Chương 8

Nhung ngồi trên ghế xích đu nhìn bóng tối loang gần hết khoảng sân sau. Lũ chim cũng thôi chuyền trên cành để về tổ tìm nơi trú ngụ. Mùi thơm từ trái công chúa đã chín rục tỏa hương ngọt ngào quyện theo gió mát hây hây đùa trên mặt trên tóc và cả trên bộ đồ lụa Nhung đang mặc. Trông nàng cực kỳ quyến rũ ở tuổi xấp xỉ 30, tuổi rực lửa yêu và trưởng thành toàn vẹn. Con ma đói cách đây vài tháng đã biến mất để thay vào đó Nhung của đài các kiêu sa, nàng mảnh như dây tơ, mảnh nhưng không dòn dễ vỡ, cái mảnh của người vừa lẳn da thịt để ôm ấp cho vừa vòng taỵ Chán vạn tên đàn ông nhìn nàng mà không khỏi rung động. Tịnh rùng mình xua đuổi những ý nghĩ quái đản vừa xuất hiện nhưng lại bào chữa ngay vì cho rằng đã là con người ai chả có lúc mềm yếu rung động, chẳng có lúc bị sóng tình dồn dập.
- Mùi trái công chúa thơm quá, thầy có muốn hái một ít mang về nhà không?
Tịnh giật mình vì tư tưởng đứt đoạn đột ngột nên khó trả lời một cách tự nhiên
- Có... Ờ mà không. Lấy làm gì thứ ăn không được đó.
- Nhưng nó thơm.
Nhìn từng chùm treo lơ lửng nhập nhòa ánh sáng, Tịnh nhắm mắt hít một hơi dài cho đầy mùi thơm trong lồng ngực, giọng chàng đã bình tĩnh trở lại:
- Thơm cách mấy mà không ăn được cũng vất đi.
- Vậy chứ hoa huệ hoa lài cũng vứt đi hết sao?
- Hoa chỉ dành cho người thích mơ mộng, còn tôi sống thực tế hơn.
Nhung chỉ một chùm công chúa trên nhánh ngang xà gần chỗ nàng ngồi:
- Thầy hái cho em nhé!
- Sao không bảo chị Tư hái cho.
- Tội người ta, đàn bà con gái mà thầy bảo trèo.
- Đàn ông cũng chỉ có hai chân hai tay như họ thôi.
- Nhưng vẫn khác ở chỗ gan dạ, nhanh nhẹn và ga lăng hơn.
- Thế thì hỏi lầm rồi vì tôi không có những thứ đó.
Nhung bỉu môi trêu chọc:
- Cù lần hèn chi phải đi tu.
- Nghe rồi nhàm quá còn câu nào mới hơn?
- Chẳng lịch sự chút nào.
Tịnh cười:
- Chính vì quá lịch sự nên mới không dám trèo, tôi đâu muốn biến thành khỉ cho các bà ngắm.
Nhung cười dòn, giọng nàng cao lên:
- Trời ơi ngắm thầy được gì? Cứ tưởng "đẹp giai" lắm.
Biết Nhung cố tình đùa ghẹo, Tịnh đứng lên đẩy chiếc ghế mây lùi lại phía sau:
- Chị có dám chắc rằng sẽ không nhìn khi tôi trèo?
- Ai nói dối có tội.
Nhìn chiếc miệng lém lỉnh của Nhung, Tịnh lắc đầu:
- Còn chị nói dối thì sao?
- Em đó hả? - Nhung nheo mắt - Hậu xét, giờ chưa nói được.
- Chỉ bịp được thiên hạ mà thôi.
- Bịp gì đâu em chỉ nói hậu xét. Nếu thầy ngại thì em nhắm mắt ngay tức thời.
Giọng Tịnh chợt trở nên cứng ngắc không một chút cảm tình:
- Làm gì có chuyện tôi trèo lên cây hái trái cho chị.
- Dẫu có thật như vậy thầy cũng đừng nên nói. Phải tế nhị một chút chứ!
- Cứ tế nhị mãi thì khi nào mới tu xong?
Nhung bỏ ghế xích đu đứng cạnh bên Tịnh tay tì lên lan can sắt, mắt nàng đảo nhanh trên những chùm trái đã nhập trong màu tối xẫm.
- Trái công chúa có thể giữ lâu được đến hai tuần mà không hư thối, em muốn hái một ít để trong phòng.
- Từ phòng bước ra sân mấy hồi, không những một mà cả trăm chùm cho chị tha hồ ngửi hít ngập cả buồng phổi.
- Nhưng em thích có cả ban đêm trong giấc ngủ.
- Thì mở cửa sổ.
- Thầy ác.
- Còn hơn làm đầy tớ không công.
- Em sẽ trả công bằng bữa cháo vịt.
- Cứ tưởng cháo vịt quý lắm.
- Hay bánh xèo?
- Để đàn bà ăn cho nó "lịch sự".
Nhung nhún vai:
- Thật khó ưa.
- Thì đừng nhờ nữa.
Nhung quay nghiêng năn nỉ:
- Em nói thật mà, hái cho em đi.
Tịnh tránh đôi mắt tha thiết của Nhung:
- Ơ hay sao đùa mãi thế!
- Em đâu có đùa.
Tịnh lôi Tùng vào để tránh né:
- Lát bảo anh Tùng hái cho.
- Anh ấy rờ phải, mùi công chúa sẽ biến đổi.
- Đôi khi thấy chị trẻ con một cách ngu ngốc!
- Tại ngu ngốc nên cứ đòi mãi một điều người khác không muốn làm.
- Tôi hái thì trái công chúa sẽ thơm hơn lên à?
- Không thơm nhưng ân tình nhiều hơn.
- Người được gọi là ân tình thì không nhờ hái, còn kẻ cò bơ cò bất thì lôi kéo vào.
Nhung tỏ vẻ bực dọc:
- Thầy đừng nhắc đến anh ấy nữa coi.
- Người sống chung với chị cả đời mà bảo không nhắc?
- Tại gặp nhiều quá nên nhàm chán.
Tịnh gật gù ra vẻ hiểu biết:
- Cho nên tôi cũng không nên lui tới nơi này nhiều?
- Em chưa có ý nghĩ đó.
- Chờ chị nghĩ tới thì chó đã cắn nát hai ông chân của tôi.
Nhung định nói gì nhưng rồi nàng im lặng, một hồi lâu mới buông tiếng thở dài:
- Cảnh đẹp và nên thơ như vầy mà mình nói những chuyện đâu đâu.
Tịnh cũng chép miệng:
- Cảnh đẹp hay không do lòng mỗi người, riêng tôi đang nghĩ đến đàn muỗi đói có thể xuất hiện đột ngột và tha cả hai.
Nhung khẽ mỉm cười:
- Em đang cầu mong chúng đến để "tha" mình đi về một nơi không có loài người.
- Lại sắp sửa đi vào mộng?
- Em cảm thấy chán nản nếu cuộc sống này mãi kéo dài.
Tịnh pha trò:
- Vậy thì kết thúc bằng một màn múa kiếm?
- Em không thích đánh nhau.
- Hay uống thuốc chuột?
- Không đến nỗi khiếp nhược như thế.
- Bình thản không muốn, sóng gió cũng không. Tôi chẳng hiểu chị đang muốn gì!
Nhung nhìn Tịnh, đôi mắt thật xa xăm:
- Em chỉ cầu xin một hạnh phúc thực sự.
- Hạnh phúc là do mình tự tạo.
- Nhưng không thể với người em ghê tởm.
Tịnh vẫn không rời đôi mắt Nhung, trông nàng quyến rũ cùng cực ở nét buồn man mác.
- Lại có tâm sự buồn?
Nhung cúi đầu:
- Vâng, như một chén cơm nguội mãi hâm đi hâm lại.
- Kể đi.
- Em không muốn làm thầy phải vướng bận.
- Đã bảo cái thùng rác mà chứa cách mấy cũng không đầy.
Nhung tìm cách tránh né:
- Mình đi dạo một vòng thầy nhé!
- Cũng được nhưng kêu tụi nhóc theo cho vui.
- Thầy không sợ thiên hạ dị nghị?
- Có 3 đứa kè kè là đã tự khóa miệng thiên hạ.
- Với những người biết mình đã đành, còn người lạ sẽ cho chúng mình là cặp vợ chồng hạnh phúc nhất.
- Vậy thì thôi, đôi khi dư luận làm phiền toái.
- Theo em nghĩ người sợ dư luận là những người hay làm điều sai trái.
- Sai rồi, dùng tiếng dè dặt thì đúng hơn.
- Cần gì phải dè dặt nếu mình không có tà ý.
Dưới ánh trăng chênh chếch xuyên qua tàng lá, khuôn mặt Nhung vẫn không biến đổi; thật khó đọc được tư tưởng của nàng. Tịnh mò tay trong túi quần tìm gói thuốc lá.
- Chị nghĩ tôi đang có tà ý?
- Không, em chỉ nói thí dụ vậy thôi.
Ánh lửa từ chiếc zipo lóe lên đủ soi rõ nét mặt Tịnh đăm chiêu:
- Đến chị mà còn không hiểu tôi thì nói gì người ngoài. Biết đâu Tùng lại là người nghi ngờ tôi trước tiên.
- Sự thật vẫn là sự thật, cây ngay nào sợ chết đứng.
- Cũng lắm lúc sự thật bị bóp méo.
- Đâu dễ ai bắt nạt được thầy; cho nên nói gì thì nói, chung quy cũng ở một điều mà ra. Tâm đã không muốn thì người ta có hàng vạn lý lẽ. Em nói thật, nếu thầy cố tình chạy trốn em sẽ gọi điện thoại đến chủng viện ngày một.
Tịnh im lặng khuôn mặt đầy vẻ bối rối, điếu thuốc đưa vội lên môi tìm vị đắng, từng vệt khói dài bọc lấy hai người trước khi tan vào không khí.
- Chị tưởng ở chủng viện dễ cho mà gọi lắm đấy!
- Ở đâu thì ở hễ muốn là được.
- Vậy thì cứ tha hồ vì tôi có ở đó đâu.
Nhung ngạc nhiên:
- Em vẫn tưởng thầy phải về bên ấy?
- Ai cho về mà về. Đi tu chứ nào phải đi chợ mà muốn ra thì ra muốn vô thì vô.
- Sao thầy tới đây ngày một?
Giọng Tịnh hơi buồn buồn:
- Tôi được "nghỉ phép" một năm ra ngoài cai thuốc.
- Ai ngờ lại may mắn gặp thầy lúc em đang lang thang bên xóm Liễu ở. Âu cũng là cái duyên.
Nhung vừa nói vừa nhìn từng cụm khói tròn bao quanh người Tịnh.
- Thầy hút thuốc tài ghê mà thổi cũng hay nữa, chắc phải xử dụng lưỡi nhiều hơn môi?
Tịnh lườm Nhung:
- Chẳng nhờ cái gì cả, tại ghiền nên giữ khói lại.
- Sẽ cháy phổi.
- Ôi có phổi đâu mà cháy.
- Em tưởng nhà dòng khó lắm chứ ai ngờ dễ vậy cho ra cả năm trời chỉ vì bệnh ghiền thuốc lá!
- Từ cái ghiền thuốc lá sẽ nảy sinh ra những đam mê khác. Ra ngoài cũng là một sự thử thách.
- Thầy tu dòng nào vậy?
- Đồng Kông.
- Em không tin, sao thầy không mặc áo chùng thâm?
- Đã bảo bị nghỉ phép một năm cơ mà. Gọi là nghỉ phép cho thanh lịch chứ nếu không bỏ được thuốc cũng khó mà trở vộ Chị biết không, tắm mà còn phải mặc quần áo...
Nhung trố mắt:
- Tắm trong phòng có một mình?
- Chứ sao nữa.
- Sao khe khắt vậy. Có ai nhìn thấy đâu?
- Mình nhìn mình đã là điều không nên rồi.
Nhung le lưỡi:
- Eo ơi vậy mà em lại yêu ngay một ông thầy tu, đúng là uổng cuộc đời.
Nhung vuốt lại mớ tóc, điệu bộ như một đứa trẻ:
- Nhưng mà không sao vì ông thầy tu đã phá giới.
- Ai vậy?
- Thầy chứ còn ai, bằng chứng là khói thuốc mỗi ngày một tròn và một đặc thêm. Thầy ơi, đường tu trì còn xa lắm.
Nhìn vẻ hí hửng của Nhung, Tịnh phì cười:
- Còn những 8 tháng nữa để cai cơ mà.
- Em sợ bỏ được thuốc thầy lại đâm ghiền thứ khác còn quá tội.
Mỗi lúc Nhung càng tấn công dồn dập, tuy không quá lộ liễu nhưng vẫn cố tình ngang nhiên coi như Tịnh đã chấp nhận. Tình trường có phải là những cuộc đuổi bắt không ngừng, càng cố trốn chạy thì lại càng bị dõi theo sát bóng? Đôi lúc mệt mỏi Tịnh muốn đứng lại để thách đố kẻ theo đuổi kia nhưng rồi đã biết bao lượt rùng mình sợ hãi vì biết rằng sự chống trả càng ngày càng yếu dần. Thì ra Tịnh cũng chẳng hơn gì những người khác, cũng có quả tim mềm căng tràn nhựa sống, cũng có những hơi thở nồng nàn và có cả sự rung động của xác thịt. Cũng bởi vì thế cho nên càng vùng vẫy thì càng chìm mau trong vùng nước xoáy vì không ai sống mãi trong một thể xác với hai trạng thái khác nhau, một cho con tim sôi bỏng và một cho lý trí bằng những lời cộc lốc cứng ngắc vô tình. Tịnh thở dài chuyển hướng câu chuyện.
- Tối nay Tùng về chứ hả?
- Có lẽ không.
- Đúng là thằng chồng khờ.
Nhung tắc lưỡi:
- Anh ấy chẳng khờ đâu, con người đã để xác thịt lên hàng đầu thì gian hùng số một.
- Đã không ưa thì dưa có dòi.
- Có muốn ưa cũng chẳng được vì cứ vài ba hôm lại trở chứng hành tội em.
- Cũng lỗi tại chị, chuyện vợ chồng ăn nằm với nhau là thường tại sao lại cố tránh né?
- Không tránh né để anh ấy đi long nhong như con heo nọc!
- Hơi độc đoán vì chị nên nhớ trai 5 thê 7 thiếp...
- Thầy đừng bào chữa cho đàn ông bằng luận điệu đó. Theo em nếu không có tình yêu thì mọi hành động đều phát xuất từ lòng ham muốn chiếm đoạt, giả dối và bần tiện.
- Vẫn có nhiều người không yêu vợ nhưng lại làm đầy đủ bổn phận của một người chồng.
- Bởi vậy em mới nói là heo nọc.
- Chị không gột bỏ tư tưởng quá khắt khe thì gia đình sẽ tan vỡ.
Nhung thở dài:
- Có hạnh phúc đâu mà sợ tan vỡ.
Tịnh tỏ vẻ lo âu:
- Rồi chị cứ để cho anh ấy tiếp tục đi như vậy?
- Còn hơn nằm bên nhau gây gổ vì chuyện ấy.
- Ít ra chị cũng phải nghĩ đến gia đình và mấy đứa nhỏ chớ.
- Nhưng em không phải là một con điếm.