tự truyện
Chương 4

Những người cầm bút dễ dàng nhận lỗi, dễ dàng nhận sự phê bình của cấp trên vì việc làm của họ là việc công khai, vua biết mà người dân thường cũng biết. Vua có ý kiến của vua, dân cũng có ý kiến của dân, vua chê nhưng dân khen thì sao? Dân nhiều khi cũng hùa theo tư tưởng chính thống mà chê, vua chê còn có chừng mực vì nghĩ tới sự tôn nghiêm của mình, còn dân đã chê thì chê hết mức, chê tàn tệ, trong lời chê như có cả sát khí của gươm đao. Dầu họ bị oan lại không có cả cái quyền kêu oan nhưng họ vẫn không quá lo lắng, lòng ngay dạ thẳng việc gì phải lo lắng. Hơn nữa họ còn có thời gian kia mà. Chữ nghĩa vẫn còn đấy, vài chục năm sau nó vẫn còn nguyên đấy, thời gian sẽ là người xét xử công bằng nhất, vô tư nhất cái công cái tội của một thời. Chưa hết! Với riêng hắn còn một lý do hết sức quan trọng khác khiến hắn mau mắn nhận lỗi, vui vẻ mà nhận lỗi, nhận lỗi rồi mặt mũi vẫn hơn hớn, chả có tí buồn rầu nào. Là vì cách mạng, nói cho rõ hơn là Ðảng Cộng sản, vốn có ơn sâu nghĩa nặng với riêng hắn. Từ một thằng bé chữ nghĩa một vốc tay, trí khôn dưới mức trung bình, lại có tính nhút nhát bẩm sinh, bị khinh rẻ, bị làm nhục từ trong gia đình, cái ngữ ấy thì làm gì cho nên nếu thời thế không thay đổi. Năm còn ở với mẹ, bố hắn còn nói: "Cái thằng này đầu óc nó làm sao ấy nhỉ?" Mẹ hắn nói buồn rầu: "Nó ngây ngô như thế sợ sau này nuôi thân cũng không nổi nói gì nuôi mẹ". Họ nói trước mặt hắn chứ không phải nói vắng mặt. Hắn còn nhớ như in câu chuyện thoáng qua giữa bố mẹ năm hắn mười hai tuổi, mới từ Hải Phòng lên Hà Nội và thuê một căn gác nhỏ của ngôi nhà 4 bis phố Résident Miribel (Trần Nhân Tông bây giờ). Ba mươi ba năm sau, hắn gặp lại bố và mẹ già tại Sài Gòn vừa được giải phóng khoảng một tuần, bố hắn nghe hắn nói chuyện, nhìn ngắm hắn cả giờ rồi bất thần bảo: "Anh khác thật đấy, khác hoàn toàn, không còn một nét gì giống ngày xưa!" Vài ngày sau có một cuộc gặp mặt một số người trong họ với hắn để nghe hắn nói một số chính sách của các nhà cầm quyền mới. Trong đó có một ông anh con cô con cậu (nhân vật Chương trong Gặp gỡ cuối năm), là bộ trưởng Bộ Quốc phòng của chính quyền Dương Văn Minh, một ông thứ trưởng cũng Bộ Quốc phòng, vốn là đại tá của đội quân vừa bại trận, một ông nguyên là đại sứ của chính quyền cũ, bạn lâu năm của gia đình, một ông anh nguyên là giáo sư trường Quốc gia Hành chánh, có cả bố hắn và vài người khác nữa. Gặp nhau để nhận họ chỉ là cái cớ dễ nói, còn thật bụng họ muốn được xem mặt và tiếp xúc thử với một thằng nhà báo được đào tạo từ một thể chế độc quyền về chính trị và tư tưởng, xem nó nói năng ra sao, lý lẽ ra sao về việc nước, về việc đời để còn liệu cách ứng xử với các đồng đội, đồng chí của nó. Hắn biết ngay cái ý tứ đó từ cái nắm tay lỏng lẻo và cái cười xã giao và hắn cũng sẵn sàng đối trận. Hắn tin là hắn nhập cuộc được, nhập cuộc cũng rất ngọt ngào. Trò chuyện với các giáo sĩ của các niềm tin hắn còn chả ngại huống hồ với mấy ông làm chính trị vốn chả có một niềm tin đích thực nào. Hắn ngồi nghe các vị ấy ca ngợi quân giải phóng cả giờ, nào là nhân từ, nào là độ lượng, là một đội quân có kỷ luật đến kinh ngạc v.v... Hắn chỉ nói các vị khen chúng tôi vừa vừa thôi để sau này khỏi phải chê chúng tôi quá nhiều. Rồi thì trong những tiếp xúc cụ thể người thua vẫn còn nhiều cái để sợ nên dễ hèn, người thắng vì chóng thoả mãn nên dễ kiêu, cái kiêu gặp cái hèn sẽ khó cùng tìm ra một cách làm việc cho nghiêm minh, cho công bằng. Nhiều chuyện không vui sẽ từ đó mà sinh ra. Lúc chia tay ông anh họ nói với hắn: "Nghe các cụ bên ấy bảo thuở nhỏ cậu học hành dang dở, sau này cậu có được ra nước ngoài học thêm không?" Hắn trả lời: "Tôi vẫn học, học trong nước thôi nhưng là học theo cách của tôi". Trong suốt mấy chục năm là nhân viên của các cơ quan tuyên huấn hắn đã được sống với rất nhiều người tài giỏi, và họ đã dạy hắn học, học lại văn hoá, học lại tiếng Pháp, học cả cách đọc và cách viết. Sau này hắn cũng hay bị các ông làm tuyên huấn làm tư tưởng bẻ hành bẻ tỏi truyện này truyện kia của hắn nhưng hắn không hề cãi, cũng chả giận, họ vốn là thầy hắn cả. Nhưng trò thì mỗi năm đi một xa, còn các thầy vẫn đứng nguyên một chỗ, người đã được nhìn xa làm sao thuyết phục được người chỉ quen nhìn gần, nên chỉ còn biết cười và nói: "Tôi sẽ chú ý khi viết những truyện sau". Cũng có ông anh mỉm cười tinh quái bảo hắn: "Tao biết mày không thèm tranh cãi với tao nhưng cái việc phải nói thì tao đã nói rồi. Còn là tuỳ mày...". Nếu ông anh cho hắn được tự do lựa chọn thì hắn xin biết ơn lắm lắm. Lại nói tới tự do trong cái nghề rất cần tự do của bọn hắn. Xưa nay khi ngồi trước trang giấy hắn chưa hề băn khoăn về sự tự do trong lựa chọn đề tài và ý tưởng. Vùng cấm có ít lắm, vả lại mon men quanh vùng cấm cũng có cái thú của nó. Bỏ nó sang một bên thì vẫn còn vô vàn đề tài để mình khai thác, còn vô số vùng đất để mình tự do tung hoành, cái cần nói vẫn cứ nói được, thiếu gì cách nói, càng nhiều trói buộc câu văn càng lắm ý tứ, càng lung linh, càng hay. Hắn tìm được cho riêng mình một vùng trời tự do là do hắn luôn tỉnh táo, biết tự kiểm chế trong cái chừng mực cả cách nghĩ lẫn cách sống, câu chữ dùng cũng chặt chẽ, đắn đo theo kiểu văn tuyên huấn (là nghề ruột của hắn mà) nên mới dành được cho mình sự yên tĩnh cần thiết để làm nghề. Nhưng ngẫm cho kỹ thì được cái hôm nay lại mất cái mai sau. Là một nghệ sĩ đích thực còn phải biết mê muội trong niềm tin của mình, biết đi tới cùng cái yêu và cái ghét, là thứ văn chương rất khó chịu, đôi khi còn rất khó hiểu với người đương thời, và cả một cách sống cũng khó chấp nhận với những người xung quanh. Ngồi nói chuyện với các bậc đàn anh Hữu Loan, Hoàng Cầm, tuy hắn rất ngưỡng mộ tài thơ của các anh ấy nhưng vẫn hơi khó chịu khi tiếp xúc. Ở hắn có cái sạch sẽ, cái chừng mực của một viên chức. Ở các anh ấy có mùi khét nồng, có cả mùi chua gắt của những đời người có lắm nỗi gian truân. Hình như từ nhiều chục năm nay các anh chỉ còn sống trong những mộng tưởng của một tác phẩm mãi mãi chưa hoàn thành, quên hẳn cái đời thời với những luật lệ, những quy tắc cần phải có. Ðúng là quên thật nên người của luật lệ, của quy tắc mới ngỡ ngàng trước những người chỉ còn nhớ những gì mình tưởng tượng mãi mãi còn nguyên vẹn. Họ sống bằng tiềm thức, bằng bản năng nên chữ nghĩa của họ cũng trong suốt, thơ ngây, có sức quyến rũ của cái thế giới mình đã đánh mất. Hắn ngưỡng mộ họ nhưng hắn không thích kết bạn với họ mà họ cũng không thích đánh bạn với hắn, rượu không biết uống, đàn bà không biết yêu, chuyện tục không biết kể, chỉ thích nói chuyện chính trị là cái họ chúa ghét, thế mà là người cầm bút viết văn! Ngay như cụ Nguyễn Tuân là ông thầy trong tâm tưởng của hắn, hắn cũng chỉ đứng xa nhìn ngắm cụ, ngưỡng mộ tài văn của cụ, chứ cũng không muốn làm thư đồng hầu cụ trong một chuyến đi dài. Ở các nhân vật đỉnh cao người thường rất khó nhận ra diện mạo thật của họ, cứ như họ đang sắm vai của một cái "tôi khác", đang làm các giai thoại vặt cho mọi lời nói và hành vi của mình để lưu lại cho hậu thế. Ngay với những người có cùng một dòng máu công chức với hắn, hắn cũng không khoái được gần gũi họ. Những cử chỉ, những lời nói đắn đo, mực thước ở họ khiến hắn chỉ muốn bật cười, chả lẽ hắn lại là người như thế, là nghệ sĩ mà có thể sống nhạt nhẽo đến thế. Nhất là các vị ấy không bao giờ quên họ là đàn anh của hắn trong văn chương, là cấp trên của hắn trong các cấp chức họ đã từng làm hoặc đang làm nếu như hắn trong một khoảnh khắc nào đó muốn làm kẻ ngang hàng. Vậy hắn thuộc loại người nào, là một viên chức đang muốn biến hoá thành một nghệ sĩ tự do, nhưng lắc lư mãi cũng chỉ biến được từng bộ phận, cái đuôi viên chức thỉnh thoảng lại lấp ló lòi ra nếu như bạn bè luận bàn về chính trị tự do quá, luận bàn về đàn bà lỗ mãng quá, cười hét to quá, nói năng tục tĩu quá...
Tức là hắn rất biết hắn, cả cái hay lẫn cái dở, cái gì có thể với tới và những gì mãi mãi chỉ nên đứng xa mà nhìn để giữ được cái thanh thản trong lòng lúc cuối đời. Vậy mà lúc cuối đời hắn lại là một lão già khốn khổ khốn nạn nhất, bao nhiêu vũ khí phút chốc bị tước sạch, chỉ còn lại con người trần trụi, mất mọi niềm vui, mất mọi hy vọng, tự than vãn từ sáng đến tối cho cái số phận không may của mình. Cứ như là chuyện bịa! Nhưng cái tài của hắn làm sao mà bịa được một cảnh ngộ dở khác dở cười lạ lùng đến thế, lại nhận ra một cách cay đắng cái trớ trêu, cái nghịch cảnh của một kiếp nhân sinh. Ðã nghĩ sẽ được nhấm nháp một hoàng hôn yên tĩnh bằng sự chuẩn bị khôn ngoan từ nhiều năm của mình, nào ngờ...