- Chị khỏe không mà ra đây nằm tình tứ vậy? Nhung nhỏm đầu xoay lại. Hoa đứng lù lù gần đó tự bao giờ, chiếc áo đỏ phản với màu lá non làm nàng chói cả mắt. Tuy không ghét cô em chồng nhưng về cảm mến thì hoàn toàn chẳng có, nhất là mẫu đối thoại rời rạc nhạt nhẽo càng ngày càng đưa đến sự xa cách. Biết Nhung không mấy ưa mình nhưng Hoa vẫn cứ thường xuyên ghé mỗi khi có dịp đi ngang. - Chị không ngủ trưa à? Hoa hỏi lại. Từ lúc thấy Hoa cơn buồn ngủ từ đâu kéo tới. Nhung che tay ngáp nhưng vẫn nói khác: - Ngủ mãi chết thì sao, còn chú Tường đâu không theo hộ tống à? - Anh ấy có tống thì tống chứ chẳng có hộ đâu. Nhung ngồi dậy nhường một phần nhánh cho Hoa. - Hai cô cậu lại giận nhau? Đấy là chưa cưới chứ mai kia tha hồ chén đĩa bay. - Tụi em cứ như mặt trăng với mặt trời, xa thì nhớ mà gần thì cãi nhau ỏm tỏi. - Thì cô bớt mồm bớt miệng lại một chút. Hoa đu đưa cặp đùi chắc nịch làm nhánh cây dùng dình lên xuống như đưa võng. - Chị xem cả ngày em có há miệng nói nửa lời? Nhung mỉm cười ngẫm nghĩ, không nói nửa lời mà toàn phun những nọc độc. Con rắn đâu biết hăm dọa, chỉ biết mổ cái nào cái ấy chí chết. - Nhưng rồi vẫn định tháng tám cưới nhau chứ nhỉ? Hoa chép miệng: - Vâng, cũng đành vậy thôi vì lỡ phóng lao phải theo lao. Hoa làm như bị gả ép không bằng hoặc gái lỡ thời gặp thứ nào cũng ôm vào cho có tấm chồng với người ta. - Nhưng đối nghịch thế lấy nhau về chỉ khổ. Hoa tặc lưỡi ra vẻ người lớn: - Ái tình làm cho con người ta mê muội, đâu phải mình chị mà cả mẹ cũng còn mắng em bảo ngu đần lấy ngữ ấy về chỉ phục dịch suốt đời, nhưng khốn nỗi em lỡ thương thì thôi dẫu khổ cách mấy cũng chịu. Nhung thở dài, lỡ thương có khổ mấy cũng chịu trong khi Tịnh chỉ tỏ thái độ cau có nàng đã muốn thối lui, chạy trốn. Nhung nhìn Hoa thông cảm, lần đầu tiên con người lắm chuyện hay bươi móc những điểm xấu của nàng để về thọc mạch với mẹ chồng đã làm cho nàng cảm thấy gần gũi thân thiện hơn. Có lẽ cùng ở trong một cảnh khổ người ta dễ dàng hiểu nhau và tha thứ. Nhung hỏi bằng giọng cởi mở thân mật: - Tường yêu em chứ hả? Hoa cười hai má đỏ hồng, khuôn mặt đã tròn giờ như tròn thêm: - Dĩ nhiên nếu không yêu tụi em đâu chịu đi đến hôn nhân. Nhung thở dài. Chưa đến hôn nhân thì đời còn đẹp lắm, còn mơ còn xinh lắm. Lỡ cột vào cổ nhau sợi dây thòng lọng rồi thì có thù ghét nhau cách mấy cũng phải ở. Vợ chồng hạnh phúc gì khi mỗi đứa một phòng, tối tối ôm cái gối cho có với người tạ Nhung chợt buồn cười cho thái độ thương vay khóc mướn của mình. Chính nàng tự chọn cho mình chiếc gối ôm, chọn cho mình cuộc sống riêng tư thì oán hờn gì nữa. - Chị ăn không em hái? Hoa chỉ những trái ổi xá lị to bằng nắm tay treo lơ lửng trên nhánh xơ xác lá. - Mới ốm dậy ăn vào nó vật chết tươi. Nhìn trái ổi vừa độ chua dòn, Hoa nuốt nước miếng: - Trái đó mà chấm với muối ớt thì phải biết. - Vào bảo con Tảo nó hái cho. Hoa thòng chân nhảy xuống đất: - Ăn ổi trên cây mới thú, tưởng chị thích thì mình cùng trèo còn không để một con khỉ hái cũng đủ. Hoa cởi giầy, hai ống quần tây xắn cao trên đầu gối và sợi dây lưng cũng được thắt gọn hơn, Nhung bật cười: - Còn hơn chạy loạn Mậu Thân. - Không thế sao có chỗ chứa ổi. - Ổi đâu chẳng thấy coi chừng kiến đen cắn sưng lỗ rốn. - Ôi sợ gì, nó cắn em thì em cắn nó trừ lại. Cái đuôi tóc của Hoa vất qua vất lại khi nó bám vào những nhánh cây và cố sức kéo cái xác nặng nề lên. Tuổi trẻ hồn nhiên vô tư cho Nhung một niềm nhớ thương khó tả. Mới đó mà qua mau, ngày nào Tịnh vẫn còn lọc cọc chiếc Velo Solex cũ mèm xuống nhà nàng. Nhà tuy không có vườn rộng nhưng bố mẹ nàng cũng cố trồng vài gốc mít, vài cây vú sữa trắng và một cây ổi chim. Gọi là ổi chim vì trái nó tròn vo và nhỏ bằng đầu con chim sẻ, trong ruột dù chín đỏ nhưng vị nó chua và thơm một cách kỳ lạ. Cây ổi cũng phải đến 20 năm là ít vì từ hồi dọn nhà đến gốc nó đã to bằng bắp taỵ Nhờ sự chăm bón và thương yêu ra rít của bố mẹ mà nó lớn dần theo ngày tháng để rồi các con của mẹ cứ thế mà được sinh sản ra cả đàn cả đống. Khi Nhung 17 thì gốc nó đã bằng cái thân hình dài ngoằng ốm nhom của Tịnh. Những cành tõe ra và xoè tròn như cây táo dai chi chít những trái. Nó thấp vừa độ nên Tịnh hay cõng lũ em Nhung trên vai để tha hồ bẻ; được trái nào chín mọng chị em nháy cho nhau và dĩ nhiên Nhung là thủ phạm bày đầu dùng mỹ nhân kế nhét ngay vào chiếc miệng tham ăn của Tịnh. Anh chàng khờ khạo chẳng biết mình đang ăn cả kiến lớn kiến bé cứ khoái chí nuốt vội hết trái này đến trái khác cho đến lúc thấy ngứa miệng ngứa môi mới vỡ lẽ. Quê quá hoá liều, Tịnh giận chị em nàng mấy ngày liền không tới. Tịnh ơi, Tịnh ơi, ngày đó xa rồi chắc chẳng bao giờ tìm lại giây phút dễ thương và lý lắc ấy nữa. Giờ có gọt một dĩa ổi thơm ngon dâng đến tận miệng anh cũng chẳng muốn ăn. Mình tuy gần mà lại quá xa, khoảng cách mỗi ngày một dài thêm vì con đường anh chọn ích kỷ độc hành. Mộng thành bõ nhưng bà bõ tham lam sẽ bị đuổi cổ ra khỏi nhà xứ ngay từ hôm đầu chỉ vì muốn độc quyền tôn thờ và giữ cha lt. Buông tay đầu hàng đi Tịnh, gọi cho em... Tùng trở lại phòng với âm thanh lạnh lùng của thần chết: - Bây giờ giở trò khóc ăn vạ để cản lối phải không? Nhung lau vội nước mắt định bước ra khỏi giường bị Tùng xô lại. - Tại sao hỏi không trả lời, khinh thằng này hả? Nhung mím môi không phải vì đau mà để khỏi thốt lời miệt thị. Vợ chồng ăn ở với nhau đâu phải chỉ vì xác thịt, có nhiều người không đủ sức khỏe để chồng thỏa mãn cũng bị xô đẩy thế này sao? - Nói, nói đi tao muốn mày nói. Tiếng Tùng quát oang oang làm các con nàng xớn xác chạy vào. Bé Ngọc thấy mặt mẹ tái ngắt không còn sắc máu sợ quá khóc oà lên ôm vòng qua người mẹ bảo vệ. - Đừng đánh mẹ, đừng đánh mẹ! Ngọc vô tình dẫn đầu cho hai chị cùng oà lên như một cái chợ. Con chim non gặp trời mưa bão chỉ biết rúc vào đôi cánh mẹ tránh những giọt nước lạnh vô tình, khi đói khát chỉ biết cào cấu rách mỏ rách miệng của mẹ; còn các con, con của mẹ có khác nào chim non sao giang đôi cánh che chở? Nhung vòng tay ôm gọn 3 đứa vào lòng hòa cùng nhịp khóc. Tùng vò đầu khổ sở: - Đi hết mau, đi ra ngoài. Con Tảo con Bảy đâu? Nhung thờ thẫn nhìn hai thiên lôi bế xốc con nàng kéo ra ngoài trong tiếng gào thét não nuột. Chúng nghe lệnh Tùng là phải, không nghe là mất việc, là bị đuổi cổ ra khỏi nhà. không nghe thì đâu có cơm ngon áo đẹp mà mặc. Còn mày, mày là vợ sao không biết điều, sao không biết hầu hạ chiều chuộng chồng mày? Sao không lựa lời ăn tiếng nói cho đẹp lòng chồng mày. Sao không giở thói lơi lả để cho nó thỏa mãn mới hầu may giữ được ngôi vị của bà chủ nhà. Tồi, tồi quá Tùng ạ! Tôi không phải là một con điếm anh nghe rõ chưa, dẫu anh có cho tôi một cuộc đời vàng son nhung gấm, một uy quyền hoặc một nhan sắc mỹ miều cũng không thể nào mua được thân xác này thì đừng nói chi đến linh hồn.. Tiếng ầm vang lên theo cánh cửa bị đạp mạnh tưởng chừng nhà cửa rung rinh. Mọi âm thanh ngắt quãng, Tùng nhảy lên như một con thú dữ: - Nói đi, muốn giở trò gì? Ơ hay, cây muốn lặng sao gió chẳng muốn ngừng? Anh chỉ bắt nạt được mấy tên lính chết nhát của anh chứ đừng hòng bắt nạt được tôi. Tụi lính sợ chết nên phải ép lòng dưới sự sai bảo của anh để được ở trong thành phố chứ còn tôi kẻ đã từng đối diện với tử thần thì dẫu có kề họng súng ngay thái dương cũng chẳng hề bị khuất phục. - Ngày xưa lấy tao mày đâu có câm. Nói... nói... Tùng xấn xổ tới xỉa xói đẩy Nhung té ngửa. Hình ảnh cao đẹp ngày nay biến mất, ông thiếu tá Tùng bị vợ tước lon hạ xuống hạng bần cùng trong xã hội. Thì ra xưa nay anh chỉ khác thiên hạ Ở manh quần tấm áo, ở những bông mai mạ vàng mạ bạc trên cổ; cởi ra anh đâu có thua hạng cùng đinh khố rách, nhân phẩm tác phong của anh chỉ bôi nhọ binh chủng. Tôi bị xô ngửa ra giường một cách bất ngờ, không có thế thủ, không có sự chống đỡ thì hành động của anh khác nào kẻ cuồng loạn khi hiếp dâm. Tùng ạ! Nhưng dẫu thế nào tôi vẫn tha thứ cho anh hành động này, ít ra nó cũng làm tôi giảm sự áy náy hối hận trong những ngày dài anh đã vò võ quỳ dưới chân. Đã bao lần tôi thở dài thương xót thân phận làm chồng nhưng không có quyền hành gì ngay cả việc chung chăn gối, bây giờ anh đã đối xử và coi tôi không khác gì loại gái làm tiền đã không làm anh thỏa mãn. Tồi, tồi... dù cho loại điếm nghèo đói cách mấy, cần tiền cách mấy mà gặp khách mua hoa như anh thì cũng phải giải nghệ ngay tức khắc. - Lì hả? Nói, tao bắt mày nói, khóc đi, gào đi con lì lợm. Sao nãy mày gào khỏe lắm cơ mà... Lầm rồi, tôi khóc vì nhớ người tôi yêu, còn anh đáng gì cho tôi phải rơi nước mắt? Như bị say máu, bàn tay Tùng đang là chiếc gọng kềm xiết mạnh nơi quai hàm trong khi tay kia cố kéo banh hai làn da khép kín nơi mí mắt Nhung. Anh muốn tôi phải há miệng để buông lời van xin? Anh muốn tôi phải mở mắt hãi sợ trước uy quyền và sức mạnh của một người chồng vũ phu trước thân thể yếu đuối của kẻ vừa khỏi bệnh? Anh muốn... Nhung không nghĩ được gì thêm nữa vì chiếc áo lụa bị kéo toạc xuống, nguyên mảng vải che trước ngực bị bung rách với vết móng tay cào xước trên làn da trắng tái. Nhung che ngực bằng hai cánh tay và che luôn cả ánh mắt khinh bỉ. - Cho mày hết lì luôn. Tùng ngồi đè lên đầu gối vợ và lấy hết sức mạnh từ đôi bàn tay xé ngược ống quần. Tiếng vải kêu xe xé như người ta xé vải khăn sộ Nhung lạnh người và nước mặt trào ra. - Đạp đi, giỏi đạp tao bẻ gẫy chân. Trông Nhung chẳng khác gì con chão chàng bị lũ trẻ quái ác bắt được đang dần xác cho nhừ tử. Thê thảm quá Tịnh hả, đừng nhìn em trong cảnh huống này cũng đừng xót thương, chắc chắn con chão chàng sẽ không khi nào chết khi bị hành xác mà sẽ chết vì mất tình yêu. - Đạp đi, sao không dám hả, đồ hèn hạ. Để xem tao có quyền làm chồng không? Chiếc quần gài bị giựt đứt nút và kéo tuột ra. Tùng ném vào góc nhà cười điên dại với chiến thắng mới: - Mắc cở à! Đâu phải lần đầu? Mày đã có 3 đứa con rồi cơ mà! Đồ súc vật, anh không phải là con người. Nhung mở to mắt như thu gọn hình ảnh một quái vật mà nàng đã từng ôm ấp bấy lâu naỵ Lầm to rồi Nhung ơi, hắn không xứng đáng làm chồng và cũng chẳng xứng để làm chạ Tội nghiệp các con tôi... Nước mắt Nhung lại ứa ra, nàng nấc từng tiếng nhỏ... và tiếng khóc đã làm Tùng dừng taỵ Con người mà Tùng cho là gớm ghê nằm run rẩy như gà gặp phải cáo. - Tưởng lớm mật chứ ai ngờ cũng chỉ là một hạng đàn bà. Tuy nói cứng nhưng Tùng đã biết mình làm quá lố vì chuyện chẳng đáng gì mà hóa thành lớn. Nếu chưa quen Hạnh chắc chắn cho đến bây giờ Tùng vẫn giữ luận điệu con cá sống vì nước. Tùng không phải là người mau thay đổi nhất là Nhung lại quá toàn vẹn nhưng ít có người đàn ông nào chịu theo đuổi vợ mình kiên nhẫn lâu dài như đã theo đuổi nhân tm của riêng mình... - Chị ăn trái chín này nghe, không ngờ nó ngọt kinh khủng. Hoa đã trở lại với đầy một bụng ổi, nhìn những vệt đỏ cào ngang dọc trên làn da trắng bóc Nhung lắc đầu: - Có bị con "nái" chích không? - Em chích nó thì có chứ nó nào chích được em. Hoa cười khi đưa tay chà vào những vết đỏ trầy trụa. - Nói nghe oai lắm chứ không phải năm ngoái vừa thấy nó nằm một hàng dọc trên lá ổi đã la hoảng lên đến nỗi té xuống đất cái bịch; cũng may ở dưới thấp chớ không thì bỏ mạng rồi. Hoa cười: - Ai ngờ chị nhớ dai đến độ đó. - Tại đè chết mấy cây thu đủ vừa ương mà anh Tùng phải xin hạt giống mãi tận Thái Lan gửi về nên không nhớ cũng không được. Đang nhai ổi bỗng Hoa khựng lại rồi đột nhiên hạ thấp giọng: - Dạo này anh ra sao chị? Nhìn đôi mắt Hoa long lanh một cách lạ kỳ, Nhung nhún vai: - Vẫn vậy. - Không, em muốn nói chuyện giữa chị Liễu đi tới đâu rồi? Nhung quay đi: - Anh ấy rành hơn chị nhiều. Biết Nhung không muốn nói nhưng bản tính tò mò Hoa vẫn hỏi tới: - Em nghe đồn anh chị dạo này găng lắm phải không? - Có gì đâu, vẫn hạnh phúc ấy thôi. - Hạnh phúc mà đêm nào ảnh cũng bỏ đi đến sáng rõ. Nhung không nhìn Hoa nhưng mặt nàng đanh lại: - Đàn ông mà em, hơn nữa chị bịnh hoạn nên đâu thể tàn nhẫn bắt ép chồng rúc ở xó nhà. - Người ta bảo chị còn ghen với Liễu nên không tha thứ cho anh ấy. Nhung cau mày khó chịu: - Người ta là ai mà lắm chuyện quá, chuyện mình không lo cứ lo chuyện thiên hạ. Thôi mình chuyển sang đề tài khác coi bộ hấp dẫn hơn. Hoa đành im nhưng trong bụng vẫn ấm ức vì chưa nói được hết những gì đang muốn nói. Một hồi lâu như nhớ ra chuyện gì, Hoa hỏi đột ngột: - Mẹ bảo em qua đây có chút việc nhờ chị. Nhung thờ ơ không muốn nghe vì quanh đi quẩn lại cũng chỉ dăm ba cái ái tình lăng nhăng vớ vẩn của Tùng. - Mẹ hỏi chị còn tiền cho mẹ mượn ít ngàn để chung hội cho người ta vì tháng này con mẹ Lâm giựt mất hai chân nên mẹ phải đền. Nhung chỉ thoáng nhìn lướt trên mặt Hoa cũng đủ biết cô em chồng đang nói thật hay nói dối. Mỗi khi hai cánh mũi phập phồng là bắt đầu sắp bịa chuyện một cách rất tài tình nhất là chuyện bà phán Ngôn thiếu hụt vài ba ngàn bạc là chuyện không thể nào xảy ra. Tuy nhiên, Nhung vẫn giả vờ như không biết và bằng giọng rất thành thật nàng than thở: - Dạo này chị bệnh liên miên có bao nhiêu tiền đổ cả cho nhà thương; hơn nữa từ hôm bệnh chị đâu dám giữ tiền để mặc anh Tùng chi chế tiền điện nước chợ búa các cái. Nghĩ cũng tội, đàn ông mà phải lo cả đến chuyện nhỏ nhặt ấy. Hoa cúi xuống buộc dây giầy. - Em về thôi, chắc phải chạy qua mợ Thảo mượn đỡ vậy. - Hay ở lại ăn cơm chờ anh Tùng về hỏi xem sao? - Em không chờ được đâu, mẹ cần liền bây giờ mà! Mẹ cần liền mà nãy giờ hai tiếng còn ngồi ở đây, thật đúng dấu đầu hở đuôi. Nghĩ thế nhưng Nhung vẫn vịn nhánh cây nhảy xuống đất. - Vào nhà uống nước đã. - Thôi chị ạ để hôm khác. Nhung làm ra vẻ ân cần: - Thì cũng chờ một chút để chị gửi biếu mẹ ít hoa lài khô về ướp trà. - Ở đâu mà chị lại có nữa? - Đất đai rộng thế này nội đi dọc theo hàng rào hái cả tháng cũng chưa hết. - Con Tảo hái hả chị? - Đâu có đáng gì mà phải nhờ nó. Hơn nữa hái hoa cũng là một cái thú tiêu khiển, mỗi chiều mát chị mang giỏ ra đứng một lát là có cả đến mấy xâu cước. Hoa đưa mắt ra xa nhìn dãy hàng rào trồng bằng cây lài cao đến nửa ngực giọng hơi chút ghen tức: - Em thích trồng lài nhưng mẹ không cho bảo cái mùi làm con người lãng mạn đa tình. - Thành ra ở đây ai cũng như thế? Đầu tiên là anh Tùng rồi tới... Hoa vội đính chính: - Em không nghĩ vậy vì lãng mạn hay không là do mình chứ không phải do ngoại cảnh. Thử hỏi những người thích bơi lội thể thao mà bắt cả ngày ngồi ngoài vườn uống nước trà, ngắm cảnh, làm thơ họ đâu có chịu; cũng như bắt nhốt chị vào nhà bếp hai ngày là chết ngay. Biết Hoa mai mỉa, Nhung cười gượng gạo: - Cô nói quá, việc gì cũng do thói quen, hơn nữa nhà có đầy tớ đứa ở mà lăn xuống bếp làm gì? Dĩ nhiên câu sau cùng Nhung hơi cao giọng vì đã đọc được nét ganh tị của Hoa qua ánh mắt - Sướng thật, ăn rồi chơi không thì sao mà chả xinh đẹp - Lời của bà Phán Ngôn được lập đi lập lại mỗi khi có ai vô tình khen về nàng - Ngay chúng mình già thế này mà ăn không ngồi rồi thì cú cũng hóa tiên - Bà bạn già cũng không kém nên câu chuyện cứ thế nổ như pháo rang. Lấy nhau cả 3 mặt con, dâu mới đã thành dâu cũ tự thuở nào mà họ hàng cứ tiếng bấc tiếng chì vì ganh ghét. Hoa cũng hiểu phần nào khó chịu của Nhung nên đi vòng ra lối trước: - Để hôm khác mẹ xuống lấy, bây giờ em phải đi vì tới giờ hẹn với tụi bạn rồi. Nhung vờ ngạc nhiên: - Không xuống nhà mợ Thảo hả? - Xuống làm gì? Sau câu trả lời chợt thấy mình hớ hênh Hoa khỏa lấp: - Em nghĩ mợ ấy cũng chả có tiền thôi thì lại nhà bạn ngồi tán gẫu vui hơn. Tối mẹ có chửi nhờ chị nói hộ. Nhung ra chiều thương hại gật đầu nhìn Hoa; nó chỉ là thứ thiên lôi chỉ đâu đánh đó. Chẳng hiểu bà Phán Ngôn dò tiền được những gì? Phải chăng mọi đau đớn chán nản thất vọng đang cấu xé? Các con của mẹ hãy tha lỗi nếu một mai mẹ có làm điều gì không phải. Hãy ráng sống tự lập và cứng cỏi vươn cao như cây tùng cây bách, đừng như mẹ chỉ là một thứ tầm gửi chuyên náu nương sống nhờ vào vật khác. Tự dưng Nhung rùng mình, ý tưởng chết chóc hiện đến và cứ thế hơi lạnh tràn ùa đến chạy dọc theo xương sống. Không, ai bảo tôi muốn chết? Kẻ thèm sống chính là tôi, kẻ cần yêu đương chính là tôi và kẻ thèm khát hạnh phúc cũng chính là tôi. Chúa ơi, xin cho con bình tĩnh... Nhung lảo đảo vịn tay vào gốc me tưởng đứng không vững. - Đi đâu vậy cô em? Một tên thuộc loại du thủ du thực rề xe lại cười nham nhở. Nhung hoảng hốt nhìn quanh, phố xá vẫn đầy người qua lại. - Lên xe anh chở về. Nhung khoanh tay ngang ngực theo phản ứng tự vệ. Cũng may một chiếc xe xích lô đạp vừa trờ tới, vội vàng nàng giơ tay ngoắc làm anh chàng cụt hứng văng tục mấy câu sỗ sàng hàm chứa đầy sự tiếc rẻ. Gió mát hây hây, mái tóc Nhung tung bay theo gió như đang phô trương một sắc đẹp tuyệt hảo của Thượng Đế khéo tạc hình trong khi Nhung lại thấy người lạnh buốt. Nàng run rẩy co rút trong chiếc áo lạnh mỏng manh. - Lạnh há cô Bả Để tôi kéo mui phủ. Không thấy khách trả lời nên hắn lười biếng không muốn ngừng xe. - Đi về đâu cô Ba? Ừ! Đi về đâu nhỉ? Đường về nhà Liễu đã bít ngõ, tới đó làm gì cho thêm hổ thẹn. Một đêm dài nằm chết bên vỉa hè nhà người ta chưa đủ sao. Tưởng khách chưa nghe, câu hỏi tiếp tục vang lên. Nhung đáp bừa: - Bến Bạch Đằng. - Bộ tính tự tử hả cô Bả - - Hắn vô tình diễu cợt. - - Nước tháng này lạnh lắm không chừng bị sưng phổi lại tốn thêm mớ tiền thuốc. Đã tự tử ai còn cầu sống để vào nhà thương cho bẽ mặt chồng con. Thằng khùng. Thấy Nhung im lặng tưởng đã đoán trúng tim đen nên hắn đi đến chỗ thiệt tình. - Hay tôi chở cô đi Ông Tạ ăn tô miến gà rồi về. Trời lạnh thế này được cái gì ấm vô bụng là quên chết ngay. Vừa nói hắn vừa buông lỏng chân đạp nghe ngóng. - Vòng lại há cô Ba? Nhung không quay người lại, giọng nàng lạnh và cứng: - Anh còn nói nửa lời sẽ không được đồng nào hết nghe chưa! Miệng nhà quan có gang có thép, miệng kẻ có tiền như một mệnh lệnh đã khóa cứng hai vành môi của anh phu xe. Thỉnh thoảng hắn nghiêng người coi lén nàng, khuôn mặt tái mét mang đầy âm khí làm hắn rùng mình nhưng vẫn phải nín câm. Linh cảm cho những người đón đưa khách như hắn cho biết sẽ có điều không hay xảy ra nhưng thôi tiền là trên hết, không có tiền về nhà bị vợ đay con nghiến. Mình có lòng nhưng kẻ thèm chết đâu có tai. - Tới rồi đó cô Ba, cho tôi xin 200. Tiếng nói phát xuất như ở chốn nào đó làm Nhung giật mình rờ tay trên nệm tìm chiếc bóp. - Sao đâu mất rồi, anh có thấy nó không? Hắn điếng người: - Đùa gì ác vậy cô Ba, không có tiền sao không nói ngay từ đầu? Nhung lắp bắp: - Tôi có mang theo mà nhưng ai lấy mất rồi! Hắn đưa đôi mắt nghi ngờ nhìn Nhung từ đầu xuống đến chân. - Lúc lên xe tôi nào có thấy cái bóp cái sắc gì đâu. Không lẽ mình đãng trí thật sao. Nhung nghệt mặt ra trong khi người phu nhìn chằm chặp vào chiếc áo lạnh trên người nàng, nội cái áo không cũng cả hai ngàn bạc nói chi đến hột xoàn cẩm thạch dẫy đầy. Vững bụng, hắn ung dung lấy thuốc rê ra vấn rồi mồi lửa bập từng hơi dài làm Nhung càng thêm luống cuống. - Cô ngồi đây lâu không tôi chờ cuốc về luôn? - Không, không... Nhung xua tay, ánh đèn điện từ xa chiếu vào những ngón tay đeo nhẫn làm nàng tỉnh trí. Tháo vội chiếc nhỏ nhất ở ngón út Nhung nhét vào tay người phu xích lô: - Anh thông cảm cầm đỡ chiếc này nghe. Hắn không ngờ khách lại ngớ ngẩn đến thế, có phải kẻ sắp chết nên không còn thiết tới của cải? Chiếc nhẫn đáng giá cả 5 ngàn bạc, kẻ có lương tâm như hắn không cho phép làm thế. - Dạ tôi không dám nhận đâu cô Ba. - Vàng thật mà. Nhung ngạc nhiên. - Dạ, nó thiệt nên mắc lắm, hay tôi cứ ngồi đây chờ chừng nào cô trở lại cũng được. Sự tử tế quá độ làm Nhung khó chịu vì bướng bận: - Tôi hẹn với người quen và về chung xe với họ nếu anh không lấy thì thôi vì tôi cũng chẳng có tiền để trả. - Vàng bạc cho mà không lấy là ngu nhưng nó lớn quá không đáng với công của tôi. Hay cô cho tôi biết nhà hôm nào tôi ghé lấy cũng được. Nhung thở ra: - Tôi không có nhà cửa chi hết. Hắn nhìn ra bờ sông cho gió thổi ngược mái tóc đàng trước để khỏi vướng lòa xòa nhưng mắt vẫn không rời chiếc áo Nhung khoác trên người. Cái áo đẹp thật nó bằng một loại lông tơ màu đen bóng mượt, cái áo làm người đàn bà sang trọng bội phần nếu có làn da trắng nuốt, vợ hắn mà được nó thì sung sướng phải biết. Hắn chỉ nhìn thèm thuồng chứ không dám mơ ước vì người thiếu phụ này coi bộ đang trúng lạnh. - Hay là như vầy nhé, anh mang cái áo lạnh của tôi đi bán trừ tiền xe, còn bao nhiêu giữ làm của riêng. Hắn không thể ngờ Nhung đã đọc được ý tưởng của mình nên tuy sướng run miệng hắn vẫn còn đãi bôi: - Trời khá lạnh đó cô không chừng... Nhung cởi vội ra và ném trên ghế xe. - Nếu anh có vợ hãy giữ lại cho chị ấy mặc. Khó kiếm được cái thứ hai vì chồng tôi gửi mua tận bên Pháp. - Dạ cám ơn cô. Chiếc áo nhẹ và xốp như tơ, nó thật hiếm hoi như lời Nhung đã nói, kỷ niệm năm thứ 8 hai người lấy nhau và cũng là kỷ niệm cho những tháng ngày trăng mật. Nhung nhìn theo hơi chút nuối tiếc tuy lòng nàng đang lạnh lùng tưởng hơn thép. Đã hết tình hết nghĩa thì còn giữ làm gì cho ra vẻ hình thức... Gió từ bờ sông thổi vào khá mạnh làm những chiếc dù cây đủ màu sắc bay phần phật. Đầy trong công viên người ta kê bàn ghế cho những thực khách ngồi. Mùi khô mực cháy xém bên những lò than hồng, hàng nghêu sò, hột vịt lộn bày một dọc bốc mùi thơm nực mũi. Nhung nuốt nước miếng và cảm thấy bụng đói cồn cào. Từ chiều đến giờ chưa hột gì trong bụng - Kẻ đi tìm chết mà còn cảm thấy đói khát thì nào đã muốn chết - Nàng vượt qua đám sân cỏ để ra khỏi dãy hàng ăn giữa tiếng huýt gió liên tục của bọn con trai. Xa xa vài cặp ôm nhau tình tứ dưới những rặng dừa rợp lá. Vòng theo bến tàu là những dãy lan can bằng sắt cao hơn ngực nối nhau dài vô tận, trông kiên cố với những chấn song to hơn ngón chân cái nhưng lại toàn lỗ hổng rộng bằng cái thúng để cho những kẻ nào muốn tự tử như nàng chui qua dễ dàng. Đi dọc hết con đường nhỏ tráng bằng ciment, xuống cuối dãy gần đó vài con tàu của Hải Quân chìm khuất trong vùng bóng tối, những gợn sóng theo gió đập mạnh vô mạn tàu ì ầm. Trên tàu không một ngọn đèn cũng không người qua lại, có lẽ là số tàu hư mượn bến để chờ tu sửa. Nhung đứng tựa vào lan can, hơi lạnh từ cột sắt tỏa nhanh thấm qua lòng bàn tay ngấm vội trong người làm nàng rùng mình. Nỗi buồn được dịp loang mau... Hình ảnh Tùng lại hiện ra với lời lẽ sống sượng dơ bẩn, với hành động thô bỉ thú tính, với bộ đồ rách tan nát và những vết bầm, trầy trụa hằn trên da thịt. Người Nhung quay quay, nàng vịn chặt vào thành sắt nghe văng vẳng bên tai như có tiếng con nàng réo gọi. Và rồi khuôn mặt Tịnh chợt đến, đôi mắt buồn và tuyệt vọng. Không, em không muốn chết đâu, Tịnh ơi. Vì khi còn yêu là người ta còn hy vọng để bám víu, còn nghĩ đến nhau là vẫn còn cơ hội để gặp gỡ... - Đủ chưa Nhung đi về thôi. Tiếng nói nghe thật gần nhưng cũng thật xa, Nhung giật mình quay lại để rồi trời đất như quay cuồng, đôi chân nàng qụy xuống và cả khối người lạnh toát ngã đổ trong vòng tay Tịnh.