩ hướng dẫn vừa xong, chúng tôi lãnh ngay một bệnh mới từ phòng cấp cứu. Tom cho tôi biết ngắn gọn, một tên bị tiểu đường chỉ lo uống rượu mà quên dùng thuốc đã ba ngày đang nằm dưới cấp cứu. Hắn bảo tôi và Linda có mười phút ăn, còn hắn xuống dưới phòng đó trước. Lần nào cũng vậy, Tom xuống trước xem hồ sơ, hỏi bệnh, chuẩn bị một số công việc cho bọn tôi làm. Hắn có quyển sách nhỏ trong túi áo cứ mở ra xem, rồi theo đó ra lệnh cho người khác làm. Phần lớn các việc hắn yêu cầu làm đều bình thường và không cần thiết. Linda hỏi tôi cần gì không, cô sẽ chạy xuống câu lạc bộ. Tôi nói, đừng vào trong, cô không đủ thì giờ đâu. Cứ bỏ tiến vào máy lấy một lon Coke hay 7-up và bánh ngọt được rồi. Linda vội vã chạy đi. Bây giờ trong khi người khác nghĩ ngơi thì bọn tôi bắt đầu chạy như điên cuồng để giải quyết số công việc đầy ắp trước mặt. Ngồi xuống ghi lại công việc theo thứ tự phải làm, chia bớt một số cho Linda nhưng không hy vọng cô làm được nhiều trong ngày hôm nay. Mỗi khi cô ôm một bệnh mới, hỏi bệnh sử, làm bệnh án là mất đến mấy tiếng đồng hồ. Cô cứ theo giáo khoa thư hỏi từng kẻ tơ sợi tóc, hỏi hết cá nhân đến cha mẹ, con cái, dòng họ. Khi khám bệnh cô tẩn mẫn từng móng tay móng chân. Cuối cùng sau ba tiếng đồng hồ, cô chẳng biết người bệnh bị thứ gì và phải làm sao. Việc đầu tiên phải bấm computer lấy toàn bộ kết quả thử nghiệm của bệnh nhân. Lại thêm một số việc khác phải làm khi các con số bất bình thường trở về. Có khi chỉ một con số potassium quá cao mất vài tiếng đồng hồ là chuyện thường. Sau một thoáng ăn trưa nhanh và gấp như bị ma đuổi, chúng tôi phải chạy xuống phòng cấp cứu. Bệnh nhân là một người da đen ba mươi sáu tuổi bị bệnh tiểu đường đã nhiều năm, lại nghiện rượu nặng, thuốc hết cả bốn ngày mà chẳng thèm quan tâm đến. Hắn vào bệnh viện với bệnh trạng chóng mặt, ói mửa, đường trong máu lên cao đến tám trăm, với nhiều ketone trong máu và nước tiểu. Chúng tôi đang hỏi bệnh và ký nhận bệnh vào trại thì beeper lại reo lên. Tôi nhắc điện thoại trả lời, được biết bà Joyer vợ của ông bệnh xấu số kia đã vào và muốn thảo luận với bác sĩ trong trại. Tôi bàn với Tom, tạm thời bệnh mới chưa có gì, giao hắn cho Linda trông chừng. Tôi dặn Linda, trong khi hỏi bệnh cứ mỗi giờ cô phải làm một lượt «SMA9» và «blood gas», được kết quả «page» cho tôi biết, nhớ ghi lượng nước ra vào và liều lượng thuốc cho theo từng giờ. Linda vâng dạ, nói sẽ làm theo. Tôi rời phòng cấp cứu chạy trở lên trại. Bà Joyer chờ trong phòng. Trên giường ông chồng xấu số đang nằm thở thoi thóp. Ông Joyer đã vào đây một tuần lễ, tiền căn ung thư thập nhị chỉ tràng đã bị cắt bỏ từ năm trước, bây giờ đau bụng và đi cầu ra phân đen, ông không thể ăn uống gì được. Nhưng bà Joyer không chịu đồng ý cho bên khu tiêu hóa soi bao tử, ruột và làm thử nghiệm tế bào nếu có ung thư tái phát. Mỗi ngày chúng tôi phải nói chuyện với bà nhưng mãi đến bốn ngày sau bà mới chịu ký đồng ý cho phép. Ông Joyer càng lúc càng yếu dần. Kết quả soi bao tử và thập nhị chỉ tràng cho thấy bướu tái phát và kết quả thí nghiệm tế bào cho biết đó là ung thư. Trong «morning round» sáng nay chúng tôi đã bàn nên đặt ông Joyer trong tình trạng «no code», tức là nếu có biến chuyển xấu xảy ra thì để ông ra đi trong yên lặng. Tôi là người được chỉ định nói với bà Joyer về điều đó. Bây giờ là lúc tôi phải báo cho bà biết kết quả thử nghiệm tế bào và vấn đề «no code». Bà Joyer còn trẻ khoảng bốn mươi, dáng cao lớn, mặt tròn, càm bành, vai ngang, chân mày kẻ ngược, má môi thoa son phấn loè loẹt. Thấy tôi vào bà bắt tay hỏi kết quả của nhà tôi thế nào? Tôi đáp, như bà đã biết khi soi ruột chúng tôi đã thấy bướu tái phát. Bà gạt ngang, tôi biết rồi, còn... Kết quả thử nghiệm về trưa này cho biết chắc chắn đó là ung thư. Bà hỏi, bây giờ có thể cắt bỏ được không? Cắt bỏ bướu ung thư thì có thể được, nhưng không đạt được kết quả khả quan gì cả. Tại sao vậy? Ung thư tái phát ngay tại chỗ cũ và đã xâm lấn quá nhiều đến các cơ quan lân cận. Bà Joyer càu nhàu, vấn đề đó các ông làm việc quá chậm thôi. Bà biết rằng ông nhập viện đuoc bảy ngày, ngay ngày đầu chúng tôi đã yêu cầu bà ký giấy để tiến hành việc điều trị cho ông nhưng bà không chịu. Chờ đến bốn ngày sau. Ông nên biết rằng tôi phải cần đem giấy tờ ấy về thảo luận với luật sự của tôi. Nhưng bà phải biết rằng việc điều trị cần phải tiến hành gấp không thể chờ đợi được. Tôi chưa cần biết điều đó, việc quan trọng là luật sư tôi phải biết công việc đó làm gì và có cần thiết hay không? Nếu không cần thiết thì chúng tôi đã không nài nỉ bà ký nhận đồng ý và bà nhớ là đã ba lần trước bà cương quyết mang chồng bà về và không cho chúng tôi làm gì cả, đây là lần thứ tư ông nhập viện với tình trạng quá nặng rồi. Vậy ông nói là tôi cố ý giết chồng tôi? Tôi không nói như vậy, tôi chỉ nói việc điều trị phải đúng lúc kịp thời mới có hy vọng có kết quả tốt. Ông có biết rằng tôi có thể kiện các ông được, luật sư tôi sẵn sàng để làm việc đó rồi. Bà có thể kiện bất cứ ai, đó là quyền của bà. Nhưng bà nên nhớ rằng chúng tôi cũng có quyền kiện ngược lại. Ông hăm dọa tôi phải không? Báo cho ông biết, không những tôi kiện các ông mà còn kiện bệnh viện đã cắt bỏ ruột của chồng tôi trong năm trước. Bà Joyer giận dữ đá cái thùng rác gần chân tường rồi bỏ đi về phía cửa sổ. Tôi thấy tình hình gây cấn quá không thể nói với bà vụ «no code» được. Nói ra có khác nào chế dầu vào lửa, bà la lối om sòm lên phiền phức cho cả bệnh viện. Tôi lấy điện thoại «page» Tom, báo cho hắn biết tự sự. Tom hằn học trách móc bà Joyer không tiếc lời. Hẳn hỏi số điện thoại rồi bảo tôi chờ để hắn gọi bác sĩ hướng dẫn. Một lúc sau Tom gọi lại cho biết bác sĩ hướng dẫn bảo phải tiến tới với bất cứ giá nào, không thể gọi «code blue» cho một ông già bị ung thư ở thời kỳ cuối không hy vọng gì cứu chữa được. Tôi cho hắn biết bà Joyer sẵn sàng la lên bất cứ lúc nào. Tom đáp, để tao lãnh vụ này cho. Tốt. Khoảng năm phút sau có tiếng chân nặng nề trên hành lang đang đi lại gần. Tom đi vào hỏi nhỏ, bà ấy đâu? Tôi đưa mắt về phía cửa sổ. Được, tao lo việc này. Tôi hỏi, tao đi lo việc khác được không? Ừ, mày đi xem chừng bệnh mới, không thể thả lỏng cho cô bé Linda được, nhớ làm cho xong những gì tao dặn lúc sáng. Tao nhớ rõ, sẽ làm xong chiều nay mà. Bệnh mới đã được đưa vào phòng số mười. Linda đã rút được một ống máu, thấy tôi vào cô cong môi khoe ngay thành tích. Tôi gật đầu, cô làm tốt lắm, thế còn «blood gas» đâu? Linda bị hỏi khựng lại, cô nói giả lả, tôi mới làm xong ống máu này mà. Nói xong cô tất tả chạy đi lấy nước đá và các thứ cần thiết. Tôi vội hỏi bệnh sử, khám bệnh, viết hồ sơ nhập bệnh và làm bảng theo dõi chi tiết cho Linda. Cô lúi cúi lấy «blood gas», kim đâm sâu vào động mạch làm người bệnh nhăn nhó cựa quậy. Tôi hỏi thế nào, có cần tôi giúp không? Linda đáp, tôi đã lấy «blood gas» nhiều lần rồi. Vậy được, có gì «page» tôi, bây giờ cô theo dõi mọi chi tiết ghi vào bảng này, tôi đưa số một xuống CT Scan và số ba xuống «Radiation». Khi cô xong mang «blood gas», ống máu, rồi đẩy số bảy theo, lên bỏ «blood gas» trước, đem ông ta xuống quang tuyến và tiện đường thảy ống máu vào phòng thí nghiệm, nhớ để «stat» nghe không? Dạ, tôi biết. Còn số chín để tôi qua bên «rehab» lấy cái «walker» cho ông ấy luôn, cô khỏi đi. Dạ, cám ơn. Xong việc mình gặp nhau trong phòng trực, nếu tôi xong trước sẽ ngồi đó viết hồ sơ xuất viện và toa thuốc cho số tám, nếu cô xong trước nhớ thay băng cho số hai rồi trở lại gặp tôi. Dạ nhớ. Tôi đi đây. Tôi trở về phòng trực. Beeper lại réo lên. Tôi nhấc điện thoại. Tiếng Tom bên kia đầu dây, thêm bệnh mới cho mày đây. Một tên ói mửa ra máu. Tao đang ở dưới phòng cấp cứu, sắp xếp công việc xuống ngay. Được rồi, tao xuống liền. Linda đè ngực vừa thở hồng hộc vừa chạy làm bộ ngực cô căng dồn dập dưới làn vải mỏng. Cô nói, mọi việc xong rồi, tôi phải làm gì nữa? Thêm bệnh mới dưới cấp cứu, tôi phải chạy xuống dưới đó. Có ở trên này, thay băng cho số hai, «page» bên ngoại khoa đến xem vết lở dưới mông, theo dõi chi tiết của số mười, mỗi giờ ghi kết quả vào bảng tôi đã đưa cho cô. Cứ gắn nó vào đầu giường. Dạ nhớ. Linda chạy đi. Khoan đã, «page» khu tim và phổi nói mình đã bỏ giấy hội chẩn sáng nay cần họ xem bệnh gấp, «page» bên nhiễm nói đã chuyển bệnh lao về cuối trại, phòng hai mươi, nói họ cho ý kiến chiều nay. Còn gì nữa không? Hết rồi, «page» tôi mỗi giờ để xem có gì mới xảy ra không? Tôi chạy xuống phòng cấp cứu, «ói ra máu» là một người bệnh da đen bóng, đám y tá và bác sĩ chịu chết không lấy được mạch máu để đặt đường nước biển. Họ chỉ mới đặt được ống thông bao tử, phen này chắc tôi mệt đến tắt thở rồi. Bác sĩ hướng dẫn dưới cấp cứu ra lệnh chuyển «ói ra máu» lên trại liền, đường nước biển sẽ giải quyết trên đó, quá nhiều bệnh vào ngày hôm nay, không còn đủ chỗ nữa. Tom nói, mày theo bệnh lên trại cố đặt cho được đường mạch. Tao sẽ lên sau. Hắn vừa nói vừa thở hồng hộc. Quả nhiên đúng như lời đồn, phiên trực ngày thứ hai lúc nào cũng đông bệnh, họ vào tới tấp như thác lũ, bốn toán trực trên trại nhận không xuể. Tom phải xem hai toán, mặc dù hắn không làm việc trực tiếp với bệnh nhưng số bệnh đông hắn phải chạy như con thoi lên xuống giữa trại và phòng cấp cứu. Tấm thần mập của hắn xem chắc không chịu nỗi lâu nữa. Tiếng beeper lại reo điếc tai. Tôi nhấc điện thoại. Giọng Linda từ bên kia đầu dây, số năm vừa mới té ra khỏi giường. Có việc gì không? Có lẽ ông ta bị gẫy tay rồi. Cái gì, nói lại tôi nghe xem? Chắc ông ấy bị gẫy tay. Linda nói. Làm sao té được? Chính tôi cột số năm hồi sáng lại kỹ lắm mà. Họ nói ông ấy tự tháo dây ra với tay lấy mắt kiếng trên bàn, mất thăng bằng ngã lăn xuống đất. Thôi được, tôi lên ngay. Tôi quay lại nhìn Tom, mày biết cái gì mới xảy ra không? Hắn nhìn tôi, lắc đầu chờ đợi. Số năm té gẫy tay. Tom đập tay lên bàn, buột ra một tiếng chưởi thề. Hắn nói, đằng nào mày cũng lên đó, liệu việc nào gấp làm trước. Tôi bảo người y tá đẩy bệnh lên lầu Three E-North, tôi gặp anh trên đó. Mọi người đang xúm xít trong phòng, số năm đã được đỡ lên giường, đau rên hừ hừ. Tôi kiểm soát lại, không nặng lắm, gẫy kín không có tổn hại đến thần kinh và mạch máu. Tôi nói, để yên ông ta ở đó, cho một mũi giảm đau, «page» portable quang tuyến «stat» mau. Linda chạy đi, tôi dặn vói theo, xong trở lại số mười, ở đó làm theo lời dặn, tôi ở bên số bốn với bệnh mới, có gì chạy sang tìm tôi. Da số bốn đen bóng, thân thể nặng nề đầy mỡ không thể tìm được mạch máu, hắn mệt lã nằm nghẽo đầu sang một bên. Ống thông bao tử đã được nối vào máy hút, nước lẫn chất đen bị hút từ đó ra từng chập. Tôi đâm mấy phát vào hai bên tay nhưng kim không vào mạch được. Dưới chân hắn còn tệ hơn nữa, tôi không thể tìm thấy mạch máu nào cả. Tôi đành phải gọi cho Tom báo cho hắn biết tình hình. Mầy đã cố nhiều lần mà không lấy được à? Thử dưới chân chưa? Không hy vọng gì hết, tôi nói, bây giờ tao phải chổng đầu hắn thấp xuống, đâm vào mạch cổ. Mầy liệu làm được không? Tôi đáp, tao đã làm nhiều lần rồi. Tốt, nếu vậy cứ làm đi nhưng nhớ gọi Linda đến phụ và chỉ cho cô ấy biết, lỡ khi không có ai nó lấy «tourniquet» quấn quanh cổ người bệnh thì khốn khổ cả đám. Tôi cười, vừa thôi Tom, Linda đâu ngu đến như vậy. Biết đâu được, à, tao đã nói với mụ Joyer rồi. Thế nào? Thật điên không thể chịu được. Mụ vẫn muốn «code» cho ông chồng, mụ không những chưởi tao còn đòi lên gặp bố già giám đốc nữa. Còn gì nữa không? Hết, mầy đi lo việc của mầy đi, giải quyết hết trên trại, khi nào không xong mới gọi tao. Dưới cấp cứu thế nào? Vẫn còn đông, Tom nói. Tôi gọi Linda sang phụ giữ đầu số bốn sang một bên, quay đầu giường xuống thấp, cuối cùng đường mạch cũng lấy được. Tôi nói, trong khi theo dõi số mười cô viết giấy hội chẩn cho bên tiêu hóa và «page» cho họ biết liền, xong viết xin bốn bịt máu, hai «type and match» dùng ngay và hai «type and hold» để dùng trong đêm. Linda đáp, tôi làm ngay. Đã có kết quả của số mười chưa? Xong rồi, tôi có ghi kết quả ra đây. Linda đưa mảnh giấy cho tôi coi. Đường xuống nhanh quá không được, cô hạ xuống còn hai mươi giọt một phút thôi, nhớ rút máu thử mỗi giờ, có kết quả cho tôi biết liền. Linda đáp, tôi sẽ làm đúng y như vậy, còn gì nữa không? Hết rồi, tôi đi đây. Ờ! Tiếng beeper lại réo lên, có người «page» tôi từ phòng y tá trực. Chuyện gì xảy ra trong trại đây, tôi đi nhanh về phía đó. Người y tá nói gấp, ông Joyer không xong rồi. Việc gì vậy? Huyết áp tuột, mạch tăng, mồ hôi đầy mặt, ông ta tím tái rồi. Tôi vừa chạy vừa nói, goi Dr. Tom Brown, mang xe để dụng cụ cấp cứu cho tôi. Linda, nếu không có gì hết ở số mười theo tôi qua phòng ông Joyer ngay. Tôi chạy ngay vào phòng. Ông Joyer đang được người y tá đo huyết áp và mạch. Da mặt ông tái mét, mồ hôi lấm tấm, thở hổn hển như muốn đứt hơi. Tôi nghe tim và phổi ông. Người y tá đưa mắt nhìn ngụ ý phải làm gì? Mở đường nước và mạch tối đa, tiếp tục hút nước bao tử, gọi gấp portable quang tuyến cho ngực và bụng, «page» MICU ngay. Linda dạ. Đặt thêm một đường nước ở tay bên kia, tôi lấy «blood gas» liền, cho dưỡng khí sáu lít một phút qua «mask». Mấy người y tá nhận lệnh hấp tấp chạy đi. Tom tất tả chạy vào, tôi vừa làm vừa báo cáo tình hình. Hắn hỏi gọi MICU chưa? Có người gọi rồi. Bà Joyer vẫn đứng ở đầu giường hỏi, mấy ông định làm gì chồng tôi? Tom đáp, tình trạng của ông Joyer quá nặng rồi, vì bà vẫn giữ «code» chúng tôi sẽ chuyển ông lên trại MICU. Nhưng tôi không muốn chuyển ông nhà tôi lên đó. Bà phải biết rằng ở trại bình thường chúng tôi không thể giữ bịnh nặng như vậy được. Nhưng tôi muốn chồng tôi ở đây. Tại sao bà muốn giữ chồng bà ở trại thường không đủ dụng cụ săn sóc và theo dõi bệnh được? Bà Joyer đáp, tôi không cần giải thích lý do. Nếu bà vẫn giữ ý định đó và không muốn giải thích lý do, chúng tôi sẽ mời bác sĩ hướng dẫn đến và toàn bộ «staff» sẽ quyết định trị liệu. Lúc đó chúng tôi không cần ý kiến bà nữa. Bà Joyer nhếch mép cười, tôi sẽ gọi luật sư của tôi can thiệp. Đó là quyền của bà, tôi không có ý kiến về việc này. Bây giờ cho tôi gặp giám đốc bệnh viện. Bà không thể gặp được ông bây giờ, bác sĩ hướng dẫn của tôi sẽ đến gặp bà. Tom quay lại nhìn người y tá như ý ra lệnh. Bà Joyer bỏ ra ngoài đi tìm điện thoại. Hai người bác sĩ từ trại săn sóc đặc biệt đi vào. Xe quang tuyến X đẩy tới. Linda đã đặt được đường mạch thứ hai. Tôi đưa ly nước đá có ống máu để làm «blood gas» cho cô. Bọn chúng tôi đi ra ngoài hành lang. Bác sĩ hướng dẫn đến. Chúng tôi thảo luận và quyết định chuyển ông Joyer lên MICU ngay. Mấy người y tá mang đầy đủ dụng cụ và dưỡng khí đến, họ tháo rời dường dây trong tường, đẩy cả chiếc giường ra ngoài hành lang. Bác sĩ hướng dẫn dặn dò, mọi người cứ tiến hành theo kế hoạch đã bàn, ông ta không thể qua khỏi đêm nay đâu. Nói xong ông đón đầu bà Joyer từ phía cuối hành lang đang đi lại. Ông nói, các anh trở về làm việc, chuyện này để tôi lo. Tôi lấy kết quả «blood gas» và phim quang tuyến X do Linda vừa mang về, rồi quơ kẹp hồ sơ vừa đi theo đám chuyển bệnh vừa viết phần chuyển trại. Linda chạy theo hỏi, còn phim quang tuyến X của số năm thì sao? Tôi cầm tấm phim giơ lên dưới ánh đèn, xương cánh tay trên gẫy hẳn rồi. Cô đưa phim này cho Tom, gọi bên chỉnh trực báo cho họ biết, phải chuyển số năm đi thôi. Rồi tôi phải làm gì nữa? Linda hỏi. Trở về số mười của cô, làm theo lời dặn của tôi lúc đầu. Linda vâng dạ chạy đi. Trên đường từ MICU trở về, tôi gặp đám bên chỉnh trực đang đứng trong hành lang. Họ muốn trị liệu gẫy xương tại chỗ chứ không chịu nhận bệnh về bên đó. Tom bị dưới phòng cấp cứu gọi xuống nhận bệnh mới, hắn phải bàn giao việc đấu lý này lại cho tôi. Bác sĩ hướng dẫn bên khu chỉnh trực đang soi phim dưới ánh đèn cắt nghĩa cho đám học trò đang bu quanh. Họ có vẻ không muốn bàn luận về vụ chuyển bệnh nữa. Tôi thấy tình hình không êm. Trận chiến này chênh lệch quá, bên tả lép vế thấy rõ. Tôi quay trở về hướng phòng ông Joyer. May thay bác sĩ hướng dẫn của tôi vẫn còn ở đó. Mụ Joyer không còn làm dữ nữa, có lẽ luật sự của mụ cảm thấy không thể ăn được trong vụ này. Mụ lấy giấy chậm nước mắt khóc sụt sùi. Tôi đành phải đứng chờ phía đầu hành lang. Mụ khóc cho ông chồng sắp chết hay khóc vì bỏ công bấy lâu nay chỉ làm chuyện dã tràng se cát? Mụ mang thân xác ông chồng và tìm sơ hở nếu có trong việc điều trị của chúng tôi để mong kiếm chác tiền bạc. Người luật sư chỉ tốn chút nước bọt chứ mụ đã phí công sức nhiều. Mụ tưởng có thể mang thân thể khốn khổ của ông chồng để làm một chuyện kinh doanh đen tối. Bây giờ mụ khóc, có lẽ tiếc rẻ nhiều hơn là hối hận hay xót thương? Bà Joyer đi về phía MICU. Bác sĩ hướng dẫn đi về phía tôi, ông đã thấy tôi chờ trong lúc ông nói chuyện. Tôi tường trình lại vấn để gẫy xương của số năm và cho biết ý kiến của «staff» tại chỗ. Ông hỏi, bên chỉnh trực đâu? Tôi chỉ tay về phía đám đông còn đang đứng bàn luận. Ông đi ngay về phía đó. Tốt, bây giờ trận đấu ngang sức rồi. Bên họ đông nhưng toàn là bọn lòng tong, tép riu như Linda thôi, chẳng có gì phải quan tâm. Cuộc thảo luận thật gay cấn và sôi nổi. Đám học trò dạt ra dựa vào vách chung quanh. Giữa đường đi, bây giờ chỉ còn hai bác sĩ hướng dẫn đang đấu nhau chí tử. Ông thầy của tôi quên nhiều về chuyên môn nhưng nổi tiếng là lì lợm, ra trận là quyết tử chứ không lùi. Cuối cùng bên chỉnh trực nhượng bộ và phải lấy bệnh đi nhưng với điều kiện vớt vát khi vấn đề ổn định sẽ trả bệnh lại. Không sao. Chịu nhận bệnh là biết điều rồi. Làm hồ sơ chuyển bệnh xong tôi cố bước về phòng số mười. Cũng may khá lâu rồi beeper không kêu. Tôi bấm thử, có tiếng kêu chứng tỏ pin còn tốt. Tôi mong nó đừng kêu nhưng nếu hết pin nó tắt thở thì mình cũng tàn đời sớm. Tôi đi vào phòng số mười. Linda đưa cho tôi bảng kết quả. Mức đường trong máu khi xuống khi lên, không xong rồi, đường nước và thuốc truyền vào mạch ở dưới cườm tay. Tôi hỏi, cô lấy máu ở khuỷu tay cùng bên phải không? Linda sợ hãi gật đầu. Tôi giơ hai tay lên chỉ có nước kêu trời. Tom mà biết được cô rút máu thử nghiệm cùng bên tay vô thuốc hắn sẽ bóp cổ cô lè lưỡi đến chết. Linda đứng yên lặng, đôi mắt ướt đẫm, cô hỏi bây giờ tôi phải làm sao? Tôi lắc đầu nhìn cô, rút máu tay bên kia ngay rồi trên đường đi xuống ăn chiều mình bỏ vào phòng thí nghiệm. Nhanh lên, chỉ có mười phút thôi. Trên đường chạy xuống nhà ăn, chúng tôi bỏ mẫu máu vào phòng thí nghiệm. Linda lo âu hỏi, ngày mai tôi phải nói sao trong «morning round»? Thế nào bác sĩ hướng dẫn cũng dũa cô thấu tới xương. Linda liếm đôi môi mọng đỏ lo sợ nói, đám học trò trong trại sẽ cười tôi, từ nay tôi phải trốn bọn nó. Đừng lo, tôi sẽ có cách giúp cô. Linda nắm bàn tay tôi siết chặt. Bàn tay cô mềm và mát lạnh. Cô lại nghiêng đầu hôn lên má tôi, khẽ nói, cám ơn anh. Chúng tôi đi vào hàng chờ lấy thức ăn. Linda lấy một cái khay đưa cho tôi. Thức ăn chắc vẫn như mọi khi, tôi chép miệng nói. Linda rầu rĩ nói, tôi không muốn ăn. Tôi nhìn cô, an ủi, cô có nhịn đói tới chết thì họ vẫn đem cô ra bàn mổ như thường. Biết vậy nhưng tôi không thấy đói. Tôi nói, cô ăn đi, tôi có cách giúp thật mà. Thật không? Tôi đâu có nói đùa để gạt cô đâu, dù gì chuyện đã xảy ra rồi, thôi đừng lo, ăn đi. Chúng tôi ngồi vào một bàn trống. Có mười phút thôi đừng chần chờ nữa, còn nhiều việc phải làm lắm. Tôi biết. Bên phổi, tim và truyền nhiễm đã đến xem bệnh chưa? Rồi, tôi thấy họ vào trại có lẽ họ đã cho ý kiến vào hồ sơ rồi, nè... anh nói có cách giúp tôi mà. Ờ, đương nhiên có cách, nhưng còn tùy kết quả thử máu kể từ bây giờ, mấy lần trước cô làm hư hết rồi. Tôi sẽ gắng sức. Được, nếu kết quả diễn tiến tốt như dự định thì đâu có ai bắt cô báo cáo con số từng giờ. Linda sáng mắt ra, cô nhìn tôi với ánh mắt chứa chan tình cảm và khâm phục. Chúng tôi vừa ra khỏi nhà ăn, Tom chạy vào gặp tôi ngay cửa. Tao định gọi mầy đây. Có bệnh mới hả? Ừ, một ông già đau bụng đi cầu ra máu. Mày đã gặp bệnh rồi à, tôi hỏi. Tom gật đầu, tao đã làm xong thủ tục, bây giờ mầy qua phòng cấp cứu đi. Còn Linda, mọi việc ra sao? Tom vừa hỏi vừa nhìn cô soi mói. Linda ấp úng chưa kịp trả lời. Tôi đáp, cô làm việc tốt lắm. Linda nhìn tôi tỏ vẻ cám ơn, cô ngần ngại nói, mọi việc được thôi, không có gì lạ. Chúng tôi chia tay nhau ở hành lang. Linda, cô qua bên khu thí nghiệm lấy kết quả thử máu, tôi đến phòng cấp cứu rồi mình sẽ gặp nhau trên trại. Ông già bảy mươi tuổi, đau bụng lâm râm, đi cầu ra máu thỉnh thoảng cả mấy tháng nay rồi. Hôm nay bị nặng ra máu đến mấy lần. Ông được chuyển lên trại phòng số mười bốn. Từ ngày làm việc ở xứ Mỹ tôi chưa hề thấy người ta chia phòng số mười ba bao giờ. Thế thì đêm nay lại không ngủ rồi, ba trại khác đến bàn giao công việc tối nay, mỗi trại một lô việc phải làm. Lại thêm bệnh cũ ở trại, ba bệnh mới vào hôm nay, một tên đường trong máu tăng cao, một tên ói ra máu, và một tên đi cầu ra máu. Bệnh nào cũng phải theo dõi sát không thể lơ là được. Một chiến trường đẫm máu hứa hẹn cho chúng tôi tối nay. Linda mang kết quả thử máu lên. Cô hồi hộp nhìn tôi không chớp mắt. Tăng lên ba mươi giọt một phút, vẫn theo kế hoạch như đã định, tôi kiểm soát lại hồ sơ cũ ở trại, cô qua đặt đường nước vào mạch cho số mười bốn rồi lấy máu làm «CBC», «SMA9», «phosphorous», và bốn bịt máu «type and cross match» sẵn sàng, tôi sẽ gọi bên tiêu hóa báo cho họ biết. Tôi sắp xếp công việc phải làm tối nay. Đặt đường nước vào mạch và làm thử nghiệm máu cho ông Daniel đi soi tim. Kiểm soát lại dưỡng khí, «blood gas», đặt đường nước cho ông Musgrove sẵn sàng cho việc soi phổi ngày mai. Xem kết quả CT Scan sọ não của số một. Coi lại bên ngoại khoa đã làm gì cho vết lở của số hai. Đọc phim quang tuyến X ngực của số bảy xem tình trạng viêm phổi đã khá chưa. Qua phòng hai mươi cho ông bệnh lao biết kế hoạch trị liệu và lý do phải ở phòng riêng. Đến số năm xem ông ta còn trên giường hay té lăn quay trên sàn lại sinh ra lắm chuyện. Còn bệnh mới số bốn phải kiểm soát nước hút bao tử đã sạch chưa? Theo dõi mức độ hồng cầu sụt đến đâu, truyền máu xong phải thử lại, chuẩn bị cho chuyện soi bao tử ngày mai. Và số mười bốn mới vào, phải theo dõi máu mỗi bốn giờ, truyền máu và kiểm soát mức độ hồng cầu, đọc phim quang tuyến bụng, sửa soạn để soi ruột. Cuối cùng số mười, chúng tôi phải theo dõi thử nghiệm máu mỗi hai giờ, nếu tạm ổn, mỗi bốn giờ, điều chỉnh mức nước biển truyền và thuốc. Bao nhiêu chuyện đó trên trại tôi phải chạy như điên suốt đêm chưa kể chuyện tôi phải làm bao cho các trại khác. Bốn thử nghiệm máu theo dõi diễn tiến bệnh, ba việc đâm ngón tay kiểm soát mức đường trong máu, một «blood gas» và điều chỉnh mức dưỡng khí, một quang tuyến X kiểm soát vị trí ống thông bao tử... Ngoài ra một số rất nhiều việc sẽ xảy ra trong đêm và beeper đã, còn, và sẽ reo đinh tai nhức óc. Bốn tầng lầu, mấy chục trại, tôi phải chạy như điên cuồng trong đêm. Ngộp thở, đau ngực, đau bụng, té xỉu, thậm chí cả chuyện nhức đầu, mất ngủ, táo bón họ cũng gọi tôi liên miên quyết không tha. Thêm vào đó, việc sút đường nước biển truyền là cả vấn đề nan giải. Vài tên ngủ nằm mơ thấy ác mộng đánh nhau, chỉ cần quơ tay múa chân là dây truyền sút ra ngay. Trong đêm vàng mờ ánh đèn, nhất là với bệnh nhân da đen hay mấy bà mập ú, tôi phải mất cả tiếng đồng hồ cặm cụi đặt dường đây là chuyện thường. Trong khi beeper reo gọi liên hồi. Trăm công ngàn việc đổ ập lên đầu. Ba bốn bên «page» mình cùng một lúc thiếu điều muốn tự vận cho khỏe thân. Công việc quay cuồng, dồn dập từ cấp cứu, MICU, trại bệnh bạn, và trại của chính mình. Tôi chạy như điên, làm việc đến phát khùng. Mỗi lần thiên hạ «page» mình, tôi cứ tưởng như đang lảnh từng phát đạn. Thật ác hại, phát đạn nào họ cũng bắn trúng mục tiêu, trúng ngay chỗ nhược. Đến quá nửa đêm, tôi bị «page» đến mấy chục lần. Thân thể tôi tơi tả, rách bươm như cái rổ cũ đã bị xài tận tình. Tôi đi thất thểu trong hành lang. Buổi tối thật yên lặng và trống vắng. Hình như có gió từ đâu luồn vào đến phát lạnh. Tôi nhìn trước, nhìn sau, ngó qua hai bên. Không còn ai quanh đây. Chỉ còn một mình tôi thôi. Tôi cảm thấy mình như tên lính bại trận trơ trọi trên đường vắng. Bệnh nhân đã ngủ yên, mọi người cũng tìm chỗ nghỉ ngơi. Như vậy địch thủ đã rút lui rồi. Lạy trời, xin đừng ai «page» tôi nữa. Phát đạn này chắc là phát cuối cùng kết liễu đời tên bại binh không còn manh giáp. Có lẽ gần sáng rồi. Công việc vơi được hơn nửa. Tôi thấy Linda vừa đi vừa lết trong hành lang. Cô mở phanh áo coat trắng ra. Thân hình cô thật cân đối. Cô đưa tôi bảng kết quả thử máu thật dài. Tôi nhìn Linda, mặt bơ phờ, tóc rối tung. Tôi nghĩ tôi cũng trông chẳng khá hơn gì cô. Linda nhìn tôi, bây giờ phải làm gì? Cô không về nhà sao? Linda lắc đầu. Học trò không cần ở lại suốt đêm, tôi nói. Cô gật đầu, tôi biết, nhưng tôi muốn ở lại tối nay để theo dõi bệnh và tường trình bệnh án cho ngày mai. Cô có chắc còn đủ sức làm tiếp không? Linda cương quyết gật đầu, được mà, nhưng tôi cần phải thay bộ quần áo này ra. Cô biết chỗ phòng trực không? Linda lắc đầu. Phòng trực lại có khoá, để tôi dẫn cô đi. Chúng tôi đi vòng theo hành lang, lấy thang máy lên lầu bốn. Tôi rẽ vào khu trực của bác sĩ, mở cửa phòng. Linda hỏi, phòng anh phải không? Ờ, nhưng chẳng mấy khi tôi được ngủ đâu. Tại sao họ không xếp phòng trực cho học trò? Năm thứ ba như cô đâu cần ở lại đêm. Tôi ở chung phòng với anh đêm nay được không? Được chứ, chỉ sợ cô ngại thôi. Linda bước vào vừa cười, vừa nói. Người lo ngại đó là anh hay là tôi? Tôi chưa kịp trả lời, Linda đã cởi áo ngoài. Tôi bước theo vào trong. Linda kéo luôn chiếc áo rộng lên khỏi đầu. Dưới ánh đèn vàng cả phần trên thân người cô hiện ra lồ lộ. Màu da trắng như ngọc, đôi vú tròn đều vun cao lên, hai núm vú dễ thương màu hồng nhạt còn lắc lư nhịp nhàng. Linda nhìn tôi mỉm cười, cô tiếp tục kéo cái quần tuột hẳn xuống. Cả thân hình cô thôn dài trắng nuột, chiếc quần sì líp đen nhỏ xíu vắt ngang qua mông chỉ vừa đủ che khát khao phần đáng che của nó. Linda chậm chạp lôi bộ quần áo mổ màu xanh rộng thùng thình ra khoác lên người. Cô làm những động tác ấy tỉnh bơ như một đứa trẻ lên năm hay sáu tuổi. Tôi còn đứng tần ngần ngay ngưỡng cửa, Linda quay lại nheo mắt nhìn rồi cúi người hôn nhẹ lên môi tôi. Tôi vẫn chưa rứt ra được trong đầu thân hình Linda trắng như pho tượng vệ nữ. Cô đã nhẹ nhàng bước ra ngoài, vẳng lại tiếng nói nhỏ, tôi xuống trại trước. Tôi gật đầu, mình gặp nhau ở phòng số mười nghe. Tôi chờ ở đó, Linda nói. Gần sáu giờ sáng, công việc đã xong gần hết. Tôi cố nhấc hai chân tê dại lê từng bước về phòng trực. Còn phải kiểm soát kết quả thử nghiệm máu của số mười và điều chỉnh tốc độ nước biển và thuốc truyền. Tôi bước vào phòng số mười. Linda đang ngồi bệt dưới sàn dựa vào thành giường, đầu nghẽo sang một bên ngủ mê mệt. Trên tay cô vẫn còn cầm tờ giấy ghi kết quả thử máu. Các con số đều đi đúng theo ý mong muốn. Tình trạng bệnh nhân đã ổn định rồi. Linda mở mắt ra, lật đật đứng dậy. Tôi nói, thôi mình về phòng ngủ, còn một vài việc đến sáng làm cũng được. Linda gật đầu, tôi cũng nghĩ như vậy. Chúng tôi đi về phía cửa trại, lấy thang máy lên lầu bốn. Linda nói, tôi ngủ chung phòng anh nghe. Tôi gật đầu, nhưng trong phòng trực, chỉ có một giường thôi. Linda cười, một giường cũng không sao nhưng cấm anh không được lộn xộn. Tôi nhìn Linda, cố cười đáp lại, nhưng sự mệt mỏi làm khuôn mặt tôi cứng như chiếc mặt nạ. Linda khoác tay lên vai tôi. Cả hai thất thểu đi về phía phòng trực. Hành lang thật im vắng. Chúng tôi băng qua văn phòng giám đốc. Chung quanh không có tiếng ho, rên rỉ, cho đến cả tiếng chân đi, tiếng nói chuyện. Nếu có chỉ là tiếng beeper thỉnh thoảng réo inh ỏi điếc tai. Vào đến phòng trực, Linda ngã ngay xuống giường, chỉ vài phút tôi đã nghe tiếng cô thở đều đặn. Chung quanh có vẻ bình yên nhưng không biết được bao lâu. Hơn sáu giờ rồi, hy vọng có hòa bình thật sự. Nhưng chỉ vài phút sau khi tôi vừa đặt lưng xuống giường, tiếng beeper kêu inh ỏi, nhức nhối cả tai. Tôi nhấc điện thoại, bấm số. Tiếng Tom từ bên kia đầu dây, xin lỗi đã hơn sáu giờ tao không muốn đánh thức mày. Tôi cười như mếu, không sao, mày khỏi lo chuyện đánh thức tao vì tao chưa ngủ suốt đêm. Tao cảm thấy áy này cho mày, Tom giả lả. Thôi được rồi, có chuyện gì vậy? Tao rất tiếc phải nói, một bệnh mới cho mày. Cái gì, tôi gắt gỏng, bệnh mới cho tao vào giờ này, họ không thể chờ đến tám giờ sáng phiên trực khác sao? Họ neo người bệnh dưới cấp cứu đã mấy tiếng đồng hồ rồi, Tom nói, không thể chờ đến sáng mai được. Tôi bực bội, tại sao không cho vào từ sớm? Tom đáp, họ suy nghĩ mãi không dứt khoát được cho vào hay thả về. Tôi hỏi, mày đang ở phòng cấp cứu phải không? Ờ, tôi buông thõng câu trả lời, tao xuống ngay. Thế là xong một đêm. Ngày mai công việc vẫn đầy ắp. Thêm một ngày làm việc cho đến chiều mai mới được về nhà. Tôi sờ beeper lên lưng quần, còn gần hai tiếng đồng hồ. Lạy trời cho nó đừng kêu nữa. Bên trong giường Linda đang soải chân ngủ mê mệt. Tôi đứng dậy lê từng bước ra ngoài. Hành lang vắng ngắt đến rợn người. Tôi khép hai vạt áo lại. Hai chân đã mỏi rã rời, tôi cố lết từng bước về phía thang máy. Còn một ngày dài làm việc nữa mà. Cố lên.