Dầu hắn không được bất cứ giải thưởng văn chương nào, không là một tên tuổi gì trong làng văn hắn vẫn cứ là một người may mắn. Nếu không có cách mạng thì mãi mãi hắn sẽ bị ám ảnh là một đứa trẻ bị ruồng bỏ, học hành dang dở, tính cách yếu đuối, chỉ xứng đáng có một thân phận hèn mọn, sống bám vào những ông anh bà chị giầu sang. Như nhiều ông bác, ông chú nghèo hèn sống lẩn khuất trong cái bóng phú quí của dòng họ mà hắn đã được biết. Rồi với cái nghề làm báo trong mấy chục năm hắn đã được tiếp xúc với vô số người, là người cùng thời đã tham gia hai cuộc chiến tranh, một thời hoà bình gian nan vất vả, lại một thời thay đổi cách quản lý kinh tế với bao nhiêu chìm nổi trong mỗi số phận. Non nửa thế kỷ sóng to gió lớn, đất nước nghiêng ngả bởi những rung chuyển từ chân móng nên đã sinh ra mấy lớp người dám ôm mộng cải tạo xã hội, cải tạo thế giới, dám có những ý tưởng táo bạo, những hành động và cách sống vượt khỏi mọi giới hạn của con người. Chính họ là "dưỡng chất trần gian" đã nuôi sống và thay đổi dần dần cái thế giới tinh thần của hắn, xúi giục hắn biết mộng mơ, biết lãng mạn, biết quên cái thân phận tẻ nhạt của mình để hoà nhập vào những thay đổi lớn lao trong số phận cộng đồng. Hắn trở thành người có chí hướng từ đó, dám nghĩ dám viết một cách độc lập từ đó. Nếu kể hết những người đã có ảnh hưởng hoặc thấp thoáng hoặc sâu đậm với hắn trong suốt mấy chục năm thì nhiều lắm, hắn cũng chả thể nhớ, hắn ghi chép đời của nhiều người nhưng chưa bao giờ ghi chép những thay đổi hoặc những sự kiện quan trọng đã xảy ra với mình. Hắn không có thói quen viết nhật ký, nhiều lắm là hắn ghi vội ở rìa trang bản thảo: "Bữa nay Huỳnh sốt cao, rất lo!", "Bữa nay lại cãi nhau với vợ, cô ấy doạ ly hôn, chuyện vớ vẩn mà rất buồn...". Ngay cả chuyện làm sụp đổ một nửa niềm vui và hy vọng của hắn, hắn cũng chỉ ghi vội, vẫn là ở phần rìa trang viết nháp của một truyện ngắn chỉ vừa mới bắt đầu và sẽ không bao giờ hoàn thành: "Thứ Năm, chiều 17 tháng 5 năm 1973, lúc 5 giờ 30 chiều, Huỳnh, đứa con trai yêu dấu của bố đã bị chết đuối ở sông Hồng, năm con vừa tròn 15 tuổi. Con ơi! Bố chết được chăng? Nếu mà bố chết được thay con!!!..." Nhưng những chuyện mới xảy ra trong khoảng ba chục năm trở lại thì hắn còn nhớ. Vì những con người khiến hắn phải xúc động, phải bàng hoàng, có cơ hội để hiểu thêm một khía cạnh u uẩn trong tâm hồn con người, hắn đều viết thành truyện cả, những truyện ngắn, những tạp văn. Những trang viết dành cho bạn đọc cũng là những trang viết dành cho riêng hắn, là những khoảnh khắc hắn đã sống và đã nghĩ, là một phần sống của chính hắn, mỗi dòng chữ là một nhịp đập lúc nhanh lúc chậm của trái tim nghệ sĩ trong hắn trước vẻ đẹp muôn mầu của cuộc đời, là quà tặng không cạn kiệt của đời luôn luôn tỏ ra hào phóng với hắn. Cách đây đã ba chục năm, ở góc đường Phan Ðình Phùng - Phùng Hưng có một bà lão nhặt hoa đại trồng ở các công sở, tãi phơi ở một đoạn hè, vừa chải đầu bắt chấy vừa trông các cánh hoa héo dần, người bà cao, mỏng, tuổi khoảng bảy mươi nhưng tóc chưa bạc nhiều, hai hàm răng nhuộm đen còn nguyên vẹn, đi lại cứng cáp, nhanh nhẹn. Bà lão chỉ vắng mặt có buổi sáng, còn trưa, chiều, tối đều ngồi dưới cái vòm mái rộng của một cơ quan luôn luôn đóng cửa. Từ tạp chí qua đó chỉ vài bước chân, lại có nhiều quán hàng bán trà chén, buổi sáng thì đủ thứ quà gánh cho người đi làm ăn điểm tâm, nên hắn qua lại một ngày rất nhiều lần, nhìn bà lão mãi hoá quen rồi hoá thân vì gương mặt của bà phảng phất giống với gương mặt của mẹ hắn năm bà còn khoẻ ngồi bán trầu vỏ cũng ở một góc đường. Một gương mặt buồn thiu nhưng bình thản, đã coi mọi chuyện sống chết đói no như chả còn liên can tới mình. Lần đầu hắn bắt chuyện với bà cụ là một buổi chiều bà lão đi giao hàng cho một cửa hàng bán thuốc Nam vừa trở về ngồi ăn bún ở một quán hàng bán trà chén hắn vẫn hay ngồi uống. Bà lão ăn bún với muối, ăn bốc mà ăn ngon lành lắm, thoả thuê lắm. Chị hàng nước nhìn bà lão ăn chằm chằm rồi buông một câu: "Nhìn bà ăn cháu ghê cả người". Bà lão nói nhấm nhẳn: "Thế hả?" Chị kia lại nói: "Ăn bún với mắm với riêu chứ ai lại ăn với muối bao giờ!" Một người khác hỏi: "Bà sống một mình à?" Chị hàng nước nói: "Một mình thế nào, bà có những hai anh một chị kia, đều là người đi làm cho nhà nước cả". Bà lão ngừng ăn nói: "Ði làm có lương chỉ có hai anh thôi, còn cô út thì bán rau, chồng nó đạp xe xích lô, con lại đông, nhà nó là túng nhất đấy". Một người nữa hỏi: "Bà không ở với con nào à?" Bà lão đã ăn xong một ký bún, còn nhặt những sợi bún dính vào những mảnh lá dong ăn nốt, xin một chén nước rồi mới trả lời: "Người già trái tính chả ở với ai được cả. Tôi thích ở một mình". Chị hàng nước hỏi: "Nhưng bà vẫn đến thăm các anh chị ấy chứ?" - "Dăm bữa nửa tháng lại đến thăm một nhà, ăn mặc tử tế, nói là vừa ở quê ra, quê tôi ở Bần, ra Hà Nội cũng gần". Hắn hỏi: "Tại sao bà phải làm thế, không ở hẳn với một ai thì ở luân phiên, mỗi nhà ở một tháng chẳng hạn". Bà lão nhìn hắn rồi bảo: "Tôi ăn uống xấu thói lắm anh ạ, sợ con cháu nó cười, sợ nhất là bạn con đến chơi cùng ngồi ăn sẽ cười". Hắn lại nói: "Bà cứ hay lo xa chứ ai dám cười mẹ của bạn?" Bà lão cười nhỏ: "Bạn con không cười nhưng con trai con dâu thì khó chịu lắm. Cứ thấy mặt mẹ là chúng nó lườm, chúng nó gắt, mà mình có làm gì nên tội, chỉ có mỗi cái tội luộm thuộm, bẩn thỉu thôi". Nuôi con lúc trẻ để nhờ con lúc già lúc chết, nhưng lúc già lại bị con đuổi thì sống với ai. Ðã có lần bà lão bán cây lá thuốc Nam nói với hắn: "Ai lo ốm lo chết chứ tôi chả lo một tý nào. Cái tạng tôi đã phải nằm chỉ một hai bữa là chết ngay thôi, người chết vô thừa nhận đã có nhà nước lo, không lo chả lẽ để thối cả hàng phố à, mà con cái lại đỡ phải tiêu một món tiền lớn! Thế chả hơn ư?" Ðã nghĩ cái chuyện thương tâm về một người mẹ có những ba con mà phải sống một mình, chết một mình ở một góc phố rồi mình sẽ quên mau mà lại không quên nổi, lại nghĩ lan man tới mẹ, nếu như không có cuộc đổi đời sợ rằng bà cũng sẽ phải sống như thế, phải chết như thế, đời mẹ đã khổ đời các con chắc cũng khổ, cái ý nghĩ buồn thảm ấy thường len đến khi hắn vừa được in một cuốn sách mới, vừa được đọc một bài báo có lời khen ngợi, hoặc lúc hắn đưa vợ con đi xem một vở kịch chính hắn là tác giả đêm khai diễn, đại để cứ mỗi lần hắn được nhận thêm một vinh dự, bộ mặt buồn thảm của bà mẹ hắn với hai đứa con chưa tới tuổi trưởng thành lại chợt loé sáng trong một khoảnh khắc khiến hắn có gương mặt tư lự như người có lỗi, lại như người có nợ mà chưa thể trả, chưa kịp trả, chính là ở những giây phút ấy bạn bè muốn gần hắn hơn, muốn thương hắn hơn. Gần hai chục năm sau hắn mới viết truyện ngắn Mẹ và các con, viết xong trong lòng hắn cũng vơi nhẹ phần nào. Hắn là người được thời nên hay gặp may nhưng hắn lại thích được trò chuyện với những người thiếu may mắn vì sự đối đầu của họ với những khắc nghiệt của số phận luôn luôn làm hắn mê mẩn. Vả lại cái sức mạnh ẩn giấu trong mỗi con người là vô cùng, cái sức mạnh ấy có thể sánh ngang với thượng đế, nhưng chỉ bộc lộ hoàn toàn khi lâm vào những cảnh ngộ mười phần bế tắc, hoặc là chết hoặc trở thành người mãi mãi không thể bị đánh bại... Hắn là người có tính cách mềm yếu nên thường né tránh những cảnh ngộ phải đối đầu với số phận. Hắn vẫn biết ở đời này những người gặp quá nhiều may mắn thường là những kẻ tầm thường trên mọi lãnh vực: chính trị, kinh tế, văn nghệ, khoa học. Họ đi bằng chân của người khác, nghĩ bằng đầu của người khác, và đã có nhiều người dọn quang mọi chông gai trên đường thăng tiến của họ. Ðừng nghĩ là hay nhá, là dở lắm đấy, khi gặp sự đối nghịch ngoài sự chuẩn bị những kẻ ấy chỉ còn biết khóc thôi. Và con cái họ thừa hưởng một dòng máu loãng, sức chảy lờ đờ chỉ là những kẻ bất túc, chả có mấy ai nên người sau khi đã ăn hết lộc của cha ông. Khi ngồi nói chuyện với một thương binh mù, một vợ ba con làm nhà ở chân động Từ Thức của huyện Nga Sơn, hắn vừa nghe vừa tự vấn mình, hắn sẽ hành động ra sao khi gặp trường hợp ấy. Anh thương binh năm ấy đã ngoài bốn mươi tuổi, là một người đàn ông đẹp trai, vóc dáng cũng đẹp, nói rằng cái năm 1970 anh mới có 20 tuổi, đã có giấy gọi nhập học trường đại học y khoa vì anh đã trúng tuyển với số điểm cao. Cũng dịp ấy xã tuyển thêm quân bổ sung vào số thiếu đã lên đường hồi đầu năm. Trong ban chấp hành xã đoàn thanh niên có ba uỷ viên có tên trong danh sách đi nghĩa vụ quân sự lần ấy thì hai đã xin hoãn với đủ thứ lý do và được chính quyền xã xác nhận nên người đi học đại học phải tình nguyện ra mặt trận để giữ lấy danh dự của một tập thể trước các đoàn viên. Vậy mà những kẻ đã trốn chạy vẫn nhìn thẳng vào mặt bạn bè ở chiến trường trở về như thường, lại còn là ông chủ thuê nhân công, kẻ cho vay lãi. người làm công và kẻ vay nợ đều là lính ở chiến trường trở về với cái ba lô rỗng tuếch, với rất nhiều thương tật trên người. Chả ngượng một tí nào, chả nới tay một tí nào. Giữ được trọn vẹn danh dự một chàng trai thời chiến mới đắt giá làm sao! Trung thành với cách sôngs của mình mới gian nan làm sao! Còn hắn? Ví thử lại là hắn? Hắn sẽ nghiễm nhiên cầm tờ giấy gọi vào đại học ra Hà Nội, chả ai dám ngăn, chả ai dám trách. Dăm bảy năm sau hắn ra trường sẽ là một ông bác sĩ, nhớ lại chuyện cũ, hắn có thể nói: "Cái số tôi cũng gặp may, năm ấy tôi đã thi đỗ nên..." Cái may mắn ấy là vinh hay nhục, là nên khoe hay nên giấu tự hắn phải biết! Truyện ngắn Cặp vợ chồng dưới chân động Từ Thức đã được viết trong sự ăn năm ấy, trong sự ngượng ngùng ấy. Nhưng những mẫu người có sức sống tinh thần mạnh mẽ, phong phú mới thật là những nhân vật gan ruột của hắn. Ðầu những năm 80, lần đầu tiên hắn được về vùng đất huyền thoại Ðồng Tháp Mười mà hắn đã khao khát có ngày được đặt chân đến từ thời kháng chiến chống Pháp. Rồi hắn lại được gặp và trò chuyện dài ngày với một nhân vật đã sống trong cái huyền thoại ấy suoót ba chục năm, không một ngày rời xa, lúc buồn lúc vui, lúc thắng lúc bại, và bây giờ ngồi trước mặt hắn là một ông già chưa tới sáu chục tuổi, gày nhỏ, mỏng mảnh, trong suốt, chỉ còn sức sống ở đôi mắt và giọng nói. Một người trong suốt ba chục năm chỉ hoạt động ở cấp xã, là linh hồn của cuộc kháng chiến chống Mỹ của một rẻo đất bám dọc con kinh Bùi, có tháng nằm trong bưng trong đìa, có tháng phải sống trong hầm, mùa nước nổi vẫn phải sống trong hầm, từ ngực trở xuống ngâm trong nước, từ ngực trở nên tạm gọi là phần khô, thực ra vẫn ướt, vì phải tựa đầu vào bùn mà thở. Ban ngày đứng trong nước, đêm đến vẫn lội trong nước mà hoạt động. Cả mấy tháng không lúc nào khô người, khô tóc, mọi thứ lóong trong người rụng bằng hết, đến da thịt cũng muốn bở tung, chẳng qua chỉ còn một chút máu chảy bên trong nên chưa bị rữa nát mà thôi. Chính ông Mười là người đã chôn súng xuống theo Hiệp định Giơ-neo, lại cũng chính ông moi súng lên để tái vũ trang, có khi phải làm lính của Bình Xuyên, của Cao Ðài để được tự do nổ súng vào quân của Diệm, có lúc lại bới tóc để râu như ông già để sống hợp pháp trong các cuộc đấu tranh chính trị, đêm đến lặn lội đến từng ấp vào từng nhà kêu gọi cán bộ, đảng viên kháng chiến cũ trở lại hoạt động, có người nhận, có người bảo còn phải chờ, có người đóng chặt cửa không tiếp, đang là người thắng bỗng chốc thành người thua, đang làm chủ lại phải đổi chỗ làm tớ, đang kiêu hãnh nhìn lên lại phải ngậm ngùi nhìn xuống, là người thắng đã khó, làm người bại, vì thời thế mà phải chịu bại, còn khó hơn nhiều, lúc hơ người trên lửa, lúc nhúng người trong băng, vớt lên nhồi xuống không biết bao nhiêu bận trong vòng hai chục năm đánh Mỹ. Rồi cơ sở phản, bạn chí cốt đầu hàng, vừa gây dựng được một ấp chưa kịp vui lại bị phá phách cả mấy ấp, buồn chỉ muốn chết. Không thể vui nhưng cũng không được buồn, không nằm im nhưng cũng không được phép manh động khi chưa có lệnh, đầu óc lúc nào cũng căng thẳng những tính toán, việc làm đêm nay, những việc làm bữa mai, những ngày tới, không được sai sót một ly, sai là có đầu rơi máu chảy. Không dám nghĩ tới ngày đất nước hoà bình thống nhất mà ông vẫn còn sống để được thở một hơi rõ dài, được nằm duỗi ra trên bộ ván gỗ, nhắm mắt lại cho từng thớ thịt, từng đường gân giãn ra, mềm lại để lắng nghe đến tận cùng cái im lặng mênh mông của một ngày không có bom đạn, ngày đầu tiên có hoà bình, ngày đầu tiên không phải lo gì cả, không phải nghĩ gì cả. Nhưng đi chơi, nói chơi, nghĩ chơi chưa được mấy ngày ông đã phải khoác khăn gói lên đường sang huyện bạn bên kia con kinh Bùi đối mặt với một cuộc chiến mới, mà kẻ thù vốn là bạn chí thiết đã trở thành một ác bá nắm quyền sinh sát hàng chục ngàn dân đang chết khiếp vì lo sợ bởi những mối quan hệ về thân tộc, về bè bạn, về làm ăn với nhiều người của chính quyền nguỵ. Họ đã phải dâng hiến cho người cầm quyền mới một phần hoặc một nửa gia sản của họ, cả con gái của họ để mong được người chiến thắng quên đi những oán thù cũ. Những việc phức tạp ấy đã có cấp huyện lo, cấp tỉnh lo, việc gì anh phải lo thay? Hắn nói với ông Mười thế. Ông cười buồn: "Họ cũng đang lo những việc của họ, cả việc chung lẫn việc riêng, đã nói nhiều lắm, nói đến mấy năm nhưng chả ai thèm quan tâm, người này đẩy sang người kia, cái sợ của dân vẫn nguyên như cũ, càng ngày càng sợ, ngay cả những người đã trót thổ lộ việc này việc kia với mình cũng mất tăm mất tích sau đó ít ngày. Chính tôi còn phải hãi kia mà!" Cấp trên của họ không lo thì ông sẽ lo, ông là đảng viên mà, đảng viên cộng sản quan tâm đến cả việc thế giới huống là việc của huyện mình, tỉnh mình. Người phá án đi một mình, không có súng, không có cả đồng đội, lại đứng ngoài sáng, kẻ có tội bè đông cánh rộng, giấu mặt trong các chức vụ của kẻ đương quyền mà vẫn hãi ông vì ông có sức mạnh của niềm tin, của lẽ phải và cả cái bản lãnh của hai chục năm hoạt động trong vòng vây của kẻ thù. Ông đã bị bọn giấu mặt ám sát hụt hai lần ngay tại nhà, một lần vào đêm bằng súng, một lần vào buổi chiều bằng lựu đạn, nhưng ông vẫn giấu nhẹm, đến vợ mãi sau mới được biết, cái chuyện đồng chí ám hại nhau có gì là hay mà làm ầm lên. Cuộc chiến ấy đã kéo dài gần mười năm mà chưa kết thúc, cũng chưa biết đến ngày nào mới kết thúc. Nhưng xem chừng ông Mười thua, cái thằng giặc trong nhà ấy mỗi ngày như một đông hơn lên, quyền mỗi ngày lớn mãi ra, nếu để lâu nữa không chừng trung ương cũng phải thua. Ông Mười nói ngậm ngùi: "Cuộc chiến lần này tôi thua là cái chắc, chú Hai à! Tôi thì không thể đánh tiếp được nữa rồi, tôi không mệt, cũng chưa nản nhưng đã lớn tuổi lại bệnh tật rề rề, sống nay chết mai chỉ lo mình chết rồi sẽ giao việc này cho ai? Nếu chú Hai có lòng chú nên thay tôi làm tiếp bằng cái nghề làm báo của chú, được không?". Một năm sau tiểu thuyết Vòng sóng đến vô cùng ra mắt bạn đọc, số lượng in rất lớn: mười ngàn cuốn, nhưng bán chậm, chả có dư luận gì trong giới viết văn, trong bạn đọc và nhất là bạn đọc tỉnh Ðồng Tháp. Hắn cứ buồn mãi, không phải buồn vì cuốn sách không được nổi tiếng mà buồn vì một lần nữa ông Mười lại chìm sâu vào quên lãng chỉ vì cái bất tài của một cây bút. Nhiều năm sau, báo Văn nghệ Ðồng Tháp đăng lại cuốn sách bị quên đó theo kiểu từng kỳ báo, tức là những người đồng hương của ông Mười đã nhận ra nhân vật huyền thoại của quê hương, nhận ra bóng dáng của cha ông và của chính mình qua những trang viết cái tài có ít nhưng cái tình có nhiều, lòng ngưỡng mộ lại nhiều...