tự truyện
Chương 22

Cuối cùng thì hắn cũng nhận ra hắn là ai rồi. Hắn đã trở thành đàn bà, thành thái hậu từ lâu rồi, tuy hắn chả có một tí quyền hành nào ngoài xã hội nhưng vẫn là một quyền uy tối thượng trong gia đình. Hắn đã trở thành cung nữ của đấng quân vương quyền lực với những vui buồn thất thường, những thưởng phạt tuỳ thích, cả những lời nói thiếu cân nhắc, gặp gì nói nấy với vợ với con và càng ngày hắn càng thích xét nét những việc nhỏ nhặt, cay nghiệt trong cách xử sự, và muốn mỗi lời nói của mình phải là một mệnh lệnh không cho phép ai cãi lại hoặc dám làm ngược lại. Thoạt đầu hắn nghĩ những biến tính đó là một biểu hiện của tuổi già. Nhưng khi tiếp xúc với bạn bè, với Hội nghề nghiệp, với quân đội là quê cũ của hắn thì càng già hắn càng biết cách nhường nhịn, biết ngưỡng mộ những ý định đẹp, những hành động đẹp, biết làm lành với những người vốn ghét mình, biết nhận lỗi và sửa lỗi, biết nghe một cách thản nhiên mọi lời chế giễu hoặc đúng hoặc sai, không giận đã đành mà cũng không thấy cần thiết phải nói lại, cứ như một tu sĩ sắp bước vào cõi "ngộ". Là vì ở ngoài đời hắn vốn lạ với quyền lực, cũng thích nhưng là thích gọi là, không mê, dễ thì nhảy vào chơi, rắc rối quá là nhảy ra liền, cũng có nhớ, có tiếc nhưng cái tính lười cố hữu đã lấp kín ngay lập tức cái khoảng nhớ theo thói quen ấy. Cũng có một lần hắn đã được quyền lực để mắt và cho gọi hầu nhưng hắn đã già mất rồi. Già rồi còn được gọi ra nhận chức phó tổng thư ký Hội Nhà văn, do có chân lãnh đạo một đoàn thể mà được mời ứng cử đại biểu Quốc hội và lại trúng cử Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất nước nhưng hắn không có ý định làm một đại biểu nhân dân chân chính mà chỉ muốn được tiếp tục làm nghề, lấy Quốc hội là một thực tế mới lạ để hắn tìm hiểu và quan sát. Ði họp vài lần hắn mới nhận ra các đại biểu ôm cặp đi họp gánh trên vai họ nhiều trách nhiệm lắm, vì dân hai phần ba, còn một phần ba là vì họ. Vì Quốc hội còn là nơi giao dịch, thương lượng, quyết định nhiều việc mà theo hệ thống các tổ chức nó buộc phải thông qua có khi phải kéo dài cả năm, cả mấy năm. Ở Quốc hội mỗi đại biểu có quyền gặp các Bộ trưởng, các Tổng Cục trưởng, thậm chí gặp cả Thủ tướng tương đối dễ dàng, dễ dàng làm quen, dễ dàng nói chuyện, dễ dàng thỉnh cầu vì họ đều là những đại biểu của nhân dân cả. Có một nữ đại biểu giám đốc một xí nghiệp lớn, khoe với hắn trong một buổi sáng cô đã xin được năm chữ ký tắt của các nhân vật hết sức khó gặp. Hàng ghế của thành phố Hồ Chí Minh là hàng ghế thứ hai và thứ ba sau hàng ghế đầu của các vị lãnh đạo Ðảng và Nhà nước, hắn lại được ngồi ở hàng ghế thứ hai vì hắn là người làm công tác quản lý một đoàn thể. Ngồi ở vị trí đó hắn được tự do quan sát các vị lãnh đạo khi ngồi họp, chả để làm gì cả, chỉ để quan sát thôi. Hắn vốn thích quan sát các nhân vật nổi tiếng trong mọi sinh hoạt bình thường của họ mà. Còn việc thứ hai thì hoàn toàn bất ngờ, hắn trở thành nhân viên chuyển thư của các hàng ghế sau tới tận tay từng vị lãnh đạo ngồi ở hàng ghế trên cùng. Thư của ai hắn không thể biết, chỉ biết người ngồi ở hàng ghế sau bấu vào vai hắn, một lá thư đưa qua vai và một lời dặn nhỏ: "Họ bảo nhờ ông đưa tận tay cụ X.", rồi cụ Y, rồi cụ Z, đưa nhiều lần quá đến nỗi đã có vị quay lại hỏi đùa: "Này, cậu nhận thêm cái việc này hồi nào vậy?" Nếu các vị ấy lại sinh ngờ hắn đã nhận tiền những người nhờ vả thì hắn biết nói sao? Kỳ họp thứ hai của khóa 8, họp cuối năm, hắn có làm quen với một bí thư huyện uỷ tên là K, do sự giới thiệu của một người bạn khác. Ông bí thư này cũng đã từng là quân nhân thời đánh Mỹ, về nhà đi buôn mấy năm rồi mới ra làm việc lại, tuổi ngoài bốn chục, là người nhìn xa trông rộng, cách nghĩ, cách nói rành mạch, quyết liệt, không từ nan bất cứ một việc gì có lợi cho địa phương mình. Ngay trong lần gặp làm quen, anh ta đã hỏi hắn về ông chủ tịch thành phố cũng là trưởng đoàn đại biểu Quốc hội và có ý muốn mời ông chủ tịch một thành phố lớn nhất nước, đông dân nhất nước tới thăm huyện của anh ta vừa để thắt chặt tình đoàn kết Bắc Nam vừa tìm đối tác làm ăn cho huyện nhà. Rồi anh ta cười: "Huyện của tôi cũng là một huyện biết hoà nhập nhanh vào nền kinh tế thị trường bằng các hàng hoá nông nghiệp của mình". Trước khi chia tay ông bí thư huyện còn nhắc lại lời mời, thành tâm lắm, tha thiết lắm. Hắn cũng tình thực nói lại với trưởng đoàn, trưởng đoàn xem lại lịch làm việc những ngày nghỉ họp, nói: "Có lẽ phải đợi kỳ họp sau vậy, những ngày nghỉ tới không có buổi nào rảnh". Hắn nói lại với ông bí thư huyện uỷ quá nhiệt tình với miền Nam, và nhắc lại lời cảm ơn cùng lời hẹn sẽ tới thăm huyện của anh vào kỳ họp sau của ông chủ tịch thành phố. Anh ta liền nhìn hắn bằng cặp mắt trống rỗng rồi hạ một câu khiến hắn phải sững sờ: "Tôi muốn mời ông ấy đến huyện vào dịp này là muốn nhờ ông giúp tôi đưa mấy vạn mét pháo vào thành phố nhân dịp Tết. Chứ sang năm mới đến chơi thì còn chuyện gì để nói!" Hắn đứng chết sững một lúc vì hãi quá, sau đó lại mừng quá. Vì nếu ông chủ tịch lại tin lời hắn tới thăm huyện của K., rồi tiệc tùng, rồi quà cáp, rồi diễn văn và đáp từ về tình anh em ruột thịt giữa hai miền, người lớn hỗ trợ cho kẻ bé, anh lớn hỗ trợ cho em nhỏ, cuối cùng xin ông anh giúp thằng em đưa vài vạn mét pháo phi pháp vào thành phố nhân dịp Tết thì ông anh biết nói sao? Dứt khoát là ông anh sẽ từ chối thẳng thừng, chả nể nang gì một thằng bí thư huyện uỷ mới quen biết đã giở trò láu cá. Sau đó ông sẽ tự hỏi cái thằng nhà văn có vẻ ngốc nghếch kia đã nhận của thằng bí thư huyện uỷ bao nhiêu tiền nếu vụ làm ăn này trót lọt? Nhà văn kiêm cò pháo, hay nhỉ, đẹp mặt nhỉ, có thanh minh cả một khoá quốc hội cũng chả ai chịu hiểu cho! Thế là hắn liền có ngay một phương châm sống sau hai kỳ họp Quốc hội: "Sống là phải cảnh giác, chớ vội tin vào những lời nói quá đẹp mà chết có ngày". Làm đại biểu Quốc hội thì nên đề phòng, chớ có vội tin nhưng là nhà văn thì cứ phải tin, phải yêu, phải hy vọng vào tất cả những ai mà hắn có dịp tiếp xúc, dẫu vẫn biết rành rành những thói xấu của họ, những cái tầm thường của họ. Ðã là con người, lại là người đang sống ở một thời mọi cơ chế bao cấp dần dần bị dỡ bỏ để chuyển đổi tất cả thành hàng hoá, tất cả đều có thể mua và bán một cách tự do dẫu có nhiễm phải thói xấu của nền kinh tế thị trường cũng là chuyện tất nhiên, chuyện bình thường. Nên hắn vẫn viết về cuộc đời của K, trong một truyện vừa Người làng pháo lý thú. Vì K là một mẫu người rất tiêu biểu cho cái thời bây giờ, sỗ sàng, lì lợm, quyết liệt, tháo vát, biết cách tổ chức mọi thứ đang có trong tay thành hàng, thành tiền hết sức thần diệu. Có nghĩa là những người tốt của thời nay, những người có thể làm giầu cho huyện mình, cho tỉnh mình, nhìn cho kỹ cũng có lắm trò ma quỷ, có tính Tuy Kiền lắm. Muốn giữ cho họ khỏi sa vào tội lỗi thì pháp luật phải chặt chẽ, thi hành pháp luật phải nghiêm minh, cơ chế quản lý xã hội phải khoa học, hiện đại, báo chí phải được tự do phát hiện và tố cáo mọi hành vi lừa đảo, tham nhũng, phải dùng những công cụ của thời bây giờ để quản lý những người của thời bây giờ.
Trong suốt một nhiệm kỳ Quốc hội khoá 8 hắn chỉ phát biểu có một lần về những điều bổ sung cho Luật Báo chí. Hắn đề nghị Quốc hội xem xét cho ra báo tư nhân và nhà xuất bản tư nhân để đảm bảo quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản của một xã hội văn minh. Hắn vừa ngồi xuống thì bà T. cũng là đại biểu của thành phố Hồ Chí Minh, nguyên là một nữ luật sư danh tiếng của Sài Gòn trước đây, một thượng nghị sĩ trong phe đối lập với chính quyền Thiệu, đứng lên phản đối liền. Bà nói, đại ý, rằng hắn chưa từng sống trong xã hội tư bản nên mới ngộ nhận là ở đó có tự do báo chí! Không có đâu! Danh nghĩa là báo của tư nhân nhưng nguồn tài trợ thường xuyên để nuôi sống nó luôn luôn là của các tổ chức chính trị, tôn giáo, nghề nghiệp đầy quyền lực. Họ mới là những ông chủ đích thực của tờ báo, quyết định xu hướng chính trị của nó, còn các nhà báo chỉ là những người làm công ăn lương mà thôi. Theo bà, hãy tổ chức những tờ báo hiện có của các đoàn thể thành những cơ quan ngôn luận thật sự có uy tín, có đông đảo bạn đọc cũng đã tốt lắm rồi. Bà vừa dứt lời tiếng vỗ tay đã vỡ ra vang dội và kéo dài khắp hội trường. Bà là một trí thức yêu nước, đi học và hành nghề ở nhiều nước tư bản từ nhỏ tới già nhưng lại có lập trường của một người cộng sản. Còn hắn là đảng viên cộng sản chính gốc lại hùa theo những đòi hỏi của nhiều người được xem là rất đáng ngờ về quyền được ra báo và mở nhà xuất bản tư nhân. Ông chủ quyền lực bắt đầu ghét hắn từ ngày ấy, đã muốn đuổi hắn ra khỏi cơ quan quyền lực từ ngày ấy. Rồi hắn lại ngủ gật nữa. Trong những phiên họp tranh cãi sôi nổi về một từ, một câu trong những điều luật bổ sung của Bộ luật Hình sự, thì hắn ngủ gục, đầu vẫn ngay, lưng vẫn thẳng nhưng đầu óc đã trống rỗng, mờ mịt, người ngồi cạnh phải hích nhẹ hắn mới bừng tỉnh. Một ông nghị gật như các báo vẫn chế giễu các ông nghị bản xứ thời Pháp thuộc. Té ra hắn được vào Quốc hội là do sự hiểu nhầm từ cả hai phía. Phía lãnh đạo thì nghĩ rằng hắn đi nhiều, biết nhiều và cũng đọc nhiều ắt hẳn sẽ có nhiều ý kiến mới lạ để đóng góp với nhà nước. Còn hắn cũng nghĩ do có cơ hội quen biết thêm nhiều nhân vật nổi tiếng của nhiều ngành nghề, lại được tham gia bàn bạc những việc trọng đại của cả nước ắt hẳn sẽ viết được nhiều bài báo rất lý thú như những bài báo đã viết trong năm 1974 chả hạn. Suốt một nhiệm kỳ năm năm, đi về bằng máy bay mỗi năm bốn lượt, lại hai tháng họp Quốc hội, nuôi ăn, nuôi ở, lại chiếm một chỗ ngồi ở cơ quan quyền lực tối cao, rút cuộc hắn chả làm được tích sự gì, nói có một lần lại nói sai, đến một bài báo về đất thép Củ Chi thời đánh Mỹ như hắn đã hứa với bà con ở đó cũng không có nốt. Hắn đã ngượng lắm, lại càng ngượng khi một bạn đồng nghiệp làm tạp chí Người đại biểu nhân dân của Quốc hội hỏi hắn: "Tại sao anh lại ít nói thế nhỉ? Gần hết một khoá Quốc hội mà anh không nói được một câu nào để bọn em nhớ?" Biết nói thế nào nhỉ? Hắn đã ngồi nhầm chỗ, có thế thôi! Chỗ của hắn là quán trọ, bến phà, bến xe, sân phơi hợp tác xã, lán ở của công nhân nông trường, những khu nhà tập thể của gia đình quân nhân, ở bờ ở bụi, nghe đủ chuyện vui chuyện buồn, chuyện hay chuyện dở của thiên hạ, ngứa miệng thì góp vào một đôi câu, sáng gặp bạn trẻ tối gặp bạn già, lúc thì bàn luận nhân tình thế thái, lúc thì nói láo nói lếu về mọi sự ở đời. Một ngày sống thoả mãn, tràn đầy, càng nói càng thông minh, càng nghĩ càng nẩy sinh, lắm điều sâu sắc, chữ nghĩa gọi chữ nghĩa, hình ảnh gọi hình ảnh, dưỡng chất nuôi sống ngòi bút của hắn trong bấy nhiêu năm chủ yếu là ở môi trường đó, chứ có bao giờ ở trong các cuộc họp! Ở các cuộc họp hắn chỉ ngáp thôi, vây vẩy bạc phếch, đứng xa cũng ngửi thấy mùi tanh, còn thả hắn vào nước, nước ao, nước rạch, cống rãnh được tuốt, hắn lại vùng vẫy nhào lộn, vây vẩy sáng loé, môi mép toe toét, tung bọt giỡn sóng, là cá sắp hoá rồng chứ đâu phải là con cá ươn như khi ngồi họp.